dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Bài kinh Thừa Tự Pháp, một bài kinh qua đó chúng ta hiểu được tôn ý của Đức Phật và trở thành vấn đề cân não ở trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. Thời nào cũng vậy khi Phật Pháp được phát triển thì chúng ta nhận thấy cả hai phương diện hình thức và tinh hoa của Phật Pháp. Phần hình thức thì chúng ta có thể kể nổi bậc nhất là chùa, những cơ sở vật chất to lớn. Về điều này thì chúng ta phải nhìn nhận rằng nó cụ thể và thường có sự hấp dẫn đối với người ta nhiều hơn. Chưa bao giờ mà những cơ sở của Phật Giáo được đặc biệt chú trọng về hình thức như thời đại ngày nay bởi vì đây là một thời đại tương đối có nhiều khả năng và trên phương diện xây cất thì lại có nhiều kỹ thuật hơn. Nhưng ngược lại thì chúng ta cũng phải đặt nặng vấn đề rằng việc xây cất những ngôi chùa lớn chưa chắc biểu hiện những giá trị thật sự ở trong đạo Phật. Đức Phật như là chúng ta hiểu, nếu chúng ta chỉ nghĩ biết về Đức Phật, nếu chúng ta không có nghĩ đến tôn ý của Đức Phật thật sự là Đức Phật Ngài muốn chúng ta học điều gì hành điều gì? Thì những việc chúng ta làm phần lớn chỉ nặng về mặt hình thức ở bên ngoài như là chùa to Phật lớn hoặc địa vị danh vọng, nhưng những điều đó chưa chắc đã nói được những gì thật sự là chúng ta có thừa hưởng được gia tài của Đức Phật hay không. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề mà tất cả chúng ta cần phải đặc biệt đặt lại trong hướng đi tới của chúng ta. Không may cho chúng ta đó là con người thường chỉ nhận thức về bề ngoài, một ví dụ là một vị tăng sĩ sống mà xây được một ngôi chùa lớn đẹp thì người ta nói vị tu sĩ đó có phước đức có tài, còn những vị tăng sĩ sống khiêm tốn đơn giản sống nghèo thì có nhiều khi người ta gặp họ không có kính trọng mà còn ra vẻ như là vị đó là kẻ bất tài vô tướng v.v... Trên thực tế thì không biết rõ ai là người thật sự chuyên chở tinh hoa của đạo Phật, có một điều chắc chắn là càng nặng về hình thức thì chúng ta càng đi xa về nội dung và những thành tựu bề ngoài thì khiến cho nhiều người hoan hỉ, nhưng chúng ta vẫn trở lại với vấn đề là chúng ta có chú trọng để làm sao thắp sáng lời dạy của Đức Phật hay không. Như công việc chúng ta đang làm ở tại đây đôi lúc phải nhìn nhận rằng nó không có đơn giản nếu như chúng ta ngồi nghe những bài kinh mà chúng ta gọi là khô khan, thay vào đó nếu có vị nào ngâm một bài thơ hay, hoặc chúng ta có thể có hoa lá cành tô điểm cho có sinh khí nhiều. Thì thông thường những lời nói hoa mỹ những lời nói chau chuốt dễ đi vào lòng người còn những y văn của chánh kinh nhiều khi rất khô khan chứ không có hấp dẫn. Đi sâu vào việc đó chúng ta hiểu được một điều rằng "ngọc thì phải tìm ở trong đá" và những thành tựu lớn những tinh hoa có được về Phật Pháp cần được tìm kiếm và trích dẫn ở một hình thức chú ý về phẩm hơn là về lượng, chú ý về thực chất tinh hoa hơn là bề ngoài. Dĩ nhiên là chúng ta không thể nói là tất cả những giá trị nó đều nằm ở đằng sau cái sự thầm lặng, không phải như vậy, có những giá trị rất là nổi bậc. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều rằng con người thường có khuynh hướng thả mồi bắt bóng, thường thường chúng ta chỉ đặt nặng về hình thức bên ngoài. Nếu một người nào đó họ thương mến chúng ta thật tình thì đôi khi chúng ta không cảm nhận được điều đó; như tình thương của mẹ của cha, nhưng có những cái có tánh đãi bôi bề ngoài thì chúng ta lại ưa chuộng hơn. Cái thất bại của phần lớn những tổ chức Phật Giáo ở trong thời gian hiện đại đó là chúng ta quá chú trọng đến bề ngoài, ở đâu mà có chức vụ nhiều, ở đâu mà có những chuyện nổi đình nổi đám nhiều, người ta nói là "lúa thóc đến đâu thì bồ câu đến đó" nó chỉ thu hút cái danh cái lợi nhiều hơn là những tinh thần sống rất thầm lặng sống rất là âm thầm. Có một thời gian rất dài một số những vị Tỳ Kheo duy trì Phật Pháp bằng cách học thuộc lòng, những vị này làm công việc mà ngày nay ít khi chúng ta nhắc đến, không có những vị này thì Phật Pháp không có tồn tại đến ngày hôm nay, chúng ta gọi là thời kỳ của nền văn học truyền khẩu Phật Giáo. Nền văn học truyền khẩu đó là Chư Tỳ kheo học thuộc lòng từng lời từng chữ từng câu ở trong Tam Tạng và thường đi vào trong rừng sống, bên cạnh đó là những vị tỳ kheo tu thiền, những vị Trưởng Lão trì luật, và đa số những vị đó không đi hoạt động giao tế xã giao nhiều với đại chúng ở bên ngoài mà chỉ sống rất là thầm lặng nhưng trong sự thầm lặng đó thì các vị đã bảo toàn được những lời dạy của Đức Phật mà chúng ta nói đến Tam Tạng Kinh Điển. Dĩ nhiên là cuộc sống của các vị này rất thầm lặng, thầm lặng đến đỗi ở Tích Lan có thời kỳ người ta lo ngại là nếu những vị đó mất đi thì Phật Giáo sẽ mất bởi vì không còn ai nhớ nhiều biết nhiều về Phật Pháp nữa và cuối cùng thì người ta đem kinh điển viết trên những tờ lá bối chúng ta gọi là buông, những cái lá giống như lá cây tre chúng ta gọi là bối diệp để lưu giữ Tam Tạng. Có lẽ phải nói một điều là khi nói đến Đạo Phật thì chúng ta phải nói đến Giáo Pháp. Và việc hấp thụ và duy trì Giáo Pháp không phải là chuyện đơn giản như chúng ta nói. Đa số những chuyện rộn ràng của chúng ta nếu nó được chăng thì nó chỉ được phần lớn về hình thức nhưng nó lại rất ít về nội dung. Chúng tôi lấy một ví dụ là trong những ngày lễ Phật Đản nhìn ở bên ngoài thì không thể không có buổi lễ nhưng là một vị trụ trì cũng là người mà năm nào cũng dự các buổi lễ Phật Đản thì chúng tôi cũng phải nhìn nhận một điều đó là đa số chúng ta chỉ đặt nặng về hình thức, một buổi lễ làm sao cho người ta đến đông, rồi đọc diễn văn, rồi đến đó thì lời kinh tiếng kệ, rồi cúng dường lăng xăng v.v... nhưng sau buổi lễ mình nhìn lại và hỏi rằng những người đi đến chùa ngày hôm đó, có mặt ngày hôm đó, có bao nhiêu người dành thì giờ để tưởng niệm nghĩ về Đức Phật, về lời dạy của Ngài. Thật sự thì chúng ta thấy rất ít và hầu như chúng ta phung phí rất nhiều thì giờ tâm trí công phu của chúng ta cho những cái chúng ta gọi là nặng phần trình diễn nhiều hơn là về nội dung. Trong đời sống của chúng ta hàng ngày cũng vậy, chúng ta thấy rằng không phải người Phật tử mà ngay cả Chư Tăng Ni ngày nay gặp nhau thì hỏi thăm việc này việc kia nhưng mà gọi là có thể ngồi xuống lắng đọng tâm tư để bàn về Phật Pháp và làm sao để duy trì Phật Pháp thì rất ít. Chúng tôi nói điều này không phải là để chỉ trích chính bản thân mình hay trỉ trích bất cứ ai nhưng chúng tôi nói một cách rất cụ thể dựa theo ý tưởng bài kinh này thì thông thường phần lớn những gì chúng ta biết về Phật Pháp nó không chuyển tải được cái tinh hoa thật sự của Phật Pháp và vì lý do này mà nó tạo nên nhiều bi kịch, tạo nên nhiều cái thăng trầm của đạo Phật là tại vì cái thăng trầm đó nhìn ở bên ngoài thì nó là sự bất hạnh nhưng chính thật ra một khi giá trị tinh thần chúng ta không tập trung vào mà chúng ta lại tập trung vào những điều có tánh cách hình thức ở bên ngoài. Đức Phật Ngài dùng một câu chuyện rất gần gủi trong đời sống chứ không phải câu chuyện xa xôi và điều Ngài nói rất cụ thể Ngài không nói một cách triết lý về điểm này, điều Đức Phật Ngài trình bày một cách rất đơn giản đó là: Có hai vị Tỳ Kheo đến gặp Đức Thế Tôn sau khi Đức Thế Tôn thọ thực, (chúng ta biết rằng Đức Thế Tôn Ngài đi khất thực hàng ngày rồi về độ cơm cũng có những ngày những người đàn tín cúng dường rất nhiều) và Đức Thế Tôn dùng cơm xong, khi Ngài thấy là đủ rồi thì không dùng nữa thì phần còn lại Ngài nói với hai vị Tỳ Kheo là hai vị từ phương xa đến vừa đói và khát rằng: "Như Lai đã dùng cơm xong, những thức ăn còn lại nếu hai vị mà thấy được thì cứ dùng". Thì một vị thọ thực và một vị không thọ thực. Vị thọ thực thì đó là điều rất tự nhiên, mình đang đói và nhất là Đức Phật Ngài cho ăn thì tự nhiên hoan hỉ ăn, vị đó không có gì trách. Nhưng vị tỳ kheo khác thì nghĩ rằng mình hãy là kẻ thừa tự Pháp chứ không thừa tự tài vật, tức là không thừa tự vật chất mà hãy thừa tự tinh thần do đó vị này không ăn. Thì thật ra ở trong trường hợp này không phải là trường hợp đáng quở trách là tại