dieuphap.com Trang Chính |
|
Tất cả câu trả lời đều nằm trong hạn cuộc của ngôn từ và khái niệmMinh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng giảng: Trong những truy cầu của chúng ta về ý nghĩa cuộc sống thì chúng ta luôn luôn mong muốn tìm câu trả lời cho một câu hỏi và nếu câu hỏi đó không được trả lời thì thất vọng, hoặc giả chúng ta cố gắng để tự tạo ra một câu trả lời mà mình cảm thấy vừa ý. Điều này rất dễ dàng tìm thấy ở trong giòng lịch sử của đạo Phật. Nhiều vấn đề mà Đức Phật Ngài không đề cập đến khi Ngài còn tại thế nhưng về sau này thì người ta cố gắng để phác họa ra những điều đó. Chúng tôi lấy ví dụ về Niết-bàn chẳng hạn. Nói về điều này chúng tôi nhớ có một lần Phật dạy cho tỳ kheo Malunkyaputta là: "hãy thọ trì những điều gì mà Như Lai giảng dạy và hãy thọ trì những điều gì mà Như Lai không giảng dạy là không giảng dạy." Ở đây chữ thọ trì không phải chỉ là lắng nghe những gì được giảng dạy mà những gì không giảng dạy thì cũng nên thọ trì là không được giảng dạy. Chúng tôi nhớ là không phải một lần mà nhiều lần đi hành hương ở Ấn Độ có những Phật tử hỏi chúng tôi rằng: "hôm nay đến Kusinara nơi Đức Thế Tôn viên tịch trong lòng rất xúc động nhưng mà trong lòng chúng con muốn biết sau khi Đức Phật Ngài viên tịch rồi bây giờ Ngài ở đâu và Ngài đang làm gì?" Chúng tôi biết câu hỏi đó đến trong lòng của nhiều người rất là bình thường, bình thường như chúng ta nghĩ về một người thân đã mất, đôi khi chúng ta có cảm nghĩ không biết rằng người thân bây giờ đang ở đâu, rồi chúng ta làm phước hồi hướng. Dĩ nhiên, với Đức Phật thì người ta quan niệm một cách khác, nhưng ít nhất nên hiểu chữ viên tịch. Như thế nào gọi là viên tịch? Viên là tròn là đầy đủ là hoàn toàn, viên tịch là hoàn toàn tịch diệt. Nếu là tịch diệt thì có phải chăng là không còn gì nữa hay nếu còn thì còn thế nào? Ở đây có một điểm chúng ta nên đề cập đến là, có mười câu hỏi cổ điển, những câu hỏi rất quen thuộc ở trong dân gian của người Ấn Độ. Ví dụ như thế giới là hữu biên hay vô biên? Thế giới là trường tồn hay không trường tồn? Ví dụ như chúng ta nói ở trên thế giới này có nhiều dẫy ngân hà. Ở trên thế giới này có vô số tinh cầu. Nhưng chúng ta có đi đến một lúc nào đó là tận cùng của thế giới hay không, hay thế giới không có tận cùng? Cái đó chúng ta gọi là hữu biên hay vô biên. Hoặc giả trái đất này, cái duyên hệ này có sanh có diệt nhưng mà phải chăng một ngày nào đó thì tất cả những hiện tượng của thế giới này đều ngừng nghỉ hết và lúc đó sẽ ra sao, vậy thế giới có thường hằng hay không thường hằng? Cũng có câu hỏi cổ điển là: "Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết." Có một bản sớ giải định nghĩa chữ "Như Lai" ở đây là chúng sanh. Nhưng thật sự thì chữ "Như Lai" không định nghĩa là chúng sanh được, như trong câu này chữ "Như Lai" là chỉ cho Đức Phật, chỉ có Đức Phật mới làm cho thọ, tưởng, hành, thức hoàn toàn được diệt tận như cây tala, một chúng sanh thường không thể nào đoạn tận thọ, tưởng, hành, thức như vậy. Và chúng ta có một phẩm kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh thấy rằng câu nói "Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi viên tịch?" là một điều để chỉ cho chính Đức Phật. Chữ Như Lai là một chữ dịch rất là đẹp từ chữ "Tathàgata" có nghĩa là bậc đã đến như vậy và đi như vậy. Nhưng trong chữ Tathàgata thì chúng ta đều dịch cả hai chữ là đến như vậy và đi như vậy. Ở trong văn ngôn của người Ấn Độ thì chữ Tathàgata ngày xưa được người ta hiểu tương đối rất mơ hồ nhưng nó cũng không có khác bao nhiêu với một số cái hiểu của chúng ta, Tathàgata là vị đoạn tận sanh tử. Một vị đoạn tận trầm luân sanh tử thì vị đó sẽ ra sao? Chúng ta chỉ biết trong cuộc đời này hoặc giả là sự sống tiếp tục, hoặc giả là không tiếp tục. Nhưng một người đã thành tựu quả vị tối thượng không còn sanh tử nữa thì vị đó ra sao? Ngày mai cũng trong đề tài gần với đề tài hôm nay chúng tôi sẽ trích một đoạn rất là thú vị của HT Thích Trí Quang khi Ngài viết một tác phẩm là, "Đọc Kinh Phật Nam Tông" lấy cái nhìn của một nhà Phật Giáo Đại Thừa đọc kinh điển của Nam Tông. Thì trong đó một lần nữa trong phần thảo luận chúng ta sẽ thấy rất thú vị. Thú vị ở điểm là chúng ta có một vị thế hết sức tế nhị và khó khăn. Hầu như chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn là còn hay không còn, Như Lai có còn tồn tại hay không tồn tại? hiểu điều khác đi chúng ta có thể hiểu được và trong câu này lại là cái mẫu chúng ta thường gọi là tứ cú bách phi là "Như Lai có tồn tại Như Lai không tồn tại. Như Lai vừa có vừa không tồn tại. Như Lai không có không không tồn tại." Bốn câu này khi chúng ta mới nghe dường như là đủ để bao trùm tất cả các câu trả lời. Thì cứ nghĩ như vầy là có hoặc là không, hoặc là vừa có vừa không, hoặc là vừa không có vừa không không - Nhưng mà không - Tại vì một chuyện rất đơn giản là tứ cú bách phi đó đều nằm ở trong một cảnh giới mà chúng ta gọi là "tư nghì" nhưng nữ tôn giả Khemà rõ ràng tại đây đã nhấn mạnh một điểm là "tánh cách bất khả tư nghì." Có một người thủ khố, người trưởng ấn nào của nhà vua mà có thể đong đo được số cát của sông Hằng hay những giọt nước của biển cả, không đếm được không đong đo được thì làm sao bằng ngôn từ bằng khái niệm giới hạn của trần gian này mà chúng ta có thể định nghĩa về Như Lai. Ngay cả khi chúng tôi học A Tỳ Đàm, có nhiều vị định nghĩa rằng Niết-bàn có nghĩa là sự đoạn diệt tất cả 5 uẩn, đoạn diệt tất cả các hành gọi là Niết-bàn. Có một lần chúng tôi đem câu này hỏi HT Tịnh Sự thì Ngài nói rằng Niết-bàn không đơn giản là sự đoạn diệt của các hành. Cái gì liên quan đến sanh liên quan đến diệt của các hành thì chúng ta gọi là sanh và diệt. Nhưng Niết-bàn là một thực thể, Niết-bàn là một paramattha, một ở trong bốn pháp chân đế. Nếu Niết-bàn chỉ đơn giản là sự không có mặt của các hành thì Niết-bàn không thể tính là một pháp chân đế được. Nhưng sẽ là một điều sai lầm khi chúng ta định nghĩa Niết-bàn bằng ngôn từ bởi vì đó là pháp vô vi và có lẽ về điều này thì Ngài Narada trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp, Ngài có đề cập Niết-bàn không phải là hư vô, nếu Niết-bàn là sự đoạn diệt tất cả thì Niết-bàn là hư vô. Và Ngài cũng dùng ngụ ngôn con rùa và con cá mà lát nữa trong bài học ngày hôm nay chúng ta có thử trắc nghiệm