dieuphap.com
Trang chính
Chánh Văn: "Thật là khó khăn sống không cung kính, không vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn. Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa đầy đủ, làm cho đầy đủ chưa định uẩn đầy đủ... Làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa đầy đủ... Làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa đầy đủ. Ta hãy cung kính, đảnh lẽ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà la môn nào khác. Nhưng ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn và Bà la môn, Chư Thiên và loại người, không có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, với giới.. với định... với tuệ... với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỳ kheo. Ta suy nghĩ như sau: 'Với Pháp này mà Ta đã chơn chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy'." TT Giác Đẳng: Ở trong đoạn Phật ngôn này chúng ta tìm thấy là một trong những ý nghĩa của Đức Thế Tôn sau ngày thành đạo ở gần cội Bồ Đề. Thật ra có nhiều người xem đoạn kinh này chỉ là một ghi nhận có tánh cách lịch sử và không có nhiều điều để quan tâm, cũng có nhiều người cảm thấy hơi lạ một chút, và nhiều người có phản cảm là câu Phật ngôn đó dường như những điều ghi đó không phù hợp với Đức Phật là vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Lấy ví dụ như là, thật khó khăn để mà sống không y chỉ không nương tựa, ý nghĩ đó thì mình nghĩ rằng chỉ có những người yếu đuối phàm nhân mới nghĩ đến hoặc giả là đi tìm một người để cung kính thì chuyện đó chúng ta không nghĩ rằng thích hợp trong cái nhìn của một bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhưng nếu chúng ta nhìn từ một khía cạnh khác thì những điều ghi nhận ở tại đây trong kinh điển chép lại ý nghĩ của Đức Phật tuy rằng chỉ là ý nghĩ nhưng lại là những điều rất hệ trọng rất quan yếu đối với nền tảng tín ngưỡng và tinh thần của tất cả các tôn giáo. Bây giờ chúng ta thử dựa trên ba lãnh vực để chiêm nghiệm ý nghĩa này. Trước nhất, chúng ta thường nói câu "y pháp bất y nhân" trong ý nghĩa rất thường thức hàng ngày. Thí dụ như, qúi Phật tử đi chùa gặp một nhà sư có thể là có những cử chỉ lời nói không lịch sự không tốt nhưng mà các vị đó nói là mình chỉ y pháp chứ không y người. Đó là câu nói có tánh cách thường thức nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được một khía cạnh khác trên phương diện tâm linh thì người ta nói đến tôn giáo có hai thứ: Một là tôn giáo đặc biệt sùng bái thần ngã và một là tôn giáo chú trọng về Pháp hay là về Đạo. Hai nền văn hóa lớn của Phương Đông là Ấn Độ và Trung Hoa có cống hiến cho nhân loại hai chữ rất thú vị. Tại Ấn Độ người ta nói về chữ "Pháp - Dhamma" và ở Trung Hoa người ta nói đến chữ "Đạo." Hai chữ này mở ra những chân trời mới và rất khác biệt với quan niệm thần ngã mà chúng ta thấy xuất phát từ Trung Đông, xuất phát từ Tiểu Á, và khác hơn bất cứ quan niệm thần ngã nào khác. Nói một cách khác, khi người ta nhìn vào sự tối thượng cao qúi của tôn giáo thì người ta nói đến một cá thể, chúng ta gọi là một thần ngã. Cá thể đó là Thượng Đế dù là Chúa con, Chúa cha, Chúa thánh thần, dù là vị Thượng Đế đó là vị Thượng Đế ở trên trời hay một người được lựa chọn để mang thông điệp của Chúa xuống trần gian này hay một đấng tiên tri. Thì thưa qúi vị, những tôn giáo thần ngã thường tạo dựng một hình ảnh mang tánh cách đặc biệt cá thể chúng ta gọi là personality. Cá thể là như vầy: đây là ý muốn của Thượng Đế, đây là tình yêu của Thượng Đế. Thượng đế muốn chúng ta như thế này và Thượng Đế trừng phạt chúng ta như thế kia, nhất cử nhất động từng chân răng từng cọng tóc thì chúng ta đều do sự quyết định của Thượng Đế, như vậy là Thượng