vì Đức Phật Ngài thấy hai vị Tỳ Kheo đi đường xa đói, Đức Thế Tôn Ngài là người đề nghị mời hai vị Tỳ Kheo đó dùng thức ăn còn lại, nhưng Đức Phật đặc biệt Ngài khen sự suy nghĩ của vị Tỳ Kheo thứ hai mặc dù rất mệt rất đói thức ăn nhưng vị này lại nghĩ rằng mình nên là kẻ thừa tự Pháp chứ không nên là kẻ thừa tự tài vật, Đức Phật Ngài khen ngợi thái độ trong lúc đói mà vẫn nghĩ như vậy. Cũng có nhiều lần ở trong những đoạn kinh khác Đức Phật Ngài dạy rằng "một người mà sống trong điều kiện đầy đủ thì mình chưa biết người đó ra sao, nhưng trong khi thiếu thốn tứ vật dụng mà vẫn giữ được sự điềm đạm ôn hoà và vẫn giữ được tinh thần của Phật Pháp thì vị đó gọi là vị Tỳ Kheo có kham nhẫn có sống với chánh pháp thật sự". Thì ở đây chúng ta thấy ngay cả vị tỳ kheo rất đói dĩ nhiên là chúng ta có thể nhìn vấn đề ở trên nhiều cách khác nhau, ngày hôm nay đời sống của chúng ta rất thực tế nhất là chúng ta lớn lên ở các quốc gia Tây Phương thì chúng ta nghĩ việc đó bình thường, mình đói có thức ăn thì ăn đó là bình thường thôi, nhưng trong trường hợp này Đức Phật đưa ra câu chuyện Ngài đặc biệt muốn chúng ta nhìn vào vị Tỳ Kheo thứ hai là vị Tỳ kheo đó đã không ăn và suy nghĩ là mình nên là kẻ thừa tự Pháp. Câu chuyện tương tự khác mà chúng ta được nghe: Trong lúc Đức Thế Tôn sắp viên tịch thì tất cả những vị Tỳ Kheo đều ngồi kế cận bên cảnh và đem tất cả tâm tư để thành kính đảnh lễ niệm tưởng Đức Thế Tôn, thì có một vị Tỳ Kheo bỏ ra ngoài đi đến một gốc cây để ngồi thiền, thì những vị khác thấy rằng bậc Đạo Sư sắp ra đi mà tại sao vị Tỳ Kheo này không để ý đến Đức Phật như vậy nên có những lời nói không hài lòng, Đức Phật gọi vị Tỳ kheo đó đến, thì vị đó mới thưa rằng "Đức Thế Tôn sắp ra đi mà con vẫn chưa thành tựu được đạo quả thành ra con cố gắng" Đức Phật Ngài khen chuyện đó. Cũng có những trường hợp Ngài Tôn Giả Ananda hỏi Đức Phật là sau khi Đức Phật Ngài viên tịch thì chúng con nên thờ phượng xá lợi Đức Phật như thế nào, Đức Phật Ngài cũng dạy như chúng ta được nghe là "hãy để những chuyện đó cho người cư sĩ lo các Chư Tỳ Kheo nên tu tập". Thì rõ ràng ở trong rất nhiều trường hợp rất nhiều thí dụ Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy rằng một điều mà Đức Phật đặc biệt rất tán thán đó là chúng ta nghĩ đến giá trị thật sự, chúng ta không thể thương Phật kính Phật mà chúng ta không biết giáo pháp Đức Phật, và nếu chúng ta biết về giáo pháp Đức Phật thì chúng ta nên làm cái gì đó hơn là chỉ đặt nặng vấn đề hình thức bên ngoài. Thưa qúi vị, chúng tôi có rất nhiều anh em huynh đệ cũng như những người Phật tử nói với chúng tôi là nên ưu tiên cho những việc khác quan trọng, nhất là nhiều khi qúi vị cảm thấy chúng tôi trong lúc ở chùa hay chuyến đi xa nghĩ trong điều kiện cố gắng thì vào trong rơom sinh hoạt, chúng tôi có thưa với qúi Phật tử này rất nhiều lần là nếu mình là con của Đức Phật nhưng nếu mỗi ngày việc tụng đọc nhắc nhở lời dạy của Đức Phật không là chuyện ưu tiên của mình thì không biết còn vấn đề gì là ưu tiên, chúng ta khoan nói đến chuyện thực hành mà chuyện đầu tiên là chúng ta có trang trọng lời dạy của Đức Phật hay không và lời dạy của Đức Phật có được chúng ta đặc biệt lắng nghe tìm hiểu suy ngẫm, mỗi ngày có làm cho chúng ta quan tâm hay làm cho chúng ta tìm học hiểu thảo luận. Thật ra thì chúng tôi có quen biết rất nhiều Chư Tăng, Chư Tăng gần có xa có nhưng mỗi lần gặp nhau mà có một vài đàm thoại về Phật Pháp thì thật sự cảm thấy rất vui nhất là mình tu trong giáo pháp của Đức Phật mình gặp nhau có thì giờ để bàn luận về giáo pháp của Đức Phật thì phải nói là một điều hoan hỉ thật sự, còn nếu gặp nhau chỉ nói về chùa chiền hay là nói về thế sự, nói về việc này việc kia, không phải là cái chuyện mình bàn đó vô ích hoàn toàn, nhưng quả thật nếu mình bận rộn với những thứ khác mà mình không có ngồi xuống để lắng nghe lời Đức Phật dạy thì quả thật là một điều đáng buồn, là vì lâu ngày hầu như chúng ta quên đi cái chính yếu của chúng ta là gì. Thì bài kinh ngày hôm nay là