HÂN HOAN ÐÓN CHÀO CHƯ TÔN ÐỨC VÀ QUÝ PHẬT TỬ

   

Câu Kệ Ngôn 259 - Kinh Pháp Cú, ngày 22 tháng 10, 2003

Kệ ngôn 259 Phẩm Pháp Trụ - Dhammatthavagga - Giáo Pháp Cần Thực Chứng

Bản Việt dịch của TT Trí Siêu

Không phải do nói nhiều

Mà thành bậc trì pháp

Người tuy nghe học ít

Nhưng tự thân thấy pháp

Hành pháp, không buông lung

Ấy là bậc trì pháp

TT Giác Ðẳng giảng : Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Chư Tôn Ðức, và thưa quí Phật tử. Hôm nay chúng ta có một bài kệ, có thể nói rằng bài kệ này ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm về giáo dục trong Ðạo Phật, ngày hôm nay quan niệm về giáo dục người ta thường nói nhiều về sự thu thập kiến thức, càng nhiều càng rộng thì điều đó nói lên cái kiến văn quảng bác và có giá trị đặc biệt. Chính vì vậy nền tân giáo dục đã nhấn mạnh rất nhiều về những bằng cấp học vị, được xem như những thành tụ để đo đạt thế nào là một người có kiến thức rộng rãi hay là kiến thức hẹp hòi. Tuy nhiên đối với Ðạo Phật chúng ta lại được biết rằng trong quan niệm về giáo dục Đạo Phật theo một quan niệm hoàn toàn mới, và chính quan niệm này cũng đã là những nét chấm phá rất lớn của Thiền học khi đem đối chiếu với nền Phật học truyền thống của Phật Giáo Bắc truyền.

Thưa quí vị, khi nói đến ý nghĩa của bài kệ này, chúng ta có thể tóm tắc như vầy : có những vị học kinh điển rất nhiều, nhưng mà sự học nhiều và hiểu về kinh điển này, quả thật nói chỉ hiểu về sơ lượt, chỉ cho đến khi nào người ta thật sự nếm được hương vị của giáo pháp, thật sự thiết lập đời sống của mình ở trên giáo pháp và điều này không nhất thiết phải là một vị học nhiều hiểu rộng, mà chỉ người thật tu thật chứng, và thật sự làm những gì mình tin tưởng thì điều đó mới mang một giá trị thật sự.

Nên trong truyền thống của Ðạo Phật, mặc dù chúng ta có những học vấn truyền thống mang tính cách trường lớp, ví dụ như những lớp học ở tại Thái Lan về Phạn ngữ, về Pháp và Luật, hay những trường học ở tại Tây Tạng, chúng ta có chương trình 17 năm tại Garden Shatse, hoặc giả chúng ta có nhiều trường Phật học được tổ chức khắp nơi trên thế giới, trong đó phải kể rằng Nhật Bản và Nam Hàn ngày nay có một số lượng lớn các trường đại học Phật Giáo. Nhưng những trường đại học này không nói được giá trị về sự tu tập và chứng đắc của Ðạo Phật, bởi vì đây là một điểm rất lạ nó tương tựa như một người sống đi du lịch, họ có thể đi rất nhiều nơi, và họ có thể tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, nhưng mà chưa chắc họ đã thật sự hưởng thụ cái văn hoá nào mà ở mức độ chiều sâu của nó, trong khi có những người tuy rằng họ không đi nhiều nơi, nhưng họ có thể tiếp cận với một số người nào đó bằng tâm thái, bằng thần thái rất đặc biệt vì vậy họ cảm nhận được một cách sâu sắc, có thể nói trường hợp này chúng ta gặp đuợc rất nhiều người, và trong cuộc đời lưu lạc có thể nói rằng họ đã 5 lần 7 lượt, từ Bắc vô Nam, rồi từ miền Nam ra nước ngoài, rồi đi định cư tại đệ tam quốc gia. Cuộc đời họ có thể tiếp xúc với rất nhiều trường hợp, nhiều cảnh huống, nhiều sự việc, nhưng chúng ta không cảm thấy rằng họ có cảm nhận sâu sắc về hoàn cảnh xảy ra chung quanh họ.

Trái lại chúng ta cũng gặp những người có một cuộc sống rất bình dị, họ lớn lên tại một miền quê hẻo lánh của một quốc gia nào đó, nhưng sự cảm nhận của họ với các sự việc chung quanh rất là xâu sắc, họ có thể nói về những lời chiêm ở trong làng, họ có thể nói về cảnh trí của quan cảnh mặt trời mọc, mặt trời lặng như thế nào, và thậm trí họ có thể hiểu một cách rất là sâu sắc về những người sống ở trong làng như thế nào. Thì như vậy cho chúng ta thấy rằng cái lượng và cái phẩm nó không nhất thiết là tương đương với nhau, có nhiều khi người ta chú trọng về lượng mà không chú trọng về phẩm và đặc biệt ở trong giá trị tinh thần, Ðức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng điều này là một thực chứng thực hơn bất cứ điều gì khác mà chúng ta được biết.