Đế vĩ đại, almighty God đó là thượng đế toàn năng. Nhưng mà thưa qúi vị, hình ảnh một Thượng Đế toàn năng nếu nói cho cùng thì người ta vẽ ra một cái rất nghèo nàn, nếu chúng ta nghĩ về một con người tự tạo ra những sản phẩm của mình, như con người là một sản phẩm của Thượng Đế mà tạo vật là những phó sản của Thượng Đế thì người ta đã vẽ ra hình ảnh rất nghèo nàn của một người cao qúi không biết cao qúi chỗ nào. Chữ cao qúi trên phương diện cá nhân nó mang tánh cách thi thiết và đối đãi. Chúng tôi lấy một ví dụ như bây giờ ở trong rơom có Sư Trưởng là lớn nhất, Sư Trưởng lớn nhất là bởi vì có tánh cách thi thiết là Sư Trưởng là thầy lớn hơn TT Tuệ Siêu lớn hơn chúng tôi lớn hơn chư tăng khác, thì có mang tánh cách thi thiết ở trong phạm vi của rơom này để so sánh với người khác. Nhưng nếu chỉ có Thượng Đế không thì rất khó hiểu là so với ai, để làm cái gì, để cho là cao qúi là vĩ đại. Thật ra khi trong tôn giáo quan niệm về thần ngã thì người ta hay nói cá thể, Thượng Đế như là một con người mà nó là một địa vị mang tánh cách độc tôn, địa vị đó hoàn toàn cho chúng ta một sự cảm nhận rất khác với nền tâm linh văn hóa Đông Phương. Chúng tôi nói rằng ở Ấn Độ người ta nói đến chữ Pháp-Dhamma và ở Trung Hoa người ta nói đến chữ Đạo. Chúng ta định nghĩa Pháp hay định nghĩa Đạo như thế nào cũng được, nhưng chúng ta có thể khẳng định ở trong ý nghĩa gần nhất mà chúng ta có thể hiểu; thứ nhất đó là tính tự nhiên của vạn pháp, đó là điều mà chúng tôi lấy ví dụ như là cái gì nặng thì nó chìm cái gì nhẹ thì nó nổi, hay con người chúng ta có tham sân si thì nóng nảy có dính mắc, con người của chúng ta không có phiền não thì nhẹ nhàng khinh an. Những thứ đó không thông qua sự phán quyết và nó không phải như là nghệ thuật như là văn hóa người ta lựa chọn hay không lựa chọn mà nó là tự nhiên như vậy. Bây giờ nếu một người sống trong lòng chất chứa đầy phiền não mà bảo rằng người đó được an lạc thì chuyện đó không có, và nếu một người sống nhẹ nhàng ít dính mắc mát mẻ mà bảo rằng người đó sống nặng nề thì chuyện đó không có. Đó là vấn đề của tự nhiên của Đạo của Dhamma của Pháp như thật. Và do vậy cái cao qúi cái tối thượng điểm đạt đến của nền Đạo Phật Đông Phương là vắng mặt một cá thể, cái vắng mặt một cá thể ở đây là một điểm rất kỳ diệu mà sự kỳ diệu này làm cho chúng ta đặc biệt cảm kích giáo lý Vô Ngã của Đạo Phật. Rất nhiều người sợ giáo lý Vô Ngã là tại vì ở đó làm cho cái ngã biến mất, cái ngã biến mất làm cho người ta sợ hãi nhưng nếu chúng ta nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy rằng chính sự biến mất của ngã và một sự thuận Pháp, tùy Pháp, như Pháp, cái như pháp đó thì mới gọi là cái giá trị tối thượng. Ở trong một bài kinh Châu Báu (Ratana Sutta) có ba đoạn cuối tuyệt hay, ở ba đoạn cuối khi dịch sang tiếng Việt, dịch theo văn của Khmer, được dịch là: Nhưng về sau chúng tôi sửa lại bản dịch là: "xin đến đây đảnh lễ Phật là vị Như Lai, Pháp như thật, Tăng là bậc như đức." Cái chữ "như" ở đây chúng ta muốn nói đó là dù quá khứ như vậy thì hiện tại cũng như vậy tương lai cũng như vậy. Tại vì sao? Tại vì những giá trị đó không phải là một sự chế tác hay là một sản phẩm của trí tưởng mà những giá trị đó có tánh cách tự nhiên, nhiên nhiên, như thật. Và do vậy chúng ta hãy chiêm nghiệm lại giá trị của nền đạo học Đông Phương là không nói nhiều về cá thể mà lại làm rất đẹp. Ngài Narada có viết rằng: "không có một vị giáo chủ nào phi thần linh như Đức Phật mà được sùng bái như thần linh như Đức Phật", điều này không phải dễ dàng để một người bình thường hiểu. Nhưng mà như vầy, chúng tôi lấy một ví dụ như sống ở trong một ngôi chùa hay trong một gia đình, không