Bai viết bởi Jeff Eagar, Ohmy News International, Jan 18, 2005
Chánh Hạnh dịch thuật ngay 28 thang 8 nam 2007
Thời gian thấm thoát tên bay, bởi thế đừng phí thời gian vào những chuyện không đáng. Nên nhớ! Nên nhớ!-- Thiền Sư Daito, 1337
Kyoto, Japan_ Tôi là một cư dân Canada sống tại Tokyo, Nhật bản. Quả thật Tokyo là một đô thị lớn, quá tất bật, y như lời Ngài Daito đã nói, thời gian thoăn thoắt thoi đưa đến nổi mình không nhận biết được mình. Mới buổi sáng thứ hai, đi làm trên xe điện ngầm đông chật ních người, thoắt một cái đã đến tối thứ sáu và tôi lại ở trong Izakaya ( quán rượu Nhật Bản), uống rượu sake và thử nhớ lại một tuần đã qua đi. Đó là lý do tại sao khi tôi đọc những lời lẽ chí lý của thiền sư Daito tôi có đầy đủ nghị lực để thực hiện chuyến đi.
Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về thiền cũng như về thành phố cổ xưa Kyoto. Một thành phố có nền văn hoá và tín ngưỡng lâu đời, cái nôi của thiền Zen Nhật bản, và ngày nay các ngôi đền, các điện thờ và những khu vườn cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Những điều trên đã khiến tôi quyết định dễ dàng thực hiện một chuyến hành hương về Kyoto, bỏ lại sau lưng nhịp điệu hối hả ồn ào của Tokyo.
Trong thời gian tìm hiểu, tôi trải qua quá trình tu gieo duyên. Unsui có nghĩa là “ tu gieo duyên, tập làm một vị sư tu hạnh không dính mắc, tu hạnh như mây, như nước. Tôi quyết định dành toàn bộ tâm trí để trở thành một unsui. Thực hiện chuyến hành hương về Kyoto quả thật có nhiều lợi ích và phước báu. Tôi tính toán chi ly kỹ lưỡng để không làm hỏng năm ngày dường như sẽ trôi qua rất nhanh. Sau khi xin nghỉ phép tuần sau, tôi lấy vé xe và sẵn sàng khởi hành.
Theo dự tính, tôi sẽ đi từ đền thờ đến khu lăng mộ, từ phòng uống trà đến khu vườn, băng qua phía sau lối đi có trồng cây và những đồi thấp dưới chân núi, thưởng thức từng vẻ đẹp khung cảnh mùa thu ở Kyoto. Lẽ đương nhiên sẽ không có email, không có những cú điện thoại, không truyền hình, không mua sắm, không nhà hàng, không rượu, không chuyện xã hội. năm ngày buông bỏ tất cả những điều vô nghĩa, rốt ráo hướng đến bờ giác. Chương trình thật đơn giản ngẫu nhiên lại trùng hợp với các điều luật căn bản Phật giáo. Ngài Ikkyu Sojun (1481) một lần đã phát nguyện, “ Sự nhận biết mình, sự nhận biết vị ngọt của các sắc, đích thực là thiền” Đó là mục tiêu của tôi. Tôi biết rất rõ những căng thẳng của cuộc sống đô thị sẽ sẵn sàng chờ đón mình khi trở về.
Tôi đến Kyoto lúc 5:30 sáng, trời chưa sáng hẳn, lạnh giá. Tôi cảm thấy đói và bụng sôi kêu rột rột, tôi thầm nói. “ yên nào, sao đòi sớm vậy”
Tôi không mặc y nội và mang giày cỏ truyền thống như các vị xuất gia gieo duyên cũng như các vị Sư, hành trang gọn gàng mang trên vai của tôi chỉ là những thứ cần thiết. Khoảng 1,600 năm về trước, Tỷ Kheo Bodhidarma, vị thiền sư nổi tiếng đã nhập thiền suốt khoảng thời gian chín năm trong một hang đá. Tôi thấy mình quá nhỏ bé trước các vị Thánh Tăng, nhưng tôi hiểu rằng vạn sự đều khởi đầu từ bước căn bản.
Nhìn xung quanh, vừa quẩy hành lý lên vai, tôi để ý thấy một tờ giấy in chữ đậm dán trên cửa sổ một cửa hàng bán sách ở nhà ga, trích dẫn lời dạy của Giáo Sư Zeng, “ Mỗi ngày tôi quán sát hành động của mình trên ba khía cạnh: Liệu tôi đã không trung thực với mọi người chăng? Liệu tôi có đối xử một cách chân thành với bạn hữu chăng? Liệu tôi đã không làm đúng với những gì mình nói?” Lời trích dẫn đơn giản nhưng sâu sắc, và tôi biết rằng mình đã đến đúng nơi mình cần đến. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm, và dường như được tiếp thêm sức mạnh, như ánh bình minh hé rạng phía chân trời.
Quả thật Kyoto không như những gì tôi mong đợi. Ga tàu hoả cũng như bến xe là những liên hợp phức tạp. Mặt tiền nhà ga có những kết cấu dạng vòm toàn bằng kính và thép, qua đó thành phồ như tròn ra. Không có những mái nhà kiểu cổ bằng gỗ hoặc bằng gạch. Tuy vậy cái giá trị của vẻ đẹp qua bao thế hệ bao giờ cũng là những bài pháp thoại cao siêu mà chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi gật gù và lấy đó làm bài học đầu tiên trong cuộc hành hương. Bước khỏi lề đường, tôi đi vào thành phố bắt đầu cho việc tu tập.
Một tuần trôi qua chầm chậm. Tôi nhanh chóng hiểu được một điều rằng thời gian gần như có thể kéo dài khi bạn nổ lực sống trong hiện tại”.Thời gian và không gian không còn chống lại tôi nữa. Tôi thong thả bát bộ vòng quanh thành phố, tham quan các đền thờ và lăng mộ. Không như dự định, tuần này tôi tập trung sự chánh niệm về cái không có và cái có. Tất cả giác quan của tôi đều trở nên bén nhạy, tâm hồn cảm thấy an lạc, không hiểu sao tự nhiên tôi không còn tham muốn nữa.
Đêm đầu tiên tôi đến nhà khách cũ kỹ có trên trăm tuổi, từ thời đại Meiji. Nó dường như khuất vào một lối đi có cây, tách khỏi hẳn con đường chính. Tôi được cấp một tấm chăn và được chỉ thẳng đến tràng kỷ đặt trên sàn trong căn phòng lớn trải chiếu cói, màu hung hung. Một căn nhà cất theo kiểu truyền thống với tường giấy mỏng. tất cả sự ồn ào và cái giá lạnh bên ngoài phủ đầy căn phòng. Tôi đặt hành lý ít ỏi vài bộ quần áo và ngồi xếp bằng trên tràng kỷ đọc kinh Phật.
Tôi ở chung phòng với một vận động viên lướt ván đến từ California với cô bạn gái người Nhật của anh ta, một cặp đến từ Úc Châu, đôi bạn này đã phải ngủ trong xe một tuần lễ để tiết kiệm tiền, và một sinh viên Nhật Bản đến từ Yokohama tham dự buổi hội thảo về Phật Pháp. Họ đang uống bia trong bếp với một vài người nữa. Băng ngang qua con đường từ nhà khách nằm trên ngôi đền cổ Shinto, mái lá dầy được sơn phủ một màu đỏ cam. Kế bên là một gian hàng truyền thống bán những bức thư pháp và vật lưu niệm. Mặc dù ở tại nhà khách của một thành phố phát triển, tôi vẫn có cảm tưởng đây là chuyến hành hương đặc biệt. Tôi cuộn người dưới chăn trên tràng kỷ và đi vào giấc ngủ.
Sáng ngày hôm sau vào lúc 5:30 tôi thức giấc, bước khỏi nhà khách lúc trời hãy còn tối. Khi bình minh vừa ló dạng tôi cỡi chiếc xe đạp mướn đêm qua, bắt đầu ngày thứ hai của chuyến hành hương. Tôi chạy từ từ ra ngoại thành hướng thẳng đến ngôi đền Nanzen, thưởng thức sự tỉnh lặng tuyệt đối. Để tâm trí trống không, tôi hoàn toàn không suy nghỉ gì cả.
Một cổng chính hai tầng bằng gỗ, đồ sộ vững chải đón chào tôi, các đền thờ nối tiềp nhau chạy dài xuống tận chân đồi nhiều sắc màu mùa thu và nằm ẩn trong rừng cây rậm rạp.Trong màn sương ánh ban mai lấp lánh trên ngôi đền Tây Tạng. Suốt triều đại Edo, ngôi đền Nanzen được xây cất công phu với khá nhiều những phòng uống trà, phòng họp và đền thờ. Mỗi một phòng được bao quanh bởi khu vườn được cắt tỉa tuyệt hảo. Tổng thể ngôi đền đến nay vẫn bảo tồn được nét cổ xưa. Sau một tiếng đồng hồ đi lang thang, tôi ngồi xuống dưới cây thích Nhật Bản có màu đỏ huyết
Để tâm vắng lặng, không suy nghĩ điều gì không phải là điều dễ. Nó đòi hỏi ở sự kỷ luật tập luyện. Tâm bạn không ngừng nghỉ suy tư. Hầu hết đó là những cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương không cần thiết, không đáng được chú ý hoặc những tác nhân khác. Hãy tự mình rèn luyên thanh lọc tâm, không chú tâm đến chung quanh, đình chỉ những tư duy bất thiện, huyền hoặc, làm được điều đó cũng khó lắm. Nhưng cũng như mọi sự việc khác trong cuộc sống này, càng kiên trì thực tập bạn càng thấy tốt hơn và càng thấy dễ hơn. Khi bạn bất đầu làm quen dần với cái tâm trống rỗng, với cái tâm không suy nghĩ, với thiền vắng lặng, và có được một chút xíu kinh nghiệm bạn sẽ cảm thấy hoan hỷ hơn lúc trước nhiều.
Rời ngôi đền, tôi đến chỗ để xe đạp, nhưng chỉ nhìn thấy mỗi cái hàng rào. Tôi nhìn xuống nhìn lên vỉa hè, hoàn toàn trống trơn. Thất vọng. Một lát sau, biết mặt mình đang dần nóng lên vì tức giận và các cơ bắp co cứng lại, tôi liền cười lớn và thư giản.
Tôi nhớ lại những công án thiền định. Công án thiền định là một lý thuyết cao siêu được truyền bá bởi một thiền sư Trung Hoa, mục đích làm cho tâm an trụ lại, không cho tâm lang thang. Các thiền sinh hướng tâm và các cảm giác vào các công án. Theo dõi đề mục để tâm an trụ và đạt được trạng thái trống không. Đó là những bài thực tập có giá trị giúp thiền sinh tu tập tiến tới thành tựu đạo quả
Đứng tại chỗ đó tôi nhẩm lại công án đầu tiên của mình, điều khó hiểu khiến tôi phải trầm tư trong suốt những ngày lang thang của mình; “ đôi bàn chân hay bánh xe đạp, cái nào sẽ đào luyện tinh thần tốt hơn. Thực ra chiếc xe đạp hay đôi bàn chân của mình đều là những cái tưởng của tôi mà thôi.”
Không còn xe đạp cũng như không hy vọng gì lấy lại tiền đặt cọc, tôi thầm nhủ đừng nhớ gì đến đống sắt đó nữa và hãy lạc quan tiếp bước. Như trong kinh Phật có nói, “ Khi gặp nghịch cảnh, đừng buồn, bởi vì nó không thật có. Buồn phiền cũng như hạnh phúc đếu là những trạng thái rỗng không” Tôi đã vượt qua bài học đầu tiên của mình.
Bài học thứ hai đến chậm hơn vào một buổi trưa tại khu đền Ryoan, và cũng được thông qua một cách yên ổn như bài học đầu tiên. Ngôi đền Ryoan là một huyền thoại về vườn đá, nổi tiếng nhất thế giới về chủng loại này. Thành lập vào thế kỷ thứ 15, vườn được tạo rất dễ dàng chỉ cần sắp xếp mười lăm hòn đá một cách rời rạc tản mạn trong một bàn cào bài hình chữ nhật rải sỏi trắng bằng phẳng. Người thiết kế khu vườn ẩn danh và ý nghĩa của nó cũng không được biết đến. Các nhà nghiên cứu cho rằng những hòn đá lấy từ đỉnh của một ngọn núi cao chót vót trên mây. Người khác cho rằng những hòn đá lấy từ hòn đảo bồng bềnh trôi trên biển, người khác cho rằng bố cục trính bày của người Nhật nói lên bản chất “cuộc sống”
Tôi ngồi trên khu vực dành để thưởng ngoạn khu vườn với vài du khách trong vườn đá. Người đến rồi đi. Tôi cứ ngồi nhìn chằm chằm vào hòn đá và mọi vật chung quanh tôi dường như biến mất. Ngồi với tâm trống không như vậy, đột nhiên tôi đạt được tuệ giác thứ nhì. Không có! Những hòn đá và khu vườn có ý nghĩa “không có”. Không có nghĩa gì cả. Như thuyết nhà Phật đã nêu lên, mọi vật đến từ cái không có và đi đến chỗ không có, và đời sống là những cái không có thật, vườn đá không có thật, ngôi đền Ryoan không có thật, không gì là có thật ngay cả “ ta”. Đó là công án, một công án được viết bằng đá và sỏi không viết bằng lời.
Nhật Bản nổi tiếng đông dân và đi đến bất cứ chỗ nào bạn cũng đều bị đám đông vây quanh. Kyoto vào thu cũng đồng nghĩa với đông đúc. Trong tuần lễ đó, đi đâu phía sau tôi là hàng dãy người. Chính trong cái phiền toái đó, vào ngày thứ ba trong chuyến hành hương tôi vượt qua được bài học thứ ba của mình. Vị Thầy của thiền sư Hakuin một lần bảo với Ngài, “ Nếu ông có thể để tâm mình thích ứng với đường phố đông đúc, giữa cái chết và nguyên nhân gây ra cái chết, và giữa một nhà hát lấp đầy âm thanh và sự tàn phá, chỉ khi đó, ông mới thực sự là một thiền sinh.
Đi lang thang xuyên những khu đền đài của ngôi đền Kikantu, Một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nhật Bản, ngôi đền bằng vàng thật lộng lẫy. Tôi sững sờ đứng giữa đường nhìn chằm chập về phía trước như một kẻ vô hồn. Tôi vẫn liên tục tập trung vào cái không. Ý thức rằng đám đông đi chung quanh mình, tôi bắt đầu bước đi, hoà mình vào dòng người tiến về phía ngôi đền.
Lúc đó, cuối cùng tôi thấu tỏ được cái gọi là bài thực hành truyền thống mà mình đã từng đọc trong quyển “ thiền trong công việc” Quý sư đã không ngừng thuyết giảng về điều này, các Ngài tinh tấn thực hành trên tất cả công việc từ những việc căn bản nhất như quét lá, đánh bóng sàn, chẻ củi và ngay cả việc đơn giản như khi đi bộ. Tôi nhớ lại lời của thiền sư Hakuin Ekaku(1768) “ Thiền trong công việc tốt hơn hàng tỷ lần so với thiền trong sự tỉnh lặng”
Một tuần lễ thật không dễ dàng đối với tôi. Tôi đã phải nổ lực đánh bại các hương thơm hấp dẫn phát ra từ một cửa hàng bán mì, và trong tầm mắt hướng về cửa sổ một cửa hàng, những miếng sushi đỏ tươi luôn vẫy gọi, tâm trí tôi lang thang đến những bữa ăn tối thịnh soạn.
Một lần Ngài Sojun Ikkyu đã nói, “Đức Phật là đấng chỉ đường chứ không là đấng sáng tạo” Điều đó không có nghĩa là tôi muốn trở thành Phật, nhưng hơn thế nữa tôi muốn phá vỡ đi thuyết duy vật, phá vỡ cái mặt nạ dối trá mà chúng ta mang cho chính mình trong thời đại này. Những bậc thiền sư tiền bối Như Ngài Ikkyu, những nhà hiền triết Ấn Độ như Rama Krishna, những nhà thơ trứ danh như Keats và những nhà văn lỗi lạc như Emerson đều có cái nhìn xoáy vào bản chất của cuộc sống. Họ nhận diện vẻ đẹp và cái vô cùng tận của Sự thật, hiểu rõ cái giá trị của sự đơn giản, thực hành tính hồn nhiên của trẻ nhỏ, kham nhẫn và chân thật, Tôi không có dự định trở thành Phật, trở thành một giáo chủ hoặc thậm chí trở thành một vị sư tại Kyoto, nhưng “ Trí tuệ mà tôi đạt được khi hành thiền giữa cái thế giới đầy tham dục. Một chút sức mạnh, một chút từ tâm, một chút dấu hiệu của trí tuệ, đó là những gì tôi mong mỏi đạt được và tôi đã đạt được. Tôi đã nếm được hương vị những điều đó.
Đón chuyến xe đêm trở về Tokyo, trở về với thành phố đông dân ngột ngạt, đầy ắp ánh đèn neon lung linh, những túi xách hiệu Louis Vutton, những kiểu tóc ngông cuồng, không biết làm sao tôi cảm thấy mình hưng phấn hơn trước. Tôi chuẩn bị tâm lý trở về đô thị lớn với những những căng thẳng của cuộc sống đô hội đang sẵn sàng chờ đón tôi. Tôi tự thề với bản thân rằng sẽ gắng nhớ những điều đã học được ở Kyoto và đó là những điều quan trọng nhất đời tôi. Trong khi Kyoto dần dần khuất xa tầm mắt tôi ngồi hồi tưởng lại một bài thơ về cái chết của Ikkyu Sojun, cũng là chủ trương của tôi trong năm ngày ở Kyoto, là mục đích của cuộc hành hương.
Tôi không chết,
Tôi không đi bất cứ đâu,
Nhưng tôi cũng không ở đây.
Xin đừng hỏi tôi điều gì—
Vì tôi sẽ câm lặng.
|