Insight Meditation


 

Hình Ảnh Đức Phật Trong Thế Giới Hôm Nay

Bấm vào để nghe thuyết pháp bài giảng  


TT Giác Đẳng giảng

Bài thuyết pháp giảng trong lớp Diệu Pháp ngày 25 tháng 4 năm 2007

Chuyển thành văn bản: Minh Hạnh.
.

TT Giac DangTT Giác Đẳng: Đức Phật là vị giáo chủ với một giáo đoàn tăng lữ xưa nhất ở trong lịch sử của nhân loại. 2500 năm đã trôi qua và trong suốt 25 thế kỷ đó hình ảnh của Đức Phật được ghi nhận được lễ bái và được phát hoạ với nhiều đường nét khác nhau, người ta có thể nói một cách không sai lầm là ở trong lòng của những người Phật tử như mỗi chúng ta ở đây đều có hình ảnh của Đức Phật, nhưng chắc chắn hình ảnh từ dung của Ngài ở trong lòng của chúng ta không hoàn toàn giống nhau, mỗi người có một cách thế chiêm nghiệm, thờ phượng và tưởng nghĩ về Đức Phật khác nhau và không có nghi ngờ gì để nói rằng Đức Phật là một hình ảnh lớn rất lớn, lớn đến đỗi ở mỗi một thời kỳ mỗi một hoàn cảnh giai đọan của cuộc sống chính mình, đôi khi chúng ta phải tự đặt câu hỏi lại là hình ảnh của Đức Thế Tôn trong lòng của chúng ta như thế nào.

Cuộc sống ngày hôm nay càng lúc trở lên đa dạng đến độ kinh hoàng, chúng ta rất là kinh ngạc để thấy rằng khi đề cập đến cuộc sống của một người bên lũy tre làng, ngày rằm đến chùa lễ Phật, cách đây mới chừng hai ba mươi năm, nhưng bây giờ nghĩ lại thì đã xưa và xưa lắm. Chúng tôi nghe nhiều Phật tử về Việt Nam nói rằng: "Việt Nam bây giờ thay đổi rất nhiều, nếu Sư có trở về thì những con đường xưa từng đi qua bây giờ không còn nhận ra nữa." Chúng tôi chưa bao giờ được dịp trở về Việt Nam trong suốt 27 năm qua nhưng chúng tôi đã trở đi trở lại rất nhiều lần tại Thái Lan, chúng tôi đã hiểu, những mái chùa hiền hoà nằm trong khu làng nhỏ đang dần dà trở thành một trung tâm điểm của thành phố với những building mọc chung quanh, và từ một nơi rất thanh tịnh chùa bây giờ trở thành trung tâm văn hoá giữa phố phường. Dĩ nhiên cuộc sống bên ngoài thay đổi thì Đức Phật ở trong lòng của chúng ta cũng được lãnh hội từ một khung cảnh khác nhau. Một công chức, một thương gia khi nghĩ tưởng về Đức Phật có khác hơn là một người làm nông buổi sáng chờ ở bên đường để được để bát cúng dường Chư Tăng, tới ngày giới đến chùa để lạy Phật. Chuyện đó chúng ta không thể phủ nhận rằng hoàn cảnh có khác, chỗ đứng có khác, cái nhìn của chúng ta cũng khác đi, chưa bao giờ cuộc sống trở nên đa dạng như là ngày hôm nay, con người có thể nhìn vấn đề bằng rất nhiều cách thế góc cạnh khác nhau bởi vì truyền thông rộng rãi, ngay cả chuyện gặp nhau ở trên Internet như chúng ta gặp ở trong paltlak cũng khiến chúng ta nhìn vấn đề có khác đi so với nhiều năm về trước.

Đề cập đến hình ảnh của Đức Phật ở trong nghệ thuật hôm nay thì chúng tôi muốn nói đến bốn lãnh vực mà chúng tôi tin rằng bốn lãnh vực này đặc biệt quan trọng để chúng ta có một tập trung nhất định về những gì mà chúng ta muốn nói đến trong đề tài này.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đó là về bản địa truyền thống là hình ảnh của Đức Phật qua một cái nhìn rất là truyền thống. Truyền thống đó đã được duy trì hàng bao nhiêu thế kỷ vừa qua và hình ảnh đó như thế nào để chúng ta có một sự tương phản so sánh khả dĩ có thể thấy được là ngày hôm nay chúng ta có khác.

Phần thứ hai chúng tôi sẽ nói về những luồng gió mới mà qua đó hình ảnh của Đức Phật có khác hơn với bản địa truyền thống từ khi mà người Tây Phương bắt đầu đến với đạo Phật và nhìn đạo Phật bằng quan điểm khác hẳn cha ông của họ cách đây năm sáu thế kỷ. Chúng tôi cũng nói đến những phong trào mang tính xã hội nhưng đặc biệt chi phối đến thời đại của chúng ta như phong trào Hippy của những thập niên 60 thế kỷ rồi, hoặc giả là New Age, hoặc giả là chúng ta nói đến trào lưu thời thượng mà có đôi lúc nó đã khó để cho chúng ta phủ nhận rằng dù muốn dù không thì những trào lưu này đã ghi đậm nét ở trong xã hội ở trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, dĩ nhiên chúng tôi cũng muốn nói đến ảnh hưởng Internet của những phương tiện truyền thông hiện đại những thứ đó ảnh hưởng như thế nào trong cái nhìn của chúng ta đối với chân dung của Đức Phật, chúng tôi tạm gọi đó là những luồng gió mới.

Trong phần thứ ba của bài nói chuyện này thì chúng tôi đặc biệt dành nguyên cả phần để nói về hình ảnh Đức Phật của những người không là Phật tử. Đức Phật không còn là vị giáo chủ riêng của người Phật tử, hình ảnh những pho tượng Phật và kể cả khái niệm về Đức Phật đã được nhân loại đón nhận bằng vô số khía cạnh khác nhau trong đó có rất nhiều người họ đến với Đức Phật họ đặt để tượng Phật tại một nơi nào trong một ngôi nhà hay hoặc giả họ xử dụng tượng Phật bằng cách này hay cách khác, nhưng họ không phải là Phật tử, và họ hoàn toàn không ái ngại để nói rằng họ rất là quen thuộc pho tượng Phật mặc dù họ không phải là Phật tử.

Và sau cùng, ở trong sự phát triển muôn màu muôn sắc của nghệ thuật ngày hôm nay thì chúng tôi muốn nói đến là đi tìm một hình tượng hoàn vũ, một cái gì cho tất cả, không phải là hình ảnh những đường nét rất Ấn Độ hay là với pháp phục rất là Trung Hoa, hay là kiểu thân tượng như của Tây Tạng, mà người ta nghĩ đến rằng có một ngày nào đó phải chăng chúng ta sẽ tìm được một hình ảnh Đức Phật trong nghệ thuật và hình ảnh đó khả dĩ có thể là một hình ảnh quy hướng của tất cả văn hoá của tất cả châu lục mà chúng ta tạm gọi là một hình tượng hoàn vũ.

Bản địa truyền thống

Thời Đức Thế Tôn còn tại thế sự thờ phượng của Đức Phật có thể được ghi nhận một cách rất chân thành nhưng đặc biệt đơn giản. Một người qùi trước Đức Phật để đảnh lễ Ngài, hoặc giả đi nhiễu ba vòng chung quanh Đức Phật, hoặc giả là người đó có thể chắp tay lại nói lên rằng: Con qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Nói một cách rõ hơn là: Con xin qui y Phật, con xin qui y lời dạy của Ngài, con xin qui y Tăng Già đoàn thể đệ tử Ngài. Thì như vậy người đó đã đem Đức Phật vào trong lòng mình chính thức trở thành một người con của Đức Phật, trở thành Phật tử trong đạo tràng của Đức Phật.