phải là vì ông nội bà nội hay không phải là vì một vị trưởng lão mà vị đó đẹp vị đó sang mà vị đó cao qúi, mà chính những giá trị mà vị đó gìn giữ mới là cao qúi. Và cái giá trị chúng ta gọi là giá trị cũng được, gọi là nguyên tắc cũng được, gọi là Pháp cũng được, nhưng những điều đó khi được thể hiện được tồn tại nói lên chân giá trị của đời sống. Bây giờ qúi Phật tử tưởng tượng như vầy: chúng ta có một đạo tràng, có một pháp hội, có một lớp học Phật Pháp ở tại đây, nếu chúng ta vào nơi này mà chúng ta không có cái biểu chuẩn là lấy Tam Tạng Pali làm chuẩn, không có sự tôn kính lẫn nhau theo hạ lạp, theo Pháp mà Đức Phật đã dạy, mình gặp nhau mình không có đặt nặng với nhau về cái giá trị của thiện pháp, chúng ta không có nguyên tắc, chúng ta xô bồ mạc cưa mướp đắng thì chúng ta làm giống như một cái chợ, thì thật sự không có giá trị gì hết. Giá trị của tồn tại là chúng ta gìn giữ một số nguyên tắc của Đức Phật gọi là Dhamma. Có những điều rất đẹp ở trong kinh điển mà rất là nhẹ nhưng chúng ta ít có khi nào để ý đến. Ví dụ như Đức Phật thấy chư tỳ kheo ở xa về thăm Ngài vào cuối mùa an cư, các vị đó về khổ nhọc, vì đi dọc đường cũng có một chút mưa rồi y tăng già lê bị ước v.v... lúc bấy giờ Đức Phật Ngài nghĩ đến một giải pháp và bấy giờ Ngài nghĩ đến chư Phật quá khứ thì Ngài thấy rằng chư Phật quá khứ có ban hành là sau mùa an cư có tổ chức một lễ gọi là lễ kathina, và từ lễ Kathina đó thì chư tăng nhập hạ được 5 quả phước, thì Đức Thế Tôn đã ban hành là Ngài cho phép Chư Tăng sau mùa an cư tổ chức lễ Kathina. Khi chúng ta đọc chi tiết chúng ta thấy rằng chính Đức Phật khi Ngài muốn chế định, khi Ngài muốn thiết lập một điều gì nhất là điều luật định thì Ngài cũng quán sát Pháp và bên cạnh đó thì Ngài quán sát những quyết định của chư Phật ở trong quá khứ. Chúng ta thấy vắng mặt hoàn toàn một thái độ độc đoán, chúng ta thấy vắng mặt hoàn toàn thái độ "à, mình là Phật mình muốn chế định gì thì chúng sanh cũng làm theo hết." Không phải là vậy. Mặc dù Đức Phật là một vị Pháp Vương nhưng không phải là Ngài chế định điều gì mà Ngài vẫn y trên Pháp để Ngài giảng dạy. Chúng ta rất may mắn, cái may mắn nhứt của người con Phật là chúng ta có thể nghĩ, biết, đến những giá trị, và giá trị đó không thâu qua một cá thể. Ngay cả trường hợp như vầy, hồi nãy chúng ta nghe một đoạn Đức Phật Ngài dạy sau khi Ngài viên tịch rồi, thì đừng tưởng sau khi Đức Phật viên tịch rồi không ai để nương tựa, chúng ta phải nương tựa vào chánh pháp. Cái vấn đề của chúng ta ngày hôm nay không phải là chúng ta lạc lõng mà vấn đề ngày hôm nay là chúng ta không chịu học, không chịu thâm nhập, và không chịu thắp sáng giá trị của chánh pháp để soi rọi đời sống của chúng ta. Chúng ta cứ tưởng tượng sống suốt một đời người, hay chúng ta làm bao nhiêu công việc cuối cùng rồi không có cái gía trị gì để bảo lưỡng hết, chúng ta không có một cái nguyên tắc, không có gía trị gì để y cứ hết thì chúng ta sẽ rơi vào lạc lõng. Hàng trăm hàng ngàn người đã sống ở trong cuộc đời này, đời sống họ đã đi qua giống như một đám mây thoáng đi và không để lại một điều gì, là tại vì sao, vì họ đã không sống bằng những giá trị . Cái giá trị rất là quan trọng. Và cái đặc biệt của tất cả giá trị lớn trong cuộc đời là từ những giá trị đó một người sống họ biến mất hoàn toàn "cái tôi" "cái ta", "đây là của tôi" "đây là tôi" "đây là tự ngã của tôi." Chúng ta thấy Đông cũng như Tây khi nói đến sự phát triển của xã hội người ta nói đến tinh hoa của trí tuệ, và ở vùng đất nào mà tinh hoa của trí tuệ còn nằm ở trong ba chữ "đây là tôi" "đây là của tôi" "đây là tự ngã của tôi" thì những tinh hoa đó hạn hẹp, không phổ quát, không biến