LỚP PHẬT PHÁP - BUDDHADHAMMA |
TIN TỨC PHẬT GIÁO |
TRUYỆN NGẮN
Báo hiếu: trả nghĩa cha
Nguyễn Công Hoan
Mưa phùn. Gió bấc. Rét buốt đến tận xương.
Nhưng mưa, gió, rét, có hề chi đến bữa tiệc giỗ ông cụ đẻ ra ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ôtô "Con cọp"? Bởi vì trong buồng khách, cửa đóng kín mít, hơi lửa lò sưởi xông lên nóng rực. Mà khách đến chơi, ông nào cũng gói mình vào đến trăm thứ áo, lại xù xù ở cổ một chiếc chăn con!
Khách đến dự tiệc toàn là hạng ông nọ ông kia, danh giá, mà ông chủ nói là chỗ thân. Cho nên cố mời cho kỳ được. Vì chính ông cũng là hạng tai mắt trong phố phường. Ông là nhà tư bản vậy!
Vả lại, không nhân ngày giỗ bố, mà làm bữa tiệc cho thực linh đình, mời mọc cho thực đông khách, để tỏ rằng mình tuy nhờ trời làm ăn đã được khá, nhưng chẳng phải hạng uống nước quên nguồn - bởi đạo làm con là phải báo hiếu cho cha mẹ, để khỏi phụ công sinh thành dưỡng dục - thì thế gian họ cũng cười cho. Nghề thế, phú quý sinh lễ nghĩa.
Mà phú quý sinh lễ nghĩa thực. Chẳng tin cứ nhìn cách cử chỉ của hai ông bà chủ nhà ra đón tiếp khách thì đủ rõ. Hai ông bà cùng béo tốt, đẹp đẽ. Nhất là ông, cái bụng phưỡn ra, nấp trong bộ quần áo xếp nếp cứng thẳng như cái hộp. Tóc bóng mượt, nhẵn như cái gáo lĩnh úp trên đầu, không chịu kém vẻ đẹp với bộ ria sửa khéo như vẽ. Miệng lúc nào cũng chực toé ra một chuỗi cười. Vì ngày hôm nay, bổn phận ông là phải hay cười. Mà đã cười thì cười cực to, ôm bụng mà cười, cười cả từ câu nói buồn cười đến câu nói không buồn cười. Nghĩa là ông hết sức khoe cái cười lấy lòng, cái cười thiệp đời của nhà tư bản. Phải, người ta đã chẳng quản mưa, gió, rét mướt, mà quá bộ đến nhà để chiếu cố thì mình phải lấy làm hân hạnh, vui vẻ mới được. Cho nên ai đến, ông cũng chắp tay vái chào cung kính, rồi mời mọc ân cần, quý quý, hóa hóa, ăn nói rõ ra một nhà nền nếp, gia giáo.
Trong buồng ăn, tiệc đã dọn trên bàn, cái bàn chữ nhật, giải trên một tấm khăn trắng nuột. Cốc to, cốc nhỏ, chai lớn, chai con, bát sứ, đĩa tây, bày la liệt, nhưng có thứ tự, lóng lánh dưới ngọn đèn trăm nến.
Chuông sáu giờ vừa dứt. Khách đến đã đủ. Một tiếng ông chủ mời, thì một trăm bốn tư chiếc chân, vừa chân người vừa chân ghế, lê sền sệt trên nền gạch tây bóng lộn. Hai mươi bốn chiếc cốc đầy rượu đụng nhau, chủ khách bắt đầu cầm đũa.
Xin ngài cho phép chúng tôi vào vô phép bà chủ.
Câu nói vừa dứt, thì đã thấy bà chủ ở trong buồng đi ra, chắp tay, tươi như cái hoa:
- Các quan đã có lòng yêu chúng tôi, mà đến chiếu cố bữa cơm thường nhà chúng tôi, chúng tôi xin đa tạ. Xin rước các quan xơi rượu.
- Chúng tôi chẳng dám tin là bữa cơm thường!Kỵ cụ cố ông mà ông bà làm to thế này, thì chúng tôi tự xét mình lấy làm xấu hổ vì bất hiếu. Thôi nhờ bà nói giúp cho chúng tôi xin vô phép cụ cố bà.
- Thưa các quan, cảm ơn các quan, cụ bà chúngtôi ở trong nhà quê ạ. Nhiều lần chúng tôi mời ra ở đây, nhưng không chịu đi. Cho nên chúng tôi vẫn lấy làm ân hận lắm.
Cái lễ phép tắc trách đã làm xong, chủ khách ăn uống rất êm đềm vui vẻ. Êm đềm vui vẻ thực! Sung sướng thay! Củi lò sưởi nổ đôm đốp, át cả tiếng giọt mưa phùn. Chuyện nói to làm lấp các tiếng gió bấc thổi. Hơi rượu nồng nàn, ai nghĩ đến rét buốt thấu tận xương.
* * *
Mưa phùn. Gió bấc. Rét buốt thấu tận xương.
Ngoài đường phố, ở quãng trước cửa nhà có bữa tiệc này, có một người đàn bà, lưng khoác áo tơi lá, đầu đội chiếc nón nghệ, dáng điệu bỡ ngỡ. Bà dòm hết nhà nọ đến nhà kia, mà lại dòm một cách ngốc dại. Nghĩa là không nghĩ đến rằng lỡ người ta đuổi, hay mắng, cho là định rình ăn cắp, người ta bắt lên Cẩm thì sao? Dòm chán rồi lại hỏi thăm. Mà hỏi chỉ độc nói trống không. Khi chẳng ai hoài hơi mà trả lời, thì bà ta cũng không biết phàn nàn hoặc sửa lại câu hỏi cho nhã nhặn thêm chút ít. ấy thế rồi chịu đứng ngoài đường, như yên trí rằng ở đây cũng như ở nhà quê, không có xe pháo qua lại. Bà lại nhìn quanh quẩn từng nhà một...
