Hoa Khai Kiến Phật
Thấy Phật Bằng Mắt, Thấy Phật Bằng Tâm (tiếp theo)
TT Giác Đẳng: ở đây nghe TT Tuệ Siêu đề cập đến đề tài "thấy Phật bằng mắt, thấy Phật bằng tâm". Chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị một vài cảm xúc mà chúng tôi đã trải qua khi ở gần Ngài Hòa Thượng trong những ngày cuối cùng của Ngài.
Thưa qúi vị, khi nhắc lại Hoà Thượng, những người Phật tử quen biết với Ngài từ thập niên 60, 70 của thế kỷ vừa rồi thì người ta thường nhắc đến Hoà Thượng hai điều đó là Ngài là vị Pháp Sư thuyết pháp rất hay, thứ hai là nhiều vị nói Hoà Thượng rất đẹp trai, Ngài có hảo tướng khi còn trẻ, còn bây giờ qúi vị nào xuống tịnh thất của Ngài cũng còn có nhiều hình ảnh Ngài chụp hồi còn trẻ thì thấy Hòa Thượng tướng mạo rất đẹp.
Chúng tôi nhớ về điều đó, thế nhưng, thứ hai tuần rồi chúng tôi cùng một số Chư Tăng và Phật tử rước Hòa Thượng về để Ngài có mặt ở chùa trong những ngày cuối cùng và Ngài ra đi tại chùa, thì chúng tôi đứng bên cạnh giường cùng với Chư Tăng và Phật tử nhìn hình hài của Ngài một vị lão tăng tuổi già nua sắp ra đi sắp trút hơi thở cuối cùng, ở tuổi 84, 85, chúng ta không có kỳ vọng Hòa Thượng đẹp như ngày xưa hảo tướng như thuở nào và chúng ta cũng không có kỳ vọng là Ngài sẽ nói với chúng ta bằng thứ pháp âm mà chúng ta đã được nghe Ngài nói từ nhiều năm về trước.
Tuy vậy, ở trong những giây phút đó chúng tôi đã nhìn thấy những tấm lòng của Tăng Ni Phật tử đối với Ngài, họ đến để đảnh lễ Ngài, họ thấy Ngài đau thì trong lòng xót xa, chúng tôi biết họ thật sự thương Ngài. Thật ra một vài vị làm chúng tôi rất là ngạc nhiên khi các vị ngồi ngủ gà ngủ gật dựa vào tường ở trong tịnh thất của Ngài không đi về mà ở lại đó trong không khí lạnh của một ngày mùa đông tại vì sợ rằng qúi vị về rồi khi Ngài trút hơi thở cuối cùng thì mình không có mặt. Ngay giờ phút đó chúng tôi có thể nhận ra được rằng những tấm lòng đó đã thương kính Hòa Thượng không phải là vì hảo tướng của Ngài, cũng không có thương Hoà Thượng bởi vì những pháp âm rất là đẹp rất là hay của Ngài, và đó là một chân tình vượt lên trên những thứ đó.
Cuộc sống của chúng ta rất dể bị mê hoặc bề ngoài, đó là mê hoặc hay hoặc giả là làm chúng ta bị lạc hướng đi. Ví dụ như người ta nghĩ rằng mình thương một người nào đó là tại vì nụ cười, tại vì ánh mắt, tại vì mái tóc của người đó. Nhưng, tình cảm chân thành nó phải vượt qua những thứ đó. Chúng tôi nhớ cụ Hiến Lê viết một câu rằng "ở trong đời không có cái gì phù phiếm bằng thứ tình yêu do văn nghệ mà ra" ý cụ nói rằng có những người yêu thích một ca sĩ hay yêu thích một tài tử, bởi vì họ rất thưởng thức một cuốn phim mà người đó đóng, một nhân vật ở trong phim hay một bản nhạc người đó hát, và thật sự cái tình cảm đó mới ban đầu thì rất là nhộn nhịp rất là mạnh. Nhưng chúng ta để ý một điều như vầy là, những người yêu thương tài tử hay ca sĩ thì có lúc họ hâm mộ ca sĩ này có lúc hâm mộ ca sĩ khác chứ không phải một đời họ cũng chỉ thương yêu một người ca sĩ đó thôi. Điều đó cũng là một điều cho chúng ta thấy rằng cuộc sống cái gì chỉ có bề ngoài thì thật sự nó đoản, nó không bền và nó không thật.
