dieuphap.com Trang chính


Không Phải Chỉ Có Hai Đường

TT. Giác Đẳng giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 29 tháng 12 năm 2011

Minh Hạnh chuyển biên


Chánh Kinh:

"Lúc bấy giờ Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

Nói về một nữ nhân đẹp:

-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu."

TT Giác Đẳng: bài kinh này tuy rất ngắn nhưng lại mở đầu của Tương Ưng Bộ thuật lại lời đối thoại giữa Đức Phật và một vị Thiên. Chúng ta được biết thường là những vị Chư Thiên đến viếng Đức Thế Tôn vào đêm khuya có nhiều lý do nhưng thời gian đó là thời gian tương đối tĩnh mịch ít người và Đức Thế Tôn thường dành thời gian ban đêm để cho các vị Thiên diện kiến. Một điểm rất thú vị đó là sở dĩ chúng tôi có niềm tin với Tam Bảo nhiều và niềm tin với Chư Thiên là bởi vì đọc trong kinh Tạng khi nói đến Chư Thiên thì không nói đến những huyền hoặc mà là chúng ta được nghe những đối thoại, những đối thoại đó để lại cho chúng ta những lời kinh rất vi diệu, như kinh Hạnh Phúc hay bài kinh học hôm nay là một thí dụ. Bởi vì thông thường khi người ta đề cập đến Chư Thiên đề cập đến những thế giới vô hình người ta vẽ vời lên đó nhiều huyền thoại huyền hoặc nhưng trong kinh điển Pali thì chúng ta tìm thấy rằng trong những cuộc đối thoại đó Đức Thế Tôn đã có những lời dạy cho Chư Thiên và những lời dạy đó còn lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

Bài kinh này trước nhất chúng ta cần lưu ý chữ "oghà" hay là "bộc lưu". Bộc lưu tức là giòng cuồng chảy hay là một thủy lưu mà nó có thể cuốn phăng đi những vật ở trên đó, thí dụ như có một lần nào đó chúng ta đến một con suối nước chảy xiết hay trong một giòng sông nước chảy xiết thì chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta là người bị động bị cuốn đi. Chúng tôi lớn lên ở bên giòng sông Cửu Long nên biết thủy triều của miền Nam là một thủy triều rất đặc biệt là có hai chiều. Những giòng sông như sông Hằng, sông Nile, sông Amazon thì thông thường những giòng sông đó muôn thuở về suôi tức là giòng sông từ trên non cao chảy ra biển cả lúc nào cũng một chiều. Nhưng giòng sông ở miền Nam nước Việt do thế đặc biệt của biển Nam Hải nên có hai chiều tức là có nước ròng và nước lớn. Nước ròng là lúc nước chảy ra làm giòng sông cạn xuống và nước lớn là nước chảy ngược lại thì làm đầy giòng sông và có những giờ phút gọi là nước đứng. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ không biết vì lý do gì đó mà thân phụ chúng tôi nói rằng ở trong tiếng Việt tất cả chữ "những" đều là dấu ngã hết nhưng mà duy "nước nhửng" thì lại dấu hỏi, lớn lên chúng tôi cũng không thấy nhiều người sài chữ "nước nhửng" nhưng nếu qúi Phật tử ở miền Nam thì biết rằng cường triều của Việt Nam có nước ròng và nước lớn. Thì mỗi lần anh em chúng tôi có TT Tuệ Siêu cùng đi tắm ở sông thì thường lựa vào lúc nước đứng vì nó không chảy xiết nên an toàn hơn, nếu tắm vào lúc nước ròng là lúc nước chảy xuống thì nước chảy rất nhanh và khi nó chảy nhanh như vậy rất là nguy hiểm do đó cái cảm giác mà giòng nước cuồn chảy thì đối với chúng tôi là ấn tượng mạnh ở trong đời.

Khi đọc đến những bài kinh có chữ bộc lưu (oghà) thì chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh một người sanh ra đời ở trong một giòng cuộn chảy của thời cuộc, cuộn chảy của nghiệp lực, cuộn chảy sự vận hành của thế giới này. Nhiều lúc như buổi sáng nay thức dạy chúng ta cảm thấy rằng mình không làm gì hết nằm yên một chỗ nhưng thật ra cái gọi là yên đó chỉ là một khái niệm rất đơn giản, quá đơn giản đến đỗi chúng ta không hiểu rằng vạn vật luôn luôn vận hành, vạn vật luôn luôn vận chuyển, xã hội bên ngoài vận chuyển, giòng tâm thức chúng ta hay thân thể của chúng ta từ từ đi đến tuổi già và xã hội bên ngoài không bao giờ ngừng nghỉ, cuộc đời không bao giờ ngừng nghỉ ở bên này hay bên kia, có thể là có lúc bên này Thái Bình Dương bên kia Thái Bình Dương, bên sáng bên tối, bên này thấy nó yên lặng nhưng bên kia lại đang rất năng động. Rồi chúng ta nghĩ đến những sự vận hành của tinh tú, của các tinh cầu, mặt trăng xoay chung quanh trái đất, trái đất xoay chung quanh mặt trời, và cả Thái Dương Hệ này cũng không nằm yên một chỗ trong Thái Không mênh mông này, trong sự vận hành của vạn vật chúng ta chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi trong giòng chảy đó, nói chiếc lá thì còn khá người ta nói chúng ta còn nhỏ hơn một hạt cát ở trong sông Hằng. Nhưng riêng với Phật Pháp thì Đức Phật Ngài nhìn giòng cuồng chảy cuộc đời không phải là hiện tượng vật chất không, vật chất thì dĩ nhiên chúng ta biết rằng thân này cuộc đời này vũ trụ này là vận hành rồi nhưng Ngài cho chúng ta biết rằng có những sự vận hành khác có những sự lôi cuốn khác, sự lôi cuốn của dục, của hữu, của kiến, của vô minh, những thứ này không nằm yên một chỗ.

- Dục tức là sự đắm nhiễm đối với sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.
- Hữu là những gì sở tạo và hướng đến tương lai, đặc biệt là trong kinh Chuyển Pháp Luân nói rằng "đi tầm cầu cái này cái kia", chúng ta thường nghĩ đến là mình sẽ là cái này, mình sẽ là cái kia, cho dù mình không biết đó là ai.
- Kiến ở đây là cái nhìn cái tư kiến, con người sống thì không phải là mình nói muốn suy nghĩ là suy nghĩ, mình luôn luôn sống bằng quan niệm thường đậm đặt gọi là kiến chấp, rất nhiều quan niệm, cái này đẹp cái kia xấu, cái này đúng hay sai, cái này hay cái kia dở, đạo này cao đạo kia thấp, và nói đến kiến thì chúng ta có vô số cái nhìn về kiến chấp.
- Vô Minh, một điều rất đặc biệt ở tại đây là nhiều khi chúng ta hiểu vô minh là một cái trạng thái rất thụ động, ví dụ vô minh là không, thấy không biết, mê mờ. Thật ra vô minh là một lực rất mạnh, dính vào vô minh thúc đẩy con người lên đường, nếu không có phải thấy như vậy thì Đức Phật không gọi là "vô minh duyên cho hành", bởi vì chính ở trong cái không biết không thấy trong sự tăm tối của chúng ta thì chúng ta chạy lung tung. Chúng ta muốn biết rõ lực của vô minh như thế nào thì chúng ta thử đi chung với một phái đoàn, ở trong phái đoàn đó có một người đi lạc đường và khi họ lạc đường khi họ bị xé lẻ ra họ bị lạc đàn thì chúng ta hiểu trạng thái của vô minh như thế nào, một con người đứng giữa đám đông hoàn toàn xa lạ không biết đi đâu về đâu không biết liên lạc với ai, nhất là không có điện thoại cầm tay nên không liên lạc được, thì họ chạy loạn lên, lúc đó thì chúng ta hiểu được cái lực của vô minh, họ không biết đi đâu về đâu họ không biết họ đang đứng ở chỗ nào, chúng tôi có một vài lần gặp trường hợp như vậy thì lúc đó họ lăng xăng chạy tới chạy lui, cái chuyện họ chạy tới chạy lui thật sự là ảnh hưởng của vô minh. Tất cả chúng ta trong cuộc đời này không biết được là chúng ta đi đâu về đâu.

