dieuphap.com Trang Chính


Thí Dụ Về Ba Thứ Ngôn Ngữ

TT Giác Đẳng giảng trong room Diệu Pháp ngày 24 tháng 3 nam 2011


Thí Dụ Về Ba Thứ Ngôn Ngữ

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng giảng: Ngôn ngữ là một phương tiện truyền đạt. Có thể nói rằng có từ cổ xưa nhất khi có loài người, mặc dù ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông khác nhau nhưng bằng cách này cách khác thì chúng ta đều vận dụng qua phương tiện của ngôn ngữ. Lấy ví dụ như là ngày nay những người câm có thể biểu đạt ý của họ bằng cách đánh vào bàn phiến tạo lên ngôn từ của người câm để người khác có thể hiểu được thì điều đó chúng ta vẫn xem là một thứ ngôn ngữ của những người câm điếc. Dĩ nhiên, chúng ta đang nói chuyện ở đây trực tiếp với nhau là xử dụng ngôn ngữ, nhưng email hay blog ở trên internet hoặc giả những bài báo, những tín hiệu, và có rất nhiều thứ chúng ta có thể gọi đó là những thứ ngôn ngữ dùng để biểu đạt ý tượng của chúng ta. Ngôn ngữ đưa chúng ta đi thật xa để chúng ta nói lên được cảm xúc ở trong lòng mình, mình muốn người nào đó biết được mình đang bực bội, mình muốn một người nào khác biết mình đang thương họ, mình muốn thuyết phục người khác bởi lời nói của mình, thì lúc đó chúng ta thấy ngôn ngữ là phương tiện rất đắc dụng.

Ngày nay chúng ta không nhận ra giá trị của ngôn ngữ được. Lấy thí dụ, chúng ta vào trong internet có rất nhiều trang web, và trong đời sống hàng ngày chúng ta xử dụng điện thoại cũng là một khả năng xử dụng ngôn ngữ để truyền đạt với nhau. Nhưng loài người thì thường hay có một thói tật đó là lạm dụng. Có người thì lạm dụng lòng tử tế của người khác, có người lạm dụng cái phương tiện mà mình có được để tạo thành những điều gây ra sự bất an cho mình và cho người.

Có lẽ là chúng ta đang sống trong một thời đại mà ngôn ngữ được xử dụng rộng rãi với nhiều hình thức và thật sự rất đa dạng. Nhưng, một trong cái hại của thế kỷ ngày hôm nay là người ta thường nói nhiều về kỷ xảo về khả năng xử dụng ngôn ngữ. Mình nói như thế nào để có sự thuyết phục, mình viết một lá thơ gãy gọn như thế nào để người ta nhìn vào bắt mắt người ta đọc được, hay mình làm cách nào để những gì mình quảng cáo đập vào trong mắt của người khác. Thời đại dạy chúng ta như vậy, cái nguồn máy giáo dục dạy chúng ta như vậy, nhưng có rất ít cơ sở giáo dục ngày nay dạy chúng ta nên tự chế và nên coi chừng ngôn ngữ của mình.

Chỉ riêng một điều này là chúng ta có thể hiểu được nếu chúng ta vào các diễn đàn của người Việt Nam thì chúng ta thấy người Việt Nam quả thật là thích nói thích biểu đạt chứ không phải là một dân tộc bản tính thầm lặng. Ở trên paltalk có nhiều rơom để vào thảo luận, ở trong các diễn đàn internet như diễn đàn Yahơo chẳng hạn thì có rất nhiều. Không có ngày nào mà chúng tôi nhận dưới 300 email của đủ diễn đàn, người ta nói với nhau đủ thứ chuyện. Tất nhiên, chúng ta có thể đọc ở đó một căn bịnh của thời đại là chúng ta hay lạm dụng ngôn ngữ, chẳng những lạm dụng ngôn ngữ mà chúng ta dùng ngôn ngữ như là một thứ vũ khí miệng lưỡi đả kích lẫn nhau.

Ngày hôm nay chúng ta lật lại những giòng chữ ở trong một bản kinh cổ xưa như bộ Puggalapaññatti cũng như chúng ta tìm thấy trong nhiều đoạn kinh khác ở trong kinh tạng, trong luật tạng thì Đức Phật bằng cái nhìn của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài soi sáng cho chúng ta rất nhiều thứ.

1 - Thế nào là hạng người phẫn ngữ (gūthabhānī)?