mãn, không trở thành một cái chung. Thật ra dầu mình làm văn hóa, mình làm tôn giáo, hay làm chính trị, hay làm bất cứ cái gì trong đời sống, cái giá trị còn lại không phải là "tôi" không phải là "tự ngã của tôi" mà cái giá trị còn lại chính là ở những nguyên tắc, chính là ở những giá trị và những giá trị đó chúng ta gọi là Pháp, chúng ta gọi là Đạo, chúng ta gọi là nguyên tắc, chúng ta gọi là hiến chế. Điều gì chúng ta gọi nó mang tánh tự nhiên, nó vắng mặt cái mà chúng ta gọi là "tôi" là "của tôi" là "tự ngã của tôi." Trong bài học ngày hôm nay: - Điểm thứ nhất chúng ta muốn nói rằng sự khác biệt to lớn giữa Phật Pháp và các tôn giáo khác đó là những tôn giáo thần ngã thì nói đến một cá thể mang tánh cách cá nhân, cá nhân đó là vui là buồn, và đặc biệt nếu qúi vị muốn hiểu biết cá nhân như thế nào thì đọc kinh Cựu Ước: ý chúa muốn như vậy người ta làm trái ý chúa thì chúa có phản ứng như vậy. Quan niệm đó đã bao trùm lên nền văn hóa Tây Phương trong một thời gian rất dài, nhất là thời trung cổ, tại vì người ta nói ý muốn của ơn trên. Nhưng thật ra ý muốn của ơn trên không bao giờ là một vấn đề, không bao giờ là một mảy may quan trọng ở trong ngôi nhà chánh pháp của Đức Phật. Đạo Phật nói đến một giá trị vượt lên trên những giá trị và những giá trị đó không nằm ở trong sự thi thiết đỗi đãi là, nó phải có cái này, nó phải có cái kia mới gọi là giá trị, giá trị siêu thế (Lokuttara) của sự siêu vượt lên hẳn những giá trị khác, tại vì giá trị đó vắng mặt một cái bản ngã. Do đó trước nhất khi chúng ta nói thì chúng ta nói rằng Pháp ở đây được chính Đức Phật Ngài khẳng định rằng Ngài cũng tôn kính và y chỉ pháp. Pháp đó và lời nói của Ngài làm cho chúng ta thấy vắng mặt hoàn toàn một cái ngã, một cái cá thể, một cái personality mà người ta thường thấy rất nhiều trong tất cả các tôn giáo. - Điểm thứ hai chúng ta có thể nói ở tại đây đó là, có một điều bất khả nghi giữa giá trị của thiện pháp và chân pháp. Chúng ta nói đến pháp thiện và pháp như thật, không hẳn pháp nào như thật đều là pháp thiện nhưng chúng ta khẳng định rằng những pháp thiện đều là pháp như thật hết. Chúng tôi lấy ví dụ là, khổ qua thì đắng, ớt thì cay, cái đắng của khổ qua và cái cay của ớt là những sự thật nhưng sự thật đó không nhất thiết là thiện. Nhưng tất cả điều thiện phải tương ứng với sự thật, mà nó là sự thật, chúng ta lấy ví dụ như chúng ta nói về vô tham vô sân vô si. Chúng ta nói về từ bi hỉ xả, chúng ta nói về bố thí, trì giới, thiền định v.v... nó luôn luôn phải khế hợp với sự thật. Nhiều năm sau khi Đức Thế Tôn Niết-bàn thì người ta hay nói đến chữ phương tiện, phương tiện huyền xảo hay phương tiện thiện xảo. Cái phương tiện đó không nhất thiết là sự thật mà nó là một sự ẩn dụ, nó là một giả tá, nó là một sự thi thiết chứ không phải là sự thật. Thật ra thì điều đó không tìm thấy ở trong Đạo Phật Nguyên Thủy, Đức Phật Ngài không ru ngủ chúng ta bằng một thiên đàng hay một cảnh giới cực lạc nào để nhờ đó chúng ta lui tới với chùa chiền hay đảnh lễ Ngài. Mà trái lại Đức Phật Ngài nói rất rõ rằng đây là Vô Thường đây là Khổ đây là Vô Ngã. Và, Đức Phật Ngài cũng không cho chúng ta ăn bánh vẽ, nếu, mà chúng ta nghĩ rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện nghĩa là tuy nó là bánh vẽ thật nhưng mà nhờ bánh vẽ đó con người về sau này có lợi ích. Thì chuyện đó không có trong Đạo Phật. Có thể là nhiều vị ở đây không đồng ý với chúng tôi, nhưng chúng ta hãy xét cho rất kỹ ở trong Phật Pháp đặc biệt là ở trong kinh Abhayakumarasutta Trung Bộ kinh thì Đức Phật Ngài khẳng định một điều rằng điều gì liên hệ đến giác ngộ giải thoát thì điều đó phải đúng với sự thật và người nghe có thể ưa thích