dieuphap.com Trang chính


Kinh Niệm Xứ - Quán Thất Giác Chi và Tứ Đế

TT. Tuệ Siêu giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 6 tháng 11 năm 2011

Minh Hạnh chuyển biên


Chánh văn: Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo nội tâm có niệm giác chi, vị ấy tuệ tri: "Nội tâm tôi có niệm giác chi"; hay nội tâm không có niệm giác chi, vị ấy tuệ tri: "Nội tâm tôi không có ý niệm giác chi". Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.

TT Tuệ Siêu: Trong phần thứ tư của Pháp Quán Niệm Xứ Đức Phật Ngài nói về một vị hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ qua đề tài Bảy Giác Chi. Bảy Giác Chi ở đây là bảy chi phần để đưa đến sự giác ngộ gọi là Bojjhaṅga, bảy chi phần này là: Niệm giác-chi, Trạch-pháp-giác-chi, Cần giác-chi, Hỷ giác-chi, Tịnh giác-chi, Ðịnh giác-chi, Xả giác-chi.

Khi vị hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ với đề tài suy quán về Bảy Giác Chi. Trước hết vị hành giả phải nhớ từng chi pháp với ý nghĩa của chi pháp: Niệm trạch-pháp, Cần, Hỉ, Tịnh, Định và Xả.
Khi nhớ biết được như vậy rồi thì vị hành giả bắt đầu lắng tâm chánh niệm ghi nhận. Niệm giác-chi tức là sự chánh niệm nhớ biết rõ ràng không bị thất niệm.
Khi vị hành giả nhận ra chánh niệm đang có mặt, chánh niệm này bén nhạy và liên tục thì vị hành giả mới tuệ tri tức là biết rõ ta có Niệm giác-chi.
Còn nếu như khi vị hành giả lắng nghe mà không cảm thấy được chánh niệm đang sanh thì vị ấy biết rõ là nội tâm không có Niệm Giác Chi, vị ấy tuệ tri như vậy.
Không phải chỉ dừng lại ở đó mà sau khi biết rõ nội tâm có hay là không có Niệm Giác Chi, vị ấy mới ghi nhận thêm rằng Niệm Giác Chi có tức là hồi trước chưa sanh nay sanh khởi vị ấy cũng ghi nhận ở mức độ đó, và ghi nhận thêm rằng Niệm Giác Chi trước đã sanh, nay sanh khởi, nay đã được tu tập viên mãn, vị ấy biết rõ như vậy.

Lần lượt vị hành giả chánh niệm để ghi nhận nội tâm có Trạch-pháp giác chi hay là không có, Trạch-pháp giác chi chưa sanh nay đã sanh khởi hay là với Trạch-pháp giác chi đã sanh khởi nay được tu tập viên mãn vị ấy chánh niệm và ghi nhận như vậy.

Đối với Cần giác-chi tức là sự tinh tấn của tâm khi tâm có sự hăng hái năng động không có sự biếng nhác, không có sự bê trễ, luôn luôn lúc nào cũng nỗ lực thì vị hành giả sẽ ghi nhận nội tâm có Cần giác-chi.
Còn khi thấy trạng thái tâm hiện thời có sự lui sụt hay không có sự hăng hái thì vị hành giả cũng ghi nhận nội tâm không có Cần giác-chi.
Và khi thấy rõ Cần giác-chi đang có thì vị đó ghi nhận Cần giác-chi này trước đây chưa có bây giờ đã sanh.
Và Cần giác-chi đã sanh rồi nay được tu tập viên mãn, ghi nhận như thế.

Khi chúng ta tu tập về Pháp Quán Niệm Xứ không có nghĩa là chúng ta nhớ lại hay chúng ta ghi nhận theo như bài học mà cần phải có chánh niệm trực giác để ghi nhận pháp ấy đang có hay là không có, và có như thế nào, chúng ta luôn luôn phải áp dụng phương pháp này chứ không phải là ngồi đó ôn bài, mà luôn luôn thiền quán tức là phải có chánh niệm và trí tuệ.

Vì vậy, mặc dù là pháp quán về Thất Giác Chi nhưng với bảy chi phần của giác chi vị hành giả nên chánh niệm để biết rõ gọi là tuệ tri, chánh niệm để biết là Bảy Giác Chi đó nội tâm có hay là không có.
Nếu Bảy Giác Chi đang có mặt thì phải chánh niệm ghi nhận nội tâm đang có Bảy Giác Chi.
Nếu Bảy Giác Chi không có mặt thì cũng chánh niệm ghi nhận nội tâm không có Bảy Giác Chi.
Bảy Giác Chi chưa có nay đã có cũng phải ghi nhận, phải tuệ tri như vậy.
Bảy Giác Chi đã có nay được tu tập viên mãn, phải ghi nhận như vậy.

Đây là cách khi chúng ta hành thiền quán Pháp Quán Niệm Xứ giống như là chúng ta trắc nghiệm nội tâm từ đề tài một, đề tài Triền Cái, Năm Uẩn, 12 Xứ và cho đến Bảy Giác Chi chúng ta đều ghi nhận biết rõ. Nếu hành giả có sự tinh tấn nỗ lực để chánh niệm để xác định qua những đề tài đó đối với nội tâm thời như vậy vị này được gọi là đang tu tập Pháp Quán Niệm Xứ qua đề tài Thất giác-chi.

Thực ra nói bằng lý thuyết chúng ta khó có thể nhận được nhưng với những ai có trí tuệ và thử đem áp dụng thực hành thì dần dần chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc tu tập, chúng ta sẽ thấy việc đó rất dễ.

Bởi vậy chúng ta cần phải biết rằng đối với Bốn Niệm Xứ nói chung Đức Phật dạy "Ekàyano maggo - đây là con đường duy nhất".

Chữ "Ekàyano" chúng ta phải hiểu là "duy nhất" ở đây nó vừa có nghĩa là chỉ có con đường này mới dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn, chỉ có con đường này mới dẫn đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, thanh tịnh phiền não.

Và chữ "Ekàyano" cũng còn có nghĩa là con đường này phải do tự mỗi người thực hành chứ không có người thứ hai phụ họa với vị hành giả, nghĩa là vị hành giả phải tự mình sống như vậy.

Cho nên ở đây khi chúng ta nói đến Pháp Quán Niệm Xứ thì chúng ta cũng phải ghi nhận là lý thuyết nói như thế chỉ là cách chỉ bày cho chúng ta chú ý nhưng rồi tự chúng ta phải đi theo con đường đó, tự chúng ta phải thực hành lấy. Đó là nói đến Pháp Quán Niệm Xứ qua đề tài Bảy Giác Chi.

Tiếp tục qua đề mục thứ năm: Quán Pháp đối với Bốn Thánh Đế:

Chánh Văn: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế. Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ"; như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ tập"; như thật tuệ tri: "Ðây là Khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt".

Như vậy, vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp.

Qua đề mục thứ năm này chúng ta cũng nên học hiểu từng chi pháp một để rồi chúng ta chánh niệm và ghi nhận.

Trước hết là chúng ta nói khổ, khổ uẩn. Tất cả những gì thuộc pháp hữu vi đang sanh đang diệt đều gọi là khổ uẩn.
Cái khổ uẩn này hiện hữu là phải có nhân sanh phải có tập khởi đó được gọi là khổ tập.
Cho đến khi nào mà khổ tập được đoạn diệt thì lúc đó khổ không có mặt thì đây được gọi là khổ diệt.
Và chính con đường Bát Chánh Đạo, giới định tuệ là con đường để đưa đến sự diệt khổ ấy.

Chúng ta học thuộc lòng và khi hiểu biết tường tận rồi thì bây giờ chúng ta bắt đầu thực hành Pháp Quán Niệm Xứ qua đề tài Tứ Đế hay là Tứ Diệu Đế.

Cũng như trước, ở đây chúng ta nên có sự ghi nhận rõ ràng không phải là do sự học bài hay là chúng ta nhớ tưởng lại những gì chúng ta đã học mà chính do chúng ta nhận thức từng khía cạnh. Thay vì chúng ta đi, chúng ta đứng, chúng ta nằm, ngồi, hay đại oai nghi, tiểu oai nghi, hoặc cảm thọ, vui, buồn, sướng, khổ đang khởi hoặc là tham sân si đang khởi, thay vì chúng ta tác ý đến Thân Quán Niệm Xứ, Thọ Quán Niệm Xứ thì bây giờ chúng ta hãy chuyển qua đề tài Bốn Đế, chúng ta thấy rõ danh và sắc này có sự sanh sự diệt thì chúng ta ghi nhận đây là khổ đế. Chúng ta cứ ghi nhận như vậy.

Chúng tôi còn nhớ một câu chuyện của một vị sadi Alahan đệ tử của Tôn Giả Tissa .Tôn Giả Tissa là một vị trưởng lão Thầy tế độ của vị sadi Alahan, nhưng vì vẫn còn là phàm, còn vị sadi mặc dầu là đệ tử nhưng đã chứng quả Alahan rồi. Một ngày kia cả hai Thầy trò cùng hành trình trên con đường đi đến Savathi đảnh lễ Đức Phật, dọc đường vào ban đêm hai thầy trò xin tá túc trong một trú xứ của người cư sĩ trong làng. Vị thầy thì chuyên tâm hành trì giới luật nhưng vẫn còn phàm phu, còn vị đệ tử sadi Alahan buổi tối không ngủ mà ngồi tham thiền. Vào canh cuối của đêm lúc gần rạng sáng vị Trưởng Lão Thầy tế độ của vị sadi trong lúc trời còn tối vị đó vì trì luật nhớ biết rằng một vị tỳ kheo không được ngủ chung dưới một mái che với vị sadi quá hai ba đêm, cho nên khi đêm gần mãn thì vị Trưởng Lão đó mới cầm cái quạt định sẽ lay gọi vị sadi thức dậy để thay đổi oai nghi hoặc để ra bên ngoài như vậy tránh cho vị tỳ kheo bị phạm tội, nhưng không ngờ rằng vị Thầy cầm cái quạt thọt nhầm con mắt của vị sadi đang ngồi thiền ở dưới chân giường, khi cái quạt thọt nhầm con mắt khiến cho con mắt của vị sadi này bị đau nhưng vị sadi đó vì là vị Thánh Alahan tâm của Ngài rất an tịnh Ngài vẫn thản nhiên không có lời than thở hay là rên la và vị này biết phận sự của mình bèn bước ra khỏi chỗ ở đó đi ra ngoài trời đi kinh hành. Khi sáng dậy vị sadi đó làm phận sự của người học trò đi tìm cháo trắng để dâng cho Thầy điểm tâm, dâng nước rửa mặt v.v... vừa làm mà một tay vừa bụm con mắt thì vị tỳ kheo Trưởng Lão lấy làm lạ mới hỏi nhiều lần
"Do nguyên do gì mà con bị đau mắt".
Lúc bấy giờ vị sadi kể lại cho Thầy nghe: "khi lúc rạng sáng Thầy đã lay gọi nhưng trong lúc đó con đang ngồi thiền cái quạt thọt trúng con mắt".
Thấy thái độ của người học trò thản nhiên tự tại như vậy ông Thầy cảm thấy thương vô cùng và hối hận mới ngỏ ý xin lỗi học trò, thì vị sadi trả lời rằng:
"Thầy hãy an tâm không có việc gì đâu, đây không phải là lỗi của Thầy mà lỗi tại luân hồi khổ".
vị sadi nói như vậy. "lỗi tại luân hồi khổ".

Với câu chuyện này giúp cho chúng ta có một nhận xét: Khi chúng ta hành Thiền Quán với Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, thì chúng ta ghi nhận sự hoạt động của thân sắc uẩn đi đứng nằm ngồi hay tiểu oai nghi hoặc hơi thở ra vào hay quán thân tứ đại, quán thân bất tịnh v.v... rồi khi cảm thọ khổ vui sanh khởi cũng ghi nhận thì chánh niệm tỉnh giác với thực tại về thân, về thọ, về tâm, đang sanh đang diệt như vậy đó cũng là Pháp Quán Niệm Xứ. Nhưng ở đây khi Pháp Quán Niệm Xứ cao cấp hơn thì có nghĩa là dầu thân, dầu thọ, dầu tâm, nó sanh nó diệt thì đó cũng là khổ uẩn và vị hành giả ghi nhận đây là khổ, cứ ghi nhận đây là khổ.

