dieuphap.com
Trang chính
1. Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến bóng tối (tamo hoti tamaparāyano)? 2. Thế nào là hạng người bóng tối hương đến ánh sáng (tamo hoti jotitarāyano)? 3. Thế nào là hạng người ánh sáng hướng đến bóng tối (joti hoti tamaparāyano)? 4. Thế nào là hạng người ánh sáng hướng đến ánh sáng (joti hoti tamaparāyano)? TT Giác Đẳng giảng : Đề tài ngày hôm nay là một đề tài có lẽ chúng ta được nghe trong nhiều pháp thoại trước đây và đề tài này cũng đã được giới thiệu nhiều ở trong Tạng kinh đặc biệt là bộ Tăng Chi. Nói đến trí hướng thì từ cổ chí kim, từ đông sang tây, người ta đều nhấn mạnh đến một điều; con người sống muốn có tương lai sáng lạn thì người đó phải lập trí, phải nuôi trí lớn. Nhưng nói như vậy thì thật sự chỉ có phân nửa câu chuyện, ít khi người ta có định nghĩa xác thực thế nào là thành công ở trong cuộc sống. Lấy ví dụ như tại Trung Hoa người ta nói "Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương", người ta trọng khoa bản, trọng học vị địa vị ở trong xã hội. Người Việt Nam cũng ảnh hưởng nền văn hóa Khổng Mạnh nên các gia đình Việt Nam cũng chú trọng về vấn đề khoa bảng nhiều. Trong nhiều nền văn hóa người ta cũng có đặt để con người sống khi còn nhỏ nên có hoài bảo lớn lên là kinh ban tế thế "làm trai cho đáng nên trai, lên non non tịnh xuống đoài đoài yên". Người ta dựng lên hình ảnh lý tưởng nào đó để xem là hướng đi của con người. Chính thật, về điều này khi chúng ta học lời dạy của Đức Phật qua Phật Pháp thì chúng ta thấy Đức Phật Ngài có những lời dạy rất thực tiễn cụ thể, và Ngài cho chúng ta biết nhiều về sự chuyển hóa của con người ở trong sự giáo dục bản thân và cũng giống như sự giáo dục mà xã hội dành cho mỗi thành viên ở trong xã hội. Ở trong một thời đại mà ngành truyền thông càng ngày càng tinh vi phổ cập và loài người với dân số càng ngày càng đông, chúng ta có thể đi từ nơi này sang nơi khác, thì chúng ta thấy rõ ràng một điều là sự chuyển hóa cuộc sống từ chỗ đứng này bước sang chỗ đứng khác, từ vị thế này bước sang vị thế khác, nó không còn là một định đặt cố hữu mà xã hội bắt buộc người thế này phải thế này người thế kia phải thế kia. Chúng tôi lấy một ví dụ là, ngày xưa chúng ta có một số những kiểu mẫu như: "con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa". Chúng ta có một số mô hình là người sống ở thành thị thì con cái lớn lên nó sẽ thế này, người sống ở miền quê lớn lên con cái sẽ thế kia. Hay là, người sống ở trong nước thì họ sẽ như vậy và người có điều kiện du học họ sẽ thấy khác. Riêng đối với người Việt Nam thì qua bao nhiêu biến động của năm 1975 trở về sau này chúng ta có được dịp nhìn thấy những cơ hội mở ra cho tất cả mọi người. Lấy ví dụ như ngày xưa ở Việt Nam có người sanh ra thừa hưởng một gia tài lớn hay có địa vị chức quyền trong xã hội, hoặc giả là sống ở Sàigòn thì tương đối có nhiều điều kiện tiến thân hơn. Nhưng mà rồi trong những làn sóng di dân làn sóng tị nạn sang Hoa Kỳ nhiều khi từ thợ lên thầy, từ thầy xuống thợ. Chuyện đó chúng ta thấy rất bình thường. Có những vị đã từng làm tướng lãnh coi cả sư đoàn lớn mà qua đây làm gác dan, rồi có những người từ một binh nhì rất bình thường chịu khó dành dụm tích cực làm ăn họ cũng có cơ sở thương mại ăn lên làm ra. Cuộc sống ngày hôm nay và đặc biệt xã hội Hoa Kỳ cho chúng ta thấy được cái khả tính của con người trong sự thay đổi, người ta gọi đó là "American Dream-Giấc mơ của Hoa Kỳ". Giấc mơ đó là giấc mơ cho những người di dân ngày xưa đến từ Âu Châu và sau này đến từ tứ xứ, người ta đến một vùng đất xa lạ và ở trong vùng đất xa lạ đó họ tháo bỏ những định đặt của xã hội cũ và để bắt đầu làm lại một cuộc sống mới và từ chỗ này họ hoàn toàn có quyền quyết định là họ chọn cái gì, họ muốn làm gì. Những thí dụ về xã hội Hoa Kỳ và những thí dụ về các quốc gia trên thế giới ngày nay và ngay cả chính ở những vùng đất như Việt Nam, Cambuchia, Thái Lan v.v... thì