Cái hiện thực của cuộc đời Hòa Thượng thì có lẽ chúng tôi nghĩ rằng những ai ở gần tiếp xúc với Ngài thì có thể cảm nhận được một số đặc tính của Hòa Thượng. Chúng tôi thưa với qúi vị, là trụ trì chùa và chúng tôi cũng thường đi làm những Phật sự đi chỗ này chỗ kia chúng tôi biết là có lúc Hòa Thượng trông chúng tôi về, thật ra khi chúng tôi đi Úc về trước khi Ngài đi, Ngài nói với chúng tôi một lần rằng "lúc này Sư Giác Đẳng bới đi lại" ít bao giờ Ngài nói với chúng tôi chuyện đó, có lẽ Ngài nghĩ rằng Ngài không có qua được, Ngài đã nói điều đó, Ngài nói rất nhẹ nhàng. Cuộc sống của Ngài không có quen đòi hỏi Ngài không có bắt buộc ai hết và phải nói rằng cho đến những ngày cuối đời của Ngài, Ngài vẫn là người giữ được một phong thái của một người rất hiểu đời và rất là hiểu cuộc sống. Ngài nằm ở bệnh viện đau lắm mà Chư Tăng đến thì Ngài nhắc đi tìm cái gì cho các vị ăn. Ngày Ngài đi về chùa, khi chúng tôi đến thưa với Ngài là chúng con rước Ngài về chùa. Giây phút y tá vào tháo những giây của cái máy moniter đang theo dõi sức khỏe trong người Ngài ra đó là giây phút mà chúng tôi cảm thấy xót trong lòng, đã nhiều lần Ngài nằm bịnh viện mỗi lần y tá tháo những sợi giây đó ra thì chúng tôi rất là vui vì Ngài xuất viện tức là Ngài đã khỏe và trở về. Nhưng mà, thứ hai tuần rồi khi họ tháo giây đó thì chúng tôi biết rằng đây là lần cuối cùng Ngài rời khỏi bệnh viện và đây là lần cuối cùng chúng tôi rước Ngài về chùa về tịnh thất của Ngài. Ngài rất là thản nhiên, cô y tá vô chào Ngài, lúc đó Ngài biết rằng bệnh viện không còn trị liệu cho Ngài được nữa, Ngài biết rằng Ngài sắp trở về chùa và có nghĩa là Ngài sẽ ra đi bởi vì Ngài sẽ không dùng thuốc nữa, Ngài sống bằng thuốc bây giờ Ngài không dùng thuốc nữa và Ngài cũng không đi lọc thận nữa, nhưng Ngài vẫn cười Ngài vẫn nhìn người y tá và Ngài vẫn chào, cô y tá nói với chúng tôi rằng: "Ngài là một bệnh nhân rất là dễ thương." Chúng tôi nghĩ rằng đó là một vài điểm về cuộc đời của Ngài mà khiến cho chúng ta khó quên được Ngài.
Thì thưa qúi vị, khi chúng ta nói "thấy Phật bằng tâm chứ không phải thấy Phật bằng mắt" thì chúng tôi tin một điều chúng ta là người học Phật thì ở Đức Phật còn có một cái gì hơn giòng tộc, hơn màu sắc, âm thành sắc tướng mà chúng ta tìm thấy. Dĩ nhiên là có nhiều Phật tử cả đời tưởng nhớ Phật bằng đeo tượng Phật thế này đeo tượng Phật thế kia, nhưng Đức Phật Ngài không chỉ hình thức pho tượng thờ ở chùa, như TTTuệ Siêu có đề cập đến cũng không phải là chùa này thờ tượng Phật đẹp mới làm mình hoan hỉ. Đức Phật thật sự Ngài có những chân giá trị vượt ngoài điều đó.
