www.dieuphap.com

 
Thư Thầy Trò
Lời Giới Thiệu
Lá thư thứ  1
Lá thư thứ  2
Lá thư thứ  3
Lá thư thứ  4
Lá thư thứ  5
Lá thư thứ  6
Lá thư thứ  7
Lá thư thứ  8
Lá thư thứ  9
Lá thư thứ  10
Lá thư thứ  11
Lá thư thứ  12
Lá thư thứ  13
Lá thư thứ  14
Lá thư thứ  15
Lá thư thứ  16
Lá thư thứ  17
Lá thư thứ  18
Lá thư thứ  19
Lá thư thứ  20
Lá thư thứ  21
Lá thư thứ  22
Lá thư thứ  23
Lá thư thứ  24
Lá thư thứ  25
Lá thư thứ  26
Lá thư thứ  27
Lá thư thứ  28
Lá thư thứ  29
Lá thư thứ  30
Lá thư thứ  31
Lá thư thứ  32
Lá thư thứ  33
Lá thư thứ  34
Lá thư thứ  35
Lá thư thứ  36
Lá thư thứ  37
Lá thư thứ  38
Lá thư thứ  39
Lá thư thứ  40
Lá thư thứ  41
Lá thư thứ  42
Lá thư thứ  43







Tuyển Tập Thư Thầy

Tỳ kheo Viên Minh



Phật tử TTNM đánh máy từ tuyển tập Thư Thầy

Lá Thư Thứ 17

Lá thư thứ 17

 

Ngày…. tháng… năm…

 

 

DT con,

 

Cách đây khoảng một tuần, thầy có viết thư cho con, nhân nghe D nói con bệnh. Hơn nữa lâu quá thầy cũng trông thư con, muốn biết con đã tiến bộ ra sao?

 

Trước khi C vào, thầy có trả lời con một lá thư, trong đó thầy giải thích làm thế nào để nhiếp phục tâm sân hận, bằng cách tránh nó hay bằng cách nhìn thẳng vào nó. Không biết con đã nhận được chưa. Hay là thư đó của NT, nếu vậy con mượn NT để xem nhé. Bây giờ thầy nói thêm một chút.

 

Khi giận con cố giữ tâm bình thản hoặc niệm Phật với tâm thư thả hoặc buột miệng hát lên… đều là những cách né tránh thực tại. Né tránh cũng là một phương pháp tu trong trường hợp thích ứng. Vì vậy con có thể áp dụng nếu con muốn, miễn là thành công. Nhưng thầy thích nhìn thẳng vào thực tại hơn, nghĩa là nhìn thẳng vào cơn giận.

 

Như thầy đã nói, có hai cách tu tâm, một là chỉ, hai là quán. Chỉ là giữ tâm yên tịnh bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối tượng nhất định, như niệm Phật, đếm hơi thở v.v…. để giữ tâm không xao động. Hàng ngày lúc nào thuận tiện con có thể tập an chỉ tâm như vậy trong 5, 10 phút hoặc hơn tùy theo điều kiện của con.

 

Còn quán là soi chiếu tâm, phần nhiều là lúc nó khởi động. Như khi con giận là tâm khởi động, hãy chú tâm soi chiếu hành tướng của nó ‘đây là cơn giận phát sinh’ … ‘đây là cơn giận hiện hành’… ‘đây là cơn giận lắng dịu’… “đây là cơn giận chấm dứt’… trong một vài niệm như vậy con sẽ thấy không còn đâu là giận cả, bấy giờ chỉ còn lại hơi thở gấp, tim đập mạnh v.v… Đó chỉ là sự xáo trộn còn lại trên thân sau tâm sân hận chứ không phải là sân hận. Con có thể hít vào một hơi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng để điều hòa nhịp tim lại, trong năm ba hơi thở là xong. Đó là cách làm chủ thân tâm bằng soi chiếu, cùng với một vài phương tiện kỹ thuật giản đơn mà hiệu nghiệm.

