Điều Nào Nên Tin
TT Giác Đẳng giảng
Minh Hạnh chuyển biên
Bấm vào
để nghe thuyết pháp bài giảng A
Bấm vào để nghe thuyết pháp bài giảng B
Qúi vị Phật tử cảm thấy phân vân hoặc hoang mang bởi vì đi đến nơi này nơi kia học, học phương pháp này phương pháp kia, có đôi khi làm cho chúng ta không biết là điều nào thật sự là điều mà Đức Phật dạy và điều nào không phải là điều Đức Phật dạy. Do vậy câu hỏi đầu tiên là: Điều nào nên tin và điều nào không nên tin.
Là một câu hỏi mà để chúng tôi đặc biệt giới thiệu bài kinh Kàlàmà là bài kinh mà Đức Phật trực tiếp để trả lời câu hỏi đó cho chúng ta.
Ở trong câu hỏi thứ hai cũng là một câu hỏi không kém quan trọng là Phật Pháp thật sự dạy những gì.
Có thể nói một điều rằng ở đây chúng ta có quá nhiều sách vở và thường thường mỗi người đều nghĩ rằng Phật Pháp mênh mông, chính vì cái mênh mông đó chúng ta không biết làm thế nào để có một lời xác định rõ ràng Đức Phật Ngài dạy những gì, và chúng ta có bài kinh ở đây dùng để trả lời câu hỏi đó, đó là bài kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật Ngài dạy về Tứ Diệu Đế. Sau cùng là câu hỏi thế nào là hạnh phúc thật sự trong đời sống là một vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng hết sức là then chốt là ai cũng muốn an lạc ai cũng muốn hạnh phúc do đó chúng ta dành thì giờ để thảo luận về ý nghĩa Hạnh Phúc kinh.
Kinh Kàlàmà.
Có một vài gợi ý trong việc đọc kinh Kinh Kalama, thường thường đọc kinh chúng ta hiểu nhưng có một số điểm quan trọng mà chúng ta quên đi không để ý, chúng tôi cố gắng chép một vài nét chính hay là một vài điểm đặc sắc cần nhớ liên quan đến bài kinh và trong những giờ phút rảnh thì qúi vị có thể đọc lại phần này mặc dầu trong giờ giảng chúng tôi có đọc phần này cho qúi vị nhưng qúi vị có thể đem về nhà làm tài liệu đọc lại để nhớ rằng bài kinh đó có mục đích và có giá trị như thế nào.
"Như vầy, một thời Thế Tôn trên đường hoá đạo đến kosala, Ngài cùng với các đệ tử xuất gia đi đến thị trấn của các người Kàlàmà tên là Kesaputta. Người xứ này vốn nghe tiếng đồn tốt đẹp từ lâu về Đức Phật là bậc trọn lành tự mình giác ngộ chứng trí viên mãn v.v...nên khi hay tin Đức Thế Tôn ghé qua thị trấn họ vô cùng hoan hỉ đến đảnh lễ yết kiến. Khi gặp Đức Phật sau khi đảnh lễ Ngài những người Kàlàmà đều nêu lên câu hỏi: "Bạch Đức Thế Tôn, có nhiều vị tu sĩ vị giáo sĩ đến đây để đưa cao quan điểm pháp môn của mình và chê bai miệt thị những phương pháp tu tập của những vị khác, đối với những vị này chúng con hết sức phân vân nghi ngờ ai là người nói sự thật ai là người nói sai sự thật"
Những người dân Kàlàmà cũng giống như tất cả chúng ta ở trong đời có được phúc duyên là được sanh làm người có tai có mắt, biết tiếp xúc với người này người khác, đôi khi sống tiếp xúc nhiều và những vị này có một câu hỏi phân vân là ai cũng nói rằng mình đúng, ai cũng nói rằng lời dạy của mình là chân lý thì xin Đức Phật Ngài cho biết sự thật là như thế nào? Câu hỏi đó không phải chỉ là câu hỏi của những người dân Kàlàmà mà là câu hỏi của tất cả chúng ta, chúng ta hãy nghe Đức Phật trả lời như thế nào:
Nghe vậy Đức Phật trả lời rằng:
"Hỡi những người Kàlàmà, các con phân vân là phải nghi ngờ là phải, trong những trường hợp như vậy đương nhiên tạo thành thắc mắc."
Đức Phật đã nói về sự nghi ngờ này một cách rất nhẹ nhàng, Ngài nói rằng: Các con phân vân là phải, nghi ngờ là phải, trong những trường hợp như vậy đương nhiên tạo thành thắc mắc." Qúi vị thỉnh thoảng đọc sách vở cũng như tiếp xúc với một vài tín đồ các tôn giáo, thường thường trong các tôn giáo khác không cho tín đồ nghi ngờ như vậy, cái gì cũng được nhưng không được nghi, nghi tức là đắc tội. Nhưng riêng trong đạo Phật thì Đức Phật Ngài nói rằng điều nào đáng nghi thì chúng ta phải đặt thành câu hỏi chứ không thể tin càn, tin mù quáng có hại hơn là thắc mắc, do đó trong Đạo Phật không có vấn đề nghi là có tội. Nhưng Ngài dạy có những người suốt cuộc đời chỉ biết nghi ngờ thôi, nghe những chuyện mà không biết trúng hay trật, nghe nói như vậy rồi không bao giờ làm cái gì hết thì cái nghi ngờ đó Đức Phật Ngài không khuyến khích. Nhưng nếu nghi ngờ mà đặt thành câu hỏi rồi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó thì Đức Phật Ngài khuyến khích. Như vậy người Phật tử có quyền được hỏi những điều nào không hiểu những điều nào không rõ, có thể tạo thành vấn đề đặt câu hỏi thì điều đó không có gì là có tội hết. Ngày xưa các vị tổ thường nói là "Đại nghi đại ngộ" nghi nhiều thì ngộ nhiều. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta lười hỏi, chúng ta lười suy nghĩ thành ra sự học của chúng ta bị trì trệ hơn là chúng ta có nhiều thắc mắc.
"Hỡi những người Kàlàmà, các con không nên tin những điều gì chỉ vì đó là truyền thuyết, hoặc chỉ vì truyền thống, hoặc chỉ vì được nhân gian đồn đại, hoặc chỉ vì do kinh tạng lưu truyền, hoặc những là lý luận siêu hình."
