Nghiệp Lực và Sự Chết
TT Tuệ Siêu và TT Giác Đẳng giảng ngày 13 tháng 8 năm 2009
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Ngài Ledi Sayadaw là một vị cao tăng cận đại của Miến Điện, Ngài dạy rằng; quan niệm về nghiệp của nhân gian, thường thì người ta nói, bàn luận, và tin tưởng, nó mang tính phổ quát, nhưng ít khi người ta chịu hiểu vấn đề với một cách tường tận, do vậy thường gây ra nhiều sự hiểu sai. Hôm nay chúng ta nhìn sự chết qua khía cạnh rất đặc biệt đó là nghiệp báo. Chúng ta tìm những sự thể hiện của nghiệp ở trong đời sống và dẫn đến sự kết thúc cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Mở đầu với phần: sống trường thọ hay chết yểu. Hai điều này mới nghe qua thì rất bình thường trong đời sống của chúng ta. Con người sanh ra không phải ai cũng sống có tuổi thọ đồng đẳng với nhau. Chúng ta không phải là một bó đũa bán ở ngoài chợ được sản xuất theo tính cách kỹ nghệ, mà chúng ta giống như những chiếc đũa của người dân quê ngày trước, có chiếc dài có chiếc ngắn. Đời sống con người, chúng ta không hẹn nhau để cùng đến với cõi đời này, và khi ra đi thì chúng ta vốn đã không có lời nguyện ước với nhau là ai đi trước người đi sau.
Chúng tôi nhớ rằng, nói về tuổi, thì bản thân của Ngài HT Hộ Giác, Ngài là một trong những vị rất cao tuổi, năm nay Ngài 82 tuổi. Chúng tôi được chứng kiến ở trong cuộc đời của Ngài, là Ngài đã từng làm trưởng ban tổ chức tang lễ cho bốn vị Hoà Thượng, và bốn vị này đều rất trẻ, và do chính Ngài tấn phong lên ngôi vị Hoà Thượng. Nói như vậy có nghĩa là cái sống lâu hay yểu mệnh, đó là chuyện tự nhiên của cuộc sống. Đôi lúc chúng ta không muốn suy nghĩ đến nhiều, nhưng mà chắc chắn nó có một ảnh hưởng sâu đậm trong lòng chúng ta về một câu hỏi rằng; "mình sống được bao lâu, liệu rằng mình có chết yểu không?"
Năm chúng tôi lên bảy tuổi, lúc đó cũng còn nhỏ, ông ngoại của chúng tôi lúc bấy giờ mang một cái đãi ở trong mình, chúng tôi nhớ trong đó có một cuốn sách tử vi, lên thăm thân phụ và thân mẫu của chúng tôi. Ông ngoại vốn là một người ưa chuộng về tử vi tướng số, và chúng tôi nhớ là trong lá số tử vi mà người ta chấm, thì có nói rằng số này sống thọ được bao nhiêu, và khi chết thì có chết ở quê hương xứ sở hay chết xa quê xa xứ, hoặc giả là khi chết thì cô độc một mình hay có họ hàng thân thích. v.v... Tuy rằng cái tuổi lên năm lên bảy rất là thơ dại nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được rằng đó là một điểm rất là quan hệ trọng đại trong đời sống của con người, ai trong chúng ta cũng muốn sống lâu, chúng ta muốn sống lâu mà chúng ta rất sợ đoản mạng sẽ chết yểu.
Về điểm này thì chúng ta trở lại với bậc danh tăng, Ngài Ledi Saydaw khi có một người hỏi là; có những chúng sanh ở trong cuộc đời này sống rất khổ thì như vậy cái thọ mạng của chúng sanh đó, thí dụ, chúng ta thấy những người chung quanh chúng ta sống khổ lắm, như vậy họ có nên sống lâu không, và sống lâu là một điều bất hạnh của họ phải không?" Thì Ngài có khuyên là chúng ta nên đặt lại cho đúng câu hỏi. Ở đây chúng ta phải dựa trên một cơ sở rất rõ ràng. Nếu mỗi người trong chúng ta là một người Phật tử mà tin rằng ở trong kiếp phù sinh này, tuy rằng kiếp người là bèo bọt, tuy rằng kiếp người là vui ít khổ nhiều, nhưng mà nếu kiếp người sanh ra được làm người là một diễm phúc. Khoan nói đến là chúng ta sống bao lâu, khoan nói đến chúng ta sống như thế nào. Đã sanh làm người là một điều diễm phúc, thì thọ mạng của kiếp người tự nhiên phải có một ý nghĩa. Tại vì nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng đã sanh ra làm kiếp người như vậy là có phước rồi. Tại vì sao vậy? Có khi chúng ta đói có khi chúng ta lạnh, có khi chúng ta cảm thấy cô đơn, nhưng chúng ta vẫn hơn rất nhiều lần so với những chúng sanh ở trong cõi khổ khác, những loại thượng cầm hạ thú, những chúng sanh sống ở trong những đường ác đạo, thì những chúng sanh đó không có hít thở không khí mà chúng ta hít thở ở đây, những chúng sanh đó không có được những giờ phút an lạc, những giờ phút suy tư như chúng ta đang có đây.
Nói về điểm này thì Ngài khuyên chúng ta đặt lại đúng câu hỏi là bởi vì thế nào gọi là vui, thế nào gọi là khổ. Tất cả chúng ta đều nhận rằng quan niệm vui khổ nó mang tính tương đối. Nó tương đối ở chỗ nào? Cứ thử xem những ông cụ bà cụ vì thương con muốn xin qua Mỹ để đoàn tụ, rồi khi qua bên Mỹ, không lái xe được, không có phương tiện di chuyển công cộng, đi taxi thì đắt tiền, và cuộc sống thường ở trong bốn bức tường trong nhà, giống như giam lỏng, đôi khi muốn trở về Việt Nam. Nhưng cũng có những người trở về Việt Nam lại muốn trở qua Mỹ. Tại vì ở bên Mỹ cũng có cái được và cái không được, Việt Nam cũng có cái được cái không được. Nhưng bài học lớn trong đời sống của chúng ta rằng cuộc sống mà từ Việt Nam qua Mỹ rồi từ Mỹ về Việt Nam, thế nào là vui thế nào là khổ. Nó là cái quan niệm, quan niệm mang tánh cách đối đãi, mang tánh cách tương đối. Chúng ta không thể nói rằng; nhất định 100%, 1000% là như vậy.
Chúng tôi lấy một ví dụ là có thể chúng ta sống sanh ra làm kiếp người, mình thấy mình khổ quá, ngay lúc mà chúng ta chắc lưỡi, chúng ta khổ. Thậm chí là ngày xưa đã có một nhà văn VN nói rằng; "nhà văn An Nam khổ như chó." Tại lúc đó giới văn sĩ khổ quá. Nhưng mà thưa qúi vị, khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta khổ, đời sống khổ như con chó đi nữa, thì nó vậy thôi, chứ thật ra thì ở một phương diện nào đó khi mình nhìn lại thì vẫn hơn những thứ khác. Chúng ta nói rằng những câu cảm thán, những câu than thở trong đời sống chúng ta, nó không hẳn có giá trị hoàn toàn như mình nghĩ.
Cũng có một người Phật tử nói với chúng tôi "đi qua bên Mỹ làm việc cực, nhưng mà cực mà được trả lương, thì như vậy kể ra cực khổ cũng đáng," ở trong câu nói đó cũng mang tính tương đối. Vì sao vậy? Tại vì người đó hiểu được một việc là có nhiều nơi khác làm việc rất cực. Chúng tôi đã gặp những người làm việc rất cực, họ làm việc gánh đá, như ở Cửu Hoa Sơn bên Trung quốc, họ gánh đá từ chân núi lên đỉnh núi, gánh lên gánh xuống mà tính ra một ngày chưa tới 2 Mỹ kim mà làm việc thì cực khổ quá, thì bây giờ mình thấy bên Mỹ làm việc cực nhưng có tiền.
Thì như vậy chúng ta nên hiểu rằng, đôi khi mình đặt vấn đề rằng mình sống thọ liệu rằng có là một điều tốt hay không, thì câu đó Ngài Ledi Saydaw đề nghị chúng ta nên đặt vấn để ở chỗ là cái khởi điểm nó như thế nào? Nếu chúng ta nghĩ rằng kiếp người là qúi báu. Sanh ra làm người dầu khổ nhưng có một giây phút mà có thể thấy, có thể hiểu, có thể nhìn ra thân phận của mình, chúng ta có thể ngồi ở trong một góc nhà hay là nằm trên giường có thể biết suy nghĩ và biết cảm nhận được một xã hội, cuộc sống hết sức là phong phú, hết sức đa dạng, thì thưa qúi vị, cái tri giác đó, sự nhận biết đó, cũng hơn xa rất nhiều loại chúng sinh.
Thì bây giờ nếu chúng ta đặt câu hỏi này thì chúng ta phải thấy thêm một sự việc khác là tại sao chúng ta sống lâu và tại sao chúng ta chết yểu. Câu này dĩ nhiên là được trả lời rất gọn, rất dứt khoát, rất rõ ràng qua Tiểu Kinh Phân Biệt Nghiệp. Ở đây Đức Phật Ngài dạy thanh niên Subha còn có tên khác là Todeyyaputta. Khi người thanh niên này đến hỏi Đức Phật về những sự bất đồng chênh lệch trên thế gian, như là; tại sao có người giàu, có người nghèo, có người thọ, có người yểu, có người sang, có người hèn, có người trí, có người ngu, thì Đức Phật Ngài trả lời rằng "Tất cả là do nghiệp."
Và riêng trong trường hợp này khi chúng ta bàn về sự chết và nghiệp, thì Đức Phật Ngài cũng đề cập rằng người mà sống thọ vốn là sống với lòng từ, có tàm qúi, thương xót các loài hữu tình, không có đoạn mạng của chúng sinh khác thì thường là sống lâu. Tức là nói một cách khác là chúng ta sống bằng tâm từ, không phạm nghiệp sát, thì đời sau do nghiệp đó chúng ta sống lâu. Và nếu chúng ta sống mà bàn tay vấy máu, tạo nhiều nghiệp sát thì đời sau chết yểu. Và cái nghiệp đó cũng thể hiện qua nhiều thứ. Lát nữa trong phần tiếp theo khi chúng ta nói về đoạn nghiệp thì chúng ta sẽ đi vào một câu hỏi rất là thú vị đó là nghiệp quá khứ đã tạo nhưng mà nghiệp hiện tại có khả năng chi phối như thế nào và tánh cách bất định của nghiệp ra sao, sẽ được nói trong đoạn thứ hai do TT Tuệ Siêu giảng.
Đề tài thứ hai là đoạn nghiệp, là một thứ nghiệp chi phối, cắt đứt và thay đổi sanh nghiệp và trì nghiệp, những nghiệp vốn được xem như là chủ đạo tái tạo đời sống của chúng ta trong kiếp này nhưng vẫn có cái lực để ngăn trở những nghiệp đó, thì riêng về điểm này cho chúng ta thấy tánh cách tương đối của nghiệp, tánh cách bất định của nghiệp.
TT Tuệ Siêu: Khi chúng ta nói đến nghiệp chi phối đời sống của chúng sanh. Chúng ta cũng nên biết rằng nghiệp không phải là một định mệnh, mà nghiệp ấy mặc dù đã tạo trong quá khứ nhưng quá trình trổ quả và chi phối chúng sanh nó còn trải qua nhiều điều kiện. Chúng ta nói đến những chức năng của nghiệp, thì ở đây có bốn chức năng của nghiệp (Kiccavasena).
Nghiệp thiện hay nghiệp ác, đặc tính là sanh quả vui hay quả khổ đó chúng ta gọi là sanh nghiệp (Janakakamma).
Rồi khi quả vui hay quả khổ sanh ra chi phối đời sống, thì cách gì để duy trì sự vui hay sự khổ đó kéo dài ở trong kiếp sống, đó chính là chức năng trì nghiệp (Upatthambhakakamma).
Và bây giờ thì sanh nghiệp và trì nghiệp đã có, nhưng có phải là một vấn đề định mệnh an bài mà con người không thể làm khác đi được, có phải vậy không? Ở đây thưa qúi vị, không hẳn là vậy, như chúng tôi đã nói nghiệp báo không phải là định mệnh vì vậy mặc dầu có sanh nghiệp trì nghiệp đó, nhưng nó còn có một thế lực đối lập để làm cho giảm nhẹ sự trổ quả của sanh nghiệp và trì nghiệp, gọi là giảm nhẹ tức là làm chướng ngại không sanh quả một cách trọn vẹn, chúng ta gọi đây là chướng nghiệp (Upapīl.akakamma).