về điều đó. Nhưng tất cả những suy luận của chúng ta đều nằm ở trên những cơ sở hoặc là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức, tại vì đó là thế giới chủ quan của chúng ta. Bây giờ mình cứ nhìn thấy như vầy, không phải riêng về những tôn giáo khác mà ngay cả Phật giáo cũng vậy. Khi người Phật tử vẽ hình của các vị Chư Thiên các vị Phạm Thiên thì người Trung Hoa vẽ theo kiểu người Trung Hoa, người Thái vẽ theo kiểu người Thái, người Ấn Độ vẽ theo kiểu người Ấn Độ. Cứ xem những bích họa ở những ngôi chùa hay ở những động thạch khắc hay ở trong tranh vẽ. Tại vì, một người Thái mà suy nghĩ về trang phục cao sang tôn nghiêm nhất thì cũng là cao sang tôn nghiêm theo kiểu người Thái. Người Trung Hoa thì vẽ theo kiểu người Trung Hoa, không thể nào người Trung Hoa vẽ một thiên nữ tán hoa mà vẽ cách ăn mặc giống như người Miến Điện hay người Ấn Độ. Và người Ấn Độ không thể nào vẽ tranh của Càn Thác Bà mà giống như người Trung Hoa được. Tại vì sao vậy? Tại vì chúng ta dựa lên trên khả năng hữu hạn của mình để nói lên một cái gì vô hạn, nói lên một cái gì khác biệt hơn, và sự khác biệt đó hoàn toàn vượt ngoài khái niệm của mình. Chúng ta luôn luôn dùng khái niệm thân quen nhất, cái gì gần với chúng ta nhất, khái niệm có thể nói bằng ngôn ngữ bằng lời để diễn tả một cái mà vượt ngoài ngôn ngữ của mình vượt ngoài lời nói. Chúng ta không có trách chi mà hình ảnh của Đức Phật, hình tượng của Đức Phật được vẽ ra với rất nhiều dáng cách khác nhau ở trong nghệ thuật, ở trong điêu khắc. Vì lý do, dù muốn dù không đi nữa thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những nghệ nhân họ phải từ trên chỗ đứng của mình từ những cảm nhận rất thân quen đã có gốc có rễ trên một nền văn hóa nào đó để vẽ ra. Chúng tôi nhớ có một lần nói chuyện với một vị thầy trong lúc vị thầy đó hỏi chúng tôi về những đặc trưng của nền kiến trúc và điêu khắc hội hoạ Ấn Độ thì chúng tôi nói rằng có nhiều nhưng phải lấy tiêu biểu một thời đó là Gandhara, nền nghệ thuật Gandhara sản sinh ra những pho tượng mà chúng tôi nghĩ là những pho tượng rất đẹp, thì vị này sau khi xem mười mấy bức tranh đã khẳng định với chúng tôi rằng chỉ có những bức tranh này là trông được nhất bởi vì nó không lệ thuộc vào văn hóa mang tánh cách địa phương như là người Miên thì vẽ hình Phật theo người Miên, người Trung Hoa thì vẽ theo người Trung Hoa, người Nhật Bản thì vẽ theo người Nhật Bản v.v...Nhưng vị đó ngạc nhiên khi nghe chúng tôi nói rằng: thật ra thì nền nghệ thuật Gandhara nó cũng có chỗ bắt nguồn và cũng lệ thuộc vào chỗ bắt nguồn đó, chỗ bắt nguồn đó là nghệ thuật của Hi Lạp và thấy rõ ràng là nó lệ thuộc vào nghệ thuật của Hi lạp. Thì như vậy cho dù là người Tây Tạng họ tạc tượng Phật, tạc khéo đến đâu, đẹp đến đâu đi nữa thì họ phải dựa lên trên chỗ đứng của mình, dựa lên trên cái xuất thân của mình để mà vẽ tượng Phật theo truyền thống người Tây Tạng. Trước nhất thì chúng ta phải tạm chấp nhận như vậy, Tại sao chúng ta chấp nhận như vậy? là khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện, qúi vị nghe và qúi vị text chat lên để chúng tôi đọc, thì dù muốn dù không đi nữa thì chúng ta