dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Chúng ta được nghe nhiều lần về một sự kiện rất quan trọng, lúc bấy giờ Đức Thế Tôn có sáu mươi đệ tử tất cả đều là bậc A La Hán hoàn toàn giải thoát, Ngài đã cất lên lời kêu gọi hãy ra đi mỗi người một ngả, không đi hai người chung một con đường, để đem chánh pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện tuyên thuyết cho thế gian này vì lòng bi mẫn và lợi lạc cho Chư Thiên và nhân loại. Sau lời kêu gọi đó tất cả những đệ tử Phật và chính Đức Phật đồng lên đường ra đi để hoằng hóa chánh pháp, và dĩ nhiên như lời kêu gọi của Đức Phật mỗi người đều đi về một hướng và đi một mình, bản thân của Đức Phật Ngài cũng một mình đi trở về Gaya là nơi rất gần chỗ Đức Thế Tôn thành đạo, có ngôi làng Uruvela mà trong kinh điển chữ Hán gọi là Ưu Lưu Tần Loa. Ngôi làng Uruvela là một làng rất tĩnh mịch phong cảnh hữu tình và ở trong vùng này có ba vị đạo sĩ đều mang tên là Kassapa. Chữ Kassapa âm là Ca Diếp, đó là một tên rất quen thuộc ở trong Phạn ngữ, thí dụ như một vị Phật quá khứ trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật Ca Diếp hay hoặc giả trong số đệ tử Phật có rất nhiều vị mang tên Ca Diếp nổi tiếng là Ngài Maha Kassapa - Đại Ca Diếp chủ trì kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, một vị khác là Kumara Kassapa được nổi tiếng là biện tài vô ngại. Và ở đây thì chúng ta nói đến ba vị đạo sĩ là Uruvela Kassapa, Nanda Kassapa và Gaya Kassapa, những vị đạo sĩ này đều có đồ chúng đông đảo, vị đạo trưởng lớn tên là Uruvela Kassapa có 500 đồ chúng và hai vị kia một vị có 300 đồ chúng một vị có 200 đồ chúng, tổng cộng là ba vị đạo sĩ trưởng tràng với 1000 đệ tử những vị này là những vị rất thông thạo kinh điểm Tam Vệ Đà, chẳng những thông thạo kinh điển Tam Vệ Đà mà những vị này chuyên về trì chú thuật cúng tế rất giỏi đồng thời có đời sống tương đối rất thanh tịnh tốt đẹp. Chính vì vậy bản thân của các vị đạo sĩ đều rất tự hào tự hoan hỉ rằng mình chẳng những có kiến văn bác lãm về kinh điển mà còn có đời sống đạo hạnh rất cao, riêng về vị trưởng tràng Uruvela Kassapa chẳng những là một vị uyên thâm kinh điển Tam Vệ Đà mà còn là một người có đời sống rất thuần khiết thanh tịnh. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Đức Phật với ba vị đạo sĩ mở đầu với giai thoại là Đức Thế Tôn đã đến và xin ngụ qua đêm. Chúng ta nên nhớ rằng vị đạo sĩ Uruvela Kassapa là người có học vừa là người có đạo hạnh cao đồng thời vừa là người có tuổi nên khi gặp Đức Phật thì ấn tượng đầu tiên vị này ghi nhận được đó là một vị samon rất trẻ tướng hảo rất quang minh phong thái đặc biệt thoát tục siêu phàm nhưng bản thân của đạo sĩ Uruvela Kassapa lại là một vị tu sĩ chẳng những nổi tiếng mà lại là một vị uyên thâm có đời sống rất thanh tịnh nên tuy rằng hình ảnh đầu tiên của Đức Phật khiến cho vị này đặc biệt cảm mến nhưng lại nghĩ rằng vị samon trẻ thì chỉ là vị samon trẻ thôi còn chính mình mới là vị Alahán là vị giải thoát thật sự. Tại nơi đó có nhiều nơi để ở nhưng Đức Thế Tôn Ngài lại mở lời để xin được ngụ qua đêm ở trong một ngôi cổ miếu nhưng đặc biệt trong ngôi cổ miếu là nơi ít người lui tới tại vì người ta biết rằng ở trong đó có một con mãng xà rất lớn rất dữ nọc độc rất cao, thường những vị đạo sĩ sống xung quanh khu vực đó cũng tránh không đến gần ngôi cổ miếu đó nhưng Đức Thế Tôn thì Ngài lại muốn ngụ trong ngôi cổ miếu đó, những vị đạo sĩ hết lời can ngăn nhưng không được và cuối cùng Đức Thế Tôn vẫn ở và các vị cảm thấy rất băn khoăn lo lắng cho Đức Phật. Một đêm trôi qua, buổi sáng hôm sau các vị đạo sĩ đến gần ngôi cổ miếu thì Đức Thế Tôn từ bên trong bước ra, ở trong kinh nói rằng Đức Thế Tôn đã thu phục mãng xà vương và để mãng