dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Ý Thức Tiên khởi

TT Giác Đẳng (giảng ngày 12-11-2007)

Minh Hạnh chuyển biên

 

Ý thức tiên khởi: đi tìm cái khác hơn

Bài thứ nhất ở đây nói về "ý thức tiên khởi." Trong bài "ý thức tiên khởi" này gợi cho chúng ta một ý thức quan trọng, là tất cả cuộc hành trình tốt đẹp đều có một ý thức bắt đầu hết sức tốt đẹp. Ý thức đó là một ý thức quan trạng, một ý thức tỉnh táo, một ý thức cho chúng ta biết là mình phải đặt đúng vấn đề, đặt đúng chỗ. Đôi khi người ta rất dễ dàng để đưa ra ý kiến này và ý kiến khác. Nhưng đặt ý kiến chính xác để có được một câu trả lời chính xác, và từ đó khởi đi một hành trình chân thực, điều đó không phải dễ dàng. Chúng ta có hàng trăm ngàn thứ băng khoăn trong đời sống, nhưng đa phần những thứ băng khoăn đó nó vốn không có cái giá trị, mà nó chỉ là một mảnh rời của cuộc sống, và từ từ nó tan biến vào hư không mà nó không kết nối lại trở thành một cái gì đáng giá. Bởi vì nó đã không đến từ ý thức tiên khởi chân thật. Do vậy điều đầu tiên mà ông Woodward đã làm đó là ông trích một đoạn ở trong kinh Thánh Cầu, Đức Thế Tôn Ngài đã dạy các vị tỳ kheo là Ngài đã từng sống trong những ngày tháng nhung lụa êm ấm của cung vàng điện ngọc, và cái nhìn nào, ý nghĩ nào khiến cho Ngài lên đường , sự lên đường đó là một sự lên đường đi mà không có trở lại, một sự lên đường dẫn đến công thành quả mãn. Và đời sống của vị Chánh Đẳng Chánh Giác như Đức Phật đã cho chúng ta rất nhiều điều để chiêm nghiệm, tất cả đều bắt đầu từ "ý thức tiên khởi" đó.

"Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu"... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn.

Rồi này các Tỷ-kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình."

Đoạn kinh vừa rồi được trích trong kinh Thánh Cầu thuộc Trung Bộ Kinh. Đức Phật trong một pháp thoại hàng ngày gửi đến Chư Tăng, Ngài đã nhắc lại một ý niệm tiên khởi mà Ngài đã có trong lòng khi còn là một vị hoàng tử. Ý niệm đó xác định một điều vô cùng quan trọng là: nếu cái gì mà mình đang có, mình đang là, nơi mình đang đứng, nó như vậy, nó vốn là cái gì mình không bằng lòng, không mãn nguyện và tự nó nó không có giá trị cao đẹp, thì tự nhiên chúng ta đi tìm một cái gì khác, và cái đó nó phải là cái gì tốt hơn, cái đó nó là cái gì ưu việt hơn, ít nhất nó là một giải pháp chớ nó không nên là một lẩn quẩn, nếu nó là một lẩn quẩn lập đi lập lại thì thưa qúi vị đúng là thật sự nó không đáng. Và nếu chúng ta đi tìm một cái như vậy bởi vì chúng ta không có được một sự hiểu biết là có cái tốt hơn để mà thay thế.