vẫn nằm ở trong một hạn cuộc của ngôn ngữ của văn hóa, chúng ta không thể đi vượt ngoài điều đó. Cái hạn cuộc của ngôn ngữ văn hóa là điều mà trưởng lão ni Khemà nói rằng: "Không thể tìm thấy Như Lai ở sắc, ở thọ, ở tưởng, ở hành, ở thức." Thật ra về điều này, chúng tôi phải nói rằng một tác phẩm của Phật giáo Đại Thừa mà chúng tôi thích nhất đó là kinh Kim Cang, vị học giả Edward Conze là một học giả của Anh Quốc đã thật sự say mê tác phẩm này. Chúng tôi hiểu tại sao, nhưng có một điểm là thật ra khi chúng ta học bài kinh này và nhiều bài kinh khác thì chúng ta thấy không thể tìm thấy Như Lai ở sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nó là những phạm trù ở trong thế giới khái niệm của mỗi mỗi chúng ta trong đời này. Chúng ta dựa vào đó để hiểu, không thể hiểu khác hơn được. Lấy một thí dụ là, có nhiều người nặng về thương nặng về ghét khi đi làm việc trong chùa hay đi làm việc cho phái đoàn, thì cái thế giới của họ chỉ có hai điểm thôi, hai điểm duy nhất là thân hay không thân, thương hay ghét, hầu như ngoài cái chuyện thương và ghét thì không có chuyện gì khác tại vì họ nặng lòng vì thương và ghét. Có những người đi làm ăn buôn bán, cái thế giới của họ chia làm hai là có lợi hay không có lợi, có lợi thì giao thiệp có lợi thì bỏ công, không có lợi thì đừng nghĩ đến làm gì, họ làm ăn cả đời như vậy ngoài hai khái niệm đó họ không có khái niệm gì khác hết. Cũng có những người nặng lòng về chuyện hơn thua ở trong lời ăn tiếng nói thì cái gì cũng đặt nặng hoặc là hơn hoặc là thua như vậy thôi chứ không đặt nặng cái gì khác. Và khi chúng ta dùng những ý niệm rất là chủ quan đó để định nghĩa cả thế giới này thì rất khó để chúng ta hiểu rằng ở trên thế giới này có những điều nằm ngoài những hạn cuộc mà chúng ta thường nghĩ. Ngay cả bây giờ chúng ta nói ở tại đây thì đôi khi chúng ta cũng không tưởng nghĩ được. Ví dụ, chúng ta nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức, về vật chất đối với chúng ta thì chúng ta nhìn sự vật hoặc là dài, hoặc là ngắn, hoặc là cao hoặc thấp, hoặc sáng, hoặc tối, hoặc màu này, hoặc màu kia, nhưng rõ ràng là thế giới đó là thế giới hữu hạn của chúng ta. Lấy một ví dụ khác, mình nhìn lên bầu trời thấy những vị sao lấp lánh. Hồi mình còn nhỏ không có học những kiến thức thường thức ở trong trường học thì mình nghĩ rằng những vì sao đó đúng là lấp lánh, sự lấp lánh của các vì sao đó cho chúng ta cảm nhận như những viên kim cương hoặc những ngọn đèn được treo trên cây và tự nó lấp lánh như vậy. Nhưng sau này chúng ta đi học trong trường thì chúng ta biết các vì sao không có lấp lánh mà chính vì bầu khí quyển của chúng ta tạo nên hiện tượng làm cho chúng ta thấy các vì sao lấp lánh. Nhưng thực tế những viễn vọng kính ở ngoài bầu khí quyển như Hubble hay là Chandra chẳng hạn thì nó nhìn ngôi sao hoàn toàn khác với chúng ta, một cái nhìn ở ngoài bầu trời và một cái nhìn ở trong bầu trời thì nó khác. Ngay cả những trạm thiên văn lớn đặt tại Hawaii hay tại Nam Mỹ cũng vậy, họ đặt trên những vùng núi rất cao và trời rất trong không bị mây, nhưng bởi vì bầu khí quyền này bắt buộc cái nhìn của chúng ta không có trung