Thật ra thì chúng tôi không muốn nói lẫn lộn giữa Đức Phật và Hoà Thượng, Ngài Hòa Thượng là một đệ tử Phật nhưng ở đây chúng tôi muốn dùng hình ảnh một thí dụ rất gần với chúng ta là, càng lớn càng trưởng thành thì chúng ta hiểu rằng ở trong sự cảm nghiệm của con người nó không thể đi đơn thuần cái ở bên ngoài cái gì rất là thường tình mà chúng ta thấy, người ta càng lớn tuổi càng già càng trưởng thành thì người ta sẽ nhận ra rằng có những cái ở bên ngoài mà người ta xem rất là nặng như là thời trang nó chỉ là phù du rất là phù du.
Chúng tôi nhớ rằng cách đây hơn hai tuần, ở trong Giáo Hội có một điều làm chúng tôi lo lắng, chúng tôi tránh không dám thưa với Ngài trong lúc Ngài đang bệnh bởi vì nghĩ rằng nên để cho Ngài được khỏi bận lòng vì những chuyện mà thật sự là không nên để cho Ngài bận lòng, nhưng vì lúc chúng tôi đang ở với Ngài thì điện thoại của giáo sư Ái gọi qua nên chúng tôi phải trả lời, sau đó Ngài hỏi chúng tôi một vài câu thì chúng tôi thưa với Ngài, Ngài cũng không có ý kiến nhưng Ngài ngồi một chút rồi Ngài nói rằng "thật ra nếu mình đến gần cái gìa cái chết thì lúc đó mình thấy rằng vốn không còn cái gì nữa". Ở bên Bỉ Ngài cũng nói với chúng tôi hai lần câu "rồi cũng không còn gì nữa". Cái gì mà chúng ta rất là ưa thích, cái gì chúng ta rất là cưu mang nặng lòng, đến lúc gần kề cái chết thì không có gì nữa. Ngài nằm ở trên giường bệnh có lẽ hơi thở được đều được nhẹ đối với Ngài nó quan trọng hơn là cái danh vọng sự nghiệp, tất cả cái hư danh cái cuồng lưu không còn là gì, đời sống là mỏng manh như vậy.
Thế nhưng, chúng ta ít cảm nhận điều đó, nên chi khi Ngài nằm xuống, thật sự chúng tôi rất mệt, chúng tôi ngồi ở trước máy computer rất là lâu khi soạn chương trình tang lễ, nhưng chúng tôi nghĩ một điều là, lúc sinh thời Ngài không trọng hình thức Ngài không trọng chức vị, Ngài không trọng lời khen của ai mà mình ngồi đó làm cho rình rang làm cho lớn thì thật sự chúng ta không hiểu về Ngài thì thật sự là không hợp với điều mà Ngài hoan hỉ. Do đó chúng tôi nghĩ, Ngài Hòa Thượng có cái đặc điểm trong cuộc sống của Ngài là Ngài rất qúi trọng Phật Pháp, có lẽ là qúi Phật tử ít có bao giờ để ý đến điều đó. Chúng tôi vẫn thường đi đó đi đây với Ngài để thuyết pháp, nghi thức ở trong đạo, Ngài là người lớn chúng tôi là người nhỏ khi chúng tôi quì trước bàn thờ Phật thì không quì ngang với Ngài mà chúng tôi quì lui sau một chút, và khi Ngài ngồi trên toạ cụ mỏng thì chúng tôi không lấy toạ cụ dày mà chúng tôi tháo cái toạ cụ đó đi để ngồi thấp, tại vì Ngài là người lớn mà Ngài không ngồi chỗ cao thì mình ngồi chỗ thấp. Thường thường đi chỗ nào lạ Ngài hay nói lời khai thị mở đầu rồi sau đó Ngài dạy chúng tôi thuyết pháp cho Phật tử, thì dĩ nhiên khi Ngài ngồi thì ngồi giữa thì chúng tôi ngồi kế bên ngoài, nhưng có đôi lúc ở trong nhà của gia chủ chỉ có một cái tọa cụ chúng tôi lấy cái toạ cụ để cho Ngài ngồi đến giờ chúng tôi sắp thuyết pháp thì Ngài bảo gia chủ "lấy cái gối cho Sư Giác Đẳng ngồi", thì người gia chủ không hiểu, chúng tôi thường thưa với Ngài là "thôi được rồi thưa Ngài, con ngồi đây được" rồi sau đó Ngài rày, Ngài nói rằng "bình thường ngồi sao cũng được nhưng khi thuyết pháp phải ngồi đàng hoàng đó là sự tôn kính đối với Pháp". Thật ra, đó không phải là Ngài câu nệ, Ngài là người lớn Ngài ngồi ở đâu cũng được nhưng thật sự Ngài là người rất hiểu đạo nên chi đối với Ngài cái việc đó không thể khinh suất được. Những điều đó có lẽ là qúi Phật tử ở bên ngoài thì không có cảm nhận được nhiều, qúi vị cứ nghĩ rằng chỗ ngồi có toạ cụ hay không có toạ cụ không có quan trọng nhưng đi với Ngài thì chúng ta mới hiểu được chuyện đó.