xà vương trong bình bát của Ngài, và như vậy là một kỳ tích một điều kỳ diệu, ai cũng sợ con mãng xà vương nhưng Đức Thế Tôn thì chẳng những không sợ và Ngài đến ở một cách rất tự tại, Ngài còn thu phục con mãng xà. Điều này đã làm cho các vị đạo sĩ cảm thấy rất mến mộ thán phục, rồi những đêm sau đó có nhiều hiện tượng ví dụ như ban đêm thấy nơi Đức Phật ở toả sáng ánh hào quang rực rỡ sáng hôm sau gặp Đức Thế Tôn thì Đức Thế Tôn cho biết là Phạm Thiên Sahampati đã đến gặp Đức Thế Tôn hay là Thiên Chủ Sakka chẳng hạn. Và ỡ trong thời gian này Đức Thế Tôn cũng đã làm một sự việc hết sức quan trọng đó là Ngài tự lượm vải ở bãi tha ma tức là vải phấn tạo để kết thành một chiếc y Paṃsukūla là y phấn tạo, và sự kiện này cũng làm chấn động địa cầu tại vì một vị quân vương bỏ ngôi, một vị Chánh Đẳng Chánh Giác tự mình chọn lấy một chiếc y đầu đà y phấn tảo, Thiên Vương Đế Thích đã xuống xử dụng năng lực của mình tạo thành cái hồ để Đức Thế Tôn giặt và một phiến đá để Đức Thế Tôn phơi y Thì tất cả những điều này bằng cách này hay cách khác cũng đều được các vị đạo sĩ mục kích như là những hiện tượng rất lạ về Đức Phật. Nhưng mỗi lần sự kiện xảy ra như vậy thì nếu là một con người bình thường như chúng ta gặp những hiện tượng đó thì có lẽ là đã đến qui y với Đức Phật ngay nhưng với đạo sĩ Uruvela Kassapa thì lần nào cũng vậy vị này nghĩ rằng vị samon trẻ tuổi này quả là đại thần lực đại uy lực tuy vậy cũng không bằng ta được tại vì chính ta mới là vị A La Hán. Vì vị đạo sĩ này vốn đã sống quá lâu ở trong kinh điển ở trong kiến thức uyên bác của mình và đặc biệt ở trong đời sống thanh tịnh của mình nên vị này luôn nghĩ mình là A La Hán. Ở đây chúng tôi muốn nói thêm một chút về từ "Alahan". Thật ra danh từ "Alahan" ngày nay ở trong tiếng Việt của chúng ta ảnh hưởng từ Trung Hoa do ảnh hưởng Phật giáo Đại Thừa thì không còn là một chữ cao quí nữa mà Alahan là một bậc tu thấp, có nhiều khi người ta nói Alahan là tu ích kỷ, Tiểu Thừa v.v... nhưng thật sự chữ A La Hán là âm từ Arahant là bậc hoàn toàn thanh tịnh. Trong quan niệm về tín ngưỡng người Ấn Độ chỉ có vị hoàn toàn thanh tịnh thì vị đó mới gọi là xứng đáng được cúng dường, nói một cách khác là người càng ít phiền não thì những người cúng dường càng được nhiều phước, giống như chúng ta làm ruộng làm vườn mà dọn sạch hết những cây hoang cỏ dại thì trồng trọi mới màu mỡ nếu còn nhiều thứ tạp nhạp thì gieo trồng sẽ không được tốt. Quan niệm này thật ra rất đúng với lời dạy của Đức Phật. Khái niệm này này đã tàng ẩn trong nền văn hoá trong nếp sống tâm linh của người Ấn Độ do đó người Tây Phương cũng như người Trung Hoa khi nói về Thượng Đế thường hiểu theo nghĩa "đế" là vua là vua của những vị vua, vua trên hết khi nói về Thượng Đế hay nói về vị có uy quyền ban phước tha tội là có quyền nhất trong vũ trụ này. Khái niệm về quyền lực đó không phải là một khái niệm được người Ấn Độ thật sự ưa chuộng, khi người Ấn Độ nói về Thượng Đế của họ thì họ dùng Brahama chúng ta gọi là Phạm Thiên, chữ Brahama có nghĩa là thanh tịnh hay là bậc vô cấu chỉ có những bậc hoàn toàn thanh tịnh thì những bậc đó mới là những bậc gọi là tối cao tối thượng ở trong cuộc đời này. Và khái niệm này cũng là một khái niệm rất độc đáo trong ngành thần học của Ấn Độ, khi đề cập đến Thượng Đế thì Ấn Độ không nói Thượng Đế mà họ nói Phạm Thiên tức là đấng hoàn toàn trong sạch. Thì sự thanh tịnh trong sạch đó là một trong những khái niệm có thể nói là đặc biệt nhấn mạnh. Do vậy trong tiếng Phạn thì chữ Arahant thường được giảng nhiều cách như là Arahatta có nghĩa là bậc đoạn tận phiền não hay là chúng ta dịch là đấng trọn lành và cũng dịch là bậc ứng cúng tức là bậc xứng đáng được cúng dường. Nếu có một vị