Trang chính Dieu Phap

     


...... ... .




Những Tản Mạn Trong Cuộc Sống

Tâm Nhẫn

 

 

1

 

Ta tìm ai chiều nay qua mấy kiếp

Trong hư không nhìn lại mảnh hồn đau

 

Tâm lý học là môn học phân tích về những động thái tâm lý con người . Phật giáo dùng chung từ “Thức” hoặc “Tâm” hoặc cả “Tâm Thức” để chỉ những động thái tâm lý này .

 

Dĩ nhiên, loài người là một sinh vật cao cấp sống quần cư , cho nên tâm lý con người không vượt thoát khỏi tâm lý quần thể , và phụ thuộc vào vật mang của nó – là cái thân thể sinh lý này .

Những động thái tâm lý phát sinh từ cội nguồn sẵn có trong mỗi con người , khi phát triển , biểu hiện ra cũng xuất phát từ những tác nhân kích thích nó .

 

Nguồn cội của sự phát sinh tâm lý , theo Khoa học , nằm trong hệ thống di truyền và cái Vô thức mà mỗi cá thể tiếp nhận nó từ nguồn cội tổ tiên cha mẹ của mình .

Theo Phật giáo, chúng nằm trong hệ thống Chủng tử trong Tàng thức từ nguồn cội tổ tiên vật lý và tổ tiên tâm linh của mình ( mà cũng được gọi là Nghiệp Thức ) .

 

Tác nhân kích thích sự phát triển tâm sinh lý, là sự tương tác với môi trường mà cá thể đó hiện diện, thông qua 5 giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, da ( thân ) , mà Phật giáo cũng dùng từ “Thức” để chỉ những giác quan này . Đó là 5 Thức đầu tiên ( Tiền Ngũ Thức ) , là 5 giác quan đầu tiên của mọi người .

 

Khoa học tâm lý chia Tâm lý ra làm 3 khu vực : 1) Ý thức, 2) Tiềm thức ( hoặc Tiền Ý Thức ) và 3) Vô thức .

 

Phật giáo chia Thức làm 4 khu vực : 1) 5 Thức đầu (Tiền Ngũ Thức) ; 2) Ý Thức ; 3) Mạt Na Thức ( # Tiềm Thức ; Tiền Ý Thức , nhưng Mạt Na Thức có chức năng rộng và khác ) ; 4) Alaya Thức , còn gọi là Tàng Thức ( vì có tính chất tích chứa ) ( # Vô Thức , nhưng Alaya có chức năng rộng và sâu hơn) .

 

2

 

Xưa hay Sau ? Ô hay lạ nhỉ !

Xưa là Xưa , hay Xưa là Sau ?

 

Con người bắt đầu sự sống khi giao tử từ người cha – mà nó mang theo ½ vốn di truyền của người cha - gặp và kết hợp với trứng của người mẹ - mà nó cũng chứa ½ vốn di truyền của người mẹ - mà khoa học gọi là sự tái tổ hợp di truyền , để thành một tế bào duy nhất .

 

Trong kinh điển Phật giáo , sự bắt đầu này đã đựoc nhìn nhận như là một Sự-Tái-Sinh ( không phải Người-Tái-Sinh ) , mang theo tất cả mọi Chủng Tử của mình , còn gọi là mang theo tất cả các “Nghiệp” của mình . Sự tái sinh này còn được nhìn nhận là do Nghiệp Lực . Vì mang theo vốn di

truyền của Che lẫn Mẹ, cho nên còn được xem là Cộng Nghiệp , nghĩa là , đứa con đó có một Nghiệp riêng (Biệt Nghiệp) tương hợp với cái Nghiệp của Cha lẫn Mẹ (Cộng Nghiêp) .

 

Từ những tuần lễ đầu tiên của phôi thai , các giác quan bắt đầu được cấu tạo theo sự biệt hoá của các tế bào , hệ thống vốn gen di truyền bắt đầu được hoạt hóa , đã sản sinh ra những chất mà bản chất của nó là các protein đặc biệt , đã tham gia vào quá trình vận chuyển thông tin, tổng hợp protein, và cấu tạo thành các giác quan và toàn thể con người .

