dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Trước nhất chúng ta định nghĩa cảm thọ là Khổ, Lạc, Ưu, Hỉ, Xả. Khổ là cảm thọ khó chịu về thân. Thí dụ như chúng ta bị đứt tay hay chúng ta nằm cấn lên cái gì đó hay ngồi thiền bị tê nhức bị đau, cái đó gọi là khổ. Trong đời sống hàng ngày cái gì thuộc về vật chất thì chúng ta có thể hiểu được nó liên quan đến Khổ và Lạc. Ưu và Hỉ thì đặc biệt dùng để chỉ cho tâm. Xả là trạng thái sinh ra không khổ, không lạc, không ưu, không hỉ, là trạng thái thản nhiên. Sự thản nhiên này có hai phương diện: Người Phật tử nói về Xả thì nói như vậy nhưng Xả là bài học lớn ít khi nào chúng ta để ý đến, và thường trên phương diện pháp hành chúng ta hay bỏ qua cái Xả này tại vì Xả nó giống như nước nước trắng trong không có vị thường chúng ta không để ý nhiều, chúng ta nghĩ đến nước mặn, nước ngọt, nước đắng, nước chua vậy thôi, còn nước lạnh trắng trong thì chúng ta không để ý, nhưng nước trắng trong lại rất quan trọng. Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài buddhaghosa nói, một hành giả mà tinh tế thì hành giả đó chạy theo dấu vết của Xả bằng cách giống như người thợ săn đi tìm dấu chân của con nai, khi con nai chạy trên đất thì để lại dấu chân nhưng khi nó chạy ngang một phiến đá lớn thì không để lại dấu chân nhưng hành giả có thể nhìn thấy đường đi của nó từ bên này phiến đá qua bên kia phiến đá bằng cách nhìn hai dấu chân bên này và bên kia, còn ở trên đá thì nó không để lại dấu vết, thì Xả thường thì không để lại dấu vết và lúc đó hành giả phải nhận ra thế nào là Thọ Xả. Cảm thọ là một ở trong năm uẩn, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Nhưng đối với cái nhìn là phản ứng của con người chúng ta thì cảm thọ là cái gì quan trọng nhất. Mình thích ở gần một người nào đó tại vì người đó cho mình cảm giác vui, và mình không thích ở gần ai tại vì mình ở gần người đó không có cảm giác vui, hay hoặc giả người ta có thể bỏ hết tất cả những gì người ta có nếu cái nơi mà họ sắp đến nó cho người ta một niềm vui rất lớn, và vì niềm vui lớn người ta sẵn sàng bỏ tất cả. Chúng ta cũng có thể nói là cuộc sống hàng ngày của chúng ta dựa trên cái vui cái buồn của mình để đánh giá hạnh phúc đánh giá sự may mắn. Có thể có một buổi chiều mình có mặt tại chùa với một vài người bạn uống một miếng trà ăn một miếng bánh cảm thấy là vui vẻ, thì chúng ta cho rằng đó là một buổi chiều hạnh phúc. Cũng có một buổi chiều chúng ta đến một đại hội rất lớn ồn ào huyên náo nhưng nghe nhạc thì cũng không thích, những người chung quanh thì xa lạ, khi trở về cảm thấy mệt mỏi, thì chúng ta gọi đó là một buổi chiều không hạnh phúc. Cái cảm giác trong lòng chúng ta đặc biệt là quan trọng, và từ xưa đến bây giờ chúng ta thường có phản ứng về cái cảm giác đó. Thật ra thì chính về điểm này chúng ta hiểu được cái gì gọi là vô minh. Giống như một câu thơ người ta nói rằng "Hôm nay trời nhẹ lên cao tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn." Rất nhiều lần ở trong cuộc đời của chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày con người buồn hay con người vui, cái buồn cái vui đó rất là bản năng, nghĩa là cái buồn khởi lên cái vui khởi lên mà mình không thật sự biết là tại sao mình buồn tại sao mình vui. Về điểm này thì một người tu tập cần có một sự phân biệt mà Đức Phật Ngài dạy ở trong bài kinh này là phân biệt cảm thọ thuộc về vật chất hay cảm thọ không thuộc về vật chất. Cái mấu chốt này là một trong những mấu chốt quan trọng nhất mà một hành giả tu tập phải hiểu. Cảm thọ thuộc về vật chất tức là những cảm thọ phản ứng một cách khách quan đối với cảnh ở bên ngoài, thí dụ như mình nghe một bản nhạc êm tai mình thích hay ăn một món ngon. Món ngon hay bản nhạc êm tai đó thuộc về vật chất và chúng ta phản ứng với nó thuần bản năng. Dĩ nhiên là có nhiều khi cũng dựa trên một số sự nhai đi nhai lại của chúng ta nhưng thường thì nó khách quan. Nhưng có những cảm thọ không thuộc vật chất đó là sự nhồi nặn của chúng ta do sự suy nghĩ mà ở trong kinh thường gọi là "khéo tác ý" và "không khéo tác ý", chúng ta có phản ứng với điều đó. Chúng tôi có đọc câu chuyện về một người đệ tử của Ngài Ajahn Chah, vị sư này tu thiền. Một hôm đi trên một đoạn đường trời tối và ghé vào một ngôi chùa làng để xin tá túc, lúc đó vào buổi chiều thì vị này được mời ở trong một tịnh thất tương đối cũng tốt, cũng yên tịnh nằm ở một góc cuối sân chùa. Vị này bước vào trong cốc và hoan hỉ có chỗ che mưa che nắng, chỗ thanh tịnh để tu tập, chung quanh có cây cao bóng mát. Nhưng khoản chừng nửa giờ sau thì vị này bắt đầu nghe tiếng từ cái loa phát ra. Trong chùa có một điều đặc biệt là Ngài Cả trong chùa là vị Pháp Sư thành ra mỗi lần Ngài thuyết pháp thì Phật tử bắt giây vào loa cho phát thanh khắp cả sân chùa, những người ở trong chùa dù là trong giảng đường hay ở ngoài hay trong nhà bếp đều nghe được. Thì dĩ nhiên là vị này ngồi trong một tịnh thất gọi là yên tịnh của mình thì cũng nghe tiếng Ngài Cả thuyết pháp. Và Ngài Cả thuyết pháp cho Phật tử với đề tài nào đó như bố thí trì giới nó không liên quan đến chuyện tu thiền. Ban đầu nghe thì vậy nhưng bắt đầu nghe một giờ thì vị này cảm thấy bực mình vị này nghĩ rằng tại sao ở trong chùa lại bắt loa như vậy, khi thuyết pháp thì nên để trong giảng đường ai muốn nghe thì vào nghe không nghe thì thôi chứ bắt loa cả chùa như vậy. Từ chỗ bực mình vị này đâm ra cáu kỉnh buổi tối đó không hành thiền được không tịnh tâm được. Ngày hôm sau vị này ra đi tới gặp Ngài Ajahn Chah và trình bày việc này như là một lời than phiền là chùa thuyết pháp mà để cái loa lớn làm vị này không hành thiền được. Thì Ngài Ajahn Chah cười, Ngài nói rằng người ta bắt loa để thuyết pháp chứ không phải bắt loa để cho Sư bực dọc. Sau đó Ngài dạy một điều rằng: "Một người tu tập thì không có thể nói rằng mình chọn chỗ này là lý tưởng hoàn toàn chỗ kia là thanh tịnh tuyệt đối, mà mình phải biết thích nghi, chỗ ồn ào thì chúng ta cũng lấy sự ồn ào đó để quán chiếu, ngay cả cảm giác khó chịu trong lòng của chúng ta cũng là cái đối tượng để chúng ta nhìn chứ chúng ta không nên nghĩ rằng nó như vậy là chúng ta không thiền được". Câu chuyện Ngài Ajahn Chah nói lên một điểm chúng ta thường gặp đó là chúng ta hay phản ứng, trong danh từ thường thức bên ngoài gọi là "chuyện bé xé to" chuyện nhỏ như vậy nhưng nếu chúng ta không để yên đó chúng ta nói tới nói lui nhào nặn nó, chúng ta nhào nặn một hồi thì nó cũng ra chuyện, chuyện đó nó không ra gì mà thành ra lớn chuyện, ở trong đời này có nhiều chuyện xảy ra như vậy, rất là nhiều. Bởi vậy chúng ta nói như vầy; cảm thọ thuộc về vật chất là những thứ cảm thọ liên quan đến sắc, thinh, khí, vị, xúc, nó liên quan đến cái gì mình thấy, mình nghe, mình ngửi, mình nếm, mình đụng. Cái đó thấy như vậy, thấy nó rất mạnh nhưng thật sự nó không bền trong lòng chúng ta. Ví dụ qúi vị thấy một cảnh đẹp hay cảnh xấu dù cảnh đó đi qua thôi dĩ nhiên là cũng có những người thấy hoài nhưng cái cảnh bên ngoài nó không bằng cái mà cảm thọ không thuộc vật chất tức là sự suy nghĩ cái phản ứng của chúng ta đối với những điều đó mà cái suy nghĩ của chúng ta trong cuộc đời này đối với mọi thứ nó ít có cái nào gọi là "Yonisomanasikara" tức là "khéo tác ý" hay là "khéo suy nghĩ" chúng ta cứ suy nghĩ để cho có chuyện buồn phiền. Có một Phật tử quen với chúng tôi vào trong rơom Diệu Pháp để nghe pháp mà Phật tử đó vừa tham dự một khóa tu ở Sacramento California, nghe được chừng mười ngày vị đó rất là hoan hỉ, thì lúc đó ở trong paltalk thỉnh thoảng có những người vào giựt mic và nói năng rất tục những từ ngữ của họ nghe không được chút nào hết dĩ nhiên là mình chịu không nổi, chúng ta thường gọi là khủng bố, thì họ vào giựt mic rồi nói bậy bạ rồi các op mute thì họ đi ra, nhưng sau khi chương trình chấp dứt thì vị Phật tử ở Sacramento nói với chúng tôi là rất phiền não, không hiểu tại sao người ta lại làm như vậy, chỗ thuyết pháp nghe được thì nghe không nghe được thì thôi tại sao vào phá mà nói những lời bậy bạ như vậy v.v.... rồi vị đó hỏi "Thầy có bực không?" thì chúng tôi trả lời rằng chuyện đó bình thường, vô paltalk là gặp hoài, thì vị đó hỏi tại sao Thầy không bực, thì chúng tôi cũng thưa là, "bực cũng vậy mà không bực cũng vậy, hễ mình vào paltalk là mình gặp như vậy thôi tại nó là như vậy", thì chuyện đó bẳng đi một năm sau thì vị Phật tử này có dịp nói chuyện với chúng tôi và nói một điều là "Thầy nói đúng, bây giờ vô paltalk quen rồi có nhiều khi thấy người ta nói gì cũng kệ ,những người đó họ phiền não họ vô họ nói là chuyện của họ chẳng ăn thua đến mình, đừng để ý". Chúng tôi kể chuyện đó để qúi vị thấy rằng phản ứng của chúng ta đối với những chuyện đó là do chúng ta hết, dĩ nhiên những người khủng bố thì họ cũng phá mình một phần nhưng phần đó nó nhỏ lắm, phần đó nó chỉ một vài giây hay là một phút rồi họ bỏ đi, nhưng cái chuyện chúng ta đem trở về và chúng ta phiền não chúng ta nhai đi nhai lại trong lòng là chuyện chúng ta thường làm. Nên một hành giả tu tập thì hành giả biết chỗ nào là chỗ dừng lại để không có đi xa đà vào cái phản ứng, không để mình lụy vào những phản ứng đó. Và hầu hết những phản ứng không thuộc vật chất của chúng ta tức là những phản ứng do tâm suy tư ít có khi nào chúng ta suy tư một cách gọi là thiện xảo một cách tốt, mà chúng ta suy tư để chúng ta phiền não. Niệm Thọ có một điều lợi là chúng ta nên học câu nói là "cái chuyện gì ở đâu thì bỏ đó" hay ở trong kinh dạy rằng "lửa ở ngoài không nên mang vào nhà, lửa trong nhà không nên mang ra ngoài". Bây giờ chúng ta chỉ nói câu là "chuyện gì ở đâu thì bỏ đó, chuyện đó xảy ra thì nó xảy ra rồi nó đi qua", chúng ta cố gắng tập và nếu nó có xảy ra phiền não thì chúng ta cũng nên nhớ rằng cái phiền não này là do "chúng ta suy nghĩ nhiều quá chúng ta phiền não". Chúng ta biết là có những thứ phiền não do nó như vậy và có những phiền não do chúng ta suy nghĩ nhiều quá. Ngài Ajahn Chah rất thường nói về Thọ Quán Niệm Xứ về điểm này. Ngài có viết một cuốn sách tựa đề là Mặt hồ tĩnh lặng (A still forest pool). ở trong cuốn Mặt hồ tĩnh lặng Ngài có ví dụ trong rừng có một hồ nước rất trong và mặt nước giữa hồ rất phẳng lặng, thỉnh thoảng có những con thú rừng đến uống nước làm cho mặt hồ bị giao động, nhưng sau khi con thú rừng uống nước xong bỏ đi thì mặt hồ trở lại yên tịnh chứ không giao động hoài. Ngài dùng mặt hồ đó để Ngài chỉ cho tâm của hành giả nếu chúng ta tu tập mà được như mặt hồ thì tốt, nó có những ngoại cảnh đến chi phối chúng ta nhưng khi ngoại cảnh đi rồi thì chúng ta để cho nó đi, chúng ta không giữ nó lại, chúng ta không phản ứng, chúng ta không nhai đi nhai lại điều đó cũng như cái hồ nước bị khuất động nhưng khi con vật đi rồi thì hồ nước trở lại sự bình thản. Điều đó là một sự tu tập rất lợi lạc cho hành giả. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến khía cạnh cảm thọ thuộc về vật chất và không thuộc về vật chất. Thuộc về vật chất tức là cái gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng thường là chúng ta phản ứng một cách khách quan, thí dụ như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc thì làm cho chúng ta vui nhưng ngược lại sắc xấu, tiếng thô, mùi hôi thối, vị không ngon, và thân cảm xúc khó chịu không êm ái làm cho chúng ta bực bội. Nhưng khi nó đi rồi thì cũng nên cho nó đi. Nếu chúng ta từ chối, cái sự từ chối cũng là một thái độ của tâm, mà chúng ta nắm níu nó cũng là thái độ của tâm, cái từ chối và nắm níu làm cho chúng ta khổ. Người hành Tứ Niệm Xứ lý tưởng nhất là giống như một người gác cổng chỉ có nhiệm vụ biết ai ra ai vào, không chạy theo người đó, không dính mắc với người đó, hay không có gây sự với người đó, mình là người gác cửa có phận sự ghi nhận cái gì đến thì cho nó đến và cái gì nó đi thì cho nó đi. Do vậy, qúi vị nên nhớ rõ cảm thọ về vật chất và không vật chất rất là quan trọng để chúng ta hiểu về điểm này. Bây giờ chúng ta nói sang điểm kế đó là làm sao để quán sát về Thọ. Không phải ai cũng dễ dàng để theo dõi cảm thọ của mình nhưng tất cả hành giả tu tập đều phải có kinh nghiệm để nhìn vào cảm thọ. Chúng tôi lấy một ví dụ, trong lúc mình đang ngồi thiền chân bị tê nhức đau, nhiều người rất sợ sự tê nhức và đau đó, thì chúng ta lại sanh ra cái tâm mong sao cho hết giờ hay chúng ta sẽ cố gắng chịu đựng, chúng ta không có theo dõi hơi thở được nữa và chúng ta để tâm rất nhiều vào chỗ đó. Thì câu hỏi của một hành giả là khi mình ngồi thiền chân của mình bị tê bị đau thì mình nên làm gì? - Đầu tiên là mình nên lẳng lặng nhìn vào trạng thái đau, trạng thái tê, trạng thái nhức của chân đó Chúng ta nên biết một chuyện. Ví dụ như chúng ta ngồi thiền lâu chân đau chúng ta muốn đổi tư thế đứng dạy. Chúng ta đứng mà mỏi thì chúng ta muốn ngồi xuống. Hay là ngồi mỏi chúng ta muốn đi hoặc giả là chúng ta muốn nằm. Tại sao chúng ta thường thay đổi cái oai nghi đi đứng nằm ngồi? Thì bây giờ một hành giả phải triệt để áp dụng ba qui tắc: 1. - Qui tắc thứ nhất là lẳng lặng nhìn: cho dù bất cứ cái gì xảy ra thì việc đầu tiên là chúng ta phải biết lẳng lặng nhìn nó đừng phản ứng liền. Thái độ ngồi yên tại sao lại cần thiết. Ngồi yên đừng làm gì hết để nhìn nó trước, quán sát để tâm vào sự tê nhức. Một hành giả tu tập mà thường thay đổi oai nghi, mà không có chịu khó như vậy là lâu ngày chúng ta mất đi sự kiên nhẫn và chúng ta không ngồi thiền được. Chúng tôi có một vị Sư bạn quen, vị này rất giỏi về Phật học nhưng rất là kém về pháp hành, tức là vị này không thể nào hành được mặc dầu học Phật pháp rất giỏi là vì vị này bị bịnh thiếu kiên nhẫn. Ví dụ như vào nhà hàng ngồi ăn cần phải kiên nhẫn chờ người ta mang thức ăn ra thì vị đó không chờ được phải đi chỗ này chỗ kia làm việc này việc kia, hay Chư Tăng ngồi đông để chờ làm lễ hay chờ tụng kinh ngồi yên lặng thì vị này rất là khó chịu chỉ muốn bỏ ra bên ngoài chứ không muốn chờ, nhất là mình dành thì giờ ngồi chỗ không thoải mái mình không muốn chờ. Đó cũng là một thói quen hồi còn nhỏ mình chỉ muốn làm cái gì mình thích và cái gì mình không thích thì mình nhất định thay đổi liền, dầu sao đi nữa cũng phải thay đổi. Nếu có sự thay đổi liền như vậy mà không có một cố gắng kiên nhẫn thì cái đó là phản ứng một cách không thiện xảo. Chúng tôi xin nhắc lại là. Qui tắc hành thiền đầu tiên chúng ta cần kiên nhẫn để quán sát để nhìn, nó tê thì tê như thế nào, nó nhức thì nhức từ đâu chỗ nào, mình biết là nó mỏi ở lưng, hay nó mỏi ở bàn toạ, hay mỏi cổ v.v... chỗ nào chúng ta biết, đặc biệt là chân của qúi vị không quen ngồi kiết già hay bán già thì theo dõi nhìn nó một cách lẳng lặng và ráng sức với nó, cái ráng sức đó quan trọng lắm cái cố gắng nhỏ nào cũng quan trọng. Ngài Ajahn Chah kể trong thời gian Ngài thực hành Ngài có một cái nguyện là, ví dụ như Ngài đang ở trong rừng Ngài muốn ra ngoài phố Ngài lập cái nguyện là không đi bởi vì Ngài nói lúc này mà đi như vậy là mình chiều theo cái phiền não của mình, giống như là Ngài không thèm ngó tới. Rồi tới lúc Ngài không muốn đi nữa thì Ngài bắt đầu quyết định đi. Dĩ nhiên, sống như vậy không phải dễ. Như là con cái ở nhà đòi cái gì qúi vị cho cái đó thì lâu ngày con nó hư tại vì mình chìu nó quá. Thân và tâm của mình cũng vậy. Người Nhật bản họ có cái nguyên tắc như vầy là trong lúc mình ở chung với người nào mình giận người đó lắm thì mình trở về phòng riêng mình tâm niệm rằng bây giờ là lúc mình rất giận mình khoan nói. Đừng nói gì trong lúc mình giận, giữ im lặng cho đến khi nào tâm mình hoàn toàn bình thản, đủ sự bình tỉnh trở về rồi thì ta hãy nói với người đó. Thì sự chịu đựng nghĩa là cắn răng mà chịu, không nói ra, sự tự chủ trong lúc đó chẳng những nó tăng cường nghị lực nhưng sự cố gắng đó là một Chánh Cần tức là làm sao để cho thiện pháp đang có được tiếp tục, thì chánh niệm là những thiện pháp mà chưa sanh được sanh khởi, sự cố gắng đó quan trọng lắm. Nên chi chúng tôi nhắc lại là một hành giả tu tập khi cảm thọ xảy ra đến cho mình, thí dụ cảm thọ khổ cứ lẳng lặng nhìn nó. - Qui tắc thứ ba theo dõi hơi thở. Trên phương diện pháp hành là mặc dầu có những người tu tập thì quán sát thọ nhiều hơn, chúng ta gọi là Thọ Quán Niệm Xứ. Nhưng đừng quên một điều rằng chúng ta phải có một cái căn bản, cái căn bản đến từ cái bình thường là hơi thở. Thật ra không phải chúng ta nói hành Quán Niệm Xứ là chúng ta ngồi xuống chỉ nghĩ đến cảm thọ không. Cảm thọ thì đồng ý lúc nào cũng có nhưng thường chúng ta để tâm của chúng ta vào một sự thực hành căn bản là mình ngồi xuống theo dõi hơi thở, hay là mình đi theo dõi bước chân, thì trong lúc đó những cảm thọ hoặc vui hoặc buồn, hoặc không vui không buồn khởi lên, lúc đó chúng ta theo dõi nó, chúng ta ghi nhận, sau khi chúng ta ghi nhận đừng để cho nó dẫn dắt chúng ta đi quá xa thì chúng ta sẽ đi lạc hướng. Trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện về một người bị mất con dê, ông không biết đi đâu, ông ra ngã ba rồi ông đi đến ngã tư, ông đi hoài riết rồi lạc đường. Chúng ta thường sống ở trong sự lạc lõng như vậy, chúng ta thường sống ở trong vùng tăm tối lạc như vậy. Tức là cái vui cái khổ hiện lên chúng ta chạy theo nó, rồi chúng ta tiếp tục chạy theo nó, tiếp tục chạy theo nó, sanh sự rồi lại sự sanh, hết cái này thì tạo nên cái kia, hết cái kia thì tạo nên cái nọ. Do đó hành giả luôn luôn ghi nhận cảm thọ của mình và trở về liền với hơi thở. Trong kinh nói rằng: Hơi thở giống như con bò hay con ngựa hoang cột vào với cái trụ, cái trụ đó có sợi giây cột vào cổ con thú, con thú có thể chạy tới chạy lui nhưng nó không chạy quá xa cái mức cho phép tại vì nó phải trở về với cái trụ, ở trong khoảng cách giữa sợi giây và cái trụ thì nó có thể chạy tới chạy lui được Thì chúng ta tương tự như vậy, chúng ta dùng hơi thở làm cột trụ, hơi thở ra vào, và cảm thọ sanh khởi thì mình biết là cảm thọ sanh khởi. Hay hoặc giả là một hành giả tu tập thì khi về tới phòng mình nằm ngủ, khi nằm xuống rồi thì cảm giác đầu tiên là mình ý thức rằng mình đã nằm, mình ý thức trọn vẹn là mình đang ở trong oai nghi nằm, và mình quét sự chú ý của chúng ta từ đỉnh đầu tới chân, mình thử xem cái cảm giác từng phần, từ đầu, rồi vai, rồi bụng, rồi xuống tới chân của mình, cái cảm giác như thế nào, và như vậy nó cũng là một cách gọi là quán sát về cảm thọ. Nhưng sau khi mình quét cảm giác sự quan sát của mình từ đầu đến chân xong thì mình nên bắt đầu trở về với hơi thở. Chúng ta nên nhớ một điều rằng nếu Thọ Quán Niệm Xứ mà lâu lâu nhìn một lần thì qúi vị có thể nhìn được nhưng nếu để thường xuyên bền bỉ thì chúng ta cần nhịp điệu thường xuyên, chúng tôi nói nhịp điệu đó chính là hơi thở, đừng bỏ quên điều đó. Không có nghĩa là mình nói rằng người này tu tập Thân Quán Xiệm Xứ hay Thọ Quán Niệm Xứ thì không cần niệm hơi thở, không phải vậy, mình phải có một cái để mình trở về, cái đó là hơi thở. Và đừng để cảm giác nó dẫn đi quá xa. Ví dụ như cảm giác sanh khởi mình ghi nhận mình đang vui, có cảm giác vui. Thí dụ mình nhớ ngày mai mình có người bạn thân đến thăm, hay mình mới được cái món gì đó mình vui, xong mình ghi nhận cảm giác vui đó nhìn nó một chút rồi trở về lại với hơi thở. Cái thói quen trở lại với hơi thở là thói quen rất tốt cho hành giả, đừng để những cảm giác dẫn mình đi quá xa. Và nếu chúng ta tập được thói quen trở về hơi thở, lâu ngày thì chúng ta sẽ đạt được khả năng là không có phản ứng bồng bột quá. Không phản ứng bồng bột tức là chuyện vui đến mình biết vui đến, nó sẽ khởi sanh vui đến một chút nhưng mình trở lại với hơi thở chứ không chạy theo nó để phản ứng, hoặc vật lộn với nó, để mà ôm xiết lấy nó và để làm cho mình quên đi cái chính của mình là hơi thở. Như vậy, sự tu tập về Thọ Quán Niệm Xứ ở tại đây là hành giả trước nhất là nên có sự phân biệt giữa Khổ, Lạc, Ưu, Hỉ, Xả. Và chúng tôi nhấn mạnh cái Xả là cái khó nhận nhất nhưng mà là cái quan trọng nhất. Trong bản viết của Ngài Ledi Sayadaw Ngài nói rằng: người mà không có nhìn thấy được cái Xả Thọ thì người đó chưa gọi là biết về các Thọ. Và Ngài cũng cho biết là chính những cảm thọ này mà nó khiến cho chúng ta bị rơi vào tình trạng vô minh nhiều nhất. Ví dụ như chúng ta đang rơi vào cảm giác không vui không buồn, mình gọi là vô tư lự, hay là không vui không buồn là do mình thuần thục, những thứ đó người ta không phân biệt được, và lúc đó thì chúng ta mới thấy rõ ràng trạng thái của vô minh. Khi biết rõ trạng thái của Khổ, Lạc, Ưu, Hỉ, Xả rồi thì chúng ta nên nhận rõ thế nào thuộc về vật chất và thế nào thuộc về không vật chất. Cái thuộc về vật chất thường nó khách quan và nó đến rồi nó đi. Nhưng thuộc về không vật chất là nó thuộc về tâm của chúng ta thường nhồi nặn nó nhiều, cái đó gọi là cái phản ứng của chúng ta, chúng ta nên biết cho rõ. Và rồi khi chúng ta niệm về Thọ Quán Niệm Xứ thì như hồi nãy chúng tôi nói là một trạng thái tê nhức thoải mái vui hay buồn nên trải qua ba công đoạn: - Công đoạn thứ nhất là quan sát ghi nhận, cứ ghi nhận nó. Đó là ba công đoạn rất quan trọng khi hành giả tu tập về thọ quán niệm xứ./. Còn Tiếp Kỳ Sau - Quán Tâm |