nào đó mà thật sự là tuyệt đối xứng đáng được cúng dường thì vị đó là vị hoàn toàn đoạn tận phiền não. Như vậy trước khi Đức Phật ra đời thì chúng ta được biết rằng chữ Arahant hay là chữ A La Hán cũng đã được dùng chỉ cho một sự thành tựu cao cả nhất của đời sống tu tập của đời sống phạm hạnh. Trong trường hợp này đạo sĩ Uruvela Kassapa nghĩ rằng "mặc dầu vị samon trẻ tuổi đó (tức là chỉ cho Đức Phật) có oai thần có những năng lực siêu nhiên nhưng vẫn không hơn được mình tại vì chính bản thân của mình mới thật sự là thanh tịnh". Ở đây chúng ta thấy hai khái niệm vị này nói khác nhau tức là vị này dựa trên sự thanh tịnh của chính mình trong khi đó nhìn Đức Phật là một người có nhiều quyền năng nhiều thần thông nhưng không hẳn là thanh tịnh như mình. Đức Thế Tôn Ngài rất kiên nhẫn trong trường hợp này, Ngài chỉ nói khi nào Ngài cảm thấy điều kiện chín muồi thích hợp và do vậy ngày qua ngày các vị đạo sĩ ở trong đạo tràng đã chứng kiến được rất nhiều năng lực thần thông huyền diệu của Đức Phật và những năng lực này làm cho tất cả mọi người đều tâm phục khẩu phục duy vị đạo trưởng Uruvela Kassapa mỗi lần mục kích như vậy thì đều kết luận một câu là: "Vị này quả thật là oai thần xuất chúng nhưng vẫn không bằng mình vì mình là vị A La Hán". Rồi cuối cùng, có một cơn lũ lụt nước dâng lên cao đến đỗi những người trong làng phải chèo xuồng làm phương tiện di chuyển. Ở Ấn Độ tại thành phố Gaya hay thành phố Uruvela có giòng sông Neranjara (Ni liên Thuyền), đáy của giòng sông rất nông rất cạn khi mùa mưa nhiều thì nước dâng lên và dễ tạo thành nạn lụt, sông Hằng cũng bị tình trạng tương tự như vậy. Khi lụt lội xảy ra thì những vị đạo sĩ này đặc biệt là nhớ nghĩ đến Đức Phật tại vì Đức Phật là một vị khách mà những vị này hoàn toàn không thể không nghĩ đến và khi bơi xuồng để đi tìm Đức Phật thì khi đến nơi họ thấy Đức Phật Ngài đã dùng thần thông biến hóa thành con đường để đi kinh hành và nước bao bọc chung quanh Ngài nhưng trên con đường kinh hành đó vẫn khô không bị đẫm nước, Ngài đi tới lui và khi đạo sĩ Kassapa thấy Đức Phật thì reo lên và Đức Phật Ngài trả lời sau đó Đức Phật dùng thần thông bay lên hư không. Thì lúc bấy giờ Uruvela Kassapa cũng chợt hiện lên một ý nghĩ như đã từng suy nghĩ : "Vị samon này quả thật có thần lực vô cùng màu nhiệm nhưng dù sao cũng không bằng mình vì mình mới chính là A La Hán". Thì ngay lúc đó Đức Phật Ngài nhìn đạo sĩ Uruvela Kassapa và nói một cách rất nhẹ nhàng Ngài nói: - "Hỡi Kassapa, người không phải là A La Hán và cũng không phải là người biết được con đường dẫn đến quả vị A La Hán." Kassapa không ngờ rằng Đức Phật đọc được ý nghĩ của mình và cũng không ngờ là Đức Phật nói thẳng vào ý nghĩ đó và chỉ lời nói đó của Đức Phật làm cho Uruvela Kassapa hoàn toàn tỉnh ngộ và đã qùy xuống trước Đức Phật xin được xuất gia theo Phật. Câu chuyện chúng ta được nghe đó là, khi Kassapa xuất gia thì những người đệ tử cũng đồng xin xuất gia và những vị đó nói rằng đã từ lâu cũng muốn xuất gia theo Phật nhưng ông thầy chưa có cho phép thành ra chưa theo bây giờ vị thầy của mình đã xuất gia theo Phật rồi nên tất cả mọi người rất mong mỏi xuất gia theo Phật. Họ đem tất cả những pháp khí pháp cụ cúng tế đem thả xuống giòng sông chảy xuống dưới hạ lưu tại nơi đây những nhóm của Nanda Kassap của Gaya Kassapa tất cả đều thắc mắc là tại sao có sự kiện như vậy và những vị đó đều lên tìm đạo sĩ Uruvela Kassapa cùng với đệ tử và biết được tất cả mọi người xuất gia theo Phật thì khẩn cầu xin được xuất gia theo Phật. Và từ đó ba vị đạo sĩ cùng 1,000 đệ tử đều trở thành đệ tử của Đức Phật, Đức Thế Tôn đã dẫn 1,003 vị này đi vào trong thành vương xá đó là lần đầu tiên Đức Thế Tôn gặp lại vua Bình Sa Vương. Đó là câu chuyện của lịch sử. Nhưng điều chúng ta muốn nói lại ngày hôm nay là câu chuyện này cho chúng ta một bài học đáng suy ngẫm, chúng ta thường nghĩ rằng có những điều mà trên phương diện tâm lý có sức thuyết phục rất lớn, ví dụ như cái đó nó hay nó lạ nó đẹp nghe cao siêu nghe huyền diệu nhưng thường thường chúng ta nghe chỉ để tán thưởng chứ chúng ta không làm gì khác hơn mãi cho đến về sau này có nhân duyên xảy ra thì lúc bấy giờ chúng ta mới thật sự là tỉnh ngộ. Ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ lên chùa Giác Quang ở Sàigòn có nghe một câu chuyện từ một vị Sư kể lại và vị Sư này có một lịch sử rất đặc biệt. Sư này làm việc cho cảnh sát chìm của dưới thời Tổng Thống Diệm và nhiệm vụ là theo dõi các hoạt động của Chư Tăng ở trong chùa, bởi vì là cảnh sát chìm do đó vị này nghe pháp rất là nhiều, mỗi lần Chư Tăng thuyết pháp thì vị này lắng nghe và vị này nghe thì cảm thấy hay cảm thấy rất là mến mộ Phật Pháp nhưng dù sao đi nữa vị này cũng khẳng định một điều rằng mình là một cảnh sát chìm và những điều đó mình nghe cho có nghe chứ không nên dự vào. Nhưng rồi tới một ngày do sự chà trộn do sự thân cận vị này biết một chuyện là có một vị sư lớn tuổi ở trong chùa Giác Quang bị bịnh cần ăn cháo vào buổi chiều khi Phật tử tính mang lên thì vị Sư bị bịnh nói không ăn, thì Phật tử hỏi tại sao thì Sư mới nói rằng nếu mình ăn như vậy làm thành tiền lệ sau này cứ bày biện việc ăn uống trong chùa vào buổi chiều nó không đẹp do đó vị này không ăn và chỉ uống một chút sữa rồi thôi. Thì anh cảnh sát chìm lúc đó ở trong chùa chứng kiến việc đó anh cảm thấy sự cố gắng đó rất cảm động và do sự cảm động mà một vài tuần sau anh xin được qui y và khi chế độ của ông Diệm sụp đổ thì anh bỏ vai trò cảnh sát chìm của mình để xin vào chùa xuất gia và sau này trở thành một vị tăng cũng ở trong chùa Giác Quang. Đó là chuyện mà chúng tôi được nghe thì, mình hiểu được tâm tư của con người trong sự nhận thức và thay đổi nó là cái gì rất phức tạp rất khó nói, như TT Tuệ Siêu hồi nãy có nhắc đến tướng cướp Angulimala vốn có một sự mê chấp sai lầm mà giết người chặt ngón tay kết làm tràng hoa để mong luyện phép siêu nhiên khi gặp Đức Phật rượt theo Đức Phật kêu Đức Phật dừng lại và nghe Đức Phật nói rằng "Như Lai đã dừng lại chính ngươi mới là người chạy theo khát vọng điên cuồng" thì câu nói đó làm Ngài Angulimala buông đao lập địa thành Phật, bỏ đao trượng xuống và quy y theo Đức Phật. Nhưng cũng có những người không dễ dàng như vậy, chuyện này không phải do người học nhiều học ít hay là chuyện đó không phải là do người trí người mê, không phải là người ở trong giai cấp này hay trong giai cấp khác, nhưng chúng ta phải nói rằng tâm tư của chúng ta mà được chuyển là một chuyện rất là khó. Chúng ta đọc rất nhiều câu chuyện và những câu chuyện này là câu chuyện nói về những con người giận hờn nhau, thí dụ như là con giận cha mẹ giận nhiều năm vì nghĩ rằng cha mẹ không tốt với mình nhưng rồi cuối cùng trải qua cảnh ngộ gì đó chợt một giây phút nào đó thì vị này bừng tâm ra tỉnh ngộ thương cha mẹ và không còn có sự mê chấp như trước kia nữa. Đời sống chúng ta có vô số thí dụ như vậy nhưng trong kinh Phật có đề cập đến hiện tượng gọi là tăng thượng mạn tức là một ý nghĩ mà nghĩ về bản thân của mình và không phải là vị này giả dối hay là có sự tự cao hay là tà kiến nhưng mà vị này hiểu sai về bản thân của mình. Ví dụ như trong trường hợp này Uruvela Kassapa là một người rất đạo hạnh kiến thức uyên bác là một người dạy đạo cho một đồ chúng thì tự nhiên vị này dễ dàng để có cái tăng tự mạn tức là nghĩ sai về chính mình nghĩ mình là vị A La Hán và điều đó phải đợi cho năm lần bảy lượt khâm phục Đức Phật nhưng vẫn bám chặt lấy tư