Những điều này là những điều có sức mạnh làm cho chúng ta tin tưởng nhiều nhất, mình lớn lên ai cũng có văn hoá và thường thường những gì thuộc về truyền thống truyền thuyết thì dễ làm cho chúng ta tin, nhưng qúi vị sẽ thấy rằng với thời gian dài mà có những điều người ta nói mới nghe thì nghe rất có lý phải suy nghĩ rất nhiều thì chúng ta mới có thể đánh giá được điều đó là đúng hay sai.
Cách đây khoảng chừng hai năm chúng tôi đọc một bài báo viết về một di tích rất quan trọng ở bên Trung Hoa đó là Vạn Lý Trường Thành, là một bức thành rất dài do người Trung Hoa xây ở phía bắc nước Trung Hoa để ngăn chặn giặc Hung Nô. Và có một điều rất lý thú là lời đồn khi những phi hành gia lên mặt trăng thì chỉ có một công trình duy nhất của nhân loại được người ta nhìn thấy từ mặt trăng, đó là Vạn Lý Trường Thành, và lời đồn đại này có nhiều người tin như vậy, nhưng bây giờ người ta xác nhận là điều đó là hoàn toàn không có, người ta nói rằng một building lớn ở New York cao cả trăm tầng nghĩa là cao hơn Vạn Lý Trường Thành nhiều lắm mà còn không thấy được, từ ở trên cao bên ngoài không gian nhìn xuống thành phố New York thì chỉ thấy phẳng lì, thì ở trên mặt trăng mà nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành, chuyện đó là không có thật. Vạn Lý Trường Thành nó có dài nhưng không lớn đến nỗi mà chúng ta ra bên ngoài không gian mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên ở đây không biết có ai đã từng nghe nói rằng lên mặt trăng mà nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành không? điều đó trở thành là người này nói cho người kia, người kia nói cho người nọ và tất cả chúng ta dễ dàng cho đó là một cái gì rất đáng tin, chúng ta tự nhiên phải tin cho đến khi có những người có thẩm quyền xác định là chuyện đó không phải thì chúng ta mới hết tin.
Chúng tôi kể cho qúi vị là có một vị Thầy tu lâu ở trong chùa, vì là lớn tuổi và có danh vọng cao nên rất ít người thân cận như bạn bè để chia sẻ tâm sự cho nên vị này chỉ có một con mèo duy nhất thôi, đi ra đi vô đi đâu cũng dẫn theo con mèo, và thường thường mỗi ngày trước giờ tụng kinh nghe chuông ở bên ngoài thì vị này cầm con mèo lên bắt chí cho nó, nghĩa là coi nó có con này con kia thì bắt cho nó, thì các đệ tử thấy vị này mỗi lần mà bắt đầu nghe tiếng chuông gõ tiếng thứ nhất tiếng thứ hai thì đi tìm con mèo, ẵm con mèo lên vuốt ve cho nó, thì mấy người đệ tử nghĩ là vị Thầy tu này có pháp tu đặc biệt hễ nghe chuông là đi kiếm con mèo và như vậy sau khi vị Thầy chết thì tất cả các học trò lại có thói quen là ở trong chùa có nuôi mèo, vị lớn cũng có một con, vị nhỏ cũng có một con, mặc dù không biết có con mèo để làm gì nhưng vì thấy xưa bày thì nay làm như vậy. Đó là truyền thuyết hay là truyền thống. Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên hết sức cẩn thận với điều này, không phải chúng ta là người dễ tin nhưng ở đời có nhiều chuyện quá đi thành ra chúng ta biết không hết, do đó ai nói sao thì mình tin vậy cho khỏe, suy nghĩ tới suy nghĩ lui nó mệt. Nên chi chuyện bình thường chúng ta đã nghĩ trật rồi thì hà huống chi là Phật Pháp những vấn đề tế nhị phải hết sức cẩn thận.
"Các con khoan tin điều gì chỉ do phù hợp với lập trường hay chỉ vì các dữ kiện được đánh giá hời hợt hay chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến."
Đây là một cái gì mà chúng ta phải hết sức dè dặt, "khi thương thì trái ấu cũng tròn, khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo."" Chúng ta có rất nhiều thành kiến. Ví dụ là người Việt Nam, ở Việt Nam mà ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa cái gì của Trung Hoa cũng đẹp hết, và chúng ta xem những gì của người Miên, người Mọi, người Thổ cũng xấu hết. Nhưng thật ra không hẳn như vậy, có cái của người Miên cũng đẹp, người Trung Hoa cũng có cái không đẹp. Hoặc giả là chúng ta có thói quen sài hàng hoá Nhật Bản, chúng ta sống bên Mỹ, và hàng gì mà chế tạo tại Đài Loan hay Trung Hoa thì ai cũng chê hết, hễ cái gì làm tại Nhật Bản thì cái đó mới tốt, mặc dầu chúng ta chưa biết cái đó tốt xấu ra sao, hễ làm tại Nhật Bản là tốt. Nói về xe hơi hiệu Ford đời nào kiểu nào cũng tốt, không hẳn như vậy, xe Ford thì có năm bảy kiểu và những kiểu đó có khi năm này tốt nhưng năm kia lại không tốt, nếu chúng ta đọc ở trong sách thì chúng ta biết rõ điều đó. Chúng ta thường nghe người Việt Nam hay nói rằng mua xe Toyota là tốt hay mua xe Honda là tốt, nhưng thường thường một hiệu như vậy không có nghĩa là tất cả đều tốt, không bảo đảm được. Như vậy chúng ta phải hết sức cẩn thận bởi vì nó phù hợp với lập trường của mình hay phù hợp với những dữ kiện được đánh giá một cách hời hợt.
Có một lần Đức Phật Ngài đang đi du hành với các vị Tỳ kheo thì có hai vị Balamôn, một thầy và một trò thấy Đức Phật và chư tăng đi trước thì hai vị Balamon đó đi theo sau lưng chư tăng, người thầy thì dùng đủ thứ lời để sỉ vả nói xấu Đức Phật và chư tăng: nào là Đức Phật và chư tăng xúi người ta bỏ nhà cửa đi tu không ai lo cho cha mẹ vợ con, ông dùng đủ thứ lời để chỉ trích Đức Phật. Nhưng người học trò thì ngược lại, ông đi phía sau thì ông lại dùng đủ thứ lời để khen, ông nói: như vầy mà tốt thưa thầy, như thế kia là tốt thưa thầy. Thành ra người Thầy thì chê Đức Phật và chư tăng, và trò thì khen. Giả sử như bữa đó chỉ có một người là người thầy chê thôi thì các vị tỳ kheo ở phía sau nghe vậy chắc là buồn lắm, hoặc giả là bữa đó chỉ có ngưòi học trò đi và khen thôi thì những vị đi phía sau chắc là vui lắm. Rồi khi Đức Phật và chư tăng đến chỗ nghỉ vào buổi chiều, các vị tỳ kheo mới ngồi nói chuyện với nhau "hồi trưa này mình đi theo Đức Phật trên đường du hành gặp hai ông thầy, người thì khen người thì chê. Thì Đức Phật Ngài nghe nói như vậy Ngài mới nói rằng "Khi các con nghe người khác khen hoặc chê thì các con khoan hãy vui và khoan hãy buồn, tại vì cái vui cái buồn đó nó làm cho các con không nhận được điều đó là điều đúng hay là điều đó là điều sai." Thành ra cái người mà gạt mình nhiều nhất chính là lập trường của mình, cái người mà gạt mình nhiều nhất chính là định kiến của mình, và cái người gạt mình nhiều nhất chính là sự dễ tin của mình, Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên cẩn thận về điều đó,
Rồi Đức Phật Ngài cũng nói rằng:
"Các con đừng để bị lôi cuốn tin vào điều gì chỉ vì điều đó xuất phát từ nơi có quyền lực hoặc chỉ vì người dạy là vị samôn thầy của mình."
Quyền uy và cương vị đôi lúc cũng có sức thuyết phục rất lớn đối với chúng ta. Cũng như một lần chúng tôi có nghe một câu chuyện là một nhà báo phỏng vấn một vị Bộ Trưởng Tư Pháp của Hoa Kỳ, vị Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết năm rồi ở trong nước Mỹ là tiền buôn bán bạch phiến lên tới 10 tỷ bạc, thì mọi khi chúng ta nghe con số thống kê chúng ta tin liền nhưng vị ký giả này mới hỏi rằng "chúng ta lấy ở đâu ra con số 10 tỷ bạc đó cái chuyện họ buôn lậu cần sa ma túy mà họ cho chúng ta biết giấy tờ đàng hoàng thì chúng ta mới biết được, đây chỉ là con số đoán thôi," thì vị Bộ Trưởng Tư Pháp mới nói như vầy là "cách nay khoản hai năm thì chúng tôi có một thống kê về con số cần sa ma túy mà chúng tôi bắt được thì trị giá khoản 100 triệu dollars, chúng tôi nghĩ rằng ở trong 10 lần buôn lậu thì chúng tôi bắt được một lần ở trong số 100 triệu thì chỉ là 1/10 thôi, như vậy chúng tôi ướt tính là con số buôn lậu lên tới 1 tỷ và từ sự ướt tính hai năm về trước thì chúng tôi nghĩ con số tăng lên thì phải là 10 tỷ." - tất cả đều là ướt tính hết - do vậy qúi vị thấy rằng một người là Bộ Trưởng Tư Pháp mà nói về một vấn đề trong quốc gia mà tất cả đều là sự suy đoán thì chúng ta phải coi chừng, nhiều khi chúng ta đọc báo quen rồi người ta nói rằng năm nay người ta buôn lậu bao nhiêu tiền như thế này như thế kia những con số đó có đôi lúc cũng không được chính xác. Dĩ nhiên nếu nó không phải là vấn đề quan trọng thì chúng ta không cần phải thắc mắc, nhưng mà nếu nó là vấn đề quan trọng thì chúng ta phải cân nhắc.
Hoặc chỉ vì người dạy là vị samon thầy của mình
Điều này có đôi lúc mình cũng có vấn đề. Hồi xưa bên Tàu có một vị thầy, ông có hai người đệ tử, hai người đệ tử này bất hoà nhau vì một chuyện rất là đáng tiếc. Một người đệ tử có người cha đi tắm rồi chết đuối mất xác. Ba ngày sau xác nổi lên thì ông đệ tử kia lại vớt được cái xác đó, mà hai người vốn đã có hiềm khích với nhau thành ra ông này sang xin xác của cha về thì ông kia không cho, ông kia nói rằng: anh phải trả tiền thì tôi mới cho anh mang xác của cha anh về. Thì người có ông cha chết không biết phải làm sao nên tìm đến thầy thì ông thầy nói: "con khỏi lo nếu nó không đưa xác chết cho con thì nó bán cho ai nữa bây giờ." Rồi anh này nghe nói mới yên tâm về nghỉ ngơi không phải lo mua xác chết nữa. Anh kia chờ hoài không thấy anh nọ đến mua xác chết bèn đến thưa với ông thầy là: "con có xác chết con nghĩ là bán có tiền mà không ai đến mua hết." Thì ông thầy mới nói: "Con khỏi lo nếu nó không đến mua thì nó phải mua của ai bây giờ." Nên có đôi lúc thầy bàn thì bàn cái gì cũng được hết, xuôi cũng được mà ngược cũng xong, thì qúi vị phải cẩn thận.
Chúng ta đi qua đoạn khác, đoạn này Đức Phật Ngài đi xa hơn một chút, hồi nãy Ngài khuyên những điều gì nên cẩn thận bây giờ Ngài khuyên rằng những điều gì chúng ta nên tin và những điều gì chúng ta không nên tin .
"Hỡi những người Kàlàmà, khi nào các con tự biết rõ các pháp này là bất thiện, các pháp này có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu tin và làm sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, biết rõ như vậy thì từ bỏ chúng."
Trong một đoạn kinh ngắn này chúng ta sẽ tìm thấy những lời Phật dạy hết sức quan trọng, và những lời dạy từng chữ từng câu kinh ở trong đoạn này nếu chúng ta không nắm vững thì chúng ta sẽ không hiểu rõ giá trị nội dung của bài kinh này.