nó mở cho chúng ta rất nhiều những bối cảnh mới mà qua đó mỗi con người có khả năng để lựa chọn hướng đi của mình. Có những người sanh ra rất giàu có họ có nhiều điều kiện tốt nhưng cuối cùng thì cuộc đời đi xuống. Cũng có những người chịu khó, học xong được bằng cấp họ cũng tự lập cho mình một chỗ đứng vững vàng ở trong xã hội. Có lẽ điều này là một ở trong những thách đố lớn nhất ở trong xã hội đương đại mà nó lại là một điều làm cho người ta dễ dàng để phấn đấu. Chúng ta nhớ rằng, trong lịch sử loài người Đông cũng như Tây như ở thời Trung Cổ bên Âu Châu hay thời xưa ở Việt Nam có trường hợp của ông Đào duy Từ chẳng hạn. Ông Đào duy Từ là một vị tướng lãnh đã đắp lũy Trường Dục là một thành quách lớn gọi là Lũy Thầy. Sở dĩ Chúa Trịnh không dùng ông vì ông xuất thân là con của một người diễn viên trong một đoàn hát, mà thời đó thì người ta nói xướng ca vô loại, nếu xuất thân từ giai cấp như vậy thì không cách gì lên làm tướng được, về sau này ông đã chứng tỏ ông là người có tài và được Chúa Nguyễn ở đàng trong xử dụng. Ngày đó chúng ta nghe bài hát "trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân, nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có chồng anh tiếc lắm thay." Đó là câu chuyện của người xưa. Thì cho chúng ta thấy rằng dầu rằng Đông cũng như Tây, kim cũng như cổ thì những nề thói xã hội áp đặt lên con người là lớn chứ không phải là nhỏ, ngay cả những quốc gia tương đối thoáng nhất, những quốc gia mà có sự mở rộng nhất thì cũng phải nói rằng người từ giai cấp thấp để mà vượt lên cũng tương đối hiếm hoi. Chúng ta nói như vậy để thấy rằng con người mà từ chỗ đứng của mình sanh trong một gia đình như vậy, giai cấp như vậy, hoàn cảnh như vậy để mà chuyển hướng thì ngày nay chúng ta có nhiều cơ hội hơn là người thời xưa, nhất là với nền giáo dục hiện nay và với xã hội mở rộng nền kinh tế hiện nay. 1. Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến bóng tối (tamo hoti tamaparāyano)? Bây giờ chúng ta nói sang một lãnh vực khác, thì phải nhận rằng bối cảnh của gia đình là một thuận duyên tốt để phát triển mặc dầu chúng ta không nói đến giai cấp, giai cấp là một quan niệm xã hội có tánh cách ước lệ, nhưng chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng người ta có những thống kê ví dụ như đa số những bậc vĩ nhân, (đa số chứ không phải là tất cả) một con số lớn xuất thân từ giai cấp trung lưu. Giai cấp trung lưu sản sanh ra những bậc vĩ nhân nhiều nhất. Những giai cấp quá giàu hay quá cao thì thường con người lại bị lạc lõng và những giai cấp quá thấp lại bị chèn ép, nhưng giai cấp trung lưu lại là giai cấp sản sinh ra những người tương đối có nhiều khả năng vượt trội trong tương lai. Thời Đức Phật còn tại thế thì người ta có dùng chữ thiện sanh, thiện sanh-sujata để chỉ cho những người sanh ra trong gia đình lương hảo có một nền giáo dục tương đối tốt, lớn lên với điều kiện tốt để học hỏi hấp thụ, để trở thành một người tốt trong xã hội, và Đức Phật Ngài đề cập đến những người này gọi là Kulaputta, trong kinh chữ Hán gọi là thiện gia nam tử, là những thiện nam tử những thiện nữ nhân. Khi nói đến thiện gia nam tử, thiện nữ nhân là những người tương đối có nhiều điều kiện tốt để trở thành một vị samon xuất sắc. Lấy ví dụ như từ trong một gia đình lương hảo rồi lớn lên có trình độ văn hóa, người đó có ngoại hình không xấu xí, ngũ quan đầy đủ và tương đối là một người dễ dàng được tôn kính được đón nhận ở trong xã hội. Thì những bậc thiện gia nam tử như vậy đến rất nhiều ở trong giáo pháp của Đức Phật, chúng ta nói đến những bậc đệ tử trưởng tràng, những bậc đệ tử ưu tú, những bậc trác biệt ở trong giáo pháp của Đức Phật như là Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Ananda v.v.... thì những vị đó đều có những yếu tố mà Đức Phật gọi là thiện gia nam tử. Nhưng Đức Phật Ngài không nói về điều đó như là một điều chỉ có những người đó mới tu được. Đức Phật không nói như vậy. Ngài chỉ nói là những người đó có những lợi thế để trở thành một vị samon xuất sắc. Chúng ta phải nhận một điều rằng có những tiền khiên tật mà hồi còn nhỏ nó ảnh hưởng đến khi lớn. Chúng tôi lấy một ví dụ như vầy là có nhiều khi một người hồi còn nhỏ xuất thân từ trong gia đình quá nghèo thì lớn lên vào chùa tu bị cái bịnh là hay chất chứa. Bịnh chất chứa không phải là vì người đó tham lam nhiều, cũng có tham trong đó, nhưng đại khái là bị mặc cảm nghèo, cái sợ nghèo. Còn những người hồi còn nhỏ họ sống trong gia đình sung túc khi họ vô chùa dù đời sống trong chùa không có sung túc nhiều nhưng họ không lo lắng về tiền bạc tại vì họ không có thói quen lo lắng chuyện đó, hồi còn nhỏ họ không bị thiếu thốn. Chúng ta biết là có những nhà văn hào lớn, có những khuôn mặt lớn về tài chánh như là tỉ phú chẳng hạn mà vẫn bị cái nghèo hồi tuổi thơ ám ảnh. Ông Freud, một nhà tâm lý học người Áo, ông có nói một điều là những tâm thái của tuổi thơ nó ảnh hưởng suốt cuộc đời. Chúng ta thì không xem những điều đó là điều nhất thiết nhưng chúng ta cũng không phủ nhận rằng cái xuất thân của chúng ta thì ảnh hưởng nhiều. Tại Hoa Kỳ có một vài trường hợp rất đặc biệt. Ví dụ, người Mexico sang Mỹ tương đối lâu nhưng họ không chú trọng về vấn đề khoa bảng như người Á Châu, do vậy trong thống kê thì thấy rằng cộng đồng người Mexico tại đây mức tăng vọt về giai cấp trung lưu tương đối ít. Thường thường cha làm việc tay chân lao động thì người con lớn lên cũng lao động tay chân. Nhưng ngược lại có một điểm thú vị đó là người Việt Nam tại Mỹ thì con đi học đại học nhiều, có nhiều gia đình cha mẹ không rành tiếng Anh không có bằng cấp nhưng con lớn lên đi học thì vẫn khuyến khích con vào đại học tối thiểu ra trường thì cũng có bằng cử nhân hay là MPA, hoặc giả là học cao hơn như là bác sĩ luật sư cũng có, mặc dầu cha mẹ không phải là luật sư bác sĩ. Và chúng ta cũng thấy cái mẫu số vẫn thường có trong các gia đình Việt Nam, ví dụ như chùa Pháp Luân có một gia đình Phật tử mà người anh là nha sĩ thì kéo theo đàn em làm nha sĩ luôn, và nhiều trường hợp cha mẹ là bác sĩ thì con cũng là bác sĩ. Chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều là trong môi trường nào thích hợp thì nó dễ khiến cho con người nuối tiếc cái nấc thang xã hội mà gia đình đã tạo được, hay hoặc giả là sự hun đúc từ hồi còn nhỏ. Chúng ta nói một cách khách quan ở tại đây là Đức Phật Ngài không phủ nhận những hiện tượng có tánh cách xã hội đó, Ngài chỉ cho chúng ta biết rằng sự tình có thể xảy ra là xảy ra ở nhiều điều kiện và qua những gì mà Ngài ghi nhận thì cho chúng ta những bài học lớn. Ví dụ như có những người từ chỗ tối đi đến chỗ tối. Điều này chúng ta thấy rất là thường nhiều ở trong các hình thái xã hội mà chúng ta được biết. Trong một thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng những nước như ở Phi Châu hay những nước vốn là thuộc địa thì sự phát triển về kinh tế xã hội tương đối chậm hơn, chậm là tại vì họ tiếp nối di sản về văn hóa về tinh thần của những người đi trước và để có một cuộc thay đổi có tánh cách triệt để thì tương đối hơi chậm. Chúng tôi lấy ví dụ là Phi Châu là vùng đất hoang dã chậm tiến, người Âu Châu đến đó khai hóa nhưng trong sự khai hóa mang tính bóc lột và từ sự khai hóa đó nhưng thật ra họ biến nơi đó thành thuộc địa, những vùng đất mà ngày nay chúng ta nghe như Maroc, Algeria, Sénégal, những vùng đất đó ngày xưa là những vùng đất thuộc địa và những người thổ dân bị nô lệ hóa, nô lệ về mặt tôn giáo, nô lệ về mặt tín ngưỡng, nô lệ về mặt kinh tế, bị lệ thuộc vào rất nhiều thứ, do vậy khi họ dành được độc lập thì sự phát triển đó cũng chậm hơn những quốc gia không phải trải qua những trường hợp như vậy. Thì về điều này chúng ta thấy phần đông là khi còn nhỏ mà sanh ra ở trong một gia đình bị chi phối về điều kiện kinh tế rất eo hẹp thì dĩ nhiên là phương diện văn hóa cũng eo hẹp về nhiều thứ, người Việt Nam có