Ở trong sự tu tập có lúc đôi lúc một người chỉ thọ trì một pháp tu, hay thọ trì một cảnh giới nào đó, như chúng tôi có dịp được sống gần những vị chỉ chuyên về trì luật thôi. Nếu một người nào đó trong chúng ta nghe nói ngày hôm nay mà chỉ ôm bộ luật Thiện Trí chẳng hạn, để mà tu tu tập thì chúng ta mường tưởng đó là một người có một cuộc sống hết sức khắc khe, tỉ mỉ, người đó chỉ sống bó gối ở trong khung trời hạn hẹp, nhưng mà không thưa quí vị, khi mà chúng ta ở gần những vị đó, chúng ta mới cảm nhận được cái niềm tin, chúng ta mới cảm nhận được sự lãnh hội, chúng ta mới cảm nhận được sự xâu sắc của một người thọ trì về luật..

Có một lần chúng tôi nghe một vị Thầy, sau hơn 19 năm sống dưới chân của Ngài Achaan Cha. Ngài nói về một sự việc, những ai hộ trì giới luật, thì người đó sẽ được giới luật hộ trì, bởi vị này đã sống trong một thời gian dài như vậy, và khi vị này nói thì nói với tất cả cái kinh nghiệm của mình. Chúng tôi nghĩ bất cứ ai được nghe bài pháp đó thì đều nhận ra rằng vị đó đã đạt đến một cảnh giới xâu sắc, không có đơn thuần như chúng ta nghĩ rằng, mình đi tu thì mình phải học đủ tam tạng kinh điển, mình phải là một vị Pháp Sư, hay mình là một vị Thiền Sư, mình phải có một tầm cở như thế này, mình phải có địa vị như thế kia, phải có bằng cấp cao nào đó hay là tác gỉa của nhiều quyển sách.

Thật ra thì những điều này nó có một giá trị rất tương đối về cái nhìn của thường thức, dĩ nhiên chúng ta không thể có cái gì đó để có thể đo đạt cái khả năng sâu sắc của một người họ đã tiếp xúc thật sự với lời dạy chân thật của Ðức Phật như thế nào, nhưng chúng ta có thể thấy rõ rằng có những người học rất nhiều, có những người hiểu rất rộng, nhưng người đó lại không nếm được hương vị của chính pháp, đối với người này thì chính pháp chỉ là gánh nặng đối với họ, đối với những người này thì chính pháp là khu vườn lớn mà họ phải bỏ ra quá nhiều thì giờ để mà bảo trì, thậm trí Ðức Phật Ngài dùng hình ảnh giống như người mục đồng chăn bò cho người khác, dĩ nhiên đàn bò càng lớn thì mình chăn càng cực khổ, tuy nhiên dù cực khổ đến đâu thì mình chỉ chăn bò cho người khác, chứ bản thân của mình lại không hưởng được bao nhiêu.

Nên chi khi chúng tôi nói đến quan niệm giá trị của Ðạo Phật, thì phải nói rằng có rất nhiều điểm làm cho con người phải ngạc nhiên, không may rằng trong việc canh tân Ðạo Phật, trong cái việc chúng ta nói tới đem Ðạo Phật vào trong cuộc đời ngày hôm nay, thì càng lúc người ta càng chú trọng đến bằng cấp, đến học vị và những chương trình học Phật mang tính cách trường lớp, thật ra thì điều này nó vẫn có giá trị nhất định của những thứ này, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng lấy làm buồn mà thấy rằng khi người ta quá chú trọng đến trường lớp, thì người ta quên rằng Phật Pháp là một cái gì mà có thể cảm nhận một cách sâu sắc, không những cảm nhận một cách sâu sắc mà còn sống với điều đó nữa.

Thưa qúi vị, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này đến với quí vị khi mà chúng tôi tiếp xúc với một số nhà Sư ở tại Anh Quốc và ở tại Hoa Kỳ và ngay ở Úc Ðại Lợi cũng vậy, chúng tôi biết rằng có nhiều vị học rất giỏi, có 5, 7 bằng tiến sĩ, bằng cao học về Phạn Ngữ, về Hindi hoặc giả về Phật học, về văn chương Anh ngữ, nhưng các vị này đã không đủ sức thu hút , hoặc giả khai thị cho những người Phật tử Tây Phương, hay những người Tây Phương muốn tìm về với Ðạo Phật. Trái lại những người Tây Phương họ lại tìm đến những vị tuy rằng không có học vị cao, không có bằng cấp nhiều, nhưng họ nghĩ rằng những vị này thật sự sống trọn vẹn với những gì những vị này tin tưởng. Ở trong đó phải kể đến Ngài Achaan Cha là một vị Thiền Sư mà thưa quí vị, trình độ của Ngài chỉ khoảng chừng lớp ba trong ngành học phổ thông mà thôi, nhưng đời sống tu tập và cái trí tuệ Ngài cống hiến qua đời sống thực của Ngài đã có một sức hút mãnh liệt và có thể nói trong lịch sử cận đại chưa có một vì Thiền Sư nào mà có ảnh hưởng lớn đến những người Phật tử Tây Phương, như chúng ta được biết và chúng ta được nghe về trường hợp Ngài Achaan Cha.

Do vậy chúng ta phải đặt trở lại vấn đề rằng ở trong Đạo Phật nếu chúng ta nghĩ đến chiều rộng, nghĩ đến pháp học thì phải nói rằng có rất nhiều kinh điển, có rất nhiều lãnh vực để chúng ta tìm hiểu. Nhưng bên cạnh đó chúng ta đừng quên rằng có những pháp hành, ví dụ như một người thọ bát quan trai, một đêm hành trì đầu đà, hay một khoá thiền hay những giờ giấc tụng kinh, niệm Phật, hoặc giả có cái gì đó khiến chúng ta gắng bó với đạo, chúng ta sống gần với đạo và chúng ta thật sự thể hiện được đạo bằng chính cuộc sống của mình, thì những lúc đó mới là lúc thật sự sống với những gì mình tin tưởng hơn là chỉ một niềm tin ở bên ngoài. Và quan niệm này đã khiến cho Đức Phật mở ra một chân trời mới, ở trong chân trời mới này Đức Phật Ngài đã cho phép nhiều người từ nhiều tầng lớp khác nhau ở trong xã hội để trở thành những vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, và có thể những vị cư sĩ, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ hành trì mà không có phân biệt nhiều về giai cấp, về địa vị học vấn của họ.

Gucatata là một tỳ nữ trong cung, Ambapaly là một kỹ nữ, và chúng ta biết Upali là một thợ hớt tóc trong cung đình, Angulimala là một tướng cướp sát nhân có một hồ sơ lý lịch đầy tội ác, nhưng mà tất cả những người đó đều được Đức Phật Ngài cho phép có được cơ hội để sống với chính pháp, không những chỉ hoàng lương mà còn có thể tìm về để đón nhận ánh sáng thật sự của chính pháp. Thì ở đây thưa quí Phật tử, cái sự lãnh hội đạo, cái sự thấm nhuần của đạo đôi lúc nó vượt ngoài ngôn ngữ, nó vượt ngoài bất cứ điều gì mà chúng ta có thể quan niệm theo cách quan niệm trong thời đại ngày hôm nay. Thật ra thì chúng tôi có nghe một vị Thầy hiện là khoa trưởng khoa Phạn ngữ của Đại học Ananda ở tại Ấn Ðộ, khi chúng tôi đến thăm viếng đại học Ananda thì vị này có than rằng ngày xưa khi Ấn Ðộ vùa mới dành được độp lập và dưới sự khuyến khích của thủ tướng Meru. Lúc bấy giờ Ngài Kasac được mời làm viện trưởng, lúc đó Ngài cho rằng đã đào tạo được một số Chư Tăng, và trong số các vị Chư Tăng này có kể cả Chư Tăng Việt Nam, trong đó có Hoà Thượng Minh Châu, Hòa Thượng Minh Châu là viện trưởng viện Vạn Hạnh về sau này.

Vị này nói rằng thời của Ngài Kasac, những vị đó không học nhiều môn như bây giờ, nhưng những vị đó ngoài các môn học ra còn thêm một thứ khác đó là đạo tâm rất thuần. Còn bây giờ số lượng các vị Tăng sĩ học khá hơn ngày trước, thậm trí có nhiều vị đã trình những luận án tiến sĩ ,và mọi người đều rất được tán thưởng, nhưng mà theo vị này thì các phẩm chất tu tập cũng như niềm tin của các vị học Tăng tại đại học Ananda bây giờ không so sánh được với các vị học thời khi Ngài Kasac còn sinh tiền.

Thưa quí vị về việc này đó là một cái hiện tượng chúng ta thấy rất tự nhiên ở hầu như tất cả các tôn giáo, có nhiều người khi nghiên cứu về lịch sử Ky Tô giáo, cũng cho rằng những lời dạy của chúa Jesu đã dạy, lúc chúa Jesu còn sinh tiền rất giản dị như người ta đọc trong kinh Tân Ước, nhưng về sau này khi đưa vào LaMã, Vương triều La Mã và Giáo hội La Mã đã tạo ra hệ thống thần học, mà theo đó nhũng nhà nghiên cứu ngày hôm nay cho rằng những hệ thống thần học này lại không có tác động gì về niềm tin bằng thời xa xưa, chúng ta muốn nói đến thời đại chính thống giáo Phương Ðông hoặc giả như thời của Thánh St. Paul chẳng hạn, mặc dù là nhận định như vậy , nó còn phải nghiên cứu nhiều sự dị biệt giữa đông và tây.

Chúng ta thấy rõ ràng ngay trong Ðạo Phật, khi Ngài Ca Diếp cũng có một lần đã bày tỏ sự không hài lòng về sự việc Phật Giáo phát triển rất đông vào năm 25 năm sau cuộc đời hoàng đaọ của Ðức Phật, nhưng mà phẩm chất của các vị Tăng đã rất kém so với 20 năm đầu, và điều này là một điều rất tự nhiên. Tuy nhiên ở chỗ như vầy khi chúng ta đặt vần đề học nó trở thành một sở nghiên cứu mang tánh cách chiều rộng, khảo cứu nhiều hơn là một giáo pháp, là cái gì để chúng ta sống, để chúng ta trưởng dưỡng đời sống nột tại của mình để thanh lọc phiền não, để làm cho chúng ta có khả năng sống sáng suốt hơn, nhẫn nại hơn trong cuộc sống, thì thưa quí vị chúng ta bắt đầu đi xa ngoài giáo pháp, nếu chúng ta chú ý một chút thì chúng ta sẽ thấy trong truyền thống tu tập mà Chư Phật dạy cho đàn hậu tấn, trong đó có lời dạy mà mới nghe thì chúng ta nghĩ nó không có sâu sắc, không có mang tánh cách vi diệu thâm sâu như những môn triết lý.