Nói đến đây thì qúi vị có thể ngồi lại ghi nhận danh sắc đang ngồi trước máy, danh sắc đó là khổ. Khổ này mặc dầu hiện tại đang ngồi trước máy vi tính để nghe pháp thật sự chúng ta không có cái gì gọi là bị đau đớn, bị nhức nhối hay buồn bực gì cả, nhưng chúng ta ghi nhận khổ là tại vì danh sắc này nó vẫn đang sanh đang diệt đang biến đổi đang biến hoại và cứ ghi nhận đó là khổ, đây là khổ đế, rồi tiếp tục là chúng ta ghi nhận cái khổ đế này có mặt tức là danh sắc này có mặt phải có sự tập khởi. Như Tôn Giả Sariputta Ngài thuyết trong bài kinh Chánh Tri Kiến (Sammādiṭṭhi sutta), chúng ta sẽ thấy được tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này, thân danh sắc này bị già bị chết. Già chết này có cái gì tập khởi, đó chính là sanh làm tập khởi, vì có sanh ra ở đời cho nên mới có thân già bịnh chết. Rồi sự sanh đó có gì là tập khởi? sự sanh đó có nghiệp hữu là tập khởi, nghiệp thiện hay nghiệp ác tạo ra ngũ uẩn sanh hay tứ uẩn sanh hay nhất uẩn sanh thì nghiệp hữu đó là tập khởi của sự sanh, và nghiệp hữu (kammabhava) có gì là tập khởi gì là nhân sanh? thì chúng ta biết rõ hữu này có thủ là duyên sanh.
Dục thủ kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ và thủ (upādāna) có gì là nhân sanh? Đó chính là ái.
Ái có thọ là tập khởi,
Thọ có xúc là tập khởi,
Xúc có lục nhập là tập khởi,
Lục nhập có danh sắc làm tập khởi,
Danh sắc có thức làm tập khởi,
Thức có hành làm tập khởi,
Hành có vô minh làm tập khởi,
Vô minh có bốn lậu làm tập khởi.
Như vậy toàn bộ khổ uẩn này có tập khởi.

Thế thì toàn bộ khổ uẩn này đây là khổ. Khổ này có tập khởi gọi là khổ tập.
Hành giả ghi nhận như thế.
Rồi sau khi đã ghi nhận như vậy vị hành giả biết thêm rằng khi nào tập khởi đoạn diệt thì khổ uẩn này mới được đoạn diệt.

Hễ mà khổ tập đoạn diệt thì cái khổ này mới diệt, mà khổ này diệt gọi là khổ diệt rồi Niết-bàn. Chúng ta hãy dùng trí tuệ bén nhạy của chúng ta để ghi nhận chỗ đó. Cho đến thời điểm này thì vị hành giả tu tập Pháp Quán Niệm Xứ không còn có khái niệm dính mắc cái gì ở đời, danh lợi, đây là nhà của ta, hay đây là tài sản của ta, không có sự ghi nhận đó, không có sự chấp thủ như vậy, và vị hành giả chỉ ghi nhận thân khổ uẩn này qua bốn khía cạnh của Bốn Đế: Khổ, Khổ Tập, Khổ Diệt và Khổ Đạo, Khổ Diệt Hành Lộ. Khổ Diệt Hành Lộ tức là con đường đưa đến sự đoạn diệt khổ. Ở đây, nếu một vị hành giả tu tập về Niệm Xứ hay là Thiền Quán với đề tài Bốn Đế thời vị hành giả đó được gọi là Quán Pháp trên các Pháp dựa trên đề tài Bốn Đế.

Như vậy thì Pháp Quán Niệm Xứ ở đây chúng ta cần phải hiểu được rằng có năm đề tài để chánh niệm tỉnh giác, năm đề tài đó tức là nhận diện về Năm Triền Cái, nhận diện về Năm Uẩn, nhận diện về Sáu nội xứ, Sáu ngoại xứ (12 Xứ), nhận diện về Bảy Giác Chi, nhận diện về Bốn Đế. Khi một vị hành giả tu tập nhận diện được như vậy thì vị hành giả được gọi là sống Quán Pháp trên các Pháp hay là thực hành Pháp Quán Niệm Xứ.

Đối với niệm Thân Quán Niệm Xứ, Thọ Quán Niệm Xứ, Tâm Quán Niệm Xứ thì những đề tài đó áp dụng cho người có cá tính nặng về tham, nặng về sân, hay nặng về si, nặng về tầm đến đức tin chẳng hạn, nhưng đối với Pháp Quán Niệm Xứ thì phải nói rằng một vị hành giả mà có khuynh hướng nặng về trí tuệ, trí tuệ nổi bậc thì mới có thể thực hành được, mà khi thực hành được Pháp Quán Niệm Xứ thì đó là một trong những cách để giúp cho vị hành giả đoạn tận khổ ưu.

Nếu bản thân của chúng ta tự nghe Pháp và thực hành mà không được thì chúng ta nên tìm đến một vị Thiền Sư chuyên môn có nhiều kinh nghiệm ở trong thiền quán vị đó sẽ hướng dẫn cách để chúng ta thực hành như vậy nó sẽ tác dụng tốt đẹp.

Và ở trong bài kinh này Đức Phật Ngài cũng có nói rõ là khi một vị nhiệt tâm tỉnh giác và thực hành theo con đường Tứ Niệm Xứ này thì nội trong vòng bảy năm vị đó sẽ chứng đắc được một trong hai Thánh quả vị tức là A Na Hàm hay A La Hán. Rồi Đức Phật Ngài nói thêm nữa rằng "đừng có nói chi là bảy năm chỉ cần sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, hay là một năm, vị đó cũng có thể chứng đắc được. Và đừng nói chi là tới một năm, chỉ cần sáu tháng, hoặc là một tháng vị đó cũng chứng rồi, nhưng đừng nói chi là một tháng chỉ nội trong bảy ngày là vị đó đã chứng đắc được một trong hai Thánh quả A Na Hàm hay A La Hán.

Ở đây, chúng ta đừng nghĩ rằng khi Đức Thế Tôn Ngài thuyết giảng điều này Ngài đã nói một cách khoe trương, không phải như vậy, khi chúng ta có sự rốt ráo tinh tấn thực hành thì chúng ta sẽ đạt được, mỗi lúc chúng ta ngồi nghe giảng về Bốn Niệm Xứ nếu chúng ta chỉ chịu khó lắng tâm nghe rõ từng ý nghĩa một thì ngay trong lúc đó là chúng ta có sự thôi thúc trong việc tu tập chứ đừng nói chi là đến lúc chúng ta thực hành thì lại càng khích lệ sách tấn chúng ta nhiều hơn nữa.

Khi chúng ta học bài kinh Đại Niệm Xứ tức là bốn Pháp Quán, Thân Quán Niệm Xứ, Thọ Quán Niệm Xứ, Tâm Quán Niệm Xứ và Pháp Quán Niệm Xứ thì chúng ta cũng nên hiểu rằng con đường này do Đức Phật tự Ngài tìm ra và tự Ngài chứng đắc được đạo quả Chánh Đẳng Giác, ngoài Đức Phật không ai có thể tìm được con đường này, các vị Samon Balamon ngoài ra giáo pháp những vị đó có thể hành thiền nhưng thiền đó gọi là
Samatha-thiền chỉ để định tâm được thôi rồi sau khi chứng đắc được các tầng thiền có thể sanh về cõi Phạm Thiên. Nhưng con đường Tứ Niệm Xứ này duy chỉ có Đức Phật là mới tìm được con đường đó và Ngài chỉ dạy như vậy.

Một điều nữa chúng tôi muốn nói ở đây là con đường Niệm Xứ chính Đức Phật Ngài tìm ra, tự Ngài tìm ra không Thầy chỉ dạy. Và khi Ngài đã giác ngộ Ngài thuyết dạy cho chúng sanh nghe, chúng ta là những vị đệ tử của Đức Phật là những vị thinh văn nghe để biết mà thực hành chứ đừng nghĩ rằng hồi xưa Đức Phật Ngài không có học pháp đó sao Ngài cũng đắc đạo quả rồi bây giờ chúng ta học để làm gì giảng để làm gì. Ngài là một bậc có khả năng tự giác ngộ Ngài tìm ra được con đường đó, đối với chúng ta bây giờ là đệ tử của Đức Phật là hạng thinh văn chúng ta không thể tự mình tìm hiểu con đường đó thì chúng ta phải nhờ sự dẫn dắt của Đức Phật. Và khi chúng ta đã hiểu được như vậy thì tất nhiên trong cái thời khắc thực hành thì chúng ta cũng phải tự mình sống với sự nỗ lực chánh niệm cảnh giác để đạt được đạo quả, nhưng lúc ban đầu phải nhờ nghe được Đức Phật Ngài thuyết pháp đó chúng ta mới có được khái niệm chung chung. Cũng giống như, một người đầu tiên khi họ thiết lập ra các con đường trong thành phố, sau khi họ thiết lập các con đường trong thành phố họ mới bắt đầu vẽ ra một bản đồ và những người đi sau vì không phải là người thiết lập con đường cho nên những người đó cần phải xem bản đồ để biết rõ đường đi nước bước trong thành phố, chúng ta đừng có so bì rằng tại sao người kia họ không cầm bản đồ mà bây giờ bắt chúng ta phải đi xem cái bản đồ, người kia là người thiết lập ra con đường phố cho nên họ không cần phải xem bản đồ còn chúng ta là những người đi sau không phải là người thiết lập con đường tất nhiên chúng ta phải xem bản đồ mới biết được đường đi nước bước. Và những pháp này với những ai có niềm tin, có trí tuệ và có sự tinh tấn thực hành theo con đường đó thì chắc chắn là chúng ta sẽ thành tựu đạo quả.

Chúng ta nhớ một câu Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Akkhaataaro tathaagataa tumhehi kicca.m aatappa.m

Như Lai là vị chỉ đường còn sự nỗ lực đi là chính do ở các ngươi"

Chỉ có vậy thôi. Bây giờ tự chúng ta phải nỗ lực sau khi biết bản đồ Ngài đã thiết lập con đường đó thì chúng ta cứ đi, còn đi hay không là do tự chúng ta chứ Đức Phật Ngài cũng không ép và cũng không phải là Ngài bắt chúng ta phải học thuộc lòng những gì Ngài đã nói để rồi chúng ta cứ ôn đi ôn lại, khi chúng ta hành thiền mà chúng ta ôn giống như ôn bài để trả bài thì nó cũng chưa nhằm gì, học để biết, biết rồi phải tự mình, chúng ta giống như người học trò: Có câu chuyện ông Thầy dạy võ cho học trò, dạy chiêu thức đó và học trò nhớ rõ những chiêu thức mà ông Thầy đã dạy, qua ngày hôm sau ông Thầy xem người học trò đi lại đường quyền và hỏi người học trò có nhớ những điều Thầy dạy không.
- dạ nhớ.
Ông Thầy nói: "như vậy chưa được đâu còn phải luyện tập thêm nữa.
Qua những ngày khác ông Thầy lại hỏi người học trò:
- Con nhớ được những điều Thầy dạy không?
-đạ con chỉ nhớ phân nửa thôi.
Ông Thầy nói:
- Vậy cũng chưa được.
Qua những thời gian sau nữa khi ông Thầy bảo người học trò hãy tung ra những chiêu thức và hỏi người học trò: "có còn nhớ những chiêu thức mà Thầy dạy không?"
Thì lúc bấy giờ người học trò mới nói rằng:
- Thưa Thầy con không còn nhớ gì cả bây giờ chỉ phản xạ một cách tự nhiên thôi.
Thì ông Thầy nói:
- Vậy thì con thành công rồi.

Khi nào chúng ta học giáo pháp, học để hiểu để biết, nhưng đến lúc chúng ta kinh nghiệm thực nghiệm bản thân thì lúc bấy giờ chúng ta hành thiền tự chánh niệm tỉnh giác làm cái công việc đó chúng ta không cần tưởng tri nhớ lại những pháp mà chúng ta đã học như vậy thì việc hành thiền chúng ta mới thành công được ./.

Hết bài kinh Đại Niệm Xứ