kiến mình là vị A La Hán cuối cùng Đức Phật Ngài phải nói thẳng và nói trực tiếp là "người không phải là A La Hán và cũng không biết con đường dẫn đến quả vị A La Hán" thì vị này mới tỉnh thức. Đó là bài học của chúng ta về tăng thượng mạn. Và một điều nữa chúng ta biết là trong Đức Phật Ngài nói có ba pháp thần thông. Thứ nhất là biến hiện thần thông hay là thần lực thần thông tức là một người có những huyền thuật có thể biến hoá có thể làm ra nhiều thứ làm cho người khác nhiếp phục, thí dụ như Đề Bà Đạt Đa biến hóa con rắn ngồi trên vế của thái tử A Xà Thế khiến cho thái tử A Xà Thế quy ngưỡng đi theo. Đó là dùng huyền thuật gọi là biến hóa thần thông. Có một thứ thần thông khác nữa gọi là tha tâm thần thông tức là biết được tâm ý của người và đánh trúng tâm ý đó. Tha tâm thần thông có nhiều cách nhưng chúng tôi lấy ví dụ như ngày xưa có những trường hợp người ta đọc được tâm của mình và họ nói được tâm mình thì mình cảm thấy bị chấn động, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về điểm này. Ở bên Thái Lan có một nhà sư đi xuất gia gọi là bán xuất gia, ở trong chùa vị này chuyên tâm tu tập và ở gần Thiền Sư Ajahn Mun là vị thiền sư rất nổi tiếng của Thái Lan ở trong lịch sử cận đại. Nhưng vị này tu tập thì có cố gắng mà bị cứ thối chuyển hoài đến một ngày vị sư này lên đảnh lễ Ngài Ajahn Mun xin Ngài chỉ điểm thì Ngài Ajahn Mun nói rằng: - "Cái gì mà con đi xuất gia mà con mang theo thì con nên bỏ đi" Thì vị này toát mô hôi. Lý do là trước khi vị sư này xuất gia thì vốn là một người đánh box rất giỏi. Đánh box là đánh quyền của Thái và cách đánh quyền rất đặc biệt đó là họ đánh bằng tay bằng chân, khi họ lên võ đài như vậy thì không khí rộn ràng phấn khởi như là người ta đánh võ quyền anh trong các trận boxing mà chúng ta thấy hay là những trận đấu quyền của Nhật. Tại Thái Lan thì đây là một môn thể thao mà người Thái họ rất thích, người nổi tiếng thì được nhiều người hâm mộ. Thì vị Sư này trước khi xuất gia là một võ sĩ đã từng thượng đài đánh rất nhiều trận. Đến khi đi xuất gia thì bỏ hết tất cả giao tài sản lại cho vợ con, chia đất đai ra một phần hiến cho cha mẹ, một phần cúng vô chùa, một phần để cho vợ con. Nhưng ngày đi xuất gia thì vị này lại cảm thấy tiếc nuối không thể bỏ được một tấm hình, tấm hình đó ghi lại trong một lần đấu võ vị này thắng và được một giải thưởng một cái cup rất lớn và do được cái cup rất lớn vị này giữ tấm hình đó như là một thời oanh liệt vàng son, giữ tấm hình mang theo đi tu rồi nhưng lâu lâu buồn đời thì mở tấm hình ra xem. Ngài Ajahn Mun thì tuy Ngàikhông hỏi nhưng theo lời vị đó viết lại thì dường như là Ngài đọc được tâm Ngài biết được nên Ngài biểu "cái gì đi xuất gia mà còn mang theo từ nhà thì phải bỏ đi" thì quả thật khi vị này xé đi tấm hình đó thì sau này tu hành tiến bộ. Có những bóng tối của nội tâm, có những gì sâu kín trong tâm hồn mình, có những uẩn khúc nếu đó là chuyện buồn nhưng có những riêng tư mà những riêng tư đó thì đôi khi mình không nói "cả đời sống để bụng chết mang theo" không ai biết hết. Nhưng những cái niệm nhỏ đôi khi lại là một sự ngăn ngại cho sự tu tập của mình và chuyện đó mình không biết. Thì nếu chúng ta hữu duyên may mắn gặp được một vị thiền sư đọc được tâm tư của mình mà chỉ thẳng thì quả thật là người ta nói "một lời như mở tấc lòng ra" làm cho chúng ta thấy rằng có người thấy được tim đen của mình, nói theo ngôn ngữ Việt Nam thì thấy được tim đen của mình và khai mở được. Tại Nhật Bản thời xưa người ta có một cách rất nổi tiếng là ghi lại những giai thoại thiền hay những đối thoại thiền, như chúng ta đọc tác phẩm Bích Nham Lục hay Vô Môn Quan chẳng hạn, thì trong đó ghi lại rất nhiều đối thoại của các vị thiền sinh của các vị thiền sư và trong những đối thoại như vậy nhiều khi người ta xem là chứa đựng những công án quan trọng và từ những công án này xác định khả năng lãnh ngộ của những vị thiền sư hay những vị thiền sinh đó. Câu chuyện nói rằng có hai chú tiểu ở hai thiền viện gần nhau, và chú tiểu này đi ra đường gặp chú tiểu kia thì hỏi: - "Chú đi đâu" Thì chú tiểu kia trả lời: - "Tôi đi chỗ nào chân bước" Một câu rất là thiền, tức là hỏi "mình đi chỗ nào" thì câu trả lời chắc ăn nhất và chính xác nhất là" chỗ nào chân bước" và nói một cách khác tức là một người tu chánh niệm thì mình biết từng bước chân mình đi đâu đã đành rồi mà nếu mình đi mình biết từng bước chân chỗ nào chân bước thì quả thật đó là chánh niệm rất là kiên cố. Người ta có rất nhiều lý giải về điểm này. Thì chú tiểu này nghe chú tiểu kia trả lời rằng "tôi đi chỗ nào chân bước" thì nghe nó hay nhưng mình không biết đối đáp như thế nào đành phải im lặng và trở về hỏi Thầy thì ông Thầy nói nếu mai mốt gặp như vậy thì hỏi: - "không có chỗ nào để bước thì đi đâu" Thì ngày hôm sau chú tiểu này gặp chú tiểu kia lần nữa hỏi - "Chú đi đâu" Thì chú tiểu này trả lời rằng: - "Tôi đi chỗ nào có gió" Ở trong từ ngữ Phật học "gió" là sự di động, tất cả sự di động đều là gió, tức là bước chân chỉ là hiện tượng của tứ đại thì nói "tôi đi chỗ nào có gió" thì chú tiểu kia nghe chưng hửng vì hôm trước ông Thầy dạy cho mình một cách ứng phó rồi nhưng bây giờ ra đây chú này nói hoàn toàn khác thì không biết thế nào về gặp ông Thầy thì ông Thầy nói nếu gặp nữa thì nói rằng "nếu không có gió thì đi đâu". Thì cũng ít lâu sau đó chú tiểu này gặp chú tiểu và cũng câu hỏi cũ là: - "Chú đi đâu" Thì chú tiểu này nói là" - "Tôi đi chợ" Thì lần này chú tiểu này cũng chưng hửng không biết trả lời thế nào mặc dầu chuyện đi chợ là chuyện rất tầm thường, chú này nói không có ý nghĩa gì hết chỉ nói thẳng là mình đi chợ là đi chợ thôi nhưng chú kia cũng không trả lời được. Thì câu chuyện đối thoại của Thiền Tông ban đầu hỏi "chú đi đâu" nói "tôi đi chỗ nào chân bước" hay "tôi đi chỗ nào có gió" hay "tôi đi chợ" v.v... điều đó cho chúng ta thấy rằng dĩ nhiên là câu trả lời có nhiều hàm ý chúng ta không đi sâu vào những hàm ý đó mà chúng ta chỉ nói ở tại đây rằng cái tư lương cái khả năng lãnh hội của chúng ta trong đời sống này vốn được chuẩn bị theo cái nếp nào đó và khi chúng ta ra đời đi vào cuộc sống không gặp đúng chuyện đúng cách thì chúng ta có vấn đề là chúng ta không biết làm thế nào để ứng phó là tại vì chúng ta học theo cách ông bà chúng ta người Việt Nam chúng ta hồi xưa nói là học tủ, học tủ là học chuyện đó thôi nếu ra đề thi mà trúng đề đó thì chúng ta mới trả lời được mà không trúng thì chúng ta không trả lời được. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có lúc đi học võ Vô Vi Nam về nhà gặp TT Tuệ Siêu thì chúng tôi cũng muốn biểu diễn một vài thế võ đã học, mình học võ thì như người ta đánh mình thế đó thì đỡ được nhưng TT Tuệ Siêu lúc nhỏ nghịch ngợm không đánh thế đó mà đánh thế khác thì chúng tôi chẳng những không đỡ được mà còn bị ăn đòn nữa, hồi đó chúng tôi rất là bực bội về chuyện đó. Nhưng chúng tôi nhớ chuyện như vầy là con người của chúng ta ở trong cách ứng xử của đời sống thì thường dựa trên một nếp nhất định và cái nếp nhất định đó cho chúng ta thấy sự nghèo nàn, cho chúng ta thấy một sự thiếu yểu chuyển linh động ở trong đời sống. Thì chuyện này rất dễ hiểu khi phiền não chưa diệt được thì sự điềm tỉnh của chúng ta sự an lạc của chúng ta chỉ dựa lên trên một luận điệu hay một luận cứ nào đó và nếu những gì xảy ra không nằm ở trong điều đó thì đôi lúc làm cho chúng ta thảng thốt làm cho chúng ta hụt hẫng chúng ta không biết là phải ứng xử như thế nào cho nó hợp tình hợp lý. Phải nói rằng khả năng về nhận thức về lãnh hội của chúng ta trong đời này rất là khó và từ đó nó tạo ra nhiều mặc cảm nhiều phản ứng rất là vụng về rất là thiếu thiện xảo trong đời sống của mình Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện đạo sĩ Kassapa khi nghĩ về Đức Phật thì đạo sĩ Kassapa vốn chỉ dựa trên một số cơ sở để nghĩ mình là một vị A La Hán nhưng cái căn bản mà nói thì vị này chưa đoạn tận phiền não do vậy khi Đức Phật Ngài chỉ điểm rõ vị này thì vị này bật ngữa ra. Chúng tôi nói hồi nãy rằng Đức Phật nói có ba thứ thần thông tức là có ba thứ năng lực chuyển hóa con người, thứ nhất là thần lực, thứ hai là tha tâm thần thông và thứ ba là giáo hóa thần thông. Đức Phật Ngài khuyến khích nhiều về giáo hóa thần thông nhưng riêng tha tâm thần thông tức là khả năng đánh vào tâm ý con người thì là chuyện lớn. Chúng ta nên biết như vầy, ví dụ như trong đời sống nhiều khi chúng ta nghe một lời nói nào đó mà nói đúng thời đúng chỗ thì thật sự giống như chìa khóa mở toang cánh cửa nội tâm chúng ta. Những nhà tư bản những công ty lớn ngày nay khi sản xuất những hàng hóa tiêu thụ cho giới tiêu thụ thì họ nhắm vào thị hiếu của người tiêu thụ và khi họ biết được thị hiếu của người tiêu thụ họ dẫn người tiêu thụ đi thì điều đó là điều dễ hiểu tại vì họ đánh trúng tâm ý con người. Nhưng ở đây chúng ta nói trở lại là nó có một thứ tác động rất mạnh mẽ mà chúng ta gọi là nói đúng tim đen hay là ở bên ngoài người ta nói cái cụm từ là "gãi đúng chỗ ngứa," nói đúng chuyện đó thì tự nhiên tâm tư chúng ta mở ra. Nếu chúng ta sanh ra đời mà hữu duyên gặp Đức Phật, Đức Phật là vị tối thượng y vương tức là Ngài là một vị lương y thiện sảo Ngài có thể kê toa thuốc đúng bệnh. Chúng ta thấy rất nhiều người gặp Đức Thế Tôn mà chỉ với những lời nói rất ngắn của Đức Thế Tôn Ngài có thể khai thị làm cho người đó được thấy được biết nhận ra những chuyện mà những vị đó chưa từng biết chưa từng nghe bao giờ hết. Đó là sự màu nhiệm của chánh pháp. Tại sao chúng tôi rất là kiên trì trong việc tụng đọc ôn nhắc lại những bài kinh, chúng tôi nghĩ rằng điều này, TT Tuệ Siêu cùng Chư Tăng và tất cả qúi Phật tử đều chia sẻ được là việc đọc kinh điển lạ lắm, có nhiều khi cũng câu chuyện đó cũng bài kinh đó nhưng hôm nay chúng ta đọc thấy bình thường, mai đọc thấy bình thường, mốt đọc thấy bình thường nhưng có khi một thời điểm nào đó trong một hoàn cảnh nào đó tự nhiên những điều đó lại chợt hiện ra mà mình cảm thấy điều đó thấm thía vô cùng. Đặc biệt đối với bản thân chúng tôi đọc kinh Pháp Cú, kinh Pháp Cú có những câu kinh hồi còn nhỏ đọc rồi sau đó đi dạy rồi lập đi lập lại rồi mình nghe nó thường nhưng mà trong cảnh ngộ nào đó khi đọc lại bất chợt nghe rất thấm thía. Nên chi tại sao chúng tôi cùng với TT Tuệ Siêu và Chư Tăng thực hiện rơom Phật Pháp này chúng tôi cứ trở đi trở lại một số những bộ kinh những giai thoại những câu chuyện tại vì chúng tôi luôn luôn tin rằng có khi ngày hôm nay chúng ta đọc câu chuyện này chúng ta cảm thấy những ý nghĩa câu chuyện này đối với chúng ta rất là bình thường, một ngày giống như mọi ngày không có gì hết, nhưng rồi một lúc nào đó trong cuộc đời của chúng ta chuyện này nó chạng lại nó trở thành một cái chìa khóa nó làm cho chúng ta bừng sáng ra. Đó là cái lạ của chánh pháp. Bởi vậy ở trong thế gian này có nhiều vẻ đẹp nhưng có một cái đó là cái đẹp của chánh pháp, cái đẹp này không phải dễ dàng giống như một ly cafe chúng tôi pha sẵn rồi trao tay qúi vị rồi qúi vị cầm ly cafe đó uống cảm thấy ngon được, chỉ khi nào chúng ta bất chợt một lúc nào đó chúng ta nhớ nghĩ đề cập đến câu đó thì chúng ta chợt thấy thật sự thấm thía vô cùng. Nên công việc của chúng ta hàng ngày đôi khi là chuyện lập đi lập lại, dưới ánh mặt trời thật sự không có gì mới cả nhưng chuyện lập đi lập lại nhiều khi rất có lợi cho chúng ta. Và chúng tôi rất cảm kích một số qúi Phật tử có những ngày trời nắng trời mưa trời lạnh trời nóng quí vị vào trong rơom từ ngày này qua ngày khác năm này qua năm khác để nghe pháp, thật ra mỗi lần chúng tôi làm việc Phật sự mà gặp chuyện khó khăn hay là mệt mỏi để vào trong rơom là tôi nghĩ đến những vị đó thì chúng tôi cố gắng, phải nói rằng chúng tôi có nghĩ đến những vị đó để chúng tôi cố gắng bởi vì chúng tôi nghĩ rằng ít nhất nó là nguồn sống của chúng ta. Và quả thật nhiều khi Phật Pháp những bộ kinh những quyển sách chúng ta để trong tủ sách lâu lâu rút ra đọc một vài trang hay đọc một bài kinh thì chúng ta cảm thấy rằng mười năm trước chúng ta đọc câu kinh đó bài kinh đó chúng ta nghe khác với bây giờ. Do vậy, riêng về đời sống nội tâm riêng về khả năng để lắng nghe, khả năng để lãnh hội, khả năng để nhận thức, khả năng để thắp sáng tuệ giác nó không phải ở trong trường hợp nào cũng giống nhau và chúng ta phải dành cho mình những cơ hội, chúng ta cũng hiểu rằng những tư kiến những thành kiến những định kiến những biên kiến nó luôn luôn ngăn ngại chúng ta ở trong một cách này hay cách khác và nó làm chúng ta không có thấy biết được. Thật sự thì nếu chúng ta nghiệm ra thì Ngài Uruvela Kassapa rất là may mắn gặp được Đức Phật và cũng phải nói trong trường hợp này Đức Phật có khổ công, có những người Đức Phật Ngài giáo hóa rất đơn giản nhưng trong trường hợp này Đức Phật Ngài đã hiển hoá nhiều thần thông để tế độ vị này, cái may mắn của Ngài Uruvela Kassapa là gặp được Đức Phật và chúng ta cũng thấy ở trong trường hợp này ngay từ ban đầu Đức Phật đã không nói tại vì lúc đó chưa đủ căn cơ chín muồi, đến năm lần bảy lượt vị này vẫn lập đi lập lại ý nghĩ trong đầu và Đức Phật Ngài chỉ khỏ ngay đúng chỗ đó thì vị này khai thị ra. Thì chúng ta mới thấy rằng cái mê chấp, cái kiến chấp, cái định kiến của chúng ta trong lòng quả thật dễ sợ chứ không đơn giản. Những câu chuyện này làm cho chúng ta suy nghĩ ở trong cách học Phật Pháp cách nghe pháp, và chúng ta cũng suy nghĩ về một chuyện đó là có thể rằng mỗi chúng ta có một góc tối ở trong lòng, có một cái hạt sạn ở trong giầy, có một sự ngăn ngại gì đó đối với trí tuệ mà chúng ta không có khẻ được chúng ta chưa có vượt qua được khiến chúng ta trì trệ đứng một chỗ không đi tới. Và chính điểm này chúng ta có hai con đường: - Một là chúng ta phải ra khơi phải làm rất nhiều chuyện để tự mình giác ngộ như Đức Phật như Chư Phật Toàn Giác đã xuất hiện trong quá khứ trong hiện tại và trong tương lai. - Còn nếu chúng ta không làm được một hành trình đại hùng đại lực như Chư Phật Toàn Giác thì chúng ta nên nguyện để đời này đời sau chúng ta có được thiện duyên gặp được Đức Phật gặp được các bậc thiện trí, tại vì sự trợ duyên của Đức Phật và các bậc thiện trí giúp cho chúng ta rất nhiều "chuyện người thì sáng chuyện mình thì quáng" đôi khi cái góc tối trong lòng mình nó lại là một chỗ rất là khó để chúng ta soi sáng Chúng ta trở lại ở tại đây rằng trên phương diện tâm lý thì chúng ta nên nhớ một điều rằng sự nhận thức sai lạc của Ngài Uruvela Kassap không phải là một điều cao mạn mà đó là một thứ tăng thượng mạn tức là do nhận thức không có cơ sở về chính bản thân của mình và nghĩ mình là cao qúi nhưng mà rồi nhờ Đức Phật Ngài đã nói lên được chỗ nhược nói lên cái tim đen của vị này và từ chỗ đó vị này thật sự gọi là tâm phục khẩu phục và từ tâm phục khẩu phục vị này đã có khả năng đón nhận lời giáo hóa của Đức Phật. Chúng ta cũng có thể nói rằng đây là một nhân duyên màu nhiệm trên con đường hoằng pháp của Đức Phật được ghi lại trong kinh điển ./. |