Giới thiệu
Kinh Kâlâma thuộc Tăng Chi
Bộ (Anguttara Nikâya, tập I, trang 188-193). Nội dung Kinh nói lên tinh
thần giác ngộ của đạo Phật. Muốn giác ngộ phải có trí tuệ. Trí tuệ là
thành quả của sự nghe học (Văn) suy nghĩ (Tư) và thực nghiệm (Tu). Vì thế,
nếu nghe lầm và tin mê thì rất có hại. Trái lại, tiếp nhận ý kiến người
khác một cách khách quan, quan sát sự vật một cách như thật là điều kiện
cần thiết để phát triển trí tuệ.
Ngoài ra phải biết lựa
chọn, nghĩa là biết từ bỏ và chấp nhận. Từ bỏ những điều bất thiện gây ra
đau khổ vì chúng phát xuất từ động cơ tham sân si và thể hiện qua những
hành động ngôn ngữ tổn hại như giết người, trộm cướp, tà hạnh, dối trá, và
say sưa. Chấp nhận và thực hiện những điều thiện mang đến hạnh phúc vì
chúng phát xuất từ động cơ không tham, không sân, không si và thể hiện qua
những hành động ngôn ngữ ích lợi như tôn trọng sự sống, tài sản, hạnh phúc
gia đình, sự thật và giữ gìn tâm trí sáng suốt. Ðối với mọi người mọi vật
thì nên sống đẹp rộng và theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả.
Như vậy, Kinh Kâlâma là
kinh nêu cao tinh thần không mê tín, cuồng tín, giáo điều, mà sáng suốt
chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho
người.
Chánh Kinh:
Tôi nghe như vầy:
Một thời Thế Tôn, trong
lúc du hành trong xứ Kosala với đại chúng Tỳ Kheo, đi vào một thành phố
của những người Kâlâma tên là Kesaputta.
Những người Kâlâma thăm
hỏi Phật
Những người Kâlâma ở
Kesaputta nghe rằng sa môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ giòng họ Thích
Ca (Sâkya) đã đến Kesaputta. Tiếng tốt về Thế Tôn Gotama được truyền đi
như vầy: "Thế Tôn thật là bậc A-la-hán, Chánh biến tri, Minh hạnh túc,
Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhân sư,
Phật, Thế tôn (1). Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một vị A la hán
như vậy".
Rồi những người Kâlâma đi
đến nơi Thế Tôn. Khi đến nơi, có người kính lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên;
có người nói với Thế Tôn những lời chào hỏi, và sau khi chào hỏi thân hữu
rồi ngồi một bên; có người chắp tay vái chào rồi ngồi một bên; có người
xưng tên họ rồi ngồi một bên; có người im lặng ngồi một bên. Sau khi ngồi
xuống, những người Kâlâma ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có một số
Sa môn, Bà la môn đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của
mình mà bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Và
bạch Thế Tôn, có một số Sa môn, Bà la môn cũng đến Kesaputta, họ thuyết
minh, phát huy giáo lý của mình mà bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên
tạc giáo lý người khác. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có điều nghi
ngờ, phân vân: "Trong những Sa môn này, ai nói thật, ai nói dối?"
Ðiều nên từ bỏ
- Này các người Kâlâma,
đương nhiên phải nghi ngờ, đương nhiên phải phân vân. Ðối với điều đang
nghi ngờ thì phân vân khởi lên.
Này các người Kâlâma, đừng
tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn,
đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công
thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm
sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn
(2) là thầy mình.
Nhưng này các người Kâlâma,
khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là
đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực
hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau; thời này các người Kâlâma,
các người hãy từ bỏ chúng đi.
Tham sân si
- Này các người Kâlâma,
các người nghĩ thế nào: khi tham sân si (*) khởi lên trong lòng người nào
thì hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Bạch Thế Tôn, bất hạnh.
- Này các người Kâlâma,
người tham lam sân hận si mê (*), tâm bị tham sân si chinh phục, chiếm cứ,
giết sinh vật, lấy của không cho, đi lại với vợ người, nói dối, khuyên bảo
người khác cũng làm như vậy - có bị bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Bạch Thế Tôn, có.
- Này các người Kâlâma,
các người nghĩ thế nào: các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Bạch Thế Tôn, bất thiện.
- Ðáng chê hay không đáng
chê?
- Bạch Thế Tôn, đáng chê.
- Bị người trí chỉ trích
hay được người trí khen ngợi?
- Bạch Thế Tôn, bị người
trí chỉ trích.
- Nếu được thực hiện, chấp
nhận thì có dẫn đến bất hạnh đau khổ hay là như thế nào?
- Bạch Thế tôn, được thực
hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh đau khổ. Sự thật là như vậy.
- Như vậy, này các người
Kâlâma, điều ta vừa nói với các người: các người Kâlâma, các người đừng
tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn,
đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công
thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm
sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn
là thầy mình. Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ:
Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người
trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất
hạnh, khổ đau, thời này các người Kâlâma, các người hãy từ bỏ chúng đi.
Ðiều đã được nói như thế là do nhân duyên như thế.
Ðiều nên chấp nhận
- Này các người Kâlâma,
đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin
đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì
công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có
thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì
Sa môn là thầy mình.
Nhưng này các người Kâlâma,
khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện,các pháp này là không
đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực
hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kâlâma,
các người hãy đạt đến và an trú.
Không tham sân si
- Này các người Kâlâma,
các người nghĩ thế nào: khi không tham không sân không si khởi lên trong
lòng người nào thì hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Bạch Thế Tôn, hạnh phúc.
- Này các người Kâlâma,
người không tham không sân không si, tâm không bị tham sân si chinh phục,
chiếm cứ, không giết sinh vật, không lấy của không cho, không đi lại với
vợ người, không nói dối, không khuyên bảo người khác cũng làm như vậy có
được hạnh phúc an vui lâu dài hay không?
- Bạch Thế Tôn, có.
- Này các người Kâlâma,
các người nghĩ thế nào: các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Bạch Thế Tôn, thiện.
- Ðáng chê hay không đáng
chê?
- Bạch Thế Tôn, không đáng
chê.
- Bị người trí chỉ trích
hay được người trí khen ngợi?
- Bạch Thế Tôn, được người
trí khen ngợi.
- Nếu được thực hiện, chấp
nhận thì có dẫn đến hạnh phúc an vui hay là như thế nào?
- Bạch Thế tôn, nếu được
thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui. Sự thật là như vậy.
- Như vậy, này các người
Kâlâma, điều ta vừa nói với các người: các người Kâlâma, các người đừng
tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn,
đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công
thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và
chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là
thầy mình. Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ: Các
pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người
trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh
phúc an vui, thời các người Kâlâma, các người hãy đạt đến và an trú. Ðiều
đã được nói như thế là do nhân duyên như thế.
Từ bi hỷ xả
- Này các người Kâlâma, vị
Thánh Thanh văn nào ly tham sân si, giác tỉnh, chánh niệm, với tâm Từ Bi
Hỷ Xả (3) tỏa khắp một phương và an trú. Cũng như vậy phương thứ hai,
phương thứ ba và phương thứ tư. Cũng như vậy tỏa khắp vũ trụ bên trên,
phía dưới, bề ngang, mọi hướng, mọi nơi; vị ấy an trú với tâm Từ Bi Hỷ Xả
(4) rộng rãi, to lớn, không giới hạn, hết sạch giận dữ.
Bốn điều an ổn
- Các người Kâlâma, vị
Thánh Thanh văn với tâm không giận không hại không ô nhiễm, thanh tịnh như
vậy thì ngay ở đây và bây giờ vị ấy đạt được bốn điều an ổn:
1. Nếu có đời sau, có
quả báo của các nghiệp thiện ác thì sau thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh
vào thế giới an vui sung sướng. Ðây là điều vui thứ nhất có thể đạt được.
2. Nếu không có đời sau,
không có quả báo của các nghiệp thiện ác thì ngay ở đây và bây giờ, ta
sống tự tại, không giận, không hại, an tịnh, vui vẻ. Ðây là điều vui thứ
hai có thể đạt được.
3. Nếu lỡ làm điều ác
nhưng ta không có ác tâm với một ai thì làm sao ta có thể chịu đau khổ
vì nghiệp ác? Ðây là điều vui thứ ba có thể đạt được.
4. Nếu không làm điều ác
thì như vậy ta tự thấy thanh tịnh cả hai phương diện, vô ý và cố ý. Ðây
là điều vui thứ tư có thể đạt được.
Này các người Kâlâma, vị
Thánh Thanh văn, với tâm không giận, không hại, không ô nhiễm, thanh
tịnh như vậy thì ngay ở đây và bây giờ vị ấy đạt được bốn điều an ổn này.
- Ðúng như thế, bạch Thế
Tôn. Ðúng như thế, bạch Thiện Thệ.(*)
Bạch Thế tôn, thật là vi
diệu ! Bạch Thế tôn, chúng con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng
Tỳ Kheo. Bạch Thế tôn, mong Thế Tôn nhận chúng con làm đệ tử tại gia; từ
nay cho đến khi chết, chúng con xin trọn đời quy y.
Chú thích sơ lược
* Những dấu này chỉ cho
những đoạn ghép chung hay bỏ bớt để bản dịch không bị lặp đi lặp lại.
(1). Mười hiệu này nói lên
những đức tính của Phật.
A la hán: bậc đáng kính.
Chánh biến tri: bậc hiểu biết đúng đắn và cùng khắp.
Minh hạnh túc: bậc đầy đủ tri thức.
Thiện thệ: sống trong đời một cách khéo léo.
Thế gian giải: bậc hiểu cuộc đời.
Vô thượng sĩ: bậc cao cả không ai bằng.
Ðiều ngự trượng phu: bậc dìu dắt người cao thượng.
Thiên nhân sư: thầy của người và trời.
Phật: bậc giác ngộ hoàn toàn.
Thế tôn: bậc mà người tôn kính.
(2). Sa môn là tên chung
chỉ những người tu hành của các đạo giáo lúc bấy giờ kể cả đạo Phật.
(3). Từ: thương yêu, tình
bạn; Bi: giúp đỡ, làm cho người khác bớt khổ, hết khổ; Hỷ: vui mừng đối
với thành tựu của kẻ khác; Xả: không cố chấp, tự tại.
(4). Có lẽ trong bản Pâli
của Pâli Text Society in thiếu ba tâm: Từ, bi và hỷ. Vì thế bản dịch này
thêm vào.