2500LichSu_Chuong12

Các Thánh Địa Của Phật Giáo

B. Ở MIỀN TÂY ẤN

Không thể nói chắc là Phật giáo được truyền đến Saurashtra từ khi nào. Tuy nhiên, dường như không có lý do gì để cho rằng đã từng có một hình thức Phật giáo nào đó tại tỉnh này trước khi vua A-dục phái các nhà truyền giáo của ông đến đây để truyền bá đạo Phật. Ông đã cho khắc một chỉ dụ của ông trên một tảng đá dưới chân núi Girmar gần Junagadh ngay giữa tỉnh này. Chẳng bao lâu sau, Phật giáo đã lan truyền đến đây nhờ những hoạt động của ông và người ta đã đào thấy nhiều hang động của Phật giáo tại các vùng phía Nam và Đông Nam của Saurashtra. Qua kiểu kiến trúc cực kỳ đơn giản và thường là không có chạm trổ, các hang này dường như thuộc về một thời đại rất xa xưa, có lẽ vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, nếu không phải là sớm hơn.

Junagadh

Junagadh, thủ phủ của Saurashtra, nhờ sự hiện diện của các chỉ dụ của vua A-dục mà từ lâu đã được các tín đồ Phật giáo biết đến nhiều và trở thành một trung tâm thu hút đối với họ. Gần đồi Girnar, ngày nay người ta tìm thấy trên một tảng đá lớn toàn bộ văn bản của cái được gọi là "Mười bốn Chỉ dụ trên đá". Các văn bản này, khắc bằng chữ Brahm, còn được lưu giữ khá tốt. Dĩ nhiều là các hang động quan trọng nhất đào thấy được ở Saurashtra đều nằm ở bên trong và xung quanh Junagadh. Các hang này có lẽ đã có nhiều và tiếp tục còn nhiều như thế ít nhất là cho đến giữa thế kỷ thứ 7, vì trong khi đến viếng Junagadh, Huyền Trang đã ghi nhận ít nhất là năm mươi tu viện loại này, với ít nhất là ba nghìn tu sĩ Thượng Toạ bộ (Sthavira sect). Các hang này được chia làm ba nhóm, gồm nhóm ở ngay tại Junagadh, nhóm ở Uparkot và nhóm được gọi là Khaprakhodia ở ngay cạnh thành phố. Các hang tại Junagadh có hai hay ba tầng và được khai quật làm ba giai đoạn. Hai hang có kích thước 8,4 x 4,8 mét và 7,8 x 6,0 mét. Trong các hang ở Uparkot, vốn là thành lũy của thành phố cổ, đáng chú ý nhất là các cửa sổ của thánh điện, các bể nước sâu, vuông cạnh 5 mét và hai cái giếng được dân chúng gọi là Adicdivay và Navaghan-vay. Một trong ba hang ở Khaprakhodia, dân địa phương gọi là Khanjar-mahal, có kích thước 75 x 24 mét. Hang thứ hai vuông cạnh 11,5 mét và hang thứ ba có kích thước 18,3 z 18 mét. Hang thứ hai và thứ ba, theo thứ tự, có bốn và mười sáu trụ to. Không tìm thấy dòng chữ khắc nào trong các hang động này.

Qua các chứng tích ở đây có thể hình dung rằng trước đây ắt hẳn đã có những tu viện lớn tại Junagadh và núi Girnar. Các di tích của hai ngọn tháp xây bằng gạch mới được tìm thấy gần đây tại Intwa trên một ngọn đồi cách bản chỉ dụ của vua A-dục độ ba dặm. Vật duy nhất có khắc chữ được tìm thấy tại đấy là một con dấu bằng đất nung của một cộng đồng tỳ kheo (bhiksusangha) từng sống trong tu viện của hoàng đế Rudrasena. Ông vua này rất có thể là Rudrasena I thuộc dòng dõi Ksatrapa đã cai trị xứ này từ năm 199 đến năm 222.

