dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Nói về Tâm Quán Niệm Xứ thì chúng ta nên hiểu mấu chốt đầu tiên: Tâm là đối tượng để quán, mà cũng dùng tâm cũng để quán, tâm còn gọi là năng và là sở. Đôi khi chúng ta thấy khó như con mắt thì không thể nhìn con mắt được, nhưng riêng về tâm thì có thể nhìn tâm được nhưng với cái nhìn ở trạng thái gọi là "tưởng tri". Tưởng tri tức là chúng ta nhìn lại cái gì vừa xảy ra. Ở trong văn phạm tiếng Anh có một từ gọi là "quá khứ hoàn thành" hay là "quá khứ tiếp diễn". Tức là việc đó mới xảy ra, vừa xảy ra thôi, họ dùng cái thời khác. Chuyện vừa mới xảy ra mà chúng ta nhìn nó thì giống như chúng ta đang nhìn nó nhưng thật sự khi chúng ta nhìn thì cái nhìn đó là nhìn sự việc đã đi qua rồi mặc dầu chỉ trong tích tắc mà thôi. Ở đây nói cho chúng ta hai khía cạnh: - Khía cạnh thứ nhất là chúng ta phải đặc biệt bén nhạy với tâm của mình. - Khía cạnh thứ hai là người Quán Tâm Niệm Xứ thì chánh niệm phải tương đối cao. Cao có nghĩa là trước khi chuyện đó đi quá xa và đã chìm vào quên lãng rồi thì người này nhanh chóng nhận ra được điều đó. Rất ít người đang giận mà đủ sự tỉnh táo để nhìn ra mình đang giận. Hay mình đang vui nhìn ra mình đang vui. Bây giờ thì chúng ta nói đến ba cái khía cạnh liên quan đến Tâm Quán Niệm Xứ. 1. Qúi vị thường nghe định nghĩa vô minh là: Không thấy sự khổ, không thấy nhân sanh khổ, không thấy sự diệt khổ, và không thấy con đường đưa đến sự diệt khổ. Với hành giả tu tập thiền quán thì chữ vô minh có thể dễ dàng nhìn thấy qua những góc cạnh là "chuyện của người thì mình thấy dễ còn chuyện của mình thấy rất khó." Thí dụ người ta nói là "chân mình những lấm mê mê lại cầm bó đuốc mà rê chân người" tức là chân mình cũng lấm bùn chân người khác cũng lấm bùn nhưng mình hay chỉ trích người khác. Đó là trạng thái rất bình thường trong đời sống chúng ta. Mình làm chuyện không tốt lành nhưng người khác làm thì mình chỉ trích người khác trong khi mình không thấy mình, hoặc mình vô tư với chính mình, mình không thấy là mình làm chuyện đó cũng sai. Đó cũng là biểu tướng của vô minh tức là mình đặt không đúng chỗ, mình chỉ nhìn thấy được cuộc đời rất là phiến diện từ chuyện của người khác chứ không thấy chuyện của mình. 2. Khía cạnh khác là chúng ta thường dễ dàng về ngoại giới hơn là nội giới. Ngoại giới là cái bề ngoài. Thí dụ như bây giờ mình ăn diện đẹp đẽ rồi đứng trước gương thấy mình đẹp, mình thấy nét đẹp mình khả ái, mình thấy mình tốt lành, nhưng đó chỉ là bề ngoài là ngoại giới ở bên ngoài. Và đời sống mình đánh giá con người qua giá trị ở cái nhà, ở chiếc xe mình chạy, quần áo mình mặc, đại khái là cái bề ngoài. Ông bà xưa có nói câu "Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm" tức là cái ở bên ngoài không nhất thiết nói lên cái gì ở bên trong lòng của chúng ta. Trong một thống kê mới sau này của chính phủ Hoa Kỳ thì người ta thường lầm tưởng người nghiện rượu họ phải có hình thức thế này hình thức thế kia, nhưng thật ra đa số người nghiện rượu qua hình dáng bên ngoài mà mình không biết được, họ có thể là một người rất đàng hoàng rất đạo mạo nhưng họ bị bịnh nghiện rượu, và có nhiều thứ khác mà bề ngoài chúng ta nhìn không biết được, hoàn toàn không biết. Thí dụ như lâu lâu nghe các tài tử Hollywood phải vào trung tâm này trung tâm kia để cai thuốc cai nghiền rượu v.v... thì lúc đó chúng ta mới hiểu rằng nhìn ở bên ngoài không đủ để biết. Nhưng cái vô minh của chúng ta thường là chúng ta nhìn vào ngoại giới nhiều hơn là nội giới. Điểm đầu tiên là chúng ta nhìn vào người khác hơn là bản thân của mình, điểm thứ hai là khi nhìn vào bản thân của mình thì mình cũng nhìn ở bên ngoài nhiều hơn là bên trong. 3. Khía cạnh thứ ba mà chúng ta nên biết đó là chúng ta nhìn về vật chất nhiều hơn là nội tâm. Nói theo đạo Phật là danh và sắc. Chúng ta biết về sắc nhiều hơn về danh. Ví dụ như là thân mình đau, thân mình khỏe hay không khỏe v.v... thì mình biết nó nhiều, nhưng bản thân mình thì mình không biết chuyện trong nội tại của mình. Một bài học rất lớn của thiền Tứ Niệm Xứ là biết phân biệt về danh sắc, phân biệt về danh sắc là một tiến bộ lớn của hành giả tu tập, qúi vị nào có nghiên cứu về sự hướng dẫn thiền Tứ Niệm Xứ của bà Ajahn Naeb là vị nữ Thiền Sư người Thái Lan rất giỏi về A Tỳ Đàm, thật ra bà là đồng môn tức là học A Tỳ Đàm cùng thời với Ngài HT Tịnh Sự bổn sư của chúng tôi, thì bà đặc biệt nói nhiều về sự phân biệt về danh sắc. Danh là nói về tâm, và sắc nói về thân. Khi hành giả dành nhiều thì giờ cho hành thiền quen thì hành giả sẽ khám phá ra rằng tất cả những cử chỉ những việc làm khởi đầu nó đều khởi đầu bằng ý định, ý muốn, cái chủ tâm. Và ý định, ý muốn, chủ tâm đó đều phải được ghi nhận. Mình muốn làm cái đó, mình định làm cái đó, mình muốn dừng lại, mình muốn bước tới, mình muốn quay lại, mình muốn trở về chỗ ngồi, mình muốn ngưng hành thiền, hay mình muốn đi hành thiền v.v... điều đó là cái ý muốn, cái chủ trương, hay là cái chủ tâm của mình thì mình phải biết, thì cái đó chúng ta gọi là danh. Và việc làm đằng sau đó, sự cử động của thân thì gọi là sắc. Sự phân biệt danh sắc có lợi cho hành giả nhiều là hành giả từ từ sẽ nhận ra rằng cái thân của chúng ta đã được điều chỉnh bởi tâm. Trong sự tranh luận thời xưa ở bên Ấn Độ, thí dụ như thân này với linh hồn là một, hay với tự ngã linh hồn là hai v.v... những chuyện phân biệt thân với xác hồn hay là thân với tâm là một là hai nó sẽ biến mất đi khi chúng ta hành thiền quán mà chúng ta phân biệt được danh và sắc. Sau chuyện phân biệt danh sắc chúng ta nói đến chuyện khác đó là khả năng ghi nhận được những trạng thái của tâm. Ở đây giống như là trò cút bắt khi mình tu tập lâu thì mình hiểu rằng những lúc mình phóng tâm mà mình quên mình tức là mình không nhìn vào tâm mình thì phiền não sanh khởi, mà hễ lúc mình có chánh niệm thì phiền não biến mất. Giống như mình sống ở chùa mình giữ chùa rồi bây giờ có hình bóng nhà sư đi tới đi lui ở sân chùa thì con nít không vô phá mà nhà sư đi chỗ khác thì con nít vô phá. Thì khi hành thiền chánh niệm được thắp sáng, chánh niệm có mặt thì tự nhiên những phiền não đi đâu mất, nhưng mình vừa quên mình một chút, cái chánh niệm vừa tắt đi một chút thì nó khởi dậy bao nhiêu là phiền não, điều này nó cũng là một điểm rất là thú vị để mình biết. Thì Tâm Quán Niệm Xứ có nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên thì hành giả phải có đó là đề mục hơi thở hay là bước chân để làm trụ cột. Quí Phật tử mới hành thiền mà bắt đầu bằng Tâm Quán Niệm Xứ thì rất khó, trừ một vài vị có khả năng làm được, nhưng thường chúng ta phải tập cái đơn giản là hơi thở ra hơi thở vào. Lúc mình đang hành thiền như vậy mà nếu có ý muốn gì sanh khởi, ví dụ như trong lúc mình đang hành thiền mình thương nhớ ai, hay mình giận ai, hay mình lo lắng về chuyện nhà cửa, hay mình rất vui vẻ vì như thế này thế khác, thì lúc đó dần dà mình sẽ hiểu rằng những chập tư tưởng đó giống như những đám mây ở trên bầu trời bay đến, hiện đến, dần dà qúi vị thấy nó kéo đến rất nhiều, nó kéo ào ào đến chứ không phải ít. Bắt đầu chúng ta cũng làm một việc như tất cả các thiền sinh làm đó là, ngồi xuống ở một nơi thanh vắng, ngồi xuống vững chãi nhìn vào hơi thở an trú chánh niệm trước mặt nhớ về hơi thở của mình. Rồi chúng ta sẽ thấy được những tư tưởng phóng tâm từ từ kéo đến, một chút thì chúng ta quên đi hơi thở, chỉ nhớ là bếp ga đã tắt chưa, hay có hẹn với ai chiều nay không, hay là không biết chiều nay ăn cái gì, sao tự nhiên thèm ăn món này món kia v.v... những tư tưởng đó kéo đến. Thì như Thọ Quán Niệm Xứ, hành giả cũng phải có khả năng ghi nhận những trạng thái đó. Nhưng cái khác ở đây là Thọ Quán thì chúng ta để ý vào cảm giác. Chúng tôi nói ví dụ như là vui hay khổ, sung sướng hân hoan hay là khó chịu, cái đó là chúng ta nói đến Khổ, Lạc, Ưu, Hỉ, Xả. Nhưng trong Tâm Quán Niệm Xứ thì chúng ta nên để ý đến cái gọi là ý định của chúng ta. Cái ý định tức là cái ý mà định làm cái gì đó, cái ý định đó nó cho chúng ta cái đầu mối rất quan trọng. Ở trong bài kinh này Đức Phật Ngài giảng về tâm như là tâm thấp hèn, hay tâm cao thượng, hay tâm hẹp hòi, tâm thanh tịnh hay không thanh tịnh. Thì Đức Phật Ngài cho chúng ta biết những trạng thái đó, nhưng để biết những trạng thái đó thì những trạng thái đó nó đều đi chung với ý định. Thế nào là một tâm cao thượng? Là mình có chuyện phiền hà với ai đó rồi mình nghĩ rằng mình sẽ tha thứ, mình gặp người đó mình sẽ xin lỗi, đó là trạng thái tâm cao thượng. Thì cái ý định tức là cái chủ tâm muốn làm việc gì thì chủ tâm đó luôn luôn là mấu chốt mà mình đánh giá nó nằm ở trong trạng thái nào. Chúng tôi lấy ví dụ như bài kinh này là tâm có tham hay là không tham, sân hay là không sân, si hay là không si, quảng đại hay là không quảng đại, hữu hạn hay là vô hạn, tâm vô thượng hay tâm không vô thượng, tâm định hay tâm không có định, tâm giải thoát hay không giải thoát. Dĩ nhiên là mình đòi hỏi một số