hoặc không ưa thích. Nhưng chưa có một điều nào mà Đức Phật nói rằng điều đó có liên hệ đến giác ngộ giải thoát mà nó không đúng với sự thật, thì Đức Phật Ngài vẫn nói không có. Tất cả những điều gì là chân thì không nhất thiết là thiện trong Phật Pháp, nhưng mà điều gì là thiện thì phải là chân. Ngày hôm nay chúng ta sống về thế giới ảo, cái ảo đó đôi khi chúng ta nghĩ rằng nó chỉ là một sự vay mượn, ở trong cuộc đời này cái gì cũng ảo hết nhưng ở trên thực tế cái nói đó là cái nói vơ đủa cả nắm, cái nói chân xác nhất mà chúng ta nói đó là cho dù là Pháp hay Đạo, cho dù là vô sắc hay sắc, cho dù là giới hay dục giới, thì cái gì là thiện thì cái đó phải y cứ sự thật. Do vậy người ta hay nói đến chân, thiện, mỹ. Nhưng chúng ta phải nói như vầy, không phải cái gì đẹp cái gì mỹ cũng là chân thiện, hay là không phải cái gì chân thì nó phải là thiện. Nhưng có một nguyên tắc chúng tôi lấy từ trong đạo Phật, cái gì thiện thì cái đó phải y cứ trong sự thật, cái gì thiện thì nó phải là chân. Chúng ta khoan nói đến mỹ, cái gì thiện thì nó phải là chân. Do vậy toàn bộ giáo Pháp của Đức Phật khi Ngài dạy về thiện Ngài dạy về giải thoát về giác ngộ, chúng ta nói về thiện và đạt đến chỗ trí thiện thì hành trình đó phải tương ứng với sự thật, và sự thật đó được Đức Thế Tôn giác ngộ. 3 - Khía cạnh sau cùng chúng ta nói ở tại đây đó là thái độ tôn kính. Có lẽ hồi nãy chúng tôi nói ở đoạn đầu là nhiều người có phản cảm tại sao Đức Phật còn tôn kính chánh pháp, nói Đức Phật tôn kính chánh pháp nghe ngược tai. Đức Phật là bậc pháp vương, Ngài có thể vẽ ra pháp Ngài có thể quảng diễn pháp, Ngài có thể tuyên lưu Pháp thì không nhất thiết Đức Phật Ngài tôn kính pháp. Không phải như vậy. Chúng ta không hiểu ý nghĩa của sự tôn kính, dĩ nhiên là Đức Phật không làm giống chúng ta là để cuốn kinh Tam Tạng rồi chúng ta qùy xuống chúng ta lạy, Đức Phật Ngài không có làm như vậy. Nhưng Đức Phật Ngài có một sự tôn kính đặc biệt đối với chánh pháp, chẳng những vậy mà còn đối với những gì Ngài thuyết giảng nữa. Có lần chúng ta nghe Đức Phật giảng trong Tăng Chi Bộ kinh, Ngài nói: con sư tử tuy là con sư tử chúa nhưng khi đi rình mồi nó chụp con mồi thì nó luôn luôn ở trong tư thế rất cẩn trọng, có cẩn thận chứ không phải không có cẩn thận. Và Ngài khẳng định là chánh pháp mà bản thân Ngài khi thuyết pháp thì Như Lai có cẩn thận chứ không phải là không cẩn thận trong sự thuyết pháp, cái cẩn thận đó là quan trọng. Bài học này đối với chúng ta rất quan trọng, nếu chính Đức Phật Ngài rất cẩn trọng, rất nghiêm túc khi Ngài thuyết pháp, Ngài y chỉ pháp, thì chúng ta là con của Ngài mà chúng ta xem chuyện đó hời hợt thì điều đó rất là đáng tiếc. Chúng ta không học được, chúng ta không trưởng thành được ở trong lời dạy của Đức Phật, Đức Phật Ngài có nghiêm túc cẩn thận về điểm này. Thỉnh thoảng chúng tôi có nhắc qúi vị rằng ở trong một số trường hợp, thí dụ như chúng ta đưa ra một bài học khó hiểu hay đưa ra những chỗ tối nghĩa mà nếu bài học đó Sư Trưởng không biết hay Sư Trưởng chưa bao giờ đọc đến, kinh điển thì mênh mông có những chỗ đọc được hay chỗ không đọc được, TT Tuệ Siêu biết hay không biết và chúng tôi cũng vậy, Chư Tăng các vị giảng sư cũng vậy, điều quan trọng không phải là cái gì chúng ta cũng nói được cái gì chúng ta cũng giải thích được, điều quan trọng là một thái độ nghiêm túc, chuyện đó chúng ta có đọc có nghiên cứu thì chúng ta nói là chúng ta có đọc có nghiên cứu, và chúng ta có biết, có hiểu, và có quan điểm như thế này. Nhưng nếu điều đó là một điều chúng ta chưa đọc tới hay chưa thấy chưa biết thì chúng ta nên nói rằng chuyện đó mình không rõ xin thỉnh vị nào biết thì xin cho biết. Thái