Chúng tôi xin kể một câu chuyện là mùa Noel năm rồi chúng tôi đi tới đi lui trong chùa rồi ra ngoài sân chùa thì lúc đó thì chùa đang bị kẹt trong vấn đề xin giấy phép sửa chùa, chúng tôi thật sự không biết là công việc của chùa đi về đâu, có những thứ không nằm trong sự hiểu biết của mình hay không nằm trong khả năng của mình chỉ có chờ đợi và chờ đợi. Rồi trước Rằm tháng Giêng một ngày, Rằm tháng Giêng vào ngày thứ Bảy thì ngày thứ Sáu chùa lại nhận được giấy phép của City Houston cho phép cất chùa, và giờ phút nhận được giấy phép cất chùa chúng tôi rất là vui nhưng cũng không có nghĩ năm nay vào Noel tức là 11 tháng sau thì chùa kể như là hoàn tất, ngày hôm qua thì đổ sân ở giữa chùa và đổ sân làm tháp chuông, hai công việc đó thì thật sự không lớn và không nhiều, nhưng làm tháp chuông và sân chùa xong thì hoàn tất, từ tiền sảnh cho đến chánh điện, rồi cổng tam quan, Phật đài lộ thiên, rồi tăng xá rồi hội trường, rồi sân chùa, rồi mọi thứ. Nếu qúi Phật tử hỏi chúng tôi vào Noel năm rồi là chúng tôi có biết là năm nay chùa sẽ hoàn tất thì thật ra chúng tôi không dám tin như vậy. Điều đó cũng là bài học cho thấy rằng chúng ta biết rất ít về cuộc đời này, chúng ta có rất nhiều sự trù liệu về cuộc đời nhưng quả thật là chúng ta không biết, cái không biết đó không đơn thuần là cái không biết về tương lai, không biết về quá khứ, không biết rõ về hiện tại, và cái không biết đó còn dựa trên một thứ là chúng ta không biết đâu là khổ đau, cái gì đích thực là khổ đau, đâu đích thực là nhân sanh đau khổ, đâu là hạnh phúc, đâu là con đường dẫn đến chân hạnh phúc thật sự, chúng ta không biết rõ. Và do vậy, dục, hữu, kiến, vô minh là bốn thứ Đức Phật gọi là bốn cái lực cuốn phăng đi, bốn lực cuộn chảy, cái cuộn chảy đó khiến cho chúng ta bị trôi dạt và thân phận của chúng ta như thân phận của một chiếc lá giữa giòng và thân phận đó chúng ta có rất ít khả năng để làm chủ.

Bởi vì khi một vị thiên đến hỏi Đức Phật:

- "Thưa Tôn Giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu."

Câu hỏi đó thật ra không phải là câu hỏi tò mò, câu hỏi đó không phải là câu hỏi như hỏi cho có hỏi, đó là một câu hỏi lớn. Chỉ có ai sống giữa cuộc đời này hiểu bản chất của cuộc đời này hiểu sự đau khổ của cuộc đời này thì mới hiểu rằng mình đang bị cuốn xoáy đang bị nhận chìm đang bị trôi giạt giữa giòng quay của cuộc đời.

Chúng tôi nhớ nhà thơ Đinh Tuấn một lần khi nghe câu chuyện một em bé gái Việt Nam 12 tuổi đi vượt biên với cha mẹ ra khơi gặp hải tặc Thái Lan rồi em bị làm nhục hãm hiếp mà tuổi còn rất thơ rất nhỏ dại khi đến trại tị nạn thì sống như một người mất hồn, nhà thơ Đinh Tuấn đã viết bài thơ:

Cho tôi lau giọt lệ này,
Lăn trên đôi má những ngày hải quan.
Niềm vui nỗi khổ tuần hoàn,
Sao em chỉ chịu muôn vàn đau thương.
Cho tôi lau những đoạn trường,
Đem ra biển lớn gọi muôn gió bời.
Rằng đâu bến hoặc bờ mê
Đường sanh nẻo tử chưa hề phân minh
Em ơi đừng khóc một mình
Trước sau em vẫn sống chung một lòng
Ừ em, vận nước long đong
Mà em như lá giữa giòng cuồng lưu.

