dieuphap.com

 


 

 

 

 

LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI

Skilful Means

 Tác giả: Tarthang Tulku Rinpoche
Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải

 

PHẦN HAI: BIẾN DỊCH

  

SỰ THAY ĐỔI

 

Những giòng sông chảy ra biển, núi lở, những nền văn minh thịnh và suy tàn; những chu kỳ biến dịch thì bất tận; những biến đổi địa chất và tiến hóa - những biến dịch chậm chạp nhất – đã tạo nên hình dạng vũ trụ như chúng ta thấy ngày nay. Nhiều xã hội và nền văn hóa đã xuất hiện và biến mất, mỗi lần như vậy là thêm một chiều mới cho sự sống con người. Chỉ trong vòng 200 năm mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ một vùng biên địa sơ khai đã vươn lên thành quốc gia hùng mạnh nhất, kỹ thuật tân tiến nhất trên địa cầu. Những biến cố trên thế giới phản ảnh sự đổi dời mỗi khi những lãnh tụ và những trào lưu đã thấy được sự thay đổi đang tác động trên ta và trong ta như thế nào, thì ta có thể tập sử dụng năng lực của đổi thay để hưóng dẫn đời mình.

 

·        Bài tập: Yêu thích đổi thay

Trong sự học tập yêu thích thay đổi và phát triển khả năng thay đổi của mình, điều có ích là nghĩ bạn đã thay đổi như thế nào qua thời gian. Bạn không còn là người cách đây 10 năm trước. Bạn khác trước như thế nào? Trước kia bạn ra sao? Cái tôi hiện giờ với cái tôi quá khứ có thể làm bạn với nhau nếu gặp nhau không? Chúng sẽ thích ở nhau cái gì và không thích cái gì? Làm thế nào bạn trở thành con người như bạn hiện nay? Những lý tưởng, ý nghĩ, quan niệm của bạn đã thay đổi, cái gì đã thay thế cái cũ và tại sao? Xét lại những đổi thay đã có, bạn sẽ thưởng thức sự tiến bộ làm bạn đã làm, và biết quý những lợi ích mà quá trình đổi thay đã mang đến cho đời bạn.

Khi bạn để ý mình đã thay đổi, đã phát triển xiết bao mặc dù không cố ý, thì bạn có thể thấy mình càng tiến nhiều hơn nếu thực tâm nỗ lực để thay đổi, có thể ích lợi nếu bạn nghĩ về đời sống hiện tại của mình trong tương quan với cái tôi tương lai của bạn. Liệu những hành động hiện tại có cải thiện đời bạn, làm cho nó tăng tiến và có nhiều kinh nghiệm bổ ích không? Bạn sẽ nghĩ gì khi 10 năm sau nhìn lại? Bạn sẽ làm gì để có những thay đổi sắp đến? Tự vấn đời mình như vậy, bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về ý muốn của mình để đổi thay và tăng tiến.

 

·        Bài tập: Dàn trải những khả năng

Thay đổi lối sống của mình theo chiều hướng tích cực là một vấn đề đơn giản, ấy là khi bạn quyết định bành trướng những khả năng mình có. Mỗi khi bất chợt mình bị vướng vào một mẫu mực cố hữu làm giới hạn khả năng, thì hãy buông bỏ ngay những định kiến và mong đợi của bạn, mở lòng ra trước mọi sự mà bạn có thể học được nhờ cách sống mới. Dùng cái năng lực bạn sống theo lối cũ để ứng xử một cách nhanh chóng và thiện xảo về những khó khăn xảy đến.

Khi quyết định làm cách ấy thì bạn sẽ thấy năng lực sáng tạo của mình thực vô giới hạn, và cũng vô hạn cách làm viên mãn kinh nghiệm sống của mình.

Hãy sống trọn ngày trong tâm thái an tịnh, và vững vàng. Khi nội tâm thoải mái thư giãn thì bạn có thể nhận ra ngay những chuyện rầy rà khi chúng vừa sinh khởi, và để cho chúng dạy bạn cách thay đổi. Mỗi khi vướng vào một tình huống khó xử, hãy ngưng một lát trước khi ứng phó. Phải chăng sự rắc rối này một phần do chính hành động của bạn? Phải chăng bạn đang chống chế, tự bào chữa? Nếu có như vậy bạn nên chấp nhận lỗi mình, và đồng thời, thay đổi lối phản ứng cổ điển ấy. Nếu bạn sắp có phản ứng nặng cảm xúc (vì dụ rầu rĩ vì lỗi lầm mình đã gây ra chẳng hạn – ND) thì hãy bước lùi lại mà nhìn tình huống bằng một thái độ bình tĩnh hơn. Hãy chọn một cách ứng xử lành mạnh. Bạn có thể thay đổi những thói quen cũ, phát triển những phẩm chất tích cực. Sự lựa chọn này luôn luôn mở ra cho bạn, vì có chịu tiến bộ tăng trưởng hay không chỉ là vấn đề chọn lựa mà thôi. Bạn chỉ cần làm quyết định.

 

·        Những rắc rối sẽ mở ra những cách sống mới

Nếu thay đổi thói quen và mẫu mực cố hữu của mình, ta sẽ nhận ra rằng những rắc rối trên đời hóa ra có thể dạy ta tăng trưởng lớn lên. Nhưng vì những rắc rối phiền nhiễu quấy động cuộc đời ta, làm ta đau khổ, nên khuynh hướng tự nhiên của ta là tránh né chúng. Ta thường tìm cách làm sao khỏi vướng vào những tình huống khó khăn, hoặc khi gặp những chướng ngại thì ta đi quành qua chúng để né tránh. Nhưng những vấn đề của chúng ta trên đời cũng giống như những đám mây: mặc dù có vẻ như đang quấy rối, làm vẩn đục bầu trời trong sáng, chúng vẫn chứa đựng hơi nước đem lại đời sống và giúp cho sự tăng trưởng. Khi biết đối mặt trực tiếp với những rắc rối xảy ra và giải quyết chúng, ta sẽ khám phá những cách sống mới. Ta dần có thêm sức mạnh và niềm tin để đối phó với những rắc rối trong tương lai. Cuộc đời trở thành một thách thức đầy ý nghĩa giúp ta tỉnh ngộ và hiểi biết lớn lao hơn. Ta thấy rằng càng học hỏi thì ta càng tăng trưởng thêm, càng gặp nhiều thử thách thì ta càng được nhiều sức mạnh và tỉnh giác. Khi sống thuận theo tiến trình thay đổi thì chỉ lối sống ấy cũng đủ là một việc đáng giá.

Vào những lúc bạn cảm thấy hết sức chán chường muốn bỏ cuộc, hoặc lúc bạn nghĩ thật quá muộn màng để làm một thay đổi gì cho cuộc đời ta, thì bạn không được dừng tại đấy. Tự khích lệ mình, bạn có thể khởi động cơ học hỏi, tăng tiến, sử dụng tiềm năng mình một cách sáng tạo. Thay vì để cho mình dính chặt vào những lề thói cũ, bạn có thể thách thức chúng, quật ngã chúng. Làm như thế là bạn đã bành trướng những khả năng mình và tăng thêm sự giàu có của kinh nghiệm nhiều hơn bạn tưởng. Thay vì dứt ngang những tham vọng của mình, ta có thể dùng cái năng lượng của những thái độ tiêu cực ấy để củng cố nó thành một sức mạnh tập trung vào mục đích mở cuộc đổi mới trong đời mình.

Khi đã thấy mình có thể thay đổi cuộc đời mình, thì chúng ta có thể nhìn về tương lai, thực sự tiến tới trước trong tương lai và tiến lên một cách nhanh chóng cũng với mức độ như ta muốn. Vì tự tin vào khả năng phát triển sức khỏe và năng lực của mình bằng những nổ lực của chính mình, ta trở thành một gương sáng cho những người xung quanh, khuyến khích họ cũng làm cuộc đổi mới đời họ. Sự nâng đỡ này, san sẻ kinh nghiệm này, là một trong những tài nguyên vĩ đại nhất của nhân loại.

Khi đã có thái độ sẵn sàng thay đổi thì ta thấy tâm trí mình là một nguồn suối đầy sáng tạo, đầy niềm vui và hạnh phúc, và cơ thể ta cũng đầy năng lực. Tâm và thân làm nên một cỗ xe tốt, mỗi thứ là một trong đôi cánh giúp ta bay lên cao, giúp ta đối mặt với những thử thách của cuộc đời. Ta sẽ thấy mình thực may mắn làm sao, khi có thể vận dụng thân tâm để đào sâu và làm giàu kinh nghiệm về công việc, về tương giao với mọi người và về cuộc đời.

Hãy tư duy về những giá trị đang phát triển: một trái tim rộng mở, một thiện chí sẳn sàng trực tiếp đối mặt với cuộc đời, sự tự tin ở mình. Ta có thể tiếp cận cuộc đời như thể chỉ là một việc khó khác nữa trong các công việc mà thôi. Nhưng khi quyết định vận dụng nhiều cơ hội để thay đổi theo chiều hướng tốt thì ta có thể làm cho đời mình trở nên lành mạnh, đầy sinh lực. Ta dần dần thực sự thưởng thức đời sống của mình, có một cảm giác thoải mái an lạc tỏa ra khắp mọi hành động của ta. Khi thành tựu được cuộc thay đổi thì ta có thể thấy rõ là mình đã thay đổi và lấy làm hãnh diện. Khi thấy sự thay đổi tốt đẹp nơi ta, thì những người khác cũng vui lây và được khuyến khích làm cuộc đổi thay trong đời họ. Nếu chúng ta biết nâng đỡ lẫn nhau để tăng tiến theo cách ấy, thì công việc sẽ hóa dễ dàng, tâm hồn ta được hoan hỉ.

 

ỨNG XỬ CÁCH NÀO

 

Ngay cả khi cuộc đời chúng ta tựu trung khá hạnh phúc và thành công, ta vẫn thấy mình phải đối phó với bao nhiêu vấn đề đòi hỏi ta chú ý, cản trở sự an ổn tâm trí vốn làm cho đời sống được vui vẻ. Có những lúc các vấn đề tràn ngập ta, nhất là khi ta không thể đối mặt với những lỗi lầm thất bại do chính mình gây nên. Khi ấy ta có thể có những cảm xúc bất an nặng nề tưởng chừng không thể chịu đựng.

Thỉnh thoảng chúng ta có thể linh cảm sắp gặp rắc rối và có thể xoay xở tránh điều tệ nhất xảy ra. Những lúc khác ta lại thấy mình bỗng dưng rơi vào tình thế khó khăn, mà ta cố phấn đấu để thoát, như nhờ bạn bẻ giúp đỡ. Hoặc ta cũng có thể cố thoát khỏi toàn thể vấn đề bằng cách cố tìm lối tránh né quanh co hơn là giải quyết một cách trực tiếp. Những người gặp may đôi khi có thể thoát khỏi khó khăn rắc rối nhờ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, song phần đông chúng ta không có được quyền lựa chọn ấy. Đôi khi ta gặp những rắc rối mà ta không thể tránh được.