Nhưng bây giờ Đức Phật vốn là vị chân sư Ngài hiện hữu trên thế gian này không phải là huyền thoại, mà Ngài có mặt ở cuộc đời này với một thân tướng quang minh, sinh động, từ hòa, những lời dạy của Ngài rõ ràng vang xa và không phải là cái gì mù mờ trong cuộc đời. Những đệ tử của Ngài dù là xuất gia dù là tại gia đã rải đi khắp mọi nẻo đường, buổi sáng sớm người ta nhìn thấy rất nhiều thiện gia nam tử đầu tròn áo vuông với chiếc y vàng đi vào trong làng xóm để khất thực, họ là những người nhắc cho quần chúng biết về sự có mặt của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác trong cuộc đời. Như vậy người Phật tử thời bấy giờ nghĩ về Đức Phật, tưởng về Đức Phật là một nhân vật cao cả, một nhân vật phi thường, một siêu nhân nhưng sống giữa thế giới con người này. Một hình ảnh rất điển hình đó là Đức Thế Tôn thường xuất hiện và xuất hiện một cách bất ngờ bằng thần thông của Ngài ở những nơi mà Ngài nghĩ là cần có mặt và nói những điều mà Ngài thấy rằng có thể khai thị được, cho những người có khi là tỳ kheo, có khi là tỳ kheo ni ,có khi là thiện nam, có khi là tín nữ, cũng có khi là những người ngoại đạo.

Những đệ tử Phật, đặc biệt là những đệ tử xuất gia thường chuẩn bị một chỗ ngồi đã soạn sẵn, chỗ ngồi lúc nào cũng có sẵn và bên cạnh có lu nhỏ đựng nước, Đức Thế Tôn đến, rửa chân cho Ngài và Ngài bước lên chỗ ngồi đã được soạn sẵn để an tọa. Chỗ ngồi đó là cái gì rất thân quen gần gủi của bậc siêu nhân sống giữa thế giới loài người này. Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch thì hình ảnh của Đức Thế Tôn có khác đi. Người ta đã tạo ra một hoa sen, người ta tạo ra dấu bàn chân của Đức Phật, dấu chân đó được mô tả trong kinh Lakkhana Sutta là 32 đại trượng phu tướng, ở trong đó diễn tả về bàn chân của Đức Phật với những đường chỉ rất đặc biệt, kể cả bánh xe với nhiều căm xe, tượng trưng cho bậc Pháp Vương chuyển luân Thánh Pháp ở giữa cuộc đời này, và bên cạnh đó thì Xá Lợi, Cội Bồ Đề cũng là những biểu tượng để người Phật tử thờ phượng.

Tuong Phat - Gandhara

Không có cái gì đứng yên một chỗ kể cả giòng lịch sử. Nói đến nghệ thuật của đạo Phật, Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều, chỉ có 200 năm sau khi Đức Phật Ngài viên tịch từ những vương quốc nằm chung quanh lưu vực sông Hằng thì một vị vua bấy giờ là vua Asoka đã thống nhất tất cả các tiểu quốc lại và nới rộng biên cương từ rặng Hy Mã Lạp Sơn đổ dài xuống miền nam của Ấn Độ, từ A Phú Hãn chạy qua đến đỉnh Bengal, chưa bao giờ Ấn Độ có một địa dư mênh mông như vậy. Ấn Độ bấy giờ trở thành một đế quốc, và đế quốc đó có dịp giao thoa với những nền văn minh khác, một ở trong những nền nghệ thuật lớn đã đến với Ấn Độ đó là một nền nghệ thuật theo gót chân viễn chinh của đại đế Alexandros người Hy Lạp. Khi vị đại đế này sang Hy Lạp ông chẳng những đã ghi lại giòng lịch sử của một quốc gia Tây Phương xâm lăng Ấn Độ vào trong một thời điểm sớm nhất mà ông còn để lại một số nghệ nhân, những nghệ nhân này đã làm rạng rỡ cả một nền văn minh đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp. Chính vì nền điêu khắc này đã tạo ra một thời đại mới, một thời đại hoàng kim của nền nghệ thuật Gandhara mà những pho tượng, những sản phẩm, những nghệ phẩm của thời đại văn minh Gandhara vẫn còn một dấu ấn sâu đậm ở trong nghệ thuật của Phật giáo cho đến ngày hôm nay. Người ta đã tạo tượng Đức Phật cái gì rất là con người, Ngài ngồi đó, Ngài đứng như vậy, với chiếc y ở trên người, nhưng người ta cố gắng để gói ghém vào trong đó đường nét của một bậc đại trượng phu, lỗ tai Ngài dài hơn, nhục đỉnh Ngài cao hơn một chút và thân tướng của Ngài rất đẹp, khuôn mặt rất trầm tư, rất từ bi, đầy trí tuệ.

Trước khi chúng tôi nói đến bản địa truyền thống thì chúng tôi muốn nói đến một điểm khi đề cập đến hình ảnh của Đức Phật trong truyền thống, và người ta tạc tượng Phật để làm gì, để thờ phượng, và đó là một điều mà chúng ta phải nhắc về khía cạnh căn bản của nền nghệ thuật truyền thống của Đạo Phật. Người ta không tạo tượng Đức Phật để trang trí trên bìa sách như chúng ta có ngày hôm nay, người ta không vẽ hình tượng Đức Phật để trưng ở trong nhà, để trang trí những ngọn đèn bàn trong phòng ngủ v.v.... Tất cả những tượng Phật, tranh Phật, dù là phù điêu, dù là bích hoạ, dù là những pho tượng rất lớn thời bấy giờ đều chỉ có một mục đích mà chúng ta tìm thấy rất rõ nét đó là để thờ phượng.

Điều đó rất là dễ hiểu, nó dễ hiểu là bởi vì ở trong nền văn hoá xưa cổ của chúng ta cái gì thiêng liêng thì phải đặt ở chỗ rất cao trọng, chứ cái gì thiêng liêng không thể dùng cho những cái không cao trọng được, do vậy nói đến hình tượng Phật ở trong bản địa truyền thống là luôn luôn tạo ra để thờ phượng để lễ bái, và do vậy đường nét màu sắc cũng như tư thế hoàn toàn khác biệt với những điều gì mà chúng ta thấy ở trong sách báo ngày nay. Chúng tôi nói hoàn toàn khác biệt là tại vì giả xử như người ta cho ở tại đó một cái hình ảnh của Đức Phật ngồi thuyết pháp hoặc giả Đức Thế Tôn ở trong một thế đứng ở trong một ngôi đền thì dù là để trang trí cho tháp hoặc giả là ở trong ngôi chánh điện v.v... thì tất cả đều mang một thế rất là uy nghiêm. Uy nghiêm đó để người ta sùng bái, để ngưỡng mộ. Thường thường trong thế ngồi rất thẳng, rất tôn nghiêm, không phải cách ngồi một tư thế cách điệu như chúng ta thấy trong nhiều tượng Phật được tạo trong thời kỳ hiện đại của chúng ta.

ellora-temple

Qúi vị nào đã có dịp sang thăm nhũng thạch động lừng danh của thế giới, ví dụ như hang động Ajanta và Ellora tại Ấn Độ, như là Đôn Hoàng, hay là Long Môn tại Trung Quốc thì chúng ta thấy rằng cho dù là một pho tượng nhỏ hay là một pho tượng lớn, pho tượng đứng hay pho tượng ngồi và kể cả pho tượng nằm đều được tạc ở trong thế cực kỳ nghiêm túc, nghiêm túc đó thích hợp cho một ngôi chánh điện, cho một ngôi đền thờ, một ngôi tháp chứ không phải tư thế uy nghiêm đó có thể đặt ở trong phòng khách hay đặt ở trong phòng ngủ như là nhiều pho tượng tạc ngày hôm nay. Ngày xưa chúng ta thờ phượng cái thiêng liêng là cái gì cao trọng, ở trong cái cao trọng đó con người không dám đặt cái thân thiết vào, thân thiết là cái gì rất gần với chúng ta.

Một thi sĩ nào đó nói rằng: "Phật vẫn chờ con cuối đường đấy chứ, con về sao hoa có nở liên đài, ôi thèm lắm một nụ cười giản dị, đấng cha lành nào phải của riêng ai."

MudraCái đó nó không có ở trong những vần thơ cổ và dĩ nhiên cái thân thiết đó cũng không có ở trong nền nghệ thuật cổ, mà chỉ nói rằng ngày xưa trong bản địa truyền thống liên quan đến nghệ thuật của tạc tượng thì người ta chỉ tạc tượng để thờ, và bởi vì tạc tượng để thờ nên sự uy nghiêm là quan trọng, những tư thế rất là quan trọng, cái tư thế đi đứng ngồi và lúc bấy giờ người ta chút trọng tới bàn tay, bàn tay người ta thường gọi là mudra. Mudra có nghĩa là ấn quyết hay là mudra là một biểu hiện, ví dụ như là vô úy ấn (Sa.abhaya-mudrà), hay la xúc địa ấn (sa. bhūmisparśa-mudrā) hay là thiền ấn (sa. dhyāni-mudrā), những ấn này được nói lên rằng Đức Thế Tôn đã, đang, làm cái gì đó ở trong tư thế này, và tự cái chữ mudra - ấn quyết cũng đã nói lên một cái gì rất thiêng liêng thuộc về lãnh vực thờ phượng cúng bái nghi lễ chứ nó không nằm trên quan điểm nghệ thuật thuần ý như chúng ta thấy ở trong nhiều tác phẩm nghệ thuật ngày hôm nay. Do vậy khi chúng ta nói đến hình ảnh của Đức Phật ở trong bản địa truyền thống, chúng tôi muốn nhắc một điều rằng những thứ đó cần phải được ghi nhận để rồi chúng ta tìm thấy một tương phản cần thiết trong nền nghệ thuật ngày hôm nay, thấy như vậy, có biết như vậy thì chúng ta hiểu được tại sao trong vòng 50 năm,100 năm trở lại đây nghệ thuật tạc tượng Phật đã làm những điều mà người ta gọi là cắt điệu, những cuộc khởi hành đã đi vào những lối rẽ và những lối rẽ đó có thể nói rằng làm chúng ta ngạc nhiên không ít.

Bây giờ mỗi lần về Nhật-bản chúng tôi thường có một điều hay để ý đó là chúng tôi muốn đi ngược giòng thời gian để đi tìm một sự phô diễn mà chúng tôi tin rằng nó đã là một chiếc gối để kê đầu cho cả hai giòng nghệ thuật của cổ của kim, của cổ điển và hiện đại liên quan đến tạc tượng Phật: đó là nền nghệ thuật Zen. Zen rất mới với Tây Phương và đôi khi Zen cực kỳ mới lạ đối với nhiều người trong chúng ta, người ta chỉ cần dùng một vài nét của bút lông để diễn tả điều gì đó mà đôi lúc Tổ Đạt Ma chỉ được diễn tả bằng một đôi mắt, một đôi mắt với một nét chấm, người ta cho rằng nét chấm đó cực kỳ quan trọng cho nguyên cả bức tranh. Zen đôi lúc đã dẫn chúng ta vào một nụ đơn giản nhất, đơn giản như là một câu hài cú của Nhật Bản, chỉ có vài chữ, nhưng mà nói rất xác rất chính xác, không dư thừa điều gì. Tuy vậy đối với Zen không phải là điều mới, nghệ thuật Zen đã đến từ những thế kỷ rất xưa, có thể nói rằng khi Nhật Bản đã đi vào thời kỳ hoàng kim của Thánh Đức Thái Tử thì lúc bấy giờ Zen đã bắt đầu một nền nghệ thuật mới. Và chúng ta cũng hiểu nền nghệ thuật của Zen vốn có một quá khứ bắt nguồn từ thư pháp, và nói đến thư pháp là người ta nói đến những đường nét rất sống rất thoát, nó thoát thai được cái nhìn cổ điển và điều đó là cái gì rất là tân, rất là hấp dẫn quyến rủ của nghệ thuật Zen. Và như vậy thưa qúi vị Zen có một sự lâu đời, người ta gọi mới cũng được, cũ cũng được.

To Bo De Dat Ma

Cho đến ngày hôm nay người Tây Phương vẫn say sưa với những đường nét vẽ của Zen, thế nhưng khi họ tạo tượng Phật, khi họ vẽ về tượng Phật, thì Zen có thật sự thoát thai được với bản địa truyền thống hay không? cho đến hôm nay thì chúng tôi không dám trả lời rằng họ đã thật sự thoát thai, chúng tôi lấy một ví dụ là những ngôi chùa thiền của Nhật Bản thì người ta vẫn tạo một tượng Phật hết sức truyền thống. Đức Thế Tôn ngồi đó với thân tướng trang nghiêm chững chạc bất động như núi và người ta dùng những khía cạnh rất là Zen nhưng được chấp nhận bởi đa số quần chúng, như là Đức Phật Ngài biểu trưng cho hùng lực cho sự phá vỡ những cái gì mà chúng ta gọi là ô tạp, những cái gì mà cặn bã của tư tưởng của học thuyết để rồi Đức Phật rạng rở và Ngài ngồi ở giữa cuộc đời này như một trái núi ngồi trên mặt đất.

Tuy vậy trong Zen người ta chỉ diễn tả sự giản dị của Đức Phật ở mức độ vầy, là thay vì Đức Thế Tôn ngồi trên bảo toà, đặt một ngôi tượng Phật trên phiến đá, hay là Zen người ta có thể nói về Đức Thế Tôn, họ tạo một cảnh giới thay vì một bàn Phật rất cầu kỳ theo truyền thống của Nhật Bản thì người ta tạo một tượng Phật đơn giản với một bình hoa đơn giản. Thế nhưng trong truyền thống tạc tượng cổ xưa Zen thì chúng tôi nghĩ rằng rất là cổ điển, nó chưa thoát thai như là chúng ta thấy một số hình ảnh vẽ ngày nay. Bởi vì sao? Bởi vì nó là một quan niệm giáo lý mà ngày hôm nay bỗng nhiên khi nói đến điều này chúng ta tìm thấy sự gặp gỡ giữa thiền Zen và nền nghệ thuật đương đại liên quan đến Đức Phật.

Có lẽ qúi Phật tử đều hiểu rằng ở trong một nhánh Phật giáo mà được gọi là Đại Thừa thì là một nhánh Phật giáo muôn màu muôn sắc, khi đề cập đến Đức Phật thì không phải chỉ có một vị Phật mà rất nhiều vị Phật, như Đức Phật A Di Đà người ta nói nhiều hơn Đức Phật Thích Ca, mở miệng ra thì nhắc đến Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Và hình ảnh của Chư Phật được diễn tả trong thế giới Hoa Tạng của kinh Hoa Nghiêm thì đó là một phản ảnh muôn màu muôn sắc mở ra tất cả cánh cửa người ta có thể tìm thấy vô số nét khác nhau về Đức Phật.

Zen là một sự trở về, tạo sao Zen là sự trở về bởi vì đến một lúc nào đó những Thiền Sư họ muốn nói rằng hãy trở về với chân tâm kiến tánh thành Phật, mặc dầu họ nói sự trở về như vậy nhưng trên phương diện nghệ thuật thì Zen đã đưa người Phật tử Trung Hoa và Nhật Bản trở lại một hình ảnh của một vị Phật đó là Đức Thích Ca Mâu Ni, một hình ảnh của Đức Phật mà đôi khi hoàn toàn bị quên lãng mà chúng tôi phải thưa với qúi vị là ngay cả ngày hôm nay có rất nhiều ngôi chùa Đại Thừa ở Trung Hoa và Nhật Bản không có thờ Đức Phật Thích Ca mà chỉ thấy thờ Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Tây Phương Tam Thánh v.v... mà không có thờ Đức Phật.

Ton Tuong - Nhat Ban Trong lúc đó thì nghệ thuật Zen đã đưa hình ảnh Đức Phật Thích Ca trở về với ngôi chùa. Hình ảnh Đức Phật Thích Ca thì thường mặc y rất giản dị không màu mè, không nhiều trang sức như Đức A Di Đà hay là Đức Quán Thế Âm, Đức Thế Chí. Và hình ảnh Đức Phật Thích Ca là cái gì rất biểu trưng truyền thống của Ấn Độ, và do vậy khi mà qúi vị thấy nỗ lực này của Thiền Zen thì chúng ta lại bắt gặp một thứ rất đặc biệt là người ta cố gắng để qua đó xây dựng hình ảnh của Đức Phật như là một tâm điểm của tất cả, tại vì trong nền văn hóa Phật giáo của Đại Thừa khi nhiều hình ảnh Phật thờ phượng đôi khi như hình ảnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát vượt trội hơn hình ảnh của Đức Phật hay là hình ảnh của một vị nào đó vượt trội hơn hình ảnh vị Phật và bấy giờ thì người ta muốn đưa hình ảnh của Đức Phật Thích Ca trong Thiền Tông trở về với một ngôi vị tôn nghiêm nhất, một vị cao cả nhất, một tụ điểm của tất cả nghệ thuật và vì thế khi chúng ta đến với nền văn hoá của Zen thì qúi vị nhận ra được là tại đó có một cái gì đó gối đầu giữa nghệ thuật cổ và nghệ thuật mới liên quan đến Đức Phật.

Xin nhắc lại một điều rằng trong cái gọi là bản địa truyền thống tức là một cơ sở rất là căn bản từ xưa đến bây giờ thì thưa qúi vị cái gọi là nghệ thuật cổ điển đã cho chúng ta thấy một sự việc vô cùng quan trọng là Đức Phật ở trong nhiều thế hệ nhiều quốc độ luôn là một hình ảnh của tôn thờ, dù đó là một tượng Phật ở trên một ngôi tháp hay tượng Phật là một bức phù điêu hay là một hình ảnh bích hoạ vẽ trên đá bởi vì là đối tượng để tôn thờ để quy ngưỡng chứ không phải để trang trí, không phải để phô diễn nghệ thuật, do vậy ở trong căn cứ bản địa thì tượng Phật có một số nét tôn nghiêm nhất định và nét tôn nghiêm này chúng ta nói rằng cái gì là cái gì độc đáo thuộc về bản địa truyền thống.

Những Luồng Gió Mới

Chúng ta nói đến những luồng gió mới khi đề cập đến hình ảnh của Đức Phật ngày hôm nay. Trong ba thế kỷ vừa qua nhân loại đã trải qua một cuộc thay đổi chưa bao giờ thấy ở trong lịch sử trước đó, một sự thay đổi toàn diện tận gốc rễ với sự phát triển của khoa học của kỹ thuật và con người bắt đầu truyền thông với nhau được dễ dàng hơn, đi lại với nhau thuận tiện hơn, trái đất này đã trở thành nhỏ hơn, nhỏ hơn đến nỗi người ta gọi là the Globe is a Village - trái đất như một ngôi làng. Điều đó tự nhiên dẫn đến một số cái giao thoa sự hoà điệu của nền văn hoá này văn hoá kia, đạo Phật ở một cách nói nào đó thì tương đối là bảo thủ, nhất là Phật Giáo Nguyên Thủy thì người Phật tử thường cố gắng để gìn giữ lấy những giá trị truyền thống. Thế nhưng chúng ta không tránh khỏi được một điều là một khi mà cánh cửa mở ra, người bên ngoài từ một thế giới khác nền văn hoá khác bước vào trong, và chưa kể những chuyến đi gọi là đồng hành với những người từ nền văn hóa khác, quá khứ khác biệt lại cùng đi chung với nhau, tự nhiên có những trao đổi có những cống hiến hoà điệu khiến cho cuộc sống trở lên mới, cái mới đó chúng ta phải ghi nhận liên quan đến hình ảnh của Đức Phật chứ không thể làm ngơ được. Dĩ nhiên là ngay từ ở trong quá khứ rất xưa thì khi Đạo Phật đến Tây Tạng đến Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, khuôn mặt của những pho tượng Phật, những đường nét của pho tượng Phật đã mang mầu sắc theo văn hóa địa phương.

Wat Pah Nanachat Những luồng gió mới này chúng ta có thể tạm nói rằng người Tây Phương khi đến với Đạo Phật thì vốn đã có nền nghệ thuật rất cao về âm nhạc về hội họa, Tây Phương họ đã có một nền nghệ thuật mà họ rất tự hào lâu đời và khi họ tiếp xúc với Đạo Phật thì phải nói rằng họ trở nên bàng hoàng là bởi vì hình ảnh của Đức Phật đôi lúc không thể diễn tả bằng giấy mực bằng một vài đường nét mà có thể vượt quá xa cái tầm tưởng tượng của nhiều nghệ nhân Tây Phương. Chúng tôi lấy ví dụ là Hermann Hesse một văn hào Tây Phương khi viết cuốn sách Siddhatha rất có trọng tâm như nhiều người nghĩ đó là câu chuyện của Tất Đạt một thiện hữu, nhưng phải nói rằng vị này đã viết rất nhiều về Đức Phật về bối cảnh sống của Ngài qua hai người đệ tử. Nếu ngày hôm nay qúi vị vào một vài ngôi chùa như ngôi chùa Wat Pah Nanachat tại Thái Lan hay là Thiền Viện Amaravati tại Anh Quốc thì chúng ta cũng thấy rằng những người da trắng khi xuất gia trở thành tỳ kheo hay trở thành nữ tu trong đạo Phật đã là những cư sĩ đến chùa họ đã có những màu sắc mới đường nét mới, Đức Thế Tôn bấy giờ được tạc, được đúc, được phát họa như là một vị thắp sáng tuệ giác ở giữa cuộc đời này, Ngài sống ở không khí thiền định ngập tràn với sự trầm tư, một điều mà người Tây Phương rất khát ngưỡng ở Đức Phật.

Amaravati

Trong lúc đó thì tại Phương Đông người ta thường nói lên một hình ảnh của Đức Phật rất thiêng liêng cao vợi đầy uy đức và uy đức của Ngài có thể phổ độ cả thế gian này. Chỉ hai điểm đó chúng ta có thể tìm thấy một nét gì khác biệt ở trong nỗ lực của những nghệ nhân Tây Phương để nói về một Đức Phật sống trong tuệ giác. Và nó là một sự vô nhiễm cực kỳ khó khăn khi Ngài đặc biệt an nhiên tự tại vốn là ánh hào quang của vị vượt lên trên tất cả. Trong khi đó tại Phương đông thì Đức Thế Tôn được mô tả như là một vị viên mãn phục đích phúc trí, là vị đại bi đại trí đại tịch viên mãn giác ngộ, nhưng bên cạnh đó thì Ngài là một vị đại hạnh đại phước giữa trần gian này.

Chúng tôi muốn nói đến những người Phật tử Tây Phương rất nghiêm túc, nhưng mà rồi chúng ta không thể loại ra khỏi một số những phong trào như phong trào hippies của thế kỷ rồi, và bây giờ người ta nói đến New Age. Những người trẻ bây giờ họ lớn lên họ đã có được hoàn cảnh hoàn toàn khác với những thế hệ đi trước. Hoàn cảnh đó là một thế giới mở rộng, họ không còn phải bịt mắt, không còn bị cấm đoán, là chỉ được tiếp xúc chỉ được đọc kinh của tôn giáo này không được đọc kinh của tôn giáo khác v.v... và bấy giờ họ cũng hiểu ra rằng đa số những gì gọi là đúng, là hay, là giỏi, thì những điều đó mang màu sắc của thời gian của văn hoá, nhất là những cái gọi là thẩm quyền của tôn giáo. Những phong trào này họ thường thách thức những thẩm quyền đó, thẩm quyền của thượng đế chẳng hạn, thẩm quyền của giáo hội. Và khi họ thách thức như vậy thì thường họ làm những cuộc nổi loạn, nổi loạn về xã hội, nổi loạn về văn hoá, và đặc biệt nổi loạn về tư duy.

Và trong cuộc nổi loạn này họ đã đi tìm được một hình ảnh có thể là bình an bất diệt, đó là hình ảnh của Đức Phật. Thật ra Đức Phật không phải là biểu tượng của sự nổi loạn như là một số người trẻ Tây Phương nghĩ, nhưng họ thấy rằng Đức Thế Tôn một vị hoàng tử nuôi dưỡng lớn lên trong cung vàng điện ngọc, Ngài từ chối những điều đó để ra đi sống một đời sống thoát ly, người ta nhìn thấy Đức Thế Tôn là một người lớn lên trong một xã hội Ấn Giáo của Balamôn giáo với bao nhiêu là thánh điển, bao nhiêu là thờ cúng lễ lộc, bao nhiêu là văn hoá của Ấn Giáo, Ngài rủ bỏ những thứ đó giống như phủi bụi ở trên chiếc áo, Ngài sống không lệ thuộc và điều đó nó cho những người trẻ đã tìm thấy sự hấp dẫn rất lớn và do vậy hình ảnh của Đức Phật ở trong lòng của họ đôi khi là hình ảnh của một con người không cần gì hết ở giữa cuộc đời này. Nói như trong kinh điển là Đức Thế Tôn là vị Phật không có hi cầu, không kỳ vọng, không đòi hỏi. Nhưng dĩ nhiên đối với những người này trạng thái bất cần đời đó là cái gì chúng tôi nghĩ rằng họ rất thích thú để họ nói rằng họ tìm được một biểu tượng.

Ajahn Sumedho Dĩ nhiên là ngày hôm nay đã có một số không nhỏ những bạn trẻ này không còn trẻ nữa, họ có thể là một người lớn tuổi, người lãnh đạo Phật giáo như Ngài Sumedho ở Anh Quốc một nhà Sư người Mỹ theo phong trào Hippies là vị Thánh (Peace Corp St) trong Á Châu ở thập niên 60 của thế kỷ rồi, hay là nhiều nhiều vị tăng sĩ nhiều nhiều vị học giả khác họ đến từ cái nổi loạn của tuổi trẻ và tìm một biểu tượng sùng bái cho chính mình, nhưng mà rồi họ lại đến được với Đức Phật và dần dà họ trưởng thành chính chắn hơn, họ có một thái độ biết suy nghĩ hơn, và Đức Phật trong lòng họ bây giờ chín mùi như là vị Chân Sư chứ không phải là một vật trang sức. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng những lãnh hội của những người trẻ, những phong trào đó đã trở thành một bản sắc rất độc đáo về những pho tượng Phật theo sự phát họa của người Tây Phương.

Ngày hôm nay bây giờ chúng ta đang ngồi ở trước máy để cùng tham dự một lớp học ở trên Internet gọi là rơom Diệu Pháp trong paltalk, chúng ta cũng nhận thấy rằng bây giờ với phương tiện truyền thông rất dễ, chúng ta có thể copy một hình ảnh của một tượng Phật, chúng ta có thể dùng Photoshop của Adobe để vẽ lại trong cách chúng ta muốn vẽ rất là dễ dàng mà chúng ta không cần phải là họa sĩ chuyên nghiệp, và rồi chúng ta cũng có thể đưa vào trong đó những special effect, ví dụ như chúng ta muốn Đức Phật có một nét như vậy, có hào quang như vậy, có những special effect mà trước kia không có computer chúng ta làm rất khó, hay phải là một hoạ sĩ thiên tài mới có thể làm được. Do vậy trong những năm gần đây chúng tôi tìm thấy rằng hình ảnh của Đức Phật đã bắt đầu có dạng thức mới do kỹ thuật về Tin Học, kỹ thuật về Vi Tín đã cho chúng ta thấy rằng những người này có thể diễn tả Đức Thế Tôn ở trong một hình thức phong phú hơn bậc cha anh họ về trước rất nhiều vì phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Khi nói đến người Tây Phương và những phong trào mang tánh cách nhân văn hay chúng ta nói kỹ thuật Internet, chúng tôi có thể tạm gọi là một trong những thí dụ cho nguồn sinh khí mới. Ngày hôm nay có một số người dùng hình ảnh của Đức Phật làm một background cho điện thoại cầm tay, có số người dùng hình ảnh của Đức Phật để làm Screen Saver, có rất nhiều cách xử dụng khác nhau chứ không phải là một hình ảnh của Đức Phật rất tôn nghiêm đặt trên bàn thờ chúng ta thắp hương lễ bái hàng ngày, chuyện đó không có, và Đức Phật lại gần hơn, như trong cách gần đôi khi chúng ta có thể tìm thấy được tượng hay hình ảnh của Đức Phật theo một cách rất riêng tư mà người ta đặc biệt ưa chuộng, thì không biết mai hậu này xã hội loài người sẽ đi về đâu trên phương diện ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào trong đời sống của mình nhưng trên phương diện tín ngưỡng thì ngày nay người ta đã bắt đầu thấy rằng đó là một ở trong số lãnh vực chịu ảnh hưởng lớn đối với khoa học hiện tại.

Và riêng về Internet thì đặc biệt rất hấp dẫn đối với những người Phật tử là bởi vì chúng tôi có cảm nhận một điều rằng chưa có thời đại mà nó gần với người Phật tử bằng phương tiện như là hiện nay, là bởi vì cộng đồng Phật giáo ở trên thế giới có rất nhiều người có lòng nhưng lại không có phương tiện. Thí dụ như hồi xưa chúng ta nói in một tập sách rất là đắc tiền, ấn tống một tập sách có thể là cần đến một vị thí chủ giàu có mới bỏ tiền ra in sách được, bây giờ thì chúng tôi thấy thỉnh thoảng có người bỏ công đánh tập sách và post lên nét, những người làm công việc pháp thí làm không công rất dễ dàng ở trong điều kiện mà họ có thể làm được. Thì đó là một thời đại của những người Phật tử, tại sao vậy? người Phật tử thích làm thiện nguyện, người Phật tử không thích buôn bán những sản phẩm đắc giá mà nhân danh Pháp Bảo, mà người Phật tử rất chịu khó trong việc làm một công trình gì đó rồi sau đó không giữ lại cái gì của mình hết, người ta biết mình cũng được, hoặc không biết mình cũng được, hầu như Internet đã trở thành một cái gì đầy hứa hẹn cho những người Phật tử làm việc công quả ở trong lãnh vực này. Và có lẽ là qúi vị và qúi Ngài đồng ý một điều là bản quyền không phải là cái gì được người ta nhắc nhiều đến trong thế giới của Phật giáo. Thế giới Phật giáo đôi khi một người viết một quyển sách, hay là ví dụ ngày hôm nay chúng ta đọc Milinda Panha chúng ta không còn biết vị nào là tác giả tập đó, Thanh Tịnh Đạo thì chúng ta biết là của Ngài Buddhaghosa, Abhidhammattha Sangaha của Ngài Anuruddha Thera, nhưng có nhiều tác phẩm chỉ viết và được đặt vào trong giòng lịch sử văn học của Đạo Phật mà không ai muốn nhắc tới và không ai còn được biết đến tác giả là ai, thì Internet cũng vậy.

Chúng tôi trở lại là trong môi trường đó đã có rất nhiều hình ảnh của Đức Phật được tìm thấy ở trên Internet các web site ngày nay, thỉnh thoảng chúng tôi vào trong một vài Web Site như là You tube hay là Google hay là Yahoo trong phần Images chúng tôi tìm những hình ảnh liên quan đến cuộc đời của Đức Phật thì thấy rằng người ta đã khai thác rất nhiều hình ảnh của Đức Phật qua nhiều góc cạnh khác nhau. Ngày hôm qua Sư Uyên Minh có gửi cho chúng tôi một tấm hình ở trên Internet, hình bán thân một pho tượng Đức Phật, nguyên pho tượng Phật người ta không chụp, người ta chỉ chụp một phần để nói lên khuôn mặt của Đức Thế Tôn rất đẹp rất từ bi, và đó là một trong những sản phẩm nghệ thuật của thời đại mà nó mang tính của Internet của Tin Học. Chúng ta có vô số phương tiện để làm việc, do vậy ở trong tương lai một khi mà pho tượng Phật không đơn thuần làm ra để thờ ở trên bàn thờ, thờ trong ngôi chùa, thờ trong tháp, hình ảnh của Đức Phật được tìm thấy ở trong điện thoại cầm tay, ở trên desktop, và ở trong nhiều nơi nữa, thì qúi vị sẽ thấy rằng cả một thế giới lớn mở ra, người ta trên đó có thể làm muôn màu sắc, người ta có thể làm rất nhiều đường nét màu sắc mà người ta muốn, và người ta cho vào đó một chút chủ nghĩa cá nhân nghĩa là cái gì rất là riêng tư, quần chúng có chấp nhận được hay không nhưng mà mình thích thì mình phải có riêng của chính mình. Những điều này đã cho chúng ta thấy một khuynh hướng mới, một trào lưu mới nói về nghệ thuật. Nghệ thuật cũng giống như thương mại, là đi theo chủ nghĩa cơ hội khi cánh cửa mở ra một cơ hội mở ra thì nó lại sản sinh ra một phong trào mới. Do vậy chúng tôi tin rằng những phong trào mới này sẽ làm thay đổi đặc biệt là thay đổi lớn những quan niệm về truyền thống mà chúng tôi tạm gọi là bản địa truyền thống khi đề cập đến những pho tượng Phật

Hình ảnh Đức Phật của những người không phải là Phật tử.

Khi đề cập đến điểm này thì chúng ta phải nhận một điều là ở trong tất cả những vị giáo chủ của các tôn giáo kể cả Khổng giáo chẳng hạn thì hình ảnh của Đức Phật là một hình ảnh có thể nói là tương đối vượt ra khỏi ranh phận của tôn giáo mà thường thờ phượng chính Ngài, ở đây chúng tôi nói là ranh phận của Phật giáo. Tại sao vậy? Là bởi vì chính Đức Phật Ngài truyền đạt những giá trị mà những giá trị này vốn không nằm ở trong biên cương của một đạo giáo nào hết, có nhiều điều mà Đức Phật dạy, ví dụ như thiền Tứ Niệm Xứ ngày hôm nay đang được áp dụng trong một số bệnh viện tại Hoa Kỳ, người ta áp dụng và gọi là thiền Vipassna và người ta không nhắc gì về Đức Phật, người ta cũng không nói rằng Đức Phật là người dạy ra phương pháp thiền đó để được thế này thế kia, mà người ta chỉ dạy thuần thiền Vipassana, có nhiều người học thiền Vipasana mà không biết đó là thiền của Đức Phật. Đó là những thí dụ cho thấy rằng bởi vì những giá trị mang tánh cách vượt không gian vượt khỏi nền văn hóa và nó không nằm ở trong một biên cương của đạo giáo này hay là tông phái kia.

Đức Phật hình ảnh của Ngài rất là phổ cập và nếu chúng ta sang Âu Châu là một thí dụ một nơi mà ngày hôm nay người ta có một nền văn hoá tuy rằng thông tục nhân gian nhưng lại là một nền văn hoá mang nặng tính trí thức của những nền văn hóa như quán bán cafe tại Paris, hay của những người mà họ không muốn dán một nhãn hiệu nào họ là ai, và cũng không muốn ai nói họ là vô thần mặc dầu họ không theo bất cứ một tín ngưỡng nào. Những người này đôi khi họ nhìn Đức Phật như là một triết gia, một triết gia ra đời rất sớm ở trong nền văn hóa của nhân loại, là một người tiêu biểu cho những giá trị mà nó không nằm ở trong hạn cuộc mà loài người thường khoác lên chính mình. Bởi vì Đức Phật không nói rằng mình phải trở thành tín đồ, mình phải qui y Phật, mình mới được cứu rỗi không sanh vào địa ngục. Đôi khi Đức Phật dạy một cách rất rõ ràng, Ngài nói rằng: "Các con phải nỗ lực, đấng Như Lai chỉ là bậc đạo sư." Do vậy hình ảnh của Đức Phật có thể nói rằng rất là quan trọng.

Buddha - Bamiyam

Chúng tôi nhớ năm 2001 khi những người cực đoan của chính quyền Taliban lên tiếng rằng họ sẽ phá hủy hai pho tượng Phật ở Bamiyan và rồi vài tháng sau đó họ đã phá hủy bất chấp những lời khẩn khoản những lời kêu gọi thậm trí là áp lực xa gần của cả thế giới làm sao để gìn giữ lại bảo vật của nhân loại mà có gía trị về văn hoá và tôn giáo một khi đã mất đi thì không bao giờ có thể tìm lại được. Khi chính quyền Taliban phá hủy pho tượng này thì một ký giả của tờ Le Figaro của Pháp Quốc đã nói rằng nhân loại đã để một khăn tang cho một công trình văn hóa đã bị phá hủy. Chúng tôi nhớ lúc đó chúng tôi sang Pháp tại viện bảo tàng Pompidou người ta treo một bức tranh lớn bằng pho tượng Bamiyan thật và tại đó người ta tập trung rất nhiều sự thăm viếng của những học giả, những nhà trí thức, những nhà văn lớn của nước Pháp, và khắp nơi trên thế giới để nói lên sự xúc động, để nói lên sự phẫn nộ đối với một hành động mà đôi khi người ta phải dùng lời rất nặng, người ta gọi là hành động mọi rợ, hành động phản văn hóa. Thì chúng tôi có cảm nhận một điều rằng người Tây Phương rất là thoải mái khi họ đến với những pho tượng Phật mặc dầu họ không phải là Phật tử.

Và ngày nay nhiều khi họ đã đi quá xa, ví dụ như hình ảnh của Đức Phật được in vào một số những quần áo hay là vật dụng sài. Cách đây vài năm có một chuyện quá đáng thí dụ như hãng Victoria's Secret in hình ảnh Đức Phật vào bộ đồ tắm hay là người ta dùng tượng Phật cho những chân đèn bàn phòng ngủ v.v... thì dĩ nhiên người Phật tử phẫn nộ, có nhiều người xem đó là cái không thích dáng cái gì thiêng liêng thì phải đặt tại nơi thiêng liêng không thể đem vào trong đời sống như vậy. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận một điều là những điều đó nó vốn bắt nguồn từ thái độ rất cảm thấy dễ dàng để chấp nhận, nếu Đức Phật là hình ảnh tương tự như Mohamet là vị giáo chủ của đạo Hồi thì có lẽ là người ta không đặt để Ngài ở trong quán cafe hay ở trong một vài nhãn hiệu như Buddha Bar hay là câu lạc bộ hay những hàng quán, là bởi vì người ta thấy rằng ít nhất tư cách của vị giác ngộ một vị siêu nhân một người đáng sùng kính thì Đức Phật Ngài biểu chưng cho cái gì rất là nhân bản giữa thế giới loài người này. Ngài nhắc lại cho chúng ta thấy rằng sống là phải làm rõ giữa cái gì vui cái gì khổ, làm thế nào đừng làm khổ người khác, làm thế nào để biết mang lại sự an lạc cho mình. Những điều đó Ngài đưa ra nó gần và thân thiết lắm, thân thiết đến đỗi mà anh A anh B ông Smith ông James những người lớn lên từ Nga từ Anh từ Pháp tất cả mọi người đều có thể có cái gì đó chia chác được từ gia tài đồ sộ của Đức Phật để lại cho nhân loại, thành ra phải nói là những người này họ đã có những sản phẩm về hội hoạ về điêu khắc âm nhạc về nhiều thứ liên quan đến Đức Phật. Phải thành thật mà nói rằng chữ Buddha hay là chữ Phật Đà được phổ cập ở trong thế giới của Tây Phương ngày hôm nay thì người ta quan niệm có đôi lúc người đó họ dùng họ không nghĩ rằng cần phải mang màu sắc của tôn giáo. Chúng ta nói đó là lợi cũng được, nói là bất lợi cũng được, nói là hay cũng được, nói là dở cũng được, cho dù nói cách nào đi nữa nó là hiện tượng của thời đại.

Có một lần ở đây chúng tôi có quen với một vị linh mục ở Houston, vị đó là chủ tịch của hội đồng giáo dân ở tại Houston và trong lúc thân mật thì chúng tôi hỏi vậy chứ giả xử như khi sống tại các quốc gia Tây Phương những tín đồ Thiên Chúa giáo họ để một tượng Phật ở trong phòng khách, họ để tượng Phật ở trên tác phẩm nào của họ mà họ là người Thiên Chúa giáo La Mã thì linh mục cảm thấy như thế nào, vị này là người sống rất lâu ở Tây Phương thì vị này nói với chúng tôi một điều rằng về điểm đó nó không có một cái guideline, không có một chuẩn mực nào nhất định là phải thế này phải thế kia. Nhưng phải nói rằng sống tại Âu Châu và tại Hoa Kỳ về lâu thì chúng tôi có ghi nhận một điểm là Đức Phật ngoài sự tượng trưng là vị giáo chủ tôn giáo như là những người Phật tử đang thờ phượng thì Đức Phật đã tự bao giờ trở thành cái gì của chung của nhân loại.

Và bây giờ có Phật tử nào đó bước ra ngoài nói rằng "à! qúi vị không thể để Đức Phật như vậy, không thể thờ Đức Phật như thế kia." thì sẽ có rất nhiều người chế nhạo người đó nói rằng như vậy người đó muốn rằng Đức Phật của riêng ông A, của riêng bà B, của riêng văn hóa này văn hóa khác. Đức Phật không thuộc về ai hết.

Bhikku Bodhi Khi chúng tôi nghe nói như vậy thì thật sự chúng tôi phải nói rằng Đức Phật Ngài đã ban bố cho cuộc đời một hình ảnh mà khả dĩ có thể nói rằng: Một trong những hình ảnh mà Ngài Bodhi khi được mời đến tổ chức lễ Phật Đản đầu tiên và cũng chứng kiến sự tôn kính xá lợi của Đức Phật tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York thì Ngài đã nói rằng:

"Đức Phật đã cho nhân loại rất nhiều, nhưng mà một trong những điều mà Ngài cho nhân loại có những giá trị mà không cần biết anh A, anh B, màu da gì, tôn giáo gì vẫn có thể tìm thấy ở đó những lợi ích, và như vậy con người trong thế kỷ này gần với nhau chúng ta tiếp xúc với nhau thì chúng ta phải nhìn nhận rằng có những giá trị mà nó trở thành mẫu số chung của nhân loại."

Lời nói đó của Ngài Bodhi tại Liên Hiệp Quốc khiến cho chúng tôi chợt nhớ chợt nghĩ đến một điểm rất quan trọng là đôi khi phản ứng của chúng ta đối với những người không phải là Phật tử khi họ xử dụng hình tượng Phật cũng nên có ở mức độ vừa phải, chúng tôi không đồng tình trong trường hợp họ in hình Đức Phật vào trong đồ lót và cũng không cảm thấy thoải mái khi người Phật tử in hình Phật vào trong các nhãn để bán nhang bán tương bán chao v.v... Nhưng dầu sao đi nữa thì cái đó cũng phản ảnh một nền văn hóa mà chúng tôi gọi là một nền văn hóa rất bao dung, nền văn hóa đầy tinh thần nhân bản, một nền văn hóa xem con người và những gì thân thiết với con người là điều không thể phủ nhận được và rất phù hợp với lời dạy của Đức Phật.

Cách đây một vài tuần lễ thì ở Thái Lan người ta đưa ra một bản án phạt hai mươi năm tù một người Thụy Sĩ trong lúc ở Chiang Mai đã dùng sơn vẽ để hủy hoại một số hình ảnh của vị vua Thái Lan vua Phumibol một vị vua mà người Thái rất sùng kính thương mến, việc làm phạm thượng của người Thụy Sĩ đó đã dẫn đến một bản án, tại vì người Thái Lan có luật là làm gì cũng được nhưng phỉ báng nhà vua thì là một tội rất nặng. Khi bản án đó được đưa ra không lâu, chỉ mấy ngày, thì Đức Vua Thái Lan đã ra một lịnh ân xá người này, nghĩa là bỏ qua chuyện này thì tờ International Herald Tribune đã ghi một chú thích là: thật sự nhà vua Thái Lan rất chống đối lại với những sự phạt vạ hay những bản án nặng nề khi người ta phỉ báng hay công kích nhà vua, bởi vì nhà vua thấy rằng điều đó nó không là một cách tôn sùng chính đáng đối với một người, mình chỉ làm cho người ta sợ không đủ. Và quả thật thì chúng tôi có đồng tình với tinh thần đó là chúng ta là người Phật tử thì Đức Phật là của chung, Ngài là hư không, Ngài là ánh sáng, trái đất này khi người ta hủy hoại trái đất người ta thiệt thòi, Ngài là giòng suối ngọt cho tất cả chúng ta, Ngài là những ngọn gió thanh lương chúng ta có thể hưởng thụ được, người ta thích cũng được không thích cũng được, gió là gió, núi là núi, hư không là hư không, ánh sáng là ánh sáng, những thứ đó không ai có thể làm cho hư hoại được. Nhưng may mắn cho chúng ta là ở trong xã hội con người còn có những tâm hồn còn có ý thức và những tâm hồn ý thức này biết cảm nhận được cái cao sâu vẻ đẹp từ bi vĩ đại của Đức Phật. Như vậy đối với chúng ta là đủ, chúng ta không thể nào chạy theo bắt chước thái độ rất ngông cuồng của người Hồi giáo là đụng đến giáo chủ của mình là mình phải giết phải thanh toán người đó, dù đó là không hợp với lời dạy của Phật mà điều đó lại cho chúng ta cảm thấy rằng chúng ta làm một việc rất điên rồ.

Và khi hai pho tượng Phật ở Bamiyan bị người Taliban đặt chất nổ hủy hoại thì người Phật tử trên thế giới lấy làm tiếc, nhưng đã không có một trái bom nào nổ ra nhân danh người Phật tử tại ở giáo đường của Hồi giáo để trả đũa người Hồi giáo, và không có người Phật tử nào nói rằng đạo Phật từ chỗ đó bị suy vong, bởi vì người Phật tử biết rất rõ là cái gì cũng vô thường theo thời gian năm tháng. Ngày hôm nay người A Phú Hãn muốn xây dựng lại vì đó là tài sản của họ và khi trước họ muốn hủy hoại cũng đó là chuyện của họ, họ có được thì họ nhờ, họ có được thì chúng ta cùng hoan hỉ với họ, họ mất đi thì chúng ta lấy làm tiếc cho họ, nhưng không vì việc đó mà chúng ta phải nuôi dưỡng hận thù. Nên chi chúng tôi tin một điều rằng Đức Phật hình ảnh của Ngài không nằm ở trong một vài đường nét, vài pho tượng đồng, pho tượng đá, pho tượng gỗ mà chính Đức Phật nằm ở trong tâm tư của chúng ta là một vị Phật đại bi, đại trí, đại tịch mà chúng ta cảm nhận qua lời dạy và qua tinh thần của Ngài.

Một hình ảnh hoàn vũ.

Buddha - Gandhara

Nếu qúi vị sang Hoa Kỳ thì qúi vị sẽ thấy rằng ngày hôm nay Phật Giáo tại Hoa Kỳ đúng là muôn màu muôn sắc, hiếm khi mà chúng tôi đi đến một quốc gia nào mà Đạo Phật lại mang nhiều màu sắc như tại Hoa Kỳ. Ví dụ miền nam California qúi Ngài về Long Beach có thể đến thăm một ngôi chùa Tây Tạng, rất Tây Tạng, hay lên Hacienda thì tìm thấy một ngôi chùa Trung Hoa, xuống Santa Ana có rất nhiều ngôi chùa Việt Nam. Rồi chúng ta nói đến chùa Thái, chùa Miên, chùa Đại Hàn, chùa Tích Lan, chùa Miến Điện v.v... có tất cả mọi thứ. Câu hỏi được nêu ra tại đây rằng có thể nào đó khi người Phật tử vượt qua tất cả những ranh phận của văn hoá, của vùng trời, vùng biển, của chủng tộc, để khả dĩ tạo một pho tượng Phật cho tất cả mọi người, cho cả thế gian này, chúng ta tạm gọi là pho tượng hoàn vũ, một universe statue cho tất cả mọi người mọi chủng tộc hay không? Thì thưa qúi vị chúng tôi biết là chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta sẽ tìm thấy một số tượng Phật khả dĩ có thể được đón nhận bởi nhiều nền văn hoá khác nhau.

Thế nhưng hiện nay trong khuynh hướng trào lưu chung của nhân loại là chúng ta cống hiến cho cái chung từ cái rất là riêng của mình. Nói một cách khác những pho tượng đầy màu sắc huyền bí của Tây Tạng, hay những pho tượng rất từ bi ung dung của Tích Lan, hay rất trầm hùng của Nhật Bản. Những pho tượng đó đều có sự đóng góp vào hình ảnh pho tượng hoàn vũ trong tương lai. Nhưng người ta thấy rằng ở trên thế giới này có nhiều dân thì tại sao chỉ có một pho tượng. Do vậy kỳ rồi đi sang một nhà thờ công giáo tại Perth bên Úc, chúng tôi thấy trước ngôi nhà thờ đó có hình Đức Mẹ bồng chúa Hài Đồng và hình Đức Mẹ đó khăn đống áo dài, một hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, và nếu không có tôn giáo thì người ta đi ngang nhìn hình ảnh đó người ta có cảm tưởng như đó là hình ảnh một người mẹ Việt Nam bồng một đứa con. Thì chúng tôi chợt nghĩ một điều cái đó mới là một hình ảnh hoàn vũ, hình ảnh hoàn vũ đó không phải là vì người ta tìm thấy một hình ảnh của mẹ Maria của Michelangelo tạc tại Ý mà cả thế giới đều nghiêng mình khâm phục vì hình ảnh đó đẹp quá, mà hình ảnh hoàn vũ là ở thời điểm nào đó người ta trả con người về với cái riêng của mình, và trong cái riêng đó người ta mới thật sự cảm thấy rằng à đây là cái gần nhất, đây là cái thật sự mình vui nhất.

Thich Ca Phat Dai Thì bây giờ chúng ta khoan nói đến cái gì rất là đẹp. Chúng tôi đem câu hỏi này để hỏi bốn nhà Sư khác nhau thì chúng tôi nhận được bốn câu trả lời như vầy: là có lẽ những pho tượng của Gandhara sẽ mang tánh hoàn vũ trong tương lai bởi vì pho tượng đó đã kết hợp hai đường nét của Ấn Độ và của Hy Lạp. Một Thầy khác nói rằng pho tượng vị đó bầu trọn là pho tượng của Thích Ca Phật Đài là một pho tượng đẹp nhất ngày hôm nay, mặc dầu Thích Ca Phật Đài là trung tâm Phật giáo Nam Tông dựng lên nhưng pho tượng Thích Ca Phật Đài đã được dùng cho tất cả Phật tử Việt Nam không phân tông phái, và có thể dùng làm pho tượng hoàn vũ. Một vị Sư khác nói với chúng tôi rằng pho tượng hoàn vũ đó sẽ mang phân nửa đường nét của Tây Phương và phân nửa đường nét của Đông Phương chứ không hẳn là chỉ mang đường nét của người da trắng không v.v... Nhưng cho dù họ nói cách nào đi nữa thì chúng tôi vẫn tin rằng cái chung và cái riêng thật sự không quan trọng, quan trọng nhất là người ta có thể cảm nhận được cái tinh thần đằng sau đó như tinh thần rất là trầm hùng của một pho tượng của Zen, một cái gì rất là thiêng liêng cao cả của pho tượng Tây Tạng, hay là một pho tượng của một bậc vượt lên trên tất cả như pho tượng của Thái Lan, thì tinh thần đó là tinh thần được người Phật tử toàn cầu chấp nhận cho dù từ nền văn hoá từ chủng tộc hay từ châu lục nào thì hy vọng rằng mai hậu những thế hệ kế tiếp sẽ cảm thấy thoải mái. Ví dụ người Phật tử Việt Nam rất thoải mái để tôn trí pho của tượng Tích Lan ở trong nhà, hay người Phật tử Việt Nam rất thoải mái để tôn trí một pho tượng của Trung Hoa, của Nhật Bản và bởi vì mình là con Phật hễ hình ảnh của Đức Phật thấy hoan hỉ là được, không nhất thiết là pho tượng đó phải đến từ một nền văn hóa riêng của chính mình, và sự chấp nhận mang tính đại đồng chấp nhận mang tính vượt biên giới như vậy thì chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được một pho tượng hoàn vũ của Đức Phật, chứ không phải ở chính cái đường nét riêng biệt của pho tượng.



dieuphap.com