dieuphap.com Trang chính


Đức Phật Của Chúng Ta: Thưở Thiếu Thời

TT Giác Đẳng giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 5 tháng 5 năm 2011

Minh Hạnh chuyển biên


TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay chúng ta sẽ dành thì giờ để nói về thưở thiếu thời của Thái Tử Sĩ Đạt Đa. Có ba điểm chúng ta sẽ đề cập đến tại đây: Điều thứ nhất là, bối cảnh và cuộc sống của Thái Tử Sĩ Đạt Đa khi Ngài chào đời cho đến khi thành niên. Điều thứ hai là, chúng ta thử nhìn lại hình ảnh của một vị đại bồ tát trong con đường dẫn đến quả vị toàn giác ở trong kiếp chót và một số đặc điểm hơn những con người khác như thế nào. Điều thứ ba là, chúng ta có thể suy ngẫm về tâm thái của một vị Phật tương lai. Những điều này đều cho chúng ta những bài học lớn.

Trước hết, chúng ta hãy nói về phương diện lịch sử. Ở trên phương diện lịch sử, Thái Tử sau khi chào đời được bảy ngày thì mẹ của Ngài là Hoàng Hậu Maha Maya lìa trần và từ đó trở đi sự chăm sóc được đặt dưới sự giám hộ trực tiếp của Hoàng Hậu Maha Pajapati Gotami. Tính theo huyết thống thì Hoàng Hậu Maha Pajapati Gotami vừa là dì ruột của Ngài bởi vì bà là em của Hoàng Hậu Maha Maya và cũng là kế mẫu. Vua Tịnh Phạn kết hôn với cả hai chị em là Hoàng Hậu Maya và Công Nương Maha Pajapati Gotami. Trong kinh chữ Hán thường dùng chữ Di Mẫu, di là dì, mẫu mẹ, không gọi là kế mẫu mà gọi là Di Mẫu. Theo trong kinh kể rằng chính Di Mẫu Maha Pajapati Gotami cũng có hai người con khác đó là Nanda và Nandi, nhưng vua Tịnh Phạn một khi đã giao Thái Tử Siddhattha cho Di Mẫu nuôi dưỡng thì Di Mẫu giao hai đứa con ruột của mình lại cho những người thị nữ và chính bản thân của bà lại là người nuôi dưỡng Thái Tử như một bà mẹ và có thể hơn một bà mẹ bình thường nữa. Ngài lớn lên với tất cả sự thương yêu và chẳng những như vậy mà bản thân là một vị hoàng tử của một vương quốc rất trù phú, Ngài có được rất nhiều tiện nghi của cuộc sống có thể gọi là một đời sống nhung lụa cực kỳ. Một điểm thú vị là, chúng ta nên nhớ rằng trong chánh tạng không có nhiều đoạn kể chi tiết về thuở thiếu thời, riêng trong kinh sách của tiếng Việt chúng ta ghi nhận có một vài tác phẩm tiêu biểu mà trong đó có tác phẩm Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường, và một số tác phẩm khác đã dành rất nhiều thì giờ để mô tả về giai đoạn từ đản sanh cho đến lúc xuất gia. Nhưng trong kinh điển thì mô tả nhiều nhất là từ lúc xuất gia cho đến khi thành đạo và nhập Niết-bàn. Trong lúc đó các bộ Phật sử của Việt Nam thì mô tả từ lúc thành đạo cho đến Niết-bàn tương đối ngắn, bởi vì có quá nhiều do đó người ta kể không hết.