thực, bầu khí quyển đó bắt buộc chúng ta nhìn thấy mặt trời buổi sáng sớm thì nó to mà buổi trưa thì nhỏ. Thật ra thì nó không có to hay nhỏ. Nếu chúng ta hiểu về quang học nếu chúng ta hiểu về những hiện tượng do bầu khí quyển mang lại thì chuyện đó là chuyện rất thường. Thì thưa qúi vị, khi mình nhìn thấy sự lấp lánh của những vì sao trên trời mà mình nghĩ đó là vì sao lấp lánh hoặc giả là mình thấy là mặt trời có lặn có mọc, mọc ở phương đông lặn ở phương tây, có lên có xuống, không phải là chúng ta sai nhưng mà ở một thời nào đó khó cho chúng ta có thể tưởng tượng được là mặt trời vốn không có lớn không có nhỏ, vốn không có đông không có tây, cũng không có mọc lên không có lặn xuống. Nhưng làm sao hiểu? Nó đòi hỏi chúng ta một kiến thức về thiên văn học ít nhất là qua bao nhiêu cái phát kiến như nghệ thuật ngày hôm nay thì chúng ta mới có thể nói: À! nó có hiện tượng như vậy. Chúng ta chỉ nói cái chuyện rất bình dị trong đời sống đừng nói đến chuyện xa xôi và do vậy tất cả cái quan niệm về chúng ta nó đều dựa trên sắc thọ tưởng hành thức. Sắc ở đây hoặc là thô hoặc là tế hoặc là trắng vàng xanh đỏ hoặc giả là lớn hoặc nhỏ, chúng ta quen đả nhìn Đức Phật ở trong thân xác như vậy, và chúng ta ghim vào trong đầu là chỉ có hình ảnh như vậy mới là của Đức Phật. Chúng tôi nhớ là không biết ai đó lưu truyền một bức tranh của một người khuôn mặt tương đối là cương nghị bởi tóc bởi râu và ở dưới chú thích đây là hình ảnh Đức Thế Tôn năm 45 tuổi và được vẽ bởi Tôn Giả Phú Lâu Na và họ còn chú thích là được gìn giữ trong viện bào tàng Luân Đôn, và nhiều người Phật tử cảm thấy thích bức tranh đó, họ nói bức tranh đó chính là bức tranh của Đức Phật. Không phải là một lần mà có rất nhiều bức tranh được lưu truyền và qua những bức tranh đó người ta nói rằng chính bức tranh này thật là hình ảnh của Đức Phật được vị này vẽ vị kia vẽ để truyền đời. Thậm trí có nhiều lúc chúng ta thấy được lưu truyền những bức tranh chụp ở biển Nam Hải hình Đức Quán Thế Âm cưỡi con rồng, con rồng đó rất là Trung Hoa, hình ảnh Đức Quán Thế Âm mà chúng ta thường thấy họ khẳng định đó là hình chụp chứ không phải là hình vẽ. Chúng ta hiểu tại sao có những hình ảnh như vậy, những hình ảnh đó nó vốn đi vào một khái niệm nhất định. Chúng tôi lấy ví dụ là, ở trên thực tế nếu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát muốn cứu giúp những thuyền nhân thì Ngài có thể giúp bằng nhiều cách chứ không nhất thiết phải hiện ra trên đầu con rồng, thể hiện ra kiểu đó để cho người ta thấy rồi để cho tàu chìm, không phải vậy, mà cũng không cần hiện ra nếu mà Ngài muốn cứu giúp. Việc của chúng ta là chúng ta cố gắng để có một minh họa về những điều không thể minh họa được. Hồi xưa, một năm chúng tôi nhập hạ tại Yucca Valley, là một vùng đất ở California. Một người Phật tử có cái trailer, họ mời chúng tôi nhập hạ vì nghĩ rằng ở đó thanh tịnh nhập hạ rất tốt, một tuần lễ họ mới đến một lần, chúng tôi ở trong một tịnh thất rất là hạnh phúc vì là sa mạc phong cảnh đẹp lắm. Nhưng có một điều thú vị, thường thường những người truyền đạo Seventh Day Adventist, họ rất tích cực đi truyền đạo và họ biết chúng tôi