Thì bạch Chư Tôn Đức và thưa qúi Phật tử. Chúng ta nói như vầy là, người ta nói: "không có Phật ở bên ngoài thì không có Phật ở trong lòng". Bây giờ chúng ta đi chùa có bàn thờ Phật có hương đăng hoa quả có tượng Phật thì chúng ta cảm thấy mến mộ Phật Pháp nhiều hơn, gần với Phật nhiều hơn, nhưng là một người tu Phật thì chúng ta phải có cái gì đó xa hơn nữa.
Nói về điểm này thì chúng tôi muốn trở lại nói về Ngài Hòa Thượng. Ngài có một điều là tánh kiên nhẫn mà chúng tôi rất ít khi làm được, thường thường trong những gia đình có con cái ngỗ nghịch hay là cha mẹ và con cái bất hoà thì hay đem đến để thưa với Hòa Thượng, Ngài rất là kiên nhẫn, Ngài ngồi giải thích Ngài nói là "con nên có hiếu với cha mẹ thế này, con đừng bất hiếu với cha mẹ thế kia". Chúng tôi ít có nói chuyện với qúi vị có gia đình, chuyện cá nhân chúng tôi không dám nói nhưng Ngài kiên nhẫn như một ông cha vậy. Và thưa qúi vị, chẳng những vậy mà có đôi khi có những cặp vợ chồng nhất là vợ chồng trẻ cưới nhau rồi sau một thời gian ngắn cơm không lành canh không ngọt cũng đến gặp Hòa Thượng, tại vì những vị đó xem Hòa Thượng như người Cha như người Thầy và Ngài cũng khuyên. Có nhiều lần như vậy thì chúng tôi cũng có dịp ở bên cạnh Hòa Thượng để nghe Hòa Thượng khuyên nhủ những người đó, thì Ngài nói như vầy "ai mà thương nhau cưới nhau thì cũng nghĩ rằng tình yêu là bóng bẩy, tình yêu có nghĩa là trai tài gái sắc, có những điều để thương nhau gắng bó với nhau, nhưng phải biết suy nghĩ một chút, nếu lấy nhau vì sắc đẹp thì chỉ là thời gian thôi cái gì rồi cũng phai, cái gì rồi cũng tàn, có nhiều khi người ta chưa tàn phai nhan sắc thì mình đã chán nhan sắc rồi mình không còn thương nữa, rồi có nhiều khi mới gặp nhau vì một chút hoà nhoáng một chút bề ngoài và gắng bó với nhau nồng nàn năm dài tháng rộng thì cũng có". Rồi Ngài khuyên là "mình sống với nhau thì mình nên tìm cái giá trị thật sự để mình cảm phục nhau", chúng tôi nhắc lại điều này cũng không phải chuyện là vợ chồng để nói trong Pháp Hội này nhưng điều đó cũng là một thí dụ để chúng ta nhắc về Hòa Thượng.
