dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Trong Phạn ngữ có một thành ngữ gọi là Tây Phương, chúng ta nói Tây Phương Cực Lạc hay Tây Thiên để chỉ cho thế giới của những người đã mất. Đúng ra trong tiếng Phạn nói người đi về Tây tức là người mất. Có hai lý do mà người ta có thể suy luận ra: - Ý nghĩa thứ nhất là, theo cái nhìn thời xưa thì phương tây là hướng mặt trời lặng, thì như vậy phương đông tượng trưng cho sanh và phương tây tượng trưng cho tử, một người đã mất thì như là một người đi về tây như chúng ta nói "Tây thiên quay về". - Ý nghĩa thứ hai chúng ta cũng tìm thấy ở một vài nơi đó là, Đức Phật và một số đại đệ tử khi viên tịch thì đầu hướng về phía bắc nằm nghiêng mắt nhìn về hướng tây trước khi viên tịch. Thật ra chúng tôi nghĩ rằng việc Đức Phật và chư đệ tử nhìn về hướng tây không hẳn là một yếu tố, nhưng trên phương diện diệu pháp thì có lẽ vì mặt trời lặn ở phương tây do vậy người ta có dụng ngữ là đi về phương tây hay là về tây thiên để chỉ cho người đã mất. Bài kinh được Đức Phật giảng tại Nàlandà. Nàlandà là một thị trấn nằm không xa Vương Xá Thành, và thời bấy giờ là kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà, nơi có rất nhiều người hâm mộ đạo lý, bực trí thức kỳ tài và là quê hương của Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, về sau này có trung tâm đại học Phật giáo Nalanda. Khi Đức Phật về nơi này thì những người trong làng thường đến đảnh lễ Đức Phật và hỏi đạo, việc này cũng là một điểm đặc biệt của làng vì đa số người ở làng khác thì đến đảnh lễ cúng dường Đức Phật và nghe pháp Đức Phật giảng gì thì nghe cái đó, nhưng tại thị trấn Nananda chúng ta có một phẩm trong Tương Ưng bộ kinh ghi lại những vị thôn trưởng thường là vị trưởng làng, (một thị trấn thì có nhiều làng và mỗi làng thì có một thôn trưởng) và vị thôn trưởng trong làng thường là những người có học có hiểu biết lui tới đảnh lễ và thỉnh vấn Đức Phật. Câu hỏi của vị trưởng làng Asibandhakaputta nêu ra tại đây với Đức Phật là, có một số những vị Balamon thờ lửa, vị Balamon chuyên tu và chuyên trì về nghi lễ, họ mang xác ra bên ngoài và xướng tên người chết rồi cầu nguyện cho người đó được vãng sinh. Hình thức này là một hình thức được ưa chuộng như là một nghi lễ để cầu nguyện cho người mất siêu sinh. Vị này đặt vấn đề với Đức Phật: "Đức Thế Tôn là bậc Thế Tôn là bậc Alahan Chánh Đẳng Giác như vậy thì Ngài có hình thức nào tương tự hay làm gì cho người mất hay không?" Câu hỏi này rất là tự nhiên ở hai điểm: điểm thứ nhất là, trong đời sống của chúng ta lúc hữu sự, như hôn quan tang tế, đặc biệt, khi người thân qua đời thì tang lễ là điều chúng ta suy nghĩ nhiều nhất. Ngay cả ngày hôm nay trong cộng đồng người Phật tử đi cầu siêu là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Phật tử. Nhiều người bình thường đến chùa chỉ để lạy Phật, lạy một cách rất bình thường như bao nhiêu người khác nhưng khi thân nhân quá vãng thì họ làm rất nhiều thứ, như đi chùa thường xuyên và sau đó họ tổ chức rất nhiều buổi lễ cầu nguyện cho người đã mất. Điểm thứ hai, trong văn hóa Ấn Độ cũng vậy, người Trung Hoa cũng vậy, và có lẽ người Trung Hoa rườm rà hơn. Trong văn hóa Ấn Độ thì người ta trông cậy vào những tu sĩ chuyên về nghi lễ chuyên về nghi thức mà trong tiếng Việt của chúng ta có từ vựng gọi là thầy đám hay là thầy cúng, những vị thầy đám này chuyên đến các đám tang để cầu nguyện cho người đã mất. Hình ảnh đó là vào thời xa xưa Đức Phật còn tại thế thì ít thấy ở phía Phật giáo, mà hình ảnh của những thầy đám là hình ảnh của Balamon cầu nguyện cho người đã mất. Ở đây thì vị thôn trưởng Asibandhakaputta hỏi Đức Phật là: "ở trong uy lực của một vị Phật thì Ngài làm gì cho người đã mất." Câu này rất hệ trọng, chúng ta nhớ một bên là nền tín ngưỡng nhân gian rất mạnh, một bên là Đức Phật, là đối tượng quy hướng của nhiều người. Đức Phật trả lời một câu đã làm cho vị thôn trưởng này phát tín tâm hoan hỉ nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng, thất vọng là bởi vì Đức Phật Ngài khuyên hãy dùng lý tính bình thường của chúng ta để hiểu vấn đề, Ngài không muốn chúng ta bị rối rắm về những vấn đề xa xôi như siêu hình hay huyền học, mà Ngài đặc biệt muốn chúng ta dùng cái mà người Tây Phương gọi là common sense là những sự hiểu biết thường thức của chúng ta để thẩm định vấn đề. Bây giờ với thí dụ đầu tiên, một cục đá được quăng xuống rồi nhiều người cùng nhau cầu nguyện cho cục đá nổi thì cục đá không nổi lên được. Một người sống với thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, và ý ác hạnh khi chết đi mà mọi người vây chung quanh để cầu nguyện thì sự cầu nguyện đó không làm người này siêu thoát được. Ở trong câu chúng ta nói 'được sanh về thiên giới hoặc trở về cõi đời này' thì chữ thiên giới chỉ cho cõi trời và cõi đời này chỉ cho cõi người, tức là được sanh vào cõi chư thiên hay sanh vào cõi người thì được xem như là sanh vào cõi an lạc. Ngược lại Đức Phật Ngài nói rằng nếu đem sữa hay dầu để vào trong cái ghè đem xuống nước, rồi đập bể cái ghè đó đi thì cái ghè chìm mà nói dầu hay sữa cũng bị chìm xuống thì dầu và sữa không thể chìm xuống vì bản chất của nó là nổi. Cái gì chìm thì chìm, cái gì nổi thì nổi, và nó chìm hay nổi là bản chất của nó chứ không phải do lời của những người chung quanh cầu nguyện cách này hay cầu nguyện cách kia. Điều này sẽ làm một số chúng ta thất vọng, bởi vì thường thì chúng ta tin mạnh mẽ vào những nghi thức. Có cái gì rất là tế nhị khi Đức Phật Ngài dạy chúng ta làm cho người mất. Thật ra Đức Phật Ngài có đưa ra một vài điều rõ ràng như trong bổn phận người con đối với cha mẹ, thì có năm bổn phẩn khi cha mẹ quá vãng, mình nên tạo phước hồi hướng. Đức Phật dạy chúng ta nên tạo phước rồi hồi hướng phước cho người quá vãng, nhưng điều đó rất khác với việc chúng ta nói ở tại đây là lời cầu nguyện. Mặc dầu ai cũng nói rằng tâm thành là chính, mình cầu nguyện thành tâm là được, nhưng lời cầu nguyện đó giống như một lời nói mà chúng ta cầu cho đá phải nổi hay dầu phải chìm, chúng ta đang làm một việc nghịch lý bởi vì ở trong đó nó không khế hợp với lý nhân quả. Ở trên phương diện vật lý, cái gì nhẹ thì nổi, cái gì nặng thì chìm. Chúng ta nói về luật chìm nổi trong vật lý thì đó là một định luật thiên nhiên. Thì trên phương diện nghiệp báo nó là một thứ định luật thiên nhiên khác, cái thiên nhiên này có nhân quả, có luật định, có tác động riêng, có hành tướng riêng, không thể nào mà nói rằng những thứ đó phải đi theo lời cầu nguyện của mình. Đây là một điểm mà nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái bởi vì trong không khí của đạo giáo chúng ta thường đặt nặng vấn đề cầu nguyện. Cầu nguyện cho người mất và cầu nguyện cho người còn ở lại. Chúng tôi có rất là nhiều lần đi tụng kinh cầu siêu cho những người mà cái di thể nằm đó là chồng, là cha, là mẹ, là anh chị em, là người rất thân, bây giờ bỗng nhiên vì một tai nạn nào đó mà người đó ra đi, một sự ra đi vĩnh viễn. Chúng tôi rất hiểu tâm sự đó bởi vì bản thân của chúng tôi khi ở tuổi mới vào đời thì mất cha, tuổi đó bắt đầu chúng tôi vừa đủ lớn, vừa đủ hiểu, vừa đủ cảm thấy sự mất mát lớn, và một người thân mà ra đi vĩnh viễn, mình không thể tin là người đó đi và mong người đó có thể trở về. Cái chuyện hụt hẫn, cái chuyện cảm thấy trong một lúc đột biến người thân ra đi vĩnh viễn mà không biết phải làm gì, lúc đó chúng ta trông cậy vào tôn giáo, chúng ta trông cậy vào sự cầu nguyện. Chúng tôi biết rằng có rất nhiều Phật tử bình thường thì tỉnh táo nhưng lúc người thân nằm xuống rồi thì ai bày sao cũng làm hết, nào là đặt nặng về ngày giờ, đặt nặng về địa lý coi phong thủy, rồi đặt nặng nghi lễ, làm bất cái gì cũng làm, có nhiều khi mình không biết chuyện đó làm sao nhưng người ta bày thì mình cứ làm, thà là mình làm hơn là không làm. Cái nhìn của Đức Phật thì có khác hơn, Ngài khuyên chúng ta nên hiểu cái chúng ta làm. Và để hiểu cái gì chúng ta làm không nhất thiết là chúng ta phải có tri kiến hay thật sự hiểu biết cái gì xảy ra ở thế giới bên kia, hay cái gì xảy ra sau khi chết, mà chúng ta cứ dùng cái kiến văn thường thức của mình, cục đá nặng thì nó phải chìm, dầu nhẹ thì phải nổi, cái chìm của đá cái nổi của dầu nó đi theo một nguyên lý tự nhiên, chúng ta có nói bao nhiêu lời, chúng ta cầu nguyện bao nhiêu, chúng ta cũng không có làm ngược lại điểu đó được. Thì như vậy Đức Phật nhắc tất cả mỗi người chúng ta trong đời sống hàng ngày nên làm cái gì cụ thể hơn là chúng ta chỉ mong mỏi cầu nguyện. Trong những cuộc thăm dò cho thấy, ở nơi nào mà người ta quá nặng về sự cúng kính cầu nguyện thì phẩm hạnh của những người sống ở tại nơi đó hơi kém, họ làm nhiều những tội ác như sát sanh hay buôn cần sa ma túy .v.v.... tại vì sao, tại lý do đơn giản là họ nghĩ rằng sau hết bằng niềm tin và bằng lời cầu nguyện họ có thể chuyển bại thành thắng chuyển nghịch thành thuận và tốc xả mê độ để được vãng sanh về cõi an lạc nhờ vào sự cầu nguyện. Không phải Đức Phật Ngài khuyên chúng ta đối với người đã mất không làm gì hết nhưng cách tạo phước và hồi hướng của người Phật tử có khác với cầu nguyện suông bình thường, cách tạo phước hồi hướng là một sự thể hiện của thiện hạnh và một gợi ý của thiện hạnh một sự truyền đạt niềm hoan hỉ trong thiện hạnh cho người đã mất và người đã mất mà họ tùy hỉ với điều đó thì họ được siêu sinh, việc tạo phước hồi hướng có khác rất lớn với sự cầu nguyện đơn thuần. Bài kinh này nó là một trong những bài kinh không dễ dàng cho chúng ta lãnh hội nhất là trong bối cảnh chùa chiền của Phật giáo ngày nay. Chúng tôi nhớ kỳ rồi đi Ấn Độ khi đến thăm hai động thạch khắc Ajanta và Ellora, chúng tôi thấy qúi Phật tử rất vui và rất thán phục công trình của cổ nhân để lại nhưng khi nghe chúng tôi nói về sự việc Phật giáo bị biến mất ở tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 12 trở đi thì có nhiều người đặt ra một câu hỏi là tại sao số phận của Phật giáo như vậy trong lúc Ấn Giáo cũng giống như Phật Giáo cũng bị Hồi giáo kỳ thị và tiêu diệt. Thật ra trên phương diện tiêu diệt thì Ấn giáo bị tiêu diệt không kém Phật giáo. Chúng tôi trả lời với nhiều lý do và một ở trong lý do đó là sự tồn tại của Ấn giáo là sự tồn tại của giai cấp và của một nền tín ngưỡng nhân gian, nó không tùy thuộc vào tăng lữ tức là hàng xuất gia. Nhưng đó là Ấn giáo. Còn phía Phật giáo thì chúng ta phải nhìn nhận một cách công tâm là khi đạo Phật càng về sau này thì càng pha lẫn niềm tin của Balamon, càng pha lẫn tín ngưỡng nhân gian những cái gì mà nó không gần với Phật Pháp. Và do vậy nếu chúng ta nhìn vào sự sinh hoạt của một ngôi chùa, đời sống của tu sĩ đối với quần chúng ngày nay, thì chúng tôi nói điều này ra có lẽ là qúi Phật tử cảm thấy rất buồn hay không hài lòng, nếu xét kỹ thì chúng ta giống Balamon giáo nhiều hơn là giống Phật giáo thời nguyên thủy. Lấy ví dụ là khi chúng ta đọc bài kinh này thì hình ảnh của những vị tu sĩ Balamon cầu nguyện cho người chết có thể cái nghi thức mà chúng ta làm ngày nay có hơi khác một chút, nhưng chúng ta làm giống như vậy nhiều hơn là cuộc sống mà được thể hiện như là lời dạy của Đức Phật tại đây. Do vậy, thỉnh thoảng rất cần đọc lại những bài kinh này để chúng ta tự đặt cho mình một câu hỏi là khi Đức Thế Tôn còn tại thế lời của Đức Thế Tôn dạy đã tạo ra một bối cảnh đạo Phật như thế nào và chúng ta ngày nay ở trong đời sống hành trì có bao nhiêu phần gần với Đức Phật và bao nhiêu phần xa với Đức Phật. Chúng tôi rất tin một điều là cho dù chúng ta không hoàn toàn giống như là một đạo Phật nguyên thủy, một đạo Phật khi Đức Thế Tôn còn tại thế, nhưng nếu chúng ta thường đọc những bài kinh này thì cái tinh thần nguyên nguyên, cái tinh thần căn bản Phật Pháp còn đó thì chúng ta còn khả dĩ giữ lại được phần nào cái đạo hơn là chúng ta chỉ xây chùa đúc tượng đơn giản chỉ đáp ứng thị hiếu tín ngưỡng của quần chúng. Đừng tưởng chỉ có ở trong chuyện mua sắm quần áo thì mới có việc gọi là thời trang hay có xu thế. Thật ra ở trong tín ngưỡng nhất là tín ngưỡng nhân gian vẫn có một số sự ưa chuộng và những sự ưa chuộng này vốn dĩ ăn sâu vào trong tâm não của con người rất khó thay đổi. Hồi xưa, một lần tại Long Thành chúng tôi có nhận được một số sách rất lớn của một vị đại cư sĩ Phật giáo Nam Tông là cụ bà Trương văn Huấn, về sau này chồng của bà xuất gia là sư cụ Hộ Pháp, sư cụ Hộ Pháp trước khi xuất gia làm đốc học của trường Pétrus-Ký là một người trí thức có đạo đức và giàu có rồi sau này theo Phật giáo. Sau năm 1975 thì bà có tặng cho chùa Long Thành một số lớn những sách báo mà bà đã mua trước kia thì trong số đó có một số sách báo như Từ Bi Âm, những cuốn tạp trí về đạo Phật rất xưa, có từ thời chúng tôi chưa được sanh ra, có lẽ từ thời thân phụ và thân mẫu chúng tôi chưa quen nhau, nhưng một điều chúng tôi chú ý thấy rằng trong phong trào chấn hưng đạo Phật thời đó người ta nói rất nhiều về một nhà sư có pháp danh là Thiện Chiếu đã cố gắng làm một cuộc chấn chỉnh củng cố để làm sao hướng niềm tin của đạo Phật đi trở về với lời dạy của Đức Phật hơn là quá nặng về tín ngưỡng. Nhưng chuyện đó không thành. Ngày nay về phương diện tín ngưỡng nhân gian đã ăn sâu vào tâm não con người, đa số những cuốn kinh sách mà tụng đọc phần nhiều là những cuốn kinh có tánh cách là tín ngưỡng nhiều, còn cái gì nặng về đạo lý, đạo lý để thắp sáng trí tuệ, thắp sáng tuệ giác, làm cho chúng ta hiển minh được cái đạo trong đời sống hàng ngày thì điều đó xem ra không được ưa chuộng nhiều. Nên chi, khi chúng ta đọc lại ở tại đây những giòng chữ được dịch ra từ bản kinh này thì chúng ta thấy rằng khi Đức Phật còn tại thế Ngài đã cố gắng để cho mọi người hiểu được rằng cái đạo chân thật có thể không hẳn đến từ một vị giác ngộ hoàn toàn nhưng mà là một người có đủ lý tính có đủ sáng suốt có đủ khả năng nhận thức và dùng cái tri kiến, cái kiến văn thường thức của chúng ta trong đời sống để thấy cái gì là hợp tình, cái gì là hợp lý. Lấy cái hợp tình hợp lý đó để hiểu đạo, đó là bước đầu, tuy là bước đầu nhưng lại rất cần thiết. Mức độ đó đơn giản như là chúng ta nói rằng "cục đá nặng thì phải chìm và dầu nhẹ thì phải nổi" và khi nó chìm nó nổi là theo định luật cố nhiên của vật lý, cho dù bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu lời hò hét thì nó cũng không thể thay đổi được. Điều đó khi chúng ta có một chút tri kiến, một chút trưởng thành thì chúng ta có thể lãnh hội mà chẳng những lãnh hội mà chúng ta đặt niềm tin đúng chỗ. Do vậy tóm lại bài kinh này chúng ta nói ba điểm. 1. Điểm thứ nhất là, ở trong chuyện sanh tử con người thường nghiêng về tôn giáo nghiêng về tín ngưỡng nhân gian để làm gì, một phần cho người chết một phần để cho người sống an tâm thấy rằng mình có làm cái gì đó cho người mất. 2. Điểm thứ hai là, khi nghĩ đến những người mất thì người ta thường nặng về niềm tin tôn giáo nhưng người ta quên đi định luật nhân quả. 3. Điểm thứ ba là, cho dù chúng ta không hiểu nhiều về thế giới bên kia, về cái gì xảy ra sau khi chết, nhưng lấy cái tri kiến hàng ngày thì cũng đủ cho chúng ta có một nhận thức sát đáng về việc nên làm cái gì và không nên làm cái gì cho một người thân quá vãng. |