Sư Chánh Kiến - 1996 An-Tiêm
Mục Lục.
I) A. HOẰNG PHÁP là gì?
B1. Nguồn gốc của HOẰNG PHÁP
B2. ĐỨC PHẬT chuyển Pháp Luân
ÌI) A. Chuẩn bị cho bước HOẰNG PHÁP.
B. Nên bước từng bước y như Kinh như thế nào?
B1. Một số đoạn kinh hướng dẫn HOẰNG PHÁP
B2. Vài ứng xử của ĐỨC PHẬT đối với ngoại đạo.
B3. Vài ghi nhận trong kinh nghiệm thuyết giảng.
C. Sinh lợi từ lợi sinh. Ứng xử của Giảng Sư với các vị ngọt. Sự nguy hại.... cần xuất ly chúng, trong quá trình đi hoằng pháp, cần thiết như thế nào?
III. Tâm niệm nên có của Giảng Sư ngày nay.
CON ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP
"Này các Tỷ kheo, hãy ra đi! đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc lại cho nhiều người. Vì lòng thương tưởng đời, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại.
Mỗi người hãy đi mỗi ngã. Này các Tỷ kheo, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai: văn và nghĩa. Hãy công bố đời sống thiêng liên vừa toàn thiện vừa trong sạch.
Có những chúng sanh vương ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đoạ. Cũng sẽ có những người hiểu được Giáo Pháp
Chính Như Lai cũng đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Sanànigàma để hoằng dương Giáo Pháp.
Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao thâm. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ."
(Lời Phật dạy cho 60 vị Tỷ Kheo đầu tiên và chúng ta ngày nay - trích từ Luật Tạng)
~o~o~o~
I ). A. HOẰNG PHÁP LÀ GÌ?
Trong Phật Giáo, HOẰNG PHÁP mang một nghĩa chung cho các phương triện truyền bá và truyền đạt Giáo lý nhà Phật.
Trong tiểu luận này, sau đề tựa "CON ĐƯỜNG HOẰNG PHÁP", chúng ta chỉ xét đến HOẰNG PHÁP khi "bước", tức trong phạm vi trọng tâm là thuyết giảng và giảng dạy, từ khi ĐỨC PHẬT chuyển vận Pháp Luân đến nay, không bàn nhiều đến các Phật sự khác như in ấn kinh sách, các pháp thí ngoài ra ......
Bất cứ ai đã ăn cơm Bồ đề, dù tu với một nguyên nhân thầm kín nào, cũng đều có thể giải thích hai chữ PHẬT và PHÁP cho người khác hiểu. Bản thân người viết, là Giảng sư dạy tại những Trường Cơ Bản Phật Học các tỉnh lẻ, tại những lớp Giáo lý của Hệ Pháp Phật Giáo Nam Tông cùng thuyết giảng ở những điểm cần thì thỉnh khác. Nên thiết nghĩ, đây là đề tài tâm huyết và nên bàn. Vì HOẰNG PHÁP, là bổn phận suốt kiếp, là nhiệm vụ chưa thành, là việc đền đáp áo cơm cho đàn na và để góp phần cùng các Cao Tăng tiền bối, không phụ lòng Phật đã một lần chuyển Pháp Luân!
Dù đôi khi, giảng về Phật tánh thì dễ làm phật lòng người không cùng quan điểm và không chịu cùng quan điểm!.
B 1. NGUỒN GỐC CỦA HOẰNG PHÁP
Nguồn gốc? Xưa lắm rồi. Biết đâu mà lần. Trước thời có Phật Thích Ca, có người nào đó bỗng nói một câu mang thiện nghĩa tức đó là PHÁP, và rồi theo kinh Buddhavamsa thì chư PHẬT quá khứ nhiều vô kể, đã chuyển Pháp Luân và tứ chúng của các Ngài đã hoằng Pháp.
B 2. ĐỨC PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN.
Đang đêm tăm tối, một người bỏ nhà ra đi, bỏ lại tất cả, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ..... tất cả lợi dưỡng tuyệt đỉnh, tất cả, vì tất cả chúng sanh và vì Nhất Thiết Chủng Trí, tịnh chỉ tất cả Hành, người là Người.
Chúng ta hãy xem xét tâm trạng của Người sau sáu năm khổ hạnh tuyệt đỉnh, từ bỏ khổ hạnh, hành trung đạo và đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, qua bài kinh Thánh Cầu (Trung Bộ):
"Ta, kẻ tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ......Ta tự mình bị sanh, già, bệnh, chết, sầu khổ, ô nhiểm. Sau khi biết rõ sự nguy hại của chúng, tìm cầu sự xuất ly chúng, sự vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Níp bàn, và đã chứng được .... Trí và Kiến khởi lên nơi Ta, sự giải thoát của Ta là bất động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không có sự tái sanh nữa.
Nhưng Pháp do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu.
Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục.... thật khó mà thấy được định lý idapaccayatà paticcasamuppada (Y Tánh Duyên khởi Pháp). Sự kiện này thật khó thấy: tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Níp bàn.
Nếu nay Ta thuyết Pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật mệt mỏi cho Ta, thật bực mình cho Ta !".
Đức Phật đã hướng tâm về vô vi thụ động, không muốn thuyết Pháp !.
Đúng theo thông lệ của Chư Phật, vì Pháp vị có giá trị vô song nên phải có người cầu thỉnh, và Phạm Thiên Sahampati đã thỉnh cầu.
"Này các Tỷ kheo, sau khi biết được lời Phạm Thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, với Phật nhãn, Ta nhìn quanh thế giới.
Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm". Ngài ví như sen vậy, có loại dưới nước, có loại vươn tới mặt nước, có loại vượt khỏi mặt nước nên không bị đẫm ướt ái thủy.
Sơ thời, Đức Phật muốn hóa độ hai đóa sen không đẫm ướt bụi trần là Àlàrà Kàlàma và Udaka Ràmaputta. Nhưng bất hạnh thay, các vị "trí thức, đa văn sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời" này vừa rũ bụi trần gian, mạng chung.
Và trước khi đến với năm thầy Kondanna (Kiều Trần Như) để chuyển vận Pháp Luân, thì người mà Ngài tiếp xúc đầu tiên sau khi thành đạt Đạo Quả là tà mạng ngoại đạo Upaka, ông ta đã trả lời Giáo huấn của Ngài như sau:
"Này Hiền giả, mong rằng sự việc là vậy," lắc đầu rồi đi mất !
Thật là cay đắng cho Người, trong buổi đầu gặp lại con người, Người sống lại từ khổ hạnh oằn oại, sống chết vì sự Giác Ngộ, từ mẫn đem pháp bậc trí giảng đời vô minh.
"Tự mình Chánh Đẳng Giác
Ta an tịnh, thanh thoát
Để chuyển bánh xe Pháp
Ta đến thành Kàsi
Gióng lên trống bất tử
Trong thế giới mù loà"
II - A. CHUẨN BỊ CHO BƯỚC HOẰNG PHÁP, CHẬP CHỮNG:
Ngoại đạo Upaka không bác bỏ cũng không chấp nhận giáo lý, và Đức Phật biết trước nhưng vẫn gặp gỡ để gieo duyên lành trong tương lai cho ông ta. Dường như Ngài cũng báo cho chúng ta hay, qua sự kiện này, là con đường HOẰNG PHÁP không phải lúc nào cũng được rắc đầy hoa trong sự tôn vinh của quần chúng, đôi khi chỉ là sự gieo duyên tương lai cho họ mà thôi.
Với bản thân Giảng sư, thì sự trao dồi tự luyện để Giảng sư là Giảng sư và vẫn luôn là Giảng sư với nhiều bài giảng khác nhau, sâu sắc và bổ ích hơn, không phải là một giảng sư với một số bài giảng nằm lòng, đi trả bài ở các pháp tọa khác nhau.
Do vậy, trước khi là Giảng sư, ta hãy nhớ lại buổi đầu trước khi mở Đạo của Bồ Tát Siddhatta (Sĩ-Đạt-Ta):
- Từ bỏ lợi dưỡng tột bậc của một Thái tử, không chấp thủ khổ hạnh siêu phàm của một vị Bồ Tát Toàn Giác, mức khổ hạnh mà không có một vị Đạo sĩ nào có thể đạt được:
"Ta nín thở vô - ra ngang qua miệng, mũi, nghiến răng, dán chắt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, đánh bại tâm, mồ hôi toát ra, dầu cho ta có chí tâm tinh tấn, tận lực, thân của ta vẫn bị khích động, không khinh an, bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ..... một tiếng gió động kinh khủng ngang qua tai, kinh khủng như tiếng gió ở lò rèn... một ngọn gió kinh khủng thốc lên đau nhói trong đầu, như sức chém của một lực sĩ bằng kiếm sắc bén.... Ta bị đau đầu kinh khủng, như bị một lực sĩ niền bằng dây da cứng rồi xiết mạnh.... một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng... một sức nóng kinh khủng trong thân như bị nướng trên than hồng .... Tuy vậy, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm ta".
Một số chư Thiên tưởng lầm Ngài đã qua đời.
"Vì Ta ăn quá ít, thân Ta hết sức gầy yếu. Tay chân Ta như những gọng cỏ hay đốt dây leo khô héo, bàn toạ Ta như móng chân lạc đà, xương sống Ta như một chuỗi banh (tràng hạt!), xương sườn gầy mòn như rui cột hư nát, con ngươi long lanh sáng trong hốc mắt như ánh nước trong một giếng nước thâm sau, da đầu như trái bí trắng non bị phơi khô, nhăn nheo khô cằn.
Nếu Ta rờ da bụng, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu ta rờ xương sống thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Da bụng bám chặt xương sống. Khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta. Khi Ta muốn đi đại, tiểu tiện, thì Ta ngã qụy, úp mặt xuống đất. Vì Ta ăn quá ít."
(Đại kinh SACCAKA, Trung Bộ)
Một số chư Thiên tưởng lầm Ngài đã tịch diệt !.
Chúng ta có thể xét thêm những khổ hạnh khác của Bồ Tát như bần uế thực: Nửa đêm bò vào chuồng bò, ăn phẩn bò con, rồi dùng lại phẩn chính mình sau món phẩn bò con đó. Hay hạnh viễn ly: Ta như con nai gặp thợ săn. Khi gặp con người, Ta bỏ chạy từ đồi này sang đồi nọ, từ thung lũng này sang thung lũng kia....
Rất nhiều khổ hạnh KINH KHỦNG của Ngài.
"Càng hiểu biết Ngài tôi càng tôn kính Ngài.
Càng tôn kính Ngài tôi càng hiểu biết Ngài"
(Nàrada Mahà thero)
Xem xét các khổ hạnh của Bồ Tát càng làm chúng ta tôn kính Ngài hơn nữa, để thấy rằng sự khổ luyện để trở thành Giảng sư "mở Đạo dạy đời" của chúng ta chưa tới đâu, không là gì cả. Điều này cần tâm niệm!.
Thế học, có những tài liệu tôi luyện khả năng đứng trước công chúng mà khỏi phải im lặng một cách kỳ lạ như sau:
1. - Nghệ thuật nói trước công chúng: Nguyễn Hiến Lê.
2. - Hương sắc trong vườn văn -nt-
3. - Luyện văn -nt-
4. - Nghề viết văn -nt-
5. - Tôi tập viết tiếng Việt Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Quang Thắng
6. - Nghệ thuật phát biểu miệng E.A.Nogin
7. - Đẳc nhân tâm Nguyễn Hiến Lê dịch từ "How to win friends and influence people" - Dale Carnegie)
8. - Bien parier public Marc Lequenne.
.........rất nhiều! muốn hỗ trợ khả năng biện giải để hoằng dương Phật Pháp, một bản lãnh lăn trôi theo các Pháp toạ, thì Giảng sư cần thiết phải luyện văn viết để hổ trợ văn nói. Học ở tất cả tác giả và tác phẩm thể loại này.
Ngoài ra, còn phải học hỏi các tài liệu tâm lý, giáo dục, tính tình học, kinh Dịch (nếu thích!).... chấp nhận dạy đời là chấp nhận đắng cay của kiếp dâu trăm họ, rể mọi nhà nên khoan đọc cuốn "Gương thành công" của Nguyễn Hiến Lê, hãy đọc "Gương hy sinh" của ông ta trước!
Ta còn phải biết làm thơ, thuần thục thi tứ, lão luyện trong thi văn, phòng bị trường hợp tạo cho thính chúng một niềm hoan hỷ với Pháp vị một cách quá đáng, đến quên cả phương tiện đưa rước ta về thì lúc ấy, Giảng sư cần sống trong tâm trạng một thi sĩ! Các bác tài thường cho những khuôn mặt ngơ ngác như vậy quá giang.
Để luyện chất thép trong hùng biện, ta cần tham khảo thêm các sách học luật của GS. Vũ Văn Mẫu ("Pháp luật thông khảo", 2 cuốn; v.v..), am hiểu "Quốc tế Công Pháp", "Bang giao Quốc tế" (GS. Tăng Kim Đông)... chẳng hạn, am tường các bộ luật hiện hành của Nhà Nước CHXHCN Việt Nam nhằm tránh ân hận khi đi giảng xa nhà, ta chỉ có thể bình tâm giảng thuyết ở những buổi lễ có giấy phép, dạy những trường lớp hợp pháp và chính ta cũng phải có những giấy tờ hợp lệ giúp ta có thể ngồi kiết già vững chãi trên Pháp toạ bốn chân.
"Cụ Pháp triêu triêu lạc
Khinh Công nhật nhật ưu"
Gặp trụ Trì hay Chủ Lễ hay người trong văn phòng Ban Giám Hiệu và hỏi thẳng về giấy phép của họ một cách khiếm nhã, xâm phạm bản ngã của họ, có thể giúp ta miễn việc hôm đó và vĩnh biệt nơi đó dễ dàng. Ta có thể mào đầu bằng cách hỏi thăm sức khỏe của mọi người trong Ban Tổ Chức dù chưa quen, và tình cảm của chính quyền địa phương dành cho họ tới đâu rồi.
Kể cả luật Hôn - Nhân cũng cần phải xem qua, là kiến thức đôi khi cần trong việc hướng dẫn thiện nam - tín nữ gieo duyên.
Để lý luận chặt chẽ, hãy xem "Luận lý toán học đại cương" và "Hiện tượng luận về Hiện sinh".... của GS. Lê Thành Trị chẳng hạn. Khi cần tạo tầm nhìn xa, thử đọc "Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo" của Lm. Trương Bá Cần, cùng những cuốn tương đương.
Ngoài ra, cần xem thêm:
- Personality fulfillment in the Religious life (Adrian Van Kaam)
- Emile on de L'éducation (Jean Jacque Rousseau)
.....nhằm huân tập đầu óc tổ chức giáo dục.
Xưa kia, Đức Phật đôi khi đã dựa theo kiến thức Vedà (Phệ-Đà) để tiếp độ các vị đạo sư tà phái khác. Và vì vậy, ngoài kiến thức về hai nền triết học lớn Ấn-Hoa, về Lão - Khổng (Khổng Học Đăng" - Phan Bội Châu, chẳng hạn), ta cần tìm hiểu các tôn giáo bạn khác cho cặn kẽ, nhất là thấu đáo tôn giáo sử của Ấn Độ ( "Nhập môn Triết học Ấn Độ" - GS. Lê Xuân Khoa, v.v...) vì đó là nơi mà không có nó thì không có mình.
Đức tin nào cũng có giá trị của nó, nếu người không tin Ta, muốn theo một tà thuyết nào đó.... thì thôi vậy! hiểu biết về tôn giáo bạn không có nghĩa là đầu tư cho việc xâm phạm các hình thức giáo phận của họ. Nếu ta đúng, và ta cho là họ đang bị gạt, "muốn bị gạt", thì hãy để yên cho họ bị gạt ! Vì duyên lành không hay chưa có nên họ tất bị đày đoạ bởi các tư tưởng, quan niệm, lý tưởng tà kiến, phụng thờ và hành Pháp sai lạc trong nhiều kiếp. Hãy biết rãi từ tâm thương hại họ, họ đã bị gạt một cú về tri kiến, tai hại trầm trọng hơn rất nhiều so với người bị gạt của cải là vật chất có thể kiếm ra được hay so với người bị gạt tình là khoản có thể được thời gian xoa dịu trước khi tìm ra một vô minh tri kỷ điền vào chỗ trống trong "a broken heart"!
Và ta chưa hơn ai thì đừng "kiến nghĩa bất vi vô dõng giả. Gian nguy bất cứu mạc anh hùng", ta sẽ có duyên lành với búa rìu của cuồng tín và rồi từ chín tầng mây tức tưởi kia, ta vẫn chưa hiểu tại sao huynh đệ mình lại tụng kinh siêu độ? Ta đã phạm cái tội "ăn đồ cúng" của họ. Cần xét lại kiến thức về "Bang giao Quốc tế" của ta trước khi ta trở nên linh thiêng.
Ta lại cần có một số hiểu biết về Nhân tướng học vì ta phải tiếp xúc mọi người, nam - phụ - lão - ấu, mọi giai tầng trong xã hội, bất cứ lúc nào: Phật tử thuần hành, đức tin qua đường, khách hành hương, thân hay sơ... Nên vừa chừng, do phá tướng hay ẩn qúi tướng ta không rõ, tránh thành kiến trong giao tiếp do môn này, hối hận không kịp. Nhưng nó rất cần thiết.
Lại phải xem những cuốn "Tâm thần học" của GS. Trần Đình Xiêm..... chẳng hạn, vì chúng sanh thì nhiều ảo tưởng lắm tâm thần! theo GS. Trần Đình Xiêm thì hơn phân nửa con người mắc các loại ảo tưởng, ảo giác và theo Phật thì chúng sanh vô minh toàn phần.
Về Thế học, Giảng sư phải hiểu qua hay thông suốt như Thái tử Siddhattha (Sĩ-Đạt-Ta) ngày xưa thông ba Vedà (Phệ Đà) vậy. Thậm chí, kể cả môn Sinh - lý học (Kàmasutra!) vì kiến thức không phải môn nào cũng ứng dụng, biết chỉ để nói năng cho khéo léo, tế nhị thôi! như khi giảng Pháp quán Bất tịnh, thể trược... chẳng hạn.
Dĩ nhiên, tri kiến về Giáo lý nhà Phật tuyệt đối là:
KIẾN THỨC XƯƠNG TỦY, làu thông trên cả ba phương diện trí văn, trí tư và trí tu của Giảng sư. Thực hành những gì mình giảng, như Thiền sư, bội phần khó khăn hơn là chỉ "làm Thầy thiên hạ" về mặt lý thuyết!
- Tóm lại, Giảng sư là người hiểu biết sâu rộng mọi điều mà người ta còn đang lơ mơ hay chỉ thấy đạt một vài điều trên. Nhưng xem như chưa biết gì cả, vì chưa có Nhất Thiết Chủng Trí như Đức Phật Toàn Giác.
Và vì vậy, ta bắt đầu làm Giảng sư.
B. NÊN BƯỚC TỪNG BƯỚC Y NHƯ KINH NHƯ THẾ NÀO?
Trên đây là vài tài liệu đơn cử để tham khảo về kỹ năng thuyết giảng. Trích lục từ vô số tài liệu trên không là chuyện khó. Nhưng để được gì, khi chúng ta có thể xem xét từ nguyên bản và phạm vi tiểu luận này không đồng ý.
Nên, chúng ta chỉ xét đến những đoạn kinh liên quan hướng dẫn hoằng Pháp, cách ứng xử với ngoại đạo của Đức Phật và vài điều cần ghi nhận khi giảng dạy của Giảng sư ngày nay......
Những gì trong kinh và được trích dẫn ra đây phải thuộc kiến thức riêng biệt và thù thắng của Phật Giáo, không có bày bán đại trà trong các tiệm sách.
B1. MỘT SỐ ĐOẠN KINH HƯỚNG DẪN HOẰNG PHÁP
(Tạp_Sự Bộ, Tăng Chi Bộ, Trường Bộ và vài kinh khác)
4 Chi pháp của Giảng sư:
1. Nghe Pháp nhuần tai
2. Nói Pháp nhuần miệng
3. Nghĩ Pháp nhuần ý
4. Nằm lòng chi Pháp
5 Điều đưa Giảng sư rơi vào ác đạo, không ai cứu nổi:
1. Thuyết phi Pháp cho là Pháp
2. Thuyếp Pháp cho là phi Pháp
3. Thuyết phi luật cho là luật
4. Thuyết luật cho là phi luật
5. Giả như không biết, hành Tăng sự khác
4 Loại lời nói cao thượng:
1. Không thấy nói không thấy
2. Không nghe nói không nghe
3. Nói không đúng, nói rằng nói không đúng
4. Không biết rõ rệt, nói rằng không biết rõ rệt
5 Loại lời nói nên nói:
1. Nói lời chân thật
2. Nói lời hữu ích
3. Nói hợp thời
4. Nói lời đem lại sự hoà hợp
5. Nói bằng tâm từ mẫn (giọng hiền hoà)
4 Khẩu ác nghiệp cần tránh:
1. Nói dối
2. Nói đâm thọc (lưỡng thiệt)
3. Dùng ác ngữ (lời dữ dằn, tục tĩu)
4. Dùng ỷ ngữ (nói nhảm nhí, lời vô ích)
- Căn cứ vào Luật Tạng, người không nghiêm trì Giới-Luật là người không thể dạn dĩ trước hội chúng, chốn đông người. Nên Giảng sư phải thông Luật, nghiêm trì Giới.
Người có Giới hạnh, có đức tu thiền, khuyến người tu khác chỉ cần vài lời, giá trị cao hơn nhiều bài giảng, điều này thực tế đã cho chúng ta thấy ! Do người nghe hấp thu phần nào cái THẦN Pháp giảng, Thế học tạm gọi là "Văn phong"
+ Vài đoạn trích từ Luật Tạng, Bộ Tạp Sự (Parivàra):
5 Điều của vị nói trước hội chúng:
1. Biết tội
2. Biết nguồn gốc tội
3. Biết hành vi tội
4. Biết sựgiảm tội
5. Thông thạo trong việc xét xử tội
5 điều nữa:
1. Biết sự tranh luận (vấn đề)
2. Biết nguồn gốc sự tranh luận
3. Biết hành vi tranh luận
4. Biết cách giảm tranh luận
5. Thông thạo trong việc xét xử tranh luận
5 Điều của vị nói trước hội chúng, là người mà hội chúng vừa lòng, ưa thích, mong muốn, khao khát nhiều
1. Không là người có tư duy tối tăm, bế tắc.
2. Không nói nặng người khác
3. Tế nhị, thông thạo trong lời nói hàn gắn, hoà hợp
4. tố cáo tội theo Pháp luật thích hợp
5. Điều chỉnh tội theo Pháp luật thích hợp
Thêm 5 điều nữa:
1. Không là người khoác lác, khoe khoang
2. Không là người đâm thọc và ác ngữ
3. Không là người tin tưởng và trì giữ phi Pháp
4. Không là người chống báng Pháp
5. Không là người nói lời thiếu lợi ích, ỷ ngữ
5 Điều nữa:
1. Không nói lời đe dọa, uy hiếp
2. Nói cho người khác cung kính
3. Tố cáo theo tội trong Pháp luật thích ứng
4. Điều chỉnh theo tội trong Pháp luật thích ứng
5. Giải thích theo sự thấy.
5 Điều nữa:
1. Biết tội và vô tội
2. Biết tội nhẹ và tội nặng
3. Biết tội có phần phụ và tội không có phần phụ
4. Biết tội thô xấu và tội không thô xấu
5. Biết tội có thể (phục thiện ) sám hối và tội không thể sám hối
5 Điều nữa:
1. Biết tác sự
2. Biết nguồn gốc tác sự
3. Biết tang vật tạo tội
4. Biết phận sự tác sự
5. Biết việc giảm tác sự
Giảng sư phải làu thông Giới - Luật cả hai bên Tăng & Ni. Và trên đường Phật sự, nếu gặp người chỉ trích hay tán thán thì Đức Phật dạy như sau:
"Này các Tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối , tâm sanh phiền muộn. Thời sẽ có hại cho các người. Các người có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng? nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn."
- "Này các Tỷ kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, các người chớ có vì vậy mà hoan hỷ, vui mừng, tâm thích thú. Thời sẽ có hại cho các người. Các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: Như thế này, điểm này đúng sự thật, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này xảy ra giữa chúng tôi".
(Kinh PHẠM VÕNG)
(Brahmajàla), Trường Bộ I)
- "Này các Tỳ kheo, những Pháp Ta giảng cho các ông với thượng trí, như là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy bồ đề phần, Thánh đạo tám nghành. Ở đây, các ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hoà đồng, hoan hỷ, không tranh cãi nhau.
.......Rồi một Tỷ kheo nào của phe bên kia mà các ông nghĩ là nhu thuận, dễ nói hơn, hãy nghĩ đến vị ấy và nói như sau: "Giữa các Tôn Giả, có sự đồng nhất về nghĩa, sai khác về văn.... Đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt. Các Tôn giả chớ có tranh cãi nhau chỉ vì một vấn đề nhỏ nhặt.
Như vậy, cái gì dễ nắm giữ (sự đồng nhất) phải thọ trì là dễ nắm giữ, cái gì khó nắm giữ (sự sai khác) phải thọ trì là khó nắm giữ. Sau đó, cái gì thuộc về Pháp về Luật phải được nói lên !"
(KINH NHƯ THẾ NÀO, TRUNG BỘ III)
- "Nếu Tỷ kheo thuyết Pháp về sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt vô minh, như vầy là đủ để được gọi là Tỷ kheo thuyết Pháp".
(Tương Ưng Nhân Duyên, Phẩm Vật thực)
+Trích từ "Kho Tàng Pháp Bảo" - (HT. Bửu Chơn soạn):
1. Dànakathà : Thuyết Bố Thí
2. Sìlakathà : Giải về Trì giới
3. Saggakathà : Giải về sự an lạc cõi trời
4. Kàmàdinavakathà : Giải về tội Ngũ trần
5. Nekkhammakathà : Quả báo sự xuất gia
Pháp sư chơn chánh có 5 phần:
1. - Thuyết theo thứ tự, không bỏ sót lý kinh, mà nói lạc đề
2. - Thuyết dùng nguyên nhân, lý lẽ giúp người dễ hiểu Pháp
3. - Có tâm bác ái muốn cho Thính giả được sự lợi ích
4. - Không chú tâm đến lợi lộc, chỉ mong người nghe thoát khổ.
5. - Thuyết, không khen mình chê người
Phật Giáo mau tiêu hoại do 5 nguyên nhân:
1. - Không cung kính khi nghe Pháp
2. - Không cung kính khi học hỏi Pháp
3. - Không cung kính khi hộ trì hay gìn giữ Pháp
4. - Không cung kính khi suy xét lý Pháp mà mình gìn giữ cho chu đáo
5. - Không cung kính khi thực hành theo lý kinh đã hiểu biết
Thầy đối với trò có 5 điều:
1. - Dạy dỗ học trò cho tốt đẹp
2. - Giảng giải, huấn luyện học trò cho thuần thục Pháp
3. - Không giấu giếm, dạy trọn vẹn sự hiểu biết của mình cho trò.
4. - Khen tài học trò trước bạn bè và quan quyền (cho nó đầu tư tương lai nó)
5. - Có ý bảo bọc học trò trong mọi sự.