Hàng mười lăm phút, bà ta loanh quanh, đi lại đến năm sáu lượt. Rồi nhận thấy một cái nhà có cái mái chĩa ra, bà bèn đứng lại để trú mưa. Người đàn bà ấy trạc ngoài sáu mươi, trông rõ quê mùa, đần ngốc. Mặt mũi đen đủi, dăn deo, xấu như con khỉ. Hai mắt thì toét nhoèn những dử. Cái hàm trên thì chìa ra như mái hiên. Hai tay thì lóng cóng, gí cái nút buộc giải yếm vào tận mắt, lúng túng cởi mãi mới lấy được một miếng trầu, bỏ vào mồm, nhai phóm phém. Trông lại càng xấu. Cái áo vải nâu dầy cồm cộp, cái quần một ống - nói nôm ra, là cái váy - lùng thùng như cái bồ, chỗ thì ướt, chỗ thì khô. Có lẽ là bộ cánh quý nhất, nên ra tỉnh, mới dám mặc đến, nay bị ướt thì tiếc, nên cố vắt mãi cho khỏi đẫm nước mưa. Rồi lại cởi cái khăn vuông ra, để hở cái đầu bạc trọc tếch mà gãi, nhăn mặt lại mà gãi. Rồi lấy ngay cái khăn đội đầu ấy mà lau chỗ gấu váy có dính đất. Gớm, sao mà người đâu lại có người không biết thế nào là bẩn cả!
Rét đã run lên chẳng được, lại còn cứ lẩm bẩm nói một mình. Không biết nói những gì? Tính công tính việc hay là than thở, hay là vui thú cái chi chi? Nhưng thế thực rõ là cái lối người từ thuở bé chưa hề được thấy cái gì là hể hả.
Đương ngồi thì bỗng đằng sau lưng có tiếng cửa mở. Người đàn bà nhà quê quay lại, thì thấy trong nhà đèn điện sáng trưng, lố nhố bao nhiêu người, hình như ăn uống. Chỉ trông thoáng có thế thì thấy cửa lại khép lại, và có người đi ra.
- Alê! Chạy! Chốc nữa hãy đến. Người ta vừa mới ăn!
Nói xong người ấy đi. Bà lão nhìn theo, không hiểu họ bảo ai. Nhưng chừng cũng đoán rằng người ấy là bồi biệc ở cái nhà này đây. Cho nên, một lát sau, trông thấy người ấy về, bà lão đứng ngay dậy, toan hỏi. Nhưng chưa nói được gì, đã bị mắng ngay câu nữa:
- Alê! Không đi đi thì ông ấy ra bây giờ!
- Đây có phải nhà ông chủ không?
- Ông chủ nào? Không biết! Alê! Đi!
Thế rồi cửa lại hé ra, rồi áp lại. Người ấy vào trong mất.
Bà lão cố liều, rón rén bước lên bậc thềm cao, dòm qua cửa kính. Vì đèn sáng, nên trông rõ lắm. Rồi không biết nghĩ sao, bà lấy tay sờ mãi vào cửa để mở. Nhưng không biết cách nào, bèn lay thình thình, như không sợ hãi gì cả.
Một người đứng hầu chạy ra mở cửa. Có lẽ là người ban nãy, cho nên thấy bà lão thì đẩy ra, và nói:
- Đi! Chốc nữa...! Dạ!
Cánh cửa lại đóng đánh thình. Bà lão nhìn theo, thì thấy người hầu ấy khoanh tay đứng nói gì với một người đương ngồi ăn. Mà chính vì đã trông thấy người ngồi ăn ấy, nên bà lão mới dám bạo dạn như thế. Người ngồi ăn ấy tức là ông chủ nhà, chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ô tô "Con cọp".
Ông chủ đứng phắt dậy, phưỡn bụng đi ra mở cửa. Bà lão mừng rỡ, híp mắt, nhăn nhó cái mặt để cười và nói to tướng:
- Thành ra tôi ngồi ngay ở cửa nhà mà không biết!
Ông chủ nhà cau mặt, ra ý không bằng lòng, tặc lưỡi một cái. Rồi cánh cửa lại đóng ập lại.
Bà lão không hiểu ra sao. Hay là mình trông lầm chăng. ấy thế mà còn ngốc quá, bà cố cạy và đẩy mãi cửa. Nhưng may, không sao đẩy được. Nhìn theo vào, bà thấy cái nhà ông ấy đi tuột vào trong, mà khi ra ngồi vào bàn tiệc, thì lại cười nói như trước.
Độ mười lăm phút sau, có người đập tay vào lưng. Bà lão quay lại, thì người ấy nói:
- Tôi đưa bà cụ đi vào cổng đằng này, ông tôi bảo thế.
- Không đi được lối này à?
- Ông tôi đương có khách.Bà lão bước xuống thềm, đi theo. Vòng hai phố thì đến một cái cổng hơi rộng. Cổng mở, bà bước vào, đi qua một cái sân, thì đến cái nhà con, trong có chiếc ôtô bóng nhoáng. Người ấy bảo:
- Bà cụ ngồi tạm đây.
Bà lão nhìn bốn bên. Đèn tuy sáng, nhưng cũng không hiểu mình ngồi tạm nhà ai. Mà nói rằng ngồi, chứ có cái gì để ngồi đâu. Vả muỗi và hôi thối quá. Nên chỉ mong chóng có người đưa về, để lễ và để nằm nghỉ. Vì đi xe ngót một giờ đồng hồ cũng mệt. Bà lão nóng ruột quá.
Nhưng may sao, một lát sau thấy có người đi đến. Bà lão nhờ nhắn ông chủ xuống cho mình hỏi.
Độ mươi phút, quả nhiên có tiếng gót giày lộp cộp nện trên sân gạch. Bà lão cố nhìn xem ai. Mừng quá.
Thật đích là ông chủ. Ông chủ đứng trước mặt bà lão, nét mặt hầm hầm, trợn mắt, khoanh tay vào ngực mà gắt:
- Một suýt nữa thì làm tôi ê cả mặt! Ai bảo bà ra làm gì?