Ngoài Junagadh ra, nhiều địa điểm khác đã trở thành quan trọng tại Saurashtra do có những hang động Phật giáo được tìm thấy ở đấy.

Dhank

Dhank nằm cách Junagadh ba mươi dặm về phía Tây Bắc và cách Porbandar bảy dặm về phía Nam. Tại đây có bốn hang còn được giữ nguyên, số còn lại đã bị hư hại do sự rã mục của các loại đá mềm. Tuy nhiên, các cây trụ bát giác không có bệ vuông thì vẫn tồn tại. Ở đây còn tìm thấy được một số tác phẩm điêu khắc thần thoại thô sơ thuộc thời kỳ sau.

Siddhasar

Cách Dhank vài dặm về phía Tây là Siddhasar, nơi có một số hang động nằm trong một khe núi có tên là Jhinghar Jhu.

Talaja

Ngoài Junagadh thì Talaja, cách Bhavnagar ba mươi dặm về phía Nam, gần cửa sông Satrunjaya, dường như đã từng là một trung tâm Phật giáo lớn. Ở đây có 36 hang và một bể nước có kích thước 4,5 x 6 mét. Một trong các hang lớn nhất có tên địa phương là Ebhal-mandap, kích thước 22,5 x 20,2 mét và cao 5,2 mét. Hang này có bốn trụ bát giác nhưng không có phòng. Một trong các hang này có một dagoba. Sự đơn giản trong cách bài trí và sự hoàn toàn không có chạm trổ trong các hang này cho thấy chúng thuộc về một thời đại xa xưa, có lẽ chỉ sau thời đại vua A-dục một ít mà thôi.

Sonah

Các hang ở Sanah, nằm về phía Tây Nam của Talaja và cách Una mười sáu dặm về phía Bắc, gồm một số lượng khá lớn. Hai bên sườn đồi, người ta thấy lỗ chỗ hơn 62 hang. Các hang này thuộc loại đơn giản và đều có đầy đủ các bể chứa nước. Hang lớn nhất có tên địa phương là Ebhal-mandap và có kích thước 20,5 x 18,3 x 5,0 mét. Hang có sáu trụ ở phía trước nhưng bên trong không có trụ nào. Mặc dù các hang ở Saurashtra thuộc loại hang cổ xưa nhất nhưng lại không có gì hấp dẫn như nhiều hang cùng thời kỳ ở các nơi khác. Trong số các hang đông đảo ở đây, chẳng có một hang thánh điện nào có thể sánh với các hang cùng loại ở các nơi khác trong nước. Cả đến các tu viện cũng quá đơn giản và chẳng có một đặc điểm kiến trúc quan trọng nào.

Volabhi

Từ thế kỷ thứ 6 trở đi, các hoạt động Phật giáo ở Saurashtra dường như đã chuyển trọng tâm đến một địa điểm mới gọi là Valabhi, cách Bhavanagar hai mươi hai dặm về phía Tây Bắc. Nơi này đạt được một vị trí quan trọng vì có nhiều ý nghĩa về mặt tôn giáo, và Huyền Trang đã nói về nơi này với những lời lẽ nồng nhiệt khi ông đến đây vào năm 640. Theo Huyền Trang thì ở đây có một trăm tu viện với sáu nghìn tu sĩ thuộc Chánh Lượng bộ (Sammitiya school). Vào thời ấy, Valabhi được xem là một trung tâm kiến thức Phật giáo đứng hàng thứ hai sau Nalanda và trở thành quê hương của các học giả Phật giáo nổi tiếng, như Sthiramati và Gunamati. Người ta đã tìm thấy ở đây không dưới ba mươi bản đồng có khắc chữ thuộc thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Các bản đồng này chép lại rằng các bậc vua chúa triều đại Maitraka tại Valabhi đã ban cấp đất đai cho không dưới mười lăm tu viện vốn do những người trong hoàng tộc, các triều thần, cùng những nhà hảo tâm xây nên. Tuy nhiên, các bản chữ khắc không nói là các tu viện này có cất giữ di hài của chư thánh Phật giáo hay không. Đáng tiếc là Valabhi ngày nay chỉ là sự đổ nát, chẳng còn gì là chứng tích của sự vinh quang ngày trước.