4 Cách nói của bậc Thánh:
1. - Thấy nói thấy
2. - Nghe nói nghe
3. - Tiếp xúc nói có tiếp xúc
4. - Biết rõ nói biết rõ
4 Cách trả lời:
1. - Đáp liền
2. - Hỏi lại mới đáp
3. - Phân tích đầy đủ khi đáp
4. - Im lặng
5 Cách hỏi của bá tánh:
1. - Hỏi do chưa biết
2. - Hỏi để biết thêm
3. - Hỏi để dứt khoát hoài nghi thắc mắc
4. - Hỏi để được xác nhận ý mình
5. - Hỏi để nếu người không biết thì mình tự trả lời
Ngoài ra, còn có khi họ hỏi để đạo hữu bên cạnh biết được điều họ đã biết. Dù gì, một tu sĩ giảng Giáo lý thì nghe ra linh thiêng hơn chính họ giải bày!...
Giảng sư xem học trò như 4 thứ con:
1. - Con đẻ
2. - Con sanh ra trong thiên phận của mình
3. - Con nuôi
4. - Đệ tử
4 Pháp hành trong ngày của Giảng sư:
1. - Quán ân Đức Phật
2. - Quán sự chết
3. - Quán thể trược (Bất tịnh)
4. - Rãi tâm từ
8 Hạng người không thể suy xét lý Pháp sâu xa:
1. - Nặng tham ái
2. - Nặng về lòng sân hận
3. - Nặng về tánh si mê, ngu tối
4. - Tánh ngã mạn, tự cao
5. - Tư cách thấp hèn
6. - Tánh lười biếng, trễ nãi
7. - Cố chấp theo ý riêng
8. - Người hung dữ.
- Vì công đức mà giảng cho họ, sẽ tốn công sức, chẳng tới đâu! Phật nói! "Thật là mệt mỏi, thật là bực phiền cho Ta"! (Trung Bộ)
25 Pháp làm tâm Giảng sư trở nên yếu hèn:
1. - Hung dữ
2. - Thù oán
3. - Bạc ơn
4. - Làm oai, kiêu hãnh
5. - Ganh tỵ
6. - Bỏn, xẻn
7. - Giả dối
8. - Phản phúc, khoe khoang
9. - Cứng đầu
10.- Ngang ngạnh
11.- Ngã mạn
12.-Tự cao
13.-Say đắm
14.-Dễ duôi
15.- Hôn trầm thụy miên, uể oải
16.- Lười nhác
17.-Mỏi mệt, chậm trễ
18.-Yếu đuối, bạc nhược
19.-Thân cận bạn ác
20.-Vui thích theo sắc
21.-Vui thích theo thinh
22.-Vui thích theo hương
23.-Vui thích theo vị
24.-Vui thích theo xúc
25.-Khao khát, tham dục
Khi đi giảng, Giảng sư cần tránh hôn trầm thụy miên, tức uể oải, dã dượi, buồn ngủ, có 6 cách tránh
1. - Xem xét và tri túc trong vật thực
2. - Thay đổi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, cho điều hòa.
3. - Chú ý nhìn xem chỗ có ánh sáng
4. - Ở nơi trống trải. Không ở nơi khuất lấp, u tối.
5. - Thân cận bạn lành
6. - Nghe và nói lời phù hợp
5 Quả báo của sự nghe Pháp.
1. - Nghe Pháp chưa từng nghe
2. - Càng rõ rệt Pháp đã nghe
3. - Dứt hoài nghi
4. - Thuần hoá kiến thức chân chánh
5. - Thanh tịnh tâm
5 Quả báo của sự bố thí (Pháp thí)
1. - Được nhiều người thương mến (dễ tăng trưởng danh lợi !)
2. - Các bậc thiện trí thức ưa thân cận (dễ tăng trưởng NGÃ!)
3. - Tiếng lành đồn xa
4. - Dạn dĩ trước công chúng
5. - Sanh về nhàn cảnh
5 Điều Pháp làm cho người trở nên có giá trị"
1. - Người thông thạo
2. - Người tánh dạn dĩ
3. - Nghe nhiều học rộng
4. - Nhớ nhiều Giáo Pháp
5. - Thực hành đúng Pháp
B2. VÀI ỨNG XỬ CỦA ĐỨC PHẬT VỚI NGOẠI ĐẠO:
Khi gặp Ambattha, một thanh niên tà kiến, hỗn xược chỉ trích Ngài, Ngài bảo:
- "Này Ambattha, hình như người đến đây với một ý định gì ? Ngươi hãy khéo tác ý đến mục đích đã đưa ngươi đến đây"
Bà la môn Pokkharasàdi, Thầy của Ambattha rầy Ambattha như sau:
- "Này Ambattha, ngươi càng công kích Tôn giả Gotama bao nhiêu, lại càng bị Tôn giả Gotama lật tẩy chúng ta bấy nhiêu.
Ngươi thật là nhà học giả đốn mạt của chúng ta ! Người thật là nhà đa văn đốn mạt của chúng ta ! Ngươi thật là nhà tinh thông ba quyển Vedà đốn mạt của chúng ta ! Người ta nói, những ai có sự cư xử như vậy, khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh vào cõi ác, đoạ xứ, địa ngục.
Bàlamon Pokkharasàdi tức giận, bực bội, dùng chân đá thanh niên Ambattha bổ lộn nhào rồi lập tức muốn đi đến gặp Thế Tôn"
(Kinh AMBATTHA, Trường Bộ I)
Đức Phật bao giờ cũng tôn trọng sự suy tư, nhận xét và quyết định của người khác. Ngài không muốn ai tuân theo giáo huấn của Ngài một cách mù quáng cả. Vì làm Thầy kẻ thiếu trí tuệ phán đoán rất tai hại, bất cứ lúc nào, thà làm trò bậc thiện trí còn tốt hơn.
-"Này những người Kàlàmà, các ngươi nghi ngờ những điều đáng nghi ngờ là phải ! chớ có tin theo vì được nghe lập lại nhiều lần, chớ có tin vì truyền thống, vì tin đồn, vì đã được ghi trong Thánh kinh, chớ có tin vì là lời phỏng đoán, vì là một định lý, vì là lời ngụy biện, vì tự mình có ý thích tin như thế, hay do dựa vào uy tín người khác, hay do nghĩ rằng "Đây là Thầy Ta".
Này những người Kàlàmà, khi nào các ngươi biết rằng: Những việc này là xấu, là bất thiện, bị bậc trí khiển trách, những việc này nếu tuân theo và thực hiện sẽ mang lại tai hại và xấu xa, thì các ngươi hãy từ bỏ chúng.....
Này những người Kàlàmà, khi nào các ngươi biết rằng: những việc này là tốt, là thiện, được bậc thiện trí tán thán, những việc này nếu tuân theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích và tốt đẹp, thì các ngươi hãy chấp nhận chúng".
(Kinh KÀLÀMÀ, TRUNG BỘ)
Một Giáo sư Mỹ tại Đại học Yale hân hoan đón HT Thích Minh Châu với câu nói sau: "Tôi sung sướng đón chào Thầy, vì tôi chắc rằng Thầy đến đây không phải để cải hoá tôi theo Đạo của Thầy".
"... Chúng ta sung sướng vì Đức Phật làm chúng ta cảm thấy "Con Người" trong chúng ta có những tiềm năng nhận xét khá chính xác, khỏi đóng vai trò nô lệ cho ai cả".
(Trích từ bài "Sung sướng thay, được một bậc Thầy như Đức Phật", do HT. Thích Minh Châu, Tư Tưởng 2, 15/4/1971).
-- Một lần có một Bà la môn thỉnh Đức Phật đến thọ thực, nhưng khi Ngài đến thì ông ta đã vận dụng gần như trọn vẹn khả năng chửi bới để hủy báng Ngài. Ngài từ tốn nói: "Này Bà la môn, ngươi thỉnh mời Ta đến thọ thực và những gì nãy giờ ngươi tiếp đãi Ta, Ta xin trả lại cho ngươi, những lời lẽ khó nghe."
Đạo Phật là đường hướng giải thoát đầy trí tuệ nhuộm lòng từ mẫn, Đức Phật không bao giờ lạm dụng thần thông, Phật lực để tế độ ai cả. Và khi Ngài sử dụng thần thông là để người thấy rõ điều khó tin nhưng có thật, ấy là pháp chân như ! trong những trường hợp bất đắc dĩ, như khi Ngài giáo hoá ngoại đạo Kassapa.
Ngài dùng những ví dụ và ý nghĩa so sánh dễ hiểu, có trong Giáo lý ngoại đạo để hướng dẫn họ đến với Pháp.
(Xem Kinh Ambattha, Trường Bộ I)
- "Chính nhờ Như Lai Lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Pháp - Luân".
(Đại kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ I)
B3. VÀI THIỆN XẢO KHI THUYẾT GIẢNG:
Ngoài những kỹ năng trong các tài liệu Thế học, khi thuyết giảng, chúng ta cần phân biệt thính chúng để tiện bề hướng dẫn họ cho ngang tầm dễ hiểu.
a/- Lớp bình dân, trọng về đức tin và cúng dường. Hay khách vãng lai, du lịch, không thuộc tầng trí thức học giả....
Hãy giảng cho họ những thiện pháp đưa đến quả báo nhân và thiên giới. Đừng quá cao xa tới Níp bàn, ngoài tầm tam giới và tầm tay họ, thì họ chỉ có thể gieo duyên Níp bàn !" và ta có phần công dã tràng nên khi ngẩng lên bàn thờ thì tượng cũng nhắm mắt như thính chúng rồi" chán Giảng sư quá ! thuyết đê mê như có "người nhập" vậy, chẳng để ý thái độ tiếp thu của người và gì gì cả....
b/- Các bậc thức giả, thiên về trí nhiều: Cần lập luận chặt chẽ trong Pháp giảng trong khi hạng trên (a) thì thường ưa thích được nghe kể chuyện Phật, những tích xưa.....
Cần đưa ra những Pháp lý với lập luận logic khó bị bắt bẻ, cật vấn, ứng dụng Pháp lý trong thực tế với những ví dụ mang hình thái hiện đại và pha chút hài... Đề cập kiếp lai sinh với họ cần một tài năng siêu nhiên hơn. Từ từ đưa họ vào chữ Tín, có đức tin rồi, họ sẽ dễ được dẫn nhập vào các vấn đề có phần siêu hình nhưng có thực, trong giáo lý.
* Khi giảng dạy Tăng-Ni sinh, đừng bao giờ kết hợp lý Pháp liên quan đến việc hỏi thăm lai lịch họ. Một lần, do dạy kinh Chân Nhân (TRUNG BỘ), tôi đã ân hận khi hỏi một Ni sinh có vẻ mặt sáng sủa mà tôi nghĩ là Cô xuất gia từ một gia đình qúi phái chẳng hạn, nếu vậy thì Cô có xem thường những bạn đạo khác không ? Từ vài chi tiết này, tôi định ứng dùng lý Pháp trong Kinh trên để ôn bài cho cả lớp và họ sẽ dễ thâm nhập Pháp nghĩa qua một ví dụ thực tế ! Nhưng khi tôi hỏi : " Thân phụ - Thân mẫu cô làm nghề gì?. Bất ngờ, tôi thấy cô rướm lệ ! Biết gặp phải "cô nhi", sợ khóc ròng, tôi đã nhanh chóng chuyển sang một câu khác, cần sự vận dụng trí để trả lời, giúp cô tỉnh táo lại.
Rất nhiều hoàn cảnh phũ phàng đưa đẩy, giúp tăng lượng tu sĩ lên, đừng bao giờ nói về thân nhân, thân phận học trò mình ! tôi hối hận.
Một lần, tôi hỏi một Ni sinh khác; "Cô có gì vượt trội hơn bạn đồng tu khác không?"
Cô khiêm tốn đáp: "Dạ, không!"
- Vậy thì do không hơn người nên "không tự khen mình, chê người" (nguyên văn trong kinh CHÂN NHÂN), Cô là Chân nhân phải không?.
Ni sinh đã nhanh trí: "Cái đó Thầy nói, con không nói!"........
C - SINH LỢI TỪ TRONG LỢI SINH, ỨNG XỬ CỦA GIẢNG SƯ VỚI CÁC VỊ NGỌT, SỰ NGUY HẠI... TRONG QUÁ TRÌNH ĐI HOẰNG PHÁP CẦN THIẾT NHƯ THẾ NÀO?
- "Này các Tỷ kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật.
Ta có lòng thương tưởng các ngươi và Ta nghĩ: Làm sao cho những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật.
Nếu các người là những người thừa tự Pháp của Ta, Không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói:"Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật".
(Kinh THỪA TỰ PHÁP, TRUNG BỘ I)
- "Này các Tỷ kheo Ta thuyết pháp không phải do cần y áo, do cần vật thực, do cần trú xứ (sàng tọa), hay do cần thắng bại với người.
Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Ta thuyết Pháp".
(Kinh NHƯ THẾ NÀO, TRUNG BỘ III)
- "Quả thật là vũng lầy đầy cạm bẫy hiểm nghèo, ẩn náu dưới mặt nước phẳng lặng hiền từ.
Những lễ bái, vật cúng dường, và yến tiệc của thí chủ giàu sang, cũng tựa hồ như lưỡi gươm sắc bén đâm sâu vào thịt của người lầm đường lạc nẻo, khó mà quay lại"
(Mahà Kassapa Theragàthà - 1053)
- "Khó mà quay lại." Phải! họ quên cả lối về.
Có những kẻ đua đòi làm Giảng sư để bon chen vì lợi danh phù du mà đúng ra phải bứt bỏ trọn vẹn (nếu có) trước khi xuất gia kia rồi. Họ tung hoàng khắp chốn, mượn Pháp bán Pháp nói chuyện trên trời dưới bể rồi tự xưng là HOẰNG PHÁP ! thực chất là làm QUẰN PHÁP: "Phi pháp cho là Pháp, Pháp cho là phi Pháp - Phi luật cho là Luật, Luật cho là phi Luật" (Tạp Sự Bộ, Parivàva - Luật Tạng, Bộ V, cuốn 8), tương lai của những vị này không sáng sủa gì lắm và theo Kinh, một hứa hẹn là kiếp lai sinh của họ nằm ngay dưới chân họ!....
Tuy nhiên, trong đời sống hiện tại, nếu các nơi thỉnh giảng lý tưởng hoá các Giảng sư, sử dụng thuyết vô sản "tất cả vì Đạo Pháp" trên mà làm lơ các nhu cầu tối thiểu cho Giảng sư nếu Giảng sư cần thì những nơi đó sẽ có diễm phúc được tiếp đón các vị Giảng sư chân tu rất hiếm thấy và nhiều Giảng sư khác sẽ có dịp một lần ghé qua.
- Tóm lại, Giảng sư khi đi hoằng hóa, nên theo lời Phật khuyên, là thực hành Tứ Nhiếp Pháp: Xã tài, Ái ngữ, Đồng sự và Lợi hành.
Những lợi lộc sanh từ Pháp giảng thì nên san xẻ cho Huynh đệ hay học trò. Từ bi ấy được gọi là Đức. Có như vậy thì lúc nào đó, do mệt mỏi mà ta giảng dở ẹt cũng vẫn được thính chúng của ta chăm chú lắng nghe, tịnh tín lắng nghe.
Ngoài ra, Đức Phật căn dặn chúng ta không nên tiếp xúc người khác phái. Nếu phải tiếp xúc thì không nên nói chuyện nhiều, nếp phải nói chuyện thì nên gìn giữ CHƠN CHÁNH TÁC Ý (Yonisomanasikàra), tức cảnh giác tâm ý của chính ta từng chút một. Vì các vị Giảng sư, Pháp sự là những người xưa nay thường được xem là người có đủ điều kiện sống và làm việc dễ gục ngã nhất, mà sự thật đúng như vậy !.
Nếu gục ngã trên chiến trường tâm linh, trên đường công tác thì đó không là "anh hùng liệt sĩ" mà là "được người tiếp độ trước khi giáo hoá người." Gục, bởi một bóng hồng hay bông bụp, đều có phương cách Phật dạy đối trị trước khi sự đã rồi.
Bông bụp tượng trưng cho một đóa hoa dưới điểm trung bình 5/10, dài rộng như nhau, trước sau như một, chẳng hạn. Được hái bởi những người trọng tình nghĩa qua gắn bó, qua thân cận hay qua các công tác tôn giáo trong quá trình hoằng Pháp.
Nếu quán tâm vô thường theo ngày tháng thì ta thấy rõ rệt cái hậu vận ê chề rằng: Ngài mai, tâm phục vụ hôm nay sẽ cầm chổi rượt mình nếu không đủ tiền chợ, tiền thuốc thang hay học phí cho các baby.... Tâm phục vụ nếu vẫn là tâm phục vụ thì thật là bẽ bàng, nhục khí anh hùng cho đấng mày râu tu mi từ nhỏ chỉ quen quét sân lau bàn thờ và đã từng oai phong trên bục giảng, còn đâu thời oanh liệt trên Pháp toà...
Rãi tâm từ, vì lòng bi mẫn mà hoằng Pháp thì không có nghĩa là chiều theo ý muốn bá tánh, ái là kẻ thù của từ vì Giảng sư có ánh mắt hiền từ là Giảng sư dễ bị thỉnh, bị chăm sóc cẩn mật nhất.
Hãy nín thở một chút ! giở Kinh Tăng Chi trang đầu: "Không có một sắc, - thinh - hương - vị - xúc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm người nam (hadayam titthat) bằng sắc -thinh - hương - vị - xúc của người nữ". Ta thở phào nhẹ nhõm! Phật thông cảm cho giảng sư phàm phu tục tử bằng cái thằng tôi này chăng?
Phật dạy quán thể trược (bất tịnh) để đối trị sắc dục, nếu ngắt từng cánh hồng ra, dù là hồng nhung, hồng trắng hay hồng vàng, chẳng còn hồng nữa.
Chúng ta hãy cung kính nghiêm cẩn trước trang kinh Girimànanda này: Imasmim kèsà lomà nakhà dantà tco..... Thân này bao gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, (hoành cách mạc), bao tử, lá lách, phổi, ruột già, ruột non, vật thực chưa tiêu hoá, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu trong da, nhớt ở khớp xuơng, nước miếng, nước mũi, nước tiểu, (óc). Ba mươi hai uế trược trong thân này và trong cả thân nàng, trong mọi thân.
Ta hãy nhìn đi ! tấm thân bao phủ bằng một lớp da nylon, trong chứa thịt, gân, xương, tủy, thận... ngoài được trang trí bởi tóc, lông, móng, răng, da... rồi được người cài đặt dây chuyền, cà rá, hột xoàn... tô son trét phấn viền lọ nghẹ trong cả một nghệ thuật tân trang nội thất và rồi ta chợt nhớ đến những hàng thịt ngoài chợ : Họ phân loại thịt, xương, da, ba rọi, đồ lòng... ta có thể là ơn làm phước cho chính mình, sau khi quán tổng thể thân nàng như trên, ta phân biệt rõ ràng các uế trược như anh hàng thịt, anh ta muốn bán hết thịt còn ta thì hãy "bán mùi" tham ái bằng quán thể trược. Có phần vũ phu như vậy, còn hơn là để bị gạt gẫm đến trơ xương, đến mức phải từ bỏ hết mọi công tác, sự nghiệp, chôn vùi cuộc đời trên một mớ thịt da bầy hầy đầy mồ hôi nước dãi.
Ta khó lòng dùng tô canh mà trong đó rơi vãi vài sợi tóc tơ dù từ một suối tóc đẹp mượt mà, và ta cũng từ chối ly nước nàng mời ta dù móng tay có được chải sơn tuyệt mỹ, vì nàng cầm ly như kẹp giấy và ta cũng không thể.....
Khi Đức Phật thuyết Pháp quán bất tịnh nhằm tiếp độ một thiện nam, thì lại hữu duyên mích lòng một giai nhân tuyệt sắc con của thiện nam trên. Cho là Đức Phật bôi xấu mình, oán thầm trong tâm, nên giai nhân đã trả hận, khi may phước lên ngôi Hoàng hậu, và đã lãnh trọn ác quả ngay trong hiện tiền do xúc phạm Thánh nhân.
"Trung ngôn nghịch nhĩ", sự thật thường phủ phàng, nói ra thì tàn nhẫn, còn im lặng đâu thể hiện từ bi truyền đạt bản thể pháp chơn như. Lời Phật luôn là chơn lý nên có là Hoàng hậu tuyệt mỹ thì thể trược vẫn là thể trược.
Ở đây ta quán bất tịnh ngăn đoạn dục tình, không có ý bác bỏ các thể loại tình cảm do tinh thần, bằng lý trí hay tự trong tim ! Nhưng VÔ NGÃ, nghĩa là không có gì của ta. Cái TA còn không có, chính mình hiểu mình trọn vẹn chưa xong thì mong chi cái TA khác tri âm tri kỷ, thông cảm và hiểu biết tương đối trọn vẹn cái TA này, chưa kể trong tình cảm, có đôi khi ta thường ích kỷ, và sẽ mong mỏi "chỉ còn lại đây TA với TA" nhưng TA ấy cũng đã và sẽ của nhiều cái TA khác. Vô ngã có thể là một thực thể cho tình tri âm tri kỷ trong tình bằng hữu thôi chăng?
Giảng sư cũng không thể nào bác bỏ các tiêu chuẩn của Thẩm - mỹ học nhưng tùy theo mục đích mà xét đến những khía cạnh thích hợp, đẹp vẫn là đẹp, dơ vẫn là dơ, uế trược.
Thường thì người ta cho rằng, sống trên đời, mục tiêu cuối cùng của nam giới là sự nghiệp, công thành danh toại, phần nữ giới là lập gia đình, một mái ấm cho mẹ tròn con vuông, nương tựa nơi một bóng tùng quân chở che, bảo bọc và đưa tiền chợ hàng ngày.
Biết yêu đương là biết tồn tại, duy trì cho mai hậu. Nhưng các Giảng sư hoàn toàn, tuyệt đối không có bổn phận đó, nhiệm vụ đó đối với xã hội hay giòng giống. Và nếu lỡ có một di truyền đào hoa nào theo bản năng sinh tồn của nhân loại thì xin hãy cứ yêu như yêu một đoá hoa, maximum của tình yêu thẩm mỹ ấy chỉ là ngắm hoa, mà giảng Pháp ly dục.
Thử xem ! sức mạnh của Pháp giảng và sức mạnh của một nụ cười mỉm, một lần liếc xéo... sức hút nào mạnh hơn.
Thử xem ! thử xem ! rồi hối hận....
III. TÂM NIỆM NÊN CÓ CỦA GIẢNG SƯ NGÀY NAY:
- "ĐỒ CHÚNG " là một nhóm học trò Kinh hay Luận. Nếu vì dạy dỗ, trả lời những câu hỏi của đám này mà không có thì giờ thực hành Sa môn hạnh thì đồ chúng ấy trở thành một chướng ngại! Vị ấy nên trừ chướng ngại bằng cách sau:
- Nếu những Tỷ kheo đã học xong phần chính, chỉ còn một ít, thì nên dạy cho xong mà đi vào rừng.
- Nếu họ chỉ mới học một ít, còn lại nhiều, vị ấy nên đến một Giáo thọ sư khác ở cách không quá một lý và nhờ dạy họ tiếp.
Nếu không tìm ra vị nào thay, thì nên giả từ lớp học để làm phận sự tu tậpcủa mình"
(Trích một trong "Mười Chướng Ngại Pháp trong Pháp Hành", phần Định, Thanh Tịnh Đạo)
Theo Kinh điển, vậy thì Pháp Hành vẫn luôn đứng ở vị trí ưu tiên trong đời Tỷ kheo.
Khi Đức Phật dạy 60 vị đệ tử đầu tiên đi hoằng Pháp thì cả 60 vị đều là Alahan, Ngài là vị giáo chủ đầu tiên dạy các đệ tử đã chứng ngộ và đã xuất gia đi truyền bá giáo lý vì lòng bi mẫn muôn loài.
Không có một nơi ở nhất định, một mình và không tiền của, tha phương hoằng hoá. Ngoài tấm y vàng và bình bát khất thực, các Ngài chẳng còn tài sản riêng tư gì cả. Phạm vi hoạt động thì bao la mà người hành sự thì ít nên các Ngài luôn thui thủi một mình: "Hãy ra đi, này các Tỷ kheo, vì lòng từ bi, vì hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Chớ có đi hai người một chỗ"!
Các Ngài đều đã thoát tục, vượt ra khỏi mọi sự trót buộc của vật chất. Dường như là "nhân chi sơ tánh bản ác" nên nhiệm vụ của Qúi Ngài là công bố đời sống phạm hạnh hầu đem lại hạnh phúc, giải thoát cho những ai có tai muốn nghe, nâng đỡ đời sống đạo đức người khác bằng cách nêu gương lành và ban truyền giới luật.
"Đức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời bỏ đời sống gia đình để đắp y mang bát, trở thành tu sĩ không nhà cửa, không sự nghiệp. Một người cư sĩ cũng có thể sống đời cao đẹp, thích ứng với Giáo Pháp và đắc quả Thánh. Cha mẹ, và vợ của Ngài Yasa là những cư sĩ đầu tiên theo dấu chân Phật, tất cả đều tiến triển đầy đủ về tinh thần để thành tựu quả vị Tu-Đà-Hườn (Sotàpattiphala)"
(Đức Phật và Phật Pháp, HT. Nàrada)
Đời sống tinh thần của Phật tử ngày nay và các Tăng Ni hậu bối phần nào đang chờ chúng ta thi hành tốt đẹp nhiệm vụ hoằng Pháp bằng trí văn, trí tư, và nhất là trí tu chứng của chúng ta.
* Này các Tỷ kheo, có người phi chân nhân là người thuyết Pháp. Vị ấy nghĩ: "Ta là người thuyết Pháp được, còn các vị khác thuyết không được," vị này khen mình chê người như vậy, là phi chân nhân Pháp.
Vị Chân nhân nghĩ như sau: "Không phải do tự mình là người thuyết Pháp mà các tham pháp, sân pháp, si pháp đi đến đoạn trừ. Nếu không là vị thuyết pháp nhưng hành trì đúng pháp và thuận pháp, hành trì chơn chánh, thuận pháp, thời ở đây người ấy được kính trọng, ở đây người được tán thán". Vị này lấy đạo lộ làm chánh yếu, không khen mình chê người vì tự mình là bậc thuyết pháp.
Như vậy, này các Tỷ kheo, là Chân nhân pháp"
(Kinh CHÂN NHÂN, Trung Bộ III)
_________/ \ ___________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 5 Bộ Đại tạng Kinh Pàli - Hoà Thượng Thích Minh Châu - phiên dịch
- Chánh Giác Tông - bản Campuchia ngữ (Buddhavamsa/TIỂU BỘ KINH
- Tạp Sự Bộ - bản Thái Lan ngữ
(Parivà ra/cuốn VÌÌI, Luật Tang)
- Thanh Tịnh Đạo - Ngài Buđdhaghosa/Ni Sư Trí Hải phiên dịch
(Visuddhimagga)
- Bộ sách TƯ TƯỞNG - Tu Thư Viện DH. Vạn Hạnh
- Kho tàng Pháp Bảo - Hoà Thượng Bửu Chơn soạn
- Đức Phật và Phật Pháp - Hoà Thượng Nàrada/Phạm Kim Khánh dịch
~~~~o O o ~~~~