Dường như không có cách nào để đề phòng rắc rối khỏi xảy ra. Đã đành rằng có nhiều việc xảy ra trên đời vượt ngoài tầm ta kiểm soát, nhưng ngay cả tình huống gay cấn nhất xảy đến cũng không thành vấn đề nếu ta không bị lôi cuốn theo những phản ứng thuộc cảm xúc (như giận dữ, lo buồn – ND).

Thông thường, vấn đề có ra là do phản ứng nội tâm ta trước một tình huống. Khi không tự biết mình một cách rõ ràng, thì chúng ta giống như những người xa lạ đối với các giác quan, tư tưởng, và cảm giác của mình, và thật khó mà kiểm soát những phản ứng của mình. Thế là những vấn đề cứ tái diễn trong đời ta bởi vì ta đã không học cách ứng xử với chúng một cách hữu hiệu. Chúng ta có thể quay sang người khác nhờ họ giúp đỡ, dẫn ta qua khỏi cơn hiểm nghèo. Nhưng dù bạn bè có tốt bụng đến đâu họ cũng không có được những giải đáp mà ta cần đến.

Chúng ta nên tập nương tựa chính mình để ứng xử với những rắc rối mình gặp, bằng cách để ý cái kiểu phản ứng của ta, và ý thức những động lực nào trong tâm có thể dẫn đến rắc rối. Khi nhận ra được phẩm chất của cảm xúc trong ta, thấy rõ hậu quả của những hành động ta, ta mới khám phá rằng chính cái sự thiếu tỉnh thức của mình đã góp phần tạo ra vấn đề.

 

·        Bài tập: Ứng xử với rắc rối

Tập nhận ra cách mình ứng phó với những khó khăn là bước đầu để tăng trưởng sự tỉnh thức. Hãy nhớ lại vài bao lần những lúc bạn bị đảo lộn bởi một tình huống mà bạn hầu như không chịu nổi. Hãy lần lượt xét từng sự cố: Nó khởi lên ra sao? Ai khác là người trong cuộc? Bạn đã làm gì? Làm thế nào mà cuối cùng bạn ra khỏi ngõ bí? Nỗi khó khăn ấy bạn có gặp lại không? Những câu hỏi này giúp bạn gẫm lại và thấy được nguyên nhân và rắc rối xảy ra, để nghĩ đến những cách thức mới đối phó với những tình huống tương tự. Khi khởi sự thấy rõ cách phản ứng của bạn trước những vấn đề, thì bạn có thể làm cố vấn cho chính mình và biết cách tránh để cho những rắc rối ấy xảy ra.

 

·        Làm việc với năng lượng cảm xúc

Có ý thức về cách phản ứng của ta vào những lúc gặp khó khăn sẽ giúp cho ta điều chỉnh lại năng lượng cảm xúc mình. Khi buồn khổ thất vọng, xuống tinh thần, bạn nên ngồi yên lại mà ngắm nhìn nỗi đau đớn bạn đang trải nghiệm. Đừng cố giải thích, phê phán cảm giác của mình, chỉ xem nó nằm ở đâu và quan sát nó thật kỹ.

Sự bối rối căng thẳng, xuống tinh thần, tất cả đều chứa một nguồn năng lượng mà ta có thể sử dụng để giúp ta hoặc để hại ta. Khi có thể bình tĩnh đối diện với những khó khăn mình gặp phải mà không cố thoát ra, không cố dằn ép, tác động gì trên những cảm xúc của mình thì ta có thể thấy một cái gì ta chưa từng thấy trước kia. Ta có thể thấy rất rõ chỉ có một điều đơn giản là ta không muốn có nỗi đau đớn này nữa. Khi ấy ta sẽ khám phá trong ta cái động lực muốn thay đổi những thói quen đã đưa ta đến những rắc rối này.

Ta có thể sử dụng năng lượng của những cảm xúc mình để đối phó một cách khéo léo với những rắc rối, khám phá một lần nữa sự tương tác giữa tâm trí và cảm giác, khiến cho năng lượng trong ta tuôn chảy theo những chiều hướng tích cực hơn. Những cảm xúc trong ta kỳ thực cũng chỉ là năng lượng, chúng chỉ trở thành nỗi đau đớn khi chúng ta bám víu vào chúng và đồng hóa chúng với những gì có thái độ xấu xa tiêu cực. Nhưng ta có thể chuyển năng lượng này thành những cảm giác tích cực vì rốt cuộc chính ta là kẻ quyết định những phản ứng kia. Tùy ta chọn lựa: Ta có thể ở lại trong những cảm xúc tiêu cực, hoặc vận dụng năng lượng dành cho những cảm xúc ấy để ứng xử một cách lành mạnh hơn với những rắc rối của ta.

 

·        Bài tập: Thâm nhập vấn đề

Khi gặp những trở ngại trong nội tâm, hoặc khó khăn trong công việc hay trong tương quan với người, hãy dành vài phút để nhắm mắt ngồi yên lặng. Rồi từ từ mở mắt, cố quán tưởng vần đề trước mặt, cảm nhận nó một cách trọn vẹn. Rồi lại từ từ nhắm mắt lần nữa. Đi sâu vào cảm giác của bạn cho đến khi nó tan biến, bạn sẽ thấy trở lại thoải mái thư giãn.

Khi ấy nên chầm chậm mở mắt ra, không nhìn một vật gì đặc biệt, hãy quán tưởng các khía cạnh của vấn đề mà có lẽ bạn đã bỏ sót. Lại nhắm mắt, chìm trong những cảm giác ấy cho đến khi chúng tan loãng. Bạn cũng sẽ thấy mình hoàn toàn đổi mới.

Lập lại cách làm như trên vài lần nữa, cho đến khi cảm giác bực bội của bạn hoàn toàn biến mất. Khi xong xuôi, hãy từ từ mở mắt ra, thở đều và nhẹ. Hãy để cho hơi thở, sự tỉnh thức, ánh sáng bạn thấy xung quanh hòa lẫn vào nhau và trở nên quân bình. Khi ấy bạn sẽ cảm thấy một sự trong sáng cởi mở. Hãy duy trì, khai triển cảm thức ấy bằng cách tiếp tục thở nhẹ, làm quân bình hơi vào và hơi ra. Thân bạn khi ấy trở nên tỉnh táo, tâm ý tập trung, và sự tỉnh giác lan tràn.

Hãy nhìn ngày hôm nay như thể là ngày đầu tiên trong cuộc đời bạn mới bắt đầu. Đừng đưa vào cuộc đời mới ấy một sự phản kháng nào cả. Bạn đang bắt đầu lại mọi sự, không có vấn đề, trở ngại nào cả trong quá khứ lẫn tương lai. Trong cuộc đời mới ấy, mọi kinh nghiệm đều sống động với một phẩm chất phong phú. Bạn hoàn toàn bắt liên lạc được với bất cứ gì xảy đến vào mỗi lúc, với một ý thức rõ ràng, tỉnh giác trước mọi sự đang diễn tiến trong bạn và xung quanh bạn.

 

·        Tài nguyên nội tâm

Tính sáng sủa mà ta có được lúc vận dụng năng lượng mình một cách tích cực không những chỉ nâng ta lên khỏi những khó khăn hiện tại mà còn dạy cho ta hiểu biết về chính mình, chuyển hóa những phản ứng tai hại thành ra những kênh dẫn đường cho lối ứng xử có hiệu quả. Một khi đã hiểu được những thói quen xấu của mình, ta sẽ thêm tin tưởng vào khả năng ta để tự đối phó với những vấn đề gặp phải. Khi nội tâm ta sáng suốt, quân bình, thì ta có được khả năng sử dụng tài nguyên năng lượng mình để đối phó với mọi sự xảy đến, không cần người khác giúp đỡ.

Khả năng ấy sẽ ở lại trong ta giúp ta chấp nhận và đối mặt bất cứ việc gì khởi lên trong đời mình. Ta phát triển những tài năng quan trọng  như làm thế nào để cảm nhận những cảm giác của mình một cách chính xác, và làm thế nào để ứng xử với chúng một cách cấp thời. Thấy được sự cải tiến mà việc này mang lại cho cuộc đời ta, cho những quan hệ của ta với người khác và cho công việc của ta, là một thỏa mãn lớn lao. Ta dần dần tăng trưởng ý thức tự trọng giá trị của mình, chính điều này có thể giảm thiểu những nỗi lo âu sợ hãi thường đưa đến rối ren cho ta.

Khi có được ý thức mạnh mẽ rằng mình có thể đo lường mức độ cơn bão tố thì ta có thể nhìn xa hơn hiện tại và có một tổng quan về đời mình. Ta thấy mỗi ngày sẽ mang lại một kinh nghiệm mới. Những rắc rối không còn có vẻ nan giải bất tận như trước, vì ta biết mình có thể đối phó bất cứ vấn đề gì khởi lên, ta sẽ có sự phấn chấn để vượt qua chúng một cách tài tình, bảo đảm. Khi toàn thể con người của ta đã có được thái độ tự túc tự cường thì ta sẽ thấy đời mình ít gặp rắc rối hơn. Mặc dù vẫn còn những áp lực từ bên ngoài để đối phó, chúng ta đã có thể kiểm soát cách phản ứng của mình và vận dụng năng lượng mình theo chiều hướng lành mạnh.

 

·        Khám phá sức mạnh và phẩm cách

Chúng ta có được tiềm năng dồi dào khôn xiết để sống và hành động tích cực. Tự thâm tâm ta vẫn có một năng lực và phẩm giá có thể nâng đỡ ta, đem lại sức mạnh cho cuộc đời ta và gợi cảm hứng cho những người xung quanh ta. Khi có được niềm tin phát xuất từ sức mạnh bên trong ta, thì toàn thể môi trường tự có được quân bình, ánh sáng, và trở nên vui tươi. Sự chuyển hóa này có được là nhờ ta biết cách ứng xử với những xung đột mà tất cả chúng ta không ai tránh khỏi. Nhờ khám phá ra sức mạnh này trong chính mình, ta có thêm khả năng để tìm ra ý nghĩa và sự hài lòng trong cuộc sống.

Thực sự là tất cả điều đó đều tùy thuộc nơi ta. Nhờ mở lòng ra với những cơ hội tốt do những rắc rối mang lại cho mình để tăng trưởng sự tự tri, ta có thể thay đổi tính chất cuộc đời mình và giúp những quanh ta cũng thay đổi đời họ. Chúng ta vẫn biết sẽ luôn luôn còn có những khó khăn phải đương đầu, những vấn đề phải giải quyết, song nhờ biết nhận trách nhiệm, bây giờ ta có thể ứng xử với chúng. Nhờ làm việc trên chính mình, nhờ biết mình rõ hơn, rồi nhờ san sẻ sự tiến bộ của ta với người khác, mà ta tạo được một nền tảng sẽ chuyển hóa phẩm chất đời mình và đóng góp cho niềm an lạc của những người chung quanh.

