84 Ngàn Pháp Môn
TT Chánh Minh
Minh Hạnh chuyển biên
Có phải 84 ngàn pháp môn là 84 ngàn phương cách để tu tập?
Thật ra là 84 ngàn pháp uẩn, bởi vì chữ kkandha dịch là uẩn, là đống khối, là một tập hợp, như vậy dhammakkandha nếu dịch theo nghĩa đen của từ Việt đơn giản nó là một nhóm pháp hay là một tập hợp pháp. Tám bốn ngàn pháp uẩn thì không phải là 84 ngàn pháp môn, nếu dịch vậy thì đơn điệu quá. Nhưng ở đây khi trình bày chữ dhammakkandha. Bây giờ trở lại danh từ thường dùng là pháp môn, 84 ngàn pháp môn thì thực tế các Ngài tính như vậy, nhưng có những pháp môn được tính là pháp uẩn, nhưng thuộc về dạng chế định chứ không phải là pháp môn tu tập.
Thí dụ "Này chư tỳ khưu, có những chư thiên là những người thiện hiền ở cõi vô phiền vô nhiễm” thì cõi vô phiền vô nhiễm cũng là một pháp uẩn một pháp môn. Nhưng mà đây không phải là những pháp tu tập, mà là pháp để mở rộng kiến văn. Trong pháp học của chúng ta thì có những pháp cũng là pháp môn nhưng để mở rộng kiến văn, để mở rộng hiểu biết nhân quả và có những pháp tu tập.
Thí dụ như vầy “Một lần Đức Thế Tôn ngự ở Kỳ Viên Tịnh Xá có một du sĩ làm huyên náo rằng: nếu samôn Gotama tới đây thực thiện một pháp thượng nhân, thì ta thực hiện hai pháp thượng nhân, nếu samôn Gotama thực hiện bốn pháp thượng nhân thì ta thực hiện tám pháp thượng nhân (Trung Bộ Kinh)” Thì những điều này cũng gọi là pháp môn, nhưng không phải là pháp tu tập.
Còn pháp tu tập cốt yếu ngắn nhất thì phải nói là "Giới Định Tuệ," nếu nói rộng thì là "37 phẩm trợ đạo bồ đề," là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý, Ngũ Quyền, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo.
Nếu như mở rộng thêm thì một khía cạnh khác tức là quán xét về ngũ uẩn, quán xét về 12 xứ, quán xét về 18 giới, quán xét về bốn sự thật. Hoặc những pháp tu tập như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền v.v… Đó là những pháp tu tập.
Còn những pháp khác để mở rộng kiến văn để cho thông hiểu nhiều. Cho nên Đức Phật nói rằng: Tư cách của người nghe nhiều học rộng là hạnh phúc tốt đẹp hay hạnh phúc cao thượng.
Như vậy thì chúng ta cần phải phân tích phần nhận định những pháp nào cần nên tu tập và pháp nào cần nên bỏ đi và những pháp nào để mở rộng kiến văn.
Chúng tôi nói có những pháp bỏ đi là sao?
Đức Phật Ngài dạy rằng thân có ba điều ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Thì pháp sát sanh, trộm cắp, tà dâm không phải là pháp để tu tập.
Ngữ có bốn là nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời hung ác, nói lời nhảm nhí đó là những pháp cần phải loại trừ. Nhưng nó vẫn là pháp môn.
Cho nên cần dùng trí để phân tích pháp nào là lời dạy của Đức Phật, pháp nào để mở rộng kiến văn, pháp nào cần nên bỏ đi và pháp nào cần nên tu tập. Chứ không phải 84 ngàn pháp môn đó tất cả dùng để tu tập hết.
Xin trả lời cho câu hỏi này là như vậy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật