Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 199: TT Giác Ðẳng: Kính bạch TT Trí Siêu, chúng ta hãy thử nói về chữ mangala ở đây một chút, mangala có nghĩa là điềm lành, có nghĩa là dấu hiệu báo trước niềm hy vọng. Bạch TT Trí Siêu, bài kinh này là bài kinh nói về điềm lành, nói về dấu hiệu cát tường, TT có nghĩ người Phật tử có một lý do nào chánh đáng để sống với niềm hy vọng không? Chúng ta thường có quan niệm rằng sống với hiện tại là một thượng sách của người con Phật, nghĩa là tương lai là một cái gì mờ mịt không rõ nét, và chúng ta nếu sống lúc nào cũng hướng vọng về tương lai, hoặc giả là hoài niệm về quá khứ và tương lai. Quá khứ và tương lai đó, đều là cái gì không nằm trong tầm tay của mình, thì nó tạo cho chúng ta bất an nhiều hơn hạnh phúc. Nhưng theo TT nghĩ chữ hy vọng có chỗ đứng như thế nào ở trong đạo Phật, và chúng ta, người Phật tử, nói rõ hơn là một người hành trì Phật pháp có những điều gì ở tương lai mà chúng ta có thể ước vọng được gọi là khả cầu, có những điều gì ở tương lai chúng ta có hy vọng nhiều? xin cho biết ý nghĩ của TT về điểm này, xin thỉnh TT Trí Siêu.


. TT Trí Siêu: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính bạch TT Giác Ðẳng, kính bạch Chư Tôn Ðức, kính thưa quí Phật tử. Ở đây chúng ta học kinh văn, kinh Hạnh Phúc, thưa qúi vị, TT Giác Đẳng đã hỏi chúng tôi về ý nghĩa của chữ hy vọng, người Phật tử chúng ta sống thì có hy vọng, và chữ hy vọng đó có chỗ đứng trong kinh điển Phật Giáo hay không, người Phật tử có nên sống với niềm hy vọng hay không?. Ở đây, chúng ta tùy theo ý nghĩa của chữ hy vọng, chúng ta mới xác định được chữ hy vọng đó có chỗ đứng trong kinh điển Phật Giáo hay không, người Phật tử có nên sống vào sự hy vọng hay không? Ở đây có một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya) Ðức Phật Ngài dậy rằng: " này Chư Ty` kheo, có 3 hạng người; một người không hy vọng, một người có hy vọng và một người hết hy vọng.

Người không hy vọng tức là người có trí tuệ nhưng không chịu học Phật Pháp, đó là người vô văn phàm phu, tại vì họ không thể nào thành tựu được Phật quả, tuệ căn của họ không có, với sự không chuyên cần, không nỗ lực, đó là những hạng phàm phu không có hy vọng mặc dầu họ có trí tuệ, nhưng họ không học nên không có hy vọng

Còn người có hy vọng, tức là chỉ cho bậc hữu học, Tu Ðà Hườn, Tu Ðà Hàm, A Na Hàm là những bậc thánh chắc chắn sẽ là trong tương lai, hoặc là nay mai, hoặc kiếp sau, nhưng không quá bảy đời, cho nên người đó gọi là người có hy vọng.

Còn người hết hy vọng, tức là chỉ cho vị A La Hán, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, phạm hạnh đã thành, do đó cho nên đối với vị này không đặt hy vọng ở sự giải thoát nào nữa, bởi vì quả vị giải thoát này là tối cao.

Ðó là điều chúng ta định nghĩa về vấn đề hy vọng theo như trong bài kinh này Ðức Phật đã dạy, thì sự hy vọng đó tức là đặt trên vấn đề khách quan, nhìn vào đối tượng đó chúng ta thấy người đó có triển vọng được thành tựu hay không được thành tựu, đó là trên phương diện khách quan người ta đánh giá. Còn nếu nói trên phương diện hy vọng và nói về vấn đề chủ quan, tự chúng ta hướng đến mục đích, chúng ta kỳ vọng tới tương lai thì đó là sự hy vọng chúng ta nói trên phương diện chủ quan . Như trong Tăng Chi Bộ kinh Ðức Phật Ngài đã dạy.