 

LỐI THOÁT

 

Lúc khởi sự bất cứ một công việc gì mới mẻ, mọi việc đều tươi mát hấp dẫn. Bao nhiêu khả năng mở ra cho chúng ta, ta đặt những hi vọng thật cao vời, năng lực và nhiệt tình của ta dường như vô hạn. Nhưng khi có những rắc rối nổi lên, thì niềm hăng say lúc đầu của ta khởi sự tuột dốc. Tương lai mất dần vẻ hứa hẹn của nó, và ý chí cùng sự cương quyết của ta có thể lung lay. Dường như tìm cách tránh né công việc thì dễ dàng hơn là cứ làm để mong được cảm hứng do những thách thức của công việc mang đến.

Khi gặp những rắc rối trong công việc, chúng ta thường chọn cách giữ lại năng lượng mình. Do không tập trung vào việc mình, năng lượng ta bị phân tán rối ren, ta khởi sự lêu lổng qua ngày. Ta tự thấy mình kiếm cớ để giải thích sự thiếu hiệu năng trong công việc, tỉ như vì ta không được khỏe, hoặc cần nhiều thời gian hơn. Mỗi khi có việc giải trí khởi lên là ta sẳn sàng đáp ứng, thường xuyên nghỉ xả hơi hoặc đi làm những việc lặt vặt không cần thiết, hoặc dừng lại nói chuyện với một người bạn giữa đường. Cuối ngày ta không có gì nhiều để chứng minh ngày làm việc của mình. Nhưng nếu chạm trán trực tiếp với công việc thì ta có thể thấy nó không đáng sợ như ta tưởng. Ta không thấy được điều này khi ta chọn cách lãng tránh.

Có câu chuyện về một con thỏ và một con sư tử. Con sư tử tuyên bố mình là vua của muôn thú, nhưng con thỏ ngờ vực và hỏi sư tử tại sao lại thế.

Sư tử nói: “Ta là vua muôn thú vì ta có những khả năng đặc biệt”.

Thỏ nghĩ một lúc rồi bảo: “Tôi cũng có khả năng đặc biệt vậy. Tôi tuy bé nhỏ song có thể đi sâu vào bất cứ gì mình muốn. Hãy nhìn lỗ tai của tôi đây: chúng nhọn hoắc”. Rồi nó ngo ngoe hai cánh tai. Sư tử có vẻ hoài nghi.

Thỏ tiếp: “Xem này, để tôi chỉ cho anh xem”. Thình lình nó nhảy lên mình sư tử la lớn “cao quá!”.

Con sư tử giật mình quay lại xem thỏ đi đâu rồi, nhưng chưa gì thỏ đã chạu xuống đứng dưới bụng sư tử và la lớn “Thấp quá! Nhưng lần này thì được rồi!”.

Thỏ từ từ quay lại đối mặt với sư tử vẫy hai tai mà bảo: “A, bây giờ tôi mới thấy!”.

Nó chưa dứt lời mà sư tử đã bỏ chạy.

Chúng ta thường chọn cách trốn chạy vấn đề hơn là đối mặt sóng phẳng với nó. Nhưng khi làm vậy ta đã tự tước đoạt của mình những cơ hội để tăng trưởng và đào sâu sự tự tri. Chúng ta tưởng có thể giải quyết vấn đề bằng cách thoát ly khỏi nó, nhưng những vấn đề của chúng ta sẽ không bỏ đi chỗ khác. Chúng ta có thể cố làm những thay đổi lớn trong lối sống của mình như đổi việc làm, ly dị, kết bạn mới. Bề ngoài thì những thay đổi ấy có vẻ nh giải quyết được những vấn đề của tâm nhưng sớm muộn gì những kiểu sống mới ấy cũng trở thành một nỗi thất vọng lớn như những gì đã để lại đàng sau.

Trốn tránh những rắc rối là một thói quen ta đã tập từ bé. Khi một đứa bé gặp chuyện gì nó không muốn, nó bèn có đủ loại mánh khóe để tránh như khóc lóc, chạy trốn, hay đánh nhau. Cha mẹ thường bỏ qua lối ứng xử ấy của trẻ xem như chuyện tự nhiên, điển hình của con trẻ. Thế là thái độ ấy đã được khuyến khích, một thái độc có thể làm hại cho ta lúc lớn khôn. Khi chúng ta không được giáo dục để đối phó những rắc rối một cách toàn diện – làm việc với nó – thì mẫu mực tránh né như trên sẽ được tái diễn ở trường học, giữa bạn bè, gia đình. Nó trở thành một cách hành động tự nhiên, được mọi người chấp nhận.

 

·        Lập lại những kiểu tránh né

Trốn tránh trách nhiệm là một cách thông thường của người ta để thoát ra những tình huống khó khăn rắc rối. Chúng ta rút lui năng lực mình, làm việc không hết khả năng. Khi những rắc rối xảy ra, ta có thể bảo là vì có quá nhiều giới hạn ngăn ta không làm việc một cách có hiệu quả, hoặc ta đổ lỗi cho người khác về sự thiếu hiệu năng của mình. Ta lại còn có thể thuyết phục được người khác tin rằng ta chỉ có thể làm được đến thế là cùng. Vì ta tự biết kỳ thực ta không làm việc bằng tất cả năng lực của mình, và những hậu quả công việc của ta sẽ phản ảnh điều ấy, nên ta dùng đủ mánh khóe để làm ra vẻ mình đang làm việc hết sức. Khi ta không theo sát công việc và thất bại có thể xảy đến, thì ta lại làm cho mình tin rằng ta không thể làm được gì hơn.

Chúng ta cứ tưởng trút được gánh nặng khi xoay xở để tránh né những khó khăn, nhưng thực tế là ta không thoát được gì cả. Những rắc rối sẽ tiếp tục trồi lên dưới những hình thức khác, trong công việc cũng như trong những mối tương giao cá nhân. Chúng ta đang chạy trên một vòng tròn, luôn luôn gặp lại cũng những cảnh ấy không bao giờ thực sự đi đến đâu. Muốn phá vỡ những mẫu mực trốn tránh như vậy, ta cần xét đến những thái độ và cảm giác của mình một cách cẩn thận, thành thực nhìn thẳng cách ta làm việc và ứng xử với cuộc sống.

Khi nhìn những mẫu mực tránh né của mình, ta nhận ra rằng hầu như chuyện gì cũng đem lại cho ta phương tiện để thoát ly. Những sự cố đột xuất đem lại cho ta nhiều cơ hội để tránh né làm những việc ta không thích làm. Những hoạt động xả hơi có thể biến thành một thay thế cho sự đối phó những rắc rối của ta. Nói chuyện với bạn bè về những khó khăn mình gặp phải cũng sẽ ngăn ta tìm ra giải đáp trong chính mình. Khi thành thực xét những hành động và thói quen của mình, ta khám phá ra rằng một hành động nhỏ nhặt nào cũng có thể được thúc đẩy bởi ước muốn thoát ly khỏi rắc rối của công việc.

 

·        Bài tập: Định hướng lại năng lượng

Khi đã thấy cái cách ta cố thoát khỏi những khó khăn và sợ hãi, thì ta có thể làm quyết định thay đổi thói quen ấy. Khi gặp rắc rối và cảm thấy mình đang tìm cách tránh né thì bạn có thể làm một quyết định có ý thức để định hướng lại năng lượng của mình đi thẳng vào vấn đề để tìm giải đáp. Mặc du lúc đầu có thể bạn cưỡng lại việc làm này, song những cảm giác tích cực mà bạn có được do thành thực đối mặt với công việc và cuộc đời sẽ tăng cường khả năng biạn để giáp mặt những thử thách xảy đến trong tương lai, bạn sẽ tăng thêm động lực để trưởng thành.

Khi thành thực lượng giá động cơ hành động của mình, những thái độ, những năng lực và nhược điểm của mình, ta sẽ thấy được chiều sâu của bản chất ta để từ đấy rút ra năng lượng đem lại ý nghĩa thực sự cho đời mình. Khi biết lợi dụng những cơ hội vượt khó mà công việc cống hiến cho ta, ta có thể đối phó một cách thiện xảo cả đến những khó khăn tràn ngập trong đời mình bằng một thái độ thư giãn và tài tình.

 

·        Thay nỗi bất an bằng niềm vui

Nỗi bất an bồn chồn trong ta, cái ước muốn thoát ly miên viễn ấy, chỉ giảm xuống khi ta thấy rõ sự biến đổi hữu hiệu duy nhất mà ta có thể làm là thay đổi chính mình. Ta khám phá ra niềm vui, sự thỏa mãn là ở trong ta, chỉ cần ta có thì giờ để tìm kiếm nó. Khi làm vậy, ta học cách vượt qua cái khuynh hướng trốn trách nhiệm. Ta thay thế nó bằng sự cởi mở với người khác, với một khả năng kiên trì hoàn tất bất cứ gì ta đã khởi sự. Đấy là cách để sống một cuộc đời lành mạnh, thỏa mãn, để thưởng thức những khó khăn giúp ta thêm sức mạnh và tăng trưởng lợi ích cho tất cả mọi người.

 

PHẢN KHÁNG VÀ NIỀM HẬN

 

Khi đã có thể nhìn mình một cách thành thực để thấy sức mạnh và nhược điểm của mình, tính cởi mở ấy sẽ giúp ta liên tục lớn lên và thay đổi. Chúng ta đón lấy những thách thức của công việc và đời sống hàng ngày, xem chúng là những cơ hội cho ta hiểu thêm chính mình và người khác. Chúng ta đối mặt với rắc rối khi chúng khởi lên, chấp nhận chúng, học hỏi từ chúng. Tính chân thực của ta sẽ gợi cảm hứng cho người khác cũng tìm thấy sự thực trong chính họ, để bành trướng những khả năng của họ và để có tương giao cởi mở với nhau. Thế là một tiến trình tích cực để tăng tiến, để tỉnh thức đã được nuôi dưỡng, nó thắt chặt dây thân ái và hợp tác.

 

·        Chống lại sự giúp đỡ

Tuy vậy, tự quan sát mình một cách trung thực là việc không luôn luôn dễ dàng gì, vì ít ai trong chúng ta muốn giáp mặt với những sở đoản của mình nhất là khi đang gặp rắc rối và không biết làm thế nào để giải quyết êm xuôi. Một cách vô thức chúng ta cố tự vệ chống lại thất bại bằng cách đóng kín con mắt nội tâm, tránh nhìn thẳng vào chính mình. Mỗi khi cùng làm việc với người khác và để lộ những sở đoản của mình ta cũng dựng lên rào cản vi tế để tránh những lời khuyên can, bình phẩm có thể giúp ta tăng tiến.