Còn hơn thế nữa, tức là một thế lực đối lập, tức là một cái nghiệp nghịch chiều có công sức hùng mạnh hơn thì nó sẽ làm cho tiêu tan sanh nghiệp và trì nghiệp đó đi. Và cái thế lực hùng mạnh này, đối lập này, có hai trường hợp tức là cái chướng nghiệp có thiện có bất thiện, đoạn nghiệp hay là chuyển tấn nghiệp cũng có thiện, có bất thiện. Ví dụ như một người ở trong quá khứ làm điều ác cho nên hiện tại họ sanh ra trong hoàn cảnh bất hạnh, và có thể là điều ác ở trong quá khứ có thể khiến cho họ ngay trong hiện tại họ phải bị chết, hoặc là họ bị vướng vào những chứng bịnh nan y, nhưng người ấy nhờ trong hiện tại tu tập những thiện pháp có niềm tin, tinh tấn nỗ lực, nhờ thiện pháp đó làm chướng nghiệp để cản trở bớt sức mạnh nghiệp ác ở quá khứ, giống như một ngọn gió lớn làm cản trở tốc lực của mũi tên được bắn ra, làm cho mũi tên nó yếu đi hoặc là nó bị lệch hướng. Nếu như một người mặc dù quá khứ đã tạo nhiều ác nghiệp nhưng mà ngay trong hiện tại họ có thể làm những nghiệp thiện hùng mạnh hơn, có công sức mãnh liệt hơn thì chính cái thiện nghiệp ngay trong hiện tại trở thành chuyển tấn nghiệp hay là đoạn nghiệp, khiến cho nghiệp ở quá khứ bị tiêu tan, không có cơ hội để trổ quả, như là một mũi tên bắn tới, người ta đưa tấm khiên để đỡ mũi tên đó, và mũi tên này chạm phải tấm khiên bị rơi xuống đất chứ nó không tiếp tục lao đi. Thì đó là trường hợp sanh nghiệp trì nghiệp ác gặp chướng nghiệp và đoạn nghiệp thiện nên một người họ có thể cải chuyển được cái xấu trở thành xấu ít, hoặc là quả xấu nó thay đổi thành quả tốt đẹp.
Còn trường hợp thứ hai là trường hợp một người ở quá khứ tạo cái thiện nghiệp, cái thiện nghiệp đó trở thành sanh nghiệp cho quả an vui và trì nghiệp cũng tiếp tục duy trì quả an vui đó, thế nhưng ngay trong hiện tại người này sống dễ dui, bị chi phối nhiều bởi phiền não, tạo những ác nghiệp mạnh mẽ, và ác nghiệp đó có thể là chướng nghiệp cho nghiệp thiện ở quá khứ, nó làm cho giảm bớt đi tốc độ trổ quả của thiện nghiệp và người này có thể rơi vào tình trạng kém may mắn.
Còn nếu như một người mà họ tạo ác nghiệp ngay trong hiện tại mạnh mẽ vô cùng thì nó sẽ làm cho chuyển tấn nghiệp hay là đoạn nghiệp thiện ở quá khứ, ngay trong hiện tại phải rơi vào tình trạng hoàn toàn bất hạnh. Như chúng ta đã biết Devadata ở trong quá khứ cũng đã tạo nhiều phước báu, cho nên ngay trong hiện tại được sanh vào giòng dõi cao qúi, xuất thân từ hoàng tộc, là một vị hoàng tử sống hạnh phúc an lạc và tiếp tục duy trì thiện nghiệp đó giúp cho Devadata sau khi xuất gia đã thành tựu được thiền và thần thông. Nhưng rồi khi Devadata khởi lên tham vọng lợi lộc và quyền hành trong tăng chúng, chính cái tham vọng đó làm cho Devadata không còn được mọi người kính trọng tôn vinh nữa. Rồi cho đến khi Devadata tạo những ác nghiệp như chia rẽ tăng, lăn đá từ trên núi Linh Thứu xuống con đường kinh hành để ám sát Đức Phật và khiến cho chân của Đức Thế Tôn bị chảy máu, ác nghiệp này nặng nề làm cho Đề-Bà-Đạt-Đa mất hết cả thần thông và thiền định và sống trong những ngày đen tối, cuối cùng thì bị đất rút, chết sanh xuống địa ngục a tỳ. Đó chúng ta gọi là một cái ác nghiệp, điều ác trở thành một chướng nghiệp, hay một đoạn nghiệp.
Cho nên khi chúng ta đề cập đến đoạn nghiệp thì chúng ta phải hiểu cả hai mặt; mặt xấu và mặt tốt. Và tất nhiên người Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ ràng để chúng ta thực hành theo những điều thiện điều tốt, nhưng phần đông khi chúng ta nói đến chướng duyên thì chúng ta lại nghĩ cái gì thuộc về nghịch cảnh thì cái đó là chướng duyên, hay cái gì xấu thì cái đó là chướng duyên, nhưng thực sự chướng nghiệp đó đôi lúc có một trường hợp rất tích cực và có lợi cho chúng ta, chúng ta từ nhỏ sanh ra do cái nghiệp ác dư xót ở quá khứ, như nghiệp sát sanh chẳng hạn, cho nên chúng ta phải bị đau bịnh nhiều, khi đó chúng ta chợt nghĩ đến việc chúng ta phải làm phước phóng sanh hay là giữ giới không sát sanh, tu tập tâm từ, tâm bi, nhờ sự tu tập đó, nhờ tạo những phước đó làm chướng nghiệp thiện để giúp cho chúng ta thoát khỏi những căn bịnh ngặt nghèo, nếu có thì chỉ là những bịnh xoàng thôi, hoặc là chúng ta làm những việc thiện to lớn khác thì khiến cho các ác nghiệp đó không trổ quả nữa là chúng ta bình phục lại, không bị bịnh hoạn.