Ở câu đầu Đức Phật Ngài nói rằng:
"Hỡi những người Kalama, khi nào các con tự mình biết rõ."
Điều tự mình biết rõ rất là quan trọng. Một điều tốt mà chúng ta chỉ tin rằng tốt là do người khác họ nói. Chúng ta tin như vậy cũng giống như con lớn lên trong nhà cha mẹ nói rằng con chưa biết giá trị của đồng tiền, con biết qúi trọng đồng tiền là tại vì cha mẹ dạy, khác với con biết qúi trọng đồng tiền do con làm ra, khi làm bằng mồ hôi nước mắt tự mình biết qúi trọng đồng tiền, thì chuyện đó nó khác hẳn. Đức Phật Ngài luôn luôn khuyến khích một điều là chúng ta là những người đệ tử Phật chúng ta cố gắng một chút tự chính mình học, tự chính mình tu, và tự chính mình hiểu biết. những cái đó nó thuộc về của mình. Nếu điều đó chúng ta cho là tốt là xấu là tại vì người khác họ nói là tốt là xấu thì Đức Phật nói cái đó chưa là của mình. Cũng giống như kiến thức mà kiến thức ở trong sách vở, qúi vị cầm cuốn kinh này lên, chúng ta nói cuốn kinh này là cuốn kinh hay và đọc một lần rồi quên, chúng ta bỏ cuốn kinh qua một bên thì kiến thức vẫn nằm trong sách chứ chưa vô đầu chúng ta, khi nào tự mình học tự mình hiểu đem vào trong đầu thì chúng ta mới gọi là của mình được.
Bây giờ có một hiện tượng mà rất thường thấy là người Phật tử khi quá bận với công ăn việc làm, nhất là những người Phật tử làm ra tiền bạc nhiều, qúi vị nghĩ rằng làm ra tiền rồi cúng vào chùa chứ chưa tu gì hay học gì cho mình, mình chỉ cúng tiền là đủ rồi. Nhưng qúi vị nhớ rằng qúi vị cúng tiền nhưng đó chỉ được có phước bố thí thôi, nếu qúi vị không tự tu không tự học mà chỉ bố thí ra thì chúng ta không được trí tuệ. Không ai tu giùm cho mình hết. Đức Phật Ngài nhắc đi nhắc lại là người khác chỉ là trợ duyên cho chúng ta thôi, Đức Phật cũng chỉ là một vị Thầy, Giáo Pháp là vị Thầy. Khi chúng ta đói chúng ta phải tự ăn mới no được, khi khát thì chúng ta tự uống mới hết khát được, và chúng ta phải tự tu học. Mỗi người chúng ta đều có nỗi bất lực ở trong đời sống, có đôi lúc từ việc nhà việc cửa việc chùa việc chiền việc này việc kia do vậy đời sống tu học của chúng ta có phần trì trệ, và có những người khác họ lợi dụng cơ hội đó, họ nói rằng cứ theo tôi, chuyện tu học, chuyện giác ngộ, chuyện chứng đắc là thầy sẽ lo hết cho, có nhiều Phật tử nghĩ rằng; à mình theo ông Thầy tu như vậy, theo một vị dạy như vậy thì mình không phải bận tâm cố gắng nữa, ông Thầy đó sẽ làm cho mình giác ngộ, ông sẽ tu giùm cho, học giùm cho mình. Đức Phật nhắc chúng ta chuyện đó không có, nếu có ai đó tu giùm cho qúi vị, học giùm cho qúi vị được, kỏ đầu chúng ta, rời đầu chúng ta mà chúng ta giác ngộ được thì Đức Phật là người đầu tiên đã làm cho chúng ta, vì Ngài rất là thương chúng ta, Ngài khuyên chúng ta nên đi con đường tự mình làm mặc dầu nó khó khăn gian nan nhưng mà nó là của mình, thành ra Đức Phật nói rằng
"Các con tự mình biết rõ." và điều tự mình biết rõ rất là quan trọng, "các pháp này là bất thiện, các pháp này có tội, cáp pháp này bị người có trí chỉ trích." là một cái gì mà nó có giá trị lớn lao có thể cả đời chúng ta mới cảm nhận được điều này. Đức Phật Ngài không nói rằng chúng ta đừng nên nghe dư luận, đừng nghe ai nói hết, Ngài không nói như vậy, nhưng Ngài cũng cho chúng ta biết rằng ở trong cuộc đời này cái chê cái khen nó vô chừng lắm, chúng ta làm việc gì cũng có người chê và làm việc gì cũng không vừa lòng hết, và chúng ta nhớ rằng những người khích lệ chúng ta rất là ít, đa phần nếu qúi vị may mắn lắm ở trong nhà có được bà mẹ hiền, may mắn lắm ra đường gặp người bạn tốt, còn những người khác họ phê phán một cách vô tội vạ, họ phê phán một cách vô trách nhiệm, những điều mà qúi vị muốn làm có khi cần khuyến khích thì họ tạt một gáo nước lạnh vào chúng ta làm chúng ta không muốn làm nữa, chúng ta làm lỗi thì họ chỉ muốn chúng ta bị nhục nhã về cái làm lỗi của mình, họ không muốn chúng ta đứng lên. Ở trong đời này không có mấy người có tâm hồn giống như cha như mẹ của mình, chúng ta làm điều tốt thì người ta ganh ghét, không có mấy người khuyến khích khen thật tình để cho chúng ta tiếp tục những thành công của mình, như vậy thì Đức Phật Ngài nói rằng chúng ta nên biết lắng nghe, nhưng mà là nghe những người trí chứ không phải ai chúng ta cũng nghe hết.
Những người trí là những người như thế nào? những người trí là những người khen hoặc chê là tùy theo lợi ích của chúng ta, vì hạnh phúc của chúng ta, chúng ta làm điều quấy vị đó chê nhưng mà không phải chê để cho chúng ta đi xuống.