 

Duy Thức học cho rằng , Chủng Tủ sinh ra Thức và mỗi một Thức ( giác quan ) chỉ sinh khởi từ các Chủng Tử riêng biệt của thức đó .( như Gen điều khiển sự Biệt Hoá các tế bào và các men điều khiển sự Chuyên hoá các tế bào) và mỗi một Thức (giác quan) chỉ nhận được những “pháp , cảnh , trần “ (những hiện tượng vật chất, phi vật chất, hữu hình, vô hình , những phạm trù trừu tượng, siêu hình, v….v, nói chung là những hệ thống thông tin ) của riêng thức đó mà thôi .

 

Con người được sinh từ 2 quá trình phát triển : phát triển cá thể và phát triển Chủng loài , quá trình Phát triển Cá Thể : từ một hợp tử sẽ phát triển thành phôi và thai nhi……………; quá trình Phát triển Chủng loài từ sự sống phát sinh khoảng 4 tỷ - 3,8 tỷ năm trước đây và tiền hoá qua các thời đại địa chất từ những cơ thế đơn bào đến loài người hôm nay .

Hai quá trình trên có mối liên hệ mật thiết nhau : quá trình phát triển cá thể đã diễn lặp lại quá trình phát sinh chủng loài ……….. Khoa học đã khảo sát thấy rằng Hệ gen của con người chứa hàm lượng ADN với khoảng 3 tỷ cặp Nucleotic, trong đó có chứa rất nhiều gen của các sinh vật bậc thấp như vi khuẩn, nấm, men, thực vật, động vật bậc thấp, thú , tinh tinh . ADN của con người chỉ khác với tinh tinh khoảng 1,6 % mà thôi. …………

Như vậy, được làm con người trong hiện tiền , nghĩa là đã vượt qua vô lượng thời gian ngụp lặn trong vòng sinh tử luân hồi 6 cõi , qua biết bao kiếp chúng sinh để được ngày nay làm người . Và Con người một khi đã được tái sinh, đã mang theo trong mình cái Nghiệp Thức từ Vô thỉ vô chung đến ngày nay (như là toàn bộ vốn di truyền)

 

Ta nghe : “ Tất cả chúng sinh, do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các cõi “ (Kinh Thập Thiện)

 

3

 

Nên kiếp sống là vòng tròn mộng huyễn

Sanh rồi không, rồi lại nở ra hình

 

Tập hợp tất cả các Gen-Alen mà khoa học gọi là Kiểu Gen .Tập hợp tất cả Tính Trạng (hình thái & sinh lý) của cơ thể thì khoa học gọi là Kiểu Hình . Vì Gen qui định Tính Trạng của cá thể , nên Kiểu Gen qui định Kiểu Hình của cá thể . Hệ thống Gen sẽ qui định : Tính Trạng của cá thể , Tính Sinh Sản của cá thể , và các Kiểu Gen là cái tổ tiên, ông bà, cha mẹ di truyền cho ta ; Kiếu hình là những cái ta có được trong cuộc sống trong những hoàn cảnh môi trường tự nhiên & xã hội cụ thể . Ngoài ra còn có các Gen trong ADN ty thể qui định tính di truyền ngoài nhân - di truyền theo Mẹ -

 

Cái Nghiệp và những Chủng Tử mà mỗi cá nhân mang theo thân xác này , sẽ dẫn đường ta đi , sẽ điều hoà các hành vi lẫn tư tưởng của ta xuyên suốt cuộc sống , trong sự luân hồi bất tận : “Nghiệp dẫn đường ta đi” , “Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức , Thức duyên Danh-Sắc…………….. “ . nó sẽ cho ta cái hình thái khách quan cũng như động thái tâm lý xuyên suốt cuộc sống tự nhiên này .

 

Qua diễn trình tiến hoá của cá thể, cơ cấu di truyền cá thể là một tổng hoà của các cơ cấu di truyền quần thể (cộng đồng), quốc gia, bộ tộc, dòng tộc và cả tất cả các nhân tố môi trường về vật chất & tinh thần ( nếp sống, truyền thống, tập tục )… đã , đang và sẽ tạo ra bất tuyệt .

 

Diễn trình trên có thể nói , do huân tập (tập nhiễm) từ vô thỉ đến vô chung , trên nền tảng mọi Chủng tử tàng chứa, tạo nên một thế giới chung của giống loài người ( khác với thế giới của Ong, Kiến, Mối, v…v).

Trong thế giới chung này, mỗi người tự tạo ra vô số thế giới riêng của mình xuyên qua TâmThức riêng của mình qua từng sát na , và cùng nằm trong một Tâm Thức Cộng Đồng mà cá nhân sống trong đó . Như là mỗi một Biệt Nghiệp, sinh dưỡng trong các vòng Cộng Nghiệp nhỏ , lớn khác nhau , tùy thuộc qui mô quần thể như gia đính, học đường, xã hội .