Bà lão chưa kịp trả lời cái câu hỏi không ngờ, thì đã bị mắng luôn mấy câu nữa:
- Tôi đã cấm bà không được ra đến đây kia mà. Đã một lần trước rồi, mà không chừa! Bà không biết để sĩ diện cho tôi! Đây này, bà cầm lấy! Bà về đi! Mặc kệ bà! Bà phải về ngay bây giờ! Mới có hơn bảy giờ, còn sớm!
Nói xong, ông ấn vào tay bà lão một cái tròn tròn, rồi quay gót trở lên, và gọi rầm rĩ:
- Thằng bếp đâu rồi! Mày đưa bà ấy ra! Mà mày phải bảo chúng nó rằng tao cấm, không đứa nào được kéo bà ấy cả! Cho mà đi bộ để bận sau mà chừa.
Bà ấy là ai? Bà ấy là một người đàn bà góa. Đã ngoại ba mươi năm nay, có một đêm, bà ấy trót dại chiều chồng, mà tình cờ đẻ ra được một đứa con trai. Sinh được ít lâu, trời bắt tội bà ấy goá bụa. Nhà nghèo, làm ăn vất vả, kiếm chẳng ăn đủ, nhưng bà ấy chẳng nhẫn tâm bỏ đứa bé thơ ngây trả nhà chồng để bước đi bước nữa mà vui thú với cái tuổi xuân đương hơ hớ. Qua mấy năm khó nhọc, khi sài, khi đẹn, suýt chết mấy lần, thì đứa bé đến tuổi đi học. Rồi vì nghèo khổ quá, nó phải ra tỉnh kiếm ăn theo anh em. Nhờ được cái nó nhanh nhẩu, láu lỉnh, liều lĩnh, mà chẳng biết nó làm ăn ra sao, nó có được ít vốn, rồi lấy được ở đâu một con vợ giầu. Từ đó, thằng ấy một ngày một khá, buôn bán phát tài. Nay giàu đến hàng mươi vạn. Thằng con ấy tức là ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ô tô "Con cọp" vậy.
Bà lão lẩy bẩy, theo người bếp lôi ra cửa ban nãy. Đến đường, còn đương ngơ ngơ ngác ngác, chưa rõ nên đi lối nào, thì không biết tâm trí để đâu, bà ta lập cập, vấp một cái, ngã xoài ngay ra rãnh cống. Quần áo mặt mũi lấm bê bết. Cái tròn tròn vẫn nắm trong tay bắn quăng đi. Bà lão cố sờ soạng. Khi tìm thấy, bèn gí vào mắt để xem, thì cái tròn tròn ấy là đồng hào ván...
Mưa để khóc, gió để rên. Rét để cắt đứt ruột mẹ người con mà họ đương khen là hiếu tử.
|
|
Bài học ngày 29 tháng 4, 2010
Giảng sư: TT Giác Đẳng
NHƯ LAI CÓ TỒN TẠI SAU KHI VIÊN TỊCH?
"Tất cả câu trả lời đều nằm trong hạn cuộc của ngôn từ và khái niệm"
I.
Đại lược
I. Trưởng Lão Ni Khemà (S.iv,374)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.
2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Khemà đang đi du hành giữa dân chúng Kosala và trú ở tại Toranavatthu, giữa Sàvatthi và Sàketà.
3) Vua Pasenadi nước Kosala cũng đang đi từ Sàketa đến Sàvatthi và trú một đêm ở Toranavatthu, giữa Sàketa và Sàvatthi.
4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi một người và nói:
-- Hãy đến, này Người kia. Ông có biết vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào ở tại Toranavatthu để hôm nay ta có thể đến yết kiến vị ấy?
-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi tìm khắp Toranavatthu không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vua Pasenadi nước Kosala có thể đến yết kiến.
5) Rồi người ấy thấy Tỷ-kheo-ni Khemà đến trú ở Toranavatthu; sau khi thấy, người ấy đi đến vua Pasenadi nước Kosala và thưa:
-- Tâu Ðại vương, tại Toranavatthu không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để Ðại vương có thể yết kiến. Nhưng tâu Ðại vương, có Tỷ-kheo-ni Khemà là đệ tử của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về bậc nữ Tôn giả ấy: "Nữ Tôn giả là bậc hiền trí, thông minh, có trí, nghe nhiều, lời nói đến tâm, ứng đáp lanh lợi". Ðại vương có thể đến yết kiến vị ấy.
6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà; sau khi đến, đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tỷ-kheo-ni Khemà:
-- Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
8) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
9) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".
10) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
11) -- Ðược hỏi: "Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Thưa Nữ Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?
12)-- Vậy thưa Ðại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Ðại vương. Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.
13) Ðại vương nghĩ thế nào, thưa Ðại vương, Ðại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
14) -- Ðại vương có người kế toán nào, có người chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?
-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
-- Vì sao?
-- Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.
15) -- Cũng vậy, thưa Ðại vương, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupeena), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận... Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.
20) Rồi vua Pasanadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời của Tỷ-kheo-ni Khemà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni Khemà, thân phía hữu hướng về Nữ Tôn giả rồi ra đi.
21) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau một thời gian, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
-- Thưa Ðại vương, Ta không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".
23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn tại sau khi chết?
-- Thưa Ðại vương, Ta cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".
24-25)... (Như trên)...
26-34... (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những thay đổi cần thiết)...
35) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này, giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.
-- Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.
37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
II. Thảo Luận
1. Xin cho biết thêm chi tiết về Nữ tôn giả Khemà
2. Xin định nghĩa từ "Như Lai" ở đây
3. Chủ trương tam thân (trikaya)gồm báo thân, ứng thân và pháp thân có gì khác biệt với tinh thần của bài kinh nầy?
4. Bài kinh nầy có nhấn mạnh sự "bất khả tư nghì" thường thấy trong giáo lý Bắc Truyền không?
VI. Đố Vui
Thử đọc câu chuyện nầy: Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mải mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi: "Chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp?"
- Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.
- Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
Bẩm tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:
- Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.
- Nầy chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
- Không, đất khô không ẩm ướt.
- Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?
- Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu dễ chịu.
- Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?
- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.
- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?
- Không, đất khô không mềm mại dịu dàng, và mình không thể bơi lội trong lòng đất.
- Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
- Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.
- Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt kông? Cá rất bực mình với loạt câu trả lời "không, không, ..." của rùa.
- Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:
- Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt, và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có hể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?
Rùa đáp:
- Được, tốt lắm. Nầy chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.
Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô...
Vấn đề của con cá nằm chỗ nào:
a. Thiếu thiện chí học hỏi
b. Thiếu sự mô tả rõ ràng
c. Thiếu tinh thần khách quan
d. Cả ba câu trên đều sai
Được đăng bởi Pháp Luân vào lúc 04:05
|
Chùa Pháp Luân
13913 S. Post Oak Rd
Houston TX 77045
Phone: (713) 433-4364
Fax: (832) 550-2889
PHÁP THOẠI
Kinh Chuyển Pháp Luân
TT Giác Ðẳng giảng tại bảo tháp Chaukhandi, Sarnath trong chuyến hành huong Ấn Ðộ ngày 20 tháng 3 năm 2010
Đức Phật Ngài dạy về con đường trung đạo, con đường mà Đức Phật đã chứng ngộ con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ Niết-Bàn. Đó là Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế.
Bát Chánh Đạo là con đường có 8 chi phần là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Phần tiếp theo Đức Phật Ngài giảng về Tứ Đế, đầu tiên Ngài giảng về bốn sự thật vi diệu và bốn sự thật quan trọng mà một vị giác ngộ thành tựu tuệ giác không thể không biết đến.
1) Diệu Đế thứ nhất. Là Khổ Diệu Đế tức là sự thật về đau khổ. Ngài dạy rằng tất cả chúng ta trong đời này dù là già hay trẻ, sang hay hèn, dù ở bất cứ giai cấp nào bất cứ cảnh giới nào, dù là tỳ kheo hay tỳ kheo ni thì chúng ta cũng bị sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ và thương phải xa là khổ, ghét phải gần là khổ, muốn không được là khổ, chấp thủ năm uẩn là khổ, ưu sầu não là khổ.
2) Diệu Đế thứ hai. Là Tập Khổ Đế. Nguyên nhân của sự đau khổ. Ngài dạy dựa trên hai sự thật nằm ở trong một nhân tố gọi là tanha hay là khát ái. Khát ái tức là cái mình muốn và không bao giờ thoả mãn. Ví như qúi vị khát nước mà qúi vị uống nước muối thì không bao giờ hết khát thì tâm của chúng ta luôn luôn mong muốn một cái gì đó cho dù chúng ta đã đạt đến nó rồi nhưng chúng ta cũng tìm cái khác nữa. Ví dụ như chúng ta từ Mỹ muốn sang bên đây nhưng mà đến đây rồi thì chúng ta lại nghĩ đến đề mục khác nữa. Hay là chúng ta nghĩ có cái gì đó thì mình vui nhưng mà rồi khi có nó thì chúng ta lại đi tìm một cái gì khác nữa. Thì đó gọi là tanha. Sự trầm kha của chúng ta là không bao giờ thoả mãn với cái mình đang có.
.
Xem Tiếp
Chùa Pháp Luân năm nay tổ chức lễ đại lễ Phật Đản Tam Hợp vào ngày Chủ Nhật 16 tháng 5, 2010
Bản tin do TT Giác Đẳng nói trong room Phật Pháp Buddhadhamma. Ngày 24 tháng 4, 2010
Chùa Pháp Luân năm nay tổ chức lễ đại lễ Phật Đản Tam Hợp vào ngày Chủ Nhật 16 tháng 5, 2010. Năm nay trong chủ đề Phật Đản chúng tôi mượn một ý tưởng của Tiến Sĩ Ambedkar người đã viết ra hiến pháp của Ấn Độ hiện đại nói về ý chỉ của Đức Phật là Ngài muốn chúng ta cảm nhận như thế nào về hình ảnh của Ngài trong cuộc sống. Chúng tôi lấy một ví dụ là Đức Phật Ngài từng đề cập đến một thí dụ là Ngài như một người đi vào trong rừng sâu và đã tìm ra một toà lâu đài cổ xưa vốn đã bị quên lãng theo thời gian, và khi khám phá toà lâu đài này thì Ngài trở về hướng dẫn những người khác cùng đi theo con đường đó để đến toà lâu đài đó. Ngài muốn nói rằng chân lý hay diệu pháp mà Ngài đã giác ngộ như là một toà lâu đài cổ và Chư Phật là người khám phá ra chân lý đó và hướng dẫn những người khác tìm lại con đường cổ xưa để tái khám phá ra chân lý, thì chân lý không phải là một sản phẩm của Chư Phật mà vốn là một sự thật tự nhiên và Chư Phật là vị giác ngộ vạn pháp và chỉ điểm cho chúng sanh làm thế nào để dẫn đến chỗ giác ngộ giải thoát. Đó là một thí dụ về năm điểm mà Đức Phật Ngài muốn cho chúng ta cảm nhận như thế nào về Ngài và về giáo pháp, nhưng đặc biệt là về Đức Phật.
Chúng tôi xem đây là một điểm rất quan trọng là bởi vì đa số tất cả chúng ta đều mong muốn để biểu thị sự tôn kính của mình với Đức Phật nhưng mà thường là qua thái độ riêng của chúng ta, chúng ta nghĩ như vậy là hợp tình hợp lý nhưng bây giờ chúng ta tự hỏi rằng Đức Phật Ngài muốn chúng ta nghĩ như thế nào về Ngài, cũng giống như ở trong gia đình chúng ta thường có cách thương cha thương mẹ riêng của mình, nhưng mà lâu lâu chúng ta đặt lại vấn đề là cha mẹ thật sự muốn mình phải cư xử với cha mẹ như thế nào, một câu hỏi ngược lại như vậy sẽ lợi ích cho chúng ta.
