Trang Chinh


Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác


Hoa Khai Kiến Phật


Thấy Phật Bằng Mắt, Thấy Phật Bằng Tâm


TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta cung đón kim quan của Hòa Thượng về lại ngôi chùa này và hôm nay là ngày đầu tiên tang lễ được tổ chức. Tang lễ của Hòa Thượng được tổ chức với một dụng tâm hơi khác hơn những tang lễ khác bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng bản thân của Ngài là một người suốt cuộc đời sống trong Phật Pháp và có lẽ ngồi đây trước linh đài không có điều gì mà Ngài hoan hỉ hơn là chúng ta lấy Phật Pháp làm một năng lực tỏa sáng trong lòng chúng ta.

Trước nhất là để tưởng niệm Hòa Thượng ở trong ý nghĩa đẹp nhất và thứ đến chúng ta cũng mong mỏi là nhờ vào năng lực nhiệm màu của pháp trí chúng ta cúng dường lên Hòa Thượng. Chúng tôi có nhiều lần thưa chuyện với qúi Phật tử trong chùa là chúng ta có tụng kinh có cầu nguyện cho Hòa Thượng, nhưng việc quan trọng vẫn là chúng ta thể hiện được những phước nghiệp tạo công đức để hồi hướng. Và trong giờ đầu tiên này đây không phải là đầu tiên bởi vì pháp thoại này của Pháp Hội trong tang lễ có tựa đề là "Hoa Khai Kiến Phật" mỗi chúng ta nếu mà qúi vị Phật tử nào có kề cận bên Hoà Thượng trong những giờ phút Ngài sắp ra đi hay là những người thân của chúng ta sắp ra đi thì ít nhiều giây phút nào đó chúng ta mong mỏi rằng giây phút sau cùng của cuộc đời chúng ta sẽ giữ một hình ảnh đẹp nhất, thanh tịnh nhất, thanh thản nhất là hình ảnh của Phật khi mà chúng ta thấy Phật như thế nào. Và bài pháp mở đầu của Pháp Hội này là một bài pháp có tựa đề là "Thấy Phật bằng mắt và thấy Phật bằng tâm".

Thấy Phật bằng mắt là chúng ta thấy Đức Phật bằng màu sắc, màu trắng, màu vàng, màu xanh, màu đỏ, bằng sự cao thấp, đẹp xấu, qua hình ảnh của các nghệ nhân. Nhưng mà chúng ta thấy bằng tâm thấy bằng sự cảm nhận nó không qua những hình thái bên ngoài. Do vậy chúng tôi xin dành 30 phút đầu của pháp thoại này để kính thỉnh TT Tuệ Siêu. TT Tuệ Siêu là bào huynh của chúng tôi tức là anh ruột của chúng tôi, chúng tôi trong nhà có năm anh em đi xuất gia, TT Tuệ Siêu là anh cả anh lớn trong nhà, lớn hơn chúng tôi hai tuổi, và TT là người đi học chung với chúng tôi ở trường đại học Vạn Hạnh rồi sau đó chúng tôi đi ra nước ngoài TT ở lại làm một trung tâm Phật học ở chùa Siêu Lý, Vĩnh Long, nhiều thế hệ Tăng tài do TTTuệ Siêu đào tạo. Hôm nay trong tang lễ này được mời Ngài sang đây như là một nghĩa cử sau cùng để dâng lên Hoà Thượng, bởi vì Hòa Thượng không phải dành tình thương cho cá nhân chúng tôi mà anh em trong nhà vị nào Ngài cũng thương hết, nên chi, chúng tôi nghĩ rằng anh em chúng tôi tuy rằng là học trò nhưng thật sự xem Ngài như một người cha và khi Ngài ra đi thì anh em huynh đệ cùng về cùng làm cái gì đó để dâng lên Ngài như là một điều rất là cần thiết.

Bây giờ chúng ta trở lại với điều mà chúng ta đang muốn làm, đó là suy nghĩ về ý nghĩa "Thấy Phật bằng mắt, thấy Phật bằng tâm" hai điều đó khác nhau như thế nào và chúng ta học gì từ điều đó trong tang lễ này và qua lời dạy của Đức Phật.

TTTuệ Siêu:Namo Buddhaya, Namo Dhammaya, Namo Sanghaya. Kính lễ Đức Phật, Kính lễ Giáo Pháp, kính lễ Chư Tăng, Kính lễ Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Viện chủ chùa Pháp Luân Hoà Thượng Hộ Giác.

Kính bạch TT Giác Đẳng. Thân chào quí Phật tử.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ cũng là một nhân duyên chúng tôi kịp thời bay sang bên đây đúng lúc để được nhìn mặt Đức Hoà Thượng lần cuối cùng trước khi tẩm liệm. Ngài là bậc Thầy là bậc cha mà bản thân chúng tôi vô cùng kính qúi, khi xưa, chúng tôi ở cùng TTGiác Đẳng để đi học ở đại học Vạn Hạnh vào những năm 76, 77, 78. Những ngày lễ Hòa Thượng thường bảo huynh đệ chúng tôi đến chùa Pháp Quang để dự lễ, sau khi dự lễ xong thì có xe đưa huynh đệ chúng tôi từ chùa Từ Quang để khỏi phải đi xe bus. Ở nơi Ngài chúng tôi cũng học được nhiều, nhất là về Phạn ngữ (Pali). Ngài là bậc uyên thâm về chữ Pali. Nên hôm nay chúng tôi rất hân hạnh để được tham dự buổi lễ tang này. Như TTGiác Đẳng đã nói chúng ta đến tham dự lễ chúng ta phải làm cái gì đó để tưởng nhớ đến Cố Hòa Thượng, thì chúng tôi không có làm gì hơn là tham gia vào buổi Pháp Hội bởi vì công việc chúng tôi đã quen là thuyết pháp dạy học cho nên khi TTGiác Đẳng mời tham gia những Pháp Hội trong những ngày tang lễ thì chúng tôi rất hoan hỉ nhận lời.

Đề tài pháp hội ngày hôm nay là "Thấy Phật bằng mắt và thấy Phật bằng tâm" .

Ở đây thưa qúi vị. Ngày xưa thời Đức Phật còn tại thế có một vị tỳ kheo tên là Vakkali. Tỳ kheo Vakkali khi còn là vị cư sĩ thường hay đi đến chùa để nghe Đức Phật thuyết pháp, nhưng vị tỳ kheo Vakkali lúc đó là một vị cư sĩ thì ông chỉ thích đi đến chùa không phải để nghe pháp mà chỉ ngắm nhìn Đức Phật, vì Đức Thế Tôn là bậc có đầy đủ 32 hảo tướng, khi nhìn ngắm Ngài không bao giờ một người mà nhìn mà mãn nhãn được cho nên Vakkali cũng vậy đi đến nhìn Đức Phật ngắm Đức Phật trong khi Ngài đang thuyết pháp, sau đó thầy Vakkali suy nghĩ rằng nếu mình còn ở tại gia cư sĩ thì khi Đức Thế Tôn Ngài đi đến thuyết pháp thì chỉ được ngắm nhìn trong thời pháp sau đó mình phải đi về nhà hoặc Ngài phải đi du phương do đó cho nen Vakkali quyết định là sẽ để được kề cận bên Đức Phật mà ngắm Đức Phật mỗi ngày, thế là Vakkali 0.24 đã xin Đức Phật cho xuất gia, sau khi Vakkali xuất gia xong thì Vakkali đi vào rừng hành thiền như các tỳ kheo khác mà chỉ là làm hội chúng tùy tùng của Đức Phật để được ngắm nhìn Đức Phật, chờ cho đến khi duyên lành đã đến tức là sau ba tháng xuất gia, ba tháng kiết hạ, lúc đó Đức Phật Ngài mới bảo rằng:

- Này tỳ kheo Vakkali, ngươi xuất gia để làm gì

- Bạch Đức Thế Tôn, con xuất gia để nhìn ngắm thân tướng của Ngài.

Đức Phật Ngài bảo:

- Có lợi ích gì để nhìn thân tứ đại 32 thể trượt này, tốt hơn người nên thực hành sa môn pháp đừng ngắm nhìn Như Lai nữa.

Lúc đó Vakkali mới suy nghĩ, mục đích ta xuất gia là để được thân cận ngắm nhìn Đức Phật mà Đức Thế Tôn Ngài không cho ta ở gần để ngắm nhìn như vậy ta sống để làm gì, thì tỳ kheo Vakkali mới đi lên trên núi đến bờ vực thẳm toan tự vận thì lúc đó Đức Thế Tôn Ngài xuất hiện bằng thần thông lực của Ngài, Ngài bảo rằng:

Vakkali, Vakkali, Yo dhammaṃ passati so maṃ Passati. Này Vakkali, Vakkali, ai thấy pháp là người đó thấy ta

Thì khi Đức Thế Tôn Ngài nói lên như vậy tỳ kheo Vakkali đã ngộ, đã hiểu được cho nên tỳ kheo Vakkali đã triển khai Minh Sát Tuệ và và chứng A La Hán quả.

Câu chuyện này chúng tôi muốn nhắc lại để tất cả qúi vị hiểu được rằng, chúng ta nhìn thấy Đức Phật bằng mắt không bằng chúng ta nhìn thấy Đức Phật bằng tâm. Tuy nhiên, nhìn thấy Đức Phật bằng mắt để bước đầu chúng ta khởi lên lòng tin thì điều đó cũng tốt. Tức là bao giờ cũng vậy hễ một người họ vừa trông thấy Đức Phật nếu họ có lòng tịnh tín thì chính điều đó làm tạo nên cái công đức cái phước chứ không phải hoàn toàn chúng ta phủ nhận việc chúng ta thấy Đức Phật bằng mắt.

Như câu chuyện của công tử Maṭṭhakuṇḍalī con ông bá hộ Adinnapubbaka, công tử bị bịnh gần lâm chung, lúc đó ông bá hộ phụ thân của cậu công tử đem cậu ta ra ngoài hiên nhà chứ không để trong nhà bởi vì người cha bỏn xẻn nghĩ rằng để trong nhà mỗi khi có người đến thăm thì người ta sẽ nhìn thấy tài sản hoặc là phải tiếp đãi họ tốn kém cho nên đem ra đặt ngoài hiên nhà trước sau gì con ông cũng chết, ông nghĩ như vậy. Thì lúc đó Đức Thế Tôn Ngài buổi sáng đi khất thực đi ngang qua nhà cậu thanh niên Ngài đứng ở ngoài cửa phóng hào quang một ánh sáng kỳ diệu lóe sáng thì cậu Maṭṭhakuṇḍalī đã ngoảnh mặt trông ra và nhìn thấy Đức Phật cậu ta khởi lên lòng tịnh tín hoan hỉ, và khi cậu ta có lòng tịnh tín hoan hỉ đối với Đức Phật và mệnh chung và sanh về cõi trời Đao Lợi.

câu chuyện này chúng tôi cũng muốn nói đến vấn đề 4.53 là không phải khi chúng ta nhìn Đức Phật bằng mắt là hoàn toàn vô ích nhưng chỉ có nghĩa nói rằng khi chúng ta nhìn Đức Phật bằng mắt đó chỉ là bước đầu để khởi lên tịnh tín và khi chúng ta đã có lòng tin rồi thì sau đó chúng ta phải thấy bằng tâm có nghĩa là chúng ta phải hiểu được Đức Phật và chúng ta cố gắng thực hành theo lời dạy của Đức Phật thì như vậy sẽ đưa đến kết quả cao hơn, tức là chúng ta sẽ chứng được đạo quả. Đức Phật Ngài cũng có dạy một câu có lẽ là trong những Pháp Hội tới thì quí vị sẽ nghe được từ nơi các vị giảng sư, Đức Phật dạy rằng:

vā upāsako vā upāsikā vā dhammānudhammappaṭipanno viharati sāmīcippaṭipanno anudhammacārī, so tathāgataṃ sakkaroti garuṃ karoti māneti pūjeti apaciyati, paramāya pūjāya.

