dieuphap.com Trang chính


Điềm Báo Cát Tường

TT. Giác Đẳng giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 19 tháng 1 năm 2012

Minh Hạnh chuyển biên


Mātāpitu upaṭṭhānaṃ
Puttadārassa saṅgaho
Anākulā ca kammantā
Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện
Là phúc lành cao thượng

TT Giác Đẳng: Kinh Maṅgalasutta là một trong những bản kinh nhật tụng phổ biến tại các quốc gia Phật giáo Nam Tông, hầu như được tụng rất thường ở trong hai trường hợp là kinh cầu an hay là kinh an lành và cũng được tụng đọc như là một phần của khóa lễ Tam Bảo. Kinh Maṅgalasutta được các vị dịch giả dịch ra rất nhiều tên khác nhau như là kinh Hạnh Phúc, pháp sư Thông Kham dịch là 38 Pháp Hạnh Phúc và trước đó pháp sư dịch là 38 Pháp An Lành và một vài người dịch khác dịch là kinh Phúc Đức.

Chữ Maṅgala có nghĩa là dấu hiệu cát tường, điềm báo cát tường hay là tín hiệu mà qua đó chúng ta được hé mở ít nhiều về tương lai.

Thật ra thì rất ít người trong chúng ta biết chắc hoàn toàn về tương lai của mình nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không biết gì về tương lai. Ở một quốc gia mà người ta đầu tư rất nhiều tiền bạc vào nền giáo dục, họ có những trường đại học lớn họ có những đầu tư vào đời sống của dân chúng đặc biệt là nuôi dưỡng thanh thiếu niên trong một nền giáo dục lành mạnh thì có thể nói rằng quốc gia đó có một tương lai hứa hẹn. Ở một quốc gia mà người ta đầu tư nhiều tiền vào vũ khí thì chúng ta hiểu rằng chiến tranh là một chuyện rất dễ xảy ra trong tương lai. Đời sống con người cũng vậy, ngay trong giây phút hiện tại này cái gì chúng ta làm, cái gì chúng ta nói, chúng ta sống thế nào, đều có ảnh hưởng lớn ở trong quyết định tương lai chúng ta. Chúng ta hiểu là quá khứ có ảnh hưởng đến tương lai, hiện tại cũng ảnh hưởng đến tương lai, nhưng thường thường thì hiện tại ảnh hưởng đến tương lai nhiều hơn là bởi vì nó gần với tương lai hơn.

Trong bài kinh Maṅgala hay là bài kinh Điềm Lành, Đức Phật Ngài đặc biệt lưu ý là có những thiện pháp hay có những dấu hiệu trong đời sống của một người mà từ dấu hiệu đó chúng ta biết đời sống của người đó sẽ khá hơn.

Chúng ta đã đi qua ba bài kệ trước:

Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức
Là điềm lành tối thượng

Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là điềm lành tối thượng

Ða văn nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời chơn chất
Là điềm lành tối thượng

Và hôm nay chúng ta bước sang bài kệ khác, nói đến phạm vi gia đình

Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện
Là điềm lành tối thượng

Pháp thứ nhất: Mātāpitu upaṭṭhānaṃ - Hiếu thuận bậc sanh thành

Có lẽ cuộc sống tại các quốc gia phát triển hay trong một xã hội có nền văn minh về kỹ thuật cao thì con người chú ý nhiều vào sở học của mình, chú ý nhiều về đồng lương của mình, chú ý nhiều đến công việc mình đang có. Nhưng tất cả những thứ đó xem ra không ảnh hưởng con người của chúng ta bằng một điều, đó là cá tính của mình.

Một người mà tình cảm đôn hậu thường là người có một thứ tình cảm rất tốt ở trong gia đình. Nếu một đứa trẻ sanh ra hồi nhỏ biết thương kính cha mẹ biết tin tưởng vào cha mẹ và đặc biệt là xây dựng cảm xúc của mình ở trong quan hệ đối với cha mẹ thì đó là một điều may mắn lớn. Và chính điều may mắn này khiến người này lớn lên có một nền tảng tốt về phương diện cảm xúc nội tâm. Có lẽ tất cả chúng ta đều thấy là cách cư xử trong đời sống hàng ngày thường thường ai cũng qúi trọng tình người nhưng bài học vỡ lòng về tình người đến từ cảm xúc của chúng ta đối với cha mẹ. Đức Phật Ngài từng dạy rằng cha mẹ là vị thầy đầu tiên vị thầy đó đã thiết lập những cơ sở căn bản ban đầu ở trong đời sống của đứa con của mình trên phương diện cảm xúc. Nếu chúng ta có được ông cha bà mẹ để kính để thương và chúng ta thấy rằng những người đó quan trọng trong cuộc đời của mình thì điều đó là một điều đặc biệt may mắn. Cha mẹ dạy cho chúng ta biết rằng ở trong đời này có một thứ tình cảm chân thật một tình cảm mà một thi sĩ nói rằng "chỉ cho đi không đòi lại bao giờ". Khi mình còn nhỏ cho đến lớn lên có lẽ có người thương chúng ta vô điều kiện không tính toán gì hết đó là tình thương của ông cha bà mẹ, cho con bao nhiêu thì cũng vậy thôi không bao giờ nghĩ rằng mình cho đứa con đó thì mình lỗ hoặc mình lời mình hơn hay mình thua, chỉ riêng chừng đó đã là một thứ tình cảm mà một con người may mắn bình thường có thể có được. Hãy nhìn những người ở chung quanh họ đều sống với chúng ta bằng điều kiện, người ta thương mình bởi vì mình đẹp, người ta thương mình bởi vì mình giỏi, người ta thương mình bởi vì mình làm lợi cho người ta, những tình thương đó là tình thương có điều kiện. Nhưng một tình thương không điều kiện, tình thương được gọi là chân thành nhất thì đến từ ông cha bà mẹ, từ tình thương chân thành đó có một sự ban bố, sự ban bố này đặt lợi ích của đứa con lên trên hết, và chính vì đặt lợi ích của đứa con lên trên hết nên nó cho chúng ta biết có những sự sáng suốt không ủy mị ở trong tình cảm.

Chúng tôi không nói rằng tất cả tình thương của ông cha bà mẹ đều sáng suốt hết nhưng phải nói rằng đa phần là ông cha bà mẹ phải sáng suốt, thí dụ như con đòi ăn đồ ngọt, ăn nhiều quá không tốt, thì cha mẹ sẽ không chìu đến mức độ con đòi ăn cái gì cũng cho mà cha mẹ phải nghĩ rằng đứa con muốn như vậy nhưng điều đó thực sự tốt hay không. Chúng ta ra đời sống với bạn bè thì bạn bè chỉ muốn lấy lòng mình chỉ muốn làm đẹp lòng mình, họ nói những lời đãi bôi nói những lời tâng bốc và họ không cần biết rằng những cái gì họ cho mình có tốt hay không tốt. Nhưng đa số ông cha bà mẹ thương con nhưng thật sự nghĩ đến lợi ích chân thật của con, đó là một thứ trí tuệ mà trí tuệ đó chúng ta học từ buổi ban đầu của cuộc đời. Không phải cái gì mình thích thì đều tốt. Tình thương đó là tình thương có trí tuệ.

Một khía cạnh khác khiến cho lòng hiếu thảo có giá trị đặc biệt đó là thái độ cảm kích. Con người sống sẽ bất hạnh nếu mình sống không biết cảm kích ai hết. Đức Phật Ngài dạy có 10 thứ tà kiến mà những tà kiến đó chắc chắn dẫn chúng sanh đi xuống, mở đầu cho 10 tà kiến là tin rằng cha không có ơn mẹ không có ơn. Thử tưởng tượng cha mẹ đã cho chúng ta rất nhiều đã dành cho chúng ta đôi khi cả cuộc đời mà mình không có một chút cảm kích thì thật sự người đáng tội nghiệp chính là chúng ta chứ không phải là cha mẹ. Hễ sống mình biết cảm kích mình thấy cuộc đời đẹp, người nào sống mà vô ơn thì tự cái sự vô ơn đó đã cho con người sự bất hạnh.

Có những người lúc nào cũng trách móc cuộc đời "người này đã không cho mình cái này, không tốt cái kia". Một người hay trách móc cuộc đời tại vì họ thiếu sự cảm kích cái mà họ có, cái mà cuộc đời cho họ tại vì họ vô ơn, chính sự vô ơn đó làm cho đời sống họ cô độc quạnh quẽ. Ngược lại một người biết ơn thì người đó cảm thấy đời sống có ý nghĩa đời sống phong phú. Bởi vậy ở những nền văn hóa phát triển thì loài người thường có thái độ cảm kích, cảm kích người ta đã nhường chỗ cho mình, cảm kích người ta đã cho mình một món rất nhỏ như một ly nước lạnh chẳng hạn, chứ không phải nghĩ rằng người khác có bổn phận với mình, không phải.

Ở đây chúng ta nói đến chữ "Hiếu". Một ở trong cơ sở chữ "Hiếu" là biết cảm kích, cảm kích giá trị của ông cha bà mẹ của hai đấng sinh thành hiện diện trong cuộc đời của chúng ta, và sự cảm kích đó làm đẹp cuộc sống chúng ta. Không có ngạc nhiên gì mà thấy rằng chính lòng hiếu thảo đưa con người đến Thiên giới chính lòng hiếu thảo là một ở trong bảy pháp tác thành quả vị Thiên chủ Thiên vương Đế Thích, chính lòng hiếu thảo đó được Đức Phật Ngài đề cập đến trong rất nhiều bài kinh khác nhau, ngay cả sự tu tập của Đức Phật ở trong suốt nhiều a tăng kỳ nhiều đại kiếp thì một ở trong ba mục đích là tự giác, giác ngộ chúng sanh và tiếp độ quyến thuộc, thì tiếp độ quyến thuộc cũng có nằm ở trong đó là tiếp độ cha mẹ, có nghĩa là ở trong hành trình giác ngộ giải thoát chính những người thân của mình là cha là mẹ là vợ con là những người thân thích đều có sự bồi đắp đóng góp trợ duyên cần thiết cho sự tu tập

Cái gì cha mẹ cho chúng ta và tấm lòng của chúng ta đối với cha mẹ chính là những thứ thiện pháp rất bền chặc. Nếu chúng ta đọc kỹ trong kinh điển thì chúng ta hiểu là không phải mình sanh ra thời nào cũng có Phật Pháp, nhìn trong giòng lịch sử của nhân loại trái đất này người ta có thể khẳng định rằng ít nhất là trái đất đã tồn tại hơn hai tỷ rưỡi năm, hai tỷ rưỡi năm là bao nhiêu, chúng ta nói về một con số dài so với chín mười ngàn năm thì ở trong suốt thời gian dài chúng ta được biết đó có bao nhiêu ngàn năm có ánh sáng của Phật Pháp, nếu những lúc chúng ta luân hồi và tính cho kỹ và hiểu cho rõ thì thời gian có được Phật Pháp để soi sáng không có bao nhiêu hết nhưng trong thời gian chúng ta không có ánh sáng của Phật Pháp mà còn có được thiện pháp thì nhờ vào cái gì, nhờ vào những giá trị chúng ta tạm gọi là "nhân bản" những giá trị rất là con người ở trong đó chúng ta phải kể đến lòng hiếu thuận. Lấy ví dụ, tiền thân của Thiên chủ Đế Thích đã có những kiếp không có Phật Pháp ra đời nhưng nhờ thương cha kính mẹ nhờ sự thờ kính cha mẹ cũng là một pháp dẫn đến quả vị Thiên vương, tức là tấm lòng hiếu thảo đó cũng là một thứ thiện pháp. Điều này không có gì ngạc nhiên hết, tại vì chính sự hiếu thảo đó làm thăng hoa cuộc sống làm cho con người có được trạng thái sống, biết người biết mình, giảm bớt đi sự ích kỷ. Chúng ta đặc biệt phải nói một điều rằng con người chúng sanh ở đời đa số là ích kỷ, cái ích kỷ đó nó thường rất là tàn nhẫn, cái ích kỷ đó khiến cho chúng ta không biết gì hết. Nhưng chính lòng hiếu thảo đã mở cho chúng ta những thiện pháp rất căn bản, có thể chúng ta không biết Phật Pháp nhưng chúng ta có lòng hiếu thảo thì từ đó chúng ta cũng có thể tạo nhiều thiện pháp.