Trước nhất Đức Phật Ngài không chỉ trích nặng nề những lời nói vụng về, Ngài chỉ khiển trách lời nói ỷ ngữ, ác ngữ, vọng ngữ, những lời nói; có nói không, không nói có, những lời nói có tánh cách bôi bác, có tánh cách hư ngụy, có tánh cách cố tình đánh lạc hướng người khác. Ngài gọi đó là thứ phẫn ngữ. Thật ra, đôi khi chúng ta có những lời nói rất đẹp. Qúi vị để ý những bài diễn văn ở các buổi hội họp, ở quốc hội, nhiều lúc người ta đả kích một đối thủ nhất là đối thủ chính trị của mình, họ kết tội người đó nào là thiếu lòng yêu nước, kết tội người đó bằng nhãn hiệu này nhãn hiệu khác. Và bây giờ nếu chúng ta có dịp đi hầu toà thì sẽ thấy rằng trong những phiên tòa phần lớn là luật sư được huấn luyện để nói những lời cáo buột mạnh mẽ đối với những đối thủ của thân chủ mình, người ta không tiếc lời để làm việc đó, thậm trí người ta xem đó là một thứ kỹ thuật chuyên môn của nghề nghiệp. Và ở trong cuộc sống hàng ngày, trên truyền thông báo chí, chúng ta thấy rằng người ta không ngại ngùng để cáo buột nhau, đôi khi chúng tôi đọc một bài viết vì người ta có một thứ khinh xuất nào đó khiến người khác buột tội và buột tội rất nặng nề. Điều đó chúng ta thấy vô số.

Ngày hôm qua, chúng tôi đọc một bản tin nói về một mục sư người Hoa Kỳ, tên là Chad Holtz ở North Carolina. Là mục sư ở Mỹ được nhà thờ Tin Lành thuê và có trả lương, hội thánh họ có quyền cắt lương có quyền đuổi mục sư, họ thuê được, họ trả lương được thì họ đuổi được, có nhiều trường hợp như vậy. Vị này bị mất việc của mình vì lý do đơn giản là đã tán đồng một quan điểm từ một quyển sách, ở trong quyển sách đó tác giả nghi ngờ về quan điểm đời đời ở hỏa ngục tức là một người không tin chúa thì đời đời vào hoả ngục, và tác gỉa đặt ra một câu về Thánh Gandhi, ông là một người đem hết lòng để phục vụ cho đất nước cho nhân loại và được tôn là một vị thánh, nhưng nếu ông không theo Chúa thì phải chăng theo tính lý của Ky Tô giáo thì ông sẽ sống trong địa ngục đời đời ? và ông mục sư này không tin như vậy, ông nghĩ rằng quan niệm đó cực đoan và đi ngược lại giáo thuyết bác ái về bao dung mà ông tìm thấy ở trong kinh thánh, ông nghĩ quan niệm về hoả ngục đời đời là một điều xem ra phi nhân bản và vô lý. Tất nhiên, một thiên đàng là một thế giới vui thú vĩnh hằng và một hoả ngục đời đời bị khổ đoạ trong đó được coi như là một phần giáo lý căn bản của Ky Tô giáo, Tin Lành cũng vậy mà Thiên Chúa giáo La Mã cũng vậy. Ở đây chúng ta không bàn đến chuyện đó nhưng chúng ta nói như vầy là, trong những người đả kích vị mục sư đó thì họ đả kích vị mục sư đó với lời nói rất nặng nề, chúng ta cảm tưởng như là vị mục sư đó phạm một tội đại nghịch bất đạo là vì đi ngược lại với tính lý cố hữu. Thì ở đó cho chúng ta một bài học như vầy, chúng ta rất dễ dàng để khiến cho lời nói của mình mất đi gía trị thật sự của truyền thông, giá trị thật sự của truyền thông mà Đức Phật Ngài dạy ở trong đoạn này và trong nhiều đoạn kinh khác đó là lời nói có giá trị thật sự, đó phải là một lời nói thật, không phải là lời nói chuyện có nói không chuyện không nói có, nói sai sự thật, thì cho dù lời đó có chau chuốt đến đâu, có đẹp đến đâu, có khéo đến đâu thì lời nói đó vẫn là lời nói phẫn ngữ.

2 - Thế nào là hạng người hoa ngữ (pupphabhānī)?

Một lời nói khác mà Đức Phật gọi là lời nói như hoa, ở đây dịch là hoa ngữ. Hoa là một kết tinh của thực vật, cây cỏ cho chúng ta những đoá hoa có màu có sắc có hương thơm, mà thường nói đến hoa chúng ta nói cái gì làm đẹp cho đời sống. Thật ra thì, nếu chúng ta đọc kỹ lời của Đức Phật dạy, một lời nói ngược lại với phẫn ngữ là nói như hoa, lời nói của chân thật, hay chúng ta gọi là chân thật ngôn một thứ lời nói có tôn trọng sự thật, có khi lời nói đó lại vụng không phải là lời nói khéo nhưng là một lời nói thật thì bao giờ cũng có giá trị nhất định của nó. Dĩ nhiên, Đức Phật Ngài cũng dạy chúng ta nói đúng sự thật và nói bằng tâm từ, nói đúng thời, nói có lợi ích chứ không phải nhìn một khía cạnh thật mà thôi, nhưng một lời nói thật là lời nói khó nói.

Chúng ta đang sống ở trong một thời đại mà con người thường bị phân chia, đôi lúc do người ta đứng bên này do người ta đứng bên kia người ta không có can đảm nói lên sự thật. Chúng tôi lấy một trường hợp, xã hội Hoa Kỳ là một xã hội tương đối tiến bộ rất nhiều ở trong khả năng tranh biện, nhưng chúng ta thấy những chữ như là "liberal-chủ nghia tự do" người ta đã dán nhãn hiệu cho một thứ đi quá đà là một thứ phá hủy truyền thống cố hữu của xã hội mà trở thành một thứ nhãn hiệu đôi khi trở thành án tử hình đối với các ứng cử viên. Hoặc giả, có một thời nào đó tại Việt Nam khi người ta nói người ta chỉ nói rập khuôn theo chính quyền thôi, mà hễ nói sự thật thì dễ dàng đi học tập cải tạo. Chúng ta cũng thấy con người sống trong gia đình hay trong đạo giáo cũng vậy, nhiều lúc chúng ta đứng trong một phe phái, một bên nào đó và chúng ta không dám nói ra lời nói sự thật. Sự thật nó là đơn giản như vầy, có nhiều khi mình nghe một người nào đó kết án người khác là người xấu xa hoàn toàn thì chúng ta cũng thử ngồi xuống để xét lại coi người đó có hoàn toàn xấu như vậy không. Bà Dorothy Hinshaw nói: ở trong mười trường hợp người ta kết tội một người nào đó là xấu thì có chín trường hợp đó là lời nói phóng đại quá đáng. Cũng như khi chúng ta thích một người nào chúng ta khen người đó thì cũng không hẳn là người đó tốt 100%. Người có trí là người hiểu vấn đề một cách trung thực, thí dụ mình biết rõ người đó tốt thì mình nói tốt mà xấu thì nói xấu, con người của chúng ta hay dễ a dua theo người khác dễ xu hướng theo người khác mà thường thường là chúng ta tự biến mình thành nạn nhân.

Chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa, chúng tôi biết vô số trường hợp những người Phật tử trở thành nạn nhân của những người chia rẽ phe phái, mà thật ra mình không có thì giờ để giải thích, thí dụ như một Phật tử đang đi chùa đang làm việc tốt thì người khác họ đến nói Anh hay chị không nên làm cho cái chùa đó vì chùa đó theo cộng sản hay chùa đó có ông Thầy thế này hay Phật tử thế kia, lời nói làm họ nản lòng, những chuyện đó rất là nhiều. Đôi khi Phật tử đến hỏi chúng tôi vậy chứ trong trường hợp như vậy chúng tôi làm trụ trì thì nên làm cái gì thì thú thật với qúi vị thường khi chúng tôi phải nói rằng mạng ai thì nấy giữ thôi, chúng ta không thể nào thanh minh cho cả thế giới này, chúng ta không thể nào đứng ra bảo vệ cho cả thế giới này, chúng ta chỉ biết rằng có những người họ luôn luôn nhắm vào các đối tượng nhẹ dạ để lôi kéo theo su hướng nào đó.

Thật ra có nhiều người hỏi chúng tôi vậy chứ hiểm họa của chế độ cộng sản là gì? Thì chúng tôi phải nói rằng một hiểm họa lớn của chế độ cộng sản là họ bỏ ra một số tiền khổng lồ cái tư nguyên khổng lồ để làm một bộ máy tuyên truyền và kéo vô số những người rất nhẹ dạ tin vào điều gì. Chúng tôi lấy ví dụ như ở trong những cộng đồng khác như cộng đồng Nhật Bản, Đại Hàn không bị như cộng đồng chúng ta, cộng đồng của chúng ta bị phân hóa rất nhiều bởi bên này và bên kia, phải nói rằng chính sách về lâu về dài của chúng ta không dẫn đến sự đoàn kết như mọi người nghĩ mà nó dẫn đến sự chia rẽ, mà sự chia rẽ nhất thời nó có lợi cho bên này hay bên kia nhưng về lâu dài nó là đại họa cho dân tộc. Qúi vị thấy là người Việt Nam không tin người Việt Nam, có những người họ chống bên này chống bên kia chỉ đơn giản là tại vì họ thấy người đó không giống như mình, không theo mình.

Thì như vậy ở trong thời đại của chúng ta Đức Phật cho biết là thời đại con người có nhiều sân tâm là thời đại làm con người giảm đi trí tuệ. Sân tâm là chúng ta sống ở trong một thời đại mà con người rất dễ dàng bị tác động, người này xấu người kia xấu, mình không thích người này, mình không thích người kia, và lúc nào mình cũng nặng về cái vui cái buồn, mình quên đi những thứ cần thiết. Chúng tôi làm việc Phật sự ví dụ như làm việc trong diễn đàn Phật Pháp như là rơom Phật Pháp Buddhadhamma hay ở trong một ngôi chùa thì thấy rằng tất cả những người làm việc họ đều là những người rất tốt rất thiện chí, nhưng mà sao những người tốt đó họ không có thể nào thoải mái hoàn toàn với người tốt? Thật ra chúng ta biết ai cũng có đụng chạm với nhau và sự đụng chạm của con người khiến người ta binh vực nhau, người ta lôi kéo bè phái và từ từ họ bôi tro trét trấu lên người nào đó thì người đó phải chịu là xấu hoàn toàn, nhưng ở trên thực tế thì người đó hoàn toàn không xấu như vậy.

Con người của chúng ta khi Đức Phật Ngài nói lời nói như hoa là lời nói đủ can đảm để nói một cách trung thực, đủ can đảm để vượt lên trên cái vui cái buồn, cái thương cái ghét, cái phe phái, và lời nói trung thực là lời nói như hoa, là lời nói có tôn trọng sự thật. Không may cho chúng ta là chúng ta rất ít khi có được nhiều bằng chứng về việc đó, có nhiều tấm gương sáng về việc đó, mà phần lớn là chúng ta hoặc là đứng bên này hoặc là đứng bên kia.

Thì chúng ta thấy rõ ràng Đức Phật Ngài định nghĩa lời nói như phẫn hay lời nói là như hoa thì nó chỉ là đối ngược với cái gọi là tôn trọng sự thật và không tôn trọng sự thật, và sự thật ở đây như là cái chuẩn để chúng ta lượng định vấn đề. Thật ra không phải trên phương diện xã hội mà ở trên phương diện đạo giáo cũng vậy, hễ người ta mà tin vào cái gì đó, thích cái gì đó thì cái đó tốt, mà hễ họ không tin và không thích cái gì đó thì thấy cái gì cũng xấu hết.

Chúng tôi có quen một người, người đó sống ở trại tỵ nạn bên Thái Lan. Trong thời gian sống ở trại họ cũng được ra bên ngoài vì lý do sao đó, và khi được sang Mỹ thì người đó nói rằng họ rất ghét Phật giáo Thái Lan nói riêng và Phật giáo Nam Tông nói chung. Thì có một lần vị đó nói chuyện với chúng tôi rằng không ưa Phật giáo Nam Tông, chúng tôi mới hỏi tại sao thì vị đó nói rằng có hai điều mà vị đó không thích là vì vị đó nghe một vị Hoà Thượng nói thì thấy có lý: thứ nhất là Phật giáo Nam Tông không ăn chay, thứ hai là nhà sư Nam Tông mặc quần không ống, tức là y nội giống như chúng ta mặc sàrông. Thì chúng tôi cũng không nói gì, tại vì đời sống con người mỗi người họ có cái thích và cái không thích thôi, chúng tôi chỉ cười, nhưng nếu hai lý do đó trở thành hai điều đáng bực mình đáng để giận thì kể ra nó cũng là một điểm thú vị là vì trong đời sống con người có nhiều sở thích không giống nhau. Một chuyện trớ trêu là người ta nói ghét của nào trời giao của đó. Thì vị đó sau khi định cư ở Mỹ mười năm có một người cháu đi học đại học và người cháu đó làm trong một tổ chức gọi là bảo vệ Tây Tạng, bênh vực cho Tây Tạng và cuối cùng thì người cháu dẫn vị này đến gặp Đức Dalai Lama và mở đầu quen sau đó trở thành Phật tử Mật Tông Tây Tạng, thì khi vị này theo Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng thì phải nói là vị này sùng tín Phật Giáo Tây Tạng đến mức cực độ, tức là tất cả cái gì liên quan đến Phật Giáo Tây Tạng đều là vĩ đại và các vị Lama đều là thần thánh hết. Thì có một lần vị đó đến gặp chúng tôi nói chuyện liên quan đến xã hội chứ không phải là về đạo giáo và khi gặp chúng tôi thì vị đó cũng bày tỏ là bây giờ vị đó cũng là một Phật tử đi theo Phật Giáo Tây Tạng, thì chúng tôi nhớ câu chuyện nhiều năm về trước cùng nói chuyện với nhau, gặp lại chúng tôi hỏi bây giờ sao đạo hữu có thể theo Phật giáo Mật Tông được, Phật Giáo Mật Tông họ cũng không ăn chay và cũng mặc quần không ống sao đạo hữu chấp nhận được, thì lúc bấy giờ ông nói "ồ! bây giờ Sư nói mới nhớ, tại sao chuyện đó hồi xưa có vấn đề mà bây giờ lại không có."

Thì thưa qúi vị, cái đó chỉ là cảm tính của con người , cảm tính con người rất là kỳ cục, hễ cái gì mình ghét thì mình tìm lý do để mình ghét nhưng hễ cái gì mình thương thì mình không để ý đến chuyện đó. Thành ra con người ở trong sự suy nghĩ trong ngôn ngữ mà có khả năng để tôn trọng sự thật chúng ta tạm gọi là khách quan một chút thì thật sự là chuyện khó chứ không phải là dễ, rất là khó, tại vì tính khí con người chúng ta là vậy nhưng mà một khi chúng ta có phê phán nặng nề với người khác thì chúng ta đừng nghĩ rằng người bị phê phán là nạn nhân khi mà mình không tôn trọng sự thật thì lời nói của mình là lời nói thiên vị là lời nói một chiều là lời nói không khách quan của mình, tự nó nó biến mình trở thành một nạn nhân. Người có trí thì hiểu như vầy là mình không nên biến mình thành nạn nhân.

Chúng tôi đã có rất nhiều năm thường hay cổ võ qúi Phật tử nên đi du lịch, không phải vì chúng tôi thích đi du lịch mà chúng tôi muốn người khác đi du lịch nhưng chúng tôi nhận thấy một điều là con người chúng ta có quá nhiều thành kiến, có nhiều định kiến, khi chúng ta đi tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau thì cái đó sẽ giảm thiểu nhiều đi. Và khi đi du lịch chúng ta nhận thấy một điều rằng cái đối tượng mình ghét nhất thì không phải họ là nạn nhân mà chính cái sự thù ghét nó đã biến mình trở thành nạn nhân. Một người có trí thì không tự biến mình trở thành một nạn nhân. Chúng tôi thưa qúi Phật tử là thật ra kinh nghiệm đi du lịch đôi khi cho chúng ta những bài học rất lớn. Chúng tôi lấy ví dụ như cả thế giới thì dân tộc nào cũng có cái bịnh đó là mình ghét dân tộc này ghét dân tộc khác, người Pháp không ưa người Anh nhưng hồi Đệ Nhị Thế Chiến thì Người Anh sang giúp người Pháp, hay người Việt Nam với Cambuchia thì không thích nhau, hay người Việt Nam chửi người Tàu mặc dù mình học sách thánh hiền của Tàu v.v..., nói chung đó là do chúng ta gần nhau ảnh hưởng với nhau, người Đại Hàn họ cũng ăn sushi, họ cũng có nhiều cái bắt chước theo người Nhật nhưng họ lại rất ghét người Nhật. Thì đến một mức độ nào đó chúng ta nhận ra rằng sự ghét của chúng ta đối với người khác chỉ làm cho chúng ta sống hạn hẹp thêm, làm cho chúng ta phiền toái, làm cho chúng ta mất đi tánh cách khách quan. Sự khách quan là cái gì rất cần thiết để cho chúng ta có thể nói như vầy: mình thương người nào thì mình cũng biết được cái nhượt điểm của người đó, mà mình ghét người nào mình cũng biết được cái ưu điểm của người đó. Đó không phải là chuyện dễ.

Chúng tôi nhớ có một năm đi Ấn Độ, đi với một vị thầy và vị thầy này sau nhiều ngày đi qua Ấn Độ thì mấy người ăn xin và mấy người phục dịch trong khách sạn làm cho vị này bực mình quá thì vị này mới nói với chúng tôi rằng: "không hiểu sao ở bên Mỹ mấy người Ấn Độ họ qua Mỹ họ làm bác sĩ làm giáo sư, họ thông thái quá, nhưng mà sao mấy người ở Ấn Độ họ lại ngu quá." Nhưng điều buồn cười nhất là vị đó trong một lần cầm microphone ở trên xe bus mà có chúng tôi tại đó thì vị đó tuyên bố như vầy: "Tất cả những người Ấn Độ thông minh, một là họ vào trong rừng tu nhập Niết-bàn hết rồi, hai là qua Mỹ làm bác sĩ giáo sư, còn những người ở lại Ấn Độ đang điều hành toàn là những người ngu dốt." Tại vì vị này quá giận những người Ấn Độ. Nhưng mà thưa quí vị, khi thầy đó tức mà nói như vậy thì chúng tôi cũng phải nhìn nhận một điều là con người của chúng ta khi giận thì hay nói quá lời về chuyện gì đó. Thật ra thì ở xứ nào cũng có người này và người khác và chúng tôi cũng đồng ý là những người ăn xin hay một số người đi theo làm tiền khách du lịch thì cũng phiền thật. Nhưng nếu chúng ta nhìn ở một mặt khác, những người dân sống nghĩa là đại chúng khắp nơi họ vẫn có nhiều điểm mà chúng ta có thể học có thể cảm kích ở họ. Thành ra lời nói mà Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài nói về lời nói như phẩn hay lời nói như hoa thì khác biệt ở chỗ là có tôn trọng sự thật hay không, thái độ khách quan của chúng ta rất là quan trọng.

3- Thế nào là hạng người mật ngữ (Madhubhānī)?

Lời nói thứ ba Đức Phật Ngài dạy ở đây là lời nói như mật. Đôi khi cách biểu đạt trong ngôn ngữ cũng khác biệt là do văn hóa. Có một lần chúng tôi nói với qúi vị rằng hình ảnh con ong hút mật là hình ảnh không đẹp ở trong ngôn ngữ Việt Nam và Trung Hoa, chúng ta có chữ "ong bướm" chẳng hạn. Nhưng hình ảnh con ong hút mật mà không làm thương tổn các loài hoa là hình ảnh đẹp ở trong kinh. Thì lời nói đường mật hay là mật ngọt chết ruồi thì lời nói đường mật ở trong tiếng Việt của chúng ta không hay, nhưng lời nói như mật ở trong chữ Phạn và trong văn hóa của Ấn Độ và trong văn hóa Phật giáo là chữ rất đẹp.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết nhiều khía cạnh liên quan đến lời nói gọi là ái ngữ. Lời nói ái ngữ là lời nói xuất phát từ lòng từ, nếu chúng ta trừ những trường hợp như mất đi tự chủ hay trường hợp có tánh cách quá đáng và nếu bình thường chúng ta nên tập dùng ngôn ngữ hòa ái đối với nhau, thói quen đó rất tốt cho chúng ta tại vì lời nói hoà ái trong đạo Phật gọi là lời nói với tâm từ. Tâm từ là mong cho người khác được an lạc, mình nói thế nào đó mà mình mong cho người khác được an lạc hơn nói sẵn giọng.

Trong Tứ Nhiếp Pháp Đức Phật Ngài nói ái ngữ là một trong những pháp để thâu nhiếp chúng sanh để tạo ra duyên lành đối với chúng sanh khác. Trong kinh Bổn Sanh cũng nói nhiều câu chuyện ngay cả đối với loài vật như con bò con chó mà mình có lời nói ngọt ngào với nó thì nó vẫn khác hơn và điều này chúng tôi đọc rất nhiều bài viết nói về một số nền văn hóa đối với loài vật họ không dùng lời ngọt ngào thì những con vật tánh khí nó khác, nhưng có những nền văn hóa người ta nói ngọt ngào với những loài vật thì con vật ngoan ngoãn hơn. Chúng tôi không biết câu chuyện thời xưa như con bò ở trong Túc Sanh Truyện người chủ nói ngọt thì con bò ra sức kéo một cái chiếc xe với trọng tải rất lớn và khi nói sẵn giọng thì nó lại không chịu kéo.

Chuyện đó đôi khi chúng ta nghe như câu chuyện ngụ ngôn nhưng trong đời sống hàng ngày chúng tôi có thể cảm nhận được một điều là ngay cả như đối với con vật như ở chùa có con chó tên là Suckho, nó biết nghe mà chẳng những biết nghe mà chúng tôi tin rằng khi mình nói ngọt với nó hay nói sẵn giọng nó cũng có thể cảm nhận được. Chúng tôi nhớ mỗi lần nó chạy theo xe mà mình la nó một tiếng giống như mình quát lớn "đừng có chạy theo xe sẽ đụng xe đó" thì nó biết nó ngừng lại, những khi Chư Tăng ngồi nơi ghế kế bên nói chuyện với nó mà nói một cách bình thường, thật ra chúng tôi không có thể nào diễn tả được hết việc đó nhưng có thể cảm nhận được là con chó nó biết nghe và nó biết nhận ra cách đối xử của mình qua giọng nói. Vì vậy Đức Phật Ngài khuyên là lời nói tốt lành đã đành rồi nhưng xử dụng lời nói ái ngữ thì tốt hơn.

Ngay cả Đức Phật là vị Chánh Đẳng Chánh Giác là bậc Giác Ngộ, Ngài luôn nói với lời nói từ ái. Như trường hợp ông Cấp Cô Độc khi còn là người cư sĩ chưa bao giờ gặp Đức Phật, khi đến gặp Đức Phật lần đầu lúc đó Ngài đang đi kinh hành vào buổi sáng sớm ông thấy Đức Phật từ xa. Và Đức Phật Ngài nói

"Này Sudatta, hãy đến đây."

Sudatta là tên thật của ông Cấp Cô Độc mà rất ít người biết được, đa số gọi ông là Anathapindika tức là người giúp đỡ cho những kẻ bần hàn. Nhưng Đức Phật đã gọi ông như vậy. Tại sao Đức Phật gọi như vậy? Lời nói của Đức Phật khiến cho ông cảm thấy có âm thanh như là người cha gọi một đứa con mà đức con lưu lạc từ xa về. Và khi ông đảnh lễ Đức Phật nghe Đức Phật thuyết pháp ông chứng quả nhập lưu, từ giây phút đó trở đi ông trở thành một người đại cư sĩ vĩ đại trong giáo pháp của Đức Phật.

Khi chúng ta đọc một giai thoại nhỏ như vậy, Đức Phật đang đi kinh hành mà Ngài gọi "Này, Sudatta hãy đến đây" thì những điều đó cho chúng ta thấy rằng ái ngữ ngay cả đối với vị Chánh Đẳng Giác cũng rất quan trọng. Và có lẽ chúng tôi nói điều này qúi Phật tử cũng hơi ngạt nhiên là chư vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Chư Phật nhất là Đức Phật đừng tưởng là Ngài không có lời nói mà chúng ta tạm gọi là xã giao, không phải, đôi khi không phải là xã giao nhưng thông lệ của chư Phật là khi gặp chư tỳ kheo từ xa về thì Đức Phật đều hỏi rằng: "Các thầy đi đường như thế nào có được an lạc không, có gì bất trắc không, thực phẩm có tốt không, các pháp lữ đồng hành có tốt hay không?" chứ không phải Đức Phật là một vị Thầy rồi Ngài gặp Ngài chỉ la chỉ rầy, Ngài chỉ dạy tu tập, mà thật sự lời hỏi thăm của Đức Phật đối với các vị tỳ kheo về gặp Ngài như là lời nói của một ông cha hỏi thăm người con. Điều đó rất là cần. Chúng ta gọi là sự ân cần trong đời sống này nhưng thật ra nó là một thứ ái ngữ để các vị đó được sách tấn khích lệ mà chúng tôi nghĩ rằng những chi tiết đó thì có nhiều người xem là rất nhỏ ở trong kinh điển. Nhưng nếu chúng ta đọc và chúng ta nghiền ngẫm thì thấy rằng ngay cả Đức Phật một vị đã vượt lên trên tất cả những tế toái những hệ lụy những quan niệm về nhân ngã bỉ thử trong cuộc sống này nhưng Ngài vẫn xử dụng ái ngữ để sách tấn để khai tâm để dẫn dắt thì chuyện đó chúng ta nên học và chúng ta nên nghiền ngẫm. Đôi khi chúng ta hơi cố chấp và chúng ta nói lời nói ngọt là lời nói không có tốt hay là trung ngôn nghịch nhĩ, đồng ý, những lời nói thẳng nói nghịch nhiều khi nghe khó lọt vào tai, nhưng không phải chúng ta nói như vậy rồi chúng ta lấy lý do đó để rồi lúc nào chúng ta cũng đả kích người khác, chúng tôi vẫn tin rằng tất cả mọi người đều có quyền được đối xử một cách tử tế, chúng ta không muốn ai nói chuyện với chúng ta bằng ngôn từ thiếu tôn trọng thì đối với tất cả mọi người chúng ta nên xử dụng ngôn từ một cách có tôn trọng.