Kampilya

Thật lạ lùng là chúng ta chẳng gặp được một nơi nào có ý nghĩa Phật giáo ngay tại Gujarat. Chỉ có một địa điểm hẻo lánh tên là Kampilya, ở gần Navasari là có vẻ quan trọng ít nhiều. Một bản chữ khắc trên phiến đồng của ông vua dòng Rastrakuta là Dantivarman ở Gijarat, năm 865, ghi chép rằng sau khi xuống tắm ở sông Puravi (nay là sông Purana ở quận Surat), nhà vua, theo sự thỉnh cầu của một tu sĩ tên Sthiramati, đã cấp đất cho tu viện Kampilya, nơi có năm trăm tu sĩ của Tăng đoàn Sindhu Desa đang sống. Một bản chữ khắc của vua triều Rastrakuta là Dharavarsa, ghi chép một sự cấp đất tương tự cho cùng tu viện này vào năm 884. Dường như cộng đồng Phật giáo này đã từ vùng Sindh di chuyển đến có lẽ vì sợ những người Hồi giáo và đã xây dựng một tu viện tại Kampilya vốn đã nổi tiếng là một thánh địa.

Phật giáo được biết đến nhiều nhất tại Maharashtra từ khi vua A-dục phái các nhà truyền giáo đến thuyết pháp tại đây và cho khắc một chỉ dụ của vua trên một hòn đá tại Sopara bên bờ biển phía Tây. Kề từ lúc đó cho đến khi Phật giáo bị suy sụp và biến mất, Maharashtra vẫn luôn luôn thiên về đạo này. Do đó, người ta đã tìm thấy một số địa điểm Phật giáo quan trọng trong tỉnh này. Mọi người đều biết rằng cũng giống như các tu viện có cấu trúc theo kiểu Phật giáo thường được cất trên mặt đất ở những vùng bằng phẳng, các khám thờ đục trong đá của Phật giáo lại luôn luôn được đào sâu trong đất tại các vùng đồi núi. Do đó, loại sau này không thể ở tại các nơi có tính chất thiêng liêng vì có liên quan với Đức Phật hay chư thánh Phật giáo. Núi Sahyadri ở mạn Tây Maharashtra với loại đá xanh cứng rắn rất thích hợp cho các công trình kiến trúc đục trong đá. Do đó, núi này được đục lỗ chổ thành các hang hốc ở bất cứ nơi nào có thể đục được, khiến cho phần đông các hang động của Phật giáo ở Ấn Độ đều được tìm thấy ở miền Tây Maharashtra. Trong thời trước, người ta cũng thường hay trang hoàng các hang này bằng các bức bích hoạ. Kỹ năng áp dụng trong kiến trúc hang đá và trong sự trang hoàng hang đá được đánh giá rất cao cho nên những thợ nề đào hang và những nghệ nhân trang hoàng đều được ban thưởng đất đai như được thấy ghi lại trong các bản chữ khắc.

Các địa điểm ở Maharashtra được xem là quan trọng trong thời gian Phật giáo thịnh hành do các công trình kiến trúc trong đá của chúng là Bhaja, Kondane, Pitalkhora, Ajanta, Bedsa, Nasik, Karle, Kanheri và Ellora (Verula).

Bhaja

Đại sảnh Thánh điện đầu tiên, có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, được tìm thấy ở Bhaja. Sự nghiêng vào phía trong của các cây cột, các xà nhà bàng gỗ và việc sử dụng phóng khoáng các cây gỗ cho thấy rằng sảnh đường này được mô phỏng theo một nguyên mẫu bằng gỗ. Việc dùng gỗ trong kiến trúc của hang đá là một đặc điểm của thời kỳ trước. Các cây trụ bát giác gần tường đều không có chạm trổ. Vẫn còn có thể nhận ra dấu vết các hình vẽ trên cột và hình Đức Phật có hộ về cầm đao đi kèm. Có thể tìm thấy các hình chạm trổ của Surya (Thần Mặt Trời) và của các nhân vật hoang gia cưỡi voi.