Có hai cách chê: có những người chê chúng ta, nghe xong thì chúng ta buồn khổ không tha thiết làm cái gì nữa, thì Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên xa lánh những người đó, vì những người đó dù họ có chê đúng đi nữa thì họ cũng làm chúng ta xuống tinh thần mà thôi. Những người nào mang lại cho chúng ta một sự chỉ dẫn những lầm lỗi một cách trung thực xây dựng thật sự thì chúng ta nên lắng nghe. Và khi chúng ta làm điều tốt chúng ta cũng cần được khuyến khích cần được khen thì những người nào khen chúng ta thì người đó phải là người trí. Đức Phật Ngài khuyên như vậy. Điều này một điểm chúng tôi cũng muốn nêu lên là có nhiều vị Phật tử nói rằng vì tuổi của mình hoặc giả là về trình độ của mình hoặc giai cấp điều kiện của mình, mình không được những người bạn tốt, nhiều khi chúng ta không cần bạn tốt, chúng ta cần những người thiện trí, một người Phật tử thuần thành là một người có thể lui tới với năm ba vị Thầy khả kính, thường thường qúi vị có quen biết vị tăng này quen vị tăng kia, sự quen biết không có nghiã là quí vị thân thiết, không cần phải thân thiết, chỉ cần quen biết thôi và lâu lâu qúi vị cần cái gì thì qúi vị hỏi thì chắc chắn lúc nào qúi vị cũng sẵn sàng nhận được lời khuyên cho qúi vị, và điều đó là điều rất là tốt, bởi vì có những người mà họ dám nói và nói một cách trung thực thì đời sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn là chúng ta chỉ có những người hoặc chỉ biết xu hướng với những gì chúng ta làm hoặc là chỉ biết chê bai bài bác để làm nhụt chí của chúng ta. Do vậy Đức Phật Ngài khuyên là các pháp nào mà các bậc trí chỉ trích thì pháp đó nên từ bỏ, "các pháp này nếu tin và làm theo thì sẽ đem đến bất hạnh khổ đau lâu dài." Cái vui và cái khổ trong lòng của chúng ta là điều mà chúng ta nên lắng nghe và đối với Đức Phật thì cái vui cái khổ có giá trị như một thước đo, chuyện nào dù tốt cách mấy mà qúi vị làm mà phiền não thì đừng làm, dứt khoát là không làm nếu việc đó làm phiền não, làm việc nào mà chúng ta cảm thấy an lạc thì nên làm, và chúng ta làm chúng ta biết rằng nó sẽ dẫn đến an lạc thì đó là điều nên làm. Thật ra phần đông chúng ta ai cũng thông minh chỉ cần có một chút lương tri một chút suy nghĩ thì chúng ta có thể biết được hậu quả của nó.
Câu cuối cùng: "Các pháp này nếu tin và làm theo sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau nếu biết rõ như vậy nên từ bỏ."
là Đức Phật khuyên chúng ta nên nhìn theo cách nhìn của nhân quả. Bây giờ để cho vấn để được rõ hơn Đức Phật Ngài đi vào một chút chi tiết.
Ngài hỏi rằng:
"Các con nghĩ thế nào tham sân si khởi nên trong nội tâm người nào sẽ mang lại an lạc hay bất hạnh."
"Bất hạnh, bạch Thế Tôn."
"Hỡi những người Kalama, các con nghĩ thế nào, một người bị tham sân si chế ngự, giết hại sinh vật, lấy của không cho, tà hạnh, nói dối, khiến người khác cùng làm như vậy, thế thì những việc làm đó có mang lại đau khổ và phiền lụy lâu dài không?"
"Thưa có, bạch Thế Tôn"
"Những pháp vừa nói thiện hay bất thiện, có tội hay không có tội"
"Thưa có tội."
"Bị người có trí quở trách hay không?"
"Thưa những điều đó bị người có trí quở trách."
"Nếu tạo những hành động như vậy có đưa đến khổ đau lâu dài không?"
"Thưa có, bạch Thế Tôn"
"Hỡi những người Kalama, chính do ý nghĩa như vậy Như Lai nói rằng hãy khoan tin điều gì chỉ vì truyền thống hay lời đồn đại, mà hãy suy nghiệm kỹ nếu biết điều đó là điều bất thiện thì nên từ bỏ."
Ở đoạn đầu Đức Phật nói cái gốc của cái gọi là bất thiện, có đôi lúc chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều, hình như là ở tông phái nào của đạo Phật cũng nói rằng tham sân si là cội rễ của tội lỗi.
Tham là sự tham lam ham muốn.
Sân là sự nóng giận sân hận.
Si là sự si mê mù quáng.
Sự tham sân si là cội rễ của mọi vấn đề. Và Đức Phật Ngài đi xa hơn "Là các con nghĩ như thế nào một người bị tham sân si chế ngự giết hại sinh vật, lấy của không cho, tà hạnh, nói dối, khuyến khích người khác cùng làm như vậy, thế thì những việc ấy có mang lại đau khổ và phiền lụy lâu dài không?"
Qúi vị là người Phật tử thì qúi vị nên hiểu là một vài chữ trong đạo Phật, khi chúng ta nói rằng ham muốn như ham ăn ham ngủ ham chơi, cái đó cũng gọi là tham. Sân là sự bực bội khó chịu với nghịch cảnh, si là sự tối tăm mù quáng của tâm hồn. Tham sân si là điều tự nhiên, ai cũng có tham sân si hết trừ khi chúng ta đắc đạo chứng quả thì chúng ta mới diệt được tham sân si thôi, thành ra đối với tham sân si đó thì Đức Phật Ngài gọi là phiền não, phiền não là những gì mà làm cho tâm hồn chúng ta không được an vui thơi thới. Nhưng nếu đi xa một chút nữa thì chúng ta sẽ thấy rằng những phiền não đó Đức Phật gọi là bất thiện. Nhưng mà nếu vì những phiền não đó mà chúng ta sát sanh trộm cắp tà hạnh v.v... thì chúng ta gọi là những việc làm bất thiện, những việc làm nào mà hại đến người khác thì chúng ta gọi đó là việc làm ác. Thí dụ là vì lòng tham mà một người lấy của của người khác, lòng tham đó gọi là phiền não, hành động lấy của là hành động bất thiện, nhưng mà nếu hành động bất thiện đó mà tác hại đến những người khác gây đau khổ cho người khác thì chúng ta gọi đó là ác. Như vậy thì ở đây Đức Phật Ngài nói rằng khi một người bị tham sân si chế ngự, tham sân si chế ngự là nói đến mức độ mạnh nó làm chủ hoàn toàn con người chúng ta khi chúng ta làm những việc bất thiện đó. Đức Phật Ngài nêu lên vấn đề là tham sân si là cội rễ và những việc làm như sát sanh trộm cắp v.v... là hành động do tham sân si mang lại, thì Ngài hỏi là:
"Những việc làm đó có mang lại khổ đau phiền lụy lâu dài không?"