Ở trong bài kinh Thánh Cầu cũng như là một số bài kinh khác Đức Phật Ngài cho biết về cuộc sống nhung lụa của Ngài mà chúng ta nghe nói đến nhiều như, Ngài lớn lên ở trong cung có ba toà lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa nóng, một cho mùa lạnh, chúng ta cũng được biết là tất cả những tơ lụa Ngài dùng đều đến từ xứ Kasi mà ngày nay chúng ta có thành phố Varanasi ngày xưa gọi là xứ Kasi nổi danh nhứt thời bấy giờ về tơ lụa. Đó chỉ là một thí dụ điển hình. Nhưng một điều ở trong sử và trong các bản sớ giải và trong chánh kinh chính Đức Phật Ngài diễn tả thì Ngài có một cuộc sống được bao bọc bởi gấm vóc lụa là bởi một cuộc sống giàu sang vương giả. Và ở trong sử cũng cho chúng ta biết một điều là vua Tịnh Phạn đã cung cấp cho Ngài một nền giáo dục xứng đáng với vị Hoàng Tử thời bấy giờ. Thời đó là thời người ta học theo cách gọi là dưới chân thầy, nhà vua cho mời những nhà thông thái những học giả lừng danh thời bấy giờ đến để dạy cho Thái Tử về rất nhiều môn. Là một người rất thông tuệ Thái Tử nhanh chóng học được tất cả những gì được truyền thụ, chẳng những vậy Ngài còn chứng minh được là Ngài vượt trội hơn tất cả những vị thầy đến dạy cho Ngài những môn học. Chúng ta cũng được biết ở trong thời niên thiếu Thái Tử là người được hun đúc huấn luyện trên cả hai phương diện văn cũng như võ, Ngài là người có một sức mạnh phi thường, những võ nghệ lừng danh thời bấy giờ như cung, kiếm thì Ngài đều là những bực quán trực, những người trong giòng họ Sakya giòng dõi Sắc Đế Lị không những chỉ nổi tiếng về quả cảm mà còn là những người có thể nói đặc biệt rất thiện xảo về nhiều môn võ nghệ, và Ngài được xem như là đệ nhất về võ nghệ thời bấy giờ trên phương diện sức mạnh cũng như tài năng. Đó là vài điều mà chúng ta được biết ghi nhận trong lịch sử thưở thiếu thời.

Bây giờ thì chúng ta thử nhìn qua một khía cạnh khác, kiếp sống cuối cùng của một vị Bồ Tát trước khi đắc quả Vô Thượng Chánh Giác. Như tất cả chúng ta đều biết rằng quả vị Phật không phải là một ngẫu nhiên hay do sự chọn lựa, mà quả vị Phật là kết tinh của nhiều đời nhiều kiếp huân tập ba la mật hạnh, ở trong kiếp sau cùng Ngài ra đời như một đoá hoa đúng thời đúng lúc nở ra với sắc với hương và chúng ta có thể nói không có một vị giáo chủ nào trên thế gian mà sự ra đời trọn vẹn về phúc về đức giống như Đức Bổn Sư của chúng ta. Ngài ra đời trong giòng dõi cao sang, xuất gia lúc tuổi thanh xuân, hành trình tu tập của Ngài là một hành trình chẳng những có dấn thân mà đạt đến chỗ cùng tận của bất cứ ai từng dấn thân. Thế rồi từ con đường trung đạo Ngài đạt thành quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Những năm hoàng đạo của Ngài được ghi lại rất rõ chi tiết trong kinh điển. 80 tuổi Ngài viên tịch ở giữa hai cây long thọ. Cuộc đời Ngài tròn đủ viên mãn, đẹp, đó là kết tinh của phúc của đức, và cuộc đời đó ở trong kiếp chót là một sự thể hiện trọn vẹn.

Chúng ta biết một số chi tiết về Chư Phật có những điều giống nhau là tất cả Chư Phật Chánh Đẳng Chánh Giác đều sanh ra bởi một người phụ nữ, mà người phụ nữ đó vốn là mẹ của Ngài trong nhiều đời. Nhưng một khi người phụ nữ trở thành Phật Mẫu tức là sanh ra vị Phật tương lai thì người phụ nữ đó kể từ lúc thụ thai không còn có bất cứ một ý nghĩ vẩn đục nào về sự ham muốn nhục dục và có mối quan hệ với người đàn ông khác kể cả chồng. Do vậy như một thông lệ của Chư Phật tất cả Phật Mẫu ở trong thời quá khứ, hiện tại, vị lai sau khi hạ sanh vị Phật tương lai thì họ không thể sống ở trần gian này như một phụ nữ bình thường, như là một người vợ, như là một người phụ nữ mà chúng ta thấy trong vai trò Hoàng Hậu Maya như một vị Hoàng Hậu, do vậy Hoàng Hậu Phật Mẫu đã từ trần sau khi bà sanh Thái Tử. Chẳng những vậy mà chúng ta được biết thêm là tất cả Chư Phật đều có một thời niên thiếu với một trí tuệ rất mẫn tiệp, một thân thể cường tráng có 32 đại trượng phu tướng, và đời sống của Chư Phật là đời sống cực kỳ sung mãn với phước báu trước khi xuất gia thành đạo, bởi vì kiếp cuối cùng trước khi thành Phật thì đó là kết tinh của bao nhiêu là phước đức do đó các Ngài không có một cuộc sống như bất cứ ai khác. Ở trong các vị Thánh đệ tử của Đức Phật có người thời niên thiếu tương đối xung túc như là Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên nhưng cũng có những vị Thánh đệ tử có đời sống niên thiếu như là tôn giả Sumita xuất thân là một người hạ tiện, Angulimala là một tướng cướp, Ambapali là một kỹ nữ v.v...nhưng riêng với vị Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài đã như một giòng nhật nguyệt xuất hiện giữa trời cao sang lồng lộng rực rỡ, và đời sống của Ngài từ thời niên thiếu là một đời sống rất trọn vẹn, chúng ta cũng hiểu rằng không những Ngài có đời sống viên mãn với đời sống cá nhân mà Ngài còn có viên mãn về quyến thuộc, Ngài có những phúc đức đại đức về quyến thuộc, Ngài không phải sanh trong một gia đình mà cha là người kém đức mẹ là người kém đức, Ngài không thể sanh ra trong một gia đình mà gia đình đó là một gia đình sống bằng tà mạng. Bởi vì sao? Bởi vì quyến thuộc của Chư Phật đều là những người đã cùng Ngài đi một cuộc hành trình dài và những quyến thuộc đó dù là cha dù là mẹ và những người kề cận thường là những người đã chia sẻ với Ngài rất nhiều ảnh hưởng bởi sự tu tập của Ngài. Do vậy ở đây chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Hoàng Hậu Maya vô cùng nhân đức vô cùng hiền hậu, vua Tịnh Phạn là vị minh quân, Di Mẫu Maha Pajapati Gotami là một người phụ nữ tuyệt vời về sau này trở thành một vị ni trưởng đầu tiên trong đạo Phật.

Chúng ta cũng được biết, khi Ngài ra đời có những người và vật sanh cùng lúc với Ngài như là đại thọ bồ đề, như là Công Chúa A Du Đà La, như tôn giả Ananda, như con ngựa Kiền Trắc, tất cả mọi thứ hầu như là một cái gì sẵn sàng để chuẩn bị cho một sự thành tựu tối hậu, sự thành tựu sau cùng đó là sự thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chúng ta được biết rằng có biết rất nhiều những vị trong giòng tộc Thích Ca vốn có đầy đủ túc duyên, về sau này chúng ta biết là hầu hết những vị hoàng tử, và có những vị Đông Cung Thái Tử như là Thái Tử Nanda, Đông Cung Thái Tử Rahula được xuất gia theo Đức Phật đều thành quả vị giải thoát giác ngộ. Thì như vậy khi Đức Thế Tôn ra đời ở trong thưở thiếu thời của Ngài những người đồng sanh với Ngài, những người cùng lớn lên trong gia tộc của Ngài và bối cảnh bao chung quanh của Ngài chẳng những là sự kết tụ của đức và còn kết tụ của duyên, duyên ở đây là chúng ta nói duyên lành của nhiều đời nhiều kiếp. Khi Ngài trở về thành Ca Tỳ La Vệ, chúng ta ta nhớ rằng đã có bảy vị xuất gia theo Đức Thế Tôn ngoại trừ người thợ cắt tóc Upali ra thì những vị kia là những vị hoàng tử.

Trong ba đại nguyện của vị đại bồ Tát khi tu tập trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác đó là tự độ bản thân tức là tự giác tự thân mình giác ngộ, hai là giác tha là cứu độ chúng sanh và điều thứ ba là tế độ quyến thuộc. Bởi vì công hạnh ba la mật của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác lớn hơn bất cứ những ai có thể tưởng tượng trong cuộc đời này, khi Ngài tu tập balamật hạnh có đủ khả năng xả bỏ tất cả những gì thuộc ngoại thân, thuộc về tứ chi để tu tập ba la mật, hạnh thuộc về mạng sống để tu tập ba la mật hạnh, và để làm được như vậy, thí dụ như trong năm vóc đại thí thì Ngài phải nhờ đến sự trợ duyên của vợ con, của cha, của mẹ, những người đã chia sẻ đến Ngài trong một quá trình dài.

Và do vậy, chúng ta hôm nay đặt chân trở lại thành Ca Tỳ La Vệ đứng đó mà có thể đem tâm tư đưa chúng ta về thời quá khứ một thời quá khứ xa xưa, 26 thế kỷ về trước có những con người đã từng sống ở nơi này, họ là những người đã có túc duyên nhiều đời nhiều kiếp cùng nhau tu tập cùng nhau tài bồi công hạnh ba la mật. Và cuối cùng vị dẫn đạo chính là Đức Thế Tôn của chúng ta đã tìm ra ánh sáng giải thoát vô thượng và chính giòng Thích Ca thấm nhuần đạo cả khi Ngài trở về thành Ca Tỳ La Vệ. Và khi chúng ta tưởng tượng hình ảnh đó thì chúng ta thấy rằng một vị Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời không đơn thuần là bản thân của Ngài là vị viên mãn phước báu và những thân bằng quyến thuộc và tạo nên một bối cảnh trong trường hợp này là cả một vương quốc của giòng Thích Ca có đầy đủ những điều chúng ta gọi là phúc là đức là duyên là hạnh, những điều đó chúng ta được thấy rõ. Đó là vài điều chúng ta nói về kiếp chót của một vị đại Bồ Tát trước khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khía cạnh thứ ba đó là tâm thái của một vị Phật tương lai. Ngài đã ra đời như một bậc vĩ nhân. Bà James Allen, một nhà nhân chủng học Hoa Kỳ đã nói rằng; như tất cả những bậc vĩ nhân khi chào đời được những biểu hiện cao cả và Ngài ra đời với một sứ mệnh cao cả. Ở đây chúng ta không nói rằng bằng sứ mệnh cao cả, cái quan niệm sứ mệnh và thiên mệnh đó là sự an bày của Thượng Đế. Ở đây chúng ta nói về một bậc vĩ nhân, một con người sanh ra lớn lên và cuối cùng đạt thành quả bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi Ngài còn rất nhỏ Ngài sống bằng ánh mắt không biết khiếp sợ, đạo sĩ Asita là một vị đạo sĩ quắc thước đạo phong đến gặp Ngài lúc Ngài vừa chào đời ba ngày, khi Ngài được bồng ra để đạo sĩ Asita diện kiến, Ngài không một chút sợ hãi với một phong thái rất tự nhiên. Tinh thần đại hùng đại lực của Ngài biểu hiện từ thời rất nhỏ.

Ngài cũng được xem như là một người có khả năng trầm tư, sự trầm mặc là một điều hiếm thấy ở một đứa trẻ. Vào năm Ngài lên bảy tuổi một lần theo vua cha ra đồng ruộng để dự lễ Hạ Điền, trong lúc mọi người đang tưng bừng theo dõi những tiết mục của buổi lễ, Ngài ngồi ở dưới bóng cây trâm Ngài trầm tư, ở trong tư thế trầm tư đó Ngài đã đưa tâm tư của Ngài vào mức định lực mà bấy giờ được kể là sơ thiền khiến cho vua Tịnh Phạn quay trở lại nhìn thấy đứa con yêu qúi của mình ngồi dưới cội cây vững trãi như một ngọn núi mà khuôn mặt trầm tư tịnh tịch, nhà vua không thể tự chủ được chắp tay lên xá Thái Tử, đó là lần thứ hai nhà vua đã làm như vậy mặc dù biết đó chính là đứa con của mình.

Ngài cũng được kinh điển mô tả là có một tâm hồn cực kỳ từ ái bi mẫn thuần hậu, chuyện này rất dễ hiểu, Ngài đã sống nhiều đời như vậy, nhiều kiếp như vậy, sống quan tâm đến người chung quanh Ngài. Vua Tịnh Phạn rất sợ đứa con yêu qúi này nhìn thấy những cảnh người bịnh, người già, nhà vua đưa ra một luật cực kỳ nghiêm khắc là bất cứ ai bịnh cũng phải xa Thái Tử, những ai già cũng phải rời xa Thái Tử, một chiết lá vàng rơi ở trong vườn cũng phải sớm nhặc đi để Thái Tử không bao giờ phải bị xúc động trước những đau khổ của kiếp nhân sinh. Ngài được xem như là một người đặc biệt quan tâm đến nhiều người mặc dù chúng ta không tìm thấy trong Chánh Tạng, nhưng trong nhiều tác phẩm mô tả hồi còn nhỏ Ngài đã đem tâm tư của mình Ngài để binh vực cho một con chim bị Devadatta bắn hạ. Chúng ta cũng thấy rằng đời sống của Ngài là một đời sống có rất nhiều bi mẫn từ ái bố thí cho những người chung quanh.

Thì thưa quí vị, ngoài những khả năng này thì chúng ta còn thấy rằng Ngài thật sự nhạy bén với những cái gì đập vào trong mắt Ngài. Có bao nhiêu lần ở trong đời của chúng ta đã từng thấy những người già, những người bịnh và những người chết, nhưng chúng ta không thay đổi nhiều. Chúng tôi trong thời gian vừa qua thường có dịp đi theo Hoà Thượng đến bịnh viện, và mỗi tuần ba ngày Hoà Thượng đi lọc máu, ra chỗ lọc máu thì chúng tôi nhìn thấy có mấy mươi người ngồi ở trên những cái ghế, và khi lọc máu thì con người của chúng ta giống như một cái máy, người ta đặt một máy lớn rồi họ đặt ống vào trong người, máu lấy từ trong người ra đi qua một hệ thống lọc rồi đi ngược trở lại trong thân mình. Chúng tôi nhìn thấy bao nhiêu người ngồi đó lọc máu, hình ảnh đó rất khác với những hình ảnh đập vào mắt chúng ta khi đi ngang một tiệm uống tóc, người ta ngồi để hớt tóc để làm đẹp hay là ở bất cứ nơi nào khác. Ở chỗ lọc máu thì tất cả những người đó đều bị bịnh. Có những lần trong lúc Hoà Thượng đang lọc máu, chúng tôi đứng đó và chúng tôi tự hỏi là tâm thức của chúng ta đã cảm nhận bao nhiêu về tính chất của đời sống, cái thân con người mỏng mảnh như vậy, phù du như vậy, hứng chịu bao nhiêu cái đau khổ như vậy. Thí dụ như Đức Phật Ngài nói rằng thân của con người là một ổ bệnh tật, ở đó có trăm muôn ngàn thứ bịnh. Chúng ta đến đó chúng ta sẽ thấy rất rõ. Nhưng những điều đó nếu nó có tác động được ý thức của chúng ta thì ở trong những giây phút nào đó chúng ta không thể làm được quyết định lớn như Ngài. Chúng ta tưởng tượng như vầy, một người sống ở trong cung vàng điện ngọc mà chỉ cần một lần thấy người già, một lần thấy người bịnh, một lần thấy người chết, một lần thấy vị samon đã làm một quyết định thay đổi hoàn toàn đời sống của mình, đó là quyết định lớn chứ không nhỏ. Thí dụ đó cho chúng ta thấy về cái khả năng nhận thức chẳng những mau lẹ và đầy quyết tâm, nó cũng nói lên hình ảnh của một vị Phật tương lai một người giác ngộ sự thật và sống với sự thật như thế nào.

Chúng tôi nói với qúi vị rằng ở trong kinh điển thật ra không có nhiều đoạn để mô tả về thời niên thiếu của Đức Phật, nhưng những mảnh rời mà chúng ta được tìm thấy đó đây ở trong chánh kinh, ở trong bản sớ giải, thì cũng đủ cho chúng ta hiểu rằng Ngài đã sống một thời niên thiếu nhiều phúc nhiều đức và Ngài đã ra đời với bao nhiêu là duyên lành, duyên lành từ quyến thuộc, duyên lành từ người từ vật để sẵn sàng chào đón quả vị toàn giác ở trong tương lai. Chúng ta cũng được biết rằng Ngài là một người mà với một tâm thái đầy từ bi đầy trí tuệ. Trong kinh điển còn cho chúng ta biết nhiều về sức mạnh của Ngài, về tài năng của Ngài, về trí tuệ của Ngài. Nhưng nói tóm lại là bản thân của Ngài là một vị hoàng tử hấp thụ được một nền giáo dục xứng đáng với một ông hoàng, có thể còn hơn thế nữa bằng tình thương bằng sức kỳ vọng của vua cha, và thời niên thiếu đó là những thời kỳ sống ở trong nhung lụa sống ở trong cái gì tuyệt đẹp của trần gian này. Nhưng tất cả đã không cột được chân của Ngài, tất cả đã không làm mờ mắt Ngài. Và cuối cùng từ đời sống đó, Ngài trội dậy và đi tìm một hướng mới, một hướng hoàn toàn khác, đó là một cuộc đời vô tiền khoáng hậu. 26 thế kỷ qua rồi chưa có một vị giáo chủ của tôn giáo nào, chưa có một cá nhân nào có cuộc sống viên mãn tròn đầy như Ngài. Người ta không tưởng tượng được rằng có một ông hoàng xuất gia và xuất gia ở trong thời kỳ niên thiếu như vậy, nhưng điều đó không có gì ngạc nhiên với một vị Phật tương lai.

Chúng ta cũng nên nói thêm về các điểm này, ở trong thưở thiếu thời là bối cảnh Ấn Độ thời bấy giờ là một bối cảnh của balamon giáo, balamon giáo chẳng những ngự trị ở trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống từ những nghi lễ hàng ngày trong một gia đình bình dân cho đến lễ Hạ Điền hay lễ đăng quang cho một vị quốc vương trong nước, chúng ta cũng nghiệm thấy là những nghi lễ những hủ tục của Ấn Giáo đã in đậm đã phổ cập và đã trở thành một cái gì đó bất khả phân ở trong đời sống người Ấn Độ thời bấy giờ. Nhưng chúng ta qua tất cả những gì được ghi lại về sự suy nghĩ của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì chúng ta không thấy rằng những tư tưởng của Vệ Đà, những cổ tục của Ấn Giáo, của Balamon giáo đã bao trùm đã cột trói Ngài. Trong bài kinh Thánh Cầu của Trung Bộ Kinh kể về một suy tư của Ngài, Ngài suy tư rằng bản thân của mình bị sanh, bị già, bị đau chết chi phối sao lại đi tìm cầu cái sanh già đau chết chi phối, những suy tư đó có thể nói rằng là những cái suy tư vượt trên những cái suy tư thời bấy giờ, ngay cả khi Ngài rời bỏ hoàng cung ra đi thì một lần nữa xác định rằng Ngài là người đi tìm sự thật chứ không phải đi tìm một thứ đạo mà do truyền thống do văn hóa hay là do cái gì khác tạo ra thời bấy giờ.

Thật ra thì chúng ta cũng hiểu là một vị Hoàng Tử đã hấp thụ một nền học thuật thời bấy giờ cao nhất đó là bộ tam Vệ Đà, kinh Veda là kinh điển của Ấn Giáo. Kinh điển của Ấn Giáo đã có mặt ở châu thổ Ấn Hà một thời gian rất dài xa xưa, có thể nói ba, bốn, năm ngàn năm trước và những tác phẩm đó là những tác phẩm rất đẹp, đó là những áng văn hoa mỹ nói về Thượng Đế, nói về sự ca ngợi Thượng Đế, nói về quyền năng của Thượng Đế, nhưng mà chúng ta không nhìn thấy những điều này để làm một dấu ấn nào trong đời sống trong tâm tư và ở trong suy nghiễm kỹ của vị Hoàng Tử trẻ này hết. Những suy nghĩ của Ngài trước khi đi xuất gia và sau đó đều là những suy nghĩ rất thực dụng rất rõ ràng, Ngài đối diện với cái khổ của bản thân Ngài, cái khổ của kiếp nhân sinh, Ngài đối diện với những phiền não và Ngài tìm ra một phương cách để giải thoát những điều đó, chúng ta không tìm thấy một màu áo hay là một sợ giây ràng buộc nào cột chặt hay là nhuộm tâm tư của vị Hoàng Tử tuổi trẻ này, chúng tôi nghĩ đó là một ở trong những phong thái của một vị Phật tương lai.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận là cuộc sống của Ngài là một cuộc sống tuy rất giàu lòng bi mẫn, nhưng có nhiều người vì thương đời mà lại đánh mất đi cái ánh sáng của trí tuệ, Ngài thương đời nhưng ánh sáng trí tuệ ở trong Ngài vẫn rực rỡ. Khi Ngài đến với hai vị Thầy đầu tiên như chúng ta được biết Ngài đạt đến cái sở đắc sở chứng của những vị này, nhưng Ngài sớm nhận thấy rằng những điều đó đã không đạt đến cứu cánh mà Ngài mong muốn hành trình của Ngài phải đi xa hơn và vượt ra ngoài những thứ đó. Cái khả năng đó là một ở trong những đặc điểm của vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Chưa viên thành quả vị Vô Thượng thì Ngài không thể vướng mắc với những thứ gì gọi là giá trị nhất của trần gian dù đó là cung vàng là điện ngọc, dù đó là những pho Thánh điển, hay dù đó là những sở đắc sở chứng của những vị đại giáo chủ thời bấy giờ. Khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh như vậy thì chúng ta nhìn thấy hình ảnh rất độc lập, sự độc lập trong suy tư, sự độc lập trong tiềm thức, và sự độc lập đó là một điểm rất đặc biệt là tại sao Ngài đã đặt hai chân của Ngài lên trán của đạo sĩ Asita với thái độ không biết sợ là gì, vì sao vậy, vì Ngài là kết tinh của tất cả ba la mật hạnh đã huân tập từ vô lượng kiếp.

Và thưa qúi vị, đoá hoa sẵn sàng để nở tuy là một đóa hoa còn trong thời kỳ hàm tiếu nhưng đủ đẹp, đủ uy dũng, đủ tôn nghiêm cho chúng ta thấy rằng đời sống thời niên thiếu thuở thiếu thời của Ngài rất khác với bất cứ ai khác đó là một đời sống chẳng những trọn vẹn mà đã có những biểu hiện phi thường mà mãi về sau này đúng như lời vị đạo sĩ Asita nói, Ngài đã ra đời thành tựu điều cao qúi nhất và trở thành một vị Vô Thượng Y Vương ở trên thế gian này./.