độ đó là một thái độ chúng ta cung kính đối với chánh pháp. Người Phật tử nên nhớ một điều là nếu có một giá trị lớn nào ở trong đời sống của chúng ta mà cần phải tôn kính thì chúng ta nhớ lời của Đức Phật dạy cho Tôn Giả Ananda rằng: "Sau khi Như Lai viên tịch rồi thì giáo pháp là Thầy của các con, giáo pháp như là bậc Đạo Sư, sự tồn tại của giáo pháp như là sự tồn tại của Đức Phật còn tại thế." Do vậy bài học ngày hôm nay một lần nữa nhắc chúng ta một điều là khi Đức Phật Ngài nói lên thái độ tôn kính của Ngài đối với các Pháp mà Ngài giác ngộ thì điều đó không nên được hiểu về một cá nhân thấp hay là cao. Ở đây chúng ta hiểu sự tôn kính đó trong ý nghĩa hoàn toàn khác như hồi nãy chúng tôi có nhắc câu chuyện Đức Phật Ngài đã từng nói rằng: "Con sư tử cho dù nó là một sư vương là một chúa sơn lâm đi nữa nhưng một khi nó bắt con mồi thì nó cũng cẩn trọng chứ không cẩn trọng." Điều đó là điều tự nhiên, tại vì ở trong đời sống của chúng ta không thể nào chuyện gì cũng nói bừa được, Chúng tôi thưa với qúi Phật tử một chuyện và cũng vì có nhiều người hỏi chúng tôi đó là, kỳ rồi chúng tôi đi hành hương ở Ấn Độ rồi sang Thái Lan, khi rời Thái Lan về thì bàn chân bên trái của chúng tôi bị đau, chúng tôi nghĩ rằng chắc mình đi dép nhiều quá (vì khi sang Thái Lan và Miến Điện chúng tôi đi dép chứ không đi giày), rồi khi về Mỹ thì chúng tôi thấy đau và nghĩ có thể dưỡng một vài hôm, nhưng chúng tôi có việc phải sang Hồng Kong vài ngày và định sang đó rồi không đi đâu hết ngồi một chỗ nhưng khi lên máy bay thì chân đau quá, sang đến Hồng Kông chân rất là đau, và quí sư cô ở trong chùa thì nói rằng ở đây có mấy thầy làm massage bàn chân sẽ hết đau, chúng tôi có một vài lần bị đau vai và có thầy thuốc người Hoa chữa hết do đó chúng tôi cũng tin như vậy, nhưng khi chúng tôi đến cho các vị massage cái chân thì thấy đau quá do đó chúng tôi không muốn làm. Rồi khi chúng tôi về bên Mỹ thì đi đến một vị bác sĩ Phật tử và ông hỏi rất kỹ và ông ấn tay vào chỗ đau và nói rằng phải chụp x-ray mới biết được, và khi chụp xong thì có một đốt xương của ngón chân áp út bị gãy, bây giờ họ bắt phải đi nạng trong vòng 6 tuần lễ thì sẽ lành lại và cái chân giữ yên như vậy không nhút nhích. Do vậy, chúng tôi nhận thấy một việc như vậy là khi chúng tôi kể câu chuyện đi massage chân cho hết đau thì ông bác sĩ dặn là sau này chân mà đau như vậy thì đừng có đi cho người ta massage tại vì nếu không khéo thì nó gãy thêm, và tệ hại thêm. Đó cũng là một bài học trong cuộc sống của chúng ta là không phải lúc nào chúng ta cũng lấy một quan niệm về thường thức bình thường của mình để phán đoán một sự việc mà nhiều khi chúng ta cần đến một sự suy ngẫm nghiên cứu cặn kẽ về nhiều mặt về nhiều việc. Như bây giờ ở tại Mỹ, có đôi khi chúng tôi nghe mấy người Phật tử đi chùa hay nói về chữa bệnh cho Hòa Thượng theo cách chữa bệnh như thế này, uống cái này hết, uống cái kia hết. Nhưng rồi trong hai tháng qua thì chúng tôi cũng học được một chuyện đó là cái biết của chúng ta về sức khỏe của Hoà Thượng thật ra không đủ vào đâu hết. Lấy một ví dụ là Hoà Thượng bị tiểu đường, chúng ta chỉ nghĩ là Hoà Thượng kỵ ăn ngọt là đủ, ở trong thực tế thì Hoà Thượng phải cử rất là nhiều, thí dụ như Hoà Thượng phải cử cái gì có nhiều sodium hay nhiều potassium, nếu nhiều potassium quá HT cũng có thể dẫn đến liệt người, đến chỗ là chết được, hiện nay HT không được dùng chuối không được dùng cà chua, nếu bình thường thì mình nghĩ ăn cà chua không hại gì hết nhưng dần dần thì mình biết là có những thứ phải lên cử. Một số những thí dụ như vậy để cho thấy rằng chúng ta thường dễ dãi và có một thái độ hời hợt, chúng ta hay dùng một kiến