dieuphap.com
Trang chính
TT Chánh Minh:Đề tài hôm nay chúng tôi xin trích giảng ba chi pháp được ghi nhận trong Trường Bộ bốn cũng như là trong kinh Trung Bộ. Những chi pháp này Đức Thế Tôn Ngài dạy cho Chư Tỳ Khưu là ở trên đời người ta quan niệm sự thấy, sự nghe, hay sự gặp, những điều được gọi là tốt đẹp. Nhưng thấy như thế nào là tốt đẹp và cách thực hành như thế nào gọi là tốt đẹp. Nhân đó Đức Thế Tôn Ngài dạy những chi phần gọi là anuttarariya. Anuttara là không thể sánh được, Tạm dịch là ba pháp cao thượng, ba pháp cao thượng đó Đức Thế Tôn Ngài dạy: Chúng ta sẽ đi vào chi pháp thứ nhất đó là "Thấy cao thượng." Trong đời này có những người quan niệm thấy những điều kỳ diệu mà người khác không thể thấy được là hạnh phúc. Trước mắt thì chúng ta thấy những điều hạnh phúc thì an hưởng những điều hạnh phúc đó, hoặc thấy những cảnh sắc đẹp, hoặc thấy những thiên cung, hoặc thấy cõi trời, nhưng điều thấy đó chưa hẳn gọi là cao tột. Vì sao vậy? Vì trong những mảnh lực một người khéo tu tập thì người đó có thể nhìn thấy được những điều mà những người khác không thể thấy, là do có một năng lực kỳ diệu, nhưng điều đó chưa hẳn đem lại sự lợi ích, bởi vì sự thấy này chỉ ích lợi cho người đó mà thôi. Đại khái như có những chúng sanh do năng lực thiền tập cũng có, do phước riêng cũng có, hoặc là do một cái biến đổi nào đó khiến người đó có thể nhìn thấy được những loại sắc pháp mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy, như nhìn thấy được những cảnh giới của Chư Thiên, hoặc thấy được những hàng phi nhân, nói chung thì đó là những hàng ngã qủi, nhưng thấy những điều này không mang lại lợi ích tốt đẹp bởi vì thấy những hình ảnh ghê rợn của hàng ngã qủi đó đôi khi chúng ta kinh tâm tán đởm, hoặc giả là thấy những cảnh thù diệu của cõi thiên cung, chẳng hạn vậy. Thì đôi khi chúng ta lại có hướng sai lầm vì thích thú những cảnh đó để rồi tạo những việc phước nhưng lại tái sanh vào những cảnh giới mà mình không hiểu biết rằng cảnh giới đó không an lạc lắm. Điển hình trong bản sớ giải kinh Bổn Sanh, Ngài Bồ Tát của chúng ta có một thời Ngài sinh làm Bồ Tát có tên là Vidhurapandita, vị này luôn luôn giữ lời nói chân thật và trong suốt cuộc đời hành trình của vị Bồ Tát có tên gọi là Vidhurapandita không bao giờ nói sai lời tức là nói theo đúng với chân pháp. Thì tương truyền là trong một quá khứ có bốn gia chủ, bốn gia chủ này lại là những người hộ độ cho bốn vị ẩn sĩ, bốn vị ẩn sĩ là những người tu tập được những thắng trí. Một người thường dạo chơi ở cõi rồng, một người thì thường dạo chơi ở cảnh giới thiên cung, một người thì thường dạo chơi ở cảnh giới của loài chim thần gọi là chim Sí Điểu, một người khác thì thường thích vào dạo chơi ở vườn ngự uyển của Đức Vua. Và vì mỗi người có một khuynh hướng riêng như vậy cho nên được những người gia chủ hộ độ mình, những vị ẩn sĩ này tường thuật lại những điều mình thấy, một vị thường đi xuống dạo ở long cung để hưỡng những cảnh vui ở cõi rồng thì mô tả những cảnh rồng thật là xin đẹp. Người thường đi tới những lâu đài của loài chim thần chim Sí Điểu lại mô tả những cảnh thù diệu ở cõi đó. Người đi đến thiên cung Đạo Lợi lại mô tả những cảnh thù diệu cõi thiên cung Đạo Lợi, một vị nữa thì thường mô tả sự an lạc của Đức Vua. Nghe được như vậy cho nên những gia chủ này mới tạo những việc phước và ước nguyện sau khi thân hoại mệnh chung sẽ tái sanh về cảnh giới mà thầy của mình đã mô tả, và chẳng những được thầy của mình mô tả mà có những lần thì những vị ẩn sĩ này dùng thần lực riêng của mình để đưa người đệ tử của mình ngắm nhìn những cảnh đẹp đó, và do mảnh lực của những sắc đẹp thù diệu đó quyến rủ cho tâm tham mặc dù làm những việc phước nhưng tái sinh vào những cảnh giới tốt đẹp đó, cho nên khi mệnh chung cả bốn gia chủ tùy theo hạnh nguyện hay ước nguyện của mình. Và do cộng với phước của mình đã tạo nên một gia chủ tái sinh làm rồng chúa ở cõi rồng, một vị thì đã tái sinh làm Kim Sí Điểu Vương tức là một loài chim thần rất đặc biệt, một vị tái sinh làm vua trời Đế Thích, một vị tái sinh làm Đức Vua ở kinh thành và Bồ Tát chúng ta tái sinh làm dân kinh thành đó. Với sự thông minh tài trí cho nên Bồ Tát chúng ta được Đức Vua đó mời làm vị cố vấn đại thần tương tự giống như chức vụ quân sư của người Trung Hoa vậy, những ý kiến của vị cố vấn đại thần này luôn luôn được Đức Vua tôn trọng, bởi vì quân sư có nghĩa là thầy của vua. Một ngày nọ vào ngày Bát Quan Trai Giới, do thói quen ở quá khứ những gia chủ ngày xưa cũng thường vào ngày lễ Bố Tát thọ trì quan trai giới thì đức vua cảm thấy khó chịu vì các cung nữ luôn luôn vây quanh cho nên đức vua đến vườn thượng uyển tìm nơi thanh vắng để thọ trì giới hạnh của mình. Và tình cờ thì vua trời Đế Thích trong ngày Bát Quan Trai giới cũng cảm thấy cần nơi yên tịnh nên đi vào vườn ngự uyển của Đức Vua. Tương tựa như vậy thì một vị cõi rồng cũng vào ngày Bát Quan Trai Giới thọ Bát Quan Trai Giới rồi cũng thấy là những long nữ những long hậu quấy rối mình, cảm thấy mình không được an tịnh nên cũng đi tìm một nơi thanh vắng và hội ngộ ở vườn ngự uyển. Chúa của loài chim thần kim sí vào ngày đó cũng thọ trì Bát Quan Trai Giới cũng bị quấy nhiễu bởi đoàn chim thần mái thấy không được yên tịnh lại hội ngộ ngay tại đó. Thì bấy