phapluan.net Trang Chính


Nên Chết Như Thế Nào

TT Giác Ðẳng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 22-4-2010


Ai cũng chết nhưng không phải tất cả cái chết đều giống nhau

Minh Hạnh chuyển biên

Bài kinh ngày hôm nay là một bài kinh mà chúng tôi đặt biệt ưa thích, và chúng tôi nghĩ rằng là một bài kinh mà mỗi chúng ta đều nên có dịp để suy ngẫm. Trong bài kinh này nói về một sự kiện mà nhiều người trong chúng ta rất là ngại khi nói đến đó là chúng ta nên chuẩn bị cái chết như thế nào.

Thật ra thì trong kho tàng kinh điển của Đạo Phật nói chung là có những tác phẩm rất nổi tiếng, có lẽ nổi tiếng nhất là bộ Tử Thư tức là the Book of the Dead hay nguyên tác là Bardo Thodol Chenmo, một tác phẩm của Tây Tạng. Nhưng tác phẩm đó tuy rằng rất nổi tiếng nhưng nói nhiều về những hiện tượng của những người sắp lâm chung và dựa trên một quan điểm của Phật Giáo Mật Tông.

Trong lúc đó thì nếu chúng ta đọc trong Tam Tạng Kinh Điển Pali thì chúng ta tìm thấy một điều rằng Đức Phật Ngài cho chúng ta những dẫn chứng rất cụ thể về sự chuẩn bị cái tâm thái của mình cho giờ phút lâm chung, và bài kinh này đặc biệt soi sáng điều đó.

Chúng tôi xin thưa hai điều rằng bài giảng ngày hôm nay sẽ phải giảng dài, chẳng những dài mà chúng ta sẽ đào sâu vào một số vấn đề có tánh cách chuyên môn, nhưng chúng tôi mong rằng qúi Phật tử sẽ tìm thấy được lợi ích về phương diện này và phương diện khác. Bài kinh có thể phân thành 3 đoạn chính, chúng tôi sẽ nói 3 đoạn đó như thế nào.

Trước nhất, chúng ta nói một chút về bối cảnh Đức Phật Ngài giảng bài kinh này và cũng là một điều rất thú vị. Lúc đó thì Đức Phật Ngài ở Đại Lâm, Vaishali. Và theo ở trong nhiều đoạn kinh nhất là trong luật tạng thì cho chúng ta thấy rằng thời Đức Phật còn tại thế trong các tu viện lớn đôi khi có vài ngàn vị tỳ kheo ở là thường. Vào thời xưa chư tăng thường không phải lúc nào cũng ở liêu cốc, mà chư tăng ở dưới gốc cây do vậy những khu vườn những nơi mà các thí chủ cúng dường cho Đức Phật như là chùa Kỳ Viên, chùa Trúc Lâm hay là Nigrodharama, và đa số là đặt nặng về vấn đề vườn cây, có một số am thất cho Đức Phật và Chư Tăng nhưng mà con số đó không có nhiều, con số nhiều nhất là chư tăng sống tại các cội cây rất là nhiều, và đồng thời tổ chức ở trong chùa tuy rằng hết sức là đơn giản không có nhiều như ngày nay nhưng cũng có một vị Thủ Chúng, giả sử như chúng ta nghe câu chuyện ở trong chùa có một vị chịu trách nhiệm về các đặt của Chư Tăng sẽ đi trai tăng ở nhà nào và bao nhiêu vị đi theo lời thỉnh cầu của thí chủ chẳng hạn. Thì trong trường hợp này ở trong chùa cũng có một nhà dưỡng bịnh hay là bịnh xá, tại sao gọi là nhà chữa bịnh, là tại vì khi Chư Tăng bịnh mà ở chung với những vị khác thì không tiện có khi lây bịnh và thứ nữa khi đưa đến bịnh xá thì thường thường là những người cư sĩ đi qua lại họ đặc biệt chăm sóc cho chư tăng thì họ biết rằng vị nào bịnh, vị nào cần sự quan tâm, ví dụ như cần thuốc gì cần chăm sóc như thế nào, đời sống chư tăng ở đông thì tự nhiên phải như vậy. Đây là một bài kinh mà Đức Phật đến một nơi để chữa bịnh chúng ta tạm gọi là bệnh xá phòng chữa bệnh của Chư Tăng ở tại Đại Lâm ở Vaishali. Tại đó Đức Phật Ngài gặp một số Chư Tỳ Kheo có lẽ trong số này chỉ có một vài vị là khỏe còn phần đông những vị khác là bệnh và Đức Thế Tôn Ngài đã ban cho những lời dạy này. Những lời dạy này thì chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật Ngài đặc biệt giảng cho Chư Tỳ Kheo là những vị tập trú vào đời sống tu tập, những vị đó rất quen thuộc với ngôn ngữ và cách hành đạo mà Đức Phật giảng cho Chư Tăng, do vậy qúi Phật tử theo dõi bài kinh này chúng ta nên kiên nhẫn một chút.

Bây giờ chúng ta đi vào đoạn đầu ở đây Đức Phật Ngài nói có một dụng ngữ một cụm từ ở trong kinh gọi là "đã đến thời" hay là chúng ta nói "trong giai đoạn hấp hối" hay là "những lúc sắp lâm chung" thì Đức Phật Ngài đặc biệt soi sáng là một vị tỳ kheo hay là một người tu tập hay là một người hiểu đạo thì nên làm gì ở trong lúc sắp lâm chung đó. Thì cho dù chúng ta nói thế nào đi nữa thì mỗi chúng ta đều phải đi qua cái giai đoạn này của cuộc sống, cái chết là một điều chắc chắn mà không sớm thì muộn không chóng thì chày tất cả chúng ta đều phải đi qua cái chặng đường sanh tử. Cái cửa ải này chúng ta có qua được hay không và qua như thế nào thì chúng ta cố gắng để đọc bài kinh này.