Kondane

Các hang động Phật giáo ở Kondane, cách Karjat bảy dặm, có niên đại hơi muộn hơn các hang động ở Bhaja. Các cây cột ở mặt tiền bằng đá chứ không bằng gỗ. Đại sảnh Thánh điện thuộc loại xưa nhất, và là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của kiến trúc hang đá.

Pitalkhora

Trong các hang ở Pitalkhora, người ta tìm thấy bảy bảng chữ viết bằng sơn ghi tên các tu sĩ Phật giáo đã chịu chi phí về các bức bích hoạ.

Ajanta

Có đến hai mươi chín hang động với những kích cỡ khác nhau tại Ajanta. Các hang này được đục vào trong đá núi lửa cứng, một số hang ăn sâu vào đến 30 mét và tất nhiên được xem là những công trình kiến trúc đặc biệt. Hang số 1 là một tu viện đẹp nhất tại Ấn Độ. Đại sảnh Thánh điện của hang số 10 có kích thước 30 x 12 x 10 mét, bảo tháp của hang có một tầng kép ở đáy và một mái vòm hơi thuôn dài. Hang số 26 có một tượng Phật điêu khắc thật lớn, được xem là một trong những tượng Phật đẹp nhất của cả Ấn Độ. Tuy nhiên, Ajanta nổi tiếng vì những tranh vẽ đẹp mắt hơn là vì nghệ thuật kiến trúc hay vì các tác phẩm điêu khắc trong các hang động của nó. Các mặt tường, trần nhà, và các cây cột của gần như tất cả các hang đều đã từng được trang hoàng bằng những bức vẽ mà nay chỉ có mười ba hang còn tìm thấy được dấu tích của các bức vẽ này. Các hình vẽ này chủ yếu mô tả các cảnh trong cuộc đời Đức Phật và trong Túc Sanh Truyện (Jataka), nhưng cũng có nhiều bức hoạ có tính chất thế tục. Cuộc sống cung đình thời đó và các cảnh trong đời sống thường ngày được mô tả sinh động trên các tranh tường. Hội họa Ấn Độ đã đạt đến trình độ cao siêu nhất vào thế kỷ thứ 5, thứ 6, và các công trình đẹp nhất có thể được vẽ ra một cách tài tình, điêu luyện và phỏng theo kiểu mẫu một cách tinh tế. Như một nghệ sĩ đã nói, càng nhìn ngắm các bức tranh tường ở Ajanta người ta càng cảm nhận rõ mối liên hệ tinh tế giữa các nhóm hình.

Bedsa

Sảnh đường Chánh điện ở Bedsa, cách ga xe lửa Kamshet bốn dặm về phía Đông Nam, có kích thước 13,6 x 6,3 mét. Chân cột có hình chiếc lọ, còn trên đầu cột có hình người và thú từng đôi ngồi trên những con voi và ngựa đang qùy gối. Trên các trụ tháp cũng có thể thấy dấu vết của các hình vẽ.

Nasik

Ở Nasik có một nhóm hai mươi ba hang có niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thứ 2 sau Công nguyên. Một số hang này đã được các tu sĩ Phật giáo Đại Thừa trong thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sửa đổi lại. Hang số 3, còn gọi là Điện Gautamiputra, rộng lớn và có sáu cây trụ với những hình chạm voi, ngựa, bò đực trên đầu trụ. Hang số 10 gọi là Điện Nahapana. Các đại sảnh chánh điện ở Nasik và Junnar đều có kiểu gần giống nhau. Các hang ở Nasik đặc biệt quan trọng do những bản chữ khắc lý thú và xinh đẹp của các triều đại Nahapana, Gautamiputra và Sri Yajna Satakarni.

Junnar

Có đến 130 hang động tạo thành năm nhóm riêng biệt trong phạm vi một bán kính bốn dặm tính từ Junnar. Do đó, có thể nói thành phố này là khu tu viện lớn nhất ở miền Tây Ấn Độ. Số lượng đông đảo và kích thước nhỏ bé của các hang cho thấy các hang này thuộc về một thời kỳ xa xưa.

Karle

Sảnh đường thánh điện ở Karle có kiểu dáng chung giống như sảnh đường ở Bhaja. Tuy nhiên, về mặt kích thước và sự tráng lệ thì đây là một trong những đền đài nguy nga nhất ở Ấn Độ. Thực vậy, trong một bản chữ khắc cổ tìm thấy tại đây, thì điện này được mô tả là một lâu đài trong đá tuyệt hảo nhất ở Jambudvipa. Hang này do Bhutapala, một thương nhân ở Vaijayanti, cho đào. May mắn là điện này nằm trong số điện còn được duy trì tốt nhất. Điện có kích thước 37 x 14 mét và mái nhà hình vòm nhô hẳn lên một độ cao 13,5 mét. Điện có một hàng trụ đá nguyên khối ở mỗi bên, đầu trụ hình chuông bên trên có những hình voi, ngữa qùy gối và người cưỡi, nam, nữ. Mặt tiền hai tầng có một cửa hứng nắng thật lớn. Sảnh đường thánh điện này có niên đại gần thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Kanheri

Có hơn một trăm hang động ở Kanheri vốn cũng là khu tu viện lớn. Qua một số bản chữ khắc tìm thấy ở đây có niên đại từ thế kỷ thứ 2 cho đến thời đại ngày nay, người ta có thể dựng lại lịch sử nơi này khá đầy đủ. Thời gian bắt đầu xây dựng các hang này có thể là vào triều đại Gautamiputra Satakarni khoảng năm 180. Thỉnh thoảng lại có thêm những công trình đào sâu và điêu khắc. Việc đưa tượng Phật vào khu vực này được biết đến qua một bản chữ khắc thuộc thế kỷ thứ 4, ghi lại việc một người tên là Buddhaghosa cũng tặng một tượng Phật. Các vua Silahar ở Puri, vốn là những chư hầu của các quốc vương Rastrakuta, có mối quan tâm đặc biệt đối với khu tu viện ở Kanheri nên đã cúng dường rộng rãi như được ghi chép trong các phiến đồng thuộc những năm 843, 853 và 877. Các chữ khắc của những năm 991, 999 và 1004 còn cho biết rằng các tu sĩ Phật giáo trong thời gian này vẫn còn ở tại các hang. Một bản chữ khắc mới đây bằng tiếng Nhật của một khách hành hương Phật tử thuộc Nhật Liên tông (Nichiren sect) trên vách hang số 66 khẳng định tầm quan trọng còn tiếp tục được duy trì của các hang này ngay cả trong thời đại hiện nay.

Ellora (Verula)

Một số bản chữ khắc tình cờ tìm được ở Kanheri cho chúng ta biết về các tu viện Phật giáo tại Kalyan, và ở gần Paithan, mà chúng tôi không hề được nghe nói đến ở các tư liệu khác. Tại Ellora (Verula) có thể tìm thấy những hang động đẹp nhất thế giới, những hòn núi được đục thành những điện đền đồ sộ. Trong số ba mươi bốn hang, có mười hai hang ở phía Nam là của Phật giáo, số còn lại thuộc Bà la môn giáo hay Kỳ Na giáo. Các hang của Phật giáo là những hang có trước tiên, có niên đại từ năm 450 đến năm 650. Lối vào đại sảnh đi qua một sân lộ thiên rộng. Sảnh đường thánh điện, được gọi là hang Visvakarma, có kích thước 4,3 mét vuông. Một bức tượng Phật lớn với các thị giả và thiên thần đi kèm được đặt trên sư tử toà ở một vòng cung nhô ra của ngọn tháp. Tại đây còn có một số tượng Phật và tượng Bồ tát nữa. Hai trong số các tu viện có sân rộng phía trước gồm ba tầng và có chiều cao khoảng 15 mét. Các kiến trúc lộng lẫy này và cách xây dựng chúng cho thấy một tài nghệ tuyệt vời.

