Múa Lân-Sư-Rồng
Múa Lân - Sư - Rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội Lân-Sư-Rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau. Ngày giỗ tổ nghề múa Lân Sư Rồng vào 23.6 âm lịch, các con Lân đều được đưa ra làm lễ trước bàn thờ tổ. Trong màn múa Lân - Sư - Rồng, tiếng trống, tiếng thanh la, chập chõa là loại nhạc nền đặc biệt quan trọng. "Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng...", là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chập chõa. Trống đánh trong các cuộc múa Lân-Sư-Rồng gọi là Thất Tinh Cổ (trống bảy sao). Người đánh trống phải là người trưởng phái, hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp của lân,sư hay rồng như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, nhờ đó mới có thể diễn tả được hết hùng khí của lân, sự oai phong của sư và rồng. Múa lân Ở Việt Nam, vào dịp Tết Trung Thu có tục múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng). Người ta thường múa lân vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15. Lân có hai loại: loại có sừng và không sừng. Lân không sừng giống hổ là biểu tượng của tháng giêng. Ðầu lân không sừng dùng để múa, thường dính vào sau gáy một miếng vải đỏ, viết chữ Vương lớn và đậm nét, mình lân có vòng đen. Lân có sừng chỉ có một sừng chính giữa nên còn gọi là kỳ lân, đầu tròn lớn, màu thân giống màu đầu lân, hay được sử dụng để múa nhất. Lân chỉ chế tạo cái đầu thật công phu, còn mình là vải thêu, viền rất khéo. Có loại lân đặc biệt, nửa giống lân, nửa giống rồng, nhưng ít xuất hiện trong các buổi trình diễn. Ðám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có trống thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân và quan trọng nhất không thể thiếu đó là ông Địa. Thường đội lân đánh trống vang xóm và nhà nào có treo thưởng thì đội lân sẽ đến múa chúc vui, tiền thưởng thường treo trên cao, có khi buộc trên cành tre cao, đội lân sẽ đôn người lên cho lân há miệng ngoạm lấy (có khi làm thang là một cột thép dựng đứng để lân leo). Thường phần thưởng càng lớn thì treo càng cao, đội lân càng có nghề càng thích phần thưởng treo cao, xem như một thách thức các đội lân khác, đồng thời qua đó chứng tỏ tài nghệ của đội để thu hút các gia chủ khác. Nhưng trong nhà có người già thì phần thưởng lại được treo thấp dù có giá trị cao, chắc tránh cho lân gặp phải nguy hiểm xem như gia chủ để phước. Ông địa phải vào nhà vái chào người già, gia chủ, sau đến giỡn chơi hoặc làm hề cho trẻ em vui, nếu gia chủ tỏ ý muốn mời thì đoàn lân sẽ vào, sau khi lân ngậm được tiền, lân gục gặc đầu cảm tạ thì ông địa lại vái chào cảm ơn gia chủ trước khi đoàn lân qua nhà khác. Có nhiều kiểu múa lân -"Ðộc chiếm ngao đầu" - Một con lân biểu diễn, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng. -"Song hỉ" - Hai con lân cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp. -"Tam Tinh" - Ba con lân hợp múa với ba màu vàng, đỏ, đen, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ. -"Tam Anh" - Ba con lân cùng múa, diễn tả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vừa hùng dũng, vừa có chí lớn, vừa thương yêu, gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt cho đến chết. -"Tứ Quý hưng long" - Bốn con lân cùng múa, gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen (hoặc xanh), tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc. |
|
|