câu "cái khó bó cái khôn" thành ra không phải tư chất là thiếu văn minh nhưng vì nghèo quá thì tự nhiên có vấn đề. Ví dụ, nước Việt Nam dù muốn dù không đi nữa thì có một thời gian dài bị đô hộ bởi người Pháp, có thời gian dài bị chiến tranh, và bây giờ chúng ta sống trong chế độ đảng trị thì cũng phải nhìn nhận rằng cảm xúc của chúng ta có nhiều cái hơi mất quân bình. Chúng ta dễ vui dễ buồn, chúng ta dễ bị phân hóa, chúng ta dễ bị nghi kị, và chúng ta dễ rơi vào trong rất nhiều trường hợp tâm thái không điểm đạm. Ở đây không phải nói rằng người Việt Nam chúng ta dở hơn dân tộc khác, chúng ta có những cái rất xuất sắc, có những cái rất thông minh, nhưng chúng ta phải nhìn nhận trên phương diện vui buồn thì nhiều khi chúng ta dễ vui và dễ buồn. Thì nói tóm lại, con người mà sống trong điều kiện tương đối hẹp từ thời nhỏ và từ sự hẹp trong gia đình cho đến bản thân thì có nhiều khi vì thiếu tiện nghi hay là ngũ quan không đầy đủ hay là bị khuyết tật. Nói chung, một người bị nhiều sự bất lợi từ lúc còn nhỏ mà để lột xác để thoái thai tự mình chuyển sang một lối đi sáng sủa hơn thì người đó đòi hỏi, chúng ta tạm gọi là một cuộc cách mạng lớn, một ý chí phi thường. Điều đó có chứ không phải là không có. Đức Phật Ngài cho chúng ta biết người sanh ra trong tối có nhiều khi họ đi đến chỗ tối là thường. Ờ đây, Đức Phật Ngài không nói ít hay nhiều mà Ngài chỉ nói: Điều đó, Đức Phật Ngài dạy mà Ngài không đưa ra một định kiến là cái này nhiều cái kia ít, nhưng chúng ta hiểu phần đông là con người sanh ra từ chỗ tối thì đi đến chỗ tối. 2. Thế nào là hạng người bóng tối hương đến ánh sáng (tamo hoti jotitarāyano)? Từ chỗ tối đi đến chỗ sáng thì chúng ta phải nhìn nhận trong một số các hình thái xã hội đặc biệt ở tại Hoa Kỳ lại cho chúng ta hình ảnh rất đẹp. Chúng tôi lấy ví dụ như là đất nước Hoa Kỳ chỉ có vọn vẹn 300 năm mà người ta xây dựng một quốc gia hùng cường vào bậc nhất thế giới, là tại vì xã hội này bảo đảm sự tự do phát triển của mỗi cá nhân. Chúng tôi không nói qua định cư ở Hoa Kỳ thì ai muốn làm sao cũng được nhưng mình phải nhìn nhận rằng có những người ban đầu họ khởi sự rất bình thường như ông Steve Jobs một người sáng lập ra công ty Apple mà ngày nay có Iphone cho chúng ta sài, ông lập công ty Apple từ trong một garage nhỏ ở San Francisco. Lúc bấy giờ mà so sánh với hãng IBM thì thật sự hai anh thanh niên nhỏ chế ra những cái computer trong garage mà so với công ty IBM thì không có nghĩa gì hết, nhưng ngày nay thì công ty Apple đã qua mặt công ty IBM. Điều đó cũng nhắc cho chúng ta thấy một sự kiện đó là người Mỹ ở xã hội Hoa Kỳ là xã hội họ không thích hay họ không chủ trương sự áp đặt có tánh cách lời nói quan lại thư lại mà thay vào đó là có luật chơi công bằng, nếu một người chịu khó, nếu một người có tinh thần sáng tạo, có thực tài, thì người đó vẫn có thể vương lên được. Riêng trong Đạo Phật thì Đức Phật Ngài không nói rằng cái sáng cái tối ở đây nó chỉ thuần có nghĩa là tầm thường, thành công hay địa vị thấp, địa vị cao. Ngài không nói như vậy. Ngài chỉ gọi chỗ "tối" ở đây là cái hoàn cảnh bất lợi khi sanh ra, thí dụ như nhà nghèo, ví dụ như khuyết tật, thí dụ như trong gia cấp thấp, nhưng chỗ "sáng" ở đây thì Đức Phật Ngài cho chúng ta một ý tưởng hoàn toàn khác, chỗ "sáng" ở đây Ngài không nói rằng người đó đạt bằng cấp cao hay người đó thế này thế kia, có địa vị trong xã hội. Mà cái "sáng" ở đây Đức Phật dạy rằng người đó đã thể hiện được thiện pháp ở trong đời sống của họ. Chúng tôi có dịp đi cứu trợ bên Miến Điện, đi cùng với chúng tôi có mười mấy người Phật tử. Chúng tôi về những vùng để cứu trợ đó có cảm giác rất lạ lùng, chưa bao giờ đi đâu cứu trợ mà cảm giác nó đến với chúng tôi như vậy. Tất cả là 17 người ở trong đó có vài ba vị xuất gia còn lại là Phật tử đi về một nơi rất nghèo, rất hẻo lánh mà Việt Nam gọi là vùng sâu vùng xa. Nơi đó những người dân chân lấm tay bùn, nghèo khổ hoang dã, khi chúng tôi đến đó thì thấy cái chất của Phật Pháp cái chất của đạo của thiện tâm của những người đó ngời sáng, họ sáng trong sự thành thật của họ, ở trong tấm lòng của họ đối với Tam Bảo và họ tỏa sáng trong thiện pháp. Khi chúng tôi nhìn thì có thể nói chúng tôi có ít sự so sánh, nhưng phải nói số mười mấy người đến từ Úc từ Âu Châu từ Hoa Kỳ sang cứu trợ thì nếu đem những người này so sánh với những nạn nhân của thiên tai, thì những người từ Úc, Hoa Kỳ, Âu Châu qua nếu được chăng thì được về phương diện từ các quốc gia tương đối có tiền bạc hơn nhưng về đạo tâm về tư cách về chất thiện thì không thể so sánh với những người ở vùng quê đó được. Chúng tôi lấy ví dụ là họ có thể ngồi nghe Chư Tăng thuyết pháp trong thời gian một tiếng rất trang nghiêm thanh tịnh và bằng một thái độ rất cung kính là chúng tôi hiểu rằng Phật Pháp ở trong lòng họ có rất nhiều. Vì vậy những điều đó khiến cho chúng tôi nhớ đến Đức Phật Ngài dạy rằng có những người sanh ra ở trong bóng tối họ đi đến chỗ sáng, thì ở đó chúng tôi thấy rõ ràng là những người đó là những người miền quê những người sống ở những vùng hẻo lánh xa xôi nhưng nhờ vào Phật Pháp nhờ chất thiện ở trong lòng họ làm cho họ tỏa sáng. Thì thật ra trong phái đoàn ai cũng thương họ. Và chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng ngày nay ở giữa thành phố rất lớn có cuộc sống xã hội cực kỳ tinh vi, tinh vi về kỹ thuật, tinh vi về luật pháp, tinh vi về hệ thống phương tiện mà có những con người mà người ta gọi là những con quái vật, họ làm bao nhiêu những tội ác đối với xã hội là vì ở trong lòng họ không có chất thiện. Thì như vậy khi Đức Phật Ngài nói rằng từ chỗ sáng đi đến chỗ tối, Ngài không nói rằng con người từ địa vị từ hoàn cảnh giai cấp thấp đến giai cấp cao, Ngài không nói như vậy, nhưng Ngài nói rằng: lẽ ra con người sanh ra trong nền giáo dục bị hạn chế như vậy thì họ không thể có được một tâm hồn hướng thượng hướng thiện cao như vậy, nhưng chuyện đó có, ở trong lịch sử của con người, có những con người tương đối rất gần với chúng ta, chúng tôi nói ví dụ như là tiến sĩ Ambedka, ông là một người xuất thân từ giai cấp cùng đinh của xã hội Ấn Độ, ông vươn lên trở thành một luật sư nổi tiếng và là người viết ra hiến pháp của Ấn Độ, là người đã đưa hàng triệu người Ấn Độ trở về với Đạo Phật. Thì Đức Phật Ngài trong lời nói rất giản dị của Ngài, Ngài đã khẳng định một điều rằng cái cá thể của người sanh ra trong một giai cấp cùng đinh (sumìta) được phép vào trong giáo pháp là tại vì Ngài thấy rằng cái tiềm chất tu tập để trở thành một người tốt có chứ không phải là không có. Và về điểm này thì Đạo Phật đã mang lại một niềm hi vọng rất lớn cho rất nhiều người vì cái khả thể đó chứ không phải Đức Phật Ngài nói rằng ở giai cấp nào thì vĩnh viễn ở giai cấp như vậy. Và cũng ngược lại, Đức Phật Ngài cho biết rằng một người sanh ra trong điều kiện sáng sủa tốt đẹp lẽ ra thì tương lai rất tốt đẹp, nhưng họ vẫn có hai hướng đi ở trong tương lai có thể xảy ra: 3. Thế nào là hạng người ánh sáng hướng đến bóng tối (joti hoti tamaparāyano)? 4. Thế nào là hạng người ánh sáng hướng đến ánh sáng (joti hoti tamaparāyano)? Đời sống con người không có ai dùng cái giàu, cái lợi thế của mình để bảo đảm hết. Chúng ta nhớ có một người Phật tử rất nổi tiếng trong lịch sử Đạo Phật đó là bà Visakha, có một lần bà thấy người cha chồng ăn cơm, thấy vị tỳ kheo đi khất thực ngang mà không để bát thì bà đã từng nói một câu là "thưa Ngài, Ngài hãy đi nơi khác, thân phụ chúng tôi đang dùng một thức ăn cũ" sau này người cha chồng bắt lỗi thì bà giải thích rằng một người sanh ra đời chỉ hưởng phước mà không tạo phước giống như ăn thực phẩm cũ, giống như ăn thực phẩm đời trước để lại. Thì chúng ta cũng phải nói rằng con người ngày hôm nay từ từ đi vào trong giai đoạn gọi là hưởng cái cũ mà không tạo nên cái mới. Cách đây nhiều năm Liên Hiệp Quốc đã làm một cuộc báo động lớn đó là, con người