Ở đây thì Đức Phật Ngài nêu lên hai từ và rất là lợi ích cho chúng ta khi mà Đức Phật Ngài định nghĩa hai từ đó, đó là Chánh Niệm và Tỉnh Giác ở trong tiếng Phạn gọi là sati và Sampajanna. Qúi vị nên hiểu một chút về chữ sati và chữ Sampajanna, Ngài Hộ Tông và nhiều vị khác ở Việt Nam thường dịch là ghi nhớ và biết mình, HT Minh Châu dịch là Chánh Niệm và Tỉnh Giác. Chánh niệm là khả năng ghi nhận, ghi nhận đối với cái gì xảy ra và tỉnh giác là khả năng tỉnh táo đối với cái gì đang xảy ra. Khả năng ghi nhận này Đức Phật Ngài định rõ là khả năng ghi nhận đối với thân, đối với thọ, đối với tâm, và đối với Pháp.

Đối với thân.

Tức là những hành tướng liên quan đến thân của chúng ta, thí dụ như hơi thở ra hơi thở vào hay là tất cả những hiện tượng mang tánh cách biến đổi sanh diệt di động tập hợp liên quan đến thân, chúng ta đọc ở trong bài Thân Quán Niệm Xứ thì chúng ta thấy. Thân thì rất dể để ghi nhận, ví dụ như khi nãy mình ngồi không tê chân bây giờ cảm giác tê chân bắt đầu xuất hiện thì chúng ta thấy rằng cái thân nó đang có một vài diễn biến và từ cái tê chân đó chúng ta đứng dậy thay đổi oai nghi, hay hoặc giả là lúc bước bình thường nhất mà cơ thể không có chuyện gì thì chúng ta có thể nhìn thấy được hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở vào và hơi thở ra là một sự biến động liên tục của thân, cái khả năng nhìn vào thân là một ở trong những bài học căn bản và vỡ lòng cho hành giả tu tập chánh niệm tức là có để tâm, có hướng tâm, có chú ý, và cái chú ý đủ bền, đủ rõ, đủ mạnh. Chúng tôi lấy một ví dụ là những người mới hành thiền thì hơi thở mờ ảo, chúng ta mới nhìn thì chúng ta cảm thấy mình đang ngưng thở lại và một lúc chúng ta lại bắt mình thở theo ý mình hoặc giả là hơi thở nó hiện diện như một cái gì chập chờn, chợt có chợt không, chợt đến chợt đi, nhưng chúng ta tập càng lâu thì chúng ta sẽ giữ được một tư thế rất khách quan, thở ra thở vào thì chúng ta có thể nhìn cũng giống như một đêm nào đó mà mình nằm chung một phòng với một người khác họ đang ngủ, cái hơi thở của họ mình có thể nghe được sự bắt đầu và kết thúc, mình không có xen vào, họ thở thì cứ thở, chúng ta cứ lắng nghe thì chúng ta có thể nghe được hơi thở vào hơi thở ra, thì cái khả năng mà nhìn vào hơi thở, khả năng nhìn vào những diễn biến của thân mà chúng ta gọi là Thân Quán Niệm Xứ chúng tôi nói đó là bài học vỡ lòng, tức là bắt đầu tu tập chánh niệm thường là chúng ta học như vậy, nhưng mà rồi nó cũng là bài học cơ bản bởi vì tất cả những hiện tượng khác có khi nó có, có khi nó không, ví dụ như cảm thọ, ví dụ như trạng thái này hay trạng thái kia cũng có, nhưng mà hơi thở lúc nào cũng có và hơi thở lúc nào cũng liên tục, hơi thở lúc nào cũng có hai nhịp độ, thành ra cái khả năng gọi là bền, cái nước bền của chánh niệm là khả năng ghi nhận thì lấy thân làm căn bản.

Đối với thọ

Khả năng chánh niệm đối với thọ, thọ ở đây là hoặc vui hoặc buồn, hoặc không vui không buồn. Thì chúng ta ít khi nào nhìn vào cảm thọ của mình mà chúng ta chỉ phản ứng đối với cảm thọ của mình. Lấy ví dụ như cảm thọ lạc khởi lên thì chúng ta gọi là suôi chiều, chúng ta suôi theo đó mà chúng ta cảm thấy khoan khoái, chúng ta bám víu, chúng ta muốn được nhiều hơn, chúng ta tận hưởng, nhưng ít khi nào chúng ta ngồi lại nhìn; À, cảm thọ lạc hay cảm thọ khổ khởi lên hay phiền muộn, hay là cái gì đó thì chúng ta chỉ ghi nhận. Cái ghi nhận nó hơn là bám víu, hơn là chạy theo, hơn là phản ứng. Cái ghi nhận đó nó là một chuyện phải tập chứ không phải không tập được, cái khả năng ghi nhận đó đối với thọ.

Đối với Tâm.

Khả năng ghi nhận đối với tâm ở đây là những trạng thái biết. Thí dụ như mình đang ganh tị với người khác mình biết tâm mình đang ganh tị, cái tâm mình đang hận thù người khác mình biết tâm đang hận thù, tâm mình hướng thượng mình biết là tâm hướng thượng, tâm mình đang trong sạch mình biết là trong sạch, tâm mình ô nhiễm biết mình ô nhiễm. Cái đó khó. Tại vì tâm là một thế giới rất chủ quan của đời sống con người. Qúi vị thấy đâu có bao giờ mà chúng ta đang ganh tị người khác mà mình nói là mình ganh tị đâu. Chúng tôi có nghe trong những người uống rượu có khi họ say mà họ nhận là họ say, nhưng cũng có một số người có thể nhận ra là mình đang say. Có một lần chúng tôi thấy có một anh Phật tử ghé chùa làm việc gì đó xong anh đưa chìa khóa cho người vợ nói "hôm nay anh uống rượu hơi say một chút, em lái xe." Thì thưa qúi vị chúng tôi nghĩ rằng một người say mà có thể nhận ra mình đang say như vậy thì chuyện rất là tốt, ít nhất là cũng còn có khả năng biết mình là ai. Nhưng thông thường thì chúng ta rất chủ quan. Ví dụ như là mình đang ganh ghét người khác, hay mình đang ganh tị người khác, hay mình đang có tâm thù hận người khác, nhưng khi có người nói thì mình dẫy nảy nói "không tôi đâu có như vậy đâu", "tôi đâu có giận ai" "tôi đâu có ganh với ai tôi đâu" thì cái khả năng nhìn vào tâm mình như thế nào mình nhìn như vậy là khả năng rất là khách quan. Nó khách quan đến độ mà vấn đề đối với hành giả không phải là xấu hay là tốt, không phải là người ta khen mình thế nào, không phải người ta chê, không phải biện hộ mình thế nào mà mình chỉ nhận trạng thái tâm đó đang khởi nơi chúng ta. Đây là trạng thái rất kỳ diệu mà người có khả năng ghi nhận, người có khả năng chú ý, người có khả năng để cảm được, để biết được cái gì đang xảy ra thì cái chuyện đó không dễ dàng. Bởi vì chúng tôi đã nói trong đoạn đầu là chúng ta rất là chủ quan, chẳng những chủ quan mà mình luôn luôn binh vực bào chữa biện hộ. Đôi khi chúng tôi ở trong những trạng huống đi chung với một số người mà họ cãi nhau, mà chúng ta thấy rõ rằng là các vị đang giận đang phiền nhưng mà những vị đó không nhận như vậy, các vị nói "tôi đâu có giận đâu", "tôi đâu có phiền đâu" "tôi đâu có ghét ai đâu" nhưng mà thật sự các vị đang giận đang phiền não đang ghét. Nên chi cái khả năng nhìn vào trạng thái tâm của mình nó là một thứ bản lãnh rất đặc biệt của chánh niệm, những lúc hành giả nhìn là không cần biết người ta phán đoán mình ra sao, nó là sao cũng được, nó chỉ có vấn đề là mình ghi nhận nó thôi.

Đối với Pháp.

Và sau cùng là khả năng tập trú vào gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Pháp quán là gì? Có nhiều khi chúng ta không hiểu Pháp Quán Niệm Xứ thì chúng ta hay dễ lầm lẫn với những thứ khác, thật ra Pháp Quán Niệm Xứ nó đơn giản ở một điểm là chúng ta có thể nhìn thấy sự việc theo một mô thức hay trong một chủ đề nhất định. Chúng tôi lấy ví dụ như là mình tham khi niệm tâm, khi chúng ta nói đây là tâm tham nhưng khi niệm pháp thì mình thấy rằng tham là một pháp ngăn ngại, mình biết đây là tâm tham là một triền cái nếu chúng ta niệm 5 triền cái. Giả sử như mình hiểu là tâm tham khiến cho mình không định tâm được, bây giờ mình ngồi xuống nhưng mình nghĩ rằng mình mới mua bộ quần áo mới, hay là cảnh ở ngoài trời đẹp quá mình muốn ra ngoài trời, hay là ở dưới bếp có món thức ăn ngon quá mình muốn xuống ăn. Do tâm mình hướng như vậy thành ra mình không thể ngồi tập trung được, tập trung ngay trong hiện tại được. Thì tâm tham đó được ghi nhận là một thứ triền cái. Tại sao nó là một thứ triền cái? là bởi nó đang cản trở cái định, qúi vị nhớ tâm tham cản trở định, giống như là tâm sân cản trở sự hân hoan. Thì khi hành giả có thể nhìn thấy được trạng thái tham và nhìn thấy được cái tính ngăn ngại của triền cái thì hành giả đang quán về 5 triền cái hoặc quán về Tứ Đế, đây là Khổ, đây Tập, đây là diệt, đây là Đạo. Thì những tương quan của các pháp mà những tương quan thường nằm ở trong các chủ đề, như qúi vị đọc trong Pháp Quán Niệm Xứ là quán theo Thất Giác Chi hay là quán theo 5 triền cái, quán theo Tứ Đế, những cách quán đó là quán theo những thể tài, nhưng người này phải là người có căn bản về Pháp học, có căn bản pháp học rồi áp dụng pháp hành thì sẽ thấy rằng cái pháp nó diễn ra. Thì thưa qúi vị bốn pháp là thân thọ tâm pháp không phải là chúng ta tự nhiên mà có thể ghi nhận được, cái bản lãnh không phải là dễ dàng. Hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị là khả năng ghi nhận đôi khi chúng ta rất chủ quan. Như trong kinh Đức Phật nói là tâm hướng thượng biết tâm hướng thượng, tâm hạ liệt biết tâm hạ liệt, mới nói thì rất là dễ nhưng mà nó không dễ. Tại vì sao? Có nhiều người uống rượu say mà nói anh đang say, họ nói tôi không có say. Tâm mình hạ liệt mà mình nói tâm mình hạ liệt thì thật ra mình không có nhận. Tại vì tính của mình luôn luôn biện hộ bao che với chính mình. Do đó rất là khó để mình nhìn thấy nhiều góc cạnh khác nhau trong lòng của mình, tâm mình nó có định, nó có không định, nó có hướng thượng, nó có hạ liệt, nó có thô thiển, nó có tế nhị, nhiều trạng thái đối ngược nhau. Nhưng khả năng của hành giả là phải nhìn thấy mọi sự vật một cách khách quan đủ để thừa nhận. Tốt thì nhận là tốt, xấu thì nhận là xấu, cao nhận là cao, thấp thì nhận là thấp, thì cái khả năng nhìn nhận đó, cái khả năng tập trú để ghi nhận đó gọi là: Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, cái đó Đức Phật gọi là chánh niệm.

Tỉnh giác thì như thế nào?

Ngài Ajahn Cha Ngài thí dụ Chánh Niệm và Tỉnh Giác như vầy. Ngài đưa ra một thí dụ rất dễ hiểu, Ngài nói một vị tỳ kheo đi bát đi khất thực để ý theo dõi từng bước chân mình, chân mặt bước, chân trái bước, biết như vậy gọi là có chánh niệm. Nhưng chỉ để ý vào bước chân của mình mà không thấy được đường đi, không thấy được lối về, cứ lo đi theo bước chân mình mà đi quá đường đi lạc đường thì vị đó có chánh niệm mà không có tỉnh giác. Điều đó có nghĩa là khả năng tỉnh giác ở đây là một khả năng toàn diện có thể ghi nhận được cái hành trạng đến đi lui tới hoạt động. Chúng tôi lấy một ví dụ khi mình lái xe thì sự chánh niệm là mình đem sự chú ý của mình, mình biết là mình đang làm gì, nhưng cái tỉnh giác của mình là mình có đủ sự bén nhạy đối với những chiếc xe chung quanh mình và đủ bén nhạy đối với con đường mình đi, chỗ quẹo trái, quẹo phải. Nếu mình chỉ ngồi mình lo nhận là mình đang đạp ga, mình đang quẹo trái, đang quẹo phải, nhưng mình không có một ý thức toàn diện thì thật sự mình đi sẽ bị lạc. Do đó cái tỉnh giác ở đây được hiểu là một cái nhìn mà chúng ta nói là đại phương đắc thể, chúng ta phải nhìn đại thể chung để mà nhìn vấn đề một cách toàn diện. Nếu nói theo công sở làm thì chánh niệm giống như một người manager, còn tỉnh giác giống như một người directer là người đưa ra phương hướng nắm rõ hướng đi.

Đa phần chúng ta quan niệm những giờ phút quan trọng nhất là chúng ta cần cầu nguyện và thậm chí nhiều người họ nói rằng cầu nguyện là phương pháp tốt nhất để trấn an tâm thần của mình, nhưng chúng ta đừng quên rằng khi chúng ta càng cầu nguyện thì có nghĩa là chúng ta càng bám víu, chúng ta càng chí thiết có nghĩa là chúng ta càng sợ hãi. Qúi vị thấy rằng khi đời sống thanh thản thì họ không cầu nguyện nhiều, mà nhiều khi đời sống càng lo sợ họ càng cầu nguyện nhiều và cái cầu nguyện đó có khi nó phản tác dụng ngược là nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng chúng ta được trấn an nhưng mà kỳ thật cái cầu nguyện chỉ nói lên một điểm là chúng ta đang rất lo sợ và càng lo sợ nhiều hơn, giống như đứa con mà kêu mẹ ơi mẹ, mẹ giúp cho con cái này mẹ giúp cho con cái kia thì lúc đó đứa con đang rất sợ hãi. Thật ra ở trong đoạn đầu Đức Phật Ngài đặc biệt nhấn mạnh là Chánh Niệm và Tỉnh Thức.

Sang đoạn thứ hai của bài kinh này sau khi Đức Phật định nghĩa thế nào là Chánh Niệm thế nào là Tỉnh Thức thì Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng một người sắp lâm chung thì cái mà thường thường ngự trị trong lòng họ đó là cảm giác. Chúng ta nói cảm giác ở đây Đức Phật gọi là cảm thọ, thì con người của chúng ta có ba cái cảm thọ mà Đức Phật Ngài nói rất là tổng quát và rất là giản dị ở tại đây cho chúng ta hiểu đó là: Cảm giác dễ chịu mà gọi là Lạc Thọ, cảm giác khó chịu gọi là Khổ Thọ và cảm giác không khổ không lạc mà có khi chúng ta gọi là Xả Thọ. Nhưng đại khái là ba cái cảm giác đó nó tạo cho chúng ta ba phản ứng, thông thường thì đời sống hàng ngày của chúng ta đều bị trói buộc bởi cả ba cái cảm giác này.

Ở đây chúng ta nên lưu ý rằng một người sắp lâm chung thì thường bị chi phối bởi cảm thọ và Đức Phật Ngài dạy rằng con người cảm thọ lạc với sự trói buộc, cảm thọ khổ với sự trói buộc, cảm thọ không khổ không lạc cũng với sự trói buộc, và vấn đề đó nằm ở tại đây.

- Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: "Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này, nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?"

Ở đây, ngay cả trong sự tu tập tinh tấn của một người hành giả thì chắc chắn là nó sẽ khởi lên trạng thái an lạc, ví dụ như là qúi vị làm phước hay đi chùa hay làm việc thiện thì thường nó có kết quả là sau khi làm xong thì mình hoan hỉ. Hành thiền cũng vậy, hành thiền cũng được hoan hỉ và cái hoan hỉ đó khởi lên thì nó lại đưa chúng ta một tình trạng đó là chúng ta hay bám víu vào chuyện đó. Cái cảm thọ thì nó không có vấn đề, cảm thọ lạc đối với thiện pháp nó không có vấn đề, nhưng chuyện dính mắc của chúng ta đối với chuyện đó nó là vấn đề. Chúng tôi lấy một ví dụ là nhiều khi mình gặp nhau hay mình làm công việc gì đó ở trong một giai đoạn nào đó mình cảm thấy nó rất vui, về sau này giai đoạn đó qua rồi thì chúng ta hay tưởng tiếc hay hoài niệm và hay cố gắng tìm trở lại cảm giác đó, nhưng cảm giác đó đi qua rồi nó không trở lại được nữa, thì con người của chúng ta ngay cả trong lúc tu tập do sự tiến bộ sự tu tập mang lại một số cảm giác thật sự là hưng phấn, thật sự là an lạc, thật sự là hân hoan, thật sự là khinh an, và người ta có thể bám víu vào đó. Thì Đức Phật Ngài khuyên rằng nên buông ra đừng có cảm thọ lạc vào sự ràng buộc.

Buông bằng cách nào?

Đức Phật Ngài dạy chúng ta buông là:

- Cái lạc thọ này khởi lên nơi ta, lạc thọ ấy có duyên chứ không phải là không có duyên.

Chúng tôi lấy ví dụ là bây giờ ngọn đèn cháy sáng là nhờ dầu, bây giờ không phải chỉ có ngọn đèn không mà còn phải có dầu nữa. Hay là bây giờ là qúi vị đến ở một khách sạn rất là đẹp, vô cứ hưởng thụ khách sạn rất là đẹp nhưng qúi vị nhớ rằng ở khách sạn đẹp thành ra mình phải trả tiền nhiều, do mình trả tiền nhiều nên ở khách sạn đẹp, thì khi mình nghĩ đến cái chuyện trả tiền nhiều mình thấy rằng nó không nhất thiết mình ở khách sạn hoài tại vì ở khách sạn đẹp hoài mình phải trả tiền nhiều. Nó có duyên chứ không phải là không có duyên. Thì tất cả những cảm giác nào sanh khởi chúng ta nó đều phải có cái gốc, cái nguồn, cái cơ sở. Cái gì mà Đạo Phật gọi là cái duyên và cái duyên đó là do cái thân này, đến từ thân này. Do có thân này do đó nó mới có khổ có lạc. Nhưng thân này là giả hợp là vô thường thì cái thân này tự nó là vô thường. Mà cái cảm thọ nào do thân mang lại thì dĩ nhiên nó cũng vô thường, nó không thể thường trú được.

Qúi vị nhớ là khi mình bám víu vào điều gì thì mình phải nghĩ rằng nó phải tồn tại, phải lâu dài, phải ổn định, nhưng mà rồi cái gốc của nó không ổn định. Như qúi vị đi làm ăn buôn bán rồi qúi vị gặp một người nào đó giao dịch và qúi vị rất là thích, nhưng qúi vị nên nhớ rằng mình giao dịch với người đó mình thích là một lẽ nhưng mà người đó làm việc cho công ty nào, và công ty đó nó có bền vững hay không, nếu công ty đó nó là công ty phá sản là công ty không ổn định thì dầu cho cái người họ đến giao dịch với mình là một người rất là tốt thì mình cũng không thể giao dịch với người đó được. Tại vì sao? Vì người đó đến từ công ty đó mà công ty không có ổn định. Thì tất cả những cảm giác gì mà nó hiện khởi lên ở nơi chúng ta, hoặc vui, hoặc buồn, hoặc không vui không buồn, nó đến từ cái thân. Câu "do duyên từ thân này" chúng ta phải suy ngẫm thật nhiều, chúng ta phải có nhiều thì giờ để trắc nghiệm thì chúng ta mới hiểu tại sao tất cả những thứ đó đến từ thân này và rõ ràng khi chúng ta kề cận cái chết thì cái thân này nó vô thường, và nếu nó đến từ thân này vô thường thì tại sao chúng ta phải bám víu nó là thường trú được, nó là vĩnh viễn được.

- Và do vậy vị ấy trú quán vô thường đối với thân và lạc thọ.

Quán vô thường đối với cả gốc lẫn ngọn luôn. Thân là gốc và lạc thọ là ngọn.

- Vị ấy trú quán tiêu vong

Tức là quán thân này bị diệt thì cái cảm thọ đó cho dù nó tuyệt vời đến đâu, cái cảm thọ đáng hoan hỉ đến đâu thì nó cũng bị tiêu diệt.

- vị ấy quán ly tham.

Quán ly tham tức là mình buông nó ra mình không bị dính mắc không bị cột vào.

- vị ấy quán đoạn diệt

Tức là quán thấy rằng những thứ đó rồi nó đi đến. Thật ra thì về sau này người ta hay nói đến tánh không, nhưng mà đúng ra thì đạo Phật thì thường thời Đức Phật còn tại thế thì nói đến tính đoạn diệt của các pháp, tức là không phải nói là các pháp rơi vào chỗ hư vô, mà chính là nói rằng những pháp đó hiện hữu rồi nó sẽ biến mất.

- vị ấy trú vào quán từ bỏ (cái này rất là quan trọng)

Nhờ có quán tiêu vong, có quán ly tham, quán đoạn diệt, thì vị đó mới quán được từ bỏ, tức là mình chịu nhả nó ra, mình chịu buông nó ra.

- do vị ấy trú quán vô thường, vị ấy trú quán tiêu vong, vị ấy trú quán ly tham, vị ấy trú quán đoạn diệt, vị ấy trú quán từ bỏ, đối với thân, đối với lạc thọ, nên tham tùy miên đối với thân và đối với lạc thọ được đoạn diệt.

Cái tham tùy duyên ở đây tức là sợi dây dính mắc, sợi dây cột và do vậy khi mà vị này có thể nhìn vào cái gốc cái ngọn của vấn đề mà cảm thấy mình nhả ra được, mình buông ra được, mình không dính mắc được, thì vị này đoạn được tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt.

Đoạn sau cũng tương tựa như vậy, nhưng Đức Phật Ngài nói đến cái khổ thọ. Cái khổ thọ nó cũng giống như lạc thọ, nó là một chuyện mà làm cho chúng ta lúng túng, cái khổ thọ nó cũng giống như lạc thọ là một chuyện mà làm chúng ta cảm thấy bận tâm rất nhiều không biết phải giải quyết như thế nào đối với khổ thọ, thì Đức Phật Ngài dạy rằng:

- "Khổ thọ này khởi lên nơi ta. Khổ thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời khổ thọ được khởi lên, làm sao thường trú được?"

Thì qúi vị thấy rằng ở trong cả cái lạc và cái khổ, phản ứng của chúng ta thường phản ứng như là cái việc đó nó sẽ vĩnh viễn, nó sẽ hoài hoài. Thật ra nó không thể nào vĩnh viễn, mỗi thứ nó chỉ có một giai đoạn thôi. Chúng ta cứ ngó lại tất cả những xảy ra chung quanh chúng ta từ thiên tai động đất cho đến những chuyện buồn phiền trong gia đình, những buồn phiền những người ở chung quanh mình. Nhiều khi chúng ta ngồi đối diện thì chúng ta thấy nó như một trái núi lù lù đó, chúng ta cảm thấy vấn đề đó nó hầu như nó sẽ ăn đời ở kiếp, nó sẽ vĩnh viễn có mặt ở đó. Nhưng thật sự Đức Phật nói là không phải. Những cái chúng ta thấy rất lớn, chuyện ở trong đời sống, khổ cũng vậy mà vui cũng vậy, những cái mà chúng ta bận tâm rất nhiều, bối rối rất nhiều thật ra nó chỉ là giai đoạn thôi, thật ra nó đến rồi nó đi, nó không thể nằm một chỗ. Vạn pháp luôn luôn biến đổi. Nhưng vấn đề của chúng ta là khi mình phản ứng thì mình không bao giờ nghĩ như vậy, khi mình phản ứng mình nghĩ rằng nó có một vấn đề mà sẽ nhức nhối, sẽ nằm đó, và nếu mình không làm chuyện gì đó thì nó sẽ nằm đó vĩnh viễn nó sẽ không đi đâu hết. Nhưng thật sự nó sẽ đi, thật sự nó sẽ dời động. Về điểm này thì chúng ta ráng nghiệm lại ở trong đời sống hằng ngày của chúng ta khi một người mà mình rất ghét hay là một người rất thương. Người rất thương thì chúng ta cũng mong rằng người đó sẽ ở bên mình lâu dài và người rất ghét thì chúng ta cũng mong rằng làm sao người đó đi đừng ở lâu dài. Cả hai vấn đề thương và ghét nó đều cho chúng ta một quán tính là chuyện đó nó vĩnh viễn nó lâu dài, nó ăn đời ở kiếp, nó không bao giờ thay đổi. Thật ra nó không phải như vậy. Nó sẽ thay đổi. Người thương rồi cũng bỏ mình, người ghét rồi cũng bỏ mình, cuộc đời không bỏ mình thì mình cũng bỏ cuộc đời. Cái chuyện ở trong cuộc sống nó luôn luôn là một vấn đề là biến dịch, nó luôn luôn là vấn đề vô thường đổi thay, có sanh có diệt, và chúng ta thấy nó trùng trùng điệp điệp như vậy, nhưng mà thật sự nó như là một mớ bong bóng nước nhìn ở xa thì nó nguyên trạng như vậy trong năm phút mười phút, nhưng mà chúng ta nhìn gần thì hết cái này nổi lên thì lại vỡ đi, vỡ đi cái khác nổi lên, nó thay đổi từng lớp. bây giờ qúi vị lật tờ báo ra bao nhiêu câu chuyện của nước Mỹ, bao nhiêu câu chuyện của tổng thống Obama, bao nhiêu câu chuyện của kinh tế suy thoái, bao nhiêu câu chuyện của không phận Âu Châu bị đóng cửa rồi mở cửa v.v... Nhưng những việc đó thực ra chỉ có thể tồn tại ở trong một cái, mình thấy nó lớn chuyện,ình thấy giống như nó nằm hiển hiện trước mắt mình không thay đổi, nhưng mà thưa qúi vị nghĩ lại đi, chúng ta nghĩ lại một năm trước những vấn đề đang xảy ra đang lớn chuyện ngày hôm nay một năm trước nó không có, và một năm sau rồi nó cũng đi thôi. Mình muốn giữ nó lại nó cũng không ở lại, muốn bám víu thì nó cũng không ở lại, mà mình muốn xua đuổi nó thì nó cũng không đi. Đuổi nó không đi, mà giữ nó cũng không ở. Đó là vấn đề của đời sống. Khi nó đến thì nó đến, khi nó đi thì đi, nó có tự tánh riêng của nó, và mình có tự tánh riêng của mình.

Thành ra ở đây khi Đức Phật Ngài nói đến rằng một ở trong những điều mà chúng ta phải đối diện với đời sống, đối diện với chính mình, đối diện khi mà chúng ta sắp lâm chung đó là cảm thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không khổ không lạc, nhưng cả ba điều này nó đều mang tính là làm cho chúng ta chấp giữ, nghĩa là chúng ta bám vào, không phải chúng ta bám vào chúng ta bám được, nhưng mà chúng ta dán lên một cái nhãn là cái đó nó sẽ như vậy hoài, mà Đức Phật Ngài nói nó sẽ vô thường, tại vì sao? cái mà chúng ta thấy chỉ là cái ngọn mà cái gốc của nó là cái thân này, cái gốc mà nó vô thường thì nói gì đến cái ngọn, cái ngọn nó cũng vô thường thôi.

Trong đoạn tiếp theo chúng ta thấy rằng quán về khổ, lạc rồi sau đó quán về không khổ không lạc, thì chúng ta nhớ coi chừng cảm giác của mình, Ngài Ajahn Chah Ngài nói rằng một ở trong những bài học mà hành giả phải học khi hành thiền là đừng quá tin vào cảm giác của mình, chúng ta rất dễ tin vào cảm giác là nó như vậy, nó vĩnh viễn như vậy không thay đổi, thật ra nó chỉ là cảm giác mà thôi.

Ở trong đoạn số 9 mà chúng tôi đọc đó là:

- Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường". Vị ấy tuệ tri: "Ta không chấp trước thọ ấy". Vị ấy tuệ tri: "Ta không hoan hỷ thọ ấy". Nếu vị ấy cảm thọ khổ thọ... Nếu vị ấy cảm thọ bất khổ bất lạc thọ, vị ấy tuệ tri: "Thọ ấy là vô thường". Vị ấy tuệ tri: "Ta không chấp trước thọ ấy". Vị ấy tuệ tri: "Ta không hoan hỷ thọ ấy".

Ở đây Đức Phật Ngài có nói thêm một đoạn là:

- Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc.

Cái không bị trói buộc đó là một cụm từ rất quan trọng, không bị trói buộc là gì đó, là cái gì nó đến thì để cho nó đến, cái gì nó đi thì để cho nó đi, cái sự trói buộc đó nó làm cho chúng ta bị cột dính liền, bị cột trói vào đó một cách không cần thiết, và đau khổ không cần thiết, tất cả cái hệ lụy của đời sống nó đến đều do sự trói buộc. Đức Phật Ngài dùng chữ kiết sử, dùng chữ thằng thúc, dùng chữ trói buộc, để Ngài cho chúng ta thấy rằng tại vì chúng ta bị cột vào do đó nó có vấn đề.

Và do vậy vị đó cũng giống như vị hành giả tu tập thì cũng giống như tất cả mọi người có cảm giác lạc thọ, cảm giác khổ thọ, cảm giác không khổ không lạc.

Nhưng vị đó khác chăng đó là cảm giác lạc thọ như là một người không bị trói buộc.
Cảm giác khổ thọ như là một người không bị trói buộc.
Cảm giác không khổ không lạc như là một người không bị trói buộc.

Và ở đây có một điều mà chúng ta nên nhớ trong đời sống là khi bước qua cửa ải sanh tử thì cái trọng điểm của bài thi mà chúng ta phải làm cho được đó là làm sao đừng để bị trói buộc. Hễ chúng ta đi qua đó mà không bị trói buộc thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng mà chúng ta thường không làm như vậy. Chúng ta không cố chấp với tài sản, với danh vọng, với những việc mà bình sinh mà vẫn còn theo đuổi. Hay là với người thân thì chúng ta cũng dính mắc. Với thân này cũng dính mắc, với thân này thì chúng ta cũng phản ứng làm chuyện bực bội, hay là dính mắc đối với cảm thọ.

Thì Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng một trong những yếu tính ở tại đây là làm sao mà chúng ta có thể cảm giác lạc thọ, cảm giác khổ thọ, cảm giác không khổ không lạc, với tư thế của một người không bị trói buộc.

Và thêm nữa đoạn thứ 11

- Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân". Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng". Vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, một cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".

Khi chúng ta đọc đoạn này thì chúng ta hiểu rằng cuối cùng khi cái chết nó đến thì nó phải trải qua một giai đoạn có thể rất là ngắn, nhưng mà cái giai đoạn đó là cái cơ thể chúng ta nó phải chịu đựng một cảm giác mà cảm giác đó nó không còn chịu đựng được nữa thì hết chuyện. Cái tận cùng mà không chịu đựng được nữa thì đúng là chúng ta gọi là nhắm mắt suôi tay. Nhắm mắt suôi tay nghĩa là mình chết có nghĩa là ra đi. Nhưng mà trong cái nhắm mắt suôi tay của một vị hành giả thì vị đó hiểu rằng mình đã cảm thọ đến mức độ tận cùng, và khi nhắm mắt suôi tay có nghĩa là cái cảm thọ khổ thọ đó nó không còn nữa, nó được chấm dứt, sẽ đi đến lắng dịu. Và vấn đề ở đây là chúng ta không làm lớn chuyện về chuyện đó, đồng ý là nó đã đạt đến mức độ tận cùng mà mình không chịu được nữa, nhưng mà sau cái tận cùng mình không chịu được nữa đó thì nó sẽ đi đến lắng dịu.

- Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim bấc, một ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc khô cạn, cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm, ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân". Khi vị ấy đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: "Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng". Vị ấy tuệ tri rằng: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu".

Tại sao chúng ta phải thấy rằng mọi cảm thọ mà không đáng hoan hỉ đi đến lắng dịu là để chúng ta đừng phản ứng quá đáng về chuyện đó. Tại vì thế nào? Tại vì mình nghĩ rằng khi mình đến chỗ tận cùng thì mình rất sợ hãi, mình sợ hãi sự tận cùng đó, rồi cuối cùng mình biết rằng nó sẽ phải đi đến lắng dịu.

Ở trong bài học ngày hôm nay thì thật ra chúng ta mất gần 1 giờ đồng hồ để thảo luận về điều Đức Phật Ngài dạy là chúng ta nên chuẩn bị như thế nào cho giờ phút chúng ta kề cận cái chết, khi thời đã đến là kề cận cái chết. Và Đức Phật nói rõ là Ngài muốn chúng ta kề cận cái chết với tâm Chánh Niệm và Tỉnh Giác.

Chánh niệm ở đây được định nghĩa đó là khả năng ghi nhận những gì xảy ra đối với thân, thọ, tâm, pháp.
Tỉnh giác ở đây là khả năng tỉnh táo ở trong mỗi tình huống.

Và trong cái Chánh Niệm và Tỉnh Giác này Đức Thế Tôn đã nói thêm là một điều mà chúng ta phải đương đầu rất nhiều đó là cảm thọ hay là cảm giác. Cái cảm thọ đó nó có thể là vui, là lạc, là khổ, có thể là không lạc không khổ. Nhưng mà dầu lạc, dầu khổ, không lạc không khổ, thì một điều tốt nhất mà chúng ta nên cảm thọ đó là làm thế nào mà cảm thọ đó với trạng thái không bị trói buộc, như một người không bị trói buộc.

Còn nếu mà cái gì sanh khởi, dầu là lạc, dầu là khổ, dầu là không khổ không lạc, như là một người trói buộc thì chúng ta có vấn đề.

Để có thể đạt được trạng thái như người không bị trói buộc, thì Đức Phật Ngài đặc biệt dạy chúng ta nên:
Quán về Vô Thường.
Quán về tiêu vong.
Quán về đoạn diệt.
Quán về từ bỏ.

Quán bằng cách nào? Là chúng ta thấy rằng những cảm giác đó chỉ là cái ngọn nhưng mà nó có được là do duyên thân này. Cái thân này chính là gốc của nó. Cái thân này là nền tảng của nó. Cái thân này còn vô thường thì những cảm thọ đó nó không thể lâu dài được. Đối với chúng ta tất cả những vấn đề mà làm cho chúng ta giận dữ, làm cho chúng ta cảm thấy âu sầu, cảm thấy trằn trọc không ăn không ngủ được là tại thường chúng ta tự trong thâm tâm nghĩ rằng việc đó sẽ vĩnh viễn hoặc giả nó sẽ kéo dài rất lâu, lâu đến nỗi mà chúng ta không bao giờ biết sẽ thoát ra khỏi. Nhưng thật ra thì không phải như vậy. Cái thân của chúng ta vốn vô thường thì tất cả những gì mà được tập hợp do duyên từ thân thì nó cũng vô thường như cái thân của chúng ta vậy. Cái thân của chúng ta vô thường thì thấy rất rõ, trẻ rồi già, mạnh rồi đau, rồi sống rồi chết, trên cái thân vô thường đó tất cả những cảm thọ nó đều vô thường. Và tất cả những cảm thọ đó vô thường thì dầu là thô, dầu tế, dầu lạc, dầu khổ, dầu không lạc không khổ, thì tất cả đều không nên dính mắc. Và bởi vì nó không nên dính mắc nên chúng ta cần chuẩn bị ở tư thế là chúng ta cảm thọ như là một người không bị trói buộc.

Và nếu chúng ta đối với cái chết, đối với thân của mình mà không bị trói buộc thì chúng ta có thể hiểu được một điều rằng ngay cả cái cao điểm của cái cảm giác, tức là một cái khổ thọ cùng cực, cái khổ thọ đó đi đến chỗ bậc trí gọi là đoạn mạng của chúng ta, cái thân không còn chịu được nữa thì sau đó khi nhắm mắt tất cả các khổ thọ đó nó đều tan biến hết. Chúng ta phải hiểu như vậy để không bị dính mắc.

Thì ở đây nó là một trong những bài kinh rất là cổ xưa, những bài kinh đó cho chúng ta một hình ảnh rất khác với cái mà chúng ta thường thấy hôm nay. Ngày nay chúng ta thường nặng về tín ngưỡng dân gian, nặng về tôn giáo, nặng về cầu nguyện nhiều. Nhưng Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên thắp sáng tuệ giác. Ngài khuyên chúng ta nên đối diện với cái chết bằng sự đối diện với những gì đang xảy ra ở thân, ở tâm, ở cảm thọ khởi lên, và đối diện với nó bằng Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Và ở đây không phải là không có cơ sở, Đức Phật Ngài không dạy chúng ta những điều mơ hồ, Đức Phật Ngài dạy chúng ta những điều có phương pháp. Nếu chúng ta có công phu thực hành thì chúng ta sẽ có bản lãnh để chịu đựng, có cái sức để chịu đựng, và chẳng những chịu đựng mà chúng ta sẽ vượt qua, và vượt qua với tư thế của một người không bị trói buộc. Đó là một vài điều chúng tôi muốn trình bày liên quan đến bài kinh ngày hôm nay./.

-ooOoo-

Với phước báu mà chúng con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Hòa và Minh Hạnh