Nhà thơ Đinh Tuấn nói lên lời an ủi mà có lẽ em nhỏ đó không hiểu được lời an ủi. "Ừ em vận nước long đong, mà em như lá giữa giòng cuồng lưu". Vận nước lúc bấy giờ long đong, thời cuộc như vậy, nó như một giòng cuồng lưu lớn mà chúng ta chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi giữa giòng cuồng lưu thì cái chuyện khổ đau, chuyện vinh nhục, chuyện thăng trầm vốn là việc rất bình thường nó là sự thật đương nhiên, cái đau khổ đó quá lớn cho một em bé 12 tuổi nhưng lời khuyên đó chúng tôi nghĩ rằng cũng quá lớn để em có thể hiểu được nhưng ít nhất là nhà thơ đó cũng có thể tự an ủi chính mình để xoá đi cái chua xót trong lòng, chúng tôi nghĩ như vậy, nhà thơ đó đã viết để an ủi một nạn nhân nhưng nhà thơ đó cũng viết để an ủi lấy chính mình khi cầm lòng không được. Nhưng nói rằng "Ừ em, vận nước long đong, mà em như lá giữa giòng cuồng lưu" làm chúng tôi nhớ đến câu chuyện trong kinh Phật nói rằng cuộc đời này tồn tại như những giòng cuộn chảy, bốn giòng cuộn chảy ở trong chữ Hán gọi là "bộc lưu" thì ở đây những giòng cuộn chảy chúng ta gọi là chảy xiết, chảy cuốn phăng, cuốn phăng những mảnh đời về các phương trời tan tác mà chúng ta thật sự không biết, nếu chúng ta ngồi lại đọc cuộc sống thì giòng chảy đó lớn chứ không nhỏ, bản thân chúng ta đôi khi hoặc là quá tự cao tự đại, chúng ta không khiêm tốn và hiểu rằng chúng ta cũng bị cuốn phăng như vậy, nếu chúng ta hiểu là chúng ta bị cuốn phăng như vậy thì chúng ta không tự cao tự đại như chúng ta có. Nhưng mà ở đây một câu hỏi rất là thú vị, câu hỏi đó được một vị thiên hỏi Đức Phật:

- "Thưa Tôn Giả, Ngài làm sao vượt bộc lưu?"

Chúng tôi nhắc lại câu hỏi này để qúi vị thấy rằng chuyện vượt khỏi bộc lưu không phải là chuyện mình thích thì lao xuống giòng suối tắm, không thích thì mình lên bờ, nó không đơn giản như vậy, chúng ta biết giòng suối là một giòng cuộn chảy nhưng khi chúng ta xuống tắm giòng suối chúng ta có sự lựa chọn. Ở đây, chúng ta cứ tưởng tượng bộc lưu của đời sống như những cơn sóng thần tsunami, những cơn sóng thần đó đã đánh vào đảo Phuket của Thái Lan hay đánh vào thành phố Sendai của Nhật Bản chẳng hạn, một người đang ở trong nhà ở trong sở mà sóng thần vào họ không có thì giờ kịp chạy và khi nó dâng lên cuốn đi thì chúng ta nhìn vào thấy nó cuốn đi nào là nhà cửa xe cộ những vật thể nặng gấp trăm con người mình nó còn cuốn đi được thì xá gì bản thân của mình. Thì câu "vượt khỏi bộc lưu" là một câu hỏi lớn chứ không phải là một câu hỏi đơn giản. Chúng ta đừng nghĩ rằng giòng nước cuốn phăng đó là cái chuyện mình thích thì mình trầm mình xuống, mình không thích thì mình đi ra khỏi, không phải như vậy, chúng ta bị cuốn đi, chúng ta bị nhận chìm, chúng ta bị trôi dạt, nhưng mà hầu như hoàn toàn bất lực không làm gì hết. Câu hỏi của vị thiên là câu hỏi lớn, giống như câu hỏi của chúng ta hỏi, làm sao để vượt thoát trầm luân, làm sao để vượt thoát khỏi vô minh ái dục, làm sao để vượt thoát luân hồi. Có bao nhiêu câu hỏi tương tự nhưng ở đây vị này hỏi một câu hỏi rất tượng hình:

- "Thưa Tôn Giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu".

Và câu trả lời của Đức Phật thật ra có thể làm ngạc nhiên nhiều người trong chúng ta khi mới đọc bài kinh này.

- "Này hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu."

Dĩ nhiên là vị Thiên này khi nghe câu nói đó là một câu trả lời vị này phải thảng thốt, tại vì khi Đức Phật nói rằng "không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu", đó là câu trả lời rất lạ, thì vị Thiên này mới hỏi:

- "Thưa Tôn Giả, làm sao không đứng lại, làm sao không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?" thì thay vì Đức Phật trả lời làm sao thì Ngài nói rằng:

- "Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu".