Chúng tôi lấy ví dụ như vầy: Qúi vị nào sài máy computer và máy đó có vấn đề vì nó qúa chậm làm việc không như ý muốn. Rồi có ai nói rằng có một máy bán rẻ qúi vị đi tìm mua. Nhưng máy mình mới mua tuy là rẻ nhưng lại chậm hơn cái mà mình đang có, và nó không giúp cho mình được gì hết tuy rằng mình có thêm một máy khác. Thường thường việc đó không có giúp ích cho chúng ta nhiều, khi cái mà mình hướng đến mình tầm cầu nó lại không tốt hơn cái mình đang có. Nhưng không may điều này trở thành một sự việc rất bình thường mà Đức Phật dùng chữ samsara hay là luân hồi. Luân hồi là sự lập đi lập lại. Ở đây Đức Phật Ngài nhắc lại sự suy nghĩ của Thái Tử Siddhattha là: "Tự mình bị sanh chi phối, bị già chi phối, bị bịnh chi phối, bị chết chi phối, bị sầu bi khổ não chi phối, lại đi tìm một cái cũng tương tựa như vậy. Cũng bị sanh già đau chết sầu bi khổ ưu não chi phối, nhưng mà đó là một sự thật, sự thật hiển nhiên của kiếp nhân sinh này. Chúng ta vốn không tìm ra cái mới, không tìm ra lối thoát và bắt buột chúng ta phải đi một vòng tròn cuối cùng trở lại vị trí ban đầu. Và đó là một hình ảnh các nhà thinh văn thường mô tả về các tinh cầu đi theo một qũy đạo tròn và nó trở về chỗ cũ. Bởi vì nó có thể đi theo vòng tròn như vậy dưới sức hút của các thiên thể thì nó mới tồn tại được, còn nếu nó đi mà không trở lại vòng tròn như các vì sao chổi hay một số những bậc lang thang ở trong Thái Không vô định này thì thưa qúi vị bởi vì nó là con đường thẳng, nó cũng sẽ bị tiêu pha bằng cách này hay cách khác. Do vậy hầu hết các quy luật về sự tồn tại là nó đi quanh trong một vòng tròn. Sự tồn tại của kiếp luân hồi cũng vậy, từ cái thấy cái nghe, cái ngửi, nếm đụng chúng ta thật sự không biết gì khác. Nếu ở trong đời sống hiện tại ăn là một cái gì rất là ngon và nghĩ đến thiên đàng, nghĩ đến cảnh giới cực lạc thì chúng ta nghĩ rằng sắc tướng âm thanh mỗi thứ phải tốt hơn cái đang có ở tại đây. Nhưng Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta một chuyện rất rõ là điều đó nó chẳng những không mang một giá trị đích thực mà chính chúng ta cũng sẽ bị một giòng sanh tử, rồi ở trong giòng sanh tử đó chúng ta cũng hụp lặn, cũng sống với cái khổ bị chi phối bởi sanh bởi già bởi bịnh bởi chết bởi sầu bi khổ ưu não. Như vậy thì chúng ta phải làm một cái gì khác hơn, nhưng cái khác hơn đó nó phải được thực hiện bằng một ý thức minh mẫn về cái gì mà mình đang có.

Sống ở trong chùa và làm việc với nhiều người thì chúng tôi nhận thấy hướng đi của loài người thường đi một trong hai cách hoặc giả họ thích đi và trở về cái nguyên trạng của mình, ở trong nguyên trạng đó không thay đổi, không có gì khác hơn và có những người họ có ý thức thấy rằng hiện tại có vấn đề, hiện tại cần phải thay đổi giống như một căn bịnh trầm kha thì con bịnh đó trước nhất phải hiểu rằng mình đang có bịnh và cái bịnh phải giải quyết, giải quyết có nghĩa là phải trị được bịnh để mang lại tình trạng khả quan tốt hơn về sức khỏe chứ không phải chỉ là lấy bịnh này thế cho bịnh kia, lấy bịnh kia thế cho bịnh nọ hay là trở về nguyên trạng cũ và nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Chữ luân hồi ở trong một nghĩa nào đó nó có nghĩa là chạy quanh và trở lại nguyên trạng, trở lại tình trạng mà vốn nó đã là như vậy và đang là như vậy không là cái gì khác hơn.

Thưa qúi vị chúng tôi có đọc ba tác phẩm ở trong đó có một tác phẩm của Phật giáo Đại Thừa nói về sự phát bồ đề tâm. Dĩ nhiên là bản kinh đó cho chúng ta một ý nghĩa khác đi khi nói về sự phát bồ đề tâm. Nhưng chung chung mà nói thì rất nhiều tông phái Phật Giáo đã thừa nhận một điều rằng cái ý thích ban đầu thật sự vô cùng quan trọng khi nói đến đường dài, nói đến mục đích tối hậu của cuộc hành trình.

Ngày hôm qua chúng tôi nhận được một cú điện thoại của một gia đình ở tại Houston, gia đình giáo sư Nguyễn Cao Thanh là một người đã quen biết với Hoà Thượng rất lâu đời nhiều chục năm, có thể nói rằng quen biết cũng gần nửa thế kỷ. Giáo sư Nguyễn Cao Thanh là một Phật tử rất thuần thành và cũng là một người rất tích cực trong sinh hoạt cộng đồng cũng như sinh hoạt Phật Giáo, đã có thời làm chủ tịch hội đồng điều hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên thế giới. Thì thưa qúi vị, thân nhân của giáo sư tìm chúng tôi trong lúc chúng tôi đang rất bận rộn, nói rằng giáo sư bịnh rất nặng và đang nằm ở bịnh viện. Chúng tôi nhớ từ lúc về Houston tới bây giờ không có năm nào mà ngày tết Nguyên Đán chúng tôi không gặp giáo sư Nguyễn Cao Thanh đi chùa. Hồi giáo sư còn khỏe thì lâu lâu chạy xe ngang thì ghé chùa uống một chum trà, chia xẻ với nhau một ít suy tư về hiện tình của Phật giáo và cũng bàn một số vấn đề Phật học. Chúng tôi nhớ có một lần giáo sư hỏi chúng tôi về câu "pháp giới mông quân." Thì thưa qúi vị, bây giờ giáo sư đã lớn tuổi và đang bịnh rất nặng, trong lúc còn tỉnh táo thì giáo sư có nhắn người trong nhà là phải gọi cho Hoà Thượng và chúng tôi hay. Đúng ra thì một người lớn tuổi mà trải qua những giai đoạn như giáo sư Nguyễn Cao Thanh hiện nay thì chúng tôi nghĩ là việc đó bình thường, rất bình thường với một người sống mà tuổi đời tuổi đạo, tuổi đời đã gần 90 tuổi.

Thưa qúi vị, cũng rất là bình thường để chúng ta thấy rằng sanh ra làm con người thì ai cũng phải già cũng đau cũng chết, cũng sầu bi khổ ưu não, chúng ta thường nghe những chuyện đó xem những việc đó nó là hết sức bình thường. Dĩ nhiên nó là bình thường đó. Nhưng cái câu hỏi mà Thái Tử Siddhattha đặt ra ở tại đây khi Ngài còn là vị Hoàng Tử trong cung vàng điện ngọc và câu đó đã được ông Woodward lựa chọn là một câu đầu. Tại vì nó khởi đi một cuộc hành trình, và cái ý thức bắt đầu cuộc hành trình đó là một ý thức đặt lại toàn bộ vấn đề. Bản thân của mình bị sanh già đau chết sầu bi khổ ưu não chi phối thì chúng ta đi tìm cái gì, chúng ta đi tìm một cái giống như vậy, một cái không khác hơn như vậy. Thì cuộc hành trình đó sẽ dẫn chúng ta đi về đâu? Chắc chắn sẽ đi vào sự phiêu dạt vô định. Nó như một con thuyền không có la bàn, không có định hướng, và người tài công cũng thật sự không biết là mình đang đi về đâu giữa cơn bão tố phong ba. Thì những sự việc như vậy gợi cho chúng ta cái ý rất quan trọng là đã là một chúng sinh từ vô lượng kiếp sống với trầm luân. Chúng ta hiểu đã có những lần Đức Phật Ngài nói gần như là tâm sự với các tỳ kheo và đó là một lời nhắc nhở:

"Này các tỳ kheo chỉ vì không hiểu đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ và con đường đưa tới sự diệt khổ, mà Như Lai và các con đã trôi lăn trong luân hồi từ vô lượng kiếp cho đến nay."

Điều đó nói về một trạng thái cố hữu của con người là; chúng ta ở nguyên vị, ở một vị trí thì mình không có cam lòng, mình muốn làm cái gì đó, đi đâu đó, được cái gì đó. Nhưng bởi vì chúng ta thiếu ý thức tiên khởi minh mẫn này. Do đó tuy rằng muốn đi đâu đó, làm cái gì đó, nhưng rồi rốt cuộc chúng ta trở về lại với cái tầm thường của mình không có gì thay đổi, không có cái gì gọi là khả dĩ khai thông cái sinh lộ giải quyết chuyện bế tắc của đời sống. Mà nếu chúng ta đã sống bị chi phối như vậy, bị khổ đau như vậy. Và sự lựa chọn của chúng ta vẫn tiếp tục như vậy thì đúng là một sự quẩn quanh, sự quẩn quanh không có lối thoát, sự bế tắt toàn bộ của tia hy vọng. Và bấy giờ phải mất lâu lắm chúng ta mới thấy được sự vô lý của chính mình. Chúng ta mới thấy được rằng những điều đó nó vốn không mang lại cho chúng ta cái gì hết, ngoài một điều là sự chua chát, để thấy tại sao mình cố gắng như vậy không đi về đâu mà lại trở về vị trí rất ban đầu.

Ở trong bài học này chúng ta tìm thấy một hình ảnh rất đặc biệt của Đức Phật khi còn là một Thái Tử. Tuy là cuộc sống của Ngài được bao phủ bởi bao nhiêu là nhung lụa ấm êm. Nhưng Ngài đã tự hỏi và tự trả lời Ngài hiện là ai? Đúng, Ngài là một vị Hoàng Tử, một vị vua mặc dầu chưa bao giờ chấp chính. Nhưng đặc biệt là bản thân của Ngài, Ngài hiểu rất rõ khi Ngài được biết về những người ở kế bên Ngài, những người dân trong vương quốc Ngài và bản thân của Ngài không bao giờ thoát khỏi được những khổ đau rất là đương nhiên. Đó là cái khổ của sanh, của già, của bịnh, của chết. Và Ngài tự hỏi rằng nếu Ngài làm vua đó là trở thành một vị đại đế thì thưa qúi vị cũng sanh đó, già đó, bịnh đó, chết đó. Xem ra thì nó lớn chuyện nhưng mà đúng là một sự lẩn quẩn, một sự trở về quanh quẩn đi lại mà không có gì thay đổi. Đó là vài điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị hôm nay./.

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng Chín

Đầu trang