bài kinh Thừa Tự Pháp, Đức Phật nói rất hàm xúc rất ngắn gọn, Ngài kêu gọi những đệ tử của Ngài hãy là kẻ thừa tự pháp đừng là kẻ thừa tự tài vật. Cũng có thể một lúc nào đó mà Phật Pháp đi vào giai đoạn nghiêng ngã nhưng cái quan trọng chính không phải bên ngoài mà quan trọng chính là nội dung, chúng ta có nghĩ tưởng đến lời dạy của Đức Phật hay không. Điều này nó trở thành một trong những câu hỏi mang tánh cách rất riêng tư cho mỗi chúng ta đặt lại vấn đề. Sau khi Đức Phật Ngài đưa ra câu chuyện ngắn với lời kêu gọi thì Ngài đi vào trong tịnh thất, thì lúc bấy giờ Chư Tỳ kheo thường hướng đến Ngài Xá Lợi Phất. Khi Đức Phật còn tại thế thì trong năm đầu tiên sau mùa an cư tại vườn Lộc Giả, Đức Phật Ngài đi về thành Vương Xá và tại thành Vương Xá sau hạ đầu tiên năm thứ hai Ngài có hai vị đệ tử đến với Đức Phật đó là Tôn Giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Mục Kiền Liên được xem như là hai vị trưởng tràng và những vị này làm những công việc gọi là Giáo Thọ tức là dạy dỗ Tăng chúng trong rất nhiều trường hợp thay thế cho Đức Phật. Ngài Xá Lợi Phất có nhiều nhà học giả gọi Ngài là bậc tướng quân của chánh pháp đệ nhất về trí tuệ. Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên thường có mặt ở trong hội chúng của Đức Phật đặc biệt thời gian Đức Phật Ngài lưu trú ở các ngôi chùa như chùa Kỳ Viên. Chẳng hạn có nhiều trường hợp Chư Tỳ Kheo đến đảnh lễ Đức Phật để xin đi về một nơi xa xôi nào đó để hành đạo thì Đức Phật Ngài có hỏi những vị Tỳ Kheo đó là "các con đã hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất chưa" Nó như là một thái độ đặc biệt của Đức Phật là Ngài giao phó việc hướng dẫn Tăng chúng cho Tôn Giả Xá Lợi Phất. Hình ảnh của Ngài Xá Lợi Phất được học giả Edward Conze xem Ngài như là một người có ảnh hưởng rất nhiều vào trong hệ thống giáo dục về sau này của Phật Pháp và học giả Conze gọi đó là Cổ Phái Trí Tuệ. Ngài Xá Lợi Phất Ngài đặc biệt là một vị đệ nhất về trí tuệ nhưng Ngài lại là vị nêu cao rất nhiều phẩm hạnh, thí dụ như sống giản dị, sống biết ơn, hay sống kham nhẫn, Ngài có nhiều hình ảnh mà chúng ta gọi một bậc thầy kể cả thân giáo và khẩu giáo Ngài đều có đầy đủ và là một vị trong đạo tràng của Đức Phật thay cho Đức Phật giảng dạy rất nhiều trường hợp. Thì trường hợp này cũng vậy khi Đức Thế Tôn Ngài nói ngắn gọn rồi đi vào tịnh thất, chư tỳ kheo nào muốn nghe pháp thì Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài đã đi vào chi tiết bài học. Giáo Pháp của Đức Phật đặc biệt chú trọng đến đời sống viễn ly, bậc đạo sư sống viễn ly và đệ tử tùy học viễn ly. Nói về đời sống viễn ly thì phải nhìn nhận một điều đó là đời sống không có dễ cho tất cả chúng ta, tất cả chúng ta đều mong muốn sống trong một đạo tràng tìm thấy sự ấm cúng của hội chúng ở trong một đạo tràng tương đối là hưng thịnh,. Thí dụ như mình sống trong chùa thì cũng mong là chùa chiền tấp nập kẻ vào người ra, rồi mình muốn sống giữa anh em huynh đệ, rồi mình sống cuộc sống vui. Nhưng chính đời sống viễn ly là đời sống một mình, đời sống ở trong an tịnh, thì đời sống đó chúng ta mới có nhiều dịp để học hỏi và thể nghiệm pháp. Trong lời dạy gọi là Ovāda-pātimokkha là Giải Thoát Giáo của Đức Phật, Đức Phật Ngài nói đến truyền thống về tinh hoa mà từ Chư Phật quá khứ giảng giải thì Ngài đặc biệt đề cập đến những pháp như là sống độc cư, viễn ly, tiết độ trong ẩm thực, sống kham nhẫn v.v... Nhưng đời sống độc cư viễn ly được ghi như là những trọng điểm về cách sống của những bậc Mâu Ni, những bậc ẩn sĩ, những bậc tu tập. Đời sống mà rộn ràng thì nó chỉ cho chúng ta nhiều lắm là khả năng làm việc nhưng đời sống thực gọi là sâu lắng để có thể chiêm nghiệm được những cái tinh hoa những cái hay cái đẹp thì chúng ta phải nhìn nhận là phải sống một mình, phải có khả năng sống một mình, chẳng những có khả năng sống một mình mà còn sống một mình có mục đích rõ ràng hoặc là tu hoặc là học. Chúng ta nhớ như vầy là ở cái tuổi nào đó nếu mình muốn học thì không thể ham chơi được. Quí vị Phật tử