văn của một lãnh vực nào đó mà mình không chịu hỏi đến nơi đến chốn. Thái độ đó dĩ nhiên là không phải là để trách là vì ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta có trăm ngàn việc phải lo do đó chúng ta chỉ dựa trên một số cái gì mình đã từng biết đã từng trải qua để quyết định cho cái sắp tới. Tuy vậy chúng ta đôi lúc cũng nên khiêm tốn, chúng ta học bài học này rất kỹ. Đức Thế Tôn Ngài đã suy nghĩ rằng, thật là khó khăn nếu sống mà không y chỉ, không nương tựa. Nếu có một người có hiểu biết, có kiến văn rộng rãi để khi có chuyện gì mình hỏi như một vị tư vấn vị cố vấn, như một vị thầy thì dễ dàng quá. Nhưng ở trong trường hợp của Đức Phật thì Đức Phật thấy rằng không ai trong thế gian này mà người đó có thể hơn Đức Thế Tôn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn. Và Ngài đã đi đến một kết luận rằng: "Do vậy Ngài sẽ y chỉ và tôn kính đối với pháp mà Ngài đã giác ngộ." Bài học đó là bài học tuyệt vời, bài học đó là bài học lớn ở trong đời sống, bài học đó là một bài học quan yếu đối với cuộc tu của chúng ta. Khi chúng ta đọc lại những giòng chữ này thì nên tự nhắc rằng nếu mình tự nhận là Phật tử, đi chùa, sống trong đạo, mà mình không học Phật Pháp thì giống như là mình tu mà không có thầy. Đức Phật nói chánh pháp là Thầy của các con, nhưng bây giờ chánh pháp đối với mình hiểu lơ mơ, chúng ta không dành thì giờ để nghiên cứu để đào sâu thì thật sự chúng ta như là một người không có chỗ y chỉ, không có một vị thầy. Việc sinh hoạt, đôi lúc có những vị cư sĩ và tu sĩ đã chỉ trích chúng tôi mỗi ngày bỏ 2 tiếng đồng hồ cho chương trình paltalk, các vị nói rằng không biết ở trong paltalk có cái gì mà nghiền như vậy? Thật ra chúng tôi không có thì giờ để trình bày nhiều, nhưng chúng tôi tự đặt ra một câu hỏi là nếu chúng ta là người Phật tử hay bản thân của chúng tôi là nhà sư mà chúng tôi không học Phật Pháp, không nói Phật Pháp, không đọc Phật Pháp thì chúng tôi không biết có chuyện gì đáng làm hơn. May mắn lớn trong đời sống của chúng tôi là hồi nhỏ được sống gần những vị thầy là Ngài Tịnh Sự hay là Sư Trưởng hay là HT Minh Châu sau này là Ngài Ajahn Chah, Ngài Tangpulu, hay Ngài Hộ Giác, tất cả các vị đó đều đặt rất nặng về một điều mình là nhà sư là tu sĩ thì làm gì thì làm đi nữa cũng không thể xa rời kinh điển xa rời lời dạy của Đức Phật được. Do vậy đôi khi rất khó giải thích cho các vị đó biết rằng tại sao phải dành thì giờ đề sinh hoạt như vầy đôi khi cũng rất cực, có những khi tìm cơ hội tìm internet để vào paltalk không phải là chuyện dễ nhưng chúng tôi vẫn làm tại vì chúng tôi không biết có bao nhiêu Phật tử tại đây được hưởng lợi ích nhưng riêng cá nhân của chúng tôi chỉ chuyện soạn bài để đọc lại, như kỳ rồi chúng tôi bỏ thì giờ để đọc lại bộ Chân Chế Định của Ngài Tịnh Sự dịch do TT Tuệ Siêu sang định, thật sự đọc lại chúng tôi rất thích một tác phẩm mà chúng tôi đọc lâu rồi nhưng bây giờ đọc lại đọc từng phần từng phần rất là thích thú. Thì nói như vầy là đối với tất cả chúng ta cho dù đoạn kinh đó mình có đọc 5 lần 10 lần mình có biết rồi mình cũng phải suy nghiệm lại. Ngay cả những điều được ghi trong bài học ngày hôm nay, những ý nghĩ của Đức Phật sau khi Ngài thành đạo là thật khó khăn nếu sống không có nơi y chỉ không có đối tượng để cung kính thì hãy tìm một vị thầy, nhưng Đức Phật xét rằng không ai hơn do đó Ngài nói rằng Ngài sẽ y chỉ và cung kính Giáo Pháp. Phần ghi nhận đó tuy rất là ngắn trong kinh điển nhưng thật sự ý nghĩa rất thâm sâu, chúng ta thường đọc xong rồi chúng ta lật qua, đọc xong rồi lật qua, nhưng chúng ta không chịu nhìn vấn đề một cách nghiêm túc một cách lợi lạc. Trong kinh Pháp tử trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng "Các con hãy là người thừa tự chánh pháp chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật." Nếu có một gia tài nào đó Đức Phật thật sự để lại cho chúng ta thì đó là kho tàng chánh pháp, nhưng nếu chúng ta không chịu tìm hiểu, không chịu học, không suy ngẫm và không lấy đó là quan trọng, chúng ta không thấy đó là có giá trị trong đời sống chúng ta thì chúng ta không được hưởng gì hết, hay lâu lâu hưởng một ít thôi chứ không được hưởng nhiều. Vì chúng ta không có thấy được giá trị của nó. Do vậy đối với chúng tôi thì bài học ngày hôm nay không phải chỉ nói lên một khía cạnh rất đặc biệt của Đức Phật, đặc biệt đến độ khó hiểu đối với nhiều người, nhưng điều đó còn khẳng định với chúng ta một điều rằng cái giá trị của đạo, cái giá trị của tôn giáo không nằm ở cá nhân mà nằm ở Pháp và ở trong đời sống của chúng ta. Chúng ta là con của Đức Phật nếu chúng ta không học được thái độ của Ngài, chúng ta không cảm nhận được điều đó thì thật sự là một thiệt thòi rất lớn. Bởi vì cách của chúng ta làm chỉ là thả mồi bắt bóng. Không biết bao nhiêu Phật tử đi sùng bái thầy này, đi sùng bái vị kia, mà đa số sùng bái mang tánh cách cá nhân, ít bao giờ chúng tôi nghe Phật tử nói rằng bài kinh đó đọc hay quá, hay bộ kinh đó mang lại cho con nhiều lợi lạc quá. Tại sao chúng ta không chịu đi học? Mỗi ngày chúng ta cứ phải đặt nặng vấn đề cá nhân. Chúng tôi đồng ý là có những cá nhân rất khác biệt ở trong cuộc đời, nhưng trên con đường của chúng ta đi không phải là con đường đi tìm một cá nhân nào đó để mà sùng bái, mà con đường của chúng ta đi là chúng ta có cái may mắn rất lớn là Đức Thế Tôn đã mở ra một con đường quang rạng, Ngài đã cho chúng ta một di sản tinh thần rất lớn. Gia tài của chúng ta không nghèo nàn, ở đó chứa bao nhiêu là vấn đề. Chúng ta có biết đánh giá đúng mức, chúng ta có biết học, biết thâm nhập? Tại sao người ta hay sùng bái cá nhân? Tại vì người ta không có những nguyên tắc đẹp, người ta không có Pháp, những đạo giáo nào nói càng nhiều về cá nhân là tại vì đạo giáo đó rất nghèo về kinh điển. Chúng tôi nói như vậy có vẻ hơi quá đáng, nhưng qúi vị để ý tất cả những phong trào gọi là dị giáo thì đều tập trung chung quanh những cá nhân, người ta nói nhiều về cá nhân đó là tại vì người ta rất nghèo nàn về kinh điển, nghèo nàn về Pháp. Chúng ta có một gia tài về Pháp rất lớn, và nếu chúng ta càng đọc càng thấy thái độ của Đức Phật. Thì thưa qúi vị, chỉ riêng về 14 bài học đầu tiên này trong 14 bài học đó HT Minh Châu vị dịch giả kinh tạng Pali và Ngài đã đem cho chúng ta những trích đoạn thẳng từ trong kinh điển ra nếu chúng ta đọc kỹ những trích đoạn đó thì ít nhất là chúng ta cũng có một số giá trị một số sự hiểu biết về Đức Phật. Và chúng ta rất may mắn là con của Đức Phật, chúng ta rất may mắn để chúng ta học Phật Pháp, nhưng tiếc một điều là nhiều người không thấy chuyện đó là quan trọng. Đôi khi ở trong đời sống của chúng tôi khi đi gặp qúi Phật tử, qúi vị hay đặt để những giá trị về chùa chiền, về cá nhân này, cá nhân khác, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không muốn nói đến nhiều tại vì mỗi người có mỗi nhân duyên, nhưng chúng tôi rất lấy làm tiếc chúng ta là Phật tử không có lý do gì mà quên đi những giá trị của những bài kinh, những giá trị của những lời Đức Phật dạy, và đối với mỗi chúng ta Phật Pháp hay kinh điển mới thật sự là quan trọng. Chúng ta đừng bao giờ quên câu nói của Đức Phật: "Sau khi Như Lai viên tịch rồi Giáo Pháp sẽ là Thầy của các con." Nếu chúng ta nhớ như vậy thì chúng ta có thể có một cảm nhận rất gần với ý nghĩ của Đức Phật mà Ngài đã gửi gấm cho chúng ta trong đoạn kinh này./.
|