Ở gần Ngài HT Hộ Giác chúng tôi có học với Ngài rất nhiều điều nhưng một trong những điều chúng tôi học được ở Ngài đó là Ngài rất tôn trọng người khác cho dù người đó là người rất nhỏ. Chúng tôi lấy ví dụ như là chư tăng ở trong chùa vị lớn hay vị nhỏ cũng vậy, không phải Ngài nghĩ Ngài là Trưởng Lão rồi Ngài muốn vô phòng vị nào là Ngài đường đột vào, không phải như vậy, khi Ngài đến thì Ngài có gõ cửa, Ngài gõ cửa một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi sống trong chùa và hiểu được tiếng gõ cửa của những người có nhiều khi họ gõ cửa họ gõ rầm rầm mà biết mình có trong phòng. Nhưng đối với Ngài HT một vị Trưởng Lão Ngài gõ cửa từ tiếng nhỏ cho đến tiếng lớn để cho mình khỏi giật mình. Thật ra khi chúng tôi nói chuyện với qúi vị tại đây chúng tôi cũng tin rằng tiếng gõ cửa đó cũng là một thứ ngôn ngữ, tại sao mình lại đập cửa nguời khác, thí dụ mình biết người đó trong phòng mình cần gọi người đó thì chỉ nên gõ cửa nhè nhẹ, nhưng có những người họ không làm được chuyện đó, quí vị không tưởng tượng được họ gõ cửa nhà mình giống như là ăn cướp vậy đó hay là giống như công an đến để bắt tội phạm. Chuyện đó không cần thiết, tiếng gõ cửa cũng là một thứ ngôn ngữ biểu đạt. Và tất cả mọi người kể cả con chó con mèo ở trong nhà chúng ta cũng nên tôn trọng với chúng sanh đó. Thành ra ở đây khi Đức Phật Ngài dạy là lời nói như mật là dĩ nhiên là lời nói đó có giá trị, lời nói đó có tôn trọng sự thật nhưng trong lời nói đó có từ tâm có ái ngữ, lời nói đó khi nói có suy nghĩ lợi ích mình, nói một cách hợp thời chứ không phải mình nói đã để tấn công người khác.

Thì khi chúng ta nghiệm lại ba thí dụ của Đức Phật: lời nói như phẫn, lời nói như hoa, và lời nói như mật. Chúng ta nghiệm cho kỹ sẽ thấy Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều mặt dầu những thí dụ rất đơn sơ nó không phải là thí dụ cao xa đến đỗi mà chúng ta vượt ngoài sự suy nghĩ bình thường.

Chúng ta nói tóm lại như vầy là đời sống có ngôn ngữ là một thứ phương tiện rất hữu ích để truyền thông nhưng con người của chúng ta nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung, có người biết xử dụng một cách thiện sảo một cách khéo léo, có người xử dụng một cách không khéo léo. Nhưng cái khéo léo và không khéo léo còn yếu tố khác đó là thái độ tôn trọng sự thật và lòng từ. Nếu chúng ta nói bằng thái độ tôn trọng sự thật thì lời nói như hoa, nhưng trong lời nói tôn trọng sự thật chúng ta còn có lòng từ còn có tâm mát mẻ bằng lời nói hoà ái thì Đức Phật gọi là lời nói như mật. Thì dĩ nhiên đó là lời nói đẹp nhất, đó là tặng vật đẹp nhất chúng ta có thể dành cho nhau ở trong cuộc sống này ./.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh