Tuyển Tập Thư Thầy
Tỳ kheo Viên Minh
Phật tử TTNM đánh máy từ tuyển tập Thư Thầy
Lá Thư Thứ 24
Lá
thư thứ 24
Ngày….
tháng… năm…
HP
con,
Thầy
đã nhận được thư con viết trong kỳ
coi thi vừa qua. Đáng lẽ thầy trả lời để
gửi ra nhân TH và YT về Đã Nẵng nhưng rồi
đến bây giờ thầy mới viết được.
Đọc
thư con thầy vui lắm, thư con viết rõ ràng và chân
thực chứng tỏ rằng con thành tâm học đạo.
Con đã trình bày rất thành thực về những niềm
tin của con trước đây, về những gì con học
hỏi được qua lần tiếp xúc đầu tiên
với thầy và qua bức thư ngắn thầy viết
cho các con.
Trước
đây con cũng không hiểu sai khi suy nghĩ: ‘Đạo
Phật là gì đó hết sức thiêng liêng cao quý… là nơi
nhìn thấu suốt mọi điều của cuộc sống
đúng sai, thật giả… và con người trước
tượng đài uy nghiêm của Đức Phật không
thể để điều ác lấn điều thiện,
không thể có những bóng dáng lừa đảo, dối
trá trong ý nghĩ của mình…’ và với niềm tin như vậy
‘đã có lúc con nguyện cầu thành khẩn mong gia đình
và tất cả những người thân quen luôn luôn
được bình an. Đó là lúc con cảm thấy con
người sao quá bé nhỏ với thiên nhiên, con linh cảm
đến những điều bất trắc… và con đã
gởi gắm bao điều mong ước tốt lành cầu
mong đấng vô hình che chở cho những người
thân yêu….’
Ý
nghĩ đó cũng thật là dễ thương dù có
hơi mơ hồ huyền hoặc. Chính ý nghĩ đó của
chúng sinh đã làm xúc động lòng từ của chư Bồ
Tát, và các Ngài xuất hiện ở đời để chỉ
bày con đường thoát khổ.
Đó
là hình ảnh Đạo Phật của những người
đức tin, lý tưởng, thi vị, linh thiêng và mơ mộng.
Nhưng cũng chính niềm tin ấy đã xoa dịu biết
bao nhiệt não khổ đau của cuộc đời,
đã đem đến cho đời ít nhiều an ổn, hạnh
phúc và hướng thượng.
Ngày
nay khi con đã nhận chân được con đường
thoát khổ, con đã biết tự mình giác ngộ, tự
mình chế ngự, tự mình chọn lựa thiện ác,
đúng sai…. lúc đó một Đức Phật trong con vẫn
uy nghiêm không để điều ác lấn điều thiện,
không có bóng dáng lừa đảo, dối trá trong ý nghĩ của
con… Thì ra những mơ mộng lúc đầu trong niềm
tin của con cũng không sai mấy, bây giờ nó chỉ thực
chơn, rõ hơn mà thôi, phải không con?
Và
rồi lúc đó con vẫn tiếp tục thấy chân lý thật
là vô biên đối với những tư kiến, tư dục
nhỏ bé của con người, tấm lòng con sẽ cởi
mở bao dung thương yêu muôn loại… Con muốn bình an
hãy đến với mọi loài, con mong mọi người
thấy rõ con đường thoát khổ.
Đó
là hình ảnh Đạo Phật của những người
đang thoát xác Đức Tin để đi vào con đường
Trí Tuệ. Ở đây, Đạo Phật được
thể hiện một cách rõ ràng thiết thực, bằng
những bước đi, những hơi thở, những
cảm giác, những suy tư tràn đầy chân lý sáng suốt
- định tĩnh - trong lành. Giải thoát và bình an nằm
ngay nơi những hơi thở, những bước
đi hiện thực đó, phải không con? Nhưng muốn
thể hiện chân lý và hạnh phúc như vậy phải
trải qua một quá trình tu tập từ tự tri, tự
giác, tự chủ, tùy dụng đến vị tha, nói chung
là con đường tự giác giác tha.
1/ TỰ TRI: Là giai đoạn tập
quay lại với chính mình (Chánh Niệm) và tự soi sáng
mình (Tỉnh Giác) trong từng hành động của thân và
khẩu, trong từng cảm giác khổ, vui… trong từng
tình cảm ưa ghét… trong từng ý hướng thiện ác
thị phi… Có tự tri mới khám phá ra được
mọi khía cạnh, mọi vận hành, mọi trạng thái
của thân tâm, xưa nay bị phủ kín trong rừng vô
minh ái dục. Có tự tri mới ‘không ngờ tự tánh
mình vốn tự đầy đủ, tự tánh có thể
sinh muôn pháp, tự tánh vốn tự thanh tịnh, tự
tánh vốn không sinh diệt…’
2/
TỰ GIÁC: Khi đã tự tri
đúng pháp, con bắt đầu thấy rõ những nguyên
nhân vi tế, ẩn kín và sâu xa nhất của luân hồi
sinh tử và thanh tịnh niết bàn. Nghĩa là con thấy
rõ đây là khổ, đây là nguyên nhân vi tế của sự
khổ, đây là tịch tịch giải thoát, đây là con
đường thể hiện tịch tịnh giải
thoát ngay nơi mỗi động tịnh vi tế của
thân tâm con. Đức Phật dạy khi nào một người
thấy được tự nơi mình ‘đây là sinh,
đây là diệt, đây là không sinh diệt’ người
ấy chứng được pháp nhãn.
3/ TỰ CHỦ: Khi thấy rõ mọi
động tịnh, mọi vận hành, mọi trạng
thái, mọi khuynh hướng… nơi thân tâm, lại thấy
sự sinh diệt và không sinh diệt của chúng, con bắt
đầu có thể chế ngự các pháp ấy trong con,
con làm chủ sinh tử luân hồi và đồng thời
làm chủ thanh tịnh niết bàn, nghĩa là con không còn bị
chúng sai sử và buộc ràng nữa.
4/ TÙY DỤNG: Khi thoát khỏi sự ràng buộc
của các hoạt động nội tâm và ngoại giới,
con bắt đầu tùy nghi sử dụng các pháp đó
nơi con. Lúc đó con muốn hành động, nói năng,
suy nghĩ thế nào đều như ý mà không sợ sai
trái… Mọi pháp tùy con sử dụng, đến đi vô ngại,
tiến thoái tùy nghi.
5/ VI THA:
Tất nhiên khi con đã sử dụng thân tâm một
cách nhuần nhuyễn, tròn đầy sáng suốt, định
tĩnh, trong lành thì mọi động tịnh đều lợi
mình, lợi người, Lúc đó con mới thực sự
đem lại an lạc cho đời, giúp đời mà
không làm cho đời xáo trộn.
Người
đời với đầy tật đố tự cao cũng
nói tới vị tha, nhưng khi còn bản ngã thì càng giúp
đời càng làm cho đời đau khổ. Muốn giúp
đời, muốn đem lại an lạc cho đời,
con phải tu tập để tự mình giác ngộ giải
thoát và dẹp bỏ bản ngã trước đã.
Trong
việc thể nghiệm quá trình này chánh niệm tỉnh
giác đóng vai trò thực hiện. Và sáng suốt, định
tĩnh, trong lành là yếu tố hướng đạo
đầu tiên cho đến cuối cùng.
Những
điều thầy nói trên không phải là một công thức
mà chỉ gợi ý để con dễ theo dõi tiến trình
tu tập của mình mà thôi.
Chúc
con tu hành tinh tấn.
Thầy
-ooOoo-