giờ cả bốn vị họp nhau hỏi giới của ai cao thượng nhất. Đức Vua mới nói là giới của tôi thì cao thượng hơn các Ngài bởi vì tôi có hàng ngàn vương phi nhưng tôi từ khước dục lạc đó để sống đời sống phạm hạnh trong trọn ngày nay, thì tôi cảm thấy giới của tôi cao thượng nhất. Vua trời Đế Thích nói là giới ta cao thượng hơn bởi vì ta sống ở giữa những nàng thiên nữ rất sinh đẹp mà ta từ khướt dục lạc của thiên giới đã đi về cõi nhân giới để thọ trì giới hạnh thì giới hạnh của ta tốt đẹp hơn. Long Vương nói rằng giới hạnh của tôi mới thật sự tốt đẹp, các Ngài mới chỉ từ khướt dục lạc thôi nhưng mà riêng cá nhân tôi từ khướt được sự sợ hãi bởi vì loài rồng chúng tôi rất căm ghét kim sí điểu bởi vì kim sí điều thường thường bắt loài rồng chúng tôi để ăn thịt, sự hận thù của loài rồng đối với kim sí điểu dường như nó là mối thù truyền kiếp nhưng khi tôi đối diện với kim sí điểu vương tôi không hề sợ sệt và tôi từ bỏ cái hận thù thì xem ra giới của tôi được trong sạch nhất. Ngược lại chim thần kim sí điểu trả lời là giới của tôi mới là trong sạch nhất bởi vì thường thường khi gặp loài rồng là món vật thực của chúng tôi, chúng tôi ăn những con rồng đó rất là ngon nhưng hôm nay tôi từ khướt được sự thèm khát của món ăn khoái khẩu này và tôi xem chúa rồng này cũng giống như người bạn, tôi không hành hạ, tôi không gây thương tổn đến loài rồng này vậy thì tôi thấy giới hạnh của tôi mới là cao thượng nhất. Cả bốn vị đều tự xưng mình có hạnh cao tột nhất không ai nhường ai. Bấy giờ Đức Vua nói là ta có một bậc hiền trí tên là Vidhura, vị này hiểu được các pháp và có trí tuệ, vị này không bao giờ nói sai lệch, chúng ta hãy mời vị hiền trí Vidhura tới để giải quyết. Thì Ngài Vidhura tới mới trả lời rằng "cả bốn vị giới hạnh đều tốt đẹp" bốn vị đại vương đều hân hoan với lời phát biểu đó vì xét ở khía cạnh nào đó thì luôn áp chế được tham dục, áp chế được sân hận và hiểu rõ được giới hạnh đó là bằng trí tuệ. Một người vô tham tức là không còn tham đắm, một người từ bỏ hận thù tức là vô sân, một người hiểu rõ được trí tuệ thì ở một góc độ nào đó lấy cái này bù đắp cái kia thì cả bốn đều tốt đẹp như nhau. Điều này nằm trong kinh Bổn Sanh nói về vị Bồ Tát Vidhura tu hành chơn thật như ở đây chúng tôi dẫn ra một đoạn nhỏ của câu chuyện này để nói rằng khi chúng ta thấy những điều kỳ diệu và thông thường thì chúng ta ưa thích nhưng đó không phải là thấy cao thượng. Vậy thì thế nào là thấy cao thượng? Thấy cao thượng ở đây Đức Phật Ngài dạy là thấy được thánh nhân, đó là sự thấy cao thượng. Nhưng thông thường thì thánh nhân thật tình mà nói chúng ta có duyên may gặp thánh nhân đi nữa thì chúng ta cũng không biết được rằng vị này là thánh hay không phải là thánh mà chúng ta sẽ nghĩ rằng đây là vị samon bình thường. Bởi vì Đức Phật Ngài dạy rằng với người không phải là bậc chân nhân thì không thể nào biết được bậc chân nhân, nhưng người chân nhân thì có thể biết đây là bậc chân nhân hoặc đây không phải là bậc chân nhân. Một lần nọ Đức Thế Tôn Ngài trả lời với vị đại thần Vassakara, là vị phục vụ cho hai chiều vua là vua Bình Sa Vương và vua A Xà Thế, cũng chính ông đại thần Vassakara đã giúp vua A Xà Thế thôn tính xứ Vajjis rất dễ dàng và tự hào với tài trí của mình cho nên đại thần Vassakara hỏi Đức Thế Tôn là "Bạch Đức Thế Tôn, một người không trí có thể biết được người không trí chăng" Đức Thế Tôn mới dạy rằng: "Này đại thần Vassakara, điều này không thể xảy ra." "Bạch Đức Thế Tôn, một người không có trí có thể biết được người có trí không?" "Này đại thần Vassakara, điều này không thể xảy ra." Đức Thế Tôn khẳng định là người không có trí thì không thể biết được người không có trí lẫn người có trí. Vì sao vậy? Vì khi biết người này không trí thì ngay lúc đó mình đã có trí, mà biết được người này có trí thì lúc đó mình đã có trí. Nhưng người không có trí thì không thể biết được người khác có trí hay không có trí. Đây là một điều mà chúng ta phải suy ngẫm. Vị đại thần Vassakara hỏi tiếp. "Bạch Đức Thế Tôn, người có trí có thể biết người không có trí chăng?" Đức Thế Tôn dạy rằng: "Này đại thần Vassakara, điều này có thể xảy ra." Tức là Đức Thế Tôn dạy rằng; "người có trí có thể hiểu biết người không có trí, và người có trí có thể hiểu biết người này có trí". Điều này cho chúng ta biết rằng mặc dầu đôi khi gặp bậc thánh nhưng với hình tướng samon chúng ta cũng chỉ nghĩ là một vị samon bình thường mà thôi và không thể nghĩ rằng đây là vị đã có một ân đức cao trọng. Chúng tôi dẫn chứng trong kinh điển qua một sớ giải ghi tương truyền rằng có một vị mà trong một tiền kiếp là người vận động những người khác cùng ông bỏ tiền ra để làm bảo tháp thờ xá lợi Đức Phật Ca Diếp nhưng do một lời nói bất cẩn cho nên vị này vào Đức Phật tái sinh làm người có giọng nói rất du dương êm dịu, người nghe phát sinh cảm mến, nhưng Ngài là một người lùn cho nên có tên là Lakumlaka. Khi mới xuất gia là sadi, thì bấy giờ có ba mươi tỳ khưu đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và nhận thấy duyên lành của ba mươi vị tỳ khưu này thì bấy giờ Ngài Lakumlaka là thị giả đang phục vụ cho Đức Thế Tôn và Ngài sadi Lakumlaka mang những vật dụng của Đức Thế Tôn ra ngoài thì Đức Thế Tôn mới hỏi ba mươi vị tỳ khưu "Này các thầy tỳ khưu, các vị có thấy một vị trưởng lão mới vừa đi ra không?" " Bạch Thế Tôn, con không thấy vị trưởng lão nào cả." "Vậy này các thầy tỳ khưu, các thầy đã nhìn thấy ai." "Bạch Đức Thế Tôn, con nhìn thấy một vị sadi lùn mang những vật dụng của Đức Thế Tôn ra ngoài." Đức Thế Tôn mới dạy rằng: "Này các tỳ khưu, Như Lai không gọi người có hình tướng bên ngoài là trưởng lão mà Như Lai gọi những vị là trưởng lão đó là những người đã thành tựu được những ân đức cao thượng của Pháp." Tiếp theo thì Ngài nói lên câu kệ ngôn trong phẩm balamon và nghe xong câu kệ ngôn này thì ba mươi vị tỳ khưu đã chứng đạo quả. Như vậy, thì hình tướng bên ngoài không nói lên một điều gì, mà là do nội tâm ở bên trong của vị đó có đầy đủ hoặc là có ẩn chứa những ân đức cao thượng hay không. Đó là vấn đề. Nhưng thường thường nhìn bên ngoài thì chúng ta không thể thấy được. Cho nên khi Đức Phật Ngài dạy là "thấy được bậc thánh là cái thấy cao thượng" thì cho chúng ta một hiểu ngầm như vầy; là bề ngoài chúng ta thấy vị samon bình thường nhưng hãy xem thân hành của vị đó không thô tháo và đồng thời không rơi vào những ác nghiệp như là sát sanh, lấy của không cho, hoặc là những tà hạnh trong việc làm, vị đó lánh xa những ác nghiệp về thân, xem ngữ hành của vị đó không rơi vào các ác thiện pháp, từ bỏ ác nghiệp về ngữ, thì ở một góc độ nào chúng ta có thể hình dung được đó là những bậc cao thượng dầu rằng chưa biết vị đó thuộc dạng nào. Bởi vì muốn biết bậc thánh thì chúng ta phải là bậc thánh mới biết được, nếu chúng ta chưa thành tựu bậc thánh thì rất là khó. Thậm chí ngay cả những bậc chứng đắc thiền định chúng ta chưa phải là người kinh qua được những giai đoạn chứng đắc thiền thì chúng ta chỉ nhìn hình ảnh bên ngoài rồi cho là vị này tu thiền có khả năng chứng đắc thiền, cái đó chưa hẳn là chính xác 100% nó cũng có thể là do một ảo tưởng nào hoặc là một cái ý nghĩ nào đó mà thôi. Như trường hợp chúng ta thấy trong kinh điển, trong thời Đức Phật có những tôn chủ dị giáo họ với những sở hành rất kỳ lạ, hoặc loả thể đi ngoài đường, hoặc đắp y bằng vỏ cây hoặc thực hành mỗi ngày tắm dưới nước sông Hằng ba lần. Vào thời điểm Đức Phật, một số người lại cho đây là những bậc thánh cực kỳ khổ hạnh. Bây giờ chúng ta hiểu biết rằng đó là một điều sai lạc nhưng mà thời đó thì chưa chắc hiểu biết đó là điều sai lạc, nhưng với một cái nét bên ngoài như vậy những người đương thời cứ cho đó là những bậc thánh. Cho nên khi gặp được bậc thánh không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta y cứ vào những điều Đức Phật dạy qua pháp học; thân người này không rơi vào ác hạnh, từ bỏ ác hạnh. Ngữ của người này đã từ bỏ ác ngữ và không rơi vào ác ngữ. Với thời gian cộng trú thì chúng ta có thể hiểu biết được ý của người này thanh tịnh hay không thanh tịnh, nó đòi hỏi thời gian cộng trú rất lâu mới có thể nắm bắt được. Đức Phật Ngài dạy rằng thấy được bậc thánh là một điều cao thượng, trước tiên với niềm tin vào ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, và với những biểu tượng cũng giống như là môn đệ của Đức Thế Tôn. Như trong thời hiện tại của chúng ta, chúng ta y cứ vào giới, tức là thân và ngữ, thì chúng ta cũng có phần nào loại trừ một số tư tưởng sai lầm, nhưng mà như vậy thì chúng ta có tỏ một sự cung kỉnh thì cũng là có hạnh phúc rồi. Cho nên trong bài kinh Cúng Dường Phân Biệt Đức Phật Ngài dạy rằng: Nếu cho một loài súc sanh 100 lần thì chỉ bằng một lần cho một người ác giới. Điều này tại sao vậy? Xin thưa với những người Phật tử chúng ta luôn cả những vị chư tăng và qúi sư cô, cái giới mà người Phật tử chúng ta thọ trì năm giới, giới đó hình dung như là thường giới bởi vì những vị đạo sĩ vẫn thọ được năm giới đó hoặc là những người không phải là Phật giáo cũng có thể thọ trì được năm giới đó, như ngày xưa khi chưa có giáo pháp Đức Phật xuất hiện thì những samon balamon khác vẫn thọ trì năm giới tức là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dục lạc, từ bỏ nói dối, hoặc từ bỏ những chất men say, đó là thường giới. Nhưng sự khác biệt ở đây cho chúng ta thấy là sở dĩ mà cho riêng người có giới ngoài Phật giáo 100 lần hay 10 lần chỉ bằng người có giới trong Phật giáo một lần là bởi vì người có giới trong Phật giáo còn được cái rất đặc biệt mà ở ngoại giáo không hề có đó chính là ba ân đức Phật, Pháp, Tăng. Dù sao nữa những người Phật tử chúng ta luôn luôn có niềm tin nơi ân đức Phật, Pháp, Tăng. Nói một cách khác có thể là vì những người Phật tử chúng ta có được tam qui mà chính tam qui đó là một chất liệu làm tăng trưởng phước báu của năm giới mà người ta gọi thường giới, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai nữa khi chúng ta thọ trì năm giới đó mặc dù hình thức là thường giới nhưng nó lại xuất phát từ lời dạy của Đức Phật, đó là chúng ta thọ trì năm giới đó từ nơi Tam Bảo chứ không phải là từ nơi nào khác. Do mãnh lực đó làm tăng trưởng phước của chúng ta. Điều này nằm trong bài kinh Cúng Dường Phân Biệt kinh của Trung Bộ Kinh, từ đó chúng ta thấy rằng: Nếu mà đảnh lễ những con thú những con linh vật 100 lần như vậy đó không bằng đảnh lễ một người ác giới. Bởi vì Đức Phật chỉ nói rằng bố thí không thôi nhưng chúng ta phải hiểu rộng rãi vấn đề, tất cả những việc lành nào đó sẽ tùy theo cấp bậc. Thí dụ như người Phật tử đảnh