 

Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị… ở đời. Làm sao con thoát được khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt… và biết bao những mâu thuẫn khác ở đời. Nếu không có những xô đẩy đó con sẽ trở thành yếu đuối không sao giác ngộ, giải thoát được.

 

Con bảo khi đọc thư thầy thì đời có vẻ dễ sống, phiền muộn dễ quên, khó khăn dễ vượt. Coi chừng, con nói oan cho thầy đó nghe. Thầy không bao giờ khuyên con quên phiền muộn, vượt khó khăn đâu. Thầy thường bảo con phải bình tĩnh đối diện với nó, học hỏi nó. Chỉ cần con đừng sợ hãi thì khó khăn, phiền muộn thế mấy cũng như không.


Thầy rất thông cảm với con khi con phải đương đầu với bao nhiêu phiền lụy của cuộc sống trên hành trình giác ngộ. Có những lúc con sợ hãi cô đơn. Ai cũng thế cho đến khi nào chưa đứng vững một mình. Nhưng bên cạnh con còn có thầy và các bạn, sẵn sàng chia sẻ với con. Nếu thầy để con một mình thì việc gì thầy phải quan tâm hướng dẫn con. Chính con cũng thấy rằng luôn luôn vẫn có thầy bên cạnh những khổ đau sợ hãi của con, tất nhiên không phải để làm vơi đi những khổ đau đó mà để giúp con có thêm lòng can đảm và giữ vững niềm tin mà ‘vác thập tự giá’ của mình. Con đừng sợ hãi phiền não, con không nghe người ta nói phiền não tức bồ đề sao? Phát tâm bồ đề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ.

 

Con đừng có ý tưởng tự ti, cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi, không xứng đáng với Phật, không xứng đáng với thầy. Con hãy dứt bỏ ý tưởng ấy đi. Lòng từ bi của Phật, tình thương yêu của thầy không đủ lượng bao dung hay sao?


Tất nhiên con còn có những tình cảm, những ước vọng, những thôi thúc rất yếu đuối. Nhưng thầy không bảo con phải thành thánh, phải tinh khiết, phải hoàn toàn. Thầy chỉ khuyên con nên lấy đó làm chất liệu cho sự giác ngộ mà thôi. Hãy cảm ơn những thứ đó đã giúp con chất liệu trui rèn trí tuệ.

Con đừng tưởng thầy là thánh, thầy tinh khiết hoàn toàn. Không, thầy cũng như con với tất cả cảm giác, tình cảm, ước vọng, thôi thúc của một con người. Thầy không cầu làm thánh, không cầu tinh khiết, không cầu hoàn hảo, thầy chỉ làm người tỉnh giác bất toàn của đời sống.

 

Nếu đi con đường của thầy, con không cần thêm gì, không cần bớt gì, không cần bỏ gì, không cần đạt gì, con chỉ giác ngộ. Nhưng giác ngộ là bản tính của con, con đâu cần phải tìm kiếm đâu xa:

 

Thấy như thực thấy

Nghe như thực nghe

Xúc như thực xúc

Biết như thực biết

 

là bản chất sẵn có nơi con. Cái gì làm cho không thấy được như thực, cái ấy là vọng. Cái gì giúp con thấy được như thực, cái ấy là chơn. Vậy con không cần tự ti, mặc cảm với cái này hoặc tự tôn, tự đại với cái kia. Cái gì cũng có giá trị khi nó là thực, khi nó được nhìn qua cái nhìn giác ngộ. Những gì con thấy là xấu xa, nó chỉ xấu xa khi mê, nhưng nó trở thành tốt đẹp khi giác ngộ.

 

Vậy con đừng tự ti, đừng sợ hãi, hãy chỉ giác ngộ mà thôi.

 

Chào con.

 

Thầy

 

-ooOoo-