Nghĩa là: Ai thấy pháp, ai thực hành pháp, sống theo pháp, người đó cung kích đãnh lễ và cúng dường Như Lai bằng sự cúng dường cao thượng.

Khi chúng ta cúng dường Đức Phật bằng hương hoa thì cũng là cao qúi, nhưng chúng ta cúng dường bằng cách thực hành theo lời dạy của Đức Phật thì Đức Phật Ngài tuyên bố rằng cúng dường cao thượng hơn đây gọi là paramāya pūjāya sự cúng dường bằng sự thực hành.

Cũng tương tự như vậy, chúng ta sống mỗi ngày chúng ta nhìn Đức Phật bằng mắt và nhìn thấy Đức Phật bằng tâm thì chúng ta hãy nhìn thấy Đức Phật bằng tâm, bởi vì sao vậy?

Có ba vấn đề khi chúng ta nhìn Đức Phật bằng mắt, chỉ khi nào chúng ta gặp được Đức Phật, chúng ta đối diện với Đức Phật thì chúng ta mới nhìn và hoan hỉ rồi sau đó thì chúng ta trở về nhà thì chúng ta không còn nhớ Đức Phật nữa, không còn hoan hỉ, thì như vậy sự tu tập của chúng ta sẽ bị thối giảm.

Nhưng nếu chúng ta nhìn Đức Phật bằng tâm tức là chúng ta nhìn Đức Phật bằng cách là có niềm tin với Đức Phật, chúng ta có tuệ hiểu rõ Đức Phật hiểu rõ về giáo pháp của Đức Phật và chúng ta có sự thực hành theo lời dạy của Đức Phật thì như vậy chúng ta sẽ luôn luôn có sự hiện hữu hình ảnh của Đức Phật ở trong tim, bằng chứng là khi nào chúng ta gặp sự cố gì ở trong đời nếu như chúng ta thường xuyên nghĩ tưởng đến Đức Phật và thực hành theo lời dạy của Đức Phật, chiêm nghiệm lời dạy của Đức Phật, cứ như thế đó thì hễ trong cuộc đời của chúng ta mỗi khi gặp sự trắc trở sự éo le ngang trái gì đó thì lúc bấy giờ hình ảnh của Đức Phật không có phai mờ trong tâm trí chúng ta, đó là do chúng ta nhìn thấy Đức Phật bằng tâm.

Còn nếu như chúng ta đi đến chùa này nhìn thấy tượng Phật bằng pha lê đẹp quá, chúng ta phát tâm trong sạch hoan hỉ, nhưng nếu chúng ta đi đến ngôi chùa khác tượng Phật không đẹp bằng, thời như vậy, con mắt của chúng ta quen nhìn tượng Phật đẹp thì lúc chúng ta đi đến chùa khác nhìn thấy tượng Phật khác đi hay là không đẹp thì tự nhiên cái niềm tin của chúng ta sẽ không được trong sạch hoan hỉ. Còn khi chúng ta nhìn Đức Phật bằng tâm thì dầu tượng Phật đó hình thức như thế nào chúng ta chỉ nhắm mắt lại và chúng ta tưởng tượng chúng ta tưởng nhớ Đức Phật ở trước mặt chúng ta là vị A La Hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn, Ngài là Bậc Giác Ngộ thuyết pháp Giác Ngộ, Ngài là bậc vượt qua thuyết pháp về vượt qua, Ngài là bậc thanh tịnh thuyết pháp về thanh tịnh, thì khi đó chúng ta không còn có khái niệm gì về tượng Phật đẹp hay xấu, chúng ta nhìn bằng mắt nữa bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy Đức Phật bằng tâm thì Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ toàn hảo, giáo pháp của Đức Thế Tôn là pháp toàn hảo, khi mà chúng ta đã thấm nhuần và hiểu được từ đó thì có nghĩa là niềm tin của chúng ta nó sẽ được kéo dài liên tục sẽ được duy trì bền lâu./.