Khi chống lại những nỗ lực giúp đỡ đến từ người khác thì ta không thấy được rằng lời chỉ trích có thể là một biểu lộ của sự nâng đỡ chân thành. Chúng ta đóng cửa lòng mình trước mọi sự cảm thông và không còn khả năng cho hay nhận sự săn sóc vốn cần yếu cho công việc và cho sự tăng trưởng nội tâm ta. Lời khuyên của kẻ khác có thể đem lại cho ta một cách nhìn mới về tình huống của mình, giúp ta biết thêm về chính mình. Nhưng khi ta hiềm ghét sự phê bình của người khác và tự chống chế bào chữa, thì những vấn đề của ta không được lưu tâm, ta bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ để giải quyết chúng. Vì không đối mặt với những lỗi lầm mình nên ta không thể sửa đổi chúng và những khó khăn tương tự đương nhiên sẽ còn trong tương lai. Khi điều này xảy ra, ta không còn được lợi ích của sự giúp đỡ từ người khác bởi vì những phản ứng tiêu cực của ta đối với sự phê bình chỉ trích khiến những người lo lắng cho ta đâm chán.

 

·        Hiềm hận bén rễ như thế nào

Sự phản kháng và hiềm hận bén rễ trong ta khi ta nghĩ mình không được đối xử công bằng. Khi được yêu cầu làm việc gì mà ta không thích, thì ta không làm cho hết sức mình. Mặc dù chúng ta được giao công việc khác nếu ta thực tâm bày tỏ sự phản đối của mình, ta vẫn giữ kín những cảm xúc chân thực của ta và chỉ làm cho xong công việc. Khi sự phản kháng càng tăng, hiềm hận sinh khởi trong ta và bắt đầu tạo thành thái độ và tư duy của ta.

Sự phản kháng của ta có thể quá vi tế đến nỗi lúc đầu ta cũng không ý thức đến nó. Nhưng nó lộ ra trong nhiều lỗi ta làm, trong cái cách ta kéo dài công việc dường như vô tận không làm xong. Vì không muốn thừa nhận những gì đang xảy đến, ta tìm sẳn những cái cớ để biện minh cách ta tiến hành công việc. Sự phản kháng tinh vi làm cho việc viện cớ hóa nên dễ dàng, vì những rắc rối do ta tạo ra thường được xem như những khó khăn nội tại trong công việc. Nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy rằng những lỗi lầm ta gặp phải chính là do ta không chịu đặt kế hoạch cẩn thận từ trước. Ta cũng sẽ nhận ra rằng công việc ta hoàn tất chậm trễ là vì sự phản kháng ngấm ngầm đã ngăn ta không đặt hết năng lực vào công việc.

 

·        Hậu quả của hiềm hận

Dù công việc của ta có vẻ trôi chảy, sự hiềm hận vẫn manh nha từ từ. Ta thấy khó mà ngồi xuống khởi sự công việc vì thiếu cái động lực nó thúc đẩy ta xem xông việc như một trò động não. Ta dành nhiều thời gian cho cảm giác hoang mang hoặc chia trí, năng lượng ta bị phân tán không tập trung. Ta khởi sự tìm những người khác cũng có cảm giác hiềm hận như ta để tăng thêm hiềm hận bằng cách thảo luận về những rắc rối của mình. Dù biết thái độ ấy không hay ho lắm, chúng ta vẫn không chịu trực tiếp chạm mặt với nỗi hiềm hận trong ta.

Khi hiềm hận gia tăng thì ta thấy bất cứ gì cũng làm cho ta bực tức. Một sự quấy rầy nhỏ cũng đủ làm cho ta điên tiết lên, ai hỏi quan điểm của ta ta cũng cho họ là người chống lại mình. Dường như mỗi giây phút trong cuộc đời đều đặt để cản trở ta. Thực dễ dàng để bị lôi cuốn bởi một cơn giận trong tâm trạng u ám, nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy chính ta đã tạo nên cái thế giới thù nghịch này, mà tâm điểm của nó là sự hiềm hận, phản kháng trong ta.

Khi đang hiềm hận thì ta rất dễ quên mất cả đến những tham vọng riêng tư tha thiết nhất. Đấy là lý do lúc giận ta nói những điều tàn nhẫn với những người ta yêu thương, có lúc ta suýt phá hỏng ngay cả những mục tiêu đáng giá nhất đời mình do những cơn bùng nổ cảm xúc rất không phải lúc. Sự hiềm hận, hơn bất cứ thói nào khác, có thể tách chúng ta ra khỏi những cảm xúc chân thực của mình và ngăn ta phát triển.

 

·        Thẳng thắn đối mặt

Làm sao để xử với sự phản kháng và hiềm hận trong ta? Chúng ta có thể tập giáp mặt những rắc rối của mình một cách thành thực, dù chúng có vẻ làm ta đau đớn. Mỗi khi cảm thấy mình chống lại công việc, ta nên dừng lại để đối diện với tình huống ấy. Sự ngắm nhìn mình đang trải qua cơn hiềm hận và chống đối có thể dạy ta rất nhiều về cái cách ta kéo dài những rắc rối của mình, lại còn làm nó rối thêm và sự tỉnh thức này có thể giúp ta muốn thay đổi thái độ.

Cảm giác hiềm hận là dấu hiệu chứng tỏ ta không muốn đối mặt với chính mình và với những rắc rối của mình. Ta có thể thay đổi thái độ này bằng cách tìm sự thật trong lời khuyến cáo mà ta nhận được và để cho ta thừa nhận nó. Thay vì tránh việc, ta nên tìm những khả năng sáng tạo trong công việc. Ta có thể tìm ra một khía cạnh của công việc làm ta thích thú và hướng năng lực ta đến khía cạnh ấy, cho đến khi ta có cảm giác tích cực về công việc của mình thay vì cảm giác chán ghét. Khi tiếp xúc được những cảm giác tích cực ấy rồi, ta có thể duy trì, tăng trưởng nó. Thế là ta đã chuyển một tình huống tiêu cực thành một nguồn tuệ giác và sáng sủa.

 

·        Làm việc với sự phản kháng nơi người khác

Ta cũng có thể tập ứng xử một cách cởi mở với tâm trạng phản kháng nơi người khác. Ta nhận thấy mỗi khi chống lại và đả kích sự phản kháng nơi người khác thì ta càng làm cho năng lượng tiêu cực ấy tăng thêm, bít lấp khả năng hợp tác tốt đẹp với họ. Vậy thay vì chống đối khi tình huống ấy xảy ra, ta nên tìm khía cạnh tích cực của con người đang phản kháng. Ta có thể để cho mình nhớ lại những lần đã có những tranh cãi với họ về việc này, những cảm giác của ta lúc đó như thế nào, và thấy thương cho họ.

Ai cũng có một con đường theo đó ta có thể đến gần họ, một điều gì họ thích và tha thiết đến. Nếu tìm ra con đường ấy, ta có thể khởi sự nói chuyện với nhau. Tìm ra điều gì một người nào khoái thích để san sẻ với họ, ta có thể mở ra một bầu khí cởi mở sẽ đưa đến sự tin cậy tôn trọng lẫn nhau. Một khi đã thiết lập một căn bản tương giao tốt đẹp, ta có thể khuyến khích những người khác tự phát biểu ý kiến của họ một cách thành thực hơn, đặt nhiều thiện chí hơn vào công việc và những quan hệ với nhau.

Thật tốt hơn nhiều nếu ta biết học hỏi lẫn nhau để phát triển sức mạnh, để tăng trưởng những phẩm chất tích cực như sự tận tụy, nhiệt tình và lòng trung thành. Khi phát triển những phẩm tính ấy và khuyến khích sự phát triển chúng ở nơi người khác, thì ta có rất nhiều nghị lực hơn để ứng xử với những khó khăn trong công việc mình. Khi từ bỏ sự chống kháng của mình, ta sẽ tăng thêm sự quan tâm đến người khác và có động lực tốt. Ta khởi sự xem công việc của mình làm như là một cách để tăng tiến. Với một thái độ như thế ta dễ dàng cởi mở với nhau hơn nữa. Ta tạo được một chu kỳ tích cực, bầu không khí làm việc trở nên vừa nhẹ nhàng vừa đem lại thoải mãn. Khi những khó khăn xảy đến ta sẽ không còn tìm cớ bào chữa hay đổ lỗi người khác mà nhận trách nhiệm về tình huống ấy và hành động ngay để giải quyết. Nhờ chúng ta đâm ra sẳn sàng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, nên sự hợp tác phát triển một cách tự nhiên, và công việc tiến hành một cách suông sẻ.

 

·        Bài tập: Thái độ hoàn toàn tích cực

Một luyện tập đơn giản bạn có thể làm mỗi buổi sáng trước khi khởi sự làm việc có thể giúp bạn tiếp cận bất cứ việc gì một cách đầy thiện chí, cởi mở. Ngồi thẳng lưng thoải mái khoảng 15 phút để thư giãn càng trọn vẹn càng hay. Hãy để cho mọi thân phần của bạn thư giãn cho đến khi bạn cảm thấy như có một luồng không gian hoàn toàn rộng mở. Trong khoảng không ấy bạn hãy tạo ra những việc ưu tiên trong ngày: Hãy có một thái độ hoàn toàn tích cực về chính bạn và công việc của bạn. Trong suốt ngày làm việc, hãy mở lòng ra với bất cứ gì có thể xảy đến và duy trì tính chất thư dãn, khoáng đạt mà bạn đã khai triển ấy, ở trong mọi việc mình làm.

Một khi đã có can đảm buông xả hiềm hận, phản kháng, và làm những nổ lực thực thụ để phát triển một thái độ cởi mở, thì chúng ta sẽ tăng tiến cũng như bạn bè và những người cộng sự với ta cũng sẽ tiến. Nếu ta có thái độ cởi mở, sáng suốt, sẳn sàng đánh giá cách hành xử của mình một cách trung thực thì công việc cùng đời sống của ta đều trôi chảy và đầy niềm vui.

 

BUÔNG XẢ

 

Ai trong chúng ta cũng từng có cái kinh nghiệm là cố nhớ lại một cái tên hay giải đáp cho một câu hỏi nào đó, mặc dù ta đã biết nhưng bây giờ cố hết sức cũng không thể nào nhớ lại. Khi ta bỏ cuộc không buồn tập trung trí nhớ nữa và tiếp tục làm một điều gì khác thì tự nhiên giải đáp lại trồi lên trong tâm trí ta. Khi nỗ lực quá căng, thực sự là ta đã tự ngăn cản mình tìm ra giải đáp. Nhưng khi buông xả vấn đề, nghỉ ngơi để cho năng lượng tuôn chảy, thì ta để cho câu trả lời tự tìm đến với ta.