đã tự phá hủy hành tinh này bằng cách là không có tái tạo những gì mình đã lấy đi, thí dụ đốn cây trong rừng nhưng không biết trồng rừng. Rừng càng ngày càng bị tàn phá mà không được trồng lại. Ngày nay người ta kêu gọi recycle. Recycle là chúng ta dùng cái gì thì tái tạo lại cái chúng ta đã lấy đi. Luật thiên nhiên cũng vậy. Thật ra phước chúng ta làm ở trong đời sống cũng có hạn chế, nếu chúng ta hưởng hết phước thì khi hết phước mà không tạo thêm phước mới cũng giống như mình có tiền bạc mình ăn mà không làm gì hết. Thì thật sự trên phương diện nghiệp không có nghĩa là quả nghiệp cạn hay không cạn nhưng chúng ta đừng quên rằng nghiệp quá khứ chỉ cho chúng ta một phần của cuộc sống thôi, một phần còn lại của cuộc sống từ cái quả đó từ cái điều kiện mà chúng ta có chúng ta dùng nó để xây dựng một cái gì tốt đẹp hơn hay không. Giống như đồng tiền đến tay một người biết làm ăn thì từ tiền lời họ lấy lời đắp vào vốn và vốn càng ngày càng lớn, cũng có những người sài riết mất cả vốn luôn. Chúng ta thường nói người ta bán lúa giống, còn có người ăn cả luá giống của mình luôn. Thì như vậy phước của quá khứ không có nghĩa là tất cả, mọi người sanh ra đời thì có thể là có một ông cha bà mẹ thương yêu, rồi sanh trong gia đình tương đối là khá giả, chuyện đó chúng ta thấy rất là nhiều, nhưng rồi cha làm thầy con đốt sách, con lớn lên lại đi vào tăm tối, chuyện đó chúng ta thấy đầy dãy thấy vô số thấy nhan nhãn trước mặt là tại vì sao? là tại vì những người đó họ không có cảm kích họ không nhận được cái gì mà họ đang có và từ từ thì họ lại phá hoại đi. Kỳ rồi chúng tôi sang Thái Lan có dịp ngồi nói chuyện với một nhà sư vừa đi dự hội nghị ở bên Phutan mới về, gặp tại phi trường Suvarnabhumi trong một phòng đặc biệt dành cho các nhà sư do sư Tịnh Đạo đưa chúng tôi vào. Lần đầu tiên chúng tôi vào trong đó thì gặp sư cũng quen với HT Chơn Trí và chúng tôi lúc trước cũng gặp sư này. Sư nói về trường hợp như vầy: "Nếu mà mình nhìn cho kỹ, không khéo ngày nay chúng ta đang đi vào một sự phá sản, ngày nay mà quốc gia Phật giáo hưng thịnh, có chùa to Phật lớn, rồi Phật tử cung kính thương qúi Chư Tăng, điều đó thật sự là sự thừa hưởng của quá khứ để lại. Ngày xưa các bậc tiền bối, những người đi trước, những bậc cổ đức, đã dày công để đào tạo ra một nền văn hóa như vậy nhưng ngày nay những người hiện tại nếu không có gìn giữ thì họ đi vào trong giai đoạn phá sản. Tức là mình hưởng cái cũ nhưng mình lại hủy hoại mình không có gìn giữ cho tương lai." Lời nói của vị sư đó làm chúng tôi chợt nhớ một điều Đức Phật Ngài dạy chúng ta: trong cuộc đời, chúng ta không có ỷ lại vào những chuyện đó được, cái phước chúng ta hưởng ngay cả mình sanh ra trong một gia đình mà bản thân của chúng ta là thiện sanh, thiện sanh ở đây là sanh trong gia đình tốt đẹp nhưng nếu chúng ta không biết gìn giữ không biết bảo lưu không biết phát huy những giá trị đó thì những thứ đó nó sẽ mai một đi. Ngày nay khi chúng ta tập hợp trong một ngôi chùa có chư tăng có Phật tử tập trung đông đảo, rồi lễ lộc mọi việc đều tốt đẹp, rồi nghĩ rằng nếu chúng ta không làm chuyện gì hết thì nó sẽ giữ yên như vậy, không phải, mà là chúng ta đang hưởng cái của quá khứ, cái gì mình có là mình hưởng của quá khứ, quá khứ là một phần nhỏ do mình đã tạo và một phần lớn là do tiền nhân để lại, nhưng nếu chúng ta không cố gắng tiếp tục thì thật sự nó sẽ mai một đi, một ngày nào đó nó sẽ không tiếp tục không tồn tại nữa. Thì Đức Phật Ngài cho biết rằng có rất nhiều trường hợp hưởng phước, những người hưởng phước cũ họ sanh ra trong một gia đình tốt, ở trong điều kiện tốt, tướng hảo cũng tốt, nhưng mà rồi họ không dùng những chuyện đó cho những chuyện chánh đáng và họ không thể hiện được thiện pháp. Đức Phật Ngài không dạy rằng thân của chúng ta là báo thân là kim cang bất hoại. Ngài không nói như vậy. Ngài nói thân của chúng ta phù du. Nhưng mà Ngài cũng nhận rằng từ thân sanh tử này mình có thể thể hiện và làm nhiều thiện sự cũng giống như một người khéo tay có thể nhặt những đoá hoa dại bên đường kết thành tràn hoa đẹp, từ thân sinh tử này thì có thể làm thể hiện nhiều thiện sự trong đời sống. Thì chúng ta thấy rõ rằng Đức Phật Ngài cho chúng ta biết cái khả tính của cuộc sống là nó có thể thế này, nó có thể thế kia. Bởi vì nó có thể như thế này, có thể như thế kia do vậy chúng ta không ỷ lại, và chúng ta không thể nói là "À! mình có cái đó rồi mình có thể nhắm mắt để hưởng được". Ở đây, có tinh thần rất tích cực của Đạo Phật, tích cực đó là con người sống là phải hướng thượng và hướng thiện. Nếu cuộc sống mà chúng ta không hướng thượng thì chúng ta sẽ đi xuống, không hướng thượng không hướng thiện giá trị để nuôi dưỡng thì giá trị sẽ đi xuống. Một điều an ủi lớn của chúng tôi khi sinh hoạt ở trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma này là, có những lần chúng tôi đi xa, như kỳ rồi chúng tôi đi sang Ấn Độ thì có một Phật tử trong phái đoàn mà vị Phật tử đó chúng tôi chưa bao giờ quen, vị này ở Canada, lâu lâu vào trong rơom nghe pháp và tình cờ vào nghe pháp thì họ có nói với chúng tôi một chuyện, chuyện đó nhỏ thôi nhưng cũng làm cho chúng tôi rất là vui, vui cả một hai ngày, họ nói rằng ngày xưa khi họ thấy Tạng Vi Diệu Pháp của Ngài Tịnh Sự dịch ra thì họ nghĩ rằng Ngài Tịnh Sự dịch cho có vậy thôi chứ thật sự không ai đọc và cũng không có giá trị gì, không có lợi lạc gì, những cuốn sách mà bác Phạm Kim Khánh dịch của Ngài Narada họ đọc còn hiểu hơn, còn cuốn Vi Diệu Pháp họ đọc họ không hiểu gì hết. Nhưng trước khi họ đi hành hương thì họ có vào dự mấy buổi sinh hoạt học về những nghĩa dụ pháp, học về nhân chế định thì bỗng nhiên họ thấy rằng ở trong kinh cũng có rất nhiều thứ mà họ có thể đào bới được có thể học hỏi được, thành ra bây giờ họ thấy rằng cái chuyện do mình thấy không có giá trị nên không qúi cuốn kinh. Thì thật sự thưa với qúi Phật tử một điều đó là chúng tôi nghĩ là sở dĩ mà Chư Tăng hàng ngày cố gắng bỏ thì giờ vào trong rơom để trình bày về ý nghĩa của những bài kinh, dầu đó là trích từ trong tạng kinh của HT Minh Châu dịch, hay trong Tạng Luật của Sư Chánh Thân dịch, hay Tạng Vi Diệu Pháp của Ngài Tịnh Sự dịch chẳng hạn, những điều đó cũng là một cơ hội để chúng ta thắp sáng lại những giá trị nằm tàng ẩn chỗ này chỗ kia. Và sẽ rất là buồn vì những công trình của các bậc cổ đức,, trước hết là từ Đức Phật Ngài giảng dạy, rồi tới các vị A Xà Lê kết tập về sau này bảo lưu, một ngày nào đó chúng ta nhìn những lời dạy đó như là những cuổn kinh khô khan chúng ta để nằm một xó nơi góc tủ kinh nào đó, tuy có trang trọng nhưng chúng ta không hiểu thì rất là buồn vì công trình đó lớn quá. Chúng ta có thì giờ ngồi ở tại đây cho dù là chúng ta có nhận cái giá trị đó nhiều hay ít đi nữa nhưng chúng ta còn đem những điều đó ra đây để bàn, để nói, để suy tư, thì chúng tôi nghĩ rằng trong một phần nào đó chúng ta cũng nói lên tấm lòng của chúng ta cảm kích đối với ơn sâu của các bậc đi trước, ở trên là sự hóa độ của Đức Phật, sau là sự truyền thừa của bao nhiêu thế hệ cho đến ngày hôm nay, nếu mà chúng ta bỏ quên đi những điều này thì nó giống như chúng ta có gia tài mà chúng ta không hưởng. Thì thật ra trong đời sống của chúng ta có vô số trường hợp mà chúng ta thấy rằng con người sanh ra đời có thể trong một nền văn hóa rất đẹp nhưng họ không cảm nhận được nền văn hóa đó, ở trong một gia đình rất tốt nhưng họ không bao giờ thấy được cái giá trị của ông cha bà mẹ trong cuộc sống, hay là một người sống trong một xã hội rất là tự do nhưng họ không hiểu giá trị của tự do. Khi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi có đọc một tác phẩm của Nhật dịch ra tiếng Việt là "Chim hót trong lồng" nói về một đứa bé sống trong cô nhi viện, nó có mẹ nhưng mẹ lại gửi trong cô nhi viện tại vì bà mẹ làm nghề bán thân nuôi miệng, thỉnh thoảng mới chạy vào thăm con. Sự thèm khát một gia đình bình thường có cha có mẹ nó cũng không có được. Thì khi đọc câu chuyện lúc đó chúng tôi còn rất nhỏ nhưng đã nghĩ một điều rằng thật ra là mình có cha có mẹ mà mình không thấy được giá trị rồi bây giờ đọc cuốn sách đó mới thấy rằng có cha có mẹ là trên hết, không cần phải là cha mẹ mình phải thế này phải thế kia, ở trong câu chuyện thấy đứa bé chỉ thèm khát làm sao có được ông cha bà mẹ thôi, một tuần hay hai tuần bà mẹ mới vô thăm một lần. Thì chúng ta bây giờ cũng vậy, chúng ta thấy rằng đời sống con người mình có vô số thứ nhưng những thứ đó đối với chúng ta dần dà trở thành cái gì rất vô nghĩa là bởi vì chúng ta không cảm kích được điều đó nên chúng ta dễ dàng đánh mất nó và khi đánh mất nó thì chúng ta từ cái chỗ giàu có trở nên nghèo nàn. Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng thái độ tích cực bởi vì cuộc sống có thể đi lên có thể đi xuống nó không đơn giản "mình là con vua thì sẽ được làm vua, mình là con sãi ở chùa thì quét lá đa" không phải lúc nào mình cũng đi theo cái gọi là định mạng, Đạo Phật không nói đến định mạng, Đạo Phật không bao giờ nói mọi thứ sẽ đứng yên một chỗ, cái khả tín có thể xảy ra ở chúng ta nó có thể thế này nó có thể thế kia, và do vậy một người mà sống ở trong cuộc sống thì hiểu đạo hiểu Phật Pháp, thứ nhất là chúng ta không ỷ lại và thứ hai là chúng ta sẽ thấy chất thiện ở trong đời sống nó quan trọng nó thắp sáng đời sống của chúng ta. Một con người sanh ra đời thì thật ra có thân năm uẩn này cũng có thăng có trầm, sống trong xã hội cũng có khen có chê, có khi này khi khác. Nhưng mà nói chung thì làm thế nào đó mà sau hết tất cả những thứ đó cái tồn tại còn lại ở trong lòng của chúng ta là cái thiện pháp, bởi vì hình ảnh mà Đức Phật Ngài thường mô tả ở trong kinh điển nếu chúng ta đọc chúng ta nghe một cách rất êm đềm rất nhẹ nhàng, Ngài nói về một thiện gia nam tử tức là một người sanh ra đời từ trong hoàn cảnh tốt đẹp, vị thiện gia nam tử đó xuất gia từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình, rồi có những thành tựu thế này thế kia trong thiện pháp, những đoạn kinh đó nó đến nó đi nó lập đi lập lại bao nhiêu lần ở trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không có thấy là những cái đó nó có một ảnh hưởng lớn như thế nào nhưng mà qua đó Đức Phật Ngài gửi gấm cho chúng ta một điều là nếu chúng ta có điều kiện tốt và khéo vận dụng thì chúng ta thắp sáng được cái chất thiện, thắp sáng được cái gọi là thiện pháp, chúng ta có được hướng thượng và hướng thiện thì đời sống của chúng ta hoàn toàn khác đi. Nên chi những bài học như vậy thì thường là những gợi ý Đức Phật Ngài cho chúng ta biết là có những người sanh ra đời trong hoàn cảnh bất lợi, có những người sanh ra đời có nhiều lợi thế, nhưng mà có những người sanh ra đời trong hoàn cảnh bất lợi thì đời sống họ đi xuống, cũng có người đi lên. Thì người sanh ra đời có nhiều lợi thế thì cũng có khi đi xuống và đi lên. Và cái đi xuống đi lên ở đây Đức Phật Ngài không nói rằng là giàu, là nghèo, là có học vị cao hay học vị thấp, mà Ngài nói rằng người đó cuối cùng họ có khai dụng được đời sống của họ để biến những hơi thở biến lời nói hành động việc làm của họ là một thể hiện của thiện hạnh của thiện pháp, của thiện sự, hay là đời sống từ chỗ bất hạnh đi đến chỗ bất hạnh. Thì thưa qúi vị, ý nghĩa của bài học này là một bài học để chúng ta suy ngẫm chứ không phải là điều để chúng ta nói. Chúng tôi rất tin tưởng một điều, Đức Phật Ngài là một nhà giáo dục lớn Ngài nói rất nhiều về sự chuyển hóa, về khả năng chuyển hóa của con người, và dĩ nhiên là con của Đức Phật thì chúng ta không thể không nói đến điều này, con người mà trong khả năng chuyển hóa ai mà biết nắm làm chủ vận mạng của mình tức là người đó có thể khiến cho cuộc sống mình từ chỗ tối đi đến chỗ sáng hay là từ chỗ sáng đi đến chỗ sáng thì Đức Phật thật sự rất tán thán người như vậy, chúng tôi xin dứt lời ở tại đây ./. |