Ví dụ như Ðức Phật Ngài dạy ăn uống có tiết độ, và không biếng nhác phải tinh cần, và con người nên sống ở nơi độc cư thanh tịnh , đặt biệt Ngài chú trọng nhiều đến sự nhẫn nại, nhẫn nại là một trong sự thể hiện của đạo ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta, phải nói rằng chính một vài yếu pháp, thí dụ như về nhẫn nại cho phép chúng ta chiêm nghiệm Phật Pháp ở một mức độ hiện thực hơn là ý thức, ở bên ngoài chúng ta thấy rất nhiều vị rất giỏi về Phật Pháp, nhưng mà vị này thiếu kiên nhẫn, thiếu sự chịu đựng , bởi vì vị này đã học Phật Pháp hoàn toàn dựa trên thuyết. Nhưng nếu chúng ta sống trên sự kiên nhẫn và nhẫn nại đối với sự tu tập thì chúng ta sẽ thấy rằng Phật Pháp gần với chúng ta nhiều hơn. Cũng như Ðức Phật Ngài đã dạy trong Trung Bộ Kinh rằng một vị Tỳ kheo khi mà đầy đủ tứ vật dụng, đầu đủ tứ sự cúng dường mà vị ấy tu tập tinh tấn thì Như Lai chưa gọi vị ấy thật sự là thuần cố, cho đến khi nào vị ấy sống trong điều kiện khó khăn mà vị ấy vẫn chứng tỏ được khả năng thiện trí của mình thì Như Lai mới gọi là vị đó là vị đã xây dựng được cơ sở căn bản về niềm tin, về giới, về thiền định. Thì ở đây thưa quí vị có một vài điều đối với chúng ta không có quan trọng .

Chúng tôi mới vừa sang Úc Ðại Lợi và đến thăm nhiều thành phố lớn trong đó có thành phố Sydney , trong cái quan sát thì chúng tôi thấy một điều rằng ngày hôm nay người ta thường kính trọng lẫn nhau qua chùa chiền, qua cơ sở và qua khả năng về tài chánh nhiều hơn qua đức độ tu tập, chúng tôi ví dụ trong những buổi sinh hoạt, vị nào có chùa lớn, có tầm hoạt động rộng, thì được nể nang hơn những vị có đời sống khiêm cung, có cuộc sống hết sức giản dị, hết sức nhẫn nại, cái thời thế, cái quan niệm về xã hội thay đổi, chứ chúng ta không nhìn thấy được giá trị chân thật như thời xưa.

Nhưng chính lời dạy này của Ðức Phật đã kéo chúng ta trở về đúng với thực tại, là nếu mà chúng ta có những thành tựu ở trong cuộc đời sống này, mà sự thành tựu đó không thể hiện được những gì mà Chư Phật đã dạy trong Trung Bộ Kinh , như hồi nãy chúng tôi đã nhắc đến sự tiết độ trong ẩm thực, sự nhẫn nại hoặc thích sống độc cư v.v.. không có một số thể hiện căn bản thì chúng ta chưa gọi là người thật sự tiếp xúc với chánh pháp, bởi chính những điều đó mới thách thức cái sự nhập cuộc của bản thân chúng ta, khi mà chúng ta sống trong điều kiện như vậy, ví dụ đời sống độc cư không phải là đời sống dễ dàng, chúng ta thường sống vây chung quanh mình bởi tín đồ, bởi Phật tử, bởi những người thân, cho đến một lúc nào đó chúng ta sống nơi hoang dã, sống một mình, mặt đối mặt với chính mình thì lúc bấy giờ chúng ta mới hiểu rằng cuộc sống đó không phải chỉ đòi hỏi sự cố gắng mà đòi hỏi sự chung thực, một cái nhìn rất thành thực về ưu điểm, về nhược điểm của bản thân mình và không may những điều đó nó không còn có nhiều cơ hội cho chúng ta trong cuộc sống tu tập ngày hôm nay.

Chính vì vậy ở đây trong duyên sự này nói về một vị Tỳ Kheo thuộc có một bài kệ thôi, và thật sự trong kinh thường nói rằng vị này được người ta cho một biệt danh là vị Tỳ kheo nhất cú, chỉ thuộc một bài kệ thôi, nhưng bài kệ này đã không phải là bài kệ được nói ở đầu môi chót lưỡi, mà vị này thật sự đã sống với bài kệ đó và do vậy khi vị này đọc bài kệ đó và giảng bài kệ đó không những nhiều người chung quanh mà Chư Thiên cũng hoan hỷ.

Thưa quí vị chúng tôi biết ngày xưa có những vị mà khi thuyết pháp chỉ nói vài câu thôi, chúng tôi được may mắn ở trong đời sống có gặp một vài vị như vậy mà chúng tôi tin rằng khi chúng tôi đơn cử ra đây một vị có lẽ quí Phật tử có nhiều vị cũng đã từng gặp, thưa quí vị đó là Ngài Hoà Thượng Hộ Tông, Ngài không phải là vị Pháp Sư. Một thời pháp, thì thưa quí vị có nhiều khi Ngài thuyết rất ngắn, và những lời Ngài dạy có đôi khi chỉ có vài lời la rày, nhưng mà đều có ảnh hưởng, có tác dụng rất lớn và Ngài độ được rất nhiều người, và có thể nói rằng ở mỗi vị Tăng chúng ta học được điều nào đó nhưng mà với Ngài Hộ Tông thì phải nhận rằng hình ảnh của Ngài chứng tỏ rằng Ngài là một người thực sự sống với niềm tin, và bên cạnh đó thì một vị mà ở đức tu đã cảm hóa được nhiều người không qua nhiều ngôn ngữ như chúng ta có vào ngày hôm nay. Phải gặp và phải sống gần những vị đó dù một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần thì chúng ta mới thấy ảnh hưởng lớn của điều mà Ðức Phật Ngài dạy rằng sự thấm nhuần chính pháp ở trong đời sống của chúng ta.

Chúng tôi cũng muốn nhân đây nhắc lên hình ảnh của một số các bà cụ ngày xưa quan niệm về sự tu tập rất đơn giản, ở nhà thì thắp nhang, tụng kinh niệm Phật và rồi đi chùa, trước khi đi chùa, thì tắm sạch sẽ và mặc đồ trang nghiêm, bước vào trong chùa bằng thái độ cung kính lễ Phật, lạy Phật rồi cúng dường được cái gì thì cúng, không thì công quả, nếu ngày hôm nay quí Phật tử nghe một số người khác đề cập đến những bà cụ này thì thật sự quí vị cũng rất đau lòng, bởi vậy có đôi lúc người ta gọi những bà cụ này là những bà già trầu, những bà già trầu là những người nhẹ dạ, những người chỉ nói qua loa ngoài miệng nhưng lại không có sự sâu sắc, nhưng mà khi sống gần các cụ thì chúng ta có thể cảm nhận được rằng cái tâm trong sạch của các cụ thì chúng ta không thể phủ nhận được , và các vị sống gần với đạo ở trong sự an lạc, ở trong niềm tin, kể cả ở trong cơn nguy biến.

Chúng ta được biết nền giáo dục ngày hôm nay đào tạo nhiều học giả hơn là những người Phật tử thực tu thực chứng, học giả ở đây thưa quí Phật tử, có một lần chúng tôi đến thăm một đại học ở Santa Barbara ở California, lúc đó chúng tôi được giới thiệu về một vị khoa trưởng về ngành triết học Ðông Phương và trong đó có thêm hai vị giáo sư , hai vị này là tác giả của bốn, năm quyển sách viết về Ðạo Phật, cũng dạy ngành tôn giáo Đông Phương, lúc bấy giờ khi nói chuyện với những vị đó, những vị đó không những có bằng cấp mà kiến văn cũng rất quảng bác, kể cả Phạn ngữ các vị cũng rất là giỏi, nhưng mà chỉ một cuộc đàm luận thì chúng ta thấy rằng họ chỉ là những học giả không hơn, không kém, thật sự họ có thể giỏi hơn rất nhiều nhà sư, nhưng mà rồi đời sống của họ không thể so sánh được với một bà già trầu như người ta thường đề cập đến, bởi vì những vị này chỉ nghiên cứu, và Phật pháp của những vị này chỉ là chữ nghĩa không hơn không kém và nó không có một cái gì ở trong đó mà có thể chuyển hóa được.

Bằng chứng là chúng tôi có đưa ra một câu hỏi với một vị giáo sư đã dạy ở đại học đó suốt cả mười bốn năm, họ có bao nhiêu học sinh ở trong lớp của giáo sư mà từ lớp học đó ra trở thành những người Phật tử, thì vị này lắc đầu nói rằng :

- không có vị nào hết, và tôi có nhớ rằng có hai ba người đến với Đạo Phật và sau đó trở thành Phật tử, nhưng mà không phải do lớp học tôi đào tạo, mà là do họ đi hành thiền với Ngài Mahasi.

Thưa quí vị tại sao những người học giả họ chỉ có thể trình bày, họ chỉ có thể viết sách cho chúng ta , mà họ không thể đưa những người khác trở về với Đạo Phật như những nhà Sư ít học hơn họ nhiều, và điều này rất dễ để chúng ta cảm nhận ở trong cái nhận định mà chúng ta thường thấy trong cuộc sống hàng ngày.

Bây giờ chúng tôi xin được trở lại với ý nghĩa của bài kệ này, đây là bản dịch của TT Trí Siêu:

Không phải do nói nhiều

Mà thành bậc trì pháp

Người tuy nghe học ít

Như tựa thân thấy pháp

Hành pháp không buông lung

Ấy là bậc trì pháp.

Bậc trì pháp ở tại đây được hiểu là một vị thật sự thấm nhuần, và vị này có thể nói rằng đã không có xao lãng, không có buông lung. Khi chúng ta xao lãng buông lung là chúng ta chưa thật sự thấy giá trị quí báu, chúng tôi lấy ví dụ hồi nhỏ chúng tôi rất là thích nghe đọc chuyện Tàu vào đêm khuya và khi lớn lên chúng tôi hiểu một điều rằng, không phải vì nghe chuyện Tàu mà nó có một cái âm giai gì đặt biệt, mà đặt biệt là chỗ nghĩa lý ở chỗ cốt chuyện với tuổi của chúng tôi lúc đó mà được nghe câu chuyện như vậy, thì thưa quí vị, bốn giờ sáng thức dậy để nghe đọc chuyện mỗi ngày, những quyển truyện như là Phong Kiến Xuân Thu, Xuân Thu Oanh Liệt, Vạn Cô Lầu, Tam Quốc Trí, đó là những tập chuyện mà ngày xưa, trước 75 chúng tôi được nghe và nhớ, sau này đọc sách, nếu thật sự chỉ đọc sách có lẽ không nhớ nhiều bằng lúc đó đang nghe bằng tâm rất là tha thiết mong mỏi, khi người ta thật sự thấy một điều gì, người ta sẽ tha thiết với điều đó, và người ta sẽ sống trọn vẹn với điều đó chứ không có phải là ai bắt buộc mình hết, thì với một vị hành pháp không buông lung thì điều đó chứng tỏ rằng vị này đã có một cái nhìn rất là thông suốt nếu chúng ta biết nó có giá trị gì đó thì chắc chắn là chúng ta không bao giờ chúng ta bỏ cuộc hết..

Chúng tôi có nhớ ở tại vùng Caribean có một hòn đảo, mà ngày hôm nay vẫn còn mệnh danh là The Castle Island, hòn đảo đó theo trong một số hồ sơ ghi chép đó là ngày xưa những người cướp biển sau khi họ đánh cướp những chiếc tàu buôn lấy được vàng bạc châu báu thì họ đem vào hòn đảo này nó là một nơi nằm ngoài kiểm soát của hải quân Anh và sau đó là hải quân của Hoa Kỳ, hải quân của Tây Ban Nha, để họ chôn giấu những tài sản. Tất nhiên là có một con số lớn những người chôn dấu tài sản không có dịp trở lại để lấy tài sản tại vì đã mất mạng ở trong những cuộc chiến đấu khác, trong những cuộc cướp bóc khác xảy ra trên biển cả và điều này đã khiến cho rất là nhiều người vì hiếu kỳ cũng có mà đa số là vì muốn làm giàu, đã đặt chân đến hòn đảo này cố gắng tìm ra tông tích, cố gắng tìm ra cái gì đó cho họ thấy rằng hứa hẹn một cái tài sản kếch sù, một thứ hoạnh tài mà họ có thể tìm trên The Castle Island hòn đảo được mệnh danh là hòn đảo châu báu, thưa quí vị có đọc những câu chuyện của những người đã từng đến đó và phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt như thế nào rồi họ phải tự bảo vệ lấy mạng của họ như thế nào trong cuộc đi tìm vàng, cũng như bao nhiêu câu chuyện mà những người đi về những nơi đào vàng ở Cựu Kim Sơn, hay là ở Yukon, Alaska thì chúng ta mới thấy rằng hễ con người mà thấy được giá trị điều gì thì họ tha thiết với điều đó, và khi họ thật sự tha thiết với điều đó rồi thì không có cái gì có thể cản họ được họ hết..

Chúng tôi có nghe nhiều Phật tử thỉnh thỏang họ là muốn tu thiền hay là muốn hành đạo nhưng mà không có điều kiện, những người này luôn luôn có một số lý do và dĩ nhiên là những lý do này đều là những lý do chánh đáng, thí dụ như có mẹ già đang đau bệnh không thể đi tu tập được, nhưng mà rồi chúng ta cũng phải nhận rằng đa số chúng ta không có làm được điều mà chúng ta gọi là tu tập là bởi tại vì chúng ta chưa thật sự thấy được giá trị, nếu chúng ta thấy được giá trị của chánh pháp thì thưa quí vị dù rằng có bị ngăn cản năm bảy lớp rào thì chúng ta cũng cố vượt qua. "Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua ". Nhưng mà khi chúng ta chưa cảm nhận thật sự thì chúng ta giống một thái độ mà có thể dùng ngôn ngữ dân gian gọi là thái độ chập chờn, chập chờn tức là lãng bãng đi ra đi vào nhưng mà thật sự chưa có cương quyết, chưa có một quyết định gì gọi là thật sự để chúng ta theo đuổi hết thì điều này làm một điều rất đáng tiếc ở trong cuộc sống của mình.

Bây giờ trong câu kệ này chúng tôi nghĩ rằng mạch văn rất là dễ hiểu, dễ hiểu đến đỗi chúng ta chỉ đọc một lần, chúng ta có thể thấy được Đức Phật Ngài ý Ngài muốn dạy điều gì, không phải do nói nhiều mà thành ra bất kỳ pháp, xưa nay chúng ta nghĩ rằng những vị Pháp Sư diễn giảng Phật Pháp, nói nhiều nói hay thì điều đó mới là vị trì pháp, nhưng câu kệ ngôn này Đức Phật Ngài lại nêu lên một giá trị khác, cũng có thể làm cho một số người ngạc nhiên,

Người tuy nghe học ít

Nhưng tự thân thấy pháp

Hành pháp không buông lung

Ấy là bậc trì pháp

Bởi vì vị ấy thật sự làm chứng cho chánh pháp. Đức Phật Ngài dạy rằng Ngài đã đi qua con đường đó và đạt đến điểm đó thì chính những người này mới là những người thật sự làm chứng cho lời dạy của Đức Phật. Khi mà chúng tôi nói điều này có nhiều Phật tử rất là ngạc nhiên, khi chúng ta đọc về ân đức của Tăng bảo tức là những vị thinh văn đệ tử Phật, thật ra ý nghĩa thinh văn đệ tử Phật không có đơn giản, ý nghĩa thinh văn để tử Phật các Ngài ( Supatpanno ) là bậc diệu hạnh, ( Ujupatipanno ) là bậc trực hạnh, ( Nãyapatipanno ) là bậc như lý hạnh, ( Sãmĩcipatipanno ) là bậc chân chánh hạnh, nhưng mà trong đó còn nói thêm nữa các Ngài gồm có bốn đôi tám vị, tứ song bát bối, tức là những vị đã chứng Tu Đà Hườn đạo, Tu Đà Hườn quả, Tu Đà Hàm đạo, Tu Đà Hàm quả, A Na Hàm đạo, A Na Hàm quả, A La Hán đạo, A La Hán quả, các vị đó mới thật sự gọi là Tăng, các vị đó mới thật sự là những vị Thinh Văn đệ tử Phật, cho dù những vị hữu học, tức đang trên con đường dẫn đến giác ngộ và những vị đã giác ngộ hoàn toàn tức là chứng tứ quả, thì khi nói đến điểm này thì cho chúng ta thấy một điểm là Đức Phật Ngài nhấn mạnh rất rõ rằng một vị thật sự hành trì pháp không phải là vị Tam Tạng Pháp Sư, ở đây không có ý nghĩa công kích những vị học nhiều, nhưng mà chính những vị thực chứng thì những vị đó mới là thành viên ở trong Tăng hội thật sự bởi vì sao, những vị này đã tự mình ngộ, và đã tự mình nếm được hương vị của chánh pháp, chánh pháp đối với vị này không có suy chuyển, không có một mảy may nào gọi là thối chuyển hết do vậy những vị này mới thật sự là những vị được xem như là thành viên của Tăng già, dĩ nhiên chúng ta quan niệm ở đây là (Ariyasangha ) tức là Thánh Tăng.

Khi mà nói đến Tăng theo qui ướt từ bốn vị Tỳ kheo trở lên đó là một hình thức khác, nhưng nếu chúng ta đọc kỹ lại ân đức Tăng thì chúng ta sẽ thấy ngụ ý của Đức Phật Ngài dạy gì, " tự thân mình thấy pháp, hành pháp không buông lung, ấy là bậc trì pháp". Nếu chúng ta thấy một người Phật tử họ đi chùa làm phước trai Tăng, mà trong thái độ cúng dường trai Tăng tạo phước của những người này, những người này thật sự sống trọn vẹn thì những người đó mới duy trì giáo pháp, còn những người chỉ khuyến khích người khác bố thí mà không làm được việc đó thì vị này chỉ sống hờ thôi, chứ không có thật sự sống, hay hoặc giả một người có thể sống một ngày bát quan trai và họ hết sức an lạc với ngày bát quan trai đó, hoặc giả họ đi một khoá thiền, và họ tìm thấy rằng ở trong Đạo Phật ngoài kinh điển ra thì còn có gì để áp dụng trong đời sống hàng ngày, nên chính những người hành pháp là người làm cho Phật Pháp được hưng thịnh, hưng thịnh ở đây là hưng thịnh ở trong lòng họ trước hết, và trong cái sự hưng thịnh đó nó mới có khả năng truyền đạt được đến cho người khác và Đức Phật Ngài nói bậc trì pháp ở đây được bao gồm cả hai phương diện, về phương diện tự thân và luôn cả phương diện đối với tha nhân, tức là tự bản thân mình đã là một người sống trong pháp gìn giữ chánh pháp ở nơi tự thân mình và còn duy trì được chánh pháp ở trong cách nói chung

Chúng ta đang đọc ở trong phẩm Pháp Trụ và chúng tôi tin rằng quí Phật tử đã được nghe các vị giảng sư nói về ý nghỉa của chữ Pháp Trụ. Bây giờ chúng ta chỉ nói một ý nghĩa rất nhỏ để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa bài kệ này. Nếu mà chúng ta đến một nơi nào mà chúng ta chỉ biết có một con đường hay một việc ở tại đó thì chúng ta chưa có thể gọi là một cư dân ở tại đó được cho đến khi nào chúng ta ổn định công ăn việc làm biết đường đi nước bước, biết được cuộc sống thật sự mình sống ở trong đó rồi thì mình mới là cư dân của thành phố đó. Thì tương tựa như vậy, nhiều người ở trong chúng ta khi bước vào ngôi nhà chánh pháp chúng ta mãi mãi là một người khách lạ, một người khách lạ đó là một người khách e dè, một người khách không tìm thấy rằng ở trong căn nhà chánh pháp đó có cái gì thắm thiết đối với chính mình, có cái gì thật sự liên quan mật thiết đối với đời sống của mình.

Chúng tôi có một vị sư đệ, vị này rất ham đọc sách, mỗi lần chúng tôi đi đến tiệm sách với vị này, chúng tôi nhìn thấy cặp mắt của vị này rất sáng khi gặp một tựa sách mới, khi gặp một quyển sách hay, phải nói rằng khi mà nhìn thái độ của vị này thì chúng tôi biết vị này sống đối với sách vở như thế nào bởi vì cách sống, cái cảm xúc và sự gắn bó rất dễ dàng để nhận định, để nhận thấy trong đời sống của vị đó, thì vị đó mới thật sự là sống với văn hoá, sống với Phật Pháp, thì thưa quí vị đối với chúng ta, chúng ta cũng phải lập đi lập lại rất nhiều lần rằng chúng ta nghe pháp, chúng ta có đọc kinh sách, chỉ có thể mua cả tủ kinh sách mua về nhà, nhưng mà rồi chúng ta phải đặt lại vấn đề những thứ đó nó có giá trị lớn với chúng ta như thế nào.

Chúng tôi có bắt gặp hình ảnh hết sức cảm động, có một người Phật tử đi vượt biển, năm 1980, lên trại tỵ nạn BuLaBiDong, lúc đó quí vị đó lên trước chúng tôi hai tháng, chúng tôi lên sau , có một buổi chiều vị đó lên đồi tôn giáo, nơi đó có ngôi chùa Từ Bi nơi chúng tôi đang ở, mang cho chúng tôi một cuổn kinh Nhật Hành, Kinh Nhật Hành do Ngài Hộ Tông soạn và do Hoà Thượng Pháp Tri Ấn Tống lại với suy tập một số các lời dạy, chúng tôi sống ở trại tỵ nạn mấy tháng trời không có kinh sách, bây giờ nhìn thấy kinh sách Nhật Hành trong lòng vui, rộn rã lắm, chúng tôi hỏi người Phật tử đó sao đi vượt biên còn mang kinh sách theo đuợc hay vậy, thì vị này trả lời chúng tôi rằng, " thật ra đâu có mang được gì đâu Sư, ngó tới ngó lui trong nhà chỉ thấy cái này quí nhất thì mang theo thôi", lúc đó chúng tôi thật sự cảm động, chúng tôi rất lấy làm cảm động, bởi vì ở trên đời này chúng ta có nhiều thứ để mang theo lắm, trong một chuyến đi xa, một chuyến đi mà rời quê cha đất tổ có thể chúng ta nói đến một vật kỷ niệm, chúng ta nói đến như một quyển album trong gia đình nói đến vàng bạc châu báu, nói đến bao nhiêu thứ, nhưng rồi một người ra đi trong chuyến đi vô định như vậy đó, sau khi quyết định bỏ tất cả chỉ mang theo quyển kinh tụng, phải nhận rằng người đó có đạo tâm thật sự.

Khi đề cập đến câu kệ này này bỗng dưng Phật tử đó trở lại trong lòng của chúng tôi, chúng tôi lại nghĩ đến trường hợp của những người sống bây giờ, chúng ta có quá nhiều thưa quí vị, Phật Pháp đối với chúng ta có quá nhiều, chúng ta có thể muốn bao nhiêu kinh sách cũng được, dễ dàng để mua hơn ngày xưa, thậm chí ở trên internet cũng quá nhiều, thậm trí những bài giảng trên paltalk cũng quá nhiều, đôi lúc chúng ta thấy những thứ đó không thật sự quan trọng đối với chúng ta, nhưng lâu lâu chúng ta cũng phải nghĩ lại rằng cái gì thật sự quan trọng.

Ở trong cuộc đời này một người thiện trí, khác với người không có trí tuệ ở một điểm là người thiện trí biết nhận ra rằng cái gì có giá trị lâu dài, có giá trị lớn với chính mình.

Lấy ví dụ như chúng ta đọc kinh Châu Báu (Ratanasutta), Đức Phật Ngài mở đầu bài kệ rằng:

- Phàm ở cõi đời này, hoặc trên cõi trời không có vàng bạc châu báu, ở nơi thiên giới , hay ở trần gian mà sánh bằng Phật Bảo, do chơn ngôn này cầu xin được hạnh phúc.

Thưa quí vị cho đến lúc nào đó chúng ta nhìn thấy bài kệ này đúng nghĩa , ở trên đời này dù bao nhiêu vàng bạc châu báu, ở trên trần gian này, hay ở trên thiên giới thì không có gì sánh bằng Đức Phật mà chúng ta thấy và chúng ta tụng đọc và chúng ta tin thật sự như vậy, thì chúng ta mới gọi là biết được giá trị của Đức Phật, còn nếu không chúng ta chỉ tụng, chỉ tụng thậm chí có nhiều người vì tiền, vì bạc, vì cuộc sống mà bỏ Đức Phật, tại vì họ không thấy được rằng Đức Phật Ngài quan trọng với họ ra sao. Chúng tôi xin kết thúc bài nói chuyện ở tại đây. Nam Mô Bổn Sư thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Hạnh biên soạn

   Trở Lại Trang Kệ Ngôn Kinh Pháp Cú

Trở Lại Trang DIỄN ĐÀN