có con cái hay coi ti vi, hay la cà bạn bè thì nó học không được, nếu muốn học thì chịu khó tập trung, chịu khó sống một mình. Đời sống viễn ly thật ra là một kinh nghiệm rất quí báu cho sự tu tập của chúng ta. Đời sống viễn ly là chúng ta giảm bớt sự rộn ràng, giảm bớt sự hưởng thụ, giảm bớt những sự lệ thuộc vào hoàn cảnh, lệ thuộc vào môi trường. Con người của chúng ta để biết những phiền não chính mình, biết nhược điểm của chính mình, để biết về mình thật sự là chỉ khi nào mình sống một mình thì mình biết nhiều, còn khi mình sống ở chung quanh có bạn bè có hội chúng rồi xum vầy đông đảo thì chúng ta thường đặt nặng về đời sống gọi là do tiếp xúc thì lúc đó chúng ta ít có biết về bản thân của mình. Nói một cách khác là khi đi vào cuộc đời chúng ta sống với mặt nạ chúng ta không sống với chính mình nhiều, chỉ sống với chính mình nhiều khi nào mình sống một mình ở trong một mình đó thì cái tư duy của chúng ta như thế nào, sống một mình thì chúng ta hiểu được bản lãnh của chúng ta như thế nào, chúng ta sống một mình như vậy thì chúng ta đặt nhu cầu của chúng ta đến mức tối thiểu và chúng ta có thể nhận ra được bản thân của mình thật sự là có những phiền não nào, có những khuyết điểm nào. Nói tóm lại là một ở trong những tinh hoa của giáo pháp đó là khả năng sống viễn ly sống xa rời. Chữ viễn ly ở đây chúng ta hiểu theo hai nghĩa là thân viễn ly và tâm viễn ly. Nói về thân viễn ly có nghĩa là chúng ta không có lệ thuộc quá nhiều vào cái vui buồn thương ghét khen chê của những người chung quanh kể cả tình thương người thân cho mình. Tâm viễn ly ở đây đặc biệt là nội tâm của chính ta muốn được chói sáng muốn được phát huy trí tuệ thì nội tâm đó phải có khả năng sâu lắng, và nếu hưởng thụ nếu dính mắc bộp chộp nhiều quá thì chúng ta không nhận ra được những gì xảy ra ở chính bản thân của mình. Nên sự viễn ly nói cho cùng thì là một ở trong tinh hoa để nghệ thuật sống ở trong đạo Phật. Những người sống với Phật Pháp mà chưa bao giờ có thể sống viễn ly một mình và chưa bao giờ mình đối diện với chính mình, ở trong trường hợp đó thật sự là chúng ta chỉ học về lý thuyết thôi. Có rất nhiều người đã tâm sự với chúng tôi về một việc đó là chuyện đi hành thiền ở trong các trường thiền chưa biết là đắc chứng thiền tới đâu nhưng chuyện mà mình ra đó sống trong mười ngày không có điện thoại cầm tay, không có internet, không có ti vi, không có báo chí, không có phiếm luận, thì tự nhiên mình cảm thấy giống như con cá bỏ trên cạn, đời sống hoàn toàn khác và mọi vấn đề chúng ta đều đặt lại khác. Chúng tôi nhớ năm đầu tiên sang Hoa Kỳ ở một năm, sang năm thứ hai có một người Phật tử Thái Lan là người bảo trợ chúng tôi trong việc thọ giới, cô đó là đệ tử của Ngài Silananda là một vị thiền sư người Miến Điện. Cũng do sự phát tâm của cô nên cô rất nhiều lần khuyến khích chúng tôi đi hành thiền với Ngài Silananda. Thật ra hồi xuất gia ở Việt Nam trong nhiều năm trời nhất là khi học A Tỳ Đàm thì chúng tôi cũng có niềm tin với Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền Minh Sát, nhưng nói là bỏ thì giờ đi hành thiền thì chưa bao giờ có. Thì lần đầu tiên khi chúng tôi lên trường thiền của Ngài Silananda có lẽ là kinh nghiệm khó khăn nhất đó là sống trong một căn phòng trống không có gì hết ngoài cái giường và người ta để chai nước uống cho mình, rồi mỗi ngày tới bữa ăn họ đánh kiểng buổi sáng buổi trưa, rồi lên hành thiền. Thật ra nếu chúng ta nhìn ở bên ngoài thì chúng ta thấy là lớp thiền đó được tổ chức đông đảo, như có Ngài Thiền Sư, rồi có nhiều thiền sinh về tham dự, rồi một nơi tổ chức rất là tiện nghi ở San Francisco, ở một trung tâm hành thiền. Nhưng một khi chúng ta vào trong đó rồi thì thứ nhất là có nhiều người nhưng chúng ta không nói chuyện được, thứ hai nữa chúng ta lên chánh điện ngồi thì mọi người đều yên lặng thì mình cũng phải yên lặng, mình ngồi với chính mình, rồi khi trở về căn phòng thì căn phòng không có gì hết, thời đó không có smart phone như chúng ta ngày nay cũng không có internet không