Đó là chủ đề của đại lễ Phật Đản tức là đại lễ Tam Hợp Vesakha Puja tại chùa Pháp Luân vào ngày Chủ Nhật 16 tháng 5 năm 2010 này. Và trong buổi lễ này thì chúng tôi đặt biệt có một chương trình qua chương trình đó chúng tôi sẽ giới thiệu với qúi Phật tử về lịch trình mới trong năm nay mà tôi nghĩ rằng đây là một lịch trình hy vọng mang lại nhiều lợi ích cho quí Phật tử trên phương diện tu học mà chúng tôi sẽ công bố trong đại lễ Phật Đản này
Chùa Pháp Luân sẽ tổ chức bốn chương trình hành hương tu học.
Bản tin do TT Giác Đẳng nói trong room Phật Pháp Buddhadhamma. Ngày 29 tháng 4, 2010
Trong chủ đề về thăm viếng các quốc gia Phật giáo, chùa Pháp Luân sẽ có tổ chức chương trình tu học và dựa trên kinh nghiệm của những chuyến đi hành hương vừa qua. Đi hành hương là một ở trong những cơ hội rất qúi báu để người Phật tử thật sự tiếp xúc với một nền đạo rất sống động thay vì chỉ đơn giản ở trong lý thuyết và cũng kinh nghiệm cho thấy rằng mỗi một chuyến đi như vậy thì những người đi thường cố gắng để gói ghém thì giờ của mình tập trung vào những điểm chính thay vì để sự phóng tâm lơ là. Ngày nay thì rất nhiều người mong muốn rằng những chuyến đi hành hương cũng như thăm viếng những quốc gia Phật giáo tạo nên một khái niệm mới để chúng ta có thể tiếp xúc với Đạo Phật và sự thực hành qua nhiều văn hóa và quốc độ khác nhau, điều này rất có lợi cho người tu học. Trong tuần tới qúi vị sẽ thấy chúng tôi post lên một loạt bốn chương trình hành hương thăm viếng các quốc gia Phật Giáo vào cuối năm nay 2010 và đầu năm tới 2011.
Ở trong bốn chuyến đi đó mang bốn chủ đề khác nhau:
Một chủ đề thăm viếng Nhật Bản 10 ngày đó là chủ đề "Thiên nhiên và đạo." Sở dĩ chọn đề tài này tại vì phái đoàn sẽ đến thăm viếng Nhật Bản vào mùa thu, có lẽ khó có nơi nào khác trên thế giới mà tìm thấy màu lá màu sắc của mùa thu hoà hài với hình ảnh của mái chùa với những khu vườn trong chùa mà tạo cho chúng ta một khung cảnh thanh nhu như Nhật Bản. Có lẽ đây là một sở trường mà có thể nói rằng cao nhất của người Nhật khi họ kết hợp những hình ảnh và màu sắc của thiên nhiên trong không khí rất thanh tịnh vượt thoát của ngôi chùa. Trong chuyến đi 10 ngày phái đoàn sẽ thăm viếng những thành phố như Kyoto, Nara Kobe, Himeji, Hiroshima và Osaka, trong đó thì hai thành phố nhiều chùa chiền nhiều nhất đó là Nara và Kyoto, những nơi khác đều có hình ảnh của mái chùa, ví dụ ở Osaka có ngôi chùa đầu tiên của Nhật Bản và ở Hiroshima chúng ta có thể tìm thấy không khí trầm lắng của một thành phố vốn bị bom nguyên tử sau Đệ Nhị Thế Chiến, và trong 10 ngày thăm viếng trải qua sáu thành phố như vậy với hơn 12 ngôi chùa thăm viếng cho những người đi hành hương có một cảm nhận là người Nhật Bản đã khéo léo như thế nào ở trong việc đem những màu sắc hình ảnh của thiên nhiên để tạo cho chúng ta thấy rằng đạo và thiên nhiên có rất nhiều điểm tương đồng.
Một chuyến đi khác cũng nằm trong trù liệu và hiện nay thì tình hình có vẻ hơi bất ổn nhưng hy vọng vài tháng nữa mọi việc sẽ đâu vào đó, đó là chuyến đi thăm viếng Thái Lan. Chuyến đi Thái Lan có chủ đề là "Nhân gian và đạo." Không có một nơi nào khác ở trên thế giới mà hình ảnh của những người cư sĩ Phật tử hộ pháp ở trong một tinh thần thật hoà hài thật đẹp như tại Thái Lan, có thể nói rằng đa số các ngôi chùa đều nằm trong trường hợp hơn nửa triệu tu sĩ tỳ kheo sadi sống mỗi ngày là do thức ăn cúng dường khi đi khất thực và nếu có dịp về những thành phố như Chiang Mai hay vùng Ubon Ratchathani và nhiều nơi khác nhất là ở miền quê thì chúng ta thấy rằng cái tâm tình của quần chúng ở bên ngoài và trong việc gần gủi chư tăng hộ trì Phật Pháp trở thành những hình ảnh rất đặc trưng của một truyền thống Phật Giáo do đó chủ đề "Nhân gian và đạo" là làm thế nào để trong 10 ngày có thể đi thăm viếng những nơi cho chúng ta cảm nhận về giá trị của đạo và đời gắng bó với nhau như thế nào trong tinh thần của Phật Giáo.
Một chủ đề khác là "Dấu xưa và đạo." Một cuộc hành hương đi thăm viếng Ấn Độ, chuyến hành hương này kéo dài 20 ngày. Chuyến hành hương đó sẽ đưa phái đoàn từ cao điểm của Hi mã lạp sơn đi xuống những vùng đất của châu thổ sông Hằng liên quan đến những thánh tích lớn trong cuộc đời của Đức Phật và sau cùng dừng lại ở Mumbai, phái đoàn sẽ đến thăm viếng một nơi được xem rằng có đông đảo Phật tử của tỉnh bang Maharshtra mà đạo Phật vẫn còn sống động cho đến ngày hôm nay, đến thăm Dhamma Giri trung tâm thiền định của Ngài Goenka, và đặc biệt đến thăm viếng hai động thạch khắc Ajanta và Ellora. Những hình ảnh xa xưa của Đạo Phật tại Ấn Độ mặc dù ngày hôm nay Ấn Độ không còn trong thời đại hoàng kim như lúc trước nhưng vẫn cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều bài học lịch sử có thể được rút ra đặc biệt là những thánh tích liên quan đến cuộc đời của Đức Phật.
Sau cùng có một chủ đề khác mà chúng tôi thực hiện đó là chuyến viếng thăm Nam Hàn với chủ đề là "Mái chùa và đạo." Hiện nay ở Nam Hàn có một phong trào mà rất đáng cho chúng ta nghiên cứu, ở trong tiếng Anh gọi là "Temple Stay" tức là cư trú ở trong chùa. Tất cả những ngôi chùa, có hơn 200 ngôi chùa tại Nam Hàn đang mở cửa cho các du khách không những chỉ đến thăm viếng mà còn ở lại trong chùa và sống trong tổ chức đặc biệt trong chùa, ăn thức ăn như chư tăng ni và sống trong những thời khóa biểu như vậy, phái đoàn sẽ viếng thăm Suwon và sau đó đi Ulsan và thăm một vài nơi nữa và trong những nơi này thì phái đoàn có dịp ở lại ba ngôi chùa rất tiêu biểu của Phật giáo Nam Hàn.
Với bốn chủ đề mà hiện tại chúng tôi đang nhắm tổ chức vào cuối năm nay và đầu năm tới, bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều Phật tử bình thường đi chùa thật sự thấy rằng Phật Pháp chỉ tồn tại như là một niềm tin có tánh cách là thủ tục lâu đời, nhưng mà một khi đã đi hành hương đất Phật, một khi đã đến thăm viếng các quốc gia Phật giáo người ta tìm lại một hình ảnh rất sống động rất hiện thực mà sự tồn tại của một nền đạo mà nền đạo đó đã là một đặc trưng của văn hóa của tín ngưỡng và nền đạo đó đã chuyên chở rất nhiều cho cuộc sống của mỗi chúng ta, có thể nói rằng các quốc gia Phật giáo ngày nay là một cuốn sách khổng lồ mà qua đó từng trang một gợi nhắc và cho chúng ta học biết rất nhiều điểm rất lợi lạc cho đời sống của mỗi người Phật tử.
Bản tin do TT Giác Đẳng nói trong room Phật Pháp Buddhadhamma. Ngày 25 tháng 4, 2010
Bản tin thứ nhất:
Một vị cao tăng người Cambôt ngài có tên là Ly Van tại một ngôi chùa Cambochia Glory Buddhist Temple ở Long Beach California, khi vị lão tăng 90 tuổi này qua đời thì dường như sự ra đi của Ngài giống như sự ra đi của nhiều người khác, người ta cũng làm lễ cũng làm phước sự để hồi hướng cầu nguyện và đồng thời tất cả những vật tùy thân còn lại thường được phân chia ra trao đến cho Chư Tăng nhất là những vị chăm sóc cho vị tỳ kheo lúc bị bịnh, tuy nhiên trong số những gì mà vị này để lại đã làm cho người ta ngạc nhiên và không những chỉ ngạc nhiên mà đã tạo nên một sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng người Cam Bốt ở tại Hoa Kỳ cho đến chính phủ Cam Bốt ở tại Phnom Penh và kể cả ba trường đại học khác. Đó là một tập thơ, vừa là tập thơ vừa là tùy bút, tập thơ đó đã nói lại tâm trạng của vị lão tăng này trong những tháng ngày sống dưới chế độ Pol Pot. Chế độ Khmer Đỏ đã là một ở trong cơn ác mộng của nhân loại nói chung và của người Cambochia nói riêng, trong suốt thời gian cầm quyền từ năm 1975 cho đến năm 1989 thì chế độ Cam Bốt đã giết hàng triệu người Cambochia trong những trại tập trung mà có thể nói rằng nhân loại khó có thể tưởng tượng được là có thảm kịch như vậy xảy ra trong thế kỷ 20. Một cuốn phim rất nổi tiếng là The Killing Field tại Hoa Kỳ do một đạo diễn ở Hollywood thực hiện đã nói lên phần nào bi kịch của đất nước Cam Bốt. Đó là một cuốn phim nhưng riêng đối với tập thơ của vị lão tăng có tên là Ly Van này để lại thì chính bản thân của Ngài là một nhân chứng, từ một vị tu sĩ có học thức có trình độ ở trong chùa mà trải qua những cơn ác mộng, Ngài đã sống những tháng ngày bị đày đọa ở trong trại tập trung như thế nào, và những điều gì tai nghe mắt thấy đã khiến cho vị này cảm nhận ra sao, có lẽ là ít bao giờ người ta tìm thấy một tập thơ được viết với tất cả chẳng những sự trung thực mà tác giả lại là một chứng nhân đi qua một thảm cảnh, thảm cảnh cho bản thân, thảm cảnh cho đạo pháp và thảm cảnh cho cả quê hương dân tộc như vậy.
Theo một vị giáo sư của trường đại học Massachusetts thì đang có một nỗ lực nhằm giới thiệu tập thơ này như là một trong những tác phẩm quan trọng trong số tư liệu mà những người Cambochia có được về đất nước của họ, và hiện nay người ta đang tổ chức một cuộc thuyết trình và giới thiệu về tập thơ của Ngài trưởng lão Ly Van tại thư viện Mark Twain Library, tại Anaheim California. Người ta hy vọng những gì mà tập thơ này có thể tác động được sẽ gợi nhắc cho nhân loại thấy rằng nạn diệt chủng luôn luôn là một hiểm hoạ chực chờ của nhân loại, nhiều khi người ta nghĩ rằng rất khó xảy ra ở một thời nào đó hay là đối với một dân tộc nào đó nhưng việc đó hoàn toàn có thể xảy ra.
Bản tin thứ hai.
Một nỗ lực mới của chính phủ Ấn Độ nhằm kỷ niệm lần thứ 2630 kể từ khi Đức Thế Tôn thành đạo, năm nay người ta sẽ tổ chức nhiều chương trình cho những buổi lễ kỷ niệm sự ra đời, thành đạo và viên tịch Niết-bàn của Đức Thế Tôn tại Ấn Độ. Trong dịp này sở hoả xa của Ấn Độ cùng với nha du lịch của Ấn Độ sẽ tổ chức một chuyến đi hành hương rất đặc biệt mệnh danh là "Theo dấu chân của Phật" nguyên văn là "Footsteps of Buddha" những bức chân của Đức Phật. Lịch trình hành hương này kéo dài tất cả là 10 đêm 11 ngày, bắt đầu từ thủ đô Tân Deli rồi qua đó đi lên Varanasi ngang qua Agra và khi đến Varanasi thì sẽ đến Sarnath nơi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân Ngài thuyết bài pháp đầu tiên, và cũng tại Varanasi thì những người hành hương sẽ được đi thăm viếng một số những di tích quan trọng của thành phố mang đầy sắc tính tôn giáo này như bến nước tại sông Hằng hay là ngôi chùa nổi tiếng Kashi Vishwanath, chùa Durga, đại học Banaras Hindu University và viện Bảo Tàng.
Ngoài ra một số địa điểm hành hương quan trọng khác cũng được đưa vào trong lịch trình 11 ngày này, ở trong đó có Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Thế Tôn thành đạo và Kushinagar nơi Đức Thế Tôn viên tịch, phái đoàn cũng được đi qua những thành phố như Vương Xá Thành, Nalanda, Hoa Thị Thành ngày nay gọi là Patna, Vaishali, kể cả Lumbini của Nepal và Xá Vệ.
Người ta hy vọng rằng chuyến đi hành hương này được tổ chức trở thành truyền thống mỗi năm vào mùa lễ Vesakha. Người Ấn Độ có phần hơi khác với một số các quốc gia khác, thí dụ tại Việt Nam thì người Việt Nam thường xem ngày rằm tháng Tư là lễ Phật Đản, ở tại các quốc gia Phật Giáo Nam Truyền thì thường gọi là lễ Vesakha hay là lễ Tam Hợp để đánh dấu cả ba sự kiện là Đản Sanh, Thành Đạo và Niết-bàn bởi vì trong kinh điển Pali thì ghi rằng Đức Thế Tôn Đản Sanh, Thành đạo và Niết bàn đều đúng vào ngày trăng tròn tháng Vesakha tương đương với tháng Tư âm lịch của chúng ta. Tuy nhiên tại Ấn Độ thì lại đặc biệt khác, người Ấn Độ cũng nói rằng Đức Thế Tôn Đản Sanh, Thành Đạo, Niết-bàn cùng ngày rằm tháng Tư, tuy vậy khi kỷ niệm về một con người thì người Ấn Độ không kỷ niệm ngày sanh mà họ kỷ niệm ngày mất giống như chúng ta gọi là ngày giỗ, do vậy ngày rằm tháng Tư thường người ta gọi là ngày Maha-parinibbana tức là ngày Đại Bát Niết-Bàn là ngày đánh dấu sự viên tịch của Đức Phật Tổ Cồ Đàm hay Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và người Ấn Độ thường gọi tắt là Buddha Budhima hay là Maha-parinibbana để chỉ cho ngày lễ rằm tháng Tư, mặc dầu họ cũng nói rằng ngày đó là ngày Đức Thế Tôn đản sanh và thành đạo nhưng mà là ngày viên tịch Niết-ban ,đó là truyền thống của người Ấn Độ, cũng như khi họ nhắc đến những bậc danh nhân khác ở trong nền văn hóa cũng như đời sống hàng ngày của người Ấn Độ.
Thạch động Ajanta và Ellora ở miền Nam nước Ấn
Phật tử chùa Pháp Luân chụp chung tại Ellora hang động số 10 dưới chân tôn tượng Phật
Hai động Ajanta và Ellora ở tỉnh Maharashtra miền nam nước Ấn Độ là hai động thạch khắc nổi tiếng của thế giới. Đến thăm hai động thạch khắc này chúng ta phải đi bằng xe lửa từ Mumbai đến thành phố Aurangabad mất khoảng 4 cho đến 5 tiếng, đây là vùng mà ngày nay có nhiều trung tâm Phật giáo quan trọng và chung quanh có rất nhiều cộng đồng Phật tử người tỉnh Maharashtra họ nguyên là Ấn Giáo trở về với đạo Phật. Ellora cách Augangabad khoảng 30 cây số và Ajanta cách Aurangabad 108 cây số và hai thạch động này được tạc ở trong giòng lịch sử tương đối liên tục. Ajanta bắt đầu từ thế kỷ thứ Nhất trước Tây Lịch cho đến thế kỷ thứ Năm, rồi bị chìm vào quên lãng không biết vì lý do gì đó nó là một bí mật của lịch sử mà ngày nay chúng ta không biết được. Ellora được thực hiện từ thế kỷ thứ Năm cho đến thế kỷ thứ 12 và ở trong suốt thời gian mỗi một động thạch khắc như vậy mất khoảng 700 năm. Ellora thì nổi tiếng về cấu trúc đền miếu còn Ajanta thì nổi tiếng về tranh nhưng cả hai đều nổi tiếng về những công trình đục sâu vào trong đá. Nói về nghệ thuật điêu khắc hội hoạ thì hai động này được liệt vào những nghệ thuật rất cao của thế giới.
Tại Ellora trong hang động thứ 10 được tạc theo tu viện với nhiều phòng ốc. Theo mô hình tương tự mô hình xây dựng hang động số 19 và số 26 của Ajanta. Các cột hành lang có trục lớn vuông chạm khắc hoa văn. Hội trường chính ở gian giữa và lối đi hai bên có 28 cột hình bát giác . Trong phần cuối của hội trường là một bảo tháp trong đó có tạc một tôn tượng Phật ngồi khổng lồ với 3,30 mét chiều cao trong tư thế Ấn Giáo Hóa (vyakhyana Mudra.) Một cây Bồ Đề Lớn được chạm khắc ở mặt sau. Hội trường có một mái vòm. Không khí trong động mát mẻ mặc dù đang là mùa hè với khí hậu oi bức ở bên ngoài
Hang động số 16, còn được gọi là Kailasa hoặc Kailasanatha, là trung tâm nổi tiếng của Ellora. Đây là một thiết kế để nhắc nhở Mount Kailash, nơi ở của Chúa Shiva - tựa như đứng một mình, một ngôi đền phức tạp và đa tầng, nhưng nó đã được chạm khắc từ một tảng đá duy nhất.
Hang động số 15 được bắt đầu như là một tu viện Phật giáo. Có một cái sân với hành lang ở giữa và một ngôi đền hai tầng ở phía sau. Việc bố trí của ngôi đền liên quan chặc chẽ đến các hang động 11 và 12. Bức điêu khắc lớn nằm giữa các cột tường tầng trên minh họa một loạt các chủ đề, trong đó bao gồm 10 vị thần bảo hộ Vishnu. Một đồ hình điêu khắc của Dantidurga được tìm thấy trên mặt sau của bức tường hành lang trước. Dựa theo Coomaraswamy, hình ảnh nổi bậc nhất của hang động này là hình ảnh miêu tả cái chết của Hiranyakashipu, nơi mà Vishnu, vị thần bảo hộ trong hình dáng người sư tử (Narasimha), xuất hiện từ một trụ đá đặt một bàn tay tử vong lên vai của Hiranyakashipu
Ajanta thì nổi tiếng là vì ở đấy giữ lại rất nhiều những bức bích hoạ, mặc dầu có một số đã bị hỏng theo thời gian. Từ thế kỷ thứ 5 Tây Lịch thì người ta không còn nhắc tới Ajanta nữa, cho đến năm 1819 thì có một viên sĩ quan người Anh làm việc trong Madras Army tên là John Smith trong một chuyến đi săn cọp ông đã tình cờ khám phá ra lối vào hang động số 9 lúc đó nó được che phủ bởi cây cối và trong lúc đó thì ông đã viết tên của ông bằng viết chì lên hang động mà ngày nay chúng ta đến vẫn còn thấy nét mờ, cái ngày mà ông tìm ra nó là ngày 28 tháng Tư năm 1819. từ thế kỷ thứ 5 tức là 5 năm sau Tây Lịch cho đến năm 1819 kể ra là 1300 năm Ajanta bị chìm vào quên lãng, thế nhưng cây rừng, độ ẩm và sự quên lãng theo thời gian đã không xóa đi những gì mà chúng ta đặc biệt qúi giá cho đến ngày hôm nay. Ajanta trong thạch động số 1 hình của Đức Bồ Tát nhìn cuộc đời thì người ta nói rằng ánh mắt đầy bi mẫn của Ngài có thể cho chúng ta thấy rằng bức tranh đó là một bức tranh nghệ thuật đó là thời cực thịnh của Phật Giáo.
Ajanta trong thạch động số 1 hình của Đức Bồ Tát nhìn cuộc đời thì người ta nói rằng ánh mắt đầy bi mẫn của Ngài có thể cho chúng ta thấy rằng bức tranh đó là một bức tranh nghệ thuật đó là thời cực thịnh của Phật Giáo. Có những cảnh khắc từ cuộc đời của Đức Phật cũng như một số họa tiết trang trí. Một hai cột trụ, được nhìn thấy trong bức ảnh thế kỷ 19 đã bị hư hỏng. Hầu hết các khu vực của hàng hiên đã từng che phủ bằng tranh hoành tráng, trong đó rất nhiều mảnh vỡ còn lại. Có ba các cửa: một cửa trung tâm và hai bên các cửa. Hai cửa sổ vuông được chạm khắc giữa các cửa để làm sáng nội thất. Mỗi bức tường của phòng dài 40 feet (12 m) và 20 feet (6,1 m) cao. Mười hai trụ cột tạo ra một dãy cột vuông bên trong hỗ trợ cho trần nhà, và tạo ra lối đi rộng rãi. Có một ngôi đền được chạm khắc trên tường hình của Đức Bồ Tát nhìn cuộc đời thì người ta nói rằng ánh mắt đầy bi mẫn của Ngài, tay đang trong tư thế Chuyển Pháp Luân (Mudra dharmachakrapravartana.) Các bức tường được khắc những bức tranh điêu khắc rất công phu . Những cảnh được miêu tả chủ yếu là để học, thành tâm, và cảnh. Các chủ đề có từ những câu chuyện Bổn Sanh kinh (những câu chuyện của kiếp trước của Đức Phật như Bồ Tát Ðạo), cuộc đời của Đức Phật Gautama, và những người sùng kính của Ngài.
Hang thứ 2 có một hàng lang khác với hang số 1. Ngay cả những hình khắc trên mặt tiền dường như khác nhau. Các hang động được hỗ trợ bởi trụ cột mạnh mẽ, trang trí với thiết kế. Kích cỡ và kế hoạch mặt bằng có nhiều điểm chung với các hang động đầu tiên. Các bức tranh trên trần và tường của hang này đã được trải rộng. Mô tả những câu chuyện Bổn Sanh các câu chuyện của về cuộc đời của Đức Phật trong kiếp trước đây là Bồ Tát.
Tranh được tạc trên tất cả các hang động trừ dưới sàn. Tại nhiều nơi khác nhau các tác phẩm nghệ thuật đã bị xói mòn do ảnh hưởng của thời tiết và sự can thiệp của con người. Vì vậy, nhiều khu vực của các bức tường sơn, trần nhà, và trụ cột rời rạc. Các bức họa tường thuật những câu chuyện Bổn Sanh không chỉ được vẽ trên các bức tường, mà đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của các tín đồ học và truyền bá đến cộng đồng Phật tử về những lời dạy của Đức Phật. Ngày nay chúng ta cũng phải kinh ngạc về một quần thể thạch khắc mà qua đó cho chúng ta biết rất nhiều về hội hoạ về điêu khắc và về cuộc sống của Tăng Già thời đó, nhìn những thạch động này thì chúng ta có thể suy diễn rằng đàn tín ủng hộ, nếu không có đàn tín ủng hộ thì những công trình như vậy không thực hiện được, nó cực thịnh là về phương diện văn học nghệ thuật và nhất là kinh Bổn Sanh những bức bích hoạ nói về đời sống các vị Bồ Tát được vẽ trên tường rất nhiều
|
|