dieuphap.com Trang Chính |
|
Tỳ khuu Giác
Ðẳng
-ooOoo-Đại lễ Tăng Y Kathina là đại lễ hằng năm duy nhất được chính Đức Phật và chư Phật quá khứ ban hành. Trong cung cách cúng dường một bộ y đặc biệt với một số luật định khiến đại lễ nầy trở thành một thắng duyên cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Để tìm hiểu về đại lễ nầy cần đi vào một số chi tiết quan trọng chứ không thể nhận định qua một vài khái niệm. I. Vài điều cần biết tiên khởi a. Nhập hạ (Vassà) Thời Đức Phật tại thế, Ngài và chư Tăng có nếp sống du phương nghĩa là đi từ nơi nầy sang nơi khác để hoằng hoá. Thời tiết tại Ấn Độ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm Tháng Chín Âm lịch là mùa mưa (monsoon). Trong thời gian nầy côn trùng sanh nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc, sự đi lại khó khăn. Đức Phật và chư Tăng an cư một nơi có máy che trong suốt thời gian nầy. Đây cũng là dịp để chư tăng trau giồi pháp học, pháp hành. Thông thường thì chư Tăng chính thức nhập hạ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm tháng Chín gọi là Tiền An Cư (Purimikavassa). Nếu có việc chẳng đặng đừng thì nhập hạ sau đó một tháng tức từ Rằm Tháng Bảy đến Rằm tháng Mười gọi là Hậu An Cư (Pacchimikàvassà). (Phật giáo Bắc Truyền an cư từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy và sau nầy tại Việt Nam dùng chữ kiết hạ có ý nghĩa tương đối khác với luật nghi) b. Pháp phục của chư tăng Pháp phục của một tỳ khưu gồm tam y ca sa. Tất cả đều may theo hình chữ nhật không giống như quần áo người cư sĩ (nên có câu người xuất gia đầu tròn áo vuông). Ba y gồm có y nội (antaravasaka - an đà hội hay hạ trước y) , y vai trái (uttarasangha - Uất đà la tăng hay thượng trước y), y kép (sanghati - tăng già lê hay trùng phục y). Vì là hình chữ nhật nên dễ tự may cắt. Màu sắc thường là màu vàng, màu nghệ, màu nâu. Tăng y tiêu biểu cho hạnh xả ly. Trong kinh cũng gọi là lá cờ của bậc Ứng Cúng. Một lần Đức Thế Tôn đi ngang triền núi của xứ Magadha, ngài gợi ý cho tôn giả Ananda may y ca sa theo hình thức những thửa ruộng biểu trưng cho phước điền vô thượng của thế gian c. Nghi luật Tăng sự (Sanghakamma) Chư tăng truyền thống là một đoàn thể dân chủ đại nghị. Khi có bất cứ điều gì cần giải quyết hay thực hiện với sự thông qua tăng chúng thì cần có những thể thức rõ ràng được gọi là Tăng Sự (sanghakamma). Trong những Tăng Sự như vậy thì điều quan trọng nhất là tác bạch tăng sự (kammavaca). Đây là một lời trình đúng theo luật nghi do một vị thông hiểu giới pháp thực hiện. Thường thì chư tăng thông qua bằng sự im lặng. Tác bạch tăng sự đó phải đúng việc, đúng thể thức, đúng thời, đúng tăng hội. Các dịch giả Trung Hoa không tìm được chữ dịch thoả đáng nên dùng Phạn âm là Yết ma (Kamma). Một số chư Tăng Nam Tông Việt Nam dùng chữ "tuyên ngôn" nhưng từ nầy không chuẩn vì mang nghĩa khác. II. Đại lễ Tăng y Kathina a. Ý nghĩa của chữ Kathina Kathina có nghĩa là bền chặt, không dễ bị vỡ vụn. Gọi như vậy vì đại lễ nầy kết cấu nhiều qui định quan trọng dẫn đến thắng duyên. Một người làm phước sự gì quá đơn giản thì tâm của người cúng dường cũng như người thọ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến chỗ viên mãn nếu thiếu những yếu tố thù thắng của tâm thí, thời thí, vật thí, người thọ thí, và cung cách thí. Đại lễ Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên gọi là bền vững, viên mãn. b. Dâng y Có một số điều nhất định không thể khác đi được trong việc dâng y Kathina: - Mỗi chùa một năm chỉ tổ chức một lần bất cứ ngày nào từ Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười. Sau lễ nếu có người cúng một số tiền thật lớn để tổ chức thì cũng không làm được. - Chỉ có thể cúng dường nếu có chư tỳ khưu nhập hạ tại chùa. - Chỉ cúng dường đến đại chúng Tăng già rồi chư Tăng giao y theo nghi luật chứ không cúng trực tiếp cá nhân tỳ khưu nào. Nên không tự tay trực tiếp dâng y mà đặt y trước mặt Đại Tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không bằng tay. - Chỉ một trong ba y được dùng để cử hành Tăng sự. - Cả hai giới xuất gia và tại gia đều có thể tổ chức lễ Tăng y Kathina. - Có thể dâng y may sẳn hay vải để may y. c. Thọ y Chư Tăng phải thọ y theo nghi luật được Đức Phật ban hành: - Phải có đủ túc số từ 5 vị tỳ khưu trở lên mới có thể cử hành tăng sự thọ y Kathina. - Tiêu chuẩn giao y ưu tiên theo nhu cầu (thí dụ như y quá rách), rồi hạ lạp, rồi sự am hiểu thể thức thọ y. - Nếu là y Kathina là vải thì phải cắt, may, nhuộm, và hoàn tất tăng sự trong ngày. - Tăng sự được thành tựu sau ba lần tác pháp yết ma với sự im lặng đồng thuận của tăng chúng. - Vị tỳ khưu thọ y phải biết xả y cũ, làm dấu và chú nguyện y mới, và hoàn tất bằng lời trình. - Những vị tỳ khưu khác cùng nhập hạ nói lời tuỳ hỉ . III. Đại lễ Tăng y và truyền thống Tăng già a. Tăng thể là đại thể Tăng luôn được hiểu là đại thể của tất cả những vị tỳ khưu truyền thừa giáo pháp. Ngày nào người Phật tử cúng dường nghĩ đến đại thể thì Phật Pháp còn hưng thịnh và sự cúng dường vô phân biệt nói lên tinh thần chung vượt ngoài những quan niệm cá nhân. Chiếc y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người cúng dường không cá nhân tuyển thí, chư tăng giao y theo cách lợi hoà đồng quân và lễ phẩm được trang trọng vì chuyên chở giá trị truyền thống. b. Quả phước của lễ Tăng y Kathina Người cúng dường y Kathina gieo tạo phước duyên thù thắng vì làm được Tăng thí vô phân biệt, cúng dường đúng thời, cúng dường hợp đạo. Người làm được điều nầy đời sau có duyên lành xuất gia, tác thành tăng tướng nhanh chóng, và đầy đủ phước vật. Đại lễ tăng y mang lại an lạc cho Tăng già, do vậy, là một phước hạnh thù thắng. c. Lễ Tăng Y và ảnh hưởng xã hội Người đầu tiên tổ chức Tăng y trong giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đại thí chủ Visakha. Tổ chức tại chùa Kỳ viên, thành Savatthi. Ngày nay tại các quốc gia Phật giáo Nam Truyền thì đây là lễ hội lớn làm nổi bật ba ý nghĩa: hộ trì Tăng Chúng để giáo pháp trường tồn, người cư sĩ tìm thấy niềm vui đạo vị của một mùa lễ hội và ngày đại lễ nầy cũng nhắc nhở cả hai giới xuất gia và tại gia phải trân trọng tấm lòng của đàn tín. -ooOoo-
|