Trong xã hội Việt Nam và nhiều xã hội Đông Phương người ta có nói là "sống ở đời mình làm cái gì mà làm đẹp cho cha mẹ thì đó là một cái hiếu, nhưng nếu làm cái gì đó khiến người khác chửi cha mẹ mình thì đó là điều rất là bất hiếu". Chúng tôi nhớ có khi nghe được một vài câu chuyện từ ông ngoại kể rằng có những tiếng người ta chửi mình mới nghe thì không có nặng nhưng thật sự rất nặng nề, thí dụ như mình làm chuyện gì đó người ta nói mình là một kẻ thiếu giáo dục hay người ta nói rõ hơn là anh đó chị đó không biết dạy con để con hư. Như vậy cái gọi là vô giáo dục thiếu giáo dục hay người Việt Nam mình nói chữ rất là nặng, chữ mất dạy, chữ đó không những chỉ chửi mình mà còn chửi cha mẹ mình nữa. Tại vì sao vậy? Tại vì một người làm điều quấy đến đỗi người khác nghĩ rằng mình không có được sự giáo dục của cha mẹ có nghĩa là nói cha mẹ mình không ra gì, chữ đó thì quả thật là nặng, bởi vì chúng ta đã không có làm đẹp mặt cha mẹ.

Dĩ nhiên, người đời có nhiều cách nói ai nói gì thì nói nhưng phải nói rằng trong nền văn hóa của chúng ta rõ ràng chính sự tương quan tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái đã là cửa ngõ đi vào nhiều thiện pháp và là một người Phật tử thì chúng ta tin rằng nhờ vào lòng hiếu thảo mà trong nhiều kiếp luân hồi không gặp được Phật Pháp không gặp được chánh đạo chúng ta còn có thể giữ được cái chất thiện ở trong đời sống của mình. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy Đức Phật Ngài dạy rằng hiếu thuận với cha mẹ là một dấu hiệu cát tường hay là điềm lành. Chúng ta để ý người chung quanh ít có người nào có hiếu với cha mẹ mà người đó là người xấu và chúng ta cũng để ý người chung quanh ít có ai bất hiếu ngược đãi cha mẹ mà người đó cuối cùng dẫn đến sự thăng tiến về thiện pháp, chúng ta không thấy chuyện đó trong đời sống. Thì như vậy chữ hiếu là một biểu hiệu cát tường,

Pháp thứ hai là "Puttadārassa saṅgaho" có nghĩa là chăm sóc vợ và con.

Đây là một thứ ngôn từ trong nền văn hóa của Ấn Độ, và đã nói đến văn hóa thì nói như thế nào nghe thuận tai thì tốt. Tuy nhiên ở đây chúng ta có thể nói rằng pháp này không chỉ dành riêng cho người nam, người nam thì luôn luôn chăm sóc vợ và con nhưng chúng ta cũng nghĩ rằng trong đó cũng hiểu rằng có hàm ý là biết thương yêu chăm sóc người hôn phối của mình tức là vợ hoặc chồng và con cái, những người sống gần, những người đồng hành, và những người đó là một phần của đời sống của những người cư sĩ bên ngoài.