lễ những con rồng những con phượng hay những con linh thú như sư tử hoặc kỳ lân v.v.... có nhiều người van vái cầu khẩn những con linh vật đó nhưng mà không biết rằng cho dù là 100 lần lạy con linh vật đó không bằng một lần lạy một người ác giới. Tương tự như vậy. Cho nên nếu chúng ta thấy hình bóng của vị samon chưa biết rằng vị đó có giữ giới hay không giữ giới nhưng mà với phẩm phục này với hình thức ly trần của nhà Phật dù ít hay nhiều gì chăng nữa trong lúc xuất gia thì người này cũng có khuynh hướng là ly trần để rồi tùy theo duyên nghiệp có ly được hay không ly được đó là chuyện cá nhân của từng người. Nhưng ngay lúc xuất gia luôn luôn có mãnh lực ly trần. Cũng giống như người Phật tử chúng ta khi được xin qui y có sự hiểu biết thì ít ra ngay lúc đó chúng ta cũng muốn trở thành những vị thánh, sở dĩ mà chúng ta qui y ngay lúc đó chúng ta hi vọng rằng hoặc là chúng ta ước muốn rằng sau buổi qui y này xong mình sẽ gieo duyên lành để trở thành vị thánh, một khi đã trở thành vị thánh chính là mãnh lực ly trần thì nói chi đến bậc xuất gia ngay cả giây phút mà dám từ khướt đi những cái gì thuộc về thế gian để khoát lên mình một phẩm phục của sự ly trần, dám từ bỏ mái tóc đẹp cạo bỏ đi thì lúc đó cũng ao ước được trở thành một vị thánh thiện một hiền nhân rồi theo giòng thời gian tùy theo nghiệp duyên mà nó biến chuyển thì đó là chuyện về sau này, nhưng mà chúng tôi muốn nói ngay thời điểm đó nó tốt đẹp vô cùng, rất là tốt đẹp, cho nên chúng ta giữ được niềm tin đó và tốt nhất khi gặp những gì mà có phẩm phục samon thì chúng ta đừng có nghĩ rằng là vị A, vị C và không nghĩ vị này là Hoà Thượng, không nghĩ vị này là Thượng Toạ, không nghĩ vị này là Đại Đức mà nghĩ đây là sứ giả của Như Lai hoặc đây là hình bóng của những người con Phật thật sự là con Phật. Cho dù rằng như thế nào đi nữa thì chúng ta hướng tâm tới một góc độ là ân đức Phật Pháp Tăng, tâm trí chúng ta hướng về nơi đó thì lúc đó chúng ta gặp được thánh nhân mặc dù rằng cái hiện thể thánh nhân này chưa biết có phải là thánh nhân hay không nhưng bấy giờ tâm hướng của chúng ta sẽ hướng về thứ đó. Chúng tôi điển hình cho qúi vị nghe, kim thân Phật chúng ta thường đảnh lễ ở trong chùa, hay chúng ta thường đảnh lễ tại nhà, những kim thân Phật đó chưa hẳn là Đức Phật, vì Đức Phật Ngài không phải là như vậy, bản chất của Đức Phật không phải là bằng đá, bằng cát, bằng sỏi, bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng giấy. Không phải. Nhưng tại sao chúng ta đảnh lễ? Bởi vì khi chúng ta đảnh lễ là chúng ta hướng tâm về ân đức Phật, ân đức bi, ân đức tuệ, chúng ta hướng tâm về ấn đức pháp, thoát ly ra khỏi triền phược, thoát ly ra khỏi những trói buột, thoát ly ra khỏi những ô nhiễm. Chúng ta đảnh lễ đó là chúng ta hướng tâm tới những đạo quả, sơ quả, nhị quả, tam quả hay tứ quả, để thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi, mà cái đảnh lễ đó có phước rất lớn. Người ta có thể phá bỏ tượng Phật này xây dựng một tượng Phật khác, người ta có thể không sử dụng pho tượng Phật bằng đá, người ta có thể có tượng Phật bằng gỗ trầm hương, người ta có thể dẹp bỏ đi cái tượng Phật bằng gỗ trầm hương để có một tượng Phật bằng ngọc bích, người ta dẹp bỏ pho tượng bằng ngọc bích này để thành lập pho tượng ngọc bích khác v.v.... Tức là nói cách khác người ta có thể bỏ một kim thân Phật bằng giấy để có kim thân Phật bằng gỗ, người ta có thể thay đổi được nhưng ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng không bao giờ thay đổi, dù bằng hình thức nào, dù kim thân Phật bằng giấy, dù kim thân Phật bằng gỗ, hoặc kim thân Phật bằng đá, hay kim thân Phật bằng ngọc đi chăng nữa thì ân đức Phật đó không bao giờ dựa vào cái vật thể hay là cái chất để làm nên kim thân Phật mà thay đổi. Một khi chúng ta hướng tâm như vậy thì phước của chúng ta lớn do sự tín tâm đó hướng dẫn chúng ta xuyên suốt cả đoạn đường dài dằn dặt để đi tới nơi cứu cánh vô sinh bất tử. Như thế nào cũng vậy, thì khi Đức Phật Ngài dạy rằng cái thấy cao thượng là cái thấy bậc thánh. Bậc thánh bên ngoài mà chúng ta mới vừa tìm hiểu với trí tuệ của một phàm nhân chúng ta không thể nào xác định được đây có phải là vị thánh hay không phải là vị thánh. Nhưng Đức Phật Ngài dạy rằng cái thấy cao thượng là cái thấy bậc thánh là Ngài muốn ám chỉ tự tìm trong tự tánh của chúng ta một cái thánh thiện nhất, tìm từ trong nội tâm của chúng ta sự thánh thiện nhất, tìm thấy trước tiên một cái thánh thiện trong nội tâm của chúng ta, một cái không ô nhiễm trong nội tâm của chúng ta, một cái không có tham lam, không có sân hận, không có si mê ở trong nội tâm của chúng ta. Đây là việc đầu tiên, nói cách khác là mình tìm thấy sự thánh thiện qua những phát hiện của mình ở trong nội tâm. Điểm thứ hai, thấy như vậy chưa đủ, nó chỉ là một tiền đề rồi mình sẽ dẫn xuất làm cách nào đó để tâm tư chúng ta diệt đi những trói buột, dập tắt và vượt khỏi những chướng ngại. Đây là điểm thứ hai. Không bị những cám dỗ của cuộc đời, không bị những cái gì của cuộc đời làm ô nhiễm tâm, mặc dầu thân ở trong cuộc đời nhưng tâm đã muốn lià bỏ cuộc đời "cư trần bất nhiễm trần, nhập thế nhưng không lụy thế", xuống nước, đồng ý xuống nước là bị ướt nhưng đừng bao giờ để bị thấm lạnh, cuộc đời này như là bãi nước, cuộc