có tất cả mọi thứ chỉ ngồi trong phòng thôi, thì trong lúc chúng ta sống một mình như vậy mình mới thấy rằng những cái gì quen thuộc hàng ngày đều là sự lệ thuộc, thí dụ như điện thoại, như giao tiếp, kể cả thư viện sách. Chúng tôi trong phòng thường để rất nhiều sách khi nào rảnh rỗi thì cầm cuốn này đọc cuốn kia đọc nhưng khi không có sách thì mình thấy con người mình giống như con cá bỏ trên cạn, lúc đó chúng ta mới thấy là chúng ta chưa có sống độc cư chúng ta chưa sống với tâm tịnh. Có thể những năm sống trong chùa mình cũng sống một mình, thí dụ trong chùa Chư Tăng có am thất riêng. Nhưng thật ra những lúc đó mình mới thấy kinh nghiệm sống một mình nó đòi hỏi nhiều hơn nữa, là chúng ta phải làm gì ở trong lúc đó, chúng ta ngồi nghĩ vẩn vơ sau khi mình hành thiền xong mười ngày mình trở về làm gì, hay là cái vui buồn thương ghét v.v.. Nhiều khi những thứ đó mình thấy không có gì nhưng những lúc mình sống một mình mình mới hiểu chính mình là ai và khi mình hiểu chính mình thì mình mới thấy được thật sự cái gì là tinh hoa, cái gì là rác rưởi, cái gì thật sự đẹp, cái gì thật sự không đẹp. Lúc bình thường mình không thấy. Chúng ta nói hai điều, điều thứ nhất, chuyện chúng ta thương kính Đức Phật chỉ là một lẽ nhưng điều quan trọng là chúng ta hiểu được pháp mới là kẻ thừa tự pháp. Và khi Ngài Xá Lợi Phất dạy mình là kẻ thừa tự pháp thì mình phải nếm được hương vị viễn ly và chúng ta tùy học viễn ly. Tại vì chúng ta nói "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", chúng ta thờ Phật, chúng ta kính Phật, nhưng đời sống chúng ta không học theo Đức Phật thì thật sự chúng ta không thể nói chúng ta là kẻ thừa tự tinh hoa của giáo pháp. Nhưng sự thừa tự tinh hoa giáo pháp bằng đời sống viễn ly là sự thử thách rất lớn chứ không đơn giản như là chúng ta thấy. Trong bài kinh này nếu chúng ta đọc và nghiệm kỹ lại thì chúng ta thấy một điều rất hay là Đức Phật là người khơi dạy sự suy tư về thừa tự pháp nhưng người giảng là Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất giảng như một người đệ tử nhắc cho chúng ta biết rằng Đức Phật là vị Đạo Sư, Ngài sống như thế nào do đó thật sự chúng tôi nghĩ rằng lời của Ngài dạy ở đây là một lời dạy có thể nói rất là thích hợp khi mà Ngài nói là vị Đạo Sư sống viễn ly và các đệ tự tùy học viễn ly. Vị Đạo Sư ở đây là Đức Phật và những đệ tử ở đây được xem như là tất cả đệ tử Phật. Dĩ nhiên là Đức Phật Ngài có rất nhiều điều, Ngài giảng rất là nhiều điều nhưng tại sao Tôn Giả Xá Lợi Phất nhấn mạnh đến viễn ly, thì đó là câu hỏi mà chúng ta phải trăn trở hôm nay. Cách sống của chúng ta như thế nào, nếp sống của chúng ta như thế nào, cái nếp sống đó khả dĩ được xem như là khế hợp với lời Đức Phật dạy chúng ta, nếp sống đó khả dĩ làm cho chúng ta hấp thụ cái tinh hoa lời Đức Phật dạy, nếp sống đó khả dĩ chúng ta làm cho Phật Pháp được tồn tại qua thời gian. Thì ở đây Đức Phật Ngài đặt rất khác với tất cả những đạo giáo khác nhưng Ngài nhấn mạnh rất nhiều lần là chính những người thực hành theo giáo pháp của Đức Phật mới là người tôn kính Đức Phật bằng cách cao qúi nhất, và được Ngài Xá Lợi Phất nói rõ hơn khi Đức Phật Ngài đưa ra cái tinh hoa của lời Phật dạy nằm ở chỗ nào. Có thể trong rơom ở đây có nhiều vị sẽ hỏi chúng tôi hay có thể chúng ta đặt lại vấn đề là tại sao tinh hoa chúng ta không nói là Tạng Kinh, Tạng Luật, Tạng A Tỳ Đàm. Tinh hoa chúng ta không nói chuyện những bộ kinh nào cao nhất những pháp môn nào vi diệu nhất mà cái tinh hoa thì đặt để bậc Đạo Sư sống viễn ly những đệ tử tùy học viễn ly, và Tôn Giả Xá Lợi Phất nói rõ hơn về điểm này. Chúng ta hãy nói thành thật cho nhau, chúng ta hãy nói một cách rất rõ ràng là, nói cho cùng thì sự thực hành Phật Pháp vẫn đặt nặng ở chỗ là sống viễn ly, đặt nặng ở chỗ là từ bỏ. Nếu cái gì dính mắc quá, nếu cái gì mà nó đặt nặng về vấn đề hưởng thụ quá thì chúng ta phải nhìn nhận cái đó là cái nhược điểm của cá nhân chúng ta. Nó sẽ dính mắc chúng ta chứ không thể bằng một lời nói nào mà chúng ta ngụy biện mà chúng ta nói rằng mình làm như vậy vì Phật Pháp được. Và khi Đức Phật đặt nặng về đời sống viễn ly thì điều đó hoàn toàn khác với ý nghĩ chúng ta ngày hôm nay. Ý nghĩ chúng ta ngày hôm nay là phải chùa to Phật lớn, phải cái gì rộn ràng, cái gì đông đảo. Nhiều khi chúng tôi đi làm việc thấy có những Phật tử họ chỉ đếm sự thành công bằng số người tham dự, ví dụ lễ bữa nay đông quá, lễ bữa nay được một ngàn người, hai ngàn người, ba ngàn người, năm ngàn người tham dự, những con số đó làm phấn khởi mọi người nhưng chính thật ra thì chuyện số người đến tham dự cũng tốt nhưng quan trọng là nội dung của buổi lễ đó chuyên chở được cái gì, như lễ Phật Đản chúng ta có chuyên chở lời của Đức Phật hay không, thì những điều đó người ta không chú trọng đến nội dung, và có đôi khi nó giống như một điều rất là khó để người ta đánh giá nội dung. Thật ra chuyện mà nặng phần trình diễn cũng là bịnh chung của tất cả, kể cả mỗi chúng ta, chúng ta hay quên đi tinh yếu thật sự của Phật Pháp. Ở đây Ngài Xá Lợi Phất cũng có đề cập đến là những pháp nào bậc Đạo Sư dạy từ bỏ thì chúng ta nên từ bỏ, bậc Đạo Sư sống viễn ly thì chúng ta sống viễn ly, và là một vị đệ tử chân chính của Đức Phật thì không có lười biếng không dẫn đầu về đọa lạc và bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Câu "bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly" là một câu diễn tả rất là đẹp rất là hay. Sống viễn ly của Đạo Phật không phải là hưởng nhàn của Đạo Lão. Sống viễn ly ở trong Phật Pháp không phải là chuyện yếm thế, mà thật ra sống viễn ly đòi hỏi nỗ lực, đòi hỏi gia công, đòi hỏi công phu và đôi khi chúng ta phải nói rằng nó vượt sức bình thường. Chúng tôi lấy ví dụ như khi mình đi học dĩ nhiên sau này lớn lên ngồi nghĩ những năm tháng ở khung trời đại học là vui, nhưng phải nhìn nhận lúc mình đi học nó là gánh nặng là tại vì chúng ta phải nỗ lực nhiều chúng ta phải lo rất nhiều bài vở. Thì "bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly" ở đây được đề cập đến là có nhiều khi mình thấy sống viễn ly mệt quá, sống viễn ly khổ quá, và mình không muốn sống viễn ly Ngày hôm nay ngay cả khi chúng ta nhìn vào cuộc diện chung của Phật Pháp thì chúng ta nói đến chuyện tổ chức một ngôi chùa đầy đủ tiện nghi một buổi sinh hoạt rất vui vẻ thì hấp dẫn nhiều người, nhưng nếu chúng ta bỏ thì giờ đi vào các trường thiền cho dù trường thiền có tiện nghi đi nữa nhưng sống một mình thì chúng ta cảm thấy rằng chuyện đó khó nuốt, thì cái câu "không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly" là một câu rất đẹp. Ở đây chúng ta thấy có ba điều được đề cập đến là: 1. Đức Phật sống thế nào chúng ta sống theo đó, Đức Phật sống viễn ly thì chúng ta sống viễn ly thì được xem là kẻ thừa tự pháp. Thì ở đây Ngài Xá Lợi Phất nói cho dù đó là vị Trưởng Lão Tỳ Kheo hay Trung tọa Tỳ kheo hay tân Tỳ Kheo tức là nói vị mới tu hay đã tu nhiều năm thì ba điều này vẫn là ba điều cốt lõi. Những gì Ngài Xá Lợi Phất Ngài đưa ra làm cho chúng ta đặt lại toàn bộ vấn đề trong đời sống, chúng ta không thể nói rằng những pháp này cao hay thấp, nhiều lúc chúng tôi nghe một số vị hay nói bộ kinh này cao bộ kinh kia thấp. Thật ra cái cao thấp chúng ta nói cho có nói thôi, như chúng ta đi ngoài đường phố nói cái nhà này giàu hay nhà kia nghèo hay là mình đi chỗ nào đẹp mình nói chỗ này đẹp chỗ kia xấu, lời nói là lời nói vô tội vạ nó không có làm gì được không giúp gì cho mình được gì hết, nhưng ba cái khía cạnh ở đây là: Đức Phật sống như thế nào thì mình có bắt chước sống như vậy không, bậc Đạo Sư sống viễn ly chúng ta có tập sống viễn ly hay không, cái gì Đức Phật dạy từ bỏ chúng ta có từ bỏ hay không hay hoặc giả là chúng ta có bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly dẫn đầu về đọa lạc hay không thì những điều đó tự nhiên nói một thái độ nghiêm túc đối với cuộc sống đối với lời dạy của Đức Phật. Nên chi chúng tôi nghĩ rằng bài kinh này đặc biệt những lời dạy của Đức Phật là một thách thức cho tất cả chúng ta trong sự tu tập, sự