Đầu năm tản mạn về các tục lệ nhân gian
Cứ mỗi độ xuân về, niềm hạnh phúc dường như tràn dâng trong lòng mọi người. Nhất là ngày cuối năm nhà nhà chuẩn bị cúng giao thừa. Người Phật tử thì đi chùa hái lộc xin sâm, cầu nguyện chư Phật, phù hộ năm mới an lành, vạn sự kiết tường. Dù ở bất cứ nơi đâu, ở hải ngoại hay trong nước, từ nhiều thế hệ. Người Phật tử Việt Nam đã duy trì truyền thống đi lễ chùa đêm giao thừa và tham dự những khoá lễ đầu năm để cầu nguyện cho mình, cho gia đình có một năm mới đầy hạnh phúc, an lành, giải trừ những phiền não. Với truyền thống lâu đời, người Việt đã không quên hái lộc đầu năm, họ đã lựa những cành cây tươi tốt, thậm trí gặp cây nào bứt cây đó, những cây mai, cây đào ở sân chùa đều bị tàn lụi vì cảnh hái lộc này. Riêng các chùa ở Mỹ, vì thiếu người chăm nom cây cảnh, do đó những cây cảnh trong khuôn viên chùa rất hiếm qúi. Mỗi độ xuân về gần ngày lễ cuối năm. Qúi Thầy Cô đã vội viết những tấm bảng dán chung quanh nơi có cây kiểng với hàng chữ :"Xin đừng bẻ cây cảnh". Và nhà chùa chuẩn bị sẵn những thùng đựng cam và quít để phát cho Phật tử thay thế những cành lộc. Rồi người Phật tử có sự mê tín, vì để chiều lòng Phật tử. Qúi Thầy Cô chuẩn bị một phòng thờ để Phật tử vào đó xin xâm. Nếu ai lắc ống xâm giỏi thì cây xâm rớt ra nhanh, ai mới lắc lần đầu thì quì lắc hoài mà sao lâu thế cây xâm vẫn không rơi ra, thôi thì ta rút đại một cây cho nhanh. Thế là có được một cây xâm, đi đến nơi để những câu giải thích về các thẻ xâm đó, dò theo số thứ tự để kiếm câu giải thích cho mình. Ai may mắn rút được số thẻ có câu giải thích "đại kiết" hay "thượng kiết" thì mặt mày tươi tỉnh, rạng rỡ, gặp người quen đều đem ra khoe, và thế là cả năm yên trí mình sẽ được "đại kiết" hay "thượng kiệt" mặc dù năm đó họ bị thôi là đủ thứ phiền não. Ai có thẻ xâm với chữ "hạ hạ" thì ôi thôi mặt mũi eo sèo, bụng dạ rầu rĩ. Họ đâu biết rằng phiền não tại tâm, các hành động thiện ác cũng do tâm tạo ra. Nếu ăn ở hiền lành thì điều xấu đâu đến với ta. |
Sau tục xin sâm hái lộc, kế đến là những lời chúc tụng nhau, mọi người ai cũng chuẩn bị sẵn những câu chúc tụng thật kêu, thật hay để người nghe sẽ hài lòng. Ở nước ngoài người Việt cũng không quên truyền thống chúc tết này. Các em nhỏ dù tiếng Việt không rành cũng ráng xin ba mẹ một câu chúc để học thuộc lòng rồi ngày tết đến các em có dịp dâng lên ba mẹ, ông bà, cô bác những lời chúc đẹp. Tất cả mọi người đều hy vọng với những lời chúc tết như "mua may bán đắt", "sức khỏe an khang" "thăng quan tiến chức" v.v... và v. v... sẽ đem lại cho họ trong một năm được như lời chúc đó. Đâu biết rằng những gì chúng ta đang hưởng là do nghiệp quả của những việc ta hành xử trong quá khứ. Người có cuộc sống hạnh phúc, khoẻ mạnh là do họ đã có những hành thiện trong quá khứ. Cũng vậy những người chịu cảnh khổ đau là do những hành vi bất thiện mà họ đã làm trong quá khứ. Do vậy nếu chúng ta đang hưởng phước báu, an vui, thì phải cố gắng tiếp tục, tu tâm, hành thiện, và tránh những hành vi hay ý nghĩ bất thiện để không bị cảnh khổ trong tương lai. Đức Phật trong kinh Pháp Cú - Kệ ngôn 1 - Phẩm Song Yếu đã dậy rằng: Ý dẫn đầu các pháp Ý chủ trì, tạo tác Nếu ngôn từ, hành động Với tâm ý nhiễm ác Khổ theo tựa bánh xe Đi sau dấu chân bò. Nói rõ hơn tất cả nghiệp do tâm khởi ý bất thiện hành tới thân hành động và đem đến quả xấu do hành vi bất thiện của thân mà tâm là ý dẫn đầu. Minh Hạnh
|
|