đời này giống như là một giòng sông mà chúng ta phải du nhập suốt cuộc đời, chúng ta du nhập suốt giòng sông đó, phải chấp nhận ướt. Không ai nói rằng tôi xuống nước mà người tôi khô. Nhưng xuống nước có người run lập cập để rồi bị giòng nước cuốn trôi nhưng có người thì vẫn mạnh khỏe và người đó có thể vượt qua giòng nước xoáy, hạng người này là hạng người tốt qúi, chứ không phải là xuống nước rồi mặc cho giòng nước trôi thì người này thất bại vô cùng, xuống nước chấp nhận ướt nhưng mà đừng để lạnh, chấp nhận ướt nhưng đừng để nước cuốn trôi và vượt qua những giòng nước xoáy đó. Đó là điều mà cần nói tới và như vậy thì bước thứ hai, gọi là bậc thánh là người có nghị lực vượt qua những chướng ngại để đi tới mục tiêu mà người đó muốn. Bước thứ ba là thẩm thấu được để diệt trừ đi những ô nhiễm, một ô nhiễm nào đó sinh ra thì bị diệt trừ đi, trước đây sân nhiều bây giờ làm sao đừng có sân, trước đây tham đắm nhiều bây giờ làm sao bớt thăm đắm để có an nhiên tự tại. Được tròn, đó là chuyện của thế gian không phải là của bậc thánh. Thế gian này luôn luôn bị mãnh lực vô thường, bậc thánh nhìn thấy mãnh lực vô thường. Còn, mất, được, thua, thắng, bại, tất cả thứ đó là của thế gian không phải là của bậc thánh, mà chúng ta tìm được bậc thánh đó có nghĩa là đối với cuộc thế này thăng trầm biến đổi, mình an nhiên tự tại, được cũng không vì đó mà vui, mất cũng không vì đó mà buồn phiền không vì đó đau khổ, vượt được những điểm đó là gần bước thân cận tới bậc thánh để rồi cuối cùng mình thâm nhập giòng trời của bậc thánh để thành tựu bậc thánh tức là muốn nói tới bậc tự mình chứng đắc được sơ quả, tức là dự lưu quả v.v.... như vậy Đức Phật Ngài dạy rằng cái thấy cao thượng đây là cái thấy của bậc thánh muốn ám chỉ trong nội tâm của chúng ta chứ bậc thánh ở bên ngoài chúng ta thấy nhiều khi không biết, nhưng bậc thánh trong nội tâm chúng ta thấy được chúng ta biết liền, tâm chúng ta có tham chúng ta biết có tham, tâm không tham biết tâm không tham, tâm có sân biết rõ là tâm có sân, tâm không sân biết rõ là tâm không sân chứ bậc thánh bên ngoài đôi khi chúng ta không biết. Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài buddhaghosa giải thích có một vị trưởng lão cùng đi với một vị tỳ khưu học trò, bất ngờ Ngài bị chứng bị đau bụng trên đường đi bát khất thực, thì đi tới nhà người Phật tử đầu tiên thì người Phật tử này biết rằng buổi sáng các Ngài mới vừa từ tự viện đi tới đây cho nên người Phật tử này mới cúng dường vị trưởng lão một bát cháo nóng và vị trưởng lão mới nghĩ rằng đây là bát cháo nóng rất lợi ích đối với chứng bịnh ta đang có bởi vì Ngài đang mang chứng bịnh đau bụng và ngay lập tức Ngài bảo người hộ độ đó: "Này gia chủ hãy cho sư mượn một cái ghế" Và người gia chủ mang cái ghế ra Ngài ngồi trên ghế cháo còn đang nóng Ngài uống vội vào để nó tiêu trừ đi chứng bịnh đau bụng gió của Ngài thì bây giờ một vị tỳ khưu học trò của Ngài đi theo Ngài mới suy ngẫm: "vị trưởng lão này thật tình mà nói tại sao Ngài không áp chế được cơn đói mà Ngài dùng một cách thô tháo như vậy không hợp lý chút nào với thân phận trưởng lão của mình." Thì người trưởng lão biết được tư tưởng của người học trò của mình, Ngài thản nhiên đứng dạy trả cái bát cho gia chủ rồi tiếp tục đi bát, khi trở về tự viện thì vị trưởng lão hỏi vị tỳ khưu đệ tử: "Này hiền giả, hiền giả có cái chân đứng ở trong giáo pháp này chưa" "Bạch Ngài, con là bậc dự lưu ở trong giáo pháp này." Vị trưởng lão mới nói rằng: Vậy thì này hiền giả, ông sẽ phải đứng ở chỗ đó luôn và chướng ngại của ông sẽ khởi lên rất nhiều bởi vì hồi sáng tư tưởng của ông đã xúc phạm đến vị vô nhiễm." Nghe vậy vị tỳ khưu kinh hoàng: "ý nghĩ của ta hồi sáng như vậy mà thầy ta cũng biết được thì vị này không phải là tầm thường." Cho nên xin sám hối với vị trưởng lão và vị trưởng lão tha thứ, tha thứ là tha thứ, chướng ngại vẫn có chướng ngại và vị đó phải lỗ lực cuối cùng vượt qua được chướng ngại và thành tựu được bậc thánh về sau. Nhưng trong quá trình thực hành pháp vị đó bị nhiều chướng ngại sanh khởi, cho nên từ chỗ này cho chúng ta thấy sám hối không phải là hết tội mà nó làm giảm thiểu phần nào, và chướng ngại đó vẫn còn, tựa như người lỡ đạp phẩn sau đó rửa cho sạch và người đó nghĩ là hết phẩn, nhưng thật ra mùi phẩn vẫn còn vương vấn ở đó một ít, cũng vậy, sám hối không có nghĩa là xóa bảo mà nó lại tạo một chướng ngại. Cho nên Đức Phật Ngài dạy chúng ta thấy cao thượng là thấy được bản tâm của mình thấy được nội tâm của mình, thấy được sự sinh diệt, và thấy được sự không ô nhiễm trong nội tâm và cuối cùng chấm dứt những ô nhiễm, đó là cái thấy cao thượng. Một khi trở thành bậc thánh, trở thành bậc cao thượng và thấy rõ những đạo quả, những ô nhiễm bị diệt đó là cái thấy cao thượng nhất. Đó là chi pháp thứ nhất. 2. Chi pháp thứ hai là hành cao thượng. Trước tiên chúng ta thực hành như thế nào được gọi là cao thượng. Thì một câu trả lời theo như ý kinh mà không thể bắt bỏ được đó là thực hành giới định tuệ, thực hành những lý duyên khởi, thực hành đời sống đạo đức v.v... Dĩ nhiên với những câu trả lời này thì không có gì bắt bẻ vì thật sự làm như vậy nhưng ở đây chúng tôi muốn nói thêm thực hành giới định tuệ để làm gì? Thực hành những pháp thiện bố thí trì giới cung kỉnh phục vụ v.v... để làm gì? để hưởng những quả hữu vi để kiếp sau được làm vua, để kiếp sau được làm một giai nhân tuyệt sắc, để kiếp sau thọ hưởng cảnh trời, để kiếp sau trở thành những vị Phạm Thiên v.v... thì cách thực hành đó chưa hẳn đã gọi là cao thượng cho dầu cách thực hành nằm ở trong mô thức giới định tuệ. Cũng tựa hồ giống người đi tìm vàng sau khi gặp được vàng rồi không biết dùng vàng để làm cái gì? mang những thỏi vàng đó về treo lủng lẳng trong nhà chơi, nó không mang đến một lợi ích gì. Như thế nào cũng vậy, khi trả lời rằng con thực hành giới định, con thực hành những thiện pháp, chúng tôi không dám bác bỏ những câu trả lời của qúi vị, nhưng phải nói thêm rằng thực hành những thiện pháp để làm gì, thực hành giới định tuệ để làm gì, đó mới là điều đáng nói. Giống như chúng ta tựa như người đi tìm bảo vật gặp được những bảo vật rồi, có những bảo vật đó để làm gì? Cũng giống như một kiếm khách đi tìm thanh bảo kiếm, có được thanh bảo kiếm để ngắm nghĩa hay để làm gì? Cái vấn đề còn nằm ở chỗ đó. Chúng ta đi tìm những quyển sách qúi, tìm được rồi đem lên trang thờ để trong một phòng như vật gia bảo thì tìm quyển sách qúi đó nó không có tác dụng gì. Chẳng qua người có những quyển sách qúi mà người khác không có nhưng bản thân quyển sách qúi đó không giúp đỡ gì người có nó. Quyển sách qúi phải biết đọc, phải biết nắm lấy những lợi ích của quyển sách qúi đó để đem tới một cái gì tốt đẹp, qúi vị thử nghĩ một người thầy thuốc có một quyển sách trong đó liệt kê tất cả những môn thuốc hoặc những vị thuốc để trừ đi những cái bịnh nan y chẳng hạn, tìm được quyển sách đó đem về thờ thì quyển sách đó không có tác dụng, mà những người biết được quyển sách qúi và phải tìm quyển sách qúi đó, phải học quyển sách qúi đó để rồi bào chế loại thuốc dược chất tốt đẹp để trị những chứng bịnh nan y của những người khác hay của chính mình, bấy giờ mới là thực hành đúng, mới gọi là tốt đẹp nhất. Như thế nào cũng vậy, chúng ta thực hành những thiện pháp, chúng ta thực hành giới định tuệ, chúng ta thực hành quán lý thập nhị duyên khởi để thoát ly ra khỏi sinh tử luân hồi, nếu chúng ta không có một tác ý như vậy thì dù thực hành giới định tuệ ở mức độ gần như là trọn vẹn nó cũng chẳng có tác dụng lợi ích, bởi vì sao, bởi vì mình không có tác ý thoát ra khỏi sự sinh tử luân hồi. Vấn đề còn lại chính Đức Phật Ngài dạy rằng: Tất cả các Pháp lấy dục làm căn bản. Cho nên ý chúng tôi muốn nói rằng hành cao thượng ở đây khi hỏi qúi vị sẽ trả lời con thực hành những thiện pháp, con lánh xa các ác pháp, con không làm tất cả các việc ác dù nhỏ, mà con làm tất cả các việc thiện dù nhỏ. Xin thưa, chúng tôi không thể bác bỏ cái gì, nhưng điều qúi vị muốn nói là từ bỏ các việc ác nhỏ không làm, những việc thiện nhỏ không hề bỏ để làm gì? Cho nên hành cao thượng ở đây Đức Phật Ngài dạy: chúng ta thực hành đường lối tốt đẹp với mục đích là chứng đắc được đạo quả thoát ly khỏi sinh tử luân hồi. Nó cũng từa tựa như một người có cây cung tốt, có sức mạnh, có dây căng của cây cung tốt và mũi tên bén, người đó đưa cung lên rồi kéo dây cung ra, nhưng để làm gì, nếu như không có mục tiêu hay là nhắm mục tiêu sai lệch, thì sự kéo cung đó với sức mạnh đó, một cây cung tốt một mũi tên bén nhưng nó không mang tới một tác dụng lớn, mà người đó phải nhắm vào mục tiêu nào đó để bắn mũi tên, để cắt đứt những cái gì bị trói buột, và nhắm đúng mục tiêu đó, trúng vào mục tiêu mà mình muốn bắn vào thì người cung thủ đó được tán thán là đệ nhất về cung thủ là tay thiện xạ tài giỏi. Như thế nào cũng vậy, chúng ta thực hành giới định tuệ với mục đích phải thoát ly khỏi sinh tử luân hồi. Như vậy thực hành cao thượng ở đây, Đức Phật Ngài dạy rằng: ngoài những mảnh lực tránh xa các việc ác thực hiện những việc lành thực hành giới định tuệ thực hành tuệ quán với mục đích là cắt đứt đi phiền não với mục đích tận diệt phiền não với mục đích diệt trừ mọi ô nhiễm để chứng đạt Niết-bàn, cái hành đó mới gọi là cao thượng. Dĩ nhiên Phật tử chúng ta thực hành giới. Ngày Uposatha là ngày Bố Tát, Phật tử cũng thọ trì Bát Quan Trai Giới, nhưng khi thọ trì Bát Quan Trai Giới thì ao ước rằng: với giới hạnh này xin cho con có được một người chồng sang giàu, một người chồng tốt đẹp, một người chồng chung thủy. Bà mẹ thì thọ trì Bát Quan Trai Giới với sự mong ước rằng: do giới hạnh này để có được những đứa con ngoan, những đứa con thảo, những đứa con có hiếu. Điều này nằm trong chú giải kinh Pháp Cú. Một lần nọ bà Visakha hỏi những người nữ tùy tùng của mình: "Các bà các cô thọ trì Bát Quan Trai Giới để làm gì?" Họ trả lời: để cho tôi có được người chồng xứng đôi vừa lứa, có giai cấp tương xứng, môn đăng hộ đối. Hỏi những người trung niên thì họ mong có những người con xinh đẹp như kim đồng ngọc nữ vừa hiền thiện vừa thông minh vừa hiếu thảo. Không giống như những người già thực hành Bát Quan Trai Giới để mong mỏi tái sanh lên nơi cao sang tốt đẹp. Thì thực hành giới cũng là một điều tốt, tránh xa điều tội lỗi cũng là điều tốt. Nhưng điều đó không phải là hành cao thượng mà hành để bị trói buột. Cái gì trói buột? Chính là cái dục lạc thế gian trói buột, mà những dục lạc thế gian luôn thay đổi nó không phải là mãi mãi là như vậy. Có những lúc là Phạm Thiên tái sanh xuống làm người nhân loại, cũng có những lúc làm người nhân loại tái sanh xuống làm những con thú mặc dù là vua của loài thú, như Bồ Tát chúng ta có những lúc tái sanh làm chúa đàn voi, có những lúc làm chúa đàn kên kên v.v... nhưng cái đó không phải là mục tiêu mà thực hành những thiện pháp, thực hành những giới định tuệ, thực hành tuệ quán để giải thoát ra khỏi luân hồi. Trí tuệ thực hành được thiền định, thực hành được sơ định, tam định, tứ định chứ không phải ở trong định lực chỗ đó để mà thụ hưởng. Đức Phật Ngài dạy các vị tỳ khưu khi thực hành được sơ định, nhị định, tam định, tứ định tới mức độ đầy đủ rồi triển tuệ quán để chứng được thiên nhãn, thiên nhỉ, thần túc, tha tâm, túc mạng thông, nhưng tới đó chưa hết, từ tuệ quán dẫn xuất để chấm dứt những ô nhiễm để trở thành bậc lậu tận, tất cả những ô nhiễm bị diệt trừ bấy giờ vị đó mới hân hoan nói lên rằng ba minh ta đạt được lời Phật dạy, từ nay ta không còn việc gì để làm nữa hết, mục tiêu của cứu cánh mà Đức Phật Ngài dạy giảng pháp cho chúng ta thực hành mục đích của Ngài là muốn tế độ chúng ta ra khỏi những giòng khổ cảnh, phẩm vị cao nhất là không còn bị nạn sinh tử luân hồi chi phối, đó là mục tiêu của Đức Phật. Sở dĩ Ngài 45 năm hoằng dương giáo pháp, thậm chí lúc Ngài sắp sửa trở về với định luật vô thường mệt nhọc mà phải vượt đoạn đường dài khoảng 12 cây số phải nghỉ 25 lần do bịnh kiết lị với mục đích tế độ người Phật tử cuối cùng là Subhadda để thoát ly khỏi giòng sinh tử luân hồi, mục tiêu của Đức Phật dạy pháp cho chúng ta là lìa bỏ khổ nạn sinh tử luân hồi để thoát ly ra bốn cõi khổ đã đành nhưng phải chấm dứt luân hồi ô nhiễm. Hành cao thượng là hành như vậy, hành với mục tiêu với một tác ý là hoà nhập vào cảnh giới bất tử đi vào cảnh giới bất tử không bị sanh tử luân hồi chi phối nữa, hành đó là hành cao thượng, nếu chỉ hành thiện pháp, hành giới định tuệ hành, hành tuệ quán, hành thập nhị duyên khởi mà chưa có yếu tố này thì cái hành đó chỉ tốt ở bậc trung chứ chưa phải cao thượng tột cùng. 3. Chi pháp thứ ba Đức Phật dạy rằng: Chi pháp cao thượng cuối cùng đó là giải thoát cao thượng (vibhàveti anuttariya), giải pháp này giúp chúng ta rất nhiều. Không phải giải thoát nào cũng là giải thoát cao thượng hết. Một người nuôi dưỡng tâm từ bi ngay lúc đó giải thoát được tâm sân, người nào nuôi dưỡng tâm hoan hỉ thì ngay lúc đó giải thoát được tâm ganh tỵ, hoan hỉ với hạnh phúc người khác thì không có tâm ganh tỵ lúc đó giải thoát khỏi tâm ganh tỵ , người nào giữ được năm giới người đó giải thoát được tâm sân tạm thời, người nào nói lời chân thật không bao giờ nói lời sai ngoa hư ngụy thì người đó tạm thời giải thoát được sự giả dối lừa mị người khác. Tất cả cái đó là giải thoát. Chúng ta bố thí thì giải thoát được tâm bỏn xẻn tham lam, chúng ta cung kỉnh thì giải thoát được tâm ngã mạn, chúng ta biết lắng tai nghe diệu pháp thì ngay lúc đó chúng ta giải thoát được tâm cứng rắn, tâm của chúng ta trở nên nhu nhuyễn. Chứng đắc được sơ thiền chúng ta giải thoát được năm triền cái năm pháp trói buột, áp chế được hôn trầm, áp chế được hoài nghi, áp chế được sân hận, áp chế được tham dục, ngay lúc đó thoát được năm triền cái. Tất cả đều giải thoát. Nhưng Đức Phật Ngài nói giải thoát cao thượng là giải thoát nào mà thoát ly vĩnh viễn không còn phải quay trở lại. Mức độ đầu tiên của thoát ly vĩnh viễn mà không còn quay trở lại là thoát ly khỏi bốn khổ cảnh, đó là không còn quay trở lại cảnh giới súc sanh, cảnh giới địa ngục, cảnh giới ma đói, cảnh giới thần quỉ, mà muốn không quay lại một cách kiên cố thì giải thoát trước tiên là chứng đạt được sơ quả tức là dự lưu quả mà trên bước đường chứng đạt được dự lưu quả biết bao nhiêu khê, biết bao là chặng đường đầy gai chong chứ không có trơn tru, nó tựa hồ giống như chúng ta đi tới một hang động chứa đầy bảo vật mà trên đường đi đó cây cỏ bít bùng không định hướng được, thì chúng ta đốn phá mở một con đường làm sạch sẽ dọn một con đường, con đường đó không ai dọn sẵn cho mình để mình thong dong đi nó thầm chỉ cho chúng ta giới định tuệ. Con đường giới định tuệ chúng ta tự mình đi có nhiều chông gai không ai dọn sẵn cho mình đi. Đừng bảo rằng tôi thực hành giới định tuệ trơn tru nó được thuận lợi nó được tốt đẹp, khó lắm, chưa ai nói rằng con đường giới định tuệ tôi đi một cách thong dong, không có, mà nó nhiều trắc trở nhiều chướng ngại vô cùng, nó tựa như giây leo chằng chịt, những bụi gai đan vào nhau chận bít lại không khéo bị trầy da, không khéo bị rách thịt, không khéo đổ máu. Ngay cả hàng thượng thủ thinh văn cánh tay trái của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên tạo biết bao nhiêu phước cách đây một a tăng kỳ một trăm ngàn kiếp đã tạo vô số phước báu vậy mà xuất gia rồi bị chứng bịnh hôn trầm sanh khởi luôn quấy nhiễu, Đức Phật Ngài đi tới dạy cho pháp môn diệt trừ hôn trầm, nỗ lực tinh tấn mới vượt lên mới chứng đắt được đạo quả A La hán. Ngay cả bậc thượng thủ thinh văn cánh tay trái của Đức Phật mà còn như vậy nói chi chúng ta. Mô thức giới định tuệ là mô thức chung mà đi trên đó mỗi người có mang vũ khí khác nhau, cũng là con đường phải đi nhưng chông gai của từng con đường khác nhau, người thì mang rìu mang búa, người thì mang kiếm, người thì mang đá, để dọn dẹp con đường đó, cho nên Đức Phật Ngài vặch ra con đường giới định tuệ con đường đó chúng ta phải hiểu đó là mô thức tổng quát, và đi trên con đường đó mỗi người phải tự dọn dẹp những gai góc những chướng ngại để có những bước bằng phẳng cho chính bản thân mình, không ai dọn dẹp cho mình cả, không ai ủi san lấp để cho mình thong dong cả, nó không phải là đại lộ để mình phóng xe chạy ào ào, chúng ta phải nỗ lực chúng ta phải làm để rồi khi chúng ta chứng đắc được sơ quả, cắt đứt bốn khổ cảnh, cắt đứt vĩnh viễn để không còn sanh trở lại nữa, thà rằng chúng ta đi một bước mà chắc một bước để không quay lại. Trước tiên đó là chúng ta đừng bao giờ quay lại những cái gì mà chúng ta biết rõ nó là ô nhiễm, biết rõ nó là chướng ngại, biết rõ nó là những bất thiện pháp, đừng bao giờ quay lại. Chúng ta dọn một con đường đi cứ đi tới chứ không hề bước lui, biết rõ nó ô nhiễm thì không bao giờ quay lại. Còn nếu quay lại thì bị vướng vào ô nhiễm rồi phải mất công tắm rửa. Nó tựa như một người biết đây là cái hầm phẩn may mắn được lên khỏi hầm phẩn rồi thì không quay trở lại hầm phẩn, mà lỡ sa chân xuống hầm phẩn rồi thì phải cố gắng trèo lên rồi phải tắm rửa cho sạch sẽ, nó mắc công, nó phiền, nó mệt nhọc, nó nhiều chướng ngại. Và khi đã biết được đây giới này là sát sanh, biết rõ sát sanh mang những điều khổ lụy, biết rõ như vậy thì không quay lại sát sanh, biết rõ là dùng gậy đao trượng để làm khổ chúng sanh khác thì sẽ bị khổ lụy về bịnh biết rõ như vậy thì sẽ không bao giờ quay lại. Nó tựa hồ như khi chúng ta dọn xong đường bằng phẳng chúng ta cứ đi tới chứ không hề quay lại cho dù quãng đường trước đây chúng ta dọn nó đã được bằng phẳng cũng không quay lại, cứ đi tới. Từ bỏ những ác bất thiện pháp đã đành, ngay cả thiện pháp chúng ta cũng phải biết quên nó đi, biết là chúng ta tạo những việc lành như là bố thí, cung kỉnh, phục vụ, trì giới v.v... vẫn cứ quên đi bởi vì công việc nó đã xong rồi không cần phải quay lại, không cần quay lại ở đây có nghĩa là không giữ nó, không hồi tưởng là tôi đã có bố thí như vậy, không hồi tưởng là tôi đã có trì giới như vậy, không hồi tưởng là tôi đã có cung kỉnh như vậy, mà cứ tiếp tục làm những thiện nghiệp đó, dùng giới thanh gươm trí tuệ để cắt đứt đi những chướng ngại đó, nếu còn nghĩ rằng tôi đã từng có bố thí, tôi từng có trì giới, tôi đã từng có phục vụ, thì vẫn còn bị trói buột, chưa phải là giải thoát. Hồi tưởng nhưng để rồi biết quên, mà con người biết quên khó lắm, con người biết quên rất là khó, người đó nhớ biết rõ nhưng mà lại biết quên, nó khó. Còn cái mà chúng ta quên một cách thường tình thì nó quá dễ. Biết mình làm một cái gì đó tốt đẹp là biết quên đi không hề nhắc nhở đến nó, nó thoáng qua hiểu biết rồi quên, cái đó khó. Mà có quên thì chúng ta mới đi tới còn nếu không thì chúng ta giống như cái ly đầy nước không thể chứa thêm nước khác, hất đi cái ly đầy nước thì sẽ có ly nước mới, và giải thoát cứ đi tới và đi tới. Nếu không. Mà quay lại nhớ những thiện nghiệp là đang bị trói buột chứ không phải là được giải thoát, còn nếu nghĩ rằng tôi đã từng bố thí, tôi đã trì giới, tôi đã tạo những thiện nghiệp thì còn bị trói buột chứ chưa phải là giải thoát. Và cứ đi tới, đi tới lúc nào đó mới giác ngộ được và cái giác ngộ đó trông càng trống rỗng bao nhiêu thì cái giác ngộ bực sáng, lên còn nếu tâm của chúng ta còn đầy ấp những gì đó thì sự giác ngộ đó không thể bực sáng lên được, cần phải để tâm của chúng ta sống động, sống động ở đây là biết bỏ, biết quên và một khi chúng ta cắt đứt được bốn khổ cảnh cắt đứt luôn cả dục giới không bao giờ xa xuống dục giới nữa tức là ám chỉ trạng thái A Na Hàm, không còn bị quay trở lại, và cuối cùng giải thoát cao thượng nhất là chứng quả không còn rơi vào tam giới như lò lửa này nữa. Đức Phật Ngài dạy rằng: "Này chư tỳ khưu, ví như phân dù chút ít cũng như hôi, như thế nào cũng vậy, Như Lai tán thán một sinh hữu nào dù chỉ nhỏ chút ít mà ra được khỏi ba lò lửa này, lò lửa của dục giới, lò lửa của sắc giới, lò lửa của vô sắc giới, tam giới như hỏa trạch và không bao giờ muốn rơi vào cái lò lửa đó nữa thì bấy giờ gọi là giải thoát cao thượng, giải thoát tột cùng, không có giải thoát nào sánh bằng, và vị đó thong dong tự tại có thể tuyên bố lên từ nay ta không còn việc gì phải làm nữa, phạm hạnh đã thành. Đời sống samon mục đích gì, lý do nào xuất gia trong giáo pháp này, dấn thân vào vòm trời giới định tuệ này, cái mục đích đó đã thành đạt được, cái ước vọng đó đã được toại nguyện, không cần phải làm gì nữa hết đời sống phạm hạnh đã thành như vậy thì giải thoát cao thượng. " Đức Phật Ngài dạy theo từng bước lià bỏ những ác bất thiện pháp, biết rõ ác thiện pháp rồi không hề quay lại nó, ngay cả thiện pháp tạo rồi không để nó trói buột, biết quên đi và cứ dấn thân đi mãi và mỗi chặng đường đều có chướng ngại riêng và vượt phá đi những chướng ngại đó để còn đi tới một hang chứa bảo vật, và khi đó không còn phải đi tìm kiếm đâu nữa, không còn phải làm việc gì nữa, chỉ nhận lấy những bảo vật, nhận lấy những thánh sản đó để rồi tiêu dao tự tại, dù thân còn ở trong tam giới, lúc nào đó duyên đã hết nhân đã cạn vị ấy thong dong viên tịch thế rồi không còn quay trở lại tam giới này nữa, thì đó gọi là giải thoát cao thượng nhất. Trong bài giảng về ba pháp cao thuợng: |