dieuphap.com Trang chính


Kinh Niệm Xứ - Quán Thân

TT. Giác Đẳng giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 3 tháng 11 năm 2011

Minh Hạnh chuyển biên


TT Giác Đẳng: Trước nhất chúng ta định nghĩa chữ "Niệm Xứ". Chữ Niệm dịch từ chữ Phạn là "Sati". Chữ Niệm này có ba khía cạnh nên ghi nhận, đó là:
- Chú ý (Sati)
- Chú ý một cách thiện xảo (Yonisomanasikara)
- Và chú ý một cách bền bỉ.

Chú ý (Sati)

Ví dụ như chúng ta không sống trong sự quên lãng. Bây giờ chúng tôi đang làm việc ở trong room và đang nói chuyện với Chư Tôn Đức và qúi Phật tử. Điều tốt nhất mà chúng tôi nên tập trung đó là tập trung vào cái gì mình đang làm ở đây. Chúng tôi đang ngồi trước máy, đang làm những gì cần thiết, đang nói những gì cần thiết, chứ không phải là chúng tôi đang ngồi ở đây nhưng tâm tư để ở đâu miên man xa xôi. Hay là qúi Phật tử đang nấu ăn thì tâm của qúi vị để ngay vào công việc mình đang làm, chứ không phải vừa nấu ăn vừa triền miên chuyện nói điện thoại hay những chuyện khác mà không chú ý vào những gì mình đang làm. Ví dụ chú tâm vào đang sắc cái gì và đang rửa cái gì. Một thí dụ khác là chúng ta đang lái xe thì người lái xe phải là người rất tỉnh táo chú ý vào những gì đang xảy ra với những gì mình đang làm tức là mình đang lái xe và phải để ý hoàn cảnh chung quanh, còn nếu chúng ta không để ý, đang lái xe mà nghĩ đến chuyện đâu đâu lo ra hay nghĩ đến chuyện khác thì đó là chúng ta thiếu sự chú ý.

Hồi chúng ta còn nhỏ có nhiều khi ông bà thấy mình làm việc hay la là "làm việc mà không ý tứ gì hết" ở đây ý muốn nói rằng mình làm việc mà không để tâm vào công việc.

Trong Thiền ngữ họ dùng chữ "Tại và bất tại". "Tại" là chúng ta có mặt ở tại đó, chữ "Bất tại" có nghĩa là tâm chúng ta nghĩ chuyện đâu đâu.

Phần lớn chúng ta sống thường có sự lôi kéo rất lớn về quá khứ và có sự miên man đối với tương lai, nên tuy rằng chúng ta có mặt ở trong cuộc đời nhưng chúng ta không có chú ý nhiều. Qúi Phật tử cứ để ý là khi chúng ta vào trong rơom nghe Pháp trừ những trường hợp đặc biệt như rơom có chuyện gì thì chúng ta để ý còn nếu không có thì chúng ta không lưu tâm nhiều. Chúng ta nghe ở đây mà tâm nghĩ miên man đến những chuyện khác. Thí dụ như qúi vị nghe Sư Pháp Tín nói chuyện và qúi vị nghĩ thêm nữa là " không biết Sư Pháp Tín ở đâu, rồi ở gần Sư Trưởng, rồi Sư Trưởng ở Biên Hòa", rồi nghĩ tiếp tục, tiếp tục.

Trong kinh có nói câu chuyện về một vị sadi ngồi hầu quạt cho vị Sư Bác của mình, trong lúc quạt cho Sư Bác thì nhớ lại chuyện xảy ra trước đó là có người cúng dường cho vị sadi đó một xấp vải và khi vị sadi đem cúng dường đến vị Su Bác mà vị Sư Bác không nhận thì vị sadi buồn. Ngồi quạt cho Sư Bác lại nghĩ đến chuyện mình hoàn tục rồi đem xấp vải bán, rồi bắt đầu khởi sự công việc chăn nuôi, vài bữa rồi khá giả, rồi lập gia đình, rồi dẫn vợ con đi chùa v.v.... việc đó cứ tới tới như vậy cho đến khi đang nghĩ đến chuyện bực bội với người vợ rồi lỡ tay cầm cái quạt đánh vào người Sư Bác, thì vị Sư Bác là người có tha tâm thông đọc được ý tưởng của người cháu đang ngồi hầu quạt mình, và vị Sư Bác mới nói rằng: "Tại sao vợ của ngươi ngươi không đánh mà đánh ta". Thì hành động mà chúng ta thường gọi là vô thức thật ra là hành động mình bị miên man ở trong ý tưởng , những chuyện đó chi phối kéo chúng ta đi chỗ này chỗ kia. Bình thường mặc dù chúng ta vẫn đi, vẫn đứng, vẫn nói năng, vẫn làm việc, chúng ta thấy làm việc bình thường lắm nhưng đa phần tâm của chúng ta bị lôi kéo về rất nhiều nơi.

Do đó chữ "Niệm" trước nhất là sự chú ý. Sự chú ý đó là đặt để tại đây, ở đây, bây giờ, cái chúng ta đang làm. Sự chú ý đó là "Sati".

- Chú ý một cách thiện xảo (Yonisomanasikara)

Thứ hai chúng ta nói "Niệm" là chú ý một cách thiện xảo (Yonisomanasikara). Thí dụ mình làm việc gì khéo hay không khéo nằm ở chỗ là mình biết chú ý cái gì, chú ý tới đâu. Giả sử như trong đời sống của chúng ta cứ ngồi để lo chuyện thiên hạ, thích nói chuyện người này thế này người kia thế khác, gọi là thích phiếm luận, thích bàn về người này hay, người kia dở, lỗi lầm người này, lỗi lầm người kia. Trong lúc đó chúng ta thay vì thì giờ mình nói chuyện người khác thì mình nên đem sự chú ý đó vào thân và tâm của mình, coi mình có phiền não hay không, và xem mình có ưu điểm gì nhược điểm gì. Đời sống mỗi người đều có 24 giờ, mọi người đều có thời gian giống nhau nhưng có những người sống 24 giờ có lợi ích, còn có những người sống 24 giờ họ sống một cách rất là hoan phí.

Đức Phật gọi là có Yonisomanasikara, tức là có thiện sảo trong tác ý, có chánh tư niệm, có khéo tác ý hay không. Thì căn bản của "Niệm" ở đây là nếu mình chú ý "Ở Đây" và "Bây Giờ" thì mình chú ý cái gì, chú ý cái gì quan trọng. Do đó Đức Phật mới gọi là "Niệm Xứ", tức là bốn lãnh vực, bốn phương diện, bốn đối tượng để mình nhắm tới để suy nghĩ chứ không phải mình nói chú ý chỗ nào mình cũng chú ý hết.

Hồi còn nhỏ ở nhà có ông ngoại hay kể câu chuyện là: Có một thanh niên đến ở rể ở nhà của người vợ tương lai. Ngày xưa đôi khi có điều kiện là một thanh niên muốn cưới một cô gái thì phải về nhà của cô gái đó làm việc không công ở trong nhà. Bên gia đình cô gái quan sát coi tánh ý của người đó có tốt hay không sau đó họ mới quyết định có gả cô gái hay không. Anh này trước khi qua bên đó thì anh được dặn là hễ thấy người cha vợ làm cái gì thì cố gắng đừng có làm ngơ mà nên đứng ra lãnh hết chuyện đó để lấy lòng người cha vợ để người cha vợ được hài lòng. Thì anh này chỉ nghe đơn giản như vậy rồi anh đến đó, anh không phải là người giỏi khéo nên câu chuyện được kể rằng; anh cùng với người cha vợ tương lai vào trong rừng đốn cây mà từ sáng đến chiều hễ người cha vợ ngó cây nào thẳng muốn đốn cây đó thì anh chạy lại xin "Tía để đó con làm cho", thì người cha vợ lại đi qua cây khác thì anh lại đi theo xin, mà từ sáng đến chiều cây nào anh cũng nói để anh làm hết nhưng rồi rốt cuộc anh không làm được tại vì anh phải chạy theo người cha vợ và người cha vợ cũng không làm được gì, tại vì làm cái gì anh cũng cản. Thì ở đây cho chúng ta thấy rằng cái đó là một cách không thiện xảo, người ta nói là "ngây ngô". Đời sống của chúng ta cũng tương tự như vậy, có nhiều khi mình không biết đặt sự chú ý của mình, không khéo thì nó không có tác dụng. Do vậy điểm thứ hai của "Niệm" là sự chú ý, sự hướng tâm nhưng mà là hướng tâm một cách thiện xảo, hướng tâm chỗ nào và có những cái hướng tâm có lợi và có những cái hướng tâm không có lợi.

- Chú ý một cách bền bỉ

Khía cạnh thứ ba mà chúng ta gọi là hướng tâm một cách nỗ lực, một cách không giải đãi, một cách không có trù trừ. Cuộc sống của chúng ta có một cái Pháp mà chúng ta không có để ý đó gọi là "giải đãi". Ở trong sự giải đãi này, chúng ta cũng làm cũng đi vào cuộc sống nhưng cơ hồ giống như nó không có gì quan trọng không có gì đáng để chúng ta phải cấp thiết để thực hiện. Qúi vị cứ để ý những người sống chung quanh, những người nào họ làm được chuyện là tại vì họ nhìn cuộc sống một cách nghiêm túc, nhưng nhiều người không có nhìn cuộc sống một cách nghiêm túc thì họ làm lãng phí thì giờ của họ và họ làm lãng phí thì giờ của những người chung quanh. Sự lãng phí thì giờ đó là bởi vì họ thấy họ dư thì giờ quá. Nếu chúng ta thấy rằng mình cần có thì giờ để sống để làm những việc cần thiết thì chúng ta không phí thì giờ. Thành ra cái nhìn của một người không có giải đãi là người biết qúi thì giờ của mình và biết qúi năng lực của mình. Như vậy trong sự lưu tâm trong sự hướng tâm thì hành giả hiểu rõ rằng việc đó là việc cần làm nên làm.

Nên chi ở trong sớ giải thì nói rằng "Niệm" có ba khía cạnh:
Khía cạnh thứ nhất là sự để tâm, tức là có chú ý là để tâm.
Thứ hai là chú tâm một cách thiện xảo.
Thứ ba là chú tâm một cách không giải đãi.

Nói theo ngôn ngữ chuyên môn thì chúng ta tạm gọi là
"Niệm" là phải có tỉnh giác tức là biết rõ cái gì xảy ra chung quanh mình
Thứ hai là phải có như lý tác ý, tức là phải tác ý một cách thiện xảo đối với thân với tâm của mình.
Và điều thứ ba là tác ý một cách không dễ dui.

Thì ba điều đó chúng ta gọi là "Niệm"

Chữ Xứ "patthàna" dịch trong nhiều cách, trong tiếng Anh dịch là "Foundation" là nền tảng hay là cơ sở. Ví dụ như khi nói chuyện thì phải có cơ sở. Tại sao nói chuyện phải có cơ sở? Đó là chúng tôi nói chuyện với qúi Phật tử nếu qúi vị đang nói về Phật Pháp thì chúng tôi nói về chuyện Phật Pháp thì gọi là mình có cơ sở Phật Pháp để nói chuyện. Nhưng nếu người ta đang bàn chuyện máy móc mà chúng tôi đem chuyện Phật Pháp để nói thì đó là chúng tôi nói không có cơ sở hay gọi là nói lạc đề. Chúng ta nói không đúng thời, đúng lúc, đúng hoàn cảnh. Thành ra nền tảng, cơ sở tại đây là khi một hành giả nhìn vào thân thì hành giả hiểu rằng hành giả đang quán thân. Hành giả nhìn vào thọ để quán thọ. Nhìn vào tâm để quán tâm. Chứ không phải là nhìn cho có nhìn mà thôi, tức là nhìn mà không có cơ sở. Về điều này rất quan trọng là bởi vì sự Chú ý-Niệm ở đây phải hiểu rằng chúng ta nên đem cái niệm đó về đối với thân và tâm của mình. Nói một cách khác là đem sự chú ý đến sở hành hay là những hoạt động của thân và tâm. Và khi chúng ta muốn hướng sự chú ý đến hoạt động thân và tâm thì chúng ta sẽ thấy rằng bốn pháp là THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP, bốn điều đó là bốn khía cạnh, bốn phương diện bao gồm trọn vẹn cái gọi là con người của chúng ta. Giống như vị tướng giữ thành mà thành có bốn cửa thì chúng ta phải nắm rõ cả bốn cửa đó, hay là mình làm việc gì thì mình phải biết công việc đó có nhiều phương diện khác nhau, mình là người điều hành một cơ sở thì mình phải biết là về phương diện cơ sở như thế nào, phương diện nhân sự như thế nào, phương diện tài chánh như thế nào, phương diện luật pháp như thế nào. Tất cả những phương diện đó bao gồm trọn vẹn sự hoạt động.

Thì ở đây, HT Nhất Hạnh dịch là bốn lãnh vực quán niệm (dùng chữ Lãnh Vực), ngày xưa dùng chữ mà cho đến nay không ai có thể thay đổi được đó là "Xứ". "Xứ" là lãnh vực, là phương diện, là cảnh giới, là nơi chốn. Thì bốn "Niệm Xứ" tức là bốn cơ sở để từ đó chúng ta hướng tâm vào. Nói như vậy là bốn "Niệm Xứ" này đề cập đến trọn vẹn sở hành của thân và tâm của chúng ta. Nói một cách khác là nếu có một cái gì để cho chúng ta lưu tâm và sự lưu tâm đó thật ra lợi lạc nhất tốt nhất đó là chúng ta biết rõ chúng ta tỉnh táo biết rõ về những chuyển biến những hoạt động của thân và tâm của mình. Chúng ta tạm định nghĩa "Niệm Xứ" là như vậy.

Bây giờ chúng ta trở lại với đoạn đầu của bài kinh.

Bài kinh này được Đức Thế Tôn giảng tại xứ Kuru và âm chữ Hán là Câu-lâu, tại thị trấn Kammassadhamma (kiềm-ma sắt đàm). Xứ Kuru ngày nay nằm trong địa phận của thủ đô Tân Delhi. Nếu qúi Phật tử nào về Tân Delhi mà có thì giờ cũng như chúng tôi thường dẫn nhiều phái đoàn đi thì hãy đến một vùng ở phía đông của Tân Delhi nơi đó có một công viên, trong công viên có những bia đá của vua A Dục cho khắc để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn thuyết kinh Tứ Niệm Xứ là bài kinh chúng ta đang học ở tại đây. Đức Thế Tôn đã thuyết ở đó nhiều bài kinh Niệm Xứ, riêng hai bài kinh Niệm Xứ một bài rất dài bài thứ hai thì trung bình đều thuyết tại đó là kinh Niệm Xứ trong Trung Bộ Kinh và kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ Kinh. Thật ra nếu chúng ta có đức tin đối với việc hành thiền quán và có nghiên cứu về kinh Niệm Xứ thì qúi vị sẽ tìm một cảm giác rất xúc động khi tìm đến một nơi mà nơi đó còn có những giòng chữ đã được vua A Dục khắc trên đá đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đã từng ngồi và giảng kinh Niệm Xứ. Nói tới đây thì chúng tôi cũng mong rằng qúi Phật tử có dịp đi hành hương Ấn Độ đến thủ đô Tân Delhi để chiêm bái nơi này một Phật tích mà có nhiều người không thấy là quan trọng nhưng đối với một số Phật tử khác hiểu Phật Pháp thì thấy rằng nơi đó là một nơi đặc biệt hết sức quan trọng. Theo những gì chúng ta được biết ở trong ba bản sớ giải ghi lại trong Luật Tạng và trong Kinh Tạng thì người xứ Kuru có một cái duyên đặc biệt đối với Phật Pháp đó là pháp hành rất thịnh, chẳng những pháp hành thịnh mà còn chuyên về hành Tứ Niệm Xứ. Như chúng ta biết Phật giáo được phát triển ở nhiều quốc độ, từ vùng Nam Á như Tích Lan, Miến Điện, hay ở Đông Nam Á như là Việt, Miên, Lào, Thái Lan, hoặc giả là Nhật Bản, Đại Hàn, Mông Cổ, Tây Tạng v.v.... nhưng nếu chúng ta ngày nay nhìn trên bản đồ thế giới những quốc gia theo Phật Giáo kể cả Nam Tông Bắc Tông, kể cả Viễn Đông kéo dài xuống Nam Á thì đặc biệt chỉ riêng vùng đất Miến Điện là người Phật tử ưa chuộng hành Tứ Niệm Xứ và mở được nhiều trường thiền mở được nhiều trung tâm chẳng những vậy mà có rất nhiều vị tu sĩ và Phật tử xem việc hành Tứ Niệm Xứ là một điểm để duy trì cái tinh hoa của Phật Pháp, đến xứ Miến Điện rất ít Phật tử mà không biết về phương pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ. Trong lúc đó tại quốc gia khác thì điều này được nói trong kinh hay trong lý thuyết thôi. Qúi Phật tử có thể hỏi tại sao thì chúng tôi nghĩ rằng điều này tương tự như là thời Đức Phật còn tại thế có rất nhiều nơi hành đạo có rất nhiều nơi người ta phát tâm qui y Tam Bảo có đức tin trong Phật Pháp và cũng có nhiều quốc độ có những trung tâm học Phật Pháp lớn như ở Makiệt Đà chẳng hạn. Nhưng xứ Kuru lại nổi tiếng là xứ hành thiền Tứ Niệm Xứ rất thịnh, thịnh đến đỗi trong kinh ghi lại là những người xứ Kuru gặp nhau họ chào giống như người Việt Nam khi gặp nhau hỏi là "Anh khỏe không?" "Chị khỏe không?" hay là "Ăn cơm chưa?" thì người xứ Kuru không chào nhau như vậy và những người xứ đó trong thời Đức Phật còn tại thế khi họ gặp nhau "Anh, chị lúc này có tu tập chánh niệm không?" hay là "tu tập chánh niệm có tiến bộ không?" hay là "có an lạc trong đời sống chánh niệm không?". Những lời thăm hỏi của họ không giống như xứ khác là tại vì môn đó quá thịnh hành, pháp hành đó lại đặc biệt có duyên. Nếu qúi Phật tử hỏi chúng tôi rằng: "Tại sao ở trên thế giới này có vùng đất nào đó mà họ đặc biệt lại chuộng một cái gì riêng biệt khác với vùng đất khác", thật ra đôi khi không giải thích được, rất khó giải thích, tại sao, ở trong mỗi châu lục có bản sắc riêng, và mỗi châu lục như vậy rồi mỗi quốc gia có bản sắc riêng, rồi trong quốc gia lại có từng vùng có bản sắc riêng, như qúi vị biết là cũng miền Nam miền Trung miền Bắc, có những món rất thịnh hành ở miền Bắc mà nó lại không thịnh hành ở miền Trung không thịnh hành ở miền Nam, mà hỏi tại sao thì mình cũng không biết tại sao, nó có những cái duyên đặc biệt của nó, thì tương tự như vậy cái xứ Kuru.

Chúng ta vừa nói đến địa danh Đức Phật giảng kinh Niệm Xứ tại xứ Kuru, sở dĩ chúng tôi làm mất thì giờ của quí vị một chút, tại vì chúng tôi rất mong rằng Phật tử nào có dịp đặt chân đến Ấn Độ mà có dịp ghé qua thủ đô New Delhi thì đừng nghĩ rằng New Delhi ngày nay là thủ đô chính trị văn hóa kinh tế mà New Delhi đã có thời là một nơi cực thịnh pháp hành Tứ Niệm Xứ. Ngày nay thì không còn nhiều nữa nhưng vẫn còn một nơi rất là quan trọng đối với chúng ta vì nơi đó còn có bia đá của vua A Dục đánh dấu nơi Đức Thế Tôn thuyết kinh Tứ Niệm Xứ là điều mà chúng ta rất là nên đến chiêm bái nếu chúng ta có duyên.

Bây giờ chúng ta đi qua một số các giòng chữ tuy rằng rất ngắn nhưng hết sức quan trọng. Thật ra thì ngày nay người Phật tử thường hay nhấn mạnh hoặc phóng đại nhiều pháp, thí dụ như mình tu pháp nào thì mình cho rằng pháp đó cao nhất, pháp đó hay nhất, cách chúng ta nhấn mạnh như vậy thì không có tìm thấy nhiều ở trong kinh điển. Trong kinh điển pali thì Đức Phật Ngài dạy rất nhiều Pháp nhưng lâu lắm hoặc đặc biệt lắm Đức Phật Ngài mới chú trọng cho chúng ta biết một pháp nào đó mà pháp đó có tánh cách đặc biệt vượt trội chúng ta phải chú ý.

Đoạn đầu tiên thì Đức Phật Ngài nói rằng:

--" Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ."

Câu này tuy rất là ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều giáo huấn rất quan trọng của Đức Phật. Khi Đức Phật Ngài nói rằng:

"Con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ."

Thì Đức Phật Ngài nói rõ về mục đích của sự tu tập. Chúng ta thường nghe những người Phật tử nói nhiều về sự tu Phật, mình tu để có phước, mình tu để được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, mình tu để được như thế này như thế kia. Nhưng thật ra thì cứu cánh Đức Phật Ngài đưa ra cho chúng ta có thể nói vọn vẹn ở trong bốn chữ là "Giác Ngộ và Giải Thoát".

Chữ "Giác Ngộ" ở đây nghĩa là chúng ta thành tựu được chánh trí, cái trí đó đủ để cho chúng ta thấy biết được sự thật một cách rõ ràng.
Và "Giải Thoát" ở đây có nhiều tác độ; giải thoát khỏi phiền não, giải thoát khỏi sanh tử. Nhưng trước khi giải thóat được tất cả thì việc giải thoát khỏi phiền não cắt đứt kiết sử là chiêu chiến quan trọng nhất của người Phật tử.

Và khi nói về đoạn tận phiền não thì Đạo Phật đặc biệt nói; có giác ngộ thì chúng ta mới giải thoát được, giác ngộ gắng liền với giải thoát, chữ giải thoát ở đây không đơn thuần là mình được một người nào đó tháo cái lồng ra rồi chúng ta chạy ra bên ngoài như một con vật bị nhốt trong chuồng được chạy ra bên ngoài, không phải như vậy. Sự giải thoát ở tại đây nó đến từ sự giác ngộ. Không có một người nào giải thoát ở trong Đạo Phật mà không có qua cánh cửa của giác ngộ. Nói một cách khác là tất cả những người bước vào cánh cửa giải thoát gọi là đoạn tận sự khổ đều phải đi qua cái cửa gọi là giác ngộ, thấy biết như thật bản chất của các pháp.

Về điều này thì đối với Đạo Phật có khác biệt hơn tất cả các tôn giáo khác. Ví dụ các tôn giáo khác là mình được đến một nơi nào đó, mình sanh vào cảnh giới nào đó, mình được phong thánh được chức vụ gì đó, thì như vậy là chúng ta đạt được cái cứu cánh. Nhưng trong Đạo Phật thì cái cứu cánh đó không phải là đến một nơi nào, được cái gì, được chức này hay địa vị kia, mà chính là sự "Giác Ngộ" hay nói cách khác là "Tuệ Giác" sanh khởi ở mỗi người.

Sự giác ngộ và giải thoát này như là một mệnh đề bất khả phân, nghĩa là không bao giờ có sự giải thoát mà không có sự giác ngộ. Và khi đạt đến sự giác ngộ thì một câu hỏi lớn chúng ta đặt ra tại đây là "Thế nào là sự giác ngộ". Sự giác ngộ ở đây không phải là chuyện đó mình không hiểu bây giờ có ai dạy cho mình rồi tự nhiên mình có kho tàng kiến thức nên mình hiểu, không phải như vậy.

Nói như vậy là, mỗi chúng ta luôn luôn nhìn mọi sự vật ở chung quanh bằng cái nhìn của định kiến, của thành kiến của biên kiến. Chúng tôi lấy một ví dụ:
Trước mặt chúng tôi có một chậu trúc Quan Âm do một Phật tử biếu và chúng tôi để ở trên bàn, thì nhìn vào chậu trúc đó mỗi người có cảm giác khác nhau, có những người vốn không quen thuộc với chậu trúc thì nhìn nó giống như một loại cây xanh trồng trong nhà, nhưng có người biết chậu trúc này được người Trung Hoa đặc biệt nghĩ như thế nào thì thấy chậu trúc khác hơn. Ở trong chùa có một anh Phật tử, anh nói rằng người ta nghiên cứu cho thấy rằng trồng ở trong phòng hay gần mình quá thì mình dễ sanh ra bịnh bứu cổ thành ra ở trong phòng Hòa Thượng có chậu trúc thì anh rời xa ra. Cũng chậu trúc đó nhưng nhận thức của chúng ta rất khác biệt, chậu trúc Quan Âm không phải là ai nhìn cũng giống nhau hết. Thì như vậy cũng thời một vật thể mà ông A nhìn khác bà B nhìn khác và tất cả mỗi chúng ta nhìn khác. Như vậy cái nhìn của chúng ta đối với thế giới này khác biệt lắm.

Ở trong chùa chúng tôi có sáu người ở từ Hòa Thượng xuống cho tới một anh Phật tử, nhưng sáu người này cùng sống trong một thành phố, sống chung tại một địa điểm trong thành phố, cùng sống trong một điều kiện thời tiết, cùng sống trong một nơi mà luật pháp giống nhau, nhưng sáu người này nhìn thành phố hoàn toàn khác nhau tùy theo văn hóa, tùy theo công việc, tùy theo kiến thức, tùy theo vai trò của mình, không ai nhìn giống ai hết.

Chúng ta đừng nghĩ rằng lấy một trái táo để trước mặt thì mỗi người đều nhìn thấy giống nhau. Khi nhìn vào cái gì đó chúng ta vận dụng cái kinh nghiệm quá khứ, vận dụng cái kiến thức, và thường khi người ta gọi là cái cảm tính, một cái cảm xúc của chúng ta để lượng định vấn đề.

Chúng tôi nhớ là khi ở trại tị nạn lần đầu tiên nhìn thấy trái táo thì thấy nó ngon lắm, và đặc biệt là ở Việt Nam chưa bao giờ được ăn táo hay là có thể người ta cho ăn mà mình không biết thành ra ở trại tị nạn người ta cho ăn táo thì thấy cũng ngon, nhưng thú thật với qúi Phật tử là chúng tôi qua Mỹ mấy chục năm rồi ở chùa hay đi đâu thường Phật tử hay cúng dường táo và bây giờ chúng tôi nhìn trái táo thì chúng tôi không có cảm giác gì đặc biệt mà cảm thấy nó bình thường lắm, nó bình thường đến đỗi ở mức độ lãnh đạm. Nhiều khi ở bên Mỹ mà trái táo trái nho mình nhìn nó không có gì đặc biệt. Hồi chúng tôi còn nhỏ ở nhà quê thì có rất nhiều chuối gọi là chuối xiêm hay chuối xứ, thì đối với chúng tôi lúc đó chuối không có ý nghĩa gì hết, trái chuối lâu lâu có thì ăn nhưng không có gì đặc biệt, bây giờ chúng tôi sống tại thành phố bên Hoa Kỳ thì một nải chuối xiêm có thể lên tới năm sáu Mỹ kim và chuối xiêm ở đây người ta dùng được nhiều hơn là chuối già thí dụ như ngoài chuyện ăn khi nó chín, người ta có thể làm bánh hay làm chuối chưng v.v... và chuối có cái đặc biệt cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn có cảm giác đặc biệt về chuối xiêm khi sang Thái Lan mà nhìn thấy chuối. Thì cũng nải chuối xiêm đó cũng thời trái táo đó mà tại sao có lúc chúng ta thấy nó như vầy có lúc chúng ta thấy nó khác là bởi vì nó tùy theo hoàn cảnh, ở bên mình chuối xiêm nhiều quá nên xem thường, mình không đặc biệt quan tâm nhưng trái táo thì quan trọng là tại vì ở xứ ta trái táo ít nên đắt vì là hàng nhập cảng, có lẽ bây giờ ở Việt Nam nhiều nhưng khi chúng tôi ở Việt Nam thì trái táo không nhiều qua bên này thì trái táo rất nhiều hay nho rất nhiều nên nhìn thấy không cảm giác được. Thì như vậy không phải là tại trái cam hay tại trái táo mà tại vì kinh nghiệm của chúng ta nó dựa lên trên những điều kiện khác tức là cái nhìn của chúng ta về thế giới này nó có điều kiện và do nó có điều kiện nên có sự sai biệt giữa cái nhìn của người này và người khác, và chúng ta không nhìn cái thực tánh nó như là.

Về điểm này thì mỗi người phải chiêm nghiệm lâu ngày thì mới thấy hiểu được tại sao trong kinh Đức Phật dùng chữ "yathābhūtaṃ" nghĩa là pháp nhỉ là như vậy hay pháp như thật là như vậy, cho đến khi nào chúng ta nhìn thấy một cái gì đó mà nó ra sao mình nhận nó như vậy, không vẽ rắn thêm chân rồi tô hồng chuốt lục, thấy cái đó rồi chúng ta tưởng tượng cái này tượng tượng cái khác v.v..

Có một lần Đức Dalai Lama Ngài nói rằng có nhiều người nhìn thấy người Tây Tạng thì họ nghĩ rằng người Tây Tạng nào cũng trì chú cũng có huyền thuật. Khi chúng tôi còn nhỏ có nhiều người Việt Nam hay tưởng tượng là mấy người Chà Và tức là người Ấn Độ buôn bán ở Việt Nam thì người nào cũng có pháp để thư để ếm. Hay là có nhiều người miền Nam thường thường khi thấy mấy vị sư người Cambochia thì cứ nghĩ là mấy vị sư sãi người Miên người nào cũng có bùa chú, nhưng chúng tôi xuất gia vào trong chùa tiếp xúc với Chư Tăng Nam Tông thì thật ra lúc đó ở trong đời chúng tôi cũng chưa thấy vị nào có bùa chú giống như mình tưởng tượng. Nhưng trong cuộc sống thì đa phần nguyên cả thế giới này chúng ta nhìn là thường bị chi phối bởi tư kiến, bởi định kiến, bởi thành kiến, bởi biên kiến, tức là những kinh nghiệm trải qua một cách kiến diện, chúng ta dùng một kinh nghiệm quá khứ để giải thích hiện tại và kinh nghiệm quá khứ đó ví dụ như thỉnh thoảng chúng ta nghe nói có người da đen họ phạm pháp, chúng ta để ý là vì họ là người da đen, thành ra chúng ta ra đường thấy người da đen chúng ta có thành kiến, nhưng ít có người biết được rằng trên thực tế thì tội ác của người da đen và người da trắng không khác biệt nhau bao nhiêu, có thể là người da đen họ phạm pháp kiểu này người da trắng phạm pháp kiểu kia nhưng chúng ta vẫn thường có thành kiến với người da đen. Hay là chúng ta thường có thành kiến là con rắn rất độc rất là ghê sợ, nhưng những người nghiên cứu họ cho biết rằng con rắn thì đa phần rất là hiền, số rắn độc thì ít và con rắn thường chỉ tấn công mình khi mình dẫm đạp lên nó, phần lớn là nó sợ chúng ta.

Thì cái thành kiến đó là chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp tích tập, chúng ta ít bao giờ nhìn với cái nhìn gọi là trung thực, cái nhìn mà ở trong đạo học Trung Hoa gọi là cái nhìn của một hài nhi sơ sinh, cái nhìn không có thành kiến cái nhìn rất trung thực. Và do chúng ta không có nhìn trung thực nên thế giới này bị chúng ta tô màu, bị chúng ta bóp méo, và cái hệ lụy lớn nhất của cuộc sống là Đức Phật Ngài nói rằng thế giới này vô thường mà mình nghĩ là nó thường, hay thế giới này bất toại mà chúng ta nghĩ rằng có chỗ nào đó có hạnh phúc hoàn toàn, hay là thế giới này mình không có quyền làm chủ nó nhưng mình nghĩ rằng mình làm chủ quyền nó, thế giới này vô ngã mình nghĩ là hữu ngã, thế giới bất tịnh mà chúng ta nghĩ là thanh tịnh, thì những cái nhìn sai đó nó làm cho chúng ta khổ.

Thỉnh thoảng chúng tôi mua những món đồ mà chúng tôi rất thích, nó không phải là lớn nhưng là món đồ chúng tôi thích và khi mua món đồ đó về có khi chúng tôi để trước mặt, ví dụ như là kỳ rồi chúng tôi đi với Sư Trí Tịnh thì tình cờ mua được một cái ly, cái lý không bể và rất nhẹ rất tiện để pha trà và chúng tôi đang để trước mặt, và khi nhìn cái ly đó chúng tôi thấy nó rất là thân thiết nhưng có một điều chắc chắn rằng một ngày nào đó thì vì một lý do nào đó cái ly nó không còn tồn tại ở trong sự xử dụng của chúng tôi, có thể nó bị mất, hoặc chúng tôi sẽ cho ai, nó sẽ biến mất, nhưng chúng ta không nhìn thấy như vậy, chúng ta thường thường cái gì mình thích mình vừa ý mình nghĩ rằng nó sẽ luôn luôn với mình vĩnh viễn với mình. Bởi vì vậy chúng ta thường phiền não khi cái đó không tiếp tục như vậy, nó không mãi mãi là như vậy, chung quanh chúng ta thay đổi rất nhiều,

Vì vậy hiểu được chân tướng của các pháp nó cho chúng ta có thái độ là chấp nhận cái tự nhiên, muốn hiểu tự nhiên, chấp nhận tự nhiên, tức là cái gì vô thường mình nhận là vô thường, cái gì khổ nhận nó là khổ, cái gì vô ngã nhận nó là vô ngã, thì chúng ta không khổ. Nhưng tâm của chúng ta hay có bịnh gọi là cưỡng cầu chúng ta hiểu sai đi. Chúng ta có một người bạn mà mới quen thì thân thiết vui vẻ lắm, lúc nào cũng muốn gọi điện thoại, lúc nào cũng muốn người đó có mặt, nhưng chúng ta lại quên một điều rằng đa số là chúng ta không giữ được tính bền bỉ, vợ chồng thì cũng có thời kỳ trăng mật rồi cũng qua, bạn bè cũng có lúc thân thiết nhưng không phải là cột với nhau hoài, cột với nhau riết cũng chết. Thành ra chúng ta thấy rằng cái gì thân thiết lắm cũng có một thời một buổi, một chiếc xe, một cái điện thoại, một cái đồng hồ, một cái nhà, một cái gì đó nhưng khi thích thì chúng ta nghĩ cái đó sẽ miên viễn, sẽ mãi mãi, sẽ bất diệt, đến khi nó đi rồi thì chúng ta khổ.

Thì ở tại đây, tại sao Đức Phật Ngài đặc biệt chú trọng đến chánh trí. Chánh trí ở đây có nghĩa là cái sự biết như thật của các pháp, nó ra sao thì mình nhận nó như vậy, nó vô thường thì nhận nó vô thường, nó khổ bất toại thì chúng ta biết nó khổ bất toại, nó là vô ngã là không phải đặt trong chủ quyền của mình thì mình hiểu nó là vô ngã, thì hiểu như vậy thì chúng ta có thể để cho cái gì đến thì đến, mà đi thì đi, như khi chúng ta nhìn giòng sông như là Tất Đạt và Thiện Hữu trong câu chuyện đã nhìn giòng sông trôi qua nó như thế nào, nó đến rồi nó đi, hay là ở trong đời sống của chúng ta nhìn mọi sự vật nó có sanh rồi có diệt thì chúng ta không có khổ.

Bởi vậy mấu chốt để biết bản chất thật sự của đời sống và chấp nhận sống với bản chất thật sự đó là một bí quyết an lạc mà chúng ta có thể tạm gọi là Giác Ngộ và Giải Thoát, thì cái đó nó không có trong chúng ta. Chúng ta sống bằng một sự kỳ vọng bằng cái đinh ninh, bằng cái đòi hỏi là cuộc sống nó phải như thế này đừng như thế kia, Đức Phật Ngài nói rằng:

-- "Này các tỳ kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là vô ngã, là không phải là của ta, nếu những uẩn ấy là của ta thì người đời có thể nói rằng nó nên như thế này và đừng nên như thế kia. nhưng vì nó là vô ngã thành ra mình không đòi hỏi được."

Thì ở đây để cái nhìn của chúng ta được trung thực, cái nhìn của chúng ta được khách quan, cái nhìn của chúng ta không có khiên cưỡng, cái nhìn của chúng ta không có trái với sự thật thì nó đòi hỏi chúng ta phải có hành trình phải có công phu, công phu đó chúng ta gọi là "Niệm", và vì vậy ở tại đây Đức Phật Ngài nói:

-- "Này các tỳ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn"

Thì Đức Phật Ngài nói như vậy không phải là cách nói hoa mỹ, không phải cách nói Đức Phật Ngài thổi phồng hay Ngài phóng đại, nhưng Ngài cho chúng ta biết rằng nó chỉ có một cách để chúng ta thấy rõ được sự thật là cố gắng tỉnh táo thanh thản nhìn sự thật, khoan nói nó là thế này, đừng nói nó thế kia, chuyện đó không cần nói, nhìn nó trước. Lời nói của Đức Phật giống như là cha mẹ dạy con hồi nhỏ, những người con hay thích thổi phồng về bạn bè, bạn bè là như thế này, bạn bè như thế kia. Ở đây Đức Phật Ngài không dùng mỹ từ để Ngài thổi phồng vấn đề mà Ngài dạy chúng ta là nên tập để ý nhìn một cách lẳng lặng một cách khách quan trước rồi từ từ chúng ta sẽ biết nó ra sao. Ví dụ như con cái gặp bạn bè mới gặp tự nhiên nó thích quá nó nghĩ là nó gặp người này rất tốt, thì cha mẹ nói rằng "đường dài mới biết sức ngựa ở lâu mới biết lòng người", khoan vội đánh giá người đó, khoan nói người đó xấu hay nói người đó tốt để từ từ "Cửu xử thức Hiền Nhân”. Biết tập sống tập để ý để không có thành kiến, mình sống lâu tự nhiên mình biết thôi. Nếu chúng ta để ý những gì xảy ra với thân với tâm của mình, ví dụ như chúng ta thường đặt nặng về cái vui cái buồn, mỗi lần vui buồn đến thì chúng ta phản ứng rất là mạnh mẽ, ai nói chúng ta điều gì mà gọi là nịnh hót hay là tâng bốc chúng ta thì chúng ta rất vui, thì bây giờ khi người ta khen mình mình khoan vội cho rằng người đó tốt hay lời nói đó là lời nói chính xác, mà hãy nghe trước, và mình có vui cứ để cho nó vui nhưng cứ nhìn lẳng lặng vào cảm giác vui đó, cái nhìn đó có lợi cho chúng ta, khi chúng ta nhìn từng bước chân của mình, chúng ta nhìn từng hơi thở của mình, chúng ta nhìn từ cảm xúc của mình, lâu ngày chúng ta sẽ khám phá ra rằng những thứ đó mỏng manh và phù du hơn là chúng ta nghĩ, nó phù du lắm, thì chúng ta đã không có thái độ quá nặng nề với nó.

Đức Thế Tôn Ngài nói:

-- "Này chư Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn"

Trong đó có ba phương diện chúng ta cần để ý:
1 - Thứ nhất là trình tự chúng ta phải đi đến cứu cánh nó không có con đường nào khác hơn là thấy biết được sự thật bằng chánh trí, nghĩa là thế giới chung quanh chúng ta nó đã như vậy rồi nhưng chúng ta nên hiểu rằng mỗi ngày qúi vị, chúng tôi, tất cả chúng ta đều nhìn những sự thật đó bằng cái nhìn của thành kiến, tư kiến, định kiến chứ không phải là cái nhìn trung thực, chúng ta nên biết như vậy, chúng ta nên thành thật với chính mình và không nên nói rằng cái đó mình học như vậy, mình biết mình hiểu như vậy là hiểu đúng hoàn toàn, tất cả đều là cái hiểu biết do kiến văn chúng ta thu thập chúng ta suy luận như vậy, phải sống lâu lắm chúng ta mới hiểu thế nào là vô thường, thế nào là khổ, thế nào là vô ngã.
2 - Thứ hai chúng ta không có thấy biết được như thật thì chúng ta không thể giải thoát được.
3 - Thứ ba đó là cánh cửa độc nhất, tại vì đó chỉ là lối ra vào thôi, không ai ban cho chúng ta, không ai phong cho chúng ta, và không phải là chúng ta đi tới bất cứ nơi nào mà mình nghĩ rằng mình chết rồi thì sanh vào cảnh giới nào đó thì giải thoát, không có. Chúng sanh ở trong cõi đời này đều dù là Chư Thiên hay là nhân loại, dù người ở Mỹ hay ở Việt Nam, ở cảnh giới nào mà muốn vượt khỏi sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí đều phải đi qua con đường đó là Giác Ngộ và Giải Thoát. Trình tự bắt buộc phải như vậy. Ở đây chữ Ekàyano maggo là con đường độc nhất chúng ta biết điều đó rất rõ.

-- "Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời."

Câu này chúng ta nên để ý đó là: Sống quán thân trên thân, sống quán thọ trên thọ, sống quán tâm trên tâm, sống quán pháp trên pháp. Nói một cách khác là, nếu chúng ta muốn biết cái gì mà muốn biết thật về điều đó là chúng ta phải nhìn nó, chúng ta phải trải nghiệm, chúng ta phải tự thân quán sát chứ không thể nào chúng ta lâý cái này mà chúng ta nói cái kia mà chúng ta hiểu. Ví dụ như ở Houston có một khu phố giống một khu phố ở Tây Ban Nha rồi có Phật tử nào đó hỏi chúng tôi bên Tây Ban Nha như thế nào thì chúng tôi trả lời là quí vị ra phố đó nó giống Tây Ban Nha. Nhưng thật sự qúi vị ra đó qúi vị không có cảm giác như Tây Ban Nha, qúi vị có đại khái là nghe nó giống thì nó giống tương tự như vậy thôi. Thí dụ mình nói cái ná như thế nào? thì nói nó giống như cái cung. Nói cái ná giống cái cung nhưng mà hiểu cái cung giống cái ná thì là chúng ta hiểu sai. Nên chi muốn biết cái gì thì nhìn cái đó. Do đó chúng ta có một từ vựng ở đây phải để ý là, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp.

Tại sao chúng ta có bốn pháp, THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Thì trong sớ giải nói rất rõ là bởi vì bốn pháp này bao gồm tất cả những gì liên quan đến thân và tâm của một chúng sanh, tức là trọn vẹn con người của chúng ta.

- Quán Thân. Ví dụ như những khía cạnh liên quan đến thân của chúng ta, hơi thở là một thí dụ điển hình hay những động tác những cử chỉ nhỏ nhặt hay những thành phần của cơ thể, những cơ phận của cơ thể, hoặc giả là chúng ta quan sát một cơ thể khi nó đã trở thành một tử thi là một xác chết.

- Cảm thọ. Là những cảm xúc vui buồn của chúng ta hoặc sự bình thản. Cảm xúc trở thành một cái gì rất nổi bậc để làm thước đo về hạnh phúc hay không hạnh phúc của con người. Chúng ta phản ứng rất nhiều về cảm thọ.

- Quán Tâm. Là những trạng thái tâm, thí dụ như tâm ganh tị hay tâm tùy hỉ, tâm nhẹ nhàng hay nặng nề, tâm thanh tịnh hay ô trược. Chúng ta gọi là quán tâm.

- Quán Pháp - Dhamma. Là chúng ta nhìn thân tâm qua những đề tài của Pháp. Thí dụ như nhìn thân tâm qua Tứ Diệu Đế, nhìn thân tâm qua năm triền cái, nhìn thân tâm qua Thất Giác Chi. Chúng tôi lấy một thí dụ để qúi vị hiểu:
Khi mình thấy tâm tham mình biết nó tham thì gọi là Niệm Tâm.
Như mình thấy cái gì mà mình thích mà thích một cách vui vẻ thì chúng ta Quán Thọ thì đó là thọ hỉ.
Nhưng khi một hành giả Niệm Pháp thì tâm tham khởi lên thì hành giả biết tâm đó dính mắc (tham nó là dính mắc) mà dính mắc là một triền cái là một pháp ngăn ngại thì khi mình quán về năm triền cái thì mình quán tham là một triền cái, sân là một triền cái, hôn trầm thụy miên là một triền cái, hoài nghi phóng dật là triền cái, thì thấy tham là triền cái đó là Niệm Pháp.
Thấy tham là tâm tham thì đó là Niệm tâm,
Mà thấy tâm ham muốn cái gì mà cảm thấy vui sướng chúng ta gọi đó là Niệm Thọ vì cái cảm xúc đó.

Thì Niệm Pháp ở đây có nghĩa đặc biệt là những vị trình độ về pháp học biết về Thất Giác Chi, chúng ta biết về Tứ Niệm Xứ, chúng ta biết về Uẩn Xứ Giới Đế, chúng ta quán theo từng thể tài, những thể tài đó được Đức Thế Tôn thuyết nhất định, chúng ta gọi là Pháp Quán Niệm Xứ. Thì bốn pháp này được các Thiền Sư khẳng định dựa trên cơ sở chú giải nó không thể có nhiều hơn hoặc ít hơn, không thể có năm niệm xứ, không thể có ba niệm xứ, mà bốn niệm xứ này bao gồm trọn vẹn cái gọi là con người cái gọi là chúng sanh. Chúng ta sẽ nói thêm về đoạn này sau.

"ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, để chế ngự tham ưu ở đời."

Chữ "Nhiệt tâm" là tinh cần, nghĩa là mình không phải chỉ nhìn mà nhìn một cách có nỗ lực để nó được liên tục. Có những cái nhìn hờ hững như là mình đi học mà cầm trang sách đọc cái gì để cho có đọc, hay là làm cho có thì thật sự nó khác. Nhưng mà làm cho có nhiệt tâm tức là mình làm có sự tinh cần, đúng ra chữ nhiệt tâm ở đây là không dễ dui, Appamaado là tinh cần, có khi bác Phạm Kim Khánh dịch là "chiêm niệm" hay là một cái nhìn có nghiêm túc, nhìn vấn đề có cấp thiết, chúng ta làm việc đó nó có mục đích và làm có nghị lực chứ không phải làm cho có làm thì chúng ta gọi là nhiệt tâm. Thì cái pháp Appamaado không giải đãi không dễ dui, pháp đó rất quan trọng đối với hành giả, hành giả khi nhìn cuộc sống thấy có nhu cầu. Như qúi vị đi làm mà qúi vị là chủ thì qúi vị biết rằng mỗi một cố gắng nhỏ tiết kiệm được một đồng tốt một đồng hay là mình làm cho một khách hàng vui thì tốt cho một khách hàng vui, thì cái công việc sẽ khác đi. Nhưng nếu một người làm công "được không màng mất không hay" thì người làm công đó họ không có cố gắng họ khác với người chủ. Thì cái thái độ đối với đời sống chúng ta, khi chúng ta sống có nghiêm túc thì chúng ta thấy rằng đời sống nó ngắn và nếu chúng ta không nhiệt tâm thì không tinh cần thì chúng ta sẽ khổ. Hay là nếu chúng ta không duy trì được niệm thì thất niệm sanh khởi, thất niệm sanh khởi sẽ đưa chúng ta vào chỗ lui sụt, thì có những lý do làm cho chúng ta phải cố gắng. Do đó ở đây bài kinh gọi là "nhiệt tâm".

"Tỉnh giác" ở đây là sự tỉnh táo-sampajàna. Sampajàna là một trạng thái mà chúng ta gọi là biết rõ cái gì đang xảy ra ở chung quanh chúng ta và ở trong chúng ta thì điều đó chúng ta gọi là tỉnh giác-sampajàna.

"Để chế ngự tham ưu ở đời" tức là cái người tu tập Tứ Niệm Xứ thì hiểu rằng nếu tâm của chúng ta không tinh cần hay là khi mình hành thiền mà giải đãi thì bị lui sụt và sự lui sụt đó là cơ nguy để cho phiền não vào. Người hành Tứ Niệm Xứ giống như một vị tướng giữ thành biết rằng sự chễnh mãng của mình có cái giá phải trả chứ không phải mình thích thì làm không thích thì thôi, nhưng mình biết mình làm tướng giữ thành nếu mình không khéo không nghiêm túc không cẩn thận thì giặc vào thành, mà giặc vào thành thì mang họa cho mình mang họa cho người khác nữa. Vị đó là chế ngự tham ưu là vị đó biết rằng những sự ham muốn và những sự phiền não buồn khổ hệ lụy sẽ sanh khởi nếu mình không có chánh niệm.

Chúng ta có bốn pháp, THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Phần đầu tiên Đức Phật Ngài giảng về Quán Thân là niệm xứ đầu tiên và ở trong pháp Quán Thân có chín pháp, chúng ta đọc phần một

-- "Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Này các Tỷ-kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, tuệ tri: "Tôi quay dài" hay khi quay ngắn, tuệ tri: "Tôi quay ngắn". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân."

Chúng tôi vừa đọc một đoạn kinh, có lẽ nhiều người trong chúng ta đọc đoạn kinh này như là muôn ngàn đoạn kinh khác, nhưng kỳ thật thì đoạn kinh này chứa đựng lời dạy cụ thể bởi một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, trước khi Ngài ra đời không ai dạy điều này và trong thế gian này ngoài Ngài ra không ai hiểu và có thể dạy cho chúng ta về điều này hết. Chúng ta là người con của Đức Phật như là người sanh ra trong một gia đình giàu có, nhiều khi chúng ta quăng tiền qua cửa sổ hoan phí, chúng ta không thấy những điều này là quan trọng. Từ ngàn xưa có nhiều vị chỉ được nghe một đoạn kinh dạy như vậy thì họ thay đổi cả tánh mạng của mình nhưng với chúng ta ngày nay thì chúng ta nghe chỉ cho có nghe mà thôi.

Bây giờ chúng ta trở lại là đầu tiên Đức Phật Ngài dạy về cách "Niệm Hơi Thở". Ở đây chúng ta phải nói là để có được một khả năng chú ý gọi là chú ý đơn thuần có khả năng nhìn mà không có thành kiến, không có định kiến, và nhìn một cách bền bỉ nghĩa là không có nhàm chán, không có nhìn một chút rồi bỏ, tức là nhìn liên tục lâu dài, nhìn một cách tỉnh táo thì chúng ta phải có tập luyện. Qúi vị muốn biết là tại sao mình phải có sự tập luyện thì qúi vị thử cho mình 5 phút để nhìn vào hơi thở của mình, chỉ nhìn vào hơi thở thôi xem chúng ta nhìn có bền và có rõ hay không thì chúng ta sẽ hiểu rằng nó không dễ dàng. Ngay lúc chúng ta học nhìn vào hơi thở thì chúng ta sẽ hiểu rằng bản chất của chúng ta rất là láu táu. Chúng tôi dùng chữ láu táu thường dùng cho những đứa nhỏ hay những người không đằm tính nhưng thật sự đa số chúng ta có tâm gọi là phan duyên, mình chụp cái này bắt cái kia, tuy là chúng ta ở trong một căn phòng, tuy là chúng ta làm việc chậm chạp, nhưng qúi vị thấy cái tâm của chúng ta khi thì cầm điện thoại lên nói chuyện, khi mở internet, khi làm việc này, khi làm việc kia, nó không lắng đọng một chỗ. Nhìn một cách trầm tỉnh ,một cách tỉnh táo, một cách rõ ràng, một cách bền bỉ là điều rất là khó.

Nên nhớ rằng chúng ta phải tập luyện và cái tập luyện đầu tiên Đức Phật đề cập ở đây là dùng hơi thở. Hơi thở là một pháp đặc biệt quan trọng. Tại vì sao vậy, tại vì hơi thở lúc nào cũng có, hơi thở cho chúng ta một điểm nắm níu về nội tại của chúng ta về con người chúng ta. Thường thường mình thích nói chuyện ông A, nói chuyện bà B, nói chuyện thế gian, về chiến tranh, về thời sự, về thế giới này, nhưng bây giờ tập nhìn vào chính bản thân của mình, chúng ta tập nhìn vào hơi thở là lâu ngày chúng ta khám phá ra rằng hơi thở mang rất nhiều tín hiệu của đời sống. Chúng ta cử động tay chân làm việc gì đó theo hơi thở, mình lấy hơi thở mình làm, hơi thở của chúng ta hòa nhịp với từng động tác của thân, chẳng những vậy mà hơi thở còn hòa nhịp với từng chặp tư tưởng của tâm. Việc đó chúng ta sẽ nói sau. Nhưng hơi thở cho chúng ta rất nhiều tín hiệu đặc biệt về thân và tâm của chúng ta. Hơi thở có những số đặc điểm rất đáng qúi đó là lúc nào chúng ta cũng thở cho đến khi chúng ta chết.

Và hơi thở đó chỉ có hai nhịp điệu thôi "Vào và Ra" đơn giản nhưng rất thâm sâu, đơn giản nhưng mang yếu tính cho chúng ta biết rất nhiều. Và không có một pháp nào ở trong Tứ Niệm Xứ mà tốt hơn cho chúng ta để chúng ta khởi đầu tập luyện chánh niệm như là hơi thở. Tại vì hơi thở rất rõ chứ không phải là chuyện viễn vông.

Thí dụ như qúi vị nói là mình theo dõi cái cảm giác này cảm giác kia lúc có lúc không, nhưng mà hơi thở thì lúc nào cũng có. Và hơi thở mặc dù là một hiện tượng nội tại ở bản thân nhưng hơi thở cho chúng ta cơ hội để nhìn nó một cách khách quan.

Chúng tôi lấy ví dụ là mình đang có tâm ganh tị với một người nào đó mà khi mình nhìn vào mình khó biết được tâm ganh tị là tại vì người sai họ không biết họ sai, người đang mê mờ họ không biết là họ đang mê mờ, rất khó biết trừ khi họ có tu tập.

Nhưng hơi thở thì ngược lại, hơi thở cho chúng ta khả năng luyện tập một cách khách quan tại vì hơi thở ra vào thì chúng ta nói nó ra vào, hơi thở đang dài không thể nói là hơi thở ngắn được nếu chúng ta có tu tập.

Do đó hơi thở vừa cho chúng ta mấu chốt nắm níu nội tại của mình mà vừa cho chúng ta có khả năng khách quan để nhìn. Hầu hết các vị Thiền sư và đa số những người tu tập thì đều đi qua sự huấn luyện đầu tiên là "Niệm hơi thở". Niệm hơi thở căn bản và nếu chúng ta có thể ngồi xuống lẳng lặng niệm hơi thở một cách thanh thản một cách nhẹ nhàng thì điều đó làm cho chúng ta rất là hạnh phúc.

Chúng tôi thưa với qúi vị Phật tử là đời sống của chúng tôi cũng có nhiều cái chi phối ở bên ngoài chứ không ít nhưng chúng tôi có hai cảnh giới mà khi chúng tôi thể nhập vào đó thì chúng tôi cảm thấy rất là an lạc và đó là chỗ nương tựa rất lớn ở trong cuộc đời của chúng tôi. Điểm thứ nhất là từ hồi còn nhỏ chúng tôi được cái duyên ở gần Thầy Tổ chúng tôi rất thích đọc Tam Tạng, thí dụ những bài kinh như vầy, đọc Tam Tạng từng bài kinh từng câu từng giòng cho dù cuộc đời này có thay đổi có thăng có trầm có thế nào đi nữa nhưng mỗi lần chúng tôi trở về lật từng trang kinh chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc đặc biệt rất hạnh phúc. Điều thứ hai hồi chúng tôi mới qua Mỹ Ngài Sīlānanda là một vị Sư người Miến Điện mà chúng tôi được tiếp xúc đầu tiên thì từ ở Ngài chúng tôi bắt đầu học được một điều mà sau đó chúng tôi gặp Ngài Taungpulu chúng tôi cũng cảm nhận thêm điều đó là bất cứ cái gì xảy ra trong cuộc đời này mình bình tỉnh ngồi xuống mình để ý vào hơi thở lúc đó mình tìm thấy sự an bình lạ lùng lắm.

Có những lần chúng tôi đang bay ở trên máy bay, máy bay bị Turbulence (sự chuyển động không đều của không khí trên cao) bị rơi xuống chao đảo một lúc rồi lại nhồi lên, nhất là đi qua biển Thái Bình Dương gần đến Nhật Bản, không hiểu sao ở đó có nhiều Turbulence, hay ở Mỹ chúng ta đi đến thành phố Seattle khi băng qua ngọn núi Rocky Mountains. Và có nhiều khi máy bay đáp xuống trong cơn mưa nó chao đảo bị giựt từng chập, lúc đó thì chúng ta hoàn toàn bất lực, mình ngồi trên máy bay là mình phó thác cho phi công, mình phó thác cho những người thợ máy bảo trì máy bay, mình phó thác cho máy bay, một chiếc máy bay nếu có một cơ phận trục trặc thôi thì nó đủ làm máy bay rớt. Thì lúc đó chúng tôi hay đặt câu hỏi rằng ở trong giờ phút đó cái gì là cái nương tựa của mình, mình lo, mà lo sao bây giờ, đâu lo cái gì được, mình ngồi trên máy bay nó nhồi nó lắc nó thế này thế kia thì chúng ta muốn lo cũng không lo được, mà mình sợ cũng không biết sợ cái gì. Làm việc thì những lúc đó mình mới thấy rằng mình ngồi niệm hơi thở nó cho chúng ta có được sự thanh thản, nhìn hơi thở ra hơi thở vào.

Và mỗi lần chúng tôi đi tụng cầu an cho những Phật tử bị bịnh ung thư hay cho người sắp chết. Thật ra trong những giờ phút đó mình phải hiểu cái giá trị là người ta sống người ta thường hay để ý đến sự cầu nguyện của các tôn giáo, thí dụ cầu Phật, cầu Chúa, cầu thế này cầu thế kia, hay là mình nguyện thế này nguyện thế kia. Nhưng nếu trong những giờ phút mình nằm ở trên giường bịnh, nếu những giờ phút đó chúng ta không còn ai giúp cho mình gì được nữa mà mình biết một chút Phật Pháp thì mình chỉ lẳng lặng nhìn coi mình đang thở vào hay đang thở ra, thở vào ngắn thở ra ngắn, hay thở vào dài thở ra dài. Thì thật sự lúc đó chúng ta tìm thấy được sự thanh thản lắm sự thanh thản rất là nhiều. Chúng tôi đi làm việc thì nhiều khi cũng có những người họ muốn chi phối và họ làm chúng tôi bị phiền não, thật ra chúng tôi không phải là một vị giải thoát nhưng có một điều chắc chắn trong đời sống của chúng tôi đó là nếu có chuyện gì chi phối thì chúng tôi để một lúc thôi rồi chúng tôi trở về với thế giới bình an của mình. Tại vì sao vậy? Chúng tôi nghĩ rằng tại sao mình phải khổ lụy hay là phải tự làm khổ mình. Nếu bình thường không có gì thì chúng tôi đọc một trang kinh còn nếu không thì ngồi xuống nhìn vào hơi thở vào ra thì điều đó cũng làm cho mình an lạc. Một lúc nào đó mà chúng ta thấy rằng mình thân thiết với hơi thở mình quen thuộc với hơi thở và mình thoải mái để nhìn vào hơi thở thì quí vị cảm thấy hoan hỉ lắm mà điều đó rất khó để có thể chia sẻ với người khác. Nếu chúng tôi gặp qúi Phật tử chúng tôi nói rằng "qúi Phật tử nên ngồi niệm hơi thở" thì đôi khi có tánh cách như là truyền giáo điều đó đôi khi chúng tôi ít nói. Nhưng phải nói rằng nếu hơi thở đó là một hoạt động cố hữu hoạt động liên tục của thân và tâm đặc biệt thân của chúng ta và chúng ta rất là dễ đem tâm của chúng ta trở về với hơi thở, và một cách rất là thanh thản nhìn vào hơi thở, mình chỉ nhìn vào hơi thở ra cũng được hơi thở vào cũng được, cứ lẳng lặng nhìn hơi thở thì lâu ngày qúi vị thấy rằng nó là một chốn bình yên, đó là một cảnh giới an bình, đó là nơi rất là an lạc, mà chúng ta nhìn vào hơi thở nó không có nhàm, nó không có buồn chán như chúng ta nghĩ, qúi vị cứ thử và cứ tập nhìn vào hơi thở lắng nhìn vào hơi thở. Ở đây Đức Phật Ngài có những gợi ý có những hướng dẫn rất quan trọng, mỗi chúng ta thật ra khi mình học Phật có những đoạn kinh mình nên học thuộc lòng vì học thuộc lòng rất là lợi ích vô cùng, đây là đoạn kinh mà chúng ta nên học thuộc lòng.

-- "Vị Tỳ Kheo đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt."

Đức Phật Ngài nói rằng đi đến khu rừng hồi xưa chúng ta gọi là A-lan-nhã (Aranna), đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống. Ở đây thì chúng ta hiểu rằng đó là những nơi thanh tịnh. Để chúng ta có thể tập trú vào hơi thở thì chúng ta nên tìm chỗ bớt ồn ào nơi thanh tịnh, về điểm này ngày nay chúng ta không chú ý nhiều, thời Đức Phật còn tại thế thì những người ngoại đạo những người không phải là Phật tử và không tin vào Phật Pháp thì đa số họ đều biết rằng Đức Phật và Chư Tăng và những đệ tử Phật ưa chuộng sự thanh tịnh, chúng ta ngày nay thì thích ồn ào, thích cái gì náo nhiệt và ở đâu náo nhiệt thì chúng ta thích đi, nhưng thật ra thì chỗ náo nhiệt nó cạn cợt lắm, thí dụ qúi vị đến một đại nhạc hội hay đến những nơi ồn ào qúi vị thấy như vậy thật sự nó không có chiều sâu, chỗ có chiều sâu đặc biệt là chỗ trống vắng thanh tịnh yên lặng và chỗ đó chúng ta mới tập trung được, nên chi người tu tập thì nên có khả năng sống một mình, khả năng hoan hỉ ở trong sự yên lặng, trong sự thanh tịnh, tại vì sự lắng đọng, sự thanh tịnh dễ làm cho chúng ta có thể tu tập, có thể tập trung được, có thể hướng đến hơi thở. Thành ra nơi đầu tiên Đức Phật nói là nên đến một nơi thích hợp. Tại vì mình hiểu cái tâm của chúng ta hay bị lôi kéo thì nên đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống,

"Ngồi kiết già". Mình có nhiều cái oai nghi như là đi, đứng, nằm, ngồi. Thì đi không có lợi để chúng ta theo dõi hơi thở. Đứng thì cũng theo dõi hơi thở được nhưng không lâu được. Nằm thì dễ buồn ngủ. Cái ngồi và ngồi kiết già nếu chúng ta quen, thí dụ ở trong phòng không để bàn ghế qúi vị ngồi xếp bằng, ngồi kiết già hay ngồi theo bán kiết già. Ngồi kiết già là thế ngồi vững, kiết già là thế ngồi khóa chân lại, thế ngồi vững, thế ngồi không bị chông chênh. Rồi lưng thẳng, cái lưng thẳng quan trọng lắm. Khi hành thiền lâu thì những thói quen ban đầu sẽ đi theo chúng ta. Khi ngồi thì quan trọng là lưng thẳng. Lưng thẳng cũng có mục đích nữa là khi mình ngồi lưng thẳng lên là lúc xương sống của chúng ta được thẳng nó làm cho chúng ta tăng sự tin tấn. Người ngồi mà khòm lưng xuống, ngồi mà không thẳng lưng, ngồi kiểu buông thả xuống thì giống như chúng ta ngồi không có nhiệt tâm, không có sự tinh cần. Khi chúng ta ngồi lưng thẳng như là chúng ta đang ở trong tư thế gọi là sẵn sàng để đối diện với những phiền não mà chúng ta không có thiếu nghị lực.

"An trú chánh niệm trước mặt". Chữ an trú chánh niệm trước mặt là khi mình ngồi thì biết rằng tâm của chúng ta giống như cái radar có một cái hướng nào đó. Thì hướng trước mặt ở đây là vì sống mũi của chúng ta, vì hơi thở, và vì hướng trước mặt chúng ta là nơi chúng ta đang phát triển chánh niệm là an trú chánh niệm trước mặt. Về điểm này thì khi hành thiền lâu mình sẽ hiểu được thế nào là "an trú chánh niệm trước mặt".

"Tỉnh giác vị ấy thở vô, tỉnh giác vị ấy thở ra". Ở trong sự lắng đọng chúng ta có thể nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ quả lắc hay tiếng con thạch sùng hay là những tiếng động chung quanh. Nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta có thể cảm được, có thể bén nhạy được với hơi thở ra vô của mình. Chúng ta thấy là ở trong sự lắng đọng, sự yên lặng hoàn toàn đó vẫn còn cái hoạt động của hai nhịp độ, hơi thở vào và hơi thở ra.

Về điểm này Đức Phật Ngài dạy như ở tại đây là Ngài dạy một bài học một bài giảng thuyết pháp nhưng trên thực tế khi hành thiền thì chúng ta nhớ rằng những gì Đức Phật Ngài giảng ở tại đây đều phải trải qua một vài công đoạn. Chúng tôi lấy ví dụ là ban đầu qúi vị Phật tử rất khó ghi nhận là hơi thở ngắn hay dài, chúng ta chỉ ghi nhận được hơi thở vô và ra, thì sự ghi nhận thở vô ra có nhiều cách, ví dụ như Ngài Mahasi thì Ngài đặc biệt nói có hiện tượng về di động ở da bụng mà Ngài gọi là "Phồng và xẹp", khi mình hít vào thở ra lâu ngày sẽ thấy rằng hơi thở vào ra nó tương đương với sự phồng xẹp của da bụng thì mình để ý đến sự phồng xẹp của bụng. Cũng có vị Thiền Sư dạy để ý tập trung vào chóp mũi của chúng ta, qua chóp mũi chúng ta có thể cảm thấy được hơi thở ra vào. Trong kinh thì Đức Phật Ngài không có nói chú ý ở bụng hay để ở chóp mũi mà Ngài chỉ nói rằng an trú chánh niệm trước mặt, nếu mình hướng chánh niệm trước mặt mình thì tự nhiên mình sẽ thấy được trong sự lắng đọng hơi thở có vào có ra. Ở đây nó tùy vào kinh nghiệm của mỗi người. Thì sau một thời gian dài chúng ta có được khả năng thấy được lúc nào là hơi thở vào lúc nào là hơi thở ra, và có thể tùy theo mỗi người, mình có điểm nào đó mà mình có thể cảm nhận được ở sống mũi hay ở bụng rồi sau khi mình quen thuộc với cái vào cái ra thì mình bén nhạy hơn mình sẽ thấy được hơi thở không phải lúc nào cũng giống nhau nó có khi ngắn khi dài. Chúng tôi lấy ví dụ là hơi thở đi theo suy nghĩ, mình suy nghĩ chuyện gì mà mình lo âu nhiều hay mình suy nghĩ nhiều thì hơi thở dài hơn và khi mình ham muốn chuyện gì nhiều thì hơi thở mình ngắn hơn, cái ngắn cái dài của hơi thở ban đầu mình không để ý mà mình chỉ thấy được là hơi thở vô và ra, qúi vị nhớ vô và ra là giai đoạn đầu tiên mình làm quen, nhưng khi mình đã thuần thục một chút rồi thì mình cảm nhận là hơi thở vô dài, hơi thở ra dài, hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn, tùy vào cái ngắn cái dài đó. Qúi vị hỏi dài bao nhiêu gọi là dài, bao nhiêu gọi là ngắn, hành giả sẽ tự biết lấy nhưng hành giả sẽ nhận ra được rằng hơi thở nó không đều mình biết được sự sai biệt giữa độ dài ngắn của hơi thở.

"Cảm giác toàn thân tôi hơi thở vô, cảm giác toàn thân tôi thở ra". Cảm giác toàn thân này nhiều người giải thích khác nhau nhưng chúng ta hiểu một điều rằng một khi mà hơi thở đã trở thành trọng tâm mà trọng tâm nổi bậc với chúng ta khi chúng ta niệm thì chúng ta sẽ thấy rằng hơi thở nó liên hệ toàn bộ đến nguyên cả con người chúng ta nguyên cả thân chúng ta, khi chúng ta ngồi và khi chúng ta nằm cũng vậy, ở bất cứ vị thế nào cái hơi thở nó liên hệ toàn bộ và đến một lúc hành giả sẽ nhận hơi thở qua toàn bộ qua toàn thân chứ không phải chỉ ở sống mũi hay là ở chỗ hơi thở tuần tự luân lưu đi ra vô khí quản của chúng ta hay vào bụng vào đan điền chúng ta, nhưng khi mình thở thì mình thở toàn thân, cảm giác toàn thân khi mình thở, mình cảm giác như toàn thân.

Và ở đây Đức Phật Ngài hiểu là chuyện này hơi khó, thành ra Ngài nói rằng một người quay tơ khi họ dệt vải giỏi họ quay thiện xảo họ quay lâu thì họ biết cái đó dài hay ngắn, biết cái độ quay đó như thế nào. Về cái này nó đạt đến trình độ là chúng ta tinh tế, chúng ta đến cái mức khéo của nó, và sau một thời gian thì không phải chỉ cảm giác không mà vị đó hiểu được sự lắng đọng sự an tịnh toàn thân, thở vô an tịnh toàn thân, tôi thở ra thì sự an tịnh.

Ở đây là một trạng thái tế nhị hơn là cái ngắn cái dài, tế nhị hơn cái cảm giác toàn thân, mà ở đây chúng ta nói đến một cái sự lắng đọng hoàn toàn, có đến một mức độ mà hành giả đã rất là quen thuộc với hơi thở rồi thì khi hành giả thể nhập vào hơi thở thì hành giả sẽ không chú ý đến những cái khác nữa, thí dụ không chú ý đến tê cái nhức, không để ý đến tiếng động ở chung quanh, không để ý đến cái gì, thế giới nó là một sự lắng đọng, chỉ biết có hơi thở mà thôi. Chúng tôi lấy ví dụ là qúi Phật tử khi làm việc, khi nghe pháp hay đọc quyển sách hay, hoặc đang chăm chú chuyện gì thì qúi vị không còn chú ý đến những chuyện chung quanh nữa và lúc đó nó sẽ đạt chúng ta đến sự lắng đọng hoàn toàn chỉ biết có một thứ thôi đó là hơi thở ra hơi thở vào. Ở đó chúng ta gọi đó là sự an tịnh.

Còn Tiếp Kỳ Sau