TT Giác Đẳng Bài thuyết pháp giảng trong khóa tu học nhân mùa Khánh Đản, ngày 18 tháng 04 năm 2009 tại chùa Pháp Luân (Chân thành cảm ơn chị Mai Đào đã gửi cho phần pháp âm buổi giảng và các hình ảnh của lớp tu học) Đạo từ của TT Giác Đẳng
Chuyển
thành văn bản: Minh Hạnh
Trong mùa Khánh Đản này, trước những xáo trộn về kinh tế cũng như xã hội tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã đặc biệt lựa chọn chủ đề "Đức Phật, Phật lực, và sự an bình nội tại." Ở đây có Chư Tăng và qúi Phật tử, hàng xuất gia và tại gia, tất cả chúng ta đều đối diện chung một điều là trước những đau khổ và xáo trộn của đời sống, một câu hỏi được đặt ra rất cụ thể là khi đối diện với những khó khăn như vậy thì chúng ta, người con Phật mình có được cái gì, và lấy cái gì để gìn giữ sự an lạc cho bản thân của mình? Tu tập là một kinh nghiệm, nói đến sự tu tập thì chúng ta phải nói một điều là kinh nghiệm của mỗi cá nhân điều hết sức quan trọng. Do vậy trong khóa tu học này chúng ta đặc biệt có sự hiện diện của HT Thích Trí Minh, Ngài là Phương Trượng các ngôi chùa ở NaUy, cũng là Tổng Ủy Viên Đặc Trách Âu Châu của văn phòng hai Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thật ra Ngài sang đây có một số Phật sự nhưng vì lòng lân mẫn, nên chúng tôi thỉnh Ngài hoan hỉ hiện diện chứng minh và giảng dạy trong khóa tu học này, Ngài đã hứa khả. Điều này rất quan trọng với tất cả chúng ta, là những người con Phật cho dù ở tuổi tác nào, cho dù xuất gia hay tại gia, và cho dù thuộc tông phái nào đi nữa thì mỗi chúng ta đều có những vốn liếng về tinh thần. Và nếu như những vốn liếng này được chia sẻ, được trao gởi, được thảo luận thì mang lại sự lợi lạc rất nhiều. Chúng tôi quen biết HT cũng lâu và một trong những điều chúng tin rằng qúi vị Phật tử trong khóa tu học sẽ nhận thấy được đó là một nội tâm an lạc, hoan hỉ của HT. Không phải là Ngài không có những khó khăn ở trong đời sống như tất cả chúng ta. Mỗi chúng ta đều ít nhiều đối diện với những vấn đề của cuộc sống, dù ở trong lãnh vực nào, ở trong cảnh giới nào, nhưng quan trọng là chúng ta gìn giữ được nụ cười, được sự an lạc. Hôm nay, trong khóa tu học mùa Khánh Đản, chúng tôi đặc biệt nói đến Phật lực và sự an bình nội tại. Chúng ta là người con Phật thử đặt ra một vấn đề là đối diện với khổ đau thì chúng ta tận dụng và vận dụng được gì từ hình ảnh của Đức Phật, lời dạy của Đức Phật, năng lực của Đức Phật cho sự an bình nội tâm của mình. Trước nhất chúng tôi xin được giới thiệu về nội dung của khóa tu học này, sau đó chúng tôi thông qua chương trình, sau khi chúng tôi giới thiệu chương trình chúng ta sẽ được nghe đạo từ của HT. Ở đây có năm năng lực, Đức Phật gọi là năm tiềm lực căn bản nội tại của bất cứ một người nào trên con đường tu tập. Năm nguồn năng lực đó là: năng lực của đức tin, năng lực của nghị lực, năng lực của sự tỉnh thức, năng lực của sự tập trung, và năng lực của sự mẫn tiệp. Chúng ta gọi là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực. Dĩ nhiên là mỗi người trong chúng ta đều hoặc ít hoặc nhiều có năm thứ năng lực này, nhưng có người nặng về một thứ gì đó. Ví dụ như, có những Phật tử rất chuyên về niềm tin, niềm tin làm cho qúi vị cảm thấy an lạc, niềm tin làm cho qúi vị cảm thấy vững lòng. Giả xử như một người thường thắp nhang lễ Phật, niệm Phật, thì khi gặp những tai biến ở trong gia đình, khi gặp những xáo trộn của xã hội, chỉ cần thắp một nén nhang, chỉ cần nghĩ đến hình ảnh của Đức Phật, chỉ cần một chuyến đi hành hương thì người đó có thể làm trổi dậy năng lực mạnh mẽ trong lòng của mình, và năng lực này khiến cho người này có thể đối diện và vượt qua những khó khăn, chúng ta gọi là năng lực của đức tin. Và dĩ nhiên căn tính của chúng ta có những người thật sự là nghiêng nặng về đức tin. Có những người họ rất nặng về sự tinh tấn và nỗ lực. Chúng tôi lấy một ví dụ, là ở trong chùa chúng tôi gặp rất nhiều Phật tử, khi đi chùa thì rất thường làm công quả, siêng năng làm công quả, dù sáng, dù tối, dù nắng, dù mưa, hễ có làm là có thể hiện được sự cố gắng của mình, thì những vị này có được sự an lạc, chính sự nỗ lực làm cho chúng ta thấy rằng cuộc sống vốn cho chúng ta cơ hội để đóng góp, để phục sự, và để phát huy sức mạnh của nghị lực. Do vậy có những người rất nặng về điều mà Đức Phật gọi là tấn lực, tức là sức mạnh của sự tinh tấn. Một thứ năng lực khác Đức Phật cũng dạy đó là sức mạnh của niệm, chữ niệm ở đây không phải là chúng ta đọc lập đi lập lại một danh hiệu, mà chữ niệm ở đây được hiểu là khả năng tỉnh táo, khả năng tỉnh thức, thấy biết rõ, ghi nhận rõ những gì đang xảy ra đối với thân, đối với tâm của mình. Người có chánh niệm đầy đủ, có niệm lực đầy đủ thì người này không để cho mình đi quá đà, cái gì cũng vừa chừng. Chúng tôi lấy một ví dụ, ở trong một căn nhà hay một cơ sở, sở dĩ chúng ta duy trì được là tại vì chúng ta có để mắt biết về một cái gì đang xảy ra. Ở đây chúng ta hiểu rằng một căn nhà, sáu, bảy tháng trời không ai ngó ngàng tới thì nó sẽ rơi vào tình trạng hoang phế có nhiều cái hư hỏng. Chuyện chúng ta để mắt, để biết, để thấy, để ghi nhận những gì đã xảy ra - đạo Phật gọi đó là niệm lực, sự tỉnh thức. Hay hoặc giả là chúng tôi có đưa ra nhiều lần, thí dụ một người lái xe trên đường, người đó hoàn toàn biết rõ vị trí của mình, những gì ở chung quanh mình, xe nào gần, xe nào xa - sự tỉnh táo đó chúng ta gọi là niệm lực. Thì có những người từ sự tỉnh thức mà giúp cho mình không bị rơi vào những cảm xúc quá độ - chúng ta gọi là sức mạnh của niệm lực. Có một khả năng khác là sức mạnh của định lực. Nói một cách nôm na theo danh từ thường là sức mạnh của cái khả năng bám trụ. Bám trụ có nghĩa là chúng ta không để bị chi phối, không để bị trôi dạt. Ngay cả một tài công đang lái tàu ở trên một hải trình nhất định thì vị đó phải luôn luôn vững tay lái để làm sao hướng đi của mình không bị lệch lạc, nhắm vào một hướng và tiếp tục theo hướng đó, hướng đó không bị gió, không bị nước, không bị thủy lưu, làm trôi dạt đi. Cái khả năng không để bị trôi dạt không để bị trao đảo chúng ta gọi là khả năng tập trú. Khả năng tập trú trong đạo Phật gọi là định lực. Chúng ta sẽ có dịp bàn về điểm này. Một nội lực sau cùng trong ngũ lực chúng ta gọi là huệ lực, tức là mẫn lực của trí tuệ. Ông bà chúng ta thường có câu nói rằng; có nhiều vấn đề xem ra bế tắc, nhưng nếu mình nghĩ thông suốt thì mọi việc sẽ khác đi. Khả năng nghĩ thông suốt, có nhân có quả. Khả năng nghĩ thông suốt mà biết, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, đó là khả năng của trí tuệ. Ở đâu có ánh sáng của trí tuệ thì bóng tối sua tan, ánh sáng của trí tuệ mang lại cho chúng ta rất nhiều thứ. Thì năm năng lực này là năng lực của tín, tấn, niệm, định, huệ, làm sao để phát huy? Chúng ta có nghe có biết, nhưng mà làm sao để phát huy? Đó là nội dung của lớp học này. Trong chương trình của khoá tu học này, mỗi một thời khoá chúng ta có hai phần: pháp thoại và thiền tập. Hai phần này đi song song với nhau. Chúng tôi lấy ví dụ như; chúng ta sẽ có một pháp thoại về Phật Lực và Huệ Lực. Tức là làm sao từ nguồn tuệ giác uy lực của Đức Phật mà chúng ta phát huy được tuệ giác trong lòng mình, đó là nội dung của pháp thoại. Nhưng bên cạnh pháp thoại đó thì chúng ta sẽ có một phần thiền tập về lý duyên khởi. Lý duyên khởi là một cảnh giới phát huy cao điểm về tuệ giác của Đức Phật, thì riêng chúng ta làm sao y cứ trên lý duyên khởi và phát huy được tuệ giác ở trong lòng của chính mình. Hay hoặc giả là chúng ta sẽ có một pháp thoại về năng lực của sự tinh tấn và chúng ta sẽ thiền tập về sự chết, một đề mục ít khi chúng ta dám nghĩ tới, nhưng đề mục đó sẽ cho chúng ta một sự tinh tấn dõng mãnh mà chúng ta không ngờ được. Như vậy thì ở trong trọn chương trình tu tập này, chúng ta có năm thời khóa, và mỗi một thời khoá đặc biệt tập trú vào một năng lực nội tại, và làm thế nào mà chúng ta qua năng lực của Đức Phật phát huy được năng lực nội tại của chính mình. Chúng ta có hai chương trình gồm pháp thoại và thiền tập, chúng ta có thể thực tập về hơi thở, thực tập về niệm chết, thực tập về niệm hơi thở hay là quán lý duyên khởi. Mỗi thứ đó đều cho chúng ta một kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống này. Chúng tôi không chú trọng nhiều về những hình thức ở bên ngoài, và chúng tôi rất mong mỏi là sau hai ngày tu tập tại chùa, tất cả mỗi chúng ta những người con Phật đang quay quần ở trước Phật đài dưới chân Đức Phật, có thể chia hưởng được gia tài vô giá mà Đức Phật để lại cho chúng ta, bên cạnh đó chúng ta có đủ sự cở mở, đủ sự hoan hỉ, đủ sự thẳng thắn để thảo luận những vấn đề cần thảo luận. Đúng ra thì chúng tôi xin thưa với qúi vị rằng không phải có nhiều trường hợp mà qúi Phật tử đi chùa có điều kiện để thảo luận điều gì qúi vị muốn thảo luận, nhưng nếu qúi vị đến tham dự một khoá tu học mà quí vị nghĩ rằng muốn có điều kiện để hỏi và để thảo luận về những gì mà qúi vị muốn, thì sự hiện diện của HT và Chư Tăng ở chùa đó là cơ hội qúi báu. Chư Tăng thì có những vị hoan hỉ với thảo luận, có những vị không hoan hỉ với thảo luận, nhưng chúng tôi có thể cam đoan với qúi vị rằng HT là một người rất cởi mở, rất hoan hỉ và sẵn lòng để chia sẻ và trao đổi đến qúi vị, và cá nhân chúng tôi thì thật sự rất hoan hỉ điều đó. Do vậy chúng ta hãy tu tập trong tinh thần những người con Phật. Đã có rất nhiều lần chúng ta đi chùa chộn rộn với những hình thức bên ngoài, có rất nhiều lần chúng ta đi chùa nặng lòng đối với những xã giao, với những giao thiệp. Nhưng ngày hôm nay chúng ta đi chùa có thể bên ngoài là một ngày mưa và chúng ta ngồi trong chánh điện này, thế giới ở bên ngoài dường như không chi phối được chúng ta, chúng ta ở đây là một cảnh giới có thể tự tại, có thể suy tư, có thể học, có thể tu theo những gì mà mình nghĩ rằng thích hợp. Hai ngày chúng ta có ở tại đây sẽ có một thử thách rất lớn, là sau hai ngày đó liệu chúng ta có thể tìm thấy rằng ở Đức Phật, ở gia tài vô giá Ngài để lại cho chúng ta, mỗi chúng ta là những người con của Ngài có thể hưởng, có thể thừa tiếp được gì hay chúng ta chỉ đứng xa dõi mắt nhìn thôi. Về điểm này thật sự đó là kinh nghiệm rất qúi báu. Do vậy qúi vị đã về chùa và đặc biệt ở trong một ngày mà thời tiết ở bên ngoài xấu như vậy, nhưng chúng tôi tin rằng điều đó cũng là một biểu tượng thế giới mà chúng ta đang sống có đầy những bi kịch, những điều phiền muộn, phiền muộn như một ngày trời mưa, nhưng chúng ta làm sao để trong lòng của chúng ta được sáng, được ấm, được thoáng giống như ngôi chánh điện mà chúng ta đang ngồi tại đây. Cái đó là cái khéo của mỗi người, đó là thiện xảo của mỗi chúng ta, đó là nội lực của mỗi người Phật tử tu tập. Chúng tôi xin nhắc lại nội dung của chương trình tu học kỳ này là chúng ta sẽ nhắc lại hình ảnh của Đức Phật, lời dạy của Đức Phật, làm sao để phát huy năm nguồn năng lực nội tại của chúng ta. Chúng ta sẽ cảm nhận hình ảnh của Đức Phật qua niềm tin, chúng ta sẽ cảm nhận hình ảnh của Đức Phật qua sự tinh tấn, qua chánh niệm, qua định và qua tuệ. Mỗi một pháp thoại như vậy chúng ta có một chương trình thiền tập đi kèm, và chúng tôi sẽ dành cho qúi vị khoảng 30 phút cho những câu hỏi những thắc mắc mà qúi vị muốn có đối với chư tăng. Một lần nữa chúng tôi xin thưa với qúi vị, nếu qúi vị có những điều bất an trong cuộc sống, có những điều phiền não mà qúi vị cố gắng quên đi, thì đời sống tu tập trong một khoá tu như vậy là cơ hội rất tốt, và chúng tôi cũng không biết rằng có một cơ hội nào tốt hơn mà chúng tôi có thể gửi đến qúi vị khi tổ chức một lớp tu có sự hiện diện của HT từ NaUy qua, chúng tôi xem đó là một nhân duyên rất thù thắng. Trong những thời khóa tu tập này chúng ta có pháp thoại, chúng ta có phần thiền tập và phần thảo luận, và HT cũng như chúng tôi sẽ luân phiên để có mặt ở trong tất cả những thời khóa cho tất cả qúi vị. Đó là nội dung của chương trình chúng ta. |