"Thưa có, bạch Đức Thế Tôn."
"Những pháp vừa nói là thiện hay bất thiện."
"Là bất thiện"
"Có tội hay không có tội."
" Thưa có tội."
"Bị người có trí quở trách hay không?"
"Thưa những điều ấy bị người có trí quở trách."
" Nếu tạo những hành động như vậy có đưa đến khổ đau bất hạnh lâu dài hay không?"
" Dạ thưa có, bạch Đức Thế Tôn."
Qúi vị thấy rằng ở trong quan niệm về thiện ác Đức Phật Ngài rất giản di, Ngài dạy giản dị đến nỗi mà một người bình thường chúng ta nghe chúng ta cũng hiểu được nếu chúng ta hiểu được điều này mặc dầu nó giản dị nhưng chúng ta nắm rất vững vấn đề, phần trên Đức Phật Ngài nói rằng đừng làm các điều ác.
Chúng ta sang phần thứ hai Đức Phật khuyên chúng ta nên làm các việc lành:
"Hỡi những người Kalama khi nào các con tự biết rõ các pháp này là thiện là vô tội không bị người có trí chỉ trích, nếu nói và làm theo sẽ dẫn tới an lạc thì hãy đạt đến và an trú, các con nghĩ thế nào vô tham vô sân vô si khởi lên trong tâm người nào có mang lại an lạc hạnh phúc không?"
"Bạch Thế Tôn, có"
"Những người với tâm vô tham vô sân vô si không làm các việc giết hại sinh vật, lấy của không cho, tà hạnh, nói dối và khích lệ người khác hãy hiền thiện như vậy, thế người ấy có được hạnh phúc không?"
"Thưa có, Bạch Đức Thế Tôn"
"Hỡi những người Kalama, các con nghĩ các pháp ấy là thiện hay bất thiện?"
"Thưa là thiện"
"Có tội hay vô tội"
"Thưa vô tội"
"Bị người có trí quở trách hay được người có trí khen ngợi?"
"Thưa được người có trí khen ngợi"
"Hỡi những người Kalama, chính do ý nghĩ như vậy nên Như Lai dạy rằng khoan tin việc nào là truyền thống hay lời đồn đại v.v...mà chỉ khi nào tự mình biết rằng đây là điều thiện vô tội được người trí tán thán đưa đến an lạc thì hãy theo đó chứng đạt và an trú."
Ở đây có một điểm mà chúng ta cần lưu ý là khi nói đến phiền não bất thiện thì Đức Phật nói là tham sân si, nhưng khi nói đến gốc của điều thiện thì Đức Phật Ngài dùng chữ là vô tham, vô sân, và vô si, không tham không sân không si. Không tham tức là tánh xả ly không bám víu dính mắc gọi là không tham. Vô sân là trạng thái mát mẻ hoà dịu tâm từ. Vô si là trạng thái sáng suốt. Nhưng cái chữ vô tham vô sân vô si nó ý nhị hơn, thí dụ chúng ta nói là sáng suốt thì nghĩa không rộng bằng chữ vô si, chúng ta nói mát mẻ nghĩa không rộng bằng vô sân, và chúng ta nói không dính mắc cái nghĩa không rộng bằng vô tham. Qúi vị có ngờ một điều không? là nếu một người nào mà buổi sáng buổi trưa buổi chiều mà họ giữ được tâm không tham không sân không si thì là đủ rồi, không cần phải bố thí trì giới, chỉ cần giữ không tham không si là đủ, thành ra giữ tâm hồn thanh thản mát mẻ khó hơn là cái mà chúng ta làm lắp biển vá trời, có nhiều khi chúng ta làm việc thiện xây chùa đúc tượng mà lại dễ hơn là một ngày chúng ta giữ không tham không sân không si.
Có một vị Balamon đến gặp Đức Phật và ông cũng so sánh như vầy, ông nghĩ rằng Đức Phật Ngài là một vị giáo sĩ thì Ngài cũng có những thành tựu lớn trong đời sống nhưng nếu so với vua Ba Tư Nặc thì Đức Phật không hạnh phúc bằng, ý ông Balamon nói rằng Đức Phật Ngài đã bỏ cung vàng điện ngọc để đi tu nhưng nếu nghĩ trở lại thì nó không xứng đáng nếu Ngài là vua thì Ngài hạnh phúc hơn là làm Phật. Thì Đức Phật Ngài có nói một thí dụ rất là đơn giản, Ngài hỏi:
" Vậy chứ này Balamon ngươi nghĩ thế nào, vua Ba Tư Nặc có thể giữ tâm thanh tịnh bảy ngày không?"
Giữ tâm thanh tịnh như vậy không thể nào một vị vua có tam cung lục viện và có quốc gia đại sự mà trong bảy ngày tâm hồn vắng lặng được, quí vị có công việc làm mà giữ tâm hồn thanh tịnh nửa ngày đã là khó rồi. Và rồi Ngài hỏi:
" vua Ba Tư Nặc có thể giữ tâm hồn thanh tịnh sáu ngày không? năm ngày không?, bốn ngày, ba ngày, hai ngày, một ngày không?" rồi Đức Phật hỏi ngược lại là
"Ngươi nghĩ thế nào Như Lai có thể giữ tâm an tịnh một ngày không?, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, Như Lai có thể giữ tâm an tịnh bảy ngày không?"
"Dạ thưa được bạch Đức Thế Tôn."