Ngoài các nơi trên còn có những địa điểm Phật giáo đáng chú ý khác, mỗi điểm đều đã có những cuộc khai quật mà một số đã xưa cũ như bất cứ công trình kiến trúc nào ở Tây Ấn. Một số các nơi này chứa đựng những dòng chữ khắc đáng chú ý.

Các địa điểm quan trọng khác.

Một trong các địa điểm có hang động loại này là Kuda nằm trên bờ vịnh Rajapuri, cách Bombay bốn mươi lăm dặm về phía Nam. Một nơi khác là Mahad trên sông Savitri, cách Kuda 28 dặm về phía Đông Nam. Tại Karhad trong quận Satara có một số lớn đến sáu mươi hang nằm trên phần lồi của ngọn đồi Agasiva. Các phòng ở đây đều nhỏ bé, các đại sảnh thì không có cột và hoàn toàn không có công trình điêu khắc. Còn có một loạt hang khác nữa ở Shelarvwadi. Theo lời kể lại thì hai nữ đệ tử của Trưởng lão Bhadanta Siha đã cho đạo đại sảnh của thánh điện tại nơi này và một trong các hang này là do người vợ của một nông dân dâng tặng. Tại Kondivte, cách Jogeswari ba dặm, có một nhóm mười chín hang. Trong quận Sholapur tại Ter (trước là Tagara) có một đại sảnh thánh điện được xây dựng trong thế kỷ thứ 8, rồi sau được biến đổi thành một đền thờ Bà la môn giáo. Năm 1188, vua Gandaraditya của dòng Silahar, xây một đền thờ Đức Phật tại Kolhapur trên bờ một hồ nước có tên là Gandasagara.

Goa

Tình hình Phật giáo đã phồn thịnh tại Goa và các vùng xung quanh, xa hơn về phía Nam, trong thế kỷ thứ 6, đã được chứng minh qua việc tìm thấy những bản chữ khắc tại Hire-Gutti (phía Bắc quận Kanara) ghi lại một sự cúng dường của vua xứ Goa là Asankita thuộc dòng Bhoja, cho một tu viện Phật giáo. Tương tự, việc tìm ra một tượng Phật có niên đại sau hơn trong làng Mushir của quận Goa cho thấy rằng đạo Phật đã tiếp tục phồn thịnh trong một thời gian dài tại đây. Các tu sĩ tại Goa vào thời đại vua Kayakesin của dòng họ Kadamba có được nhắc đến trong bộ Duyastraya-kavya của thê kỷ thứ 12.

karnatak

Phật giáo bắt đầu có ảnh hưởng tại Karnata từ thời vua A-dục. Các sắc chỉ của ông vua này tại Siddhapur và các vùng lân cận đã được tìm thấy trong tỉnh này. Các đoàn truyền giáo của ông ta phái đi khắp cả nước, kết quả là nhiều tu viện Phật giáo đã được xây cất tại Vanavasi vào thời đại Satavahana. Tuy nhiên, về sau, có lẽ do ảnh hưởng mạnh hơn của Kỳ Na giáo và Bà la môn giáo nên đạo Phật đã suy yếu. Một địa điểm tên là Dhambal trong quận Dharwar dường như đã trở nên quan trọng vì là một trung tâm Phật giáo trong thế kỷ thứ 11, như được thấy ghi lại trong một bản chữ khắc vào năm 1095, theo đó thì có 16 setti (Sresthin hay thương nhân) ở Dhambal trong triều đại nữ hoàng Lakshmidevi, vợ vua Vikramaditya VI, đã xây dựng một ngôi đền thờ Phật Đà-la (Tara), và một tu viện Phật giáo tại đây. Người ta cho rằng một ngôi đền thờ Phật Đà-la khác đã được thương nhân Sangaramaya ở Lokkigundi xây tại cùng địa điểm này.

 

Xem Tiếp Trang Sau: C. Ở MIỀN NAM ẤN