là nhà sư Phật giáo nhưng họ đi ngang vẫn để rất nhiều sách báo nhất là tạp chí, những cuốn sách nhỏ trong đó họ vẽ nhiều hình về địa đàng khi đức Chúa Jesu trở lại cõi đời này thì cõi đời này đẹp như là một công viên ở trong đó có đủ thứ người sống, có da trắng, da đen, da vàng rồi thế giới giống như một công viên chỉ có khác là ở trong đó có người Phi Châu, người Ấn Độ, người Nhật Bản, có mặc áo kimono, mặc áo vét rồi đi tới đi lui trong công viên. Chúng ta có làm việc đó, là vẽ hình địa đàng ở trong tương lai. Nhưng mà kỳ thật nếu chúng ta đưa hình vườn địa đàng đó cho một số người thấy cũng hấp dẫn thiệt, vườn đầy hoa thời tiết rất đẹp không nóng không lạnh, rồi nam thanh nữ tú đi tới lui để nhìn ngắm cảnh đẹp qua lại. Nhưng mà thật sự nó không phải là tất cả, chúng ta không sống ở ngoài công viên cả cuộc đời, chẳng lẽ thế giới này chỉ có chừng đó. Và thưa qúi vị đó là một trong những mô tả nghèo nàn nhất về sự cứu rồi, nghèo nàn nhất về sự giải thoát. Chúng ta có vô số sự mô tả như vậy. Nói một cách khác thì thế giới của chúng ta giống như hình ảnh của trẻ thơ và những gì được mô tả về một thế giới loài người trong tương lai là lớn lên học thành tài rồi làm điều này điều kia những điều đó vượt ngoài cái khả năng hiểu biết tư nghì của chúng ta. Nên từ chỗ này chúng ta đã làm một số lầm lỗi rất quan trọng là thay vì lắng nghe Đức Phật, thay vì thọ trì những điều nào Đức Phật thuyết là điều Đức Phật thuyết, thọ trì những điều nào Đức Phật không thuyết là Đức Phật không thuyết, thì chúng ta không thọ trì như vậy mà chúng ta cố gắng để minh họa để quảng diễn điều đó ra. Và trong lịch sử của Đạo Phật thì thấy vô số điều đó. Cũng rất may là kho tàng kinh điển vĩ đại của Đức Phật để lại cho chúng ta ngày nay ở trong đó vẫn còn có rất nhiều bản kinh như bản kinh chúng ta đang đọc ở tại đây, những bản kinh đó gợi nhắc cho chúng ta hiểu được là khi chúng ta muốn hiểu, khi chúng ta muốn lãnh hội, khi chúng ta muốn nhận thức điều gì thì chúng ta cũng phải gom góp vốn liếng ngôn từ, vốn liếng khái niệm của chúng ta, bằng vốn liếng khái niệm ngôn từ nghèo nàn đó để chúng ta suy diễn ra một chuyện mà nữ tôn giả Khemà ở đây nói như là: một vị kế toán tài ba hay vị trưởng ấn hay người thủ khố của nhà vua mà muốn đếm số cát của sông Hằng hay giọt nước trong biển cả đại dương. Những điều đó nhiều khi nó vượt ngoài cái khả năng của một người thời bấy giờ. Và chúng ta đang làm một điều gọi là tư nghì một điều gọi là bất khả tư nghì và do vậy không trách chi là chúng ta có những sai lầm. Thì thưa qúi vị bài học này và bài học ngày mai được tụ chung quanh một điều được nghe Đức Phật và các vị đệ tử Phật trả lời là: Có tìm thấy Như Lai ở trong sắc hay ngoài sắc không, ở trong thọ và ngoài thọ, ở trong tưởng và ngoài tưởng, ở trong hành và ngoài hành, ở trong thức và ngoài thức không? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm thành phần của hiện tượng giới bên trong mỗi chúng ta và hiện tượng giới cho cả thế gian này và ở trong thế giới hiện tượng đó nó chứa đựng những hạn cuộc không có gì gọi là vô lượng ở trong đó. Và cái hạn cuộc đó là vì sao? Vì dầu là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nó sanh lên do nhân thì nó diệt do nhân, và chính vì vậy cái gì liên quan đến năm uẩn, cái gì liên quan đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì đều không có đủ để chúng ta hiểu sự giải thoát rốt ráo của Như Lai. Ngày mai này trong lời dạy của Đức Phật dành cho Ngài Anuràdha, Đức Phật khẳng định là "Như Lai chỉ dạy về sự khổ và sự diệt khổ", Ngài muốn đưa chúng ta trở về với một khái niệm rất thực tiễn. Có nhiều lần trong rơom này chúng ta nghe thí dụ về một người bị nhức răng và người khác muốn đưa đi nha sĩ chữa răng, người này thắc mắc là sau khi mình chữa hết đau răng thì mình sẽ ra sao. Cái mình sẽ ra sao nó không phải là vấn đề, không phải là điều để suy nghĩ. Vấn đề hiện tại mình nên biết là mình đang bị đau răng và nên tìm cách để chữa bịnh cho hết đau. Và khi mình chữa hết bịnh mình sẽ ra sao nó không phải là câu chuyện mình cần bàn, nó không phải là câu chuyện của mình. Hay một người bị giam cầm bây giờ người đó nói rằng sau khi mình được thả ra thì mình sẽ ra sao, nó không phải là câu chuyện để cần bàn, câu chuyện là mình phải ý thức sự giam cầm đó là một sự câu thúc và giải thoát khỏi sự giam cầm đó là một nhu cầu cấp thiết bấy giờ. Chúng ta nên nhận như vậy. Chúng ta nhận như vậy để chúng ta không đi quá xa, để không có chuyện vẽ rắn thêm chân. Và về điều này thì đòi hỏi một điều mà chúng ta gọi là cái chừng mực. Chừng mực ở trong sự truy cầu, chừng mực ở trong sự thảo luận, chừng mực ở trong sự nhận thức của mình. Ngay cả thời Đức Phật còn tại thế thì Đức Phật rất nhiều lần Ngài khuyên chúng ta nên đặt lại vấn đề làm sao để có những câu hỏi thích hợp chứ không phải là đi tìm câu trả lời cho tất cả câu hỏi. Và tương tự như vậy có những thứ Đức Phật gọi là "thôi vừa rồi, đến chừng đó là đủ, không hỏi thêm không nên bàn thêm," giống như qúi vị sống trong gia đình làm việc ở trong công sở mà chúng ta gọi là để hỏi và để làm thoả mãn những câu hỏi thì có vô số câu hỏi. Những câu hỏi thiết dụng nhất là mình có mặt ở đó để làm gì? Và những câu hỏi nào có thật sự lợi ích cho cái mà mình đang làm thì đó là điều nên hỏi. Còn mình ngồi đó để tán gẫu chuyện đông chuyện tây, chuyện xa chuyện gần, thì thưa qúi vị chúng ta có nói từ ngày này qua tháng khác: Một là nó không bao giờ hết và hai là nó cũng không lợi lộc gì. Thì bậc thiện trí hiểu được cái gì là cái cần thiết cho mình. Do vậy chúng tôi muốn nói tóm lại bốn điểm trong bài học này. 1 - Thứ nhất là thời Đức Thế Tôn còn tại thế cũng như trước khi Đức Thế Tôn ra đời thì chữ Như Lai là một khái niệm chỉ cho một vị đã đạt đến chỗ giải thoát hoàn toàn khỏi sanh tử. Và nó tạo nên một nghi vấn là nếu chúng ta đi đến tận cùng của bờ mé đó thì đằng sau đó là cái gì? đó là câu hỏi "Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi mất" và đó là những câu hỏi cổ điển đã có trước thời Đức Phật và trong thời Đức Phật. 2 - Điều thứ hai mà chúng ta thấy ở tại đây phải chăng sự giải thoát Niết-bàn pháp vô vi và sự viên tịch hoàn toàn của Đức Phật thì đó là một thực tướng một thực thể của chân đế, nhưng điều đó vượt ngoài sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vượt