Hai Mặt Của Giáo Pháp
The Two Faces of Dhamma
Bhikkhu Bodhi/nguồn: Access to Insight
Nguyễn Văn Hoà chuyển ngữ
Lần đầu tiên đối diện với Phật giáo chúng ta cảm thấy dường như đó là một nghịch lý. Về mặt trí tuệ, Phật Giáo xuất hiện như một điều yêu thích của giới tự do tư tưởng: khiêm tốn, thực tế, không giáo điều, hầu như phù hợp với khoa học trong việc nhận định và phương pháp thực thi. Nhưng nếu chúng ta tiếp xúc với các sinh hoạt Giáo Pháp từ bên trong, chúng ta phát hiện ngay ra rằng nó có một phía khác có vẻ đối ngược với tất cả các giả định về suy luận của chúng ta. Chúng ta vẫn chưa gặp phải những tín điều cứng nhắc hoặc suy đoán mông lung, nhưng chúng ta đã gặp phải lý tưởng tôn giáo về sự từ bỏ, quán niệm và cống hiến; một số học thuyết đối phó với những vấn đề vượt trên sự nhận thức ý thức và tư tưởng; và--có lẽ rắc rối nhất – là một chương trình đào tạo, trong đó niềm tin được coi là một đức tính chủ yếu, hoài nghi được coi là một trở ngại, rào cản và còng chân.
Khi chúng ta cố gắng để xác định mối quan hệ của chúng ta với Giáo Pháp, dần dần chúng ta thấy mình phải đối diện với thử thách là phải tìm cho ra ý nghĩa thật sự của Phật Giáo từ hai khía cạnh dường như không thể dung hoà được: khía cạnh thực tiển hướng về với thế giới lòai người, kêu gọi chúng ta truy cứu và xác minh những điều cần thiết cho bản thân, và khía cạnh tôn giáo hướng về kiếp lai sinh, nhắn nhủ chúng ta xua đuổi mọi nghi ngờ và đặt tất cả niềm tin vào Tăng Lữ cùng Giáo Pháp.
Một phương cách mà chúng ta có thể giải quyết tiến thoái lưỡng nan này là bằng cách chỉ chấp nhận một khuôn mặt của Giáo Pháp là xác thực và từ chối các khuôn mặt khác vì là giả mạo hoặc không cần thiết. Như vậy, với truyền thống Phật giáo thuần thành, chúng ta có thể đón nhận khía cạnh tôn giáo với đức tin và lòng tận tụy, nhưng lách khỏi cái nhìn cứng ngắc của thiên hạ, và khỏi phải trả lời những công kích; hay, với sự biện giải cho Phật giáo hiện đại, chúng ta có thể khen ngợi kinh nghiệm thực tế và khoa học của Giáo Pháp, nhưng gặp phải khó khăn, lúng túng qua khía cạnh tôn giáo. Nhưng phản ánh được tinh thần Phật giáo cao cả thật sự, làm cho rõ ràng rằng cả hai khía cạnh của Giáo Pháp đều có giá trị như nhau và rằng cả hai phải được công nhận. Nếu chúng ta không làm được như vậy, không chỉ chúng ta phải may rủi chấp nhận một cái nhìn sai lệch về giảng dạy, mà sự tham gia của chính chúng ta trong Giáo Pháp còn có thể bị cản trở bởi thái độ lưng chừng và mâu thuẩn.
Tuy nhiên, trở ngại vẫn còn trong vấn đề hòa hợp hai hình thái khác biệt của Giáo Pháp mà không vướng phải sự mâu thuẩn. Để đạt được hoà giải này, và nhờ đó mà bảo vệ được sự phù hợp nội bộ trong quan điểm và thực hành của chúng ta, điểm then chốt chúng tôi đề nghị là cứu xét hai điểm cơ bản: thứ nhất, mục đích hướng dẫn của Giáo Pháp, và thứ hai, chiến lược sử dụng để đạt được mục đích đó. Mục đích là giải thoát khỏi mọi đau khổ. Giáo Pháp không nhằm cung cấp cho chúng ta thông tin thực tế về thế giới, và vì thế, dù có thể tương đương với khoa học, nhưng mục tiêu và mối quan tâm của Giáo Pháp có sự khác biệt hẳn hòi với khoa học. Chủ yếu và bản chất, Giáo Pháp là một con đường dẫn đến tự do tinh thần, để giải thoát khỏi vòng luân hồi của sinh tử và đau khổ. Giáo Pháp được ban bố cho chúng ta như là phương tiện giải thoát không thể thay thế, Giáo Pháp không phải chỉ tìm kiếm một sự đồng ý về trí tuệ, nhưng là để chấp hành một giải đáp ràng buộc hoàn toàn vào tôn giáo. Nó cho chúng ta thấy từ nguồn cội của chúng sinh, và từ đó nó đánh thức lại đức tin, lòng sùng bái và tâm nguyện thích hợp khi mục tiêu cuối cùng về sự tồn tại của chúng ta là mấu chốt.
Nhưng đối với Phật giáo đức tin và lòng sùng bái chỉ là những khích lệ thu hút chúng ta vào đường đạo và giúp cho chúng ta bền tâm trên con đường đạo; chỉ với đức tin và lòng sùng bái thì không thể bảo đảm là đạo pháp sẽ được ban bố. Nguyên nhân chính của sự luyến tiếc và đau khổ, Đức Phật dạy, là do thiếu hiểu biết về bản chất thật sự của sự tồn tại, vì thế trong chiến lược Phật giáo về giải thóat khí cụ chính phải là sự khôn ngoan, đó là kiến thức và là cái nhìn rõ ràng, sáng suốt về mọi việc. Điều tra tường tận và cứu xét ngọn nghành, với tư cách khách quan, là bước đầu tiên hướng về trí tuệ, cho phép chúng ta để giải đáp những nghi ngờ và đạt được một khái niệm về chân lý mà sự giải thoát của chúng ta phụ thuộc vào đó. Nhưng nghi ngờ và hỏi han không thể nào tiếp tục vô hạn định. Một khi chúng ta đã xác định rằng Giáo Pháp là chiếc xe đưa chúng ta đến tự do tâm linh, chúng ta phải bước lên xe: chúng ta phải bỏ lại phía sau các mối do dự và tham gia vào việc tu tập để chúng ta được dẫn dắt từ đức tin đến một tầm nhìn giải thóat.
Đối với những người tìm đến Giáo Pháp để cầu xin một trí tuệ sáng suốt hoặc một sự bình an trong lòng, chắc chắn sẽ có hai hình thái xuất hiện, và một hình thái sẽ luôn mơ hồ. Nhưng nếu chúng ta tìm đến với Giáo Pháp trong ý nghĩa của Giáo Pháp, là cứu cánh để thoát khỏi đau khổ, thì sẽ không bao giờ có hai hình thái xuất hiện. Thay vào đó, chúng tôi sẽ thấy những gì đã có từ khi bắt đầu: khuôn mặt duy nhất của Giáo Pháp, giống như bất cứ khuôn mặt nào khác, đều có hai phía bổ sung cho nhau.