Chúng tôi nhớ hồi xưa khi TT Tuệ Siêu và chúng tôi còn nhỏ có khi lội qua sông qua bên kia bờ để hái trái bần đem về ăn với mắm ruốc, và khi lội qua con sông thì chúng ta hiểu một điều đó là ở trong giòng nước cuộc chảy mình không thể đứng yên được, mình không lội thì sẽ chìm xuống nhưng nếu mình không khéo mà bơi theo con nước thì mình sẽ bị trôi dạt. Câu trả lời của Đức Phật rất là tượng hình nhưng cho chúng ta thấy nhiều ý nghĩa mà dĩ nhiên ý nghĩa này trong bản sớ giải thì nói một cách khác và ở trong sử tư người ta nói một cách khác, và cái hiểu bình thường chúng ta hiểu một cách đơn giản thì chúng ta cũng hiểu một cách khác, nhưng tựu trung như vầy là trước nhất chúng ta nên thấy đối với tất cả mọi vấn đề của đời sống thì chúng ta thường đưa ra hai giải pháp: "đồng ý hay không đồng ý", "một là làm hai là không làm", "một là hành động hai là không hành động" và chúng ta nghĩ rằng câu trả lời lựa chọn chỉ có hai hành động là "hành động hay không hành động" thì nó đủ giải quyết mọi vấn đề.

Có rất nhiều sự việc xảy ra trong đời sống chúng ta không đơn giản là chúng ta chỉ làm hay là không làm. Cái làm và không làm đó chúng ta nghĩ rằng mình đã đặt mình trong một vị thế có một câu trả lời và câu trả lời đó cái cơ may chúng ta đúng là 50% . Chúng tôi lấy ví dụ là đố vui có bốn câu trả lời: a b c d, thì tính ra xác xuất cái cơ may chúng ta trúng là 25%, nhưng nếu chỉ có hai là làm hoặc không làm thì đó là 50%, năm mươi năm mươi chúng ta gọi là năm ăn năm thua.

Nhưng thật sự ở trong câu trả lời của Đức Phật: hành động hay không hành động thì nó đều là sai.

Đứng lại thì chìm xuống, bước đi trôi dạt.

Chúng ta thử lội ở trong giòng nước mà buông tay không làm gì hết, đứng lại thì chúng ta bị nhận chìm xuống, nếu chúng ta lội theo giòng nước thì chúng ta trôi dạt.

Thường thường thấy thái độ của con người nói một cách thường thức ở bên ngoài là mình không cần biết chuyện gì ở tương lai. Chúng tôi lấy ví dụ là mình không biết đời sau là gì, mình không biết nghiệp quả là gì, mình không biết mình sẽ ra sao, bây giờ mình chỉ tập trú vào hiện tại, cái gì mình có, như là lo cho vợ, lo cho con, lo hưởng thụ, lo thế này thế kia, tức là mình từ chối không biết chuyện tương lai chỉ biết hiện tại. Nếu một người không có tầm nhìn xa, một người không ý thức biết được chúng ta đi đâu về đâu thì người đó rõ ràng là một người sống với cái sanh già đau chết chi phối và rốt cuộc thì thúc thủ bó tay trước tất cả mọi sự. Nếu chúng ta thấy cuộc đời không có đứng lại và nếu chúng ta muốn cuộc đời đứng lại thì nó cũng không đứng lại. Lấy ví dụ bây giờ chúng ta cứ thử nghĩ về danh vọng, hễ người ta có khen thì có chê, có thăng thì có trầm, có vinh thì có nhục, có thương thì có ghét, có một thứ gì mà nó đứng lại bao giờ.

Nhiều khi thân phận của chúng ta giống như hình ảnh chúng tôi nghe là có một loài chim sống bám vào tử thi và khi tử thi trôi ra ngoài khơi thì tử thi đó bị rã ra loài chim đó không còn chỗ để nương náu nữa, thì trong đời sống chúng ta thường bám vào những chiếc phao mà chiếc phao đó là chiếc phao hiện tại của mình. Buổi sáng thức dạy buổi chiều đi ngủ trong một ngày đó chúng ta sống vui với cái gì, buồn với cái gì, chúng ta bám níu vào cái gì, và cái đó có được chúng ta thấy rõ cái thực tướng của nó hay không, nó có đứng lại nó có tồn tại nó sẽ ăn đời ở kiếp với chúng ta hay không, hay là nó chỉ là chiếc phao tạm bợ rồi nó sẽ rã đi. Thân phận chúng ta thật sự tội nghiệp, tội nghiệp đến đỗi mà một lúc nào đó chúng ta bừng tỉnh lại thấy rằng cái hiện tại không có gì đáng bám níu thì chúng ta lại vẽ vời sang một tương lai, chúng ta đi truy tìm đi theo cái hướng vọng. Cái mà chúng ta truy tìm chúng ta thật sự không biết nó là gì.

Khi hiểu điều này chúng ta không có ngạc nhiên về đạo giáo, chúng ta không ngạc nhiên về những pháp hảo tương lai của bao nhiêu người. Bây giờ người ta lập ra ngành học gọi là "Tương lai học" người ta tự phát họa ra thế giới này 50 năm nữa ra sao, 100 năm nữa ra sao hay tối thiểu là cũng 5, 10 năm nữa ra sao. Có một câu nói như vầy: nếu chúng ta thật sự biết rõ tương lai ra sao thì có những người sẽ giàu tuyệt đối tại vì họ biết được cổ phiếu ngày mai lên hay thị trường chứng khoán ngày mai sẽ xuống ra sao, nhưng tất cả chỉ có sự đoán mò thôi.

Chúng tôi nhớ có một lần vào một thời điểm người ta gọi là những ngày đen tối nhất của Tổng Thống Obama khi kinh tế xuống cùng cực, khi nhiều người trong đảng Dân Chủ nghĩ rằng Tổng Thống Obama đã nhượng bộ đảng Cộng Hoà quá nhiều, khi phần đông dân Mỹ cảm thấy bất mãn bởi vì nạn thất nghiệp lên cao, người cùng một đảng thì bỏ Tổng Thống Obama và tỉ lệ thất nghiệp thì lại cao, thì Tổng Thống Obama nói là "có những điều còn nằm ở trong dự trù của mình". Thí dụ như sóng thần tại Nhật Bản và ảnh hưởng của sóng thần đối với kinh tế toàn cầu không ai biết được. Thí dụ như trường hợp của Hy Lạp phá sản ảnh hưởng đồng Euro, rồi đồng Euro ảnh hưởng toàn cầu, chuyện đó chúng ta không tiên liệu được. Thí dụ như "Mùa xuân Ả Rập" xảy ra từ một cuộc biểu tình ở đất nước Tunisia chúng ta cũng không tiên liệu được. Người Tây Phương thường nói rằng lãnh đạo có nghĩa là tiên liệu nhưng phải nói rằng bao nhiêu bộ óc bao nhiêu sự tính toán bao nhiêu nghiên cứu không ai tính ra được sóng thần sẽ xảy ra ở Nhật Bản cũng không ai tính được đồng Euro xuống một cách thảm khốc như vậy, cũng không ai tính được là "Mùa xuân Ả Rập" xảy ra. Những bài học đó rõ ràng để cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết của chúng ta về tương lai, thường thường chỉ là những dự phòng dự đoán mà thôi. Hình ảnh đó đôi khi thật sự rất là đáng thương giống như Đức Phật một lần Ngài đi gần bên bờ sông Hằng nhìn thấy một ông Bà La Môn cất một ngôi nhà rất chắc chắn rất đẹp và khi cất được ngôi nhà đẹp ông sung sướng ông đi tới đi lui trong nhà hoài và ông nói lên cảm hứng, ông thách thức thần mưa: "Thần mưa hãy mưa đi mưa đi, nhà cửa chắc chắn và đẹp đẽ quá, thần mưa mưa đi mưa đi" thì Đức Phật Ngài ở xa nhìn thấy vị Balamon Ngài nhận ra một điều là ông chỉ có thể sống thêm bảy ngày nữa mà thôi và Ngài nói cho Tôn Giả Ananda biết chuyện đó, về sau này thi sĩ Tâm Cao có dịch một đoạn thơ câu kinh Pháp Cú như sau:

Mùa xuân này ta ở đây.
Rồi sang đông chí đến ngày hạ san
Người ngu cứ thế mơ màng.
Không hay nguy hiểm mãi đang đợi chờ.

"Mùa xuân này mình ở đây, rồi qua đông chí đến ngày hạ san" mình nghĩ xuân hạ thu đông mình nghĩ được, "người ngu cứ thế mơ màng", mình chưa chắc sống ngày mai nói gì năm tới nhưng mình luôn luôn nghĩ như vậy, luôn luôn mình tính toán như vậy, luôn luôn mình trù liệu như vậy.

Thật ra chúng ta chưa đủ sự khiêm tốn để nhận rằng sự tính toán của mình cũng rất giới hạn, chúng ta quả thật sống một cuộc đời trôi giạt, chúng sanh không hiểu về tương lai nhưng khi họ tạo nghiệp hữu là sanh hữu thì hoàn toàn do vô minh và cái sanh hữu đó đưa họ đi đâu về đâu thì thật sự họ không biết được, đúng là một sự trôi giạt.

Một điểm rất thường thấy trong kinh điển mà chúng ta ít có để ý, chúng ta thường rất thích nghĩ về sự luân hồi, sự luân hồi làm cho chúng ta nghĩ kiếp sau mình sẽ tốt hơn hay là nghe các vị Lama Tây Tạng có khả năng nguyện tái sanh vào chỗ nào rồi đời sau làm một vị hậu thân thì nghe cũng huyền hoặc cũng thú vị, và chúng ta nghĩ đời sau mình sanh vào chỗ này chỗ kia. Nhưng căn bản mà nói thì bước đi luân hồi là một sự trôi dạt, bước đi đó không phải là một chuyện đơn giản. Chúng tôi lấy ví dụ như là chúng tôi làm một cuộc hành trình từ đây sang Á Châu thì thật ra chúng tôi còn biết được chuyến bay đó đến có khi trễ có khi sớm, sớm và trễ thì làm cái gì, nếu mình đến đó lỡ có động đất hay có chiến tranh thì đại khái dự trù mình làm gì, điều đó cũng tương đối, nhưng mà một chuyến đi dài nó có hàng trăm ngàn lý do để sơ xảy, tuy vậy nó vẫn còn quá ít so với sự trôi dạt của luân hồi, sự trôi dạt của luân hồi là ở trong giờ phút lâm chung không phải dễ dàng để chúng ta tự chủ mà mình biết được là mình sẽ rời bỏ cuộc đời này bằng cái tâm nhẹ nhàng hay nặng nề, bằng cái tâm hoan hỉ hay sầu muộn, cảnh giới tái sanh của chúng ta cũng chưa biết đó là cảnh an lạc hay không an lạc, và những giá trị mà chúng ta có trong đời sống hiện tại này cũng chưa chắc là những giá trị mà chúng ta có trong tương lai, chúng ta sanh ra đời là một hài nhi, sanh ra đời là một chúng sanh ở trong bốn loại noãn thai thấp hóa thì thật ra khi chúng ta chào đời chúng ta không còn biết không còn nhớ gì về quá khứ của mình và chúng ta sẽ bị đưa đẩy theo giòng nghiệp lực. Ít có khi chúng ta hiểu được luân hồi là một sự trôi chảy, nó không phải là một điều như một chuyến đi nghỉ hè hay là đi cắm trại mà chúng ta nghĩ là sắp xếp mang thức ăn như vậy rồi mình lái xe đến chỗ đó rồi mình phải có sinh hoạt như vậy v.v... và chỉ có những người nghĩ và biết được điều đó thì mới sợ sự luân hồi.

Bây giờ thì ở đây chúng ta nói đến hai cái trạng thái: đứng lại và bước tới. Chúng ta phải hiểu theo bốn cách:

1) Đứng lại có nghĩa là thụ động không làm gì hết.
Bước tới là hành động nhưng cái hành động đó dựa trên vô minh chúng ta không biết chúng ta làm cái gì.
Nếu chúng ta thụ động thì quả thật chúng ta sẽ chìm xuống mà chúng ta bước tới mà chúng ta không biết làm chuyện gì chúng ta lăng xăng thì giống như những người đi lạc mà không có khả năng đứng yên một chỗ chờ người ta đi tìm mình, mà đi lạc rồi chạy lăng xăng thì càng khó tìm. Đó là cách hiểu đầu tiên.

2) Cách hiểu thứ hai. Chúng ta cũng hiểu đứng lại như là sự bám víu vào những dục lạc hiện tại của đời sống cái mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, mình quá đắm chìm vào. Sắc, thinh, khí, vị, xúc hiện tại thì quả thật là chúng ta chìm vào trong đó.
Và bước tới là gì? bước tới là chúng ta không có thể cam tâm hưởng cái hiện tại mà chúng ta đi vào thế giới của hoang tưởng, của tưởng tượng, của tư duy nghĩ tới cái khác.

3) Chúng ta cũng có thể hiểu đứng lại và chìm xuống ở trong hữu và phi hữu.
Hữu là mình muốn có.
Phi hữu là chúng ta từ chối là không.
Hữu là tương tự như con người trong đời sống chúng ta muốn mình sẽ là ông này sẽ là bà kia, mình sẽ là nhân vật thế này, đề ra hình ảnh trong tương lai mình là như vậy.
Và phi hữu là có thể mình đừng thế này, mình đừng thế kia, cái không là đừng, là nó không thể là cái gì, mình sẽ là cái gì mình không hiểu.

4) Đứng lại và bước tới cũng còn có ý nghĩa rất gần với một vị hành giả hành thiền đó là sự từ chối và sự bám víu.
Từ chối là cái gì nó đến mà mình không thích, như có chuyện xảy ra mình không vừa lòng toại ý mình từ chối nó, cái từ chối cũng làm cho mình khổ, thí dụ mình vào trong một ngôi chùa tu thiền thì chùa phải yên tĩnh mà chùa lại để mấy cái loa thuyết pháp ồn ào thì bực bội, cái đó chúng ta gọi là từ chối là chống đối của chúng ta.
Còn bám víu tức là cái gì xảy ra mình thích thú thì nhất định là phải chạy bám theo nó.

Thì cả bốn hiện tượng này dù là năng động, dù là thụ động, dù là hữu ái, hay là phi hữu ái, dù là chúng ta chấp nhận hay từ chối ở hiện trạng nào đi nữa thì nó không phải là điều mà Đức Phật Ngài dạy chúng ta, đối với chúng ta chỉ có hai cách "hoặc a hoặc b", "hoặc cách này cách kia", Đức Phật gọi đó là biên kiến. Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta là gì đó là chúng ta thấy được cái bản chất thật của mắt tai mũi lưỡi thân ý, của sắc thinh khí vị xúc pháp, của sắc thọ tưởng hành thức. Cái thực tướng nó là gì, thực tướng nó là có sanh thì nó có diệt, cái gì có sanh có diệt thì nó không thể cho chúng ta sự toại nguyện sự thỏa mãn hoàn toàn.

Do đó cái gì vô thường thì khổ. Và cái gì vô thường là khổ thì nên nhận thức tự chân tướng là "đây không phải là ta", "không phải của ta", "không phải tự ngã của ta" tại vì khi chúng ta nhận ra thấy được không phải là "ta", "không là tự ngã của ta" thì chúng ta sẽ không khổ vì sự chấp sai lạc. Do đó khi Đức Phật Ngài dạy rằng:

"không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu"

Điều mà Ngài dạy là chúng ta không hành xử chúng ta không phản ứng bằng thái độ rất thường tình. Thường tình ở đây hoặc là chúng ta ôm chầm lấy nó, chúng ta chụp lấy nó, hoặc là chúng ta từ chối nó, hay là sống với hữu, sống với phi hữu, hoặc là sống với năng động, sống với thụ động, chúng ta phải thấy xuyên xúc và bản chất của nó là gì? Là của bộc lưu,

Đúng ra nó là bài học lớn của đời sống, bài học đó không đơn giản chỉ là sự lựa chọn mình thích hay không thích, thích đằng này thích đằng kia mà chúng ta phải có một khả năng nhìn xuyên xúc việc đó, nếu cái gì đến mà chúng ta xua đuổi chúng ta cũng khổ, mà cái gì đi mà mình níu lại thì chúng ta cũng khổ mặc dù nó đi. Vì vậy thường thường sau này có những luận thuyết nói về "hữu" về "phi hữu" hoặc là "chấp có", "chấp không" v.v...

Thật ra thì cái nhìn đúng đắn nhất của Đạo Phật là cái nhìn của Giáo Lý Duyên Khởi là có sanh thì có diệt. Cái gì có sanh có diệt là tại vì nó sanh ra do nhân thì do nhân đó mà nó diệt. Chúng ta gọi đó là vô thường. Và cái gì có sanh có diệt thì nó không bao giờ cho chúng ta một sự hạnh phúc tuyệt đối. Do đó Đức Phật gọi cái gì vô thường là khổ. Và cái gì vô thường thì chúng ta hiểu rằng đó "không phải là ta", "không phải của ta", "không phải tự ngã của ta". Cái đó là "vô ngã".

Nên những giáo thuyết hay quan niệm chúng ta nói dài dòng đôi khi chúng ta lại không có thấy được vấn đề là bởi vì chúng ta nhìn vấn đề theo bản năng, theo thói quen, theo thường thức, hoặc bên này hoặc bên kia. Có nhiều khi có ai đó nói chuyện với mình họ nói "làm ơn cho biết yes or no". Chữ "yes or no" cũng như vị Thiên hỏi:

- "Tại sao không đứng lại, không bước tới".

Đức Phật nói"

-"Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt".

Những ý nghĩa này nếu chúng ta nghiền ngẫm thì chúng ta sẽ thấy một giai thoại ngắn đó những câu trả lời ngắn của Đức Phật đối với Chư Thiên cho chúng ta những gợi ý rất ư là quan trọng không phải chỉ trong sự tu tập ở trong pháp hành mà ngay cả trong đời sống hàng ngày ./.