Thực ra thì không phải chúng ta không có sự hy vọng, chúng ta sống phải có sự hy vọng, phải có sự hoài bão. Chẳng hạn như chúng ta biết rằng trong 4 pháp, tứ như ý túc (iddhi-pàda), 4 pháp nền tảng để thành tựu thiền định, đạo quả: Hoài bão (chanda), chuyên cần (viriya), chủ ý (citta), thẩm sát (vim asà), thì trong 4 pháp đó, pháp đầu tiên là Chanda là diệt như ý túc vẫn được xem như một sự hoài bảo, một mơ ước, một sự hy vọng.

Lại có câu Phật ngôn nói rằng: khi chúng ta tu tập, mà chúng ta không có hoài bão, không có lý tưởng, không có sự hướng tới chúng ta sẽ không làm gì được, chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu được thiện pháp. Người Phật tử phải tu tập, họ phải có một cái gì đó hướng đến mục đích trong tương lai, như vậy mới thôi thúc cho họ có thể thành tựu được công việc. Còn nếu như không có hoài bão làm, làm chỉ để có làm chớ không mơ ước gì cả nó sẽ không thành tựu trong thiện pháp nếu chúng ta sống như thế.

Trong bài kinh Thánh Cầu, ở đây chúng ta cũng biết rằng đối với kẻ phàm phu, họ bị sanh, bị già, bị bịnh, bị chết, bị ô nhiễm mà họ đi tầm cầu cái cũng bị sanh, bị già, bị bịnh, bị chết, bị ô nhiễm, thì Ðức Phật nói rằng đây là sự tầm cầu của phi thánh của kẻ phàm phu. Còn Đức Phật là bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ngài biết và Ngài không muốn bị sanh, bị già, bị bịnh, bị ô nhiễm, Ngài mới hướng tầm cầu cái không bị sanh, không bị già, không bị bịnh, không bị chết, tức là Niết bàn, thì sự tầm cầu đó được gọi là Thánh cầu

Xuyên qua những điều chúng tôi trình bày, thì sự mong cầu một mục đích, một lý tưởng như lý tưởng giải thoát đó, mục đích đó phải là đưa đến sự giải thoát hay lành mạnh, mục đích lành mạnh thì điều đó mới nên. Còn nếu chúng ta tầm cầu, hay chúng ta không hy vọng được đạt điều đó thì không nên. Và ở đây trong lúc chúng ta tu tập, chúng ta chưa thật sự hành trì giới, và định, chúng ta lại có sự vọng cầu mong mỏi với mục đích chúng ta chưa có nắm chắc được, thì sự mong cầu đó sẽ khiến cho vị hành giả trở thành bị thất niệm.

Cho nên chúng ta cũng cần phải hiểu rằng: quá khứ không truy tầm, tương lai không vọng tưởng, chỉ sống với hiện tại v.v.. Bài kệ đó Đức Phật Ngài đã dạy cho một vị hành giả đang tu tập, đang có chánh niệm gắn bó với thiền quán của mình, trong trường hợp đó với mục đích cao cả này chúng ta không cần phải sợ hãi. Chúng ta có nên sống với ý tưởng hy vọng hay không, chúng ta phải đặt trường hợp là có mục đích giải thoát thì mới nên hy vọng. Còn nếu như chúng ta chỉ ngồi đó mà cầu nguyện, mà van xin khấn vái, điều này nó sẽ không bao giờ thành tựu, thì chúng ta đừng bao giờ có sự hy vọng.

Ở đây chúng tôi xin trả lời như vậy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Minh Hạnh chuyển biên

Phap Am Lưu Trữ