Cho nên khi chúng ta đề cập đến đoạn nghiệp hay là trì tấn nghiệp, chúng ta đừng ngộ nhận rằng đọan nghiệp đó tức là việc ác, mà nó có cả việc thiện trong đó, cái gì nó làm, cái thế lực đối nghịch để vô hiệu hóa nghiệp kia thì cái đó chúng ta gọi là đoạn nghiệp, chỉ có như vậy.
Ở trong đời sống chúng sanh phàm phu của chúng ta nhiều khi chúng ta có sự dễ dui quên mình, không nghĩ đến chuyện phải làm những điều thiện để lấn ác nghiệp ác ở quá khứ, nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng những điều đau đớn thống khổ trong cuộc sống là do nghiệp quá khứ, nghĩ như vậy rồi chúng ta đành chấp nhận như là chấp nhận một số mệnh mà không có chịu nỗ lực sửa cải, đó là một điều thiệt thòi cho chúng ta.
Đức Phật đã dạy rằng: "Ai dùng các hạnh lành để xoá mờ ác nghiệp sẽ sáng chói đời này như trăng thoát khỏi mây."
Có nghĩa là những nghiệp ở quá khứ, hay là những nghiệp trước đây mà chúng ta đã làm, bây giờ chúng ta biết đó là ác nghiệp, chúng ta sợ hậu quả phát sanh lên một cách cay đắng thì bây giờ chúng ta không thể ngồi đó than thở hay ray rứt, mà chúng ta cần phải tích cực nỗ lực tu tập những thiện pháp đặc biệt, để thiện pháp đó làm chướng duyên cho ác nghiệp hay là nó làm nghịch duyên cho ác nghiệp, chúng ta gọi là chướng nghiệp hay là đoạn nghiệp, khi chúng ta làm như vậy thì chúng ta sẽ đạt được sự an vui.
Tướng cướp Angulimala lúc còn là một người cư sĩ là một tên tướng cướp hung dữ đã giết cả thảy 999 người, và cứ giết mỗi người cắt lấy ngón tay út bên tay phải xỏ xâu lại đeo trên cổ, và dần dần người ta gọi là Angulimala tức là người có vòng hoa bằng ngón tay, giết người thảm khốc như vậy, nhưng rồi chỉ sau khi nghe được một lời nói ngụ ý của Đức Phật thì Angulimala đã tỉnh ngộ và quăng bỏ gươm đao, dứt trừ tham vọng, để xuất gia và trở thành một vị A La Hán. Khi đã trở thành vị A La Hán rồi thì tất cả những nghiệp sát mà vị đó đã làm trước đây nó trở thành vô hiệu nghiệp (Ahosikamma) đối với sanh báo nghiệp, nghĩa là vị này sau đời sống này không còn đời sống khác, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, nên vị ấy sẽ không có bị quả của ác nghiệp giết người ở trong tương lai nữa, đây chúng ta gọi là đoạn nghiệp thiện để đưa vào cắt đứt quá trình trổ quả của ác nghiệp.
Vì thế cho nên đời sống của chúng ta tốt nhất là nên tạo những thiện nghiệp, chúng ta tạo phước thật dồi dào, thật nhiều, và chính cái phước báu đó sẽ bảo vệ bao che chúng ta, làm tấm chắn để cản trở ác nghiệp, nếu có trổ quả thì cũng nhẹ nhàng thôi, giống như là người ta dùng tấm vải để cản trở mũi tên bắn tới, mặc dù mũi tên vẫn bắn tới xuyên thủng và lao đi, nhưng nó đã hạ bớt tốc lực, còn nếu chúng ta dùng một tấm khiên đỡ thì mũi tên đó lập tức rơi xuống đất không đi tiếp tục, cũng như khi chúng ta tạo một thiện nghiệp nó có thể làm vô hiệu hóa ác nghiệp ở quá khứ, đó là cách mà chúng ta phải biết để chúng ta thực hành một cách tốt đẹp.