kiến thức, chẳng những mình đòi hỏi một số kiến thức mà mình cần đến sự khách quan. Cái kiến thức ở đây là nếu qúi vị hành Tâm Quán Niệm Xứ, những trạng thái này nếu có học về A Tỳ Đàm hay đọc nhiều trong kinh thì nó dễ cho chúng ta. Trong kinh nói trạng thái đó là tham là tham dính mắc, và sân là trạng thái khó chịu, thì những trạng thái đó chúng ta thấy nó là chúng ta biết liền như là chúng ta có trang bị một số kiến thức. Còn nếu chúng ta không phải là người thông tuệ không phải là người có nhiều kiến văn về vấn đề này thì đôi khi chúng ta nhìn nó rối lắm. Hơn thế nữa là chúng ta nên nhớ rằng khi nhìn về bản thân của mình thì chúng ta rất là chủ quan và chúng ta khó nhìn ra sự thật. Chúng tôi lấy ví dụ như là người ta khen mình thì mình rất vui, nhưng khi người ta khen người khác thì mình bực bội mình cảm thấy ganh tị, nhưng khi mình bực bội ganh tị thì mình không nhìn nhận là mình ganh tị, ít có ai mà nhìn nhận mình ganh tị, hễ nói mình ganh tị là nói mình thấp thành ra dầu cho người ta có chỉ ra là mình ganh tị thì vẫn nói "không, tôi không có ganh tị" cũng giống như người say mà nói họ say thì họ nói "không, tôi không có say." Chúng ta nên nhớ một điều rằng nhìn vào tâm của chúng ta nó đòi hỏi một sự khách quan và đòi hỏi sự thành thật. Bởi vậy trong những pháp ba la mật có pháp gọi là Sacca Pàramì, hay là trong pháp tu có pháp tu gọi là sacca là pháp tu chân thật. Thì chân thật ở đây, mình là phàm phu biết mình là phàm phu, mình phiền não biết mình phiền não, chứ không phải lúc nào mình cũng sợ người ta biết mình nhìn nhận là phàm phu tục tử người ta nói mình, mình cảm thấy hổ thẹn rồi né tránh. Nên trong trường thiền Wat Pah Nanachat trước khi vào cửa có một câu "Vấn đề quan trọng không phải mình nghĩ mình là thánh nhân hay mình là người cao qúi mà vấn đề quan trọng là mình như thế nào mình nhận ra như vậy." Cái chuyện mình như thế nào mình nhận ra như vậy khó lắm, con người ai cũng dễ dàng để nói rằng mình vĩ đại, mình tốt, mình trong sạch, mình thanh tịnh. Nên một trong những pháp tu rất cần cho hành giả đi vào căn bản là mình có thành thật với chính mình hay không, nếu mình ngồi dưới gốc cây một mình mà mình không thành thật với chính mình thì trước đám đông mình cũng không thành thật với chính mình được và mình sẽ mãi mãi không bao giờ thành thật nhận như vậy, giống như người bịnh mà không chịu nhận mình có bệnh. Thành ra việc ghi nhận trạng thái tâm của mình không phải là chuyện dễ. Chúng ta rất là chủ quan về điểm này, chẳng những chủ quan về điểm này mà chúng ta rất là bênh vực rất là bao che cái tự ngã của mình. Do đó khi hành giả nói rằng tâm mình cao thượng hay tâm mình không cao thượng không phải dễ dàng như chúng ta nghĩ, không dễ dàng giống như là mình để tách trà hay là ly nước trước mặt và mình nói đây là ly đây là tách, nó không đơn giản như vậy, tại vì cái ly cái tách là khách quan bên ngoài mình dễ dàng nói là đây là cái ly, đây là cái tách, đây là cái bình, đây là cây viết, nhưng tâm của chúng ta gọi là tâm quảng đại hay không quảng đại, thấp hèn hay là cao qúi v.v... thì chúng ta rất khó nhìn ra. Thành ra riêng về cái tâm của chúng ta thì đầu tiên chúng ta biết là tâm của chúng ta rất chủ quan và do vậy chúng ta cần huấn luyện tánh cách khách quan bằng cách niệm hơi thở. Niệm hơi thở có lợi là mình biết hơi thở dài là hơi thở dài, biết là hơi thở ngắn thì biết là hơi thở ngắn, mình không can thiệp vào không đòi hỏi hơi thở dài phải ngắn hoặc trung bình, hoặc là mình không can thiệp vào hơi thở mình ngắn quá phải đòi nó dài ra, nó như thế nào mình biết như vậy. Và khi hành giả lúc mình mới hành thiền thường hay tự đặt cho mình điều kiện là bữa nay mình có trạng thái rất là tốt mình sẽ hành thiền, hôm nay mình rất tinh tấn mình sẽ hành thiền, hay là hôm nay tâm mình rất hiền thiện mình sẽ hành thiền. Không phải, cái nhìn đó là nhìn sai. Tâm mình tốt thì cũng hành thiền, tâm mình không tốt cũng hành thiền, tâm mình phóng cũng hành thiền, mà tâm mình định tỉnh thì cũng hành thiền, tâm không có định tỉnh cũng hành thiền. Tư thế của hành giả hành Tứ Niệm Xứ là không có cần biết nó là cái gì, mình chỉ ghi nhận mình nhìn mặt mũi nó mà thôi. Qúi vị nhớ trong đối tượng của chánh niệm không có lựa chọn, không đòi hỏi, không nhồi nặn. Vì vậy, thí dụ một ngày làm việc rất mệt mỏi, đi rất là xa tới giờ về mình nói hôm nay mệt quá không hành thiền. Thái độ đó là thái độ không hiểu biết của một hành giả. Mà thái độ của một hành giả là cho dù mệt mỏi hay tâm mình uể oải, cái mệt mỏi uể oải đó đều là đối tượng để quán chiếu, nó sao cũng được miễn là quan trọng mình nhìn vào nó thôi. Về điểm này thì rất khó giải thích nhưng trong cái nhìn của thiền quán thì dầu tâm có định hay không có định, tâm giải thoát hay tâm không giải thoát, tâm có tham hay không có tham thì nó không nên là vấn đề để cho chúng ta rời bỏ chánh niệm, chánh niệm luôn luôn nhìn vào chuyện đó và chúng ta nhìn lâu thì chúng ta sẽ nhìn nó được một cách khách quan. Tất cả mỗi hành giả hành thiền đều phải hiểu rằng mình nhìn vào chính bản thân của mình luôn luôn khó hơn là mình nhìn người khác. Ví dụ như chúng ta ngồi nơi bàn có năm bảy người, trong số năm bảy người đó có một người hát rất hay, bây giờ một người khen anh A bà B nào đó hát rất hay, hay là có một người nấu ăn ngon mà không khen lại khen người ở nơi khác thì chúng ta thấy mặt người đó khó chịu liền. Cái khó chịu là vì sao mình nấu ăn ngon mà không khen mình lại khen người khác, hay là mình đẹp sao người ta không khen mình lại khen người khác, hay là mình hay mà không khen mình lại khen người khác. Cái đó là mình thấy được người khác nhưng nếu mình là người đó thì khác, mình là người đó thì mình không nhìn thấy được, như người say thường không thấy mình say, người vô minh họ không thấy mình vô minh được. Nên khi tu tập Tâm Quán Niệm Xứ là hành giả phải có: Ví dụ như mọi khi người ta nói mình tánh hay ganh tị thấy người khác hơn mình ganh tị, tự nhiên nghe nói như vậy mình phản ứng hoặc mình nói "tôi không có ganh tị, qúi vị nói như vậy không đúng" hoặc giả là mình trở về và cảm thấy buồn "sao mình ganh tị quá". Thì chuyện mình bênh vực cho chính mình cũng không đúng mà mình cảm thấy buồn khổ cảm thấy khó chịu với chính mình cũng không đúng. Nó như vậy cứ để nó như vậy. Việc của người hành giả hành Tứ Niệm Xứ là không phải là người chống đối hay là vuốt ve hoặc giả là nhồi nặn hoặc giả là đòi hỏi, chỉ nhìn, và nhìn một cách lẳng lặng. Chánh niệm là một cái gì rất kỳ diệu, nếu tâm mình đang sân mình có thể đưa nó lên tầm mắt của chánh niệm và chánh niệm soi rọi, chỉ nhìn đây là sân, thì qúi vị thấy rằng tự cái sân sẽ biến mất, chứ chúng ta không cần vật lộn với cái sân đó, chúng ta không cần phải giận dữ với cái sân đó, chúng ta không cần phải ra lệnh cái sân đó. Cái sai của chúng ta thường là chúng ta hay vật lộn với chính mình, thường thường chúng ta hay rơi vào hai trạng thái hoặc giả là chúng ta bênh vực hay bao che cho bản thân mình. Mình nói: tôi đâu có tham, tôi đâu có sân, tôi đâu có nghĩ cái gì xấu đâu tôi hoàn toàn tốt v.v... đó là mình bênh vực chính mình. Hoặc giả là mình nuôi lòng tự ti, mình nói sao mình phiền não quá, mình kém quá, mình không có căn tu, cái đó cũng là cái sai, chuyện đó không liên hệ gì đến chuyện tu. Chuyện tu là nó sao thì mình nhìn nó như vậy. Tâm Quán Niệm Xứ có một điểm rất tế nhị, là khi tâm có tham biết tâm có tham, tâm có sân biết tâm có sân, tâm có si biết tâm có si. Về điểm này thì chúng tôi nghĩ nó hơi tế nhị hơi khó hiểu, nhưng lúc chúng ta bắt đầu hành thiền thì chúng ta sẽ thấy cái điểm then chốt là chỉ lẳng lặng nhìn và trở về lại với công việc của mình không để cho mình bị rơi vào cái thế điệu hổ ly sơn, tức là đừng để cho những phiền não những gì xảy ra nó kéo mình đi ra khỏi. Bởi vậy rất quan trọng cho người tu tập nuôi dưỡng sự trung thành với hơi thở lấy hơi thở làm nương tựa của mình đừng để những sự phóng đại tưởng tượng nó dẫn mình đi càng lúc càng xa khiến mình quên đi bản địa của mình, mình quên đi cột trụ chính của mình. Một vị thiền sư người Tích Lan, Ngài cho một thí dụ gần với chúng ta đó là người hành thiền nuôi dưỡng chánh niệm giống như một người cận vệ bảo vệ cho nhà vua, dĩ nhiên là có những người đến với ý định ám sát nhà vua hay là họ muốn tấn công nhà vua thì ngay lúc đó phận sự người cận vệ là bảo vệ nhà vua nhưng không để bị đánh lạc hướng mà chạy theo người đó, khi chạy theo người đó mà bỏ nhà vua lại một mình thì có thể người khác chạy đến giết nhà vua, chúng ta thường gọi là kế điệu hổ ly sơn, thì khi chúng ta hành thiền chánh niệm có ghi nhận nhưng mà ghi nhận ở một chừng mực không đi quá xa và không nên phản ứng, ví dụ như tâm của mình như thế nào thì ghi nhận như vậy, và nhanh chóng trở về lại với hơi thở. Dĩ nhiên, điều này hơi khó hiểu khó nói tại vì nó liên quan đến một số kinh nghiệm mà chúng ta thực hành. Nhưng phải nhớ rằng cũng giống như Thọ Quán Niệm Xứ chúng ta không nên quá gắng chặt với cái gì xảy ra trong một giai đoạn ngắn tại vì cái căn bản của chúng ta cũng là trở về lại với hơi thở mà thôi. Và điều cần phải lưu ý là những trạng thái phiền não đối với hành giả thật ra ít nguy hiểm hơn là trạng thái an lạc. Ví dụ như chúng ta hành thiền mà bị tham sân si chi phối thì chúng ta rất là nhanh chóng và dễ dàng nhận ra rằng những thứ đó làm cho chúng ta không an lạc làm cho chúng ta thất niệm chúng ta trở về với đề mục hơi thở. Nhưng khi hành giả hành thiền đôi khi đạt đến tâm thái rất là hân hoan mà ở trong kinh gọi là khinh an nhẹ nhàng, trạng thái lâng lâng, mà trạng thái lâng lâng nhẹ nhàng đó trong chứ Hán người ta dùng chữ gọi là khinh khoái, chữ khoái bên chữ Việt Nam thì không hay nhưng chữ khinh khoái trong chữ Hán có nghĩa là một trạng thái tâm, thí dụ mình cảm thấy mình thanh tịnh quá, cảm thấy an lạc quá không có sự phiền não. Sự khinh an đó cũng là một trạng thái tâm làm cho chúng ta bị kẹt vào trong đó. Kẹt bởi vì khi tu tập mình phải biết là tâm nặng nề biết nó nặng nề, cái tâm nhẹ nhàng biết nhẹ nhàng, tâm cao thượng biết tâm cao thượng, và tâm không cao thượng biết tâm không cao thượng. Nhưng khi biết xong thì chúng ta trở về lại với cương vị cũ là trở về lại với hơi thở. Có lẽ chúng tôi nói hoài qúi vị nghe như chúng tôi trùng lập nhiều quá, nhưng hơi thở rất là quan trọng nên có căn bản hơi thở khi chúng ta ngồi, khi đi thì nên trung thành với bước đi, bước đi rất là quan trọng. Tức là có một chỗ nào đó để trở về, chỗ đó chính là đề mục hơi thở. Bởi vì bài học hơi thở giống bài học vỡ lòng. Lấy ví dụ là chúng ta học toán thì phải học cửu chương "hai lần một là hai, hai lần hai là bốn" chẳng hạn, hồi nhỏ mình rất là chán nhưng khi lớn lên chúng ta thấy rằng tính toán kiểu gì rồi cũng trở về với cộng trừ nhân chia và chúng ta phải biết những chuyện đó nó là căn bản. Nên một hành giả khi nào tu tập quí vị khoan nói chuyện đông tây nam bắc, nói chuyện thấp cao. Mà chú tâm vào hơi thở, hơi thở rất là quan trọng, làm quen với hơi thở, tỉnh táo với hơi thở, trung thành với hơi thở, hễ có chuyện gì xảy ra ghi nhận chuyện đó và trở về với hơi thở. Dĩ nhiên, trong Tâm Quán Niệm Xứ chúng ta có thể ứng xử trong rất nhiều trường hợp để chúng ta có thể thấy được hơi thở, chúng ta thấy được trạng thái tâm của mình nhưng mà rồi chúng ta phải trở về với đề mục chính là hơi thở. Bây giờ chúng tôi nói tóm lại năm điều để tóm tắt phần Tâm Quán Niệm Xứ: 1. Điều thứ nhất là, hành giả nên biết được khuynh hướng chung của chúng sanh trong đời này là "chuyện người thì sáng chuyện mình thì quán" tức là mình biết tâm của người khác dễ hơn là mình biết tâm của mình, biết tâm mình thì rất là khó, chúng ta phải nhận ra như vậy. 2. Điều thứ hai là, chúng ta biết hình thức bên ngoài tức là chúng ta hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, ngoại giới chúng ta hiểu nhiều nhưng nội giới chúng ta không hiểu, khi nhìn vào nội tại chúng ta rất là lúng túng, chúng ta phải biết như vậy. 3. Điều thứ ba là, sự phân biệt giữa danh sắc rất là khó, một hành động hay một sự việc xảy ra để phân biệt thế nào là danh thế nào là sắc. Danh ở đây chúng ta tạm nói là ý định là chủ tâm, sắc ở đây là những vận hành của thân nó đi theo cái chủ tâm đó. 4. Điều thứ tư, qúi vị nên nhớ ở tại đây là khi chúng ta nói về Tâm Quán Niệm Xứ thì chúng ta nên thường biết quan sát về cái ý định hay cái ý muốn. Cái ý định cái ý muốn tại đó chúng ta biết là tham là sân, là không tham không sân, nó là cao thượng thấp hèn, hạn hẹp không hạn hẹp. Nhưng mình muốn biết về cái ý muốn đó thì chúng ta nên nhớ rằng tất cả những hoạt động của chúng ta nó đều có ý muốn, chúng ta phải nhìn được cái ý muốn đó. Thí dụ như: Cái ý định đó rất là mấu chốt để chúng ta Quán Tâm. Và khi chúng ta Quán Tâm ở trong cái ý định đó. Thí dụ: Ở đây vì là một bài kinh Niệm Xứ do đó chúng ta cố gắng nói nhiều nhưng chính thật ra khi chúng ta hành Tứ Niệm Xứ chúng ta phải bắt đầu niệm hơi thở cho thuần thục. Khi niệm hơi thở thuần thục rồi thì khi nói đến những điểm này chúng ta dễ hiểu hơn. Ở đây thì thật sự là bởi vì chúng ta chỉ nói về lý thuyết do đó có nhiều cái hơi lộn xộn tới lui khó hiểu. 5. Điều thứ năm. Tâm của chúng ta khi nói về Quán Tâm nó vừa là Năng vừa là Sở. Tức là tâm vừa là quán chiếu vừa là đối tượng bị quán chiếu, tức là được quán chiếu. Do đó trạng thái này là kinh nghiệm hoàn toàn khác với Thân Quán Niệm Xứ, một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Và chúng tôi cũng có đề cập đến một việc đó là, khi nhìn vào tâm của mình để nhận ra đây là phiền não, đây là cao thượng, đây thấp hèn, không phải là chuyện dễ dàng. Người đó phải là người có đủ sự thành thật đối với chính mình, phải thành thật lắm. Mình sống một mình, ngồi một mình, suy nghĩ một mình, không có ai hết, nhưng mà mình nhận ra là mình cao thượng, mình thấp hèn, mình ganh tị, mình bỏn xẻn, không phải là chuyện dễ. Nên chi khi một hành giả hành về Tâm Quán Niệm Xứ thì cũng rất cần một vị Thầy có kinh nghiệm để vị Thầy đó có thể chia sẻ, có thể hướng dẫn. Nhiều khi mình trải qua những công đoạn mà mình không còn có đủ sự bình tỉnh khách quan nữa, mình cảm thấy quá bực bội, quá chán nản. Có nhiều người cảm thấy rất tự ti, thí dụ hành thiền hoài mà tâm mình phóng hoài hay mình hành thiền hoài mà tâm mình phiền não hoài. Thì trên căn bản là đối với một người tu tập chánh niệm cái chuyện mình tốt hay xấu không thành vấn đề, mà vấn đề là mình có thể nhìn thấy cái tốt và cái xấu hay không. Chứ không phải là mình tốt hay xấu. Thiền tứ niệm xứ khác với các thiền khác là những thiền khác đòi hỏi mình phải thế này mình phải thế kia. Chánh niệm không phải như vậy. Chánh niệm là nó ra sao thì mình nhận nó như vậy, mình nhận nó như vậy là mình nhận một cách tự nhiên không biểu nó như thế này, không nhồi nặn nó như thế kia. Và điều đó là điểm tế nhị nhất ở trong Tâm Quán Niệm Xứ./. Còn Tiếp Kỳ Sau - Quán Pháp |