Ngài cũng nói rất là rõ là nhiều cái gía trị trong cuộc sống chúng ta nó đặt ở cái vỏ bên ngoài và nó không nằm thực chất ở bên trong, thì chúng ta là người Phật tử cũng phải cẩn thận. Niềm tin nơi Đức Phật có nhiều khi chúng ta chỉ đặt để cái bề ngoài, ví dụ như là, có một Phật tử nói với chúng tôi một chuyện mà chúng tôi muốn không có trả lời nhưng chúng tôi cảm thấy tiếc cho Phật tử đó, đó là khi pho tượng Phật Hòa Bình bằng ngọc được rước sang San Jose ở miền bắc California thì vị này đi đến chiêm bái và cúng dường mà không phải là ít mà cúng năm sáu ngàn mỹ kim rồi thỉnh nhiều tượng Phật nhỏ đem về cho con cái, vị đó gọi cho chúng tôi nói rằng đi lễ bái tượng Phật hoan hỉ cúng dường quá. Rồi cũng vị đó 8, 9 tháng sau gọi điện thoại cho chúng tôi nói rằng "con nghe nói là tượng Phật hòa bình thỉnh qua bên Đức rồi gặp tai nạn xe lật và tượng Phật bị nứt thì những tượng Phật nhỏ con thỉnh về có linh không, tượng Phật mà Ngài còn gặp accident gặp tai nạn như vậy thì những tượng Phật con thỉnh về có linh hay không?" thì vị này nói tới nói lui, chúng tôi không biết phải nói gì nhưng mà chúng tôi hiểu rằng vị đó thích thấy Phật bằng mắt chứ không bằng tâm. Nếu chúng ta nghĩ về Đức Phật mà chỉ nghĩ bằng tượng Phật ngọc thôi rồi mai mốt tượng đó không còn nữa thì tự nhiên chúng ta cảm thấy không có niềm tin nữa thì điều đó thật sự là điều đáng buồn và đáng tội nghiệp cho chúng ta. Đức Phật cũng có dạy về điều đó, có lần Ngài nói với tôn giả Ananda:"Này Ananda, cái thân của chúng ta giống như chiếc xe cũ mà muốn chạy được thì phải ràng chặt lại thì mới chạy được". Ngài muốn khuyên là chúng ta cả cuộc đời ngồi đó để mà sùng bái thì thật sự không lợi ích gì.
Bây giờ thì chúng tôi muốn trở lại với TTTuệ Siêu ở trong Pháp Hội ngày hôm nay.
Bạch TT Tuệ Siêu. Nếu một người Phật tử tìm hiểu nhiều hơn về Đức Phật không qua tượng Phật không qua ảnh Phật, không qua vị Phật thật sự. Thì điều nào là điều cảm nhận của họ để có thể nói là gần với Đức Phật nhất, gần với tinh thần Phật Pháp nhất khi mà cảm nhận Phật.
TTTuệ Siêu: Namo Buddhaya.
Kính thưa qúi vị. Có một lần Đức Thế Tôn dạy rằng:
"Những ai tán thán Như Lai bằng lòng tin Như Lai không khen ngợi người ấy, chỉ có người nào tán thán Như Lai bằng trí tuệ thì Như Lai mới khen ngợi người ấy."
Có nghĩa là khi chúng ta tán thán Đức Phật bằng lòng tin suông ở bên ngoài, chúng ta tán thán Đức Phật vì Ngài có hảo tướng, về câu chuyện thần thông của Đức Phật hay về những cá tính của Đức Phật làm cho chúng ta xúc động, nếu chúng ta chỉ tán thán bằng lòng tin như vậy thì sự tán thán đó Đức Phật Ngài không khen. Chúng ta tán thán Đức Phật bằng trí tuệ. Bằng trí tuệ ở đây có nghĩa là chúng ta hiểu Đức Phật, chúng ta hiểu rõ về lời dạy của Đức Phật, chúng ta cảm nhận và ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong cuộc sống thì chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Như vậy mới được xem như là chúng ta hiểu Đức Phật hiểu một cách tường tận một cách chính xác.
Ở đây, thưa qúi vị, nếu chúng ta nói đến mức độ chúng ta hiểu Đức Phật, làm sao để chúng ta hiểu Đức Phật thì ở đây chúng tôi chỉ nêu lên ba điều:
- Thứ nhất là chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa câu Phật ngôn Đức Phật Ngài đã dạy, lời dạy của Đức Phật được ghi chép trong kinh điển chúng ta không nên chỉ xem như là những bài kinh có qui định để chúng ta đọc tụng. Nếu chúng ta chỉ đọc tụng kinh điển như là buổi cầu kinh thời như vậy chúng ta không hiểu về Đức Phật, cho nên chúng ta phải hiểu rõ Đức Phật bằng cách chúng ta hiểu ý nghĩa rời rẽ ý của Đức Phật.
- Điểm thứ hai, chúng tôi muốn nói ở đây là chúng ta phải ứng dụng lời lẽ của Đức Phật trong cuộc sống hàng ngày, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, cuộc đời hỉ nộ ái ố này thuận cảnh cũng có mà nghịch cảnh cũng có, cho đến khi nào chúng ta áp dụng được lời dạy của Đức Phật ở trong cuộc sống, khi gặp thuận cảnh chúng ta nhận thức được cái này là vô thường để chúng ta không có sự mê đắm không có sự giao động bằng lòng tham ái. Rồi khi chúng ta gặp nghịch cảnh chúng ta nên quán tưởng lời dạy của Đức Phật, ái này là khổ đau, cuộc sống là khổ đau, luân hồi đau khổ để chúng ta không bị giao động bởi tâm sân tức là sự khó chịu bực bội đau khổ phiền muộn lo âu, nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta ứng dụng lời Đức Phật dạy vào trong cuộc sống thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này những gì nó xảy ra, đã xảy ra, đang xảy ra, và sẽ xảy ra đúng như lời của Đức Thế Tôn dạy khi đó lòng tin của chúng ta đối với Đức Phật sẽ được kiên trì.
- Và điều thứ ba, để chúng ta hiểu được Đức Phật, đó là làm như thế nào để chúng ta chứng đạt được mục tiêu cứu cánh của đời sống phạm hạnh, mục tiêu trong Phật Pháp tức là đạo quả Tu Đà Hườn, đạo quả Tu Đà Hàm, đạo quả A Na Hàm, đạo quả A Na Hán, khi nào chúng ta đi vào con đường đạo thì lúc đó thì chúng ta đối với Đức Phật có sự kiên trì chắc chắn lòng tin của chúng ta không thối chuyển.
Ở đây, trong ba điều kiện đó đối với phàm phu chúng ta thì chắc có lẽ trong thời kỳ này có chăng là chúng ta chỉ làm được hai điều thôi, là hiểu lời dạy của Đức Phật và chúng ta ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong cuộc sống chúng ta một cách hữu hiệu, thì như vậy được rồi, còn việc chứng được đạo quả thì chúng ta không nên kỳ vọng vào thời kỳ này.
Nhưng, ở đây chúng tôi chỉ nhắc sơ qua ba điểm đó để người Phật tử chúng ta nên biết rằng khi chúng ta hiểu được Đức Phật, chúng ta thấy Đức Phật bằng tâm tức là làm như thế nào để chúng ta hiểu lời dạy của Đức Phật và chúng ta ứng dụng lời dạy của Đức Phật thường xuyên ở trong cuộc sống, như vậy mới gọi là chúng ta hiểu Đức Phật và chúng ta mới có niềm tin ở Đức Phật một cách chắc chắn.
Còn khi chúng ta chỉ đi chùa, tham dự cuộc lễ rồi chúng ta có một vài niềm tin thôi mà chúng ta vội nói rằng tôi đã hiểu được Đức Phật, tôi đã kính tin Đức Phật thì điều đó chưa có chắc chắn bảo đảm. Bởi vì chúng ta chưa hiểu được lời dạy của Đức Phật một cách xác thực và chúng ta không có thường xuyên áp dụng lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta gặp thuận cảnh thì tâm chúng ta có thể là hoan hỉ, có thể vui, có thể là giữ niềm tin. Nhưng một khi chúng ta gặp nghịch cảnh thì tự nhiên là chúng ta sẽ bị giao động lòng tin. Cũng như người Phật tử khi nãy TT Giác Đẳng vừa nói, lúc ban đầu có niềm tin với Đức Phật qua lời đồn đãi người ta nói về sự linh thiên của tượng Phật ngọc cho nên đã cúng dường tượng Phật và đã mua tượng Phật nhỏ người ta bán ra cho đến khi hay tin tượng Phật ngọc đó được di chuyển đến nước Đức rồi có sự cố xảy ra tượng Phật bị hư bị bể thì bà đã giao động niềm tin với những tượng Phật còn lại ở trong nhà. Thì như vậy chúng ta thấy rõ là, chính vì chỗ không áp dụng lời dạy của Đức Phật ở trong cuộc sống mà chỉ nhìn hình thức ở bên ngoài thôi, cho nên dễ giao động.
Đây là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi của TT Giác Đẳng vừa nêu