thách thức đó là chúng ta có thật sự là người thừa tự được tinh hoa trong lời dạy của Đức Phật hay chúng ta chỉ là kẻ ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ là chúng ta ca tụng xưng tán, trong tôn giáo của người Tây Phương họ rất đặt nặng về vấn đề xưng tán hay ca ngợi, lời ngợi khen, thí dụ như vinh danh chúa, ca ngợi chúa hay có những bài kinh xưng tán bậc đạo sư hay xưng tán vị giáo chủ, những bài kinh xưng tán rất quan trọng, nhưng riêng đối với người Phật tử thì thật sự vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta tán thán Đức Phật mà vấn đề là chúng ta có thừa tự pháp bảo mà Đức Phật dạy không và để thừa tự pháp bảo thì thật ra chúng ta phải làm rất nhiều việc hơn là sự ngưỡng mộ mà thôi. Chúng tôi nghĩ rằng đối với nhiều Phật tử khi nghe bài kinh này thì có nhiều chi pháp cần bàn nhưng đối với chúng tôi thì bài kinh này lại đề cập đến một trong vấn đề riêng tư nhất của đời sống là thái độ của chúng ta, cái thái độ đó có tích cực hay không, Đức Phật để lại cho chúng ta một gia tài tinh thần lớn. Nếu qúi Phật tử hỏi rằng động lực nào để cho chúng tôi là Chư Tăng cố gắng duy trì rơom Phật Pháp Buđdhamma này thì một trong những điều chúng tôi muốn thưa với tất cả qúi Phật tử đó là chúng tôi nghĩ có thể chia sẻ với qúi vị để cho qúi vị thấy rằng gia tài của Đức Phật để lại cho chúng ta rất lớn, nhưng cái chuyện mình hưởng được gia tài đó hay không, đó là một câu chuyện khác, không phải mình là cậu ấm rồi cha mẹ để lại gia tài lớn rồi chúng ta cứ ngồi đó mà hưởng. Thật ra gia tài pháp bảo của Đức Phật là gia tài rất đặc biệt những người nào có thật sự lãnh hội, thật sự đi, thật sự sống thì vẫn được điều đó, nếu chúng ta không thật sự thấy được giá trị đó thì chúng ta không được gì hết, nói một cách khác là chúng ta đứng ngoài lề và chúng ta không hưởng được. Và chúng tôi cũng có thể nói với qúi Phật tử một điều là đọc bài kinh này hay nhiều bài kinh khác thì chúng ta thấy một ở trong cái tinh hoa đó là sự từ bỏ, đó là sự buông bỏ. Sự buông bỏ dính mắc đối với đời sống hưởng thụ, sự buông bỏ đối với những lệ thuộc vào thói quen, sự buông bỏ những lối sống có tánh cách lệ thuộc của chúng ta. Dĩ nhiên là mỗi người có quan niệm riêng về Phật Pháp nhưng nếu chúng ta suy nghĩ cho cùng thì đời sống xả bỏ, đời sống viễn ly mới là một trong những tinh hoa mà chúng tôi tin tưởng rằng không thể phủ nhận khi đề cập đến giáo pháp của Đức Phật. Cuối cùng Ngài Xá Lợi Phất đặc biệt đề cập đến Bát Chánh Đạo như là con đường trung đạo và ai thực hành con đường đó thì là người thật sự thừa tự gia tài của Đức Phật, Xin được nói một cách tóm tắt trọn vẹn bài kinh này là Đức Phật Ngài đưa ra một thí dụ bằng câu chuyện cụ thể về hai Tỳ Kheo đến thăm Đức Phật. Ở đây Đức Phật Ngài không chỉ trích vị tỳ kheo này khi mà vị tỳ kheo đó ăn thực phẩm còn lại của Đức Phật mà Đức Phật chỉ dùng câu chuyện để tán thán thái độ của vị tỳ kheo thứ hai tuy rằng đói nhưng nghĩ mình nên thừa tự tài sản của Đức Phật, Đức Phật biết trong tâm của vị đó nghĩ như vậy nên Đức Phật tán thán. Và Đức Phật Ngài cũng nêu rõ là nếu mình muốn thừa tự tài sản của Đức Phật thì mình nên sống như Đức Phật, sống viễn ly và tùy học viễn ly, những gì mà Đức Phật từ bỏ mình nên từ bỏ, và mình không nên dẫn đầu về đọa lạc. Lại nữa trong bài kinh Ngài Xá Lợi Phất đã đi xa hơn và diễn giải chi tiết và cuối cùng Ngài kết luận là Bát Chánh Đạo là cái chất sống thật sự. Chúng ta có thể nghe rất nhiều những bài viết của những học giả những triết gia v.v.... về cái nào là cái cao siêu cái tinh hoa của Đạo Phật nhưng phải nói thật sự là nếu tất cả những gì chúng ta nghe chỉ để mà nghe, nghe để mà suy tư, nghe chỉ để mà ca ngợi thôi thì chưa đủ, chúng ta phải có làm một cái gì đó, sống một cách gì đó, thì chúng ta mới nhận ra được rằng đây chính là cái giá trị của lời Đức Phật dạy mà chúng ta thừa hưởng được cái gia tài giáo pháp. Thì như vậy chúng ta đọc bài kinh này chúng ta sẽ thấy rất là lợi lạc rất là hoan hỉ cho đời sống tu tập của mình./.
|