Chúng tôi nhớ rằng trong rất nhiều trường hợp ở trong Phạn ngữ những pháp đề cập đến thường được nói đến qua góc cạnh của người nam, thí dụ như trong ngũ giới có giới không tà dâm thì đặc biệt nếu đọc trong tiếng Phạn thì chúng ta có cảm giác như là giới đó chỉ áp dụng cho người nam, nhưng thật ra là áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Thì riêng ở trong điều này cũng vậy mặc dầu chúng ta nói rằng chăm sóc vợ và con thì nghe như là điều này chỉ nói trên phương diện của người nam. Ở trong xã hội nào đó thì quả thật là người đàn ông là người cưu mang gánh vác và lèo lái gia đình nhưng chúng ta cũng phải hiểu ngược lại trong những xã hội như ngày hôm nay khi vai trò của người nam và người nữ là một sự tương liên có tánh cách là chồng chăm sóc vợ, vợ chăm sóc chồng, vợ chồng chăm sóc con cái thì chúng ta không đặt nặng một giới tính nào, chúng ta nên hiểu rộng và hiểu thoáng như vậy.

Chữ saṅgaho dịch là tế độ, trong đó bao hàm là sự lân mẫn hay là tình thương bao hàm sự giúp ích tức là mang lại lợi ích, chữ saṅgaho cũng bao hàm là mình làm cái gì đó khiến cho một người nào đó có được đời sống an lạc có được đời sống thăng tiến thì chúng ta gọi là saṅgaho. Đúng ra nó là một ở trong những khuynh hướng chúng ta thường thấy ở trong xã hội là con người thường chỉ đi tìm nguồn cảm hứng ở xã hội bên ngoài nhưng mà với những người thân chung quanh mình thì lâu ngày mình thấy giống như là những thứ bổn phận làm cho mình phải mệt mỏi lê lết. Trong một thống kê ở tại Hoa Kỳ chúng ta thấy rằng đặc biệt là những người đàn ông khi ly dị hay ly hôn rồi thì phần lớn là bỏ rơi trách nhiệm đối với con trừ khi có những biện pháp liên hệ đến pháp luật bắt buộc người đó phải nuôi dưỡng con của mình, còn thì hầu hết trao gánh nặng đó cho người vợ, và mặc dù có con nhưng sau khi ly dị rồi sống xa con tạo lập một mái nhà mới thì thường thường là không nghĩ nhiều đến con cái của mình mặc dù con còn nhỏ. Điều đó cho chúng ta thấy một điểm là không phải hễ có liên hệ huyết thống máu mủ thì có nghĩa là con người có được cái tình mà phải nhìn vào điều đó một cách tích cực. Một người sống ở đời mà có nghĩ đến người hôn phối của mình có nghĩ đến con cái của mình mà thật sự chăm sóc đúng nghĩa thì Đức Phật Ngài dạy rằng đó là dấu hiệu tốt đẹp cho người đó.

Cũng ở trong kinh Đức Phật Ngài cho chúng ta biết về thiện pháp ở trong phạm trù rất rộng, ví dụ như người vợ chăm sóc chồng đúng nghĩa một người vợ là thiện pháp dẫn con người sanh vào Thiên giới, hay người chồng chăm sóc người vợ và con mình đúng nghĩa với tư cách của người chồng thì cũng là một thiện pháp. Đạo Phật thì không đề ra những khuôn mẫu mà chúng ta gọi là cứng ngắc như đạo Khổng trên phương diện gia đình, nhưng Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện. Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến chất của thiện nằm trong đời sống, và nói đến chất của thiện nằm trong cuộc sống của chúng ta thì một người sống biết thương yêu biết lo lắng cho những người thân của mình nhất là giữa vợ chồng và con cái thì ở trong đó nếu chăm sóc đúng nghĩa nó đều chứa được chất của thiện.

Chúng tôi xuất gia hồi nhỏ ở trong chùa nên chưa có được thời gian trải nghiệm hiểu biết về cuộc sống của những người cư sĩ có gia đình ở bên ngoài nhưng thình thoảng chúng tôi có được nghe một vài tâm sự của những Phật tử đi chùa thì chúng tôi có thể hiểu được. Lấy ví dụ như có một Phật tử rất thân với chúng tôi khi còn ở trại tị nạn, vị này tâm sự với chúng tôi một điều rằng; người ta nói lập gia đình để có được một sự hạnh phúc, sự hạnh phúc đó người ta nghĩ nhiều thí dụ như một ông chồng lấy được người vợ đẹp thì hạnh phúc, hạnh phúc là sống với một người khác phái đẹp đẽ được thoả mãn về nhu cầu thể xác, thoả mạn về tình thương v.v... Nhưng anh này nói với chúng tôi rằng; sống với nhau về lâu về dài thì hôn nhân không phải là sống bằng tình yêu bằng thể xác mà nó chính là đặt con người trở lại những giá trị căn bản nhất, như là sự chăm sóc cho nhau ở trong lúc tối lửa tắt đèn, trong lúc ương yếu hoạn nạn làm chỗ tựa tinh thần cho nhau, và chịu khó chịu cực với nhau, những thứ đó vượt ngoài tình yêu nam nữ bình thường của một thanh niên thiếu nữ thương yêu nhau. Sống lâu ngày thì người ta không còn đặt nặng cảm hứng về sự lãng mạn của tình cảm bình thường mà thay vào đó là một thứ tình cảm phải dựa lên trên lý tính, phải dựa lên trên sự hiểu biết, dựa lên trên sự nhận thức về bổn phận của chính mình.

Thì như vậy chúng ta thấy tại sao Đức Phật lại dạy rằng ở trong môi trường gia đình đối với chồng, đối với vợ, đối với con cái nếu chúng ta hiểu cho đúng nếu chúng ta biết cho đúng thì nó vẫn là môi trường tạo ra thiện pháp. Và chính những người sống biết nghĩ biết thương và có trách nhiệm có bổn phận đối với người hôn phối và đối với con của mình thì đó là dấu hiệu cát tường là điềm báo tốt lành.

Điều thứ ba: Anākulā ca kammantā - Sống bằng nghề lương thiện

Dĩ nhiên chúng ta biết trong bối cảnh gia đình công ăn việc làm là quan trọng. Con người sống và nhất là người cư sĩ thì mình nuôi mạng như thế nào gọi là chân chánh thì điều đó là quan trọng. Trong rất nhiều đoạn kinh chúng ta được nghe, kể cả giáo lý căn bản nhất của Đạo Phật trên phương diện tu tập, đó là Bát Chánh Đạo cũng nhắc đến "Chánh Mạng". Chúng ta mưu sinh bằng cách nào, chúng ta tồn tại bằng cách nào, chính sự sinh kế lương thiện nó xác thật được một đời sống đẹp, đẹp từ ở bên ngoài cho đến đời sống nội tại. Chúng tôi nhớ có một lần ngồi nghe Ngài Ajahn Chah nói chuyện về "Chánh mạng" Ngài nói một điều làm chúng tôi nhớ hoài, Ngài nói rằng rất nhiều vị cư sĩ cũng như người xuất gia xem chuyện nuôi mạng bằng những nghề không chân chánh nó chỉ là một phần bên ngoài của đời sống một phần không ảnh hưởng đến tinh thần nhiều, công ăn việc làm là công ăn việc làm mà đời sống tu tập là đời sống tu tập. Nhưng mà hai cái đó nó gắng liền với nhau. Và Ngài cũng nói thêm nếu đi xuất gia mà Đức Phật Ngài cho mình sống như thế nào gọi là chánh mạng, ví dụ như Ngài dạy rằng đời sống của mình là đời sống nhận được sự trợ duyên hổ trợ của những người đàn tín thì mình sống như vậy gọi là chánh mạng. Nhưng nếu thay vào trong đó là mình làm những nghề như bói toán hay làm thuốc hay là coi phong thủy rồi từ những thứ đó mang lại phương diện vật chất tiền bạc , mình nghĩ chuyện đó bình thường nhưng nếu người nào làm như vậy trong đời sống xuất gia thì gọi là tà mạng và tà mạng đó khiến cho đời sống tu tập không thăng tiến. Về điểm này là một trong những điểm thiết yếu rất quan trọng. Những lời Ngài dạy chúng tôi nghe cũng nhiều lần nhưng phải nói rằng khoan nói đến người cư sĩ, chúng tôi sống ở trong chùa mà những vị xuất gia những vị đó không dành thì giờ để học hỏi giảng dạy Phật Pháp để có một đời sống đúng nghĩa là đời sống người tu sĩ mà vị đó lại lo về bói toán lo về phong thủy lo về trị bịnh, nhìn ở bên ngoài thì không có lớn chuyện nhưng một khi dính dáng vào chuyện đó rồi thì khó tiến xa về chuyện tu tập. Về điều này là một điều chúng ta có thể khẳng định như vậy.

Đối với người cư sĩ thì cũng tương tự, nếu một người cư sĩ mưu sinh bằng những nghề bất chánh như trong kinh Đức Phật Ngài nói có những nghề như bán rượu, bán thú, bán người, bán thuốc độc, bán khí giới, một khi đã dính vào những nghề này rồi hay là có một số nghề nghiệp không lương thiện thì ảnh hưởng toàn bộ đến đời sống tinh thần của mình. Thời bây giờ người ta có ý thích những vị tu sĩ biết về phong thủy coi xây nhà xây cửa, làm sao cho phát đạt, làm sao cho hưng vượng, sửa phong thủy làm sao cho tốt đẹp, nếu gặp những vị này chúng ta thấy những vị đó tốt thấy bình thường, nhất là ở trong thế giới mà người ta nói về ngũ minh thì người ta thấy những chuyện đó thậm chí được ca tụng nhưng chúng tôi có thể thưa với qúi vị một điểm là một khi một vị tu sĩ đã đi vào con đường đó đã tự mình xây dựng cuộc sống và sống bằng những sở đắc sở trường đó thì vị đó không còn tha thiết Phật Pháp nữa. Chúng tôi nói như vậy có lẽ nhiều vị nói nặng quá. Tại sao có những vị đặt nặng về vấn đề phong thủy họ cũng tu tập sống trong Phật Pháp như thường, nhưng thật sự có ảnh hưởng lớn lắm, cái chuyện đó nó đặt lại toàn bộ vấn đề. Ví dụ như chúng ta chuyên về bói toán chuyên về phong thủy lâu ngày thì những giá trị về nhân quả chúng ta không chú trọng nữa những giá trị thực tiễn trong đời sống hàng ngày chúng ta không đặt nặng nữa, chúng ta bắt đầu đi vào thế giới của mơ màng thế giới mà chúng ta gọi là đoán mò của suy diễn, và lâu ngày những giá trị chân thật của chánh pháp bị mất đi, cái đó chúng ta gọi là nghề nghiệp tà mạng nó ảnh hưởng đến đời sống. Chúng tôi nói riêng về đời sống người xuất gia thôi, đời sống xuất gia những điều đó thấy rằng rất là lương thiện như xem phong thủy bói toán mà ảnh hưởng gì nhưng Đức Phật dạy đối với người xuất gia đó là tà mạng.

Còn đối với người cư sĩ thì những nghề nào liên quan đến sát sanh hại vật hay là mở tiệm bán rượu v.v... thấy bề ngoài thì vẫn lương thiện nhưng chính những nghề đó ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mình, ảnh hưởng lớn chứ không nhỏ. Do vậy nếu mình biết thương bản thân thương gia đình đôi khi mình có thể chấp nhận cuộc sống đạm bạc hơn nhưng giữ được đạo và đôi khi mình làm những quyết định quan trọng là làm thế nào sinh kế của mình ở mức độ tốt đẹp nhất mà mình có thể làm được.

Trong Trung Bộ Kinh, đọc bài kinh Ghatìkàra - Người thợ gốm, ở trong đó nói về một người cư sĩ thời Đức Phật Kassapa tên là Ghatikara. Chúng ta thấy được tư cách của một người phụng dưỡng cha mẹ sống bằng chánh mạng thậm chí nguyên liệu đất làm đồ gốm cũng không phải đi đào bới về mà đất đó lấy lên từ hang hóc do những thú vật đào lên, tại vì vị này không muốn là vô tình tạo nên ác nghiệp.

Thật ra cái gọi là lập tâm làm thế nào để đời sống được chân chánh là một dấu hiệu mở rộng cánh cửa tương lai mà dấu hiệu đó khẳng định mình sẽ sống bằng giá trị tốt nhất trong đời sống bởi vì nuôi mạng là một ở trong những cốt tủy của đời sống con người, nghề nào mình sống, nghề nghiệp nào mình làm để mình tiếp tục tồn tại chắc chắn nói nhiều về hướng đi của mình là gì, và mình có chung thành với thiện pháp hay không?

Thì như vậy trên phương diện gia đình ở đây có những pháp là:

Hiếu thuận hay là phụng dưỡng cha mẹ.
Chăm sóc cho người hôn phối và con cái mình.
Sinh kế bằng nghề nghiệp lương thiện.

Ba pháp đó có ở người nào thì giống như lời của Đức Phật dạy là trước khi mặt trời mọc thì rạng đông là dấu hiệu mặt trời mọc thì trước khi một người mà có được sự thịnh đạt có được hạnh phúc có những dấu hiệu của tương lai tốt đẹp đó thì dấu hiệu đó nó là những thiện pháp thì ba pháp này được kể như là điềm báo cát tường được hiểu như là những điềm lành.

Ngày đầu năm thường là chúng ta có nhiều cách để nghĩ về tương lai, có nhiều người đi đến các ngôi chùa để xin sâm, có những người hái lộc, cũng có người ngày mùng ba luột một con gà để coi bói (có lẽ bây giờ nhiều người không còn làm như vậy nhưng hồi nhỏ chúng tôi thấy người ta hay làm như vậy), người ta thường đi tìm dấu hiệu tốt lành coi năm mới mình có tốt hay không.

Nhưng nếu tết đến chúng ta ngồi xuống nhìn lại thấy được rằng:

Chúng ta là người biết xa bạn ác gần bạn lành.
Biết cúng dường những bậc đáng cúng dường.
Biết thờ cha kính mẹ.
Có bổn phận đối với con cái.
Sống với nghề nghiệp lương thiện.

Thì chúng ta hãy nhìn cho kỹ, nhìn cho rõ, nhận thức cho đúng, và chúng ta có thể có được một quẻ bói tốt về mình. Kể ra cũng lạ, người ta có thể luột một con gà rồi nhìn vào con gà đó để bói về tương lại của họ và họ lại tin tưởng và nó trở thành một cái gì ăn sâu vào con người, trong lúc đó những lời Đức Phật dạy tại đây rất cụ thể rất rõ ràng và rất đẹp nhưng chúng ta lại hờ hững.

Lẽ ra thì bài kinh Cát Tường hay kinh Điềm Lành này nên là quyển sách để chúng ta xem bói để chúng ta đoán về tương lai của mình và những dấu hiệu được đề cập đến tại đây như hôm nay chúng tôi nói về một ở trong mười bài kệ và trong bài kệ này có ba pháp và những pháp này cũng là những dấu hiệu cho chúng ta biết ở trong tương lai có tốt hay không tốt./.