Phẩm chất buông xả này có thể dạy ta cách sống và làm việc với thái độ thoải mái trôi chảy, cách tiếp cận nhẹ nhàng ngay cả với những tình huống phức tạp nhất. Khi buông xả những vấn đề đang làm căng thẳng thân tâm ta, là chúng ta tháo mở cho năng lượng tuôn chảy theo những chiều hướng mới tích cực hơn. Buông xả là giải phóng, mang lại năng lượng sáng tạo cho mọi hành động của ta, mở đến những khả năng suy nghĩ và hành động mới mẻ, cách sống mới.

Khuynh hướng chung trong nền văn hóa của ta (Tây phương) là bám lấy mọi sự, nên buông xả nghe qua có vẻ là một kiểu ứng xử vô hiệu đối với một vấn đề. Từ ngữ “kết thúc cay đắng” diễn tả cái cách ta đánh giá cao việc bám vào những tư tưởng và cảm xúc của mình. Chúng ta thường cố kiểm soát kinh nghiệm mình bằng cách giữ vững một lập trường. Chúng ta đã được giáo dục kiểu kiểm soát như vậy từ tấm bé, và khi thực thi điều này là ta đang thực thi cách học đàn áp, giấu kín cả ý nghĩ lẫn cảm giác của mình. Chúng ta đâm ra xem sự buông xả cũng như là nhượng bộ đầu hàng, mất quyền kiểm soát.

Đôi khi vì muốn duy trì sự kiểm soát, muốn giữ vững thể diện, hoặc muốn thuyết phục người khác là ta có lý, ta có thể lựa chọn cách bám vào quan điểm của mình ngay cả khi biết mình sai. Giữ khăng khăng một lập trường dường như là chứng tỏ mình có kiên nhẫn và sức mạnh, song kỳ thực điều này chỉ tăng cường một tính cứng cỏi, nó thu hẹp tầm nhìn của ta, ngăn cản ta thấy được sự thật của một tình huống.

 

·        Bám lấy sợ hãi

Cái gì ở đàng sau tính cứng cỏi ấy, nhu cầu kiểm soát ấy? Khi phản ứng lại những khó khăn bằng một cách căng thẳng không nao núng chính là ta đang bám vào nỗi sợ hãi mặc dù chúng ta không ý thức điều này. Ta kiềm chế những cảm xúc vì sợ hãi phải tự phơi bày mình cùng nhữnt tin tưởng của mình trước những phản ứng của người khác. Vì thiếu tự tín trong tâm, ta khóa kín những cảm giác và niềm tin của mình.

Khi buông xả những sợ hãi cùng những cảm xúc và định kiến tuôn phát từ sợ hãi là ta thực sự làm chủ được cuộc đời mình. Sự giải quyết những vấn đề chúng ta hóa dễ dàng, công việc trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn, những tương giao của ta cũng đem lại thỏa mãn hơn.

Khi căng thẳng nột tâm đã giảm xuống, ta có thể kinh nghiệm những cảm giác của mình một cách sáng sủa. Cảm xúc không còn khống chế được ta, vì cảm xúc chỉ tồn tại được khi nào ta cung cấp năng lượng cho nó. Ta có được một hiểu biết sáng sủa về mỗi hoàn cảnh, nhờ vậy có thêm năng lực và niềm tin. Khi cảm giác và nhận thức tuôn chảy tự nhiên hơn, ta có thể đáp ứng một cách mềm dẻo cởi mở đối với những nhu cầu của mỗi tình huống mới. Khi tập trung buông xả là ta để cho toàn bản thể của ta thay hình đổi dạng.

Thực sự buông xả có nghĩa là tháo chốt năng lượng sáng tạo tự nhiên của ta tuôn chảy qua mỗi kinh nghiệm. Ta có thể dùng cái năng lượng ta thường đổ vào những cảm xúc và định kiến của mình để tìm ra lối giải quyết lành mạnh và hữu hiệu hơn cho những vấn đề của ta. Khi biết sẳn sàng đáp ứng những đòi hỏi của mỗi tình huống và những nhu cầu của những người xung quanh, ta sẽ biết thưởng thức giá trị của bản thân và người khác một cách sâu xa hơn.

 

·        Bài tập: Nới lỏng lập trường

Khi nhận chân giá trị của buông xả, ta có thể khởi sự phát triển phẩm tính ấy trong đời sống hàng ngày của mình. Mỗi khi thấy mình bám giữ một lập trường hoặc một cảm xúc không thể buông ra, ta hãy dành vài phút thư giãn, để cho hơi thở trở nên nhẹ nhàng đều đặn. Rồi chọn một công việc nào đó mà làm một cách thoải mái, quên hết mọi sự. Hãy phát triển một phẩm tính tập trung không gượng ép, mà nhẹ nhàng. Tập trung cách đó một lúc, bạn sẽ bắt đầu làm nhẹ bớt sức nặng của những suy nghĩ theo thói quen và làm tiêu tán những năng lực đang lấp bít sự thoải mái của mình. Cố đừng nghĩ về những vấn đề mình đang có, mà chỉ đổ hết năng lực vào công việc đã chọn và ở lại với nó cho đến khi hoàn tất.

Mỗi khi cảm thấy chút lo lắng hay ân hận nào dụ dẫn bạn đi vào một tâm thái không lành mạnh, thì hãy nhẹ nhàng đưa chú ý trở lại với công việc đang làm, cố làm quân bình cảm xúc bằng những cảm giác tích cực. Chỉ cần để tâm bạn tiếp xúc cái năng lượng tích cực bạn đang đặt vào công việc, buông bỏ bất cứ khuynh hướng tiêu cực nào khởi lên, bạn sẽ thấy nguồn năng lực mới giúp bạn làm việc một cách suông sẻ không trở ngại.

 

·        Tự để cho mình thay đổi

Mỗi giai đoạn đem lại những cơ hội mới để học hỏi và tăng tiến, ta không cần để những phản ứng tâm lý và cảm xúc quen thuộc gò bó và giới hạn chúng ta. Ta có thể sử dụng chúng như những gia vị cho đời ta thêm phong phú. Mỗi tình huống đau buồn là một cơ hội cho ta trực tiếp buông bỏ sự bám víu của ta vào tính tiêu cực.

Mỗi lần buông xả và tự cho mình thay đổi là ta có thể lợi dụng năng lượng dồi dào trong ta và sẳn sàng để tiến xa hơn. Buông xả như vậy tạo một tiềm năng sống lành mạnh, vì những phương tiện ta phát triểm để ứng phó với những khó khăn đồng lúc cũng là phương tiện qua đó ta thưởng thức cuộc đời và sống vui vẻ.

Thái độ mềm dẻo, khả năng thích ứng với những tình huống khó khăn khiến ta làm việc gì cũng có hiệu quả, chúng ta không ngừng học hỏi, không ngừng biến đổi. Thay vì gắng gượng theo đuổi mục đích mình, chúng ta làm mỗi việc một cách nhẹ nhàng trơn tru và chính điều này giúp ta thành đạt mục tiêu với tư thái thong dong, hoan hỉ.

Khi khám phá rằng ta có khả năng thành tựu bất cứ gì ta đã khởi công, thì ta bắt đầu bừng tỉnh để thấy đời mình có thêm nhiều khả tính. Ta trở thành bậc thầy của chính mình, hướng dẫn mình đi vào cuộc tiếp xúc tương dung tương tác với hoàn cảnh, với mọi người. Tiếp tục có thái độ cởi mở trước bản chất của đời sống, như vậy giúp ta tự nhiên biết san sẻ với người khác một cách trọn vẹn hơn, và những hành động của ta dễ dàng làm lợi ích cho mọi người.

 

TÍNH NÔNG CẠN

 

Từ tấm bé ta đã được giáo dục phải nói và làm thế nào để được người khác chấp nhận, tán đồng. Khi còn là trẻ con chúng ta tự nhiên cởi mở nhưng đồng thời ta cũng bị lệ thuộc vào người lớn vì vậy ta học tập bằng cách noi gương cha mẹ, thầy bạn. Đi theo sự dẫn dắt của họ đem lại cho ta phần nào sự an ninh bảo đãm, đời sống dường như trôi chảy hơn khi ta làm như tất cả mọi người. Phần đông chúng ta học cách nhận thức và hành động căn cứ trên tiêu chuẩn mà mọi người chờ đợi ta phải theo, hơn là căn cứ vào điều gì có ý nghĩa đối với chính mình. Cuối cùng ta đâm ra quá lệ thuộc vào tiêu chuẩn của người khác đến nỗi ta không còn biết thực sự mình cảm thấy thế nào.

 

·        Tăng cường tính bất lương

Khi dựa trên những phán đoán và nhận thức nông cạn thì thực khó mà thấy rõ những sự thật về những cảm nghĩ thầm kín nằm bên dưới những mặt nạ hấp dẫn. Nghe người nào nói ngọt và có vẻ đồng ý với ta, ta tưởng chừng họ thương yêu ta nồng nàn, nhưng gặp lúc hoạn nạn họ làm ngơ để mặc ta một mình trong cơn bối rối thì ta mới vỡ lẽ. Khi để cho những hành động kiểu ấy qua đi, không chạm mặt với chúng một cách trung thực, ta dần dần đâm ra quen với cái thói nông cạn trong bản thân và nơi người khác. Vì mọi người xung quanh ta ai cũng có lối hành xử tương tự, nên những mẫu mực của thói nông cạn hiếm khi bị lật tẩy.

Cái thói nông cạn hời hợt ấy thật dễ chịu, nó lại còn làm ta yên chí, vì thế có nghĩa là hiếm khi ta phải nhìn lại những lỗi lầm của chính mình. Nhưng vì do quen luyện những ngón ăn nói chải chuốt, nói dối trắng trợn và nhiều trò nông cạn khác, mà ta không còn đâu khả năng phát triển những phẩm tính của lối hành xử trung thực. Đời chúng ta thiếu mất chiều sâu vì ta đã đoạn tuyệt với sự thật về con người nột tâm ta.

Người ta bảo một người trung bình nói láo mỗi ngày trên 200 lần. Nói những sự láo vô hại để giữ thể diện hoặc để khỏi tổn thương người khác là chuyện được khuyến khích ở học đường, trong gia đình, nơi làm việc. Phần lớn những câu nói láo ấy là những câu đáp hời hợt mà người khác chờ đợi nghe ta trả lời. Ví dụ khi được hỏi “mạnh giỏi không?”, ta bảo “vẫn mạnh” trong khi sự thật ta không như thế. Nhưng người lớn thường dạy con cái bằng tấm gương của họ, rằng cả đến những câu nói láo không phải vô hại cũng có thể chấp nhận được nữa. Sự nói dối này dẫn đến sự nói dối khác. Cho đến lúc cần một câu đáp trung thực thì ta tránh né. Mặc dù trông tâm ta có nhiều cảm nghĩ khởi lên, ta cũng che giấu chúng.

Chúng ta thân mật lịch sự hợp tác với nhau chỉ khi những giao tiếp không vượt quá một mức bề ngoài nông cạn. Ta cảm thấy dễ chịu nếu ít bị những yêu sách đặt lên cho ta. Nhưng khi bị đẩy hơi quá giới hạn thông thường, thì thái độ thân thiện của ta bỗng biến mất. Mặc dù vậy, ta vẫn cố giữ một phong thái êm xuôi, giấu đi bất cứ hiềm hận nào ta cảm thấy. Nhưng khi ta hành động như thể không có gì xảy ra, thì thực sự nỗi bất mãn trầm trọng đang dần dần chất chứa trong tâm ta.

 

·        Đàn áp sự thật bên trong

Sống như thế thì có giá trị gì? Khi sống hời hợt, thì những khả năng và cảm thức ta bị chôn vùi dưới những trò chơi tinh vi, dưới những thủ đoạn và sức nặng của bất mãn đã trở thành một phần của đời ta. Chúng ta không còn có thể cảm nghiệm lạc thú, niềm vui nào một cách sâu xa lắm, thường những cảm giác hài lòng nhất của ta cũng nhuốm mặc cảm phạm tội và lo âu. Ta càng đàn áp đè nén thực chất bên trong, thì áp lực càng dồn chứa bên trong, bít lấp dòng năng lượng hành động và tương quan với kẻ khác. Sự đàn áp này còn có thể đưa chúng ta đến lối hành xử cực đoan, vốn là lối thoát cho những năng lượng bị nhốt kín bên trong.

Khi đem những giá trị nông cạn của mình vào công việc, ta trở nên thiện xảo trong việc tạo ra cái cảm giác là mọi sự đều suông sẻ. Khi chúng ta không làm xong một công việc gì cho đúng kỳ hạn, ta có thể đưa ra một trăm lý do như vật liệu không đến kịp, thiếu thông tin, người nào đó bị ốm nhiều ngày … những biện bác của ta có thể rất chặt chẻ thuận lợi. Vào những lúc như thế ta còn không dám nghĩ đến sự chân thực, vì trả lời chân thật thì sẽ phơi bày thái độ thiếu thiện chí, sự thờ ơ của ta đối với nhu cầu trong công việc.

Chúng ta có thể làm ra vẻ bận rộn, song kỳ thực là ta đang đặt càng ít tập trung vào nghị lực của ta vào công việc càng tốt. Vì ta hành động và làm việc ở một mức nông cạn, nên thường ta không nhớ được những chi tiết đơn giản nhất về những gì ta đã làm một tuần trước, hoặc ngay cả mới hôm qua. Ta thấy khó mà nhớ lại những gì mình đã hoàn tất, hoặc biết đúng cái hướng nào ta đang hướng đến.

Sự nông cạn hời hợt có bản chất che mờ nhận thức của ta về thực tại và bẫy chúng ta vào một lối sống trong đó ngay cả những hoạt động giải trí cũng có vẻ trống rỗng chán chường. Do vì không tìm thấy sự viên mãn nào trong ta, ta tìm kiếm hạnh phúc và thỏa mãn ở tài sản vật chất và thành công trong xã hội. Những thứ này có thể làm giàu kinh nghiệm, nhưng vì ta không thực sự thưởng thức nên không thể biết chân giá trị của chúng.

Nếu có ai nêu lên tính nông cạn của cuộc đời ta, ta sẽ phủ nhận điều ấy, ta không thấy thế là nông cạn. Dù tâm ta có đồng ý với lời bình phẩm ấy, ta cũng không biết cách nào để trả lời trung thực. Ta dường như không muốn nhìn kỹ thực tại và lại còn hoài nghi về những người cố gắng sống chân thực liêm khiết. Thay vì tán thán sự trung thực, ta còn bác bỏ phẩm tính ấy nơi người khác. Do vậy những người nào làm một nỗ lực để sống cuộc đời lương thiện còn phải mang thêm một gánh nặng (bị nghi ngờ - ND) làm cho họ thấy thực khó tăng tiến nếu không muốn nói là khó sống còn.

 

·        Lắng nghe trái tim

Nhưng “sự thật” vẫn là một cái gì rất đáng đồng tiền bát gạo. Tính trung thực giống như vàng ròng vô giá. Khi trung thực với chính mình và với người khác, ánh sáng của sự thật tỏa sáng mọi nhận thức và hành động của ta. Khi biết mở tâm hồn ra trước tính chất chân thật của cuộc đời thì ta có thể phát triển bản chất của nội tâm ta, và sự tự tri mang lại một lối nhìn mới mẻ khoáng đạt. Ta có thể giữ được sự ổn địn tâm hồn dù gặp những cảnh ngộ khó khăn.

Sỡ dĩ chúng ta sống cuộc đời nông cạn chỉ vì ta cố tảng lờ những thông điệp từ trái tim của mình. Thật dễ dàng để lắng nghe sắp tới đây tim ta bảo cho ta biết ta đã nói dối với bạn mình như thế nào, hoặc lần tới đây ta có mặc cảm phạm tội vì đã chống chế, tìm cớ bào chữa ra sao. Khám phá thực chất của nội tâm ta không phải là một điều gì bí quyết, vì tâm trí, cảm thức của ta sẳn sàng bảo cho ta biết mọi sự về chính ta. Tất cả những gì ta cần làm chỉ là: biết lắng nghe.

 

·        Đi sâu

Chỉ cần phát triển sự tỉnh thức là chúng ta có thể bắt tại trận tính chất nông cạn mà ta mang lại cho công việc và những hoạt động khác của mình. Khi xem công việc là một nguồn tăng trưởng và sáng tạo ta sẽ thấy có một năng lượng tuôn chảy mang ta thực hiện bất cứ mục tiêu nào ta chọn lựa. Khi đã thoát được nỗi lo lắng và mặc cảm phạm tội luôn luôn hiện diện lúc ta không hoàn tất công việc mình, thì tacó thể động đến một nguồn năng lượng và động cơ thúc đẩy lớn hơn ta nghĩ. Cuộc đời trở nên phong phú tràn đầy sinh lực.

Nhờ dùng phương tiện khéo để làm đời ta thêm phong phú và mang lại tính sáng tạo cho mọi việc mình làm, mà ta có thể đi sâu vào trọng tâm bản chất chân thực của ta. Khi ấy ta sẽ đạt đến một sự hiểu biết về mục đích căn để của cuộc đời, và ta thưởng thức niềm vui do đã sử dụng thì giờ và năng lượng của mình một cách tốt đẹp.

 

LÈO LÁI

 

Suốt quá trình lịch sử, con người ta đã tìm cách để sống hòa hợp với nhau. Chúng ta đã phát triển những lý tưởng mẫu mực hành xử nhắc nhở mình phải yêu mến những phẩm tính như tình yêu, sự thực thà, vô ngã, lân mẫn với người khác. Khi ta quan tâm đến an vui của tất cả mọi người, thì ta tự nhiên phát triển những phẩm tính ấy trong chính mình, vì chúng góp phần tạo thế quân bình, hòa điệu trên thế giới. Nhưng nếu có động cơ ngã chấp thì ta chỉ nghĩ và làm theo những cách vừa tự hại và hại người.

Tây Tạng có ngạn ngữ: “Cây cọ của họa sĩ có thể vẽ nên bất cứ loại tranh nào”. Cũng như một họa sĩ có thể sử dụng cây cọ của mình theo cách nào tùy thích, không cần đến quy luật hướng dẫn, cũng thế chúng ta có thể dùng những hành động, cảm nghĩ hoặc tin tưởng của mình để đạt bất cứ mục đích nào, bất kể sự thực về tình huống. Khi ta gác sang một bên sự tôn trọng bản tính con người, chỉ mong thành đạt mục đích riêng, và sẳn sàng lèo lái kẻ khác vì mục đích của mình, thì chính ta đang góp phần làm suy yếu và bật gốc những truyền thống và giá trị cốt yếu nhất.

Sự lèo lái mang một tính thẩm thấu tinh vi. Mặc dù chỉ có riêng ta làm việc ấy, song nó có thể lặng lẽ lan tràn khắp xã hội. Ta có thể thấy điều này ở mọi cấp bực đời sống, từ đứa trẻ làm cho cha mẹ chống đối nhau, cho đến những chính phủ điều động các quốc gia và dân tộc như những con cờ trên bàn cờ, để tăng cường quyền lực và tài sản của riêng họ. Vấn đề này mang tính phức tạp lạ lùng, vì đấy là sáng tạo phẩm của hàng triệu cá nhân, ai cũng dùng những cách lèo lái, mỗi người chúng ta đều góp phần vào tiến trình phá hỏng dần dần phẩm chất và giá trị cuộc đời.

 

·        Phá hỏng tính toàn vẹn

Khi chúng ta đã xem sự lèo lái ngang hàng với thành công thì những phẩm tính tích cực như sự thật thà trung thực được xem là ngây ngô (“thật thà là cha dại”) và ta dần dần từ bỏ nhũng giá trị như trung thực, liêm khiết. Toàn bộ phẩm chất cuộc đời đều xuống dốc theo đó. Cuộc đời ta dường như vẫn tiến hành trôi chảy thật đấy, công việc ta có vẻ khéo nhịp nhàng có kế hoạch đấy và chúng ta có thể đang có những tiến bộ đầy hiệu năng. Nhưng bên dưới tất cả ấy có một sự trơn trợt, một tính lén lút phát sinh từ tri thức rằng những giá trị con người đang bị ta phủ nhận.

Sự lèo lái đùa với sự nhu nhược của chúng ta, động tới những nỗi lo sự sâu xa nhất cùng những mong muốn mạnh nhất của ta. Nó rút sức mạnh từ những ham muốn ích kỷ. Những người khác thuyết phục ta rằng có những “nhu cầu” cốt tử đối với niềm an lạc và hạnh phúc của ta, thế là ta hăm hở tậu cho được một thứ sản phẩm nào đó. Mặc dù ta cảm thấy như mình đang lo cho bản thân, song kỳ thực là ta đang tự bán mình cho ảnh hưởng của người khác.

 

·        Thoái thác trách nhiệm

Nhân danh thẩm quyền của một lý tưởng, những kẻ khéo lèo lái thường kích động những cảm xúc mạnh nơi ta, để dẫn ta đến những hành động không tốt cho mình. Trong những tình huống như vậy, nếu biết dừng lại để nhìn kỹ hơn, ta có thể khám phá rằng mình chẳng có đồng ý chút nào với mọi sự đang xảy đến. Tuy thế, thật không dễ gì để thú nhận với mình là mình đã bị thao túng dễ dàng như vậy, nhất là khi ta đã được dẫn dụ để tin tưởng rằng mình đang theo đuổi một mục đích rất xứng đáng. Ta không muốn thừa nhận mình đã bị lèo lái, vì ta thường thích thú với việc mình đã được lèo lái để làm, còn cảm thấy mình may phước được làm thêm một việc rất có ý nghĩa.

Ta không còn thấy được sự thật, và từ khước cái trách nhiệm tự mình suy nghĩ cho chín chắn, bởi khi để bị kẻ khác lèo lái, cai quản, là ta đã đồng thời để cho họ suy nghĩ dùm ta.

Ngay dù ta nhận ra mình đang bị lèo lái, thì cũng đành chịu như vậy, vì thà cứ yên hàn vô sự còn dễ chịu hơn vô vàn chạm trán với sự thật. Chúng ta bám lấy sự an toàn của mình, tránh né những hành động chạm phiêu lưu. Thế là ta đã bị tóm trong nỗi sợ hãi và ham muốn của chính mình hồi nào không hay.

Chính ta cũng thấy thực dễ lèo lái hoàn cảnh, khi tìm ra những kẻ yếu kém để cai quản lèo lái họ, lợi dụng tính thụ động của họ để được việc cho mình. Chúng ta có thể làm bộ như mình bất lực, không ai giúp sức, để lèo lái kẻ khác lảm những việc mà mình không thích tự tay làm. Thỉnh thoảng ta có vẻ dễ thương đối với người khác chỉ để lợi dụng họ, hoặc tận dụng sức lôi cuốn của mình để kéo người khác theo quan điểm của ta.

 

·        Tự hại mình

Sự lèo lái không khác gì nói láo, một khi đã khởi sự thì ta bị rơi vaò đủ kiểu dối trá hầu như không thể nào thoát ra. Lèo lái là một con dao hai lưỡi, vì ta không thể lèo lái người khác mà không tổn thương đến chính những niềm tin và cảm nghĩ của mình. Bản chất của chúng ta dần dần bị phủ nhiều lớp lừa dối chồng chất vì ta đã chai lì trước những thói bất lương của chính bản thân và người khác. Năng lượng của ta không thể tuôn chảy tự nhiên, những nhận thức của ta vẫn hẹp hòi, hạn cuộc. Khi cố nỗ lực kiểm soát hậu quả của những sự cố trong đời mình, ta lập ra một số giới hạn cho lối hành xử của mình cũng như kẻ khác. Ta thấy mình cần phải đề phòng đừng bao giờ nói sự thật, vì nếu bộc lộ hết gan ruột mình thì người khác sẽ thấy ngay động lực ích kỷ của ta. Chúng ta tính toán mọi cách tương giao với người khác, duy trì những giao thiệp giả dối chỉ cốt che đậy mặt thật của mình.

Ta lại còn không để ý rằng làm vậy là ta thu hẹp những kênh dẫn của sự tương giao và ngăn cản tự do của chính mình. Bề mặt ta cũng có vẻ tự tin thật đấy, nhưng thâm tâm, mọi ý nghĩ và hành động của ta đều rối ren mờ mịt. Khi đã quen thói giả dối trong mọi giao tiếp, thì ta mất liên lạc với tài sản quý báu nhất là bản chất cởi mở bén nhạy của con người để ứng xử với hoàn cảnh và với mọi người.

 

·        Nỗ lực để kiểm soát

Khi ta bị cám dỗ muốn lèo lái một tình huống, thì điều tối quan trọng là nên nhớ sự lèo lái ấy sẽ không cho ta cái quyền kiểm soát thực sự. Nhiều người dựa vào kỹ thuật này cứ tưởng là họ sẽ vô can, khỏi phải chịu hậu quả nào. Nhưng bản chất của lèo lái thì không bao giờ đơn phương. Vì mục đích của sự lèo lái không phải là nhắm đến lợi ích của tất cả mọi người, nên ta không thể kiểm soát những hậu quả cuối cùng của nó. Nếu ta lừa dối kẻ khác để đạt mục đích riêng tư thì có ngày ta cũng sẽ thấy đến lượt mình bị lừa trở lại. Rốt cuộc là, thay vì làm chủ được hậu quả, mỗi người trong chúng ta trở thành nạn nhân của những mánh khóe bất lương của mình, và phải chịu những sự tổn thương, thất vọng mà chúng ta đã gieo cho nhau.

Dù ý thức được những hậu quả xa xôi của sự lèo lái, thật cũng khó mà đối mặt với sự thật của tình huống này, nhất là khi sự lèo lái đã thành nếp cơ bản cho những thói quen hàng ngày của ta. Bởi thế ta nên xem xét một cách cẩn thận, thông minh, lề lối hành động suy nghĩ của mình, lề lối ta làm việc với người khác. Mặc dù hiện tại ta cũng có một mức độ thành thực nào đó, nhưng xét sâu hơn, ta sẽ thấy rằng sự thành thực có nhiều mức độ, và mức nào cũng có kiểu lèo lái tinh tế tương ứng với mức độ. Khi nhìn kỹ lại chính mình, ta có thể đi sâu vào sự thật và ý thức được phẩm chất của từng động cơ thúc đẩy mình làm một việc gì.

 

·        Sự chân thật đối lại với thủ đoạn

Mặc dù chạm trán với những kiểu lèo lái ở mức thuộc cộng đồng xã hội hay toàn cầu là chuyện thiếu thực tế, ta vẫn có thể làm một thay đổi ở mức cá nhân. Khi đứng đàng sau những nhận thức của mình, nói lên những quan tâm và cảm nghĩ của mình một cách thành thực, là ta khởi động sự tiến triển, tăng trưởng trong mọi phương diện cuộc đời ta. Khi tiếp tục phát triển phẩm chất trung thực trong ta, ta có thể ảnh hưởng đến người khác cũng trung thực hơn trong đời sống của họ.

Sự trung thực có thể dẫn đến suy nghĩ sáng suốt, đến sức mạnh, niềm tin và một lối nhìn đúng về thực tại. Khi trung thực, thì ta diễn đạt ý mình một cách thoải mái tự nhiên, và ứng phó một cách thích nghi với tình huống xảy đến. Nhưng tập tính trung thực này không phải dễ, vì ta có thể chuốc lấy sự động chạm, phê bình và hiềm hận của người khác.

Khi nhìn kỹ động cơ thúc đẩy ta làm một việc gì, ta thường thấy mình cố lèo lái kẻ khác để tránh một đáp ứng tiêu cực. Ví dụ khi la rầy một đứa bé đang làm chuyện gì nguy hiểm, hoặc khi nêu lên lỗi lầm của một người nào, ta bị xem như là dữ dằn thiếu lòng tốt, và người khác có thể ghét ta dù ta có lựa lời cẩn thận đến đâu. Bởi vậy ta thường chọn cách “nhẹ nhàng” để ứng xử trong những trường hợp như thế. Chúng ta hối lộ cho đứa bé một ít kẹo bánh để nó ngoan hơn, hoặc ta tảng lờ lỗi lầm của người bạn để duy trì tình bằng hữu. Để duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, ta thường lặng lẽ chấp nhận ngay cả những điều mà ta biết là sai quấy.

Những lúc cần lèo lái người khác thì sự trung thực rất khó có. Ta còn tự hỏi đấy có phải là thái độ thông minh hay không, vì nếu để lộ nhận thức thực thụ của mình ta có thể chuốc vào sự bác bỏ của kẻ khác và khiến cho công việc ta thêm rắc rối. Sự thật thường quá trần trụi, lộ liễu, sáng chói nên ta không quen chạm trán trực tiếp với nó, và nó có thể gây rắc rối cho cả ta lẫn người xung quanh ta. Song dù ta có tự thấy như mình bị tước mất vài dụng cụ để làm việc nếu bỏ cái thói lèo lái ấy đi, ta cũng sẽ tìm được những dụng cụ còn hữu hiệu hơn, đó là sự tương giao sáng sủa minh bạch, tự tin vào những khả năng của ta càng thêm vững mạnh.

 

·        Bài tập: Để ý sự thiếu thành thật

Khi khởi sự có tương quan với một người nào trong công việc, hãy quan sát bản chất của những ý định nơi ta: Tìm xem ta có đang lèo lái hoàn cảnh không. Khi bạn phát ngôn, chú ý những tư tưởng, cử chỉ và lời lẽ của bạn. Nếu không chắc mình có thái độ lèo lái hay không, thì hỏi ý kiến người kia để biết. Dù không thích nghe những gì họ nói, cũng phải lắng nghe kỹ, không tự bào chữa.

Khi tiếp tục quan sát cách tương tác với người khác và phát triển tính thành thực, quan tâm đến kẻ khác trong giao tiếp, bạn sẽ đâm ra sáng suốt, có ý thức phân biệt được những động lực trong chính mình và trong người khác, một điều mang lại sức mạnh và sự ổn định trong cuộc đời bạn.

 

·        Phần thưởng tự nhiên của tính chân thực

Khi có tính chân thành, cởi mở, biết rõ cảm xúc của mình, ta sẽ có một hiểu biết sáng sủa hơn về chính ta và về những gì đang xảy trong thế giới và trong đời mình. Sự hiểu biết này giúp cho cuộc đời ta thêm toàn vẹn và cho phép ta diễn đạt ý nghĩ mình một cách thoải mái. Ta tự thấy mình làm chủ được tình huống không phải nhờ lèo lái mà do hậu quả tự nhiên của những hành động trung thực và có trách nhiệm của ta.

Nhờ lãnh trách nhiệm về tính trung thực của mình ta còn có thể mở đường cho người khác cũng trung thực và thái độ lành mạnh này khởi sự lan rộng cũng với kiểu như thói lèo lái lan rộng. Khi đưa vào đời mình những phẩm chất khiến cho tuệ giác của mình sâu sắc hơn, chúng ta sẽ thấy những phẩm chất ấy cũng phản ảnh nơi những người cộng sự, trong gia đình và cả trong cộng đồn chúng sống. Mặc dù mục đích của ta chỉ cốt cải thiện kinh nghiệm của riêng mình, song một khi ta thực sự phát triển tính trung thực, lòng quan tâm, thì đồng thời ta còn làm lợi ích người khác. Tâm ta trở nên nhẹ nhàng hơn, tính bao dung đối với quan điểm của người khác tăng trưởng, ta tỏa ra một năng lực lành mạnh khiến cho những người chung quanh cũng thấy thư dãn khoan khoái. Bằng cách ấy, những thái độ tích cực bao giờ cũng càng ngày càng tỏa rộng để nâng cao phẩm chất cuộc đời, ở bất cứ nơi đâu có được những thái độ như thế.

 

CẠNH TRANH

 

Cạnh tranh được tìm thấy trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đấy là nền tảng của phần lớn các môn thể thao và trò chơi của chúng ta, và nó đóng một vai trò quan trọng trong công việc thương mãi cũng như trong đời sống riêng tư. Chúng ta luôn luôn quan tâm ai là kẻ chạy nhanh nhất, thông minh nhất, giàu nhất, tốt nhất. Trong giới học giả, triết gia, lãnh tụ tôn giáo, cũng diễn ra nỗ lực không ngừng để trở thành người nói chính xác hơn, đặc biệt xuất sắc hơn, đạo hạnh hơn bất cứ người nào khác. Ngay cả những kẻ yêu đương cũng tìm cách đánh bại lẫn nhau trong tình trường.

Khi chúng ta hết tập trung vào ai thắng ai bại, mà đánh giá ngang nhau nỗ lực của tất cả mọi người, thì cạnh tranh có thể trở thành một năng lực hết sức tích cực điều động con người. Nó có thể dạy ta đánh giá những tài năng mình một cách sâu xa hơn, và còn có thể đưa đến sự thưởng thức và tôn trọng tài nghệ của người khác. Rủi thay, vì cạnh tranh là con đường đến thành công và quyền lực trong thương trường, chính trường, trong nền giáo dục và cả trong những tương tác trong xã hội, nên thường nó được sử dụng để thành đạt những mục tiêu ích kỷ. Thay vì cạnh tranh với người khác, chúng ta thường cạnh tranh chống lại họ. Khi sự cạnh tranh biến thành chiến tranh, đấu tranh, thì nó mất hết năng lực khơi nguồn cảm hứng, mà lại trở thành một hình thức áp bức tạo nên bất hòa trong tâm thức và giác quan của ta, đảo lộn thế quân bình tự nhiên của đời sống.

Khi đã cạnh tranh nhau để thành công, chúng ta càng làm xa thêm khoảng cách giữa mình và người khác. Chúng ta đâm ra quá chú mục đến việc tạo thành tích cho mình đến độ ta dễ dàng tảng lờ những cảm thức, những hy vọng của những người xung quanh. Chúng ta trở nên sẳn sàng để lèo lái người khác hòng chứng tỏ mình hơn họ, và thế là những nguyện vọng cùng nỗ lực của cả đến bằng hữu của mình cũng bị phá hỏng. Sự thù ghét nghi kỵ hậu quả của lối cạnh tranh ấy có thể tạo nên những hàng rào ngăn cách không thể nào vượt qua. Vì muốn tranh thắng nên ta chỉ tập trung chú ý những điểm xấu nơi người khác hơn là điểm tốt của họ, để cho ta có vẻ thành công hơn. Chúng ta tìm cách nêu những nhược điểm  của người khác để cho mình nổi bật hơn. Nhưng cái thói ấy phải trả giá cao như thế nào? Cuối cùng ta có lợi gì không, khi đối đãi với người ta kiểu ấy? Ta có thực sự tốt hơn họ không, hay ngược lại ta đã sai lầm? Mặc dù ta có thể cười kẻ khác thực đấy, nhưng nếu đối mặt với chính mình một cách chân thật, thì ta có gì để mà cười?

Khi mất liên lạc với những giá trị con người, ta bị tách rời khỏi cảm thức dễ chịu phát sinh do biết san sẻ. Vì bị vướng kẹt vào sự say mê tranh thắng, ta đâm ra lệ thuộc vào khoái cảm giây phút ấy để được thỏa lòng, đến nỗi đôi khi ta liều mạng trong những hành động nguy hiểm chỉ cốt để đạt đến những giây phút vẻ vang ấy.

Khi ước muốn thắng cuộc càng thêm mạnh mẽ thì sự cạnh tranh trở thành một cứu cánh thay vì là phương tiện, nó chiếm chỗ của những hành động có ý nghĩa. Ta sẽ tìm những lĩnh vực đặc biệt nào mà ta nắm chắc phần thắng, và như vậy càng tạo lý do cho những đối địch ráo riết hơn. Chúng ta mất hết cơ hội để san sẻ yêu thương, và không còn quan tâm gì khác ngoài lĩnh vực tranh thắng. Cái năng lượng ta có thể sử dụng để phát triển một thái độ lành mạnh trong công việc bây giờ lại được hướng về những ganh tị nhỏ nhen, và ta càng ngày càng trở nên xa lạ với sự hợp tác cởi mở, nguồn suối đích thực của sự thỏa mãn nơi con người. Bao lâu mà ta còn bị vướng vào cái thói cạnh tranh thì cả công việc lẫn những tương giao của ta đều không thể thực sự làm cho ta toại ý.

 

·        Áp lực

Thói cạnh tranh có thể trở nên thâm căn cố đế trong ta đến nỗi ta tưởng đấy là bản tính tự nhiên của con người. Nhưng kỳ thực ta đã học thói ấy từ gia đình, trường lớp, sở làm. Ta truyền lại thói ấy cho con cái, thúc đẩy chúng phải cạnh tranh vì ta muốn cho chúng thành công hơn ta lúc trước. Áp lực thúc đẩy phải thành công ấy tuy nhiên lại chỉ dạy cho con cái chúng ta nỗi sợ thất bại, một nỗi sợ hãi dần dần tiêu diệt niềm tự tin trong chúng nó và đã thực sự khiến chúng không thành công. Có lẽ chúng ta thúc đẩy con cái phải cạnh tranh vì ta tin sự cạnh tranh sẽ làm động cơ thúc đẩy chúng siêng học. Nhưng nếu một động cơ chỉ nhấn mạnh thành công mà thôi thì không thể giúp trẻ phát triển toàn vẹn tất cả những khả năng của chúng.

Để được thành công, chúng ta chỉ tập trung vào một vài khả năng của mình, và thế là đã giới hạn tiềm năng rộng rãi hơn trong ta. Nếu ta thành công, thì mọi sự sẽ tốt đẹp đấy, nhưng nếu ta thất bại, thì nỗi tuyệt vọng có thể đánh tan niềm tự tín trong ta, ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc đời ta. Khi mà sự cạnh tranh làm cho ta khai thác quá mức những khả năng mình, thì dù có thành công ta cũng bất mãn và càng bị bế tắc nếu thất bại.

Nếu đề cao hợp tác hơn cạnh tranh, thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy an toàn, tin tưởng hơn vào những khả năng mình, và ta cũng không còn cảm thấy cái nhu cầu mình phải thắng để người thua. Nhưng ta vẫn bám lấy những lề thói quen thuộc là cạnh tranh vì tin tưởng đấy là cách làm mà ai cũng chấp nhận, dù hậu quả có sao đi nữa.

 

·        Bài tập: Cạnh tranh hợp tác

Khi xem xét vai trò của cạnh tranh trong công việc và những hậu quả của nó trong đời sống chúng ta, ta có thể thấy chính sợ hãi và thất vọng đã thúc đẩy ta phải cạnh tranh. Hãy bỏ ra ít thời giờ mà nhìn lại quá khứ của bạn, xem xét những hình thức cạnh tranh mà bạn đã vướng vào: Bạn bị bao nhiêu áp lực phải thắng? Bạn có sợ thất bại không? Hãy nhớ lại cái cảm giác lúc bạn thắng và lúc bạn thua. Khi thắng, bạn có nghĩ gì đến những người thua không? Khi bạn thấy cạnh tranh ảnh hưởng đến bạn như thế nào, thì bạn có thể hiểu được rằng người khác cũng có những cảm nghĩ như bạn. Bạn sẽ thấy cạnh tranh thường gây đau khổ cho mọi người trong cuộc, và bạn có thể dùng cái thấy này để phát triển tâm thương xót đối với kẻ khác và đối với chính mình.

Tuy nhiên, thực không dễ gì từ bỏ vẻ hào nhoáng của thành công và sự tự mãn dù ta biết nó thực nông cạn và phù du. Nhưng nếu thực tình quan tâm đến sự thăng tiến của bản thân và cải thiện đời sống mình thì ta phải quan tâm luôn cả đến những quan hệ của mình như những cộng sự viên, bè bạn và gia đình. Khi ta tập trung đối xử người khác với lòng thương tưởng hơn, khi ta tập thành thực với chính mình hơn, thì sự tranh thắng mất hết sức hấp dẫn đối với ta. Nó rơi rụng trước sức mạnh tâm hồn ta và bị đánh bại bởi ý thức cảm thông, san sẻ với người. Khi ta học thêm về chân tính con người, ta sẽ đến gần với suối nguồn những giá trị chân thực. Những người quanh ta cũng sẽ đáp ứng lại bằng sự cởi mở, tán thưởng, và thay vì tranh thắng, chúng ta có thể giúp nhau để tiến lên.

 

·        Giải tỏa nỗi sợ thất bại

Chúng ta có thể hưởng thú thành công trên đời, và tìm sự thỏa mãn trong cạnh tranh lành mạnh nếu biết làm quân bình lạc thú thành công với thiện chí học hỏi từ thất bại, thấy được giá trị của thất bại. Điều này có ý nghĩa khi ta đã làm hết sức mình thì dù có thất bại ta cũng biết ơn cái kinh nghiệm ấy vì nó cho ta thấy rõ mình có thể cải tiến những khả năng của mình trong lĩnh vực nào. Thay vì tham dự một cuộc cạnh tranh với thái độ xem nó có tầm quan trọng lớn lao, thì ngược lại ta có thể nhìn nó với thái độ khiêm cung, để nó dạy cho ta biết mình rõ hơn. Khi ấy ta không còn sợ thất bại vì ta đã thấy kết quả tệ nhất không phải là thất bại mà là nỗi thất vọng trong chính tâm ta.

Khi ta đã cất đi gánh nặng của áp lực do sự thất vọng và nỗi sợ thất bại gây nên, thì công việc và cuộc đời trở nên phong phú viên mãn. Không có lý do gì để cho những áp lực ấy uốn nắn cuộc đời ta, thay vì thế ta có thể tập sống và làm việc với thái độ hợp tác. Công việc của ta lúc đó sẽ trơn tru hơn, có ý nghĩa hơn và rất bõ công. Cảm thức thỏa mãn của ta đối với sự sống sẽ sâu xa hơn và ta có thể san sẻ với người khác sự thưởng thức ấy. Khi làm cho người khác biết nâng đỡ lẫn nhau nhờ ảnh hưởng của ta, ta sẽ thấy niềm hoan hỉ trong ta thêm lớn và sự hiểu biết của ta càng thêm sâu.

Cũng như cạnh tranh lôi cuốn thêm cạnh tranh, sự hợp tác cũng khơi dậy tình yêu thương nâng đỡ nơi người nào cảm nhận được thái độ ấy. Khi ta nhìn tất cả mọi người như bằng hữu cùng nhau đi tìm sự viên mãn cho đời mình thì ta có thể san sẻ với nhau sự phong phú của kinh nghiệm con người. Khi tất cả chúng ta cùng hợp tác trong công việc, thay vì cạnh tranh theo những đường lối vô ích hẹp hòi, thì có vô hạn khả năng để nâng đỡ nhau, yêu thương nhau một cách chân thực.

 

---o0o---

Mục Lục > Phần 1 > Phần 2 > Phần 3

---o0o---

 Nguồn: www.quangduc.com


Webmaster:dieuphap.com

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng 12

Đầu trang