Thì như vậy ai hạnh phúc hơn ai, do vậy hạnh phúc ở trong đạo Phật có nhiều khi chúng ta gọi là điều thiện vì chúng ta giữ được tâm hồn thanh thản, không tham, không sân, không si, đã là khó rồi, nghe nói thì dễ chứ khó thực hành, có nhiều khi qúi vị đi chùa học Phật Pháp, thọ trì hạnh đầu đà thức trọn đêm làm việc này việc kia thì dễ làm nhưng ở nhà mình giữ từ sáng tới trưa giữ tâm hồn yên tịnh thì không dễ, thường thường chúng ta về chúng ta cần có báo, có TV, cần nói chuyện điện thoại, tiếp xúc việc này làm việc kia, đi mua sắm, như vậy thì chúng ta cần rộn ràng, chúng ta cần bận rộn, chúng ta cần có vui có buồn, khi nào không có vui có buồn thì chúng ta rất là buồn chán.
Phương pháp Đức Phật Ngài dạy chúng ta quán về các việc lành cũng giống như trên là chúng ta cứ đặt ra từng câu hỏi từng vấn đề.
Điều đó nó phát xuất từ vô tham vô sân vô si phải không?
Nếu là phải thì chúng ta phải hỏi rằng: "Điều đó nó khiến cho chúng ta từ bỏ ác hạnh được không?
Được.
Và pháp đó là thiện hay bất thiện?"
Thì chúng ta trả lời rõ ràng "Đó là pháp thiện"
"Có tội hay là vô tội"
thì trả lời rằng: "vô tội"
"Bị người có trí quở trách hay được người có trí khen ngợi?"
"Dạ được người có trí khen ngợi"
Thì Đức Phật Ngài nói rằng:
"Hỡi những người Kalama chính với ý nghĩa như vậy Như Lai dạy rằng khoan tin điều nào chỉ vì truyền thống hay lời đồn đãi, mà chỉ khi nào tự biết rằng đây là điều thiện vô tội được người có trí tán thán đưa đến an lạc thì theo đó chứng đạt và an trú"
Đây là đoạn thứ tư:
"Hởi những người Kalama, vị thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si, sống tỉnh thức với tâm từ ái bi mẫn tùy hỉ hành xả v.v.. đối với chúng sanh khắp mọi phương hướng, người ấy được bốn điều an ủi:
Nếu có đời sau, nếu có kết quả các nghiệp thiện ác thời ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này" đây là an ủi thứ nhất vị ấy có được.
Thứ hai, Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả các nghiệp thiện ác thời ở đây, trong hiện tại, ta tự sống với tâm không oán, không sân, không phiền não, được an lạc" ; đây là an ủi thứ hai vị ấy có được.
Thứ ba, người ấy suy nghĩ rằng Nếu việc ác có làm, nhưng ta không có tâm ác đối với ai cả, và nếu ta không làm điều ác, sao ta có thể cảm thọ khổ đau được" ; đây là an ủi thứ ba vị ấy có được.
Sau cùng, "nếu người ấy biết rõ mình không làm điều gì bất thiện sẽ vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng mình hoàn toàn thanh tịnh tốt đẹp" ; đây là an ủi thứ tư vị ấy có được
"Hỡi những người Kalama đó là bốn niềm an ủi của một người với tâm vô tham vô sân và vô si."
Đây là một đoạn kinh mà qúi vị nên đọc đi đọc lại nhiều lần. Ở trong đoạn kinh này Đức Phật Ngài nói người nào thánh thiện thì có bốn điều hoan hỉ: nếu người đó nghe nói đời sau có luân hồi có kiếp sau có quả báo thiện ác, nghe nói vậy thì hoan hỉ. Tại vì nếu thật sự có xảy ra như vậy thì đời sau mình sẽ rất là sung sướng vì được quả phúc.
Nhưng nếu người khác nói rằng; đời sau không có kiếp sau không có hành vi thiện ác quả báo gì hết, thì người đó vẫn hạnh phúc như thường tại vì trong lòng người đó tự bản chất của vô tham vô sân vô si là như vậy thành ra có kiếp sau hay không có kiếp sau thì người đó cũng có hạnh phúc.
Và ở trong điều thứ ba và điều thứ tư là cái điều mà chúng ta thường thấy, người ta nói rằng trong lúc chúng ta sống chúng ta đang đi đứng cười nói thì những điều quan trọng là chúng ta làm những gì, chúng ta có được những gì. Nhưng giờ phút chúng ta nằm xuống hấp hối sắp chết thì câu hỏi khác nỗi lên là chúng ta đã không làm được điều gì. Cái điều chúng ta không làm không quan trọng bằng điều làm. Điều nào mà nếu chúng ta không làm điều gì để chúng ta hối hận ân hận trong giờ phút chết thì điều đó quan trọng hơn là điều chúng ta không làm. Do vậy một người mà thường băn khuăn đi chùa nghe nói nghiệp báo như thế này thế kia, mình nói không biết mình có làm hay không, vô tình hay cố ý, nhưng mà thật sự nếu người có tâm vô tham vô sân vô si thì những người đó không bận tâm nhiều lắm, nếu mà họ có làm lỡ làm điều gì vô ý làm phiền lòng cha mẹ hay làm phiền lòng người khác thì người đó nhớ một câu như vầy: kẻ có lòng từ thì không bao giờ trách mình. Giống như ở trong cách cư xử của chúng ta ở đây, có mấy chục người ngồi ở đây, cái đi cái đứng cái nói của chúng ta có đôi khi làm cho người khác buồn phiền.
"Này các Kàlàmà: Các con chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng"
Kinh Lương Hoàn Sám là một bộ kinh ngày xưa khi đức Bồ Đề Đạt Ma sang bên Trung Hoa thì vua Lương Võ Đế đến qui y sau đó thì Ngài Bồ Đề Đạt Ma viết bài kinh Lương Hoàn Sám để trong cung đình các vị hoàng phi tụng để sám hối nghiệp của mình. Những vị nào đọc kinh Lương Hoàn Sám rồi thì qúi vị sẽ thấy rằng đọc xong một ngày ăn không yên ngủ không yên vì ở trong đó nêu đủ thứ tội, đọc xong chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có một ngàn cái tội, tội từ chuyện đi vào trong điện Phật mà không có lòng tôn kính, rồi đi dép, khạc nhổ bừa bãi, xúc phạm đến Tam Bảo, đủ thứ chuyện hết, tội đối với cha đối với mẹ v.v... Những người đọc kinh Lương Hoàn Sám ngày xưa họ sợ lắm, nhờ sợ như vậy họ mới tu. Nhưng một điều là chúng ta phải biết chắc chắn trong đời sống mình có những việc làm phiền lòng người khác hoặc là vô tình hay không cố ý, nhưng có một điều bảo đảm là chúng ta không gặp quả khổ đó, đó là chúng ta có đủ tâm từ và thường nuôi dưỡng tâm từ, không ác ý với ai hết, ở trong đời mình nếu mình có một ý nghĩ gì làm cho người khác khổ thì lúc đó sẽ sanh ra nghiệp, nếu qúi vị không có ác ý với người khác thì qúi vị hãy tin rằng qúi vị không sanh nghiệp, mình không muốn làm cho người khác sợ hãi, mình không muốn nói lời đay nghiến làm cho người khác phải khổ. Thường thường khi mình giận lên thì thường mình hay nói lời gì đó mà trong cách nói mình muốn người ta nghe làm sao mà người ta nhức nhối trong tâm hồn thì cái đó gọi là ác ý, khi chúng ta có tâm thiện tâm từ thì khi chúng ta nói người khác cũng phiền vậy nhưng trong cái phiền đó không có sanh nghiệp vì ở trong lòng họ không nhức nhối. Một người mà tâm vô tham vô sân vô si thì Đức Phật Ngài nói rằng nếu điều bất thiện mình có lỡ làm thì mình không có tâm ác đối với ai cả thì làm sao có khổ đau được, làm sao có quả khổ được, còn nếu mình biết mình không làm chuyện gì cho người khác buồn phiền thì chúng ta càng hoan hỉ hơn.
Như vậy ở trong đoạn thứ ba này Đức Phật Ngài dạy một điều là một người có tâm thanh tịnh trong sạch thì người đó có quyền hoan hỉ, một niềm hoan hỉ mà không cần phải học giáo lý nhiều không cần phải biết luân hồi nghiệp báo không cần phải biết thiên đàng địa ngục hay biết cái gì đó, chúng ta nên suy ngẫm kỹ về điều này tại vì không phải đời nào chúng ta sanh lên chúng ta cũng gặp được pháp, không phải đời nào sanh lên cũng có người nhắc chúng ta sát sanh là có tội. Chúng tôi nhớ hồi chúng tôi chưa đi tu, ở nhà ngày ngày đi cắm câu vào buổi sáng, lớn lên trong nền văn hoá đó không ai nói với mình là cắm câu là có tội vì chuyện đó tự nhiên ai cũng làm hết nó bình thường như vậy. Thành ra người mà sống hiền thiện từ đời này qua đời khác là người tìm thấy sự an lạc ở trong lòng của mình, biết lắng tai nghe, biết lắng lòng mình hiểu được, cái nào đem lại sự an vui cho mình, còn cái nào không an vui thì không làm.
Như vậy thì ở đoạn thứ nhất Đức Phật Ngài nói về không làm những điều ác, đoạn thứ hai thì Ngài nói làm các việc lành và đoạn cuối cùng Ngài nói giữ tâm trong sạch.
Ở trong kinh Pháp Cú mà qúi vị thường nghe 3 câu là
Chư ác mạt tác, chúng phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo. không làm các việc ác, làm các việc lành, giữ tâm trong sạch là lời Chư Phật dạy."
Thì ở trong bài kinh này sẽ thấy rằng Đức Phật Ngài dạy ba câu đó một cách rất rõ ràng những người dân Kalama khi nói vậy dứt trừ nghi hoặc có tâm hoan hỉ quy y ba ngôi Phật Pháp Tăng tam bảo.
Tại sao bài kinh này được chúng tôi đem ra để đọc trong ngày hôm nay, bởi vì nếu chúng ta lập đi lập lại bài kinh này hàng ngày những ý nghĩ này đem vào trong đầu của chúng ta thì chúng ta sẽ không băng khuăn không cần phải hỏi là lời nào Phật dạy hay lời nào không phải là Phật dạy, khi nghe một điều gì đó chúng ta cứ đem câu hỏi như vầy đặt ra cho rõ:
Điều này là thiện hay là bất thiện.
Điều này có tội hay là vô tội.
Và điều này bị người có trí quở trách hay là được người có trí khen ngợi.
Dẫn đến quả an lạc hay là quả bất thiện.
Tất cả chúng ta đều là người lớn là người trưởng thành chúng ta phải nghĩ cách về hành động của mình và Đức Phật Ngài xác định rõ là chúng ta phải tự hỏi. Ngài đã đưa ra một công thức rất đơn giản nhưng rõ ràng là chúng ta phải suy nghĩ như thế nào, phải nhìn sự việc như thế nào, và nếu mà chúng ta suy nghĩ và chính chắc và kỹ càng những điều này thì qúi vị sẽ thấy ở đoạn trên tại sao Đức Phật Ngài nói rằng:
"Các con không tin điều gì nếu điều đó là truyền thuyết, không tin điều gì nếu điều đó là truyền thống hoặc điều đó được dân gian đồn đại, hoặc không tin điều gì nếu điều đó kinh tạng lưu truyền hoặc điều đó là huyền hoặc siêu hình."
Nói đến huyền hoặc siêu hình thì qúi vị cũng thấy rằng lâu lâu người Phật tử mà nghe nói cái gì mà thần bí thì chúng ta nghe nói là hấp dẫn à chắc cái này là của Phật, qúi vị hãy nghĩ rằng những điều đó có đôi lúc tạo sự chú ý của chúng ta thật sự nhưng mà nó không phải là thước đo, lời Phật dạy chân thật và chính xác rõ ràng nhất đó là "không làm những điều ác, làm các điều lành, giữ tâm trong sạch, đó là lời Chư Phật dạy" và không phải chỉ là lời của một Đức Phật dạy mà là của tất cả Chư Phật, Chư Phật ba đời quá khứ hiện tại vị lai đều dạy như vậy, qúi vị không cần phải thắc mắc là không biết Phật Thích Ca dạy như vậy không biết Phật khác có dạy khác hay không, Chư Phật ba đời đều dạy chung một pháp môn như vậy.