 

4

 

Hình nộm ấy mang theo nhiều hệ luỵ

Luỵ ăn uống, lụy nhớ thương, lụy tình duyên

 

Với những vốn di truyền ban đầu trên , Tâm phân học gọi Vô thức là cái tích chứa : 1.- Cái không biết , thuộc về bẩm sinh , do di truyền từ dòng họ ; 2.- Những biến cố, kỹ niệm, quá trình đã trãi qua, những tình cảm phát sinh sau những biến cố, những ước muốn chưa đạt được , nói chung là những dồn nén ; 3.-Cái “Vô Thức bị dồn nén”, phát sinh từ trong một bộ phận di sản loại ấy của tổ tiên

 

Và sâu rộng hơn , tổng quát hơn , Duy Thức gọi đó là Alaya Thức ( Tàng Thức ) , chứa tất cả các Chủng Tử , từ Bản Hữu Chủng Tử đến Thỉ khới Chủng Tử . Nghĩa là mọi Chủng tử từ vô thỉ vô chung cho đến những tích tập, tập nhiễm xuyên suốt cuộc sống hiện tiền , để trao truyền lại mãi mãi trong vòng sinh tử triền miên , cũng theo cái cách như thế .

 

Khi lọt lòng , đứa trẻ đã bắt đầu làm quen với môi trường chung quanh thông qua 5 giác quan đầu tiên của chúng . Chúng học tập những bài học đầu đời thông qua người mẹ , rồi cha và những người trong gia đình lúc đó , và từ từ , chúng phân biệt được cái “Ta” và cái “không phải Ta” , và những ký ức đầu đời sẽ mang theo đứa trẻ suốt cuộc đời và tham gia vào sự hình thành nhân cách đứa trẻ .

Ý thức bắt đầu được tạo lập như thế .

 

Và Mạt Na thức cũng bắt đầu bừng dậy theo từng bước phát triển của Ý thức , nó xuất phát từ bản chất của mỗi người (Alaya Thức) cùng với sự nương dựa nơi Ý Thức vừa hình thành , mà kiến tạo nên cái nhân cách riêng biệt - cái “Ta” - không ai giống ai trên cõi nhân sinh 6 Tỷ người này ! Và song song với sự tạo lập các Thức, một Biệt Nghiệp được hình thành với sự huân tập của vòng Cộng Nghiệp gia đình .

Ôi chao ! Cái “Ta” này , là một tổng hoà giữa mọi Chủng Tử từ vô thỉ với những huân tập – những Chủng tử mới tinh khôi – xuyên suốt cuộc sống , làm sao mà “Phá Ngã” cho xong trong kiếp này ?

 

4

 

“Tâm không hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện, rốt ráo không có chủ thể, không có ngã và ngã sở” ( Kinh Thập Thiện)

 

5

 

Tâm với Cảnh thiên thu dìu gót bước

Thấy như hai , mà chẳng phải là hai

 

Thời gian trôi dần đi, đứa trẻ lớn lên với sự tham gia điều hợp mãnh liệt của 2 hệ thống : Hệ thống Thần kinh và Hệ thống Nội dịch .

 

◘ Hệ thống Nội dịch : bao gồm các yếu tổ chủ yếu như thể tích & thành phần của máu và thể dịch : nồng độ của các loại khí, ion, hormone nội tiết , … . . Các tác dụng sinh lý chính của hệ hormone nội tiết là : tham gia vào sự điều tiết các qua trình sinh trưởng & phát triển của cơ thể ; tham gia vào sự điều tiết các quá trình trao đổi chất & trao đổi năng lượng ; tham gia vào sự điều tiết sự cân bằng bài tiết nội môi dịch thể trong cơ thể ; tham gia vào sự điều tiết sự thích nghi của cơ thể với môi trường ; tham gia vào sự điều tiết sự điều tiết quá trình động dục sinh sản .

 

◘ Hệ thống Thần Kinh Trung ương là các trung khu phản xạ điều hoà một số quá trình sinh lý quan trọng như Hô hấp, nhịp Tim, mở & co mạch máu, cũng như nuốt và nôn .Tiểu não phối hợp sự vận động và điều hoà sự co cơ, Củ Não Sinh Tư có các Trung khu của các phản xạ Thị giác và Thính giác . Não Giữa điều hoà trương lực của Cơ, thực hiện các phản xạ định hướng thị giác, định hướng thính giác . Đồi thị tham gia việc điều hoà các hoạt động biểu hiện của cảm xúc .Vùng Dưới Đồi thị có các Trung khu điều hoà thân nhiệt,hô hập, tuần hoàn, sự ngon miệng, chế độ nước, sự trao đổi glucid và lipid, huyết áp ; tham gia vào hoạt động xúc cảm và giấc ngũ ; chỉ huy một số chức năng hormone của các Thuỳ trước Tuyến Yên ; điều khiển thể thức, hành vi và hoạt động sinh dục . Hệ Limbic, tiếp

nhận các xung Khứu giác, phân tích và cho cảm giác về Mùi , tham gia vào các cử động và điều hoà ăn uống, và phân biệt các loại thức ăn. Quan trọng là, hệ ảnh hưởng đến hoạt động sinh dục, kích thích sự biệt hoá sinh dục, điều hoà hoạt động sinh dục, làm thay đổi hành vi sinh dục . Kiểm soát sự bài tiết hormone sinh dục . Tham gia vào việc biểu hiện xúc cảm và gây xúc cảm . Đối với hoạt động trí nhớ, thì có tác dụng mã hoá và cũng cố trí nhớ, chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn . Hệ Limbic & Vùng Dưới Đồi điều hoà các cách ứng xử trong quá trình giao hợp , sự thúc đẩy và sự phối hợp trong giao hợp . Sau cùng, Tổ chức Lưới tham gia vào hoạt động thức ngủ, làm hoạt hoá hoặc ức chế các xung thần kinh, kiểm soát và điều chỉnh mức dộ chú ý , còn tham gia vào hoạt động xúc cảm và hình thành hành vi . ….

 

Hai hệ thống này , tương tác , tương tức, tương hợp với môi trường chung quanh (gia đình, học đường, xã hội) một cách vô cùng phức tạp , dần dần hé lộ ra một nhân cách mới đặc hữu riêng của mỗi người .

 

Vậy đó, đại khái về mặt Sinh học , con người được hình thành như thế .

 

Con người được dẫn đi bởi cái Nghiệp của nó, được thức đẩy một cách Vô minh bởi những Chủng Tử tốt xấu lẫn lộn, mà Ý Thức và Mạt Na Thức là người làm vườn tưới tẩm cho những hạt giống Chủng Tử này . Những đòi hỏi của bản năng sinh tồn, những phản xạ có điều kiện với môi trường chung quanh , đều được dẫn đường bởi những Chủng Tử này khi được hoạt hoá . Những Tham vọng trong đời sống , những Sân Hận không dằn được , những Đam mê cuồng nhiệt , những Tự ái tự cao , sự mất lòng tin, những lức tuyệt vọng , những tập nhiễm thói đời tốt xấu lẫn lộn, những sự bảo thủ khư khư ôm giữ trong định kiến, v….v, đã từng giờ, từng ngày , từng lúc, từng nơi thấm dần vào Alaya Thức ( Vô thức) dần dần hình thành nên một cái “Ta” với đầy đủ mọi Chủng Tử Cũ và Mới phát sinh , với một Nghiệp Thức Mới bao gồm cái Nghiệp Thức cũ từ vô thỉ và cái Nghiệp mới tạo ra trong cuộc sống hiện tiền .

Cũng như thế đó, đại khái về mặt Triết học Phật giáo , con người được hình thành như thế đó

.

“Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, mà thật trong ấy không có tác giả . Nên tất cả các pháp Tự tánh như huyễn, không thể nghĩ bàn” (Kinh Thập Thiện)

 

6

 

Nhịp luân vũ chập chùng và bất tuyệt

Ta là Ai ? chẳng phải là Ai !

 

Để tránh những xung đột bản năng của nhân loại , Tây Phương đã qui định những hành vi đạo đức có tính cưỡng chế , bắt buộc , ngõ hầu , thông qua những hành vi đạo đức , sẽ tạo thành thói quen, thói quen này sẽ tập nhiễm qua bao thế hệ , để hình thành một bản năng mới của nhân cách . Tây phương mượn “Tha Lực” để hỗ trợ cho sự hình thành nhân cách con người , hầu đạt đến một xã hội tốt hơn .

 

Đạo đức Phật giáo , ngoài việc ban hành các Giới Luật để dạy dỗ hành vi đạo đức , còn dạy con người quay về nội tâm, để thức tỉnh nội tâm, chuyển hoá nội tâm, rèn luyện một Tâm Lý Đạo đức . Một khi Tâm Lý Đạo Đức đã được hình thành , thì hành vi đạo đức là điều tất yếu . Phật giáo dạy con người phải phát huy “Tự Lực” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh sống của mình để chuyển hoá cái Nghiệp mà mình đã cưu mang, để chuyển hoá toàn bộ Nghiệp thức của mọi chúng sinh , hầu đạt đến một thế giới giải thoát .

 

“ Dùng Niệm Xứ trang nghiêm nên khéo tu tập Niệm Xứ Quán ,

Dùng Chánh Cần trang nghiêm nên hay đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện,

Dùng Thần Tức trang nghiêm nên hằng khiến cho Thân Tâm được nhẹ nhàng vui vẻ,

Dùng Ngũ Căn trang nghiêm nên lòng tin sâu xa kiên cố; siêng năng không biếng nhác thường

không mê vọng,; vắng lặng điều hoà đoạn dứt các phiền não ,

Dùng Ngũ Lực trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ các pháp,

Dùng Chánh Đạo trang nghiêm nên được trí huệ chân chánh thường hiện ở trước,

Dùng Chỉ trang nghiêm nên dứt sạch tất cả Kiết Sử ,

Dùng Quán trang nghiêm nên hay biết như thất Tự tánh của các Pháp,

Dùng Phương Tiện trang nghiêm nên chóng được thành tựu viên mãn cái vui Hữu Vi Vô Vi.”

(Kinh Thập Thiện)

 

7

 

Nhà thơ Nghiêm Xuân Hồng đã cảm khái :

 

Ta tìm ai chiều nay qua mấy kiếp

Trong hư không nhìn lại mảnh hồn đau

 

Xưa hay Sau ? Ô hay lạ nhỉ !

Xưa là Xưa , hay Xưa là Sau ?

 

Nên kiếp sống là vòng tròn mộng huyễn

Sanh rồi không, rồi lại nở ra hình

 

Hình nộm ấy mang theo nhiều hệ luỵ

Luỵ ăn uống, lụy nhớ thương, lụy tình duyên

 

Tâm với Cảnh thiên thu dìu gót bước

Thấy như hai , mà chẳng phải là hai

 

Giấc liêu trai chiều nay ta vẫn thiếp

Cảnh sông hồ bàng bạc chuyện xưa sau

 

Thời xưa ấy, quanh co và kỳ ảo

Chìm vào Không, rồi lại nở ngàn sau

 

Cái Không ấy, là ông vua chú thuật

Hiện ra hình, rồi lại biến vào Không

 

Hồn lắm lúc bồng bềnh như gió nhốt

Muốn hư vô , mà chẳng hề có hư vô

 

Nhịp luân vũ chập chùng và bất tuyệt

Ta là Ai ? chẳng phải là Ai !

 

Sách tham khảo :

 

(1) HT. Thích Thiện Hoa – Duy Thức Học

(2) HT. Thích Trí Châu – Duy Thức Học .

(3) HT.Thích Nhất Hạnh – Duy Biểu học

(4) HT. Thích Chân Quang – Tâm Lý Đạo Đức .

(5) HT. Thích Thanh Từ - Kinh Thập Thiện Giảng giải .

(6) Nhà Thơ Nghiêm Xuân Hồng ( trích trong Duy Thức Học – HT. Thích Trí Châu)

(7) TS. Nguyễn Như Hiền – Gen- Số mệnh cuộc đời và bệnh lý di truyền

(8) Phạm Minh Lăng - Freud và Tâm Phân học

(9) Nguyễn Xuân Hiến – Phân Tâm Học nhập môn

(10) Những Nguyên Lý và Quá trình Sinh học (Biological Principles and Progresses - – Claude A.Ville , Vincent

G.Dethier) – Bản dịch NXB KHKT

(11) Sigmund Freud - Luận bàn về Văn minh – Trần khang dịch

(12) PGS.TS Nguyễn Quang Mai – Sinh lý học Động vật và Người

(13) Và những điều đã học hỏi được từ Chư Vị Tôn Túc qua các bài giảng ; Những học tập đã được Chư Vị Thầy , Cô , Giáo Sư trong các nhà trường và giảng đường đã qua ; những học tập được từ trong các Sách, Báo của những Bậc Thầy đã trao truyền lại .

 

Webmaster:Minh Hạnh&Thiện Pháp

Trở về Tủ Sách Phật Học

Đầu trang