ngoài tất cả những gì liên quan đến năng đến sở đến ngôn từ đến khái niệm thế gian này. Chúng ta phải nói rằng trong kinh điển chữ Hán có một từ rất gần bên này gọi là "bất khả tư nghì" và do vậy khi nói đến chuyện bất khả tư nghì thì chúng ta nên hiểu rằng định nghĩa diễn nhiều thì nó sẽ sai nhiều và chúng ta nên hiểu sự vừa phải, sự chừng mực, sự hợp tình hợp lý của vấn đề. 3 - Điều thứ ba, chúng ta cũng phải nói đến ở tại đây trong bài kinh này và nhiều bài kinh khác cho chúng ta thấy những lý tính ngôn từ, sự suy diễn của chúng ta đa số hầu hết đều dựa trên năm thành phần của thế giới hiện tượng đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và chuyện tìm Như Lai ở trong sắc ngoài sắc, trong thọ ngoài thọ, trong tưởng ngoài tưởng, trong hành ngoài hành, trong thức ngoài thức, nó đều là việc làm không đúng với cơ sở với căn cứ. Bởi vì sao, cho dù chúng ta tìm ở trong ở ngoài, giống hay trái ngược lại thì chúng ta đều lấy năm uẩn làm cơ sở. Nhưng mà sự chính đắn của Như Lai thì Niết-bàn nó đều nằm, không nằm ở trong cái giống như vậy và trái ngược lại như vậy. Và nếu chúng ta định nghĩa điều đó như là một điều giống hay điều trái ngược thì thưa qúi vị chúng ta mượn một cái cơ sở cũ rích của chúng ta để giảng dạy một cái mà chúng ta chưa bao giờ biết và nó hoàn toàn không giống cái gì mà chúng ta thấy. Đối với chúng ta chỉ thấy rằng không trắng thì đen, không đen thì trắng, không bên phải thì bên trái, không bên trái thì bên phải, chúng ta thường thấy một thế giới như vậy thôi và cho dù là chúng ta có vận dụng cơ sở lý luận hoặc có hoặc là không, hoặc là vừa có vừa không, không có cũng không không, thì chúng ta cũng không thể nói hết tất cả mọi sự việc cho dù chúng ta cố gắng để nói rằng mình đã hiểu hết tất cả sự việc. 4 - Sau cùng, điều chúng ta nhắc ở tại đây là nên ý thức rất rõ những gì được Đức Phật nói Đức Phật dạy, và những gì Đức Phật không nói Đức Phật không dạy. Tại vì nếu không hiểu như vậy chúng ta sẽ làm một công việc rất vô ích, đó là cố gắng đi tìm một câu trả lời và Đức Phật Ngài không trả lời. Hoặc giả là chúng ta cố gắng để lấy thúng mà đo số cát sông Hằng một việc làm không đơn giản và không nằm ở trong khả năng của mình. Thì về điều này trong tinh thần của người học Phật chúng ta phải mất một thời gian dài. Chúng tôi hiểu rằng nó không dễ dàng cho tất cả những vị du sĩ, đạo sĩ, samon, bàlamon thời Đức Phật và mãi cho đến về sau này. Chúng tôi nhớ rằng một vị đã cố gắng để tìm đến một thoả thuận thoả hiệp mà cao điểm của vấn đề đó là Ngài Long Thọ khi Ngài viết về Trung Quán Luận, Ngài viết về tánh không, nhưng rốt cuộc thì Ngài Long Thọ cũng nói rằng không thể nói Như Lai tồn tại hay không tồn tại. Đó là một điều mà chúng ta tìm thấy ở trong cuốn Trung Quán Luận. Nói chung, đây không phải là một đề tài dễ lãnh hội, dễ nhận thức, nhưng ít nhất quan trọng cho chúng ta biết điều gì được Đức Phật dạy, điều gì Đức Phật Ngài không dạy, và chỗ đó tạo ra cho chúng ta rất nhiều lợi ích cho vị học Phật./. -ooOoo- Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả. Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh |