dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Mỗi ngày chúng ta vào room thường lễ Phật bằng một câu rất ngắn "Namo Buddhaya" là "Thành kính đảnh lễ Đức Phật". Có lẽ chúng ta nói câu này quen miệng và chúng ta xem như một câu niệm thôi nhưng thật sự là chúng ta đã lễ Phật. Namo là đảnh lễ, Buddhaya là Đức Phật. Buddha là bậc giác ngộ. Đức Phật Ngài không phải là bậc giác ngộ suông, Ngài không phải là bậc giác ngộ tại vì người ta tôn xưng Ngài là bậc giác ngộ, mà Đức Phật được gọi là bậc giác ngộ là Ngài thật sự giác ngộ, chẳng những Ngài thật sự là bậc giác ngộ mà Ngài còn truyền đạt cho chúng ta con đường đi đến sự giác ngộ. Mỗi lần chúng ta đọc kinh Tứ Niệm Xứ, qúi Phật tử để thì giờ ngồi suy ngẫm sẽ thấy rằng ở trong bài kinh này Đức Phật Ngài không đặt nặng về giáo điều, về tín lý, về niềm tin, mà Đức Phật đặc biệt dạy cho chúng ta một phương pháp để thắp sáng tuệ giác, một phương pháp để sống với chính mình. Một người hiểu đạo sẽ rất cảm kích sẽ rất hoan hỉ rằng mình có nhiều phước lắm mình mới được đọc những giòng chữ này, và mình có nhiều duyên lành mới đọc được những giòng chữ như vậy. Ở tại đây thì Đức Phật chỉ dạy chúng ta phương pháp để hành trì mà không nói rằng chúng ta phải trở thành Phật tử phải qui y phải làm thế này thế khác, đó là lý do tại sao rất nhiều người Tây Phương họ đã áp dụng phương pháp Tứ Niệm Xứ. Phương pháp này rõ ràng giống như mình đói thì phải ăn cơm, muốn ăn cơm thì phải nấu cơm, nấu cơm thì lấy gạo, vo gạo bắt nước lên làm thế nào đó thì Đức Phật dạy rõ ràng, đơn giản như vậy. Ngày hôm qua chúng ta học về pháp niệm hơi thở, chúng ta sẽ trở lại pháp niệm hơi thở này với một số điều chính rồi bước qua phần tiếp theo. Trước nhất là nhắc lại những điều chúng tôi nói ngày hôm qua. Niệm hơi thở là một pháp rất căn bản cho mọi hình giả. Dĩ nhiên, có một số vị giác ngộ bằng cách nhìn thấy hoa sen sớm nở tối tàn, hay có vị nhìn thấy một giọt nước tan theo giòng suối, nhưng căn cơ của những vị đó vốn đã chín muồi lâu lắm. Riêng đối với tất cả chúng ta thì con đường chắc chắn nhất bảo đảm nhất đó là xuyên qua công phu tu tập của mình. Cho dù chúng ta dở cách mấy, cho dù chúng ta thiếu thông minh cách mấy nhưng nếu chúng ta được người ta hướng dẫn một việc gì mà chúng ta làm thường thì rồi chúng ta sẽ làm được việc đó, đặc biệt là những việc đơn giản. Chúng tôi muốn nói việc đơn giản ở tại đây là mỗi chúng ta là người Phật tử và nếu muốn thật sự nếm hương vị của chánh pháp thì không có người Phật tử nào không nên biết về pháp niệm hơi thở. Nếu chúng ta sống mà chúng ta làm quen với hơi thở, không xa lạ với hơi thở, thì quí vị sẽ cảm thấy rất thoải mái. Những giờ phút chờ đợi ngồi một mình hay những lúc lên chánh điện, hoặc giả những lúc qúi vị trống trải không có chuyện gì làm hay là phiền muộn thì trở về với hơi thở. Những lúc chúng ta không biết phải làm gì trong cuộc đời thì trở về với hơi thở, lúc vui cũng trở về với hơi thở, lúc buồn cũng trở về với hơi thở, lâu ngày chúng ta sẽ hiểu rằng hơi thở là bản địa của mình, là căn cứ địa, là quê hương thân yêu của mình. Ở đó chúng ta biết rất nhiều biết rất rõ. Ở trong cuộc đời có trăm ngàn thứ chúng ta không biết nhưng có một điều chúng ta nên biết là mình đang thở vô hay đang thở ra, biết rất là tỉnh táo, biết một cách rất rõ ràng. Pháp niệm hơi thở giúp cho chúng ta tỉnh táo, giúp cho chúng ta bớt đi sự quên lãng lú lẫn, và pháp niệm hơi thở giúp cho chúng ta điều hòa. Có nhiều người hễ nói tu thiền là thấy lớn chuyện, tu thiền phải chịu khó vì nó vượt ngoài tầm tay của mình, nhưng thật ra ở đây không có chuyện gì lớn ngoài chuyện làm quen với hơi thở, hơi thở vô hơi thở ra. Chúng ta chỉ cần biết rõ hơi thở vô hơi thở ra biết rất rõ, rất chậm rãi, rất là rõ ràng thì chúng ta sẽ bớt đi những căn thẳng trong đời sống, chúng ta bớt đi những phân vân những sâu kín trong lòng mà chúng ta gọi là sự vô định của đời sống. Chúng ta thường xuyên nghĩ ngày mai, không biết ngày mai ra sao, không biết tương lai ngày mai mình ra sao. Đừng suy nghĩ nữa, tại vì tương lai là một bí mật, mình suy nghĩ chỉ làm cho mình lo lắng thêm, rồi mình thêu dệt thêm những điều không hợp tình hợp lý, không thực tế. Nếu mình băn khoăn trong lòng là ngày mai mình ra sao thì nên tự đặt câu hỏi là bây giờ mình đang thở ra hay thở vào, thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở vào. Mình có thì giờ ngồi lại để phiền hà chuyện này chuyện kia, chuyện thị phi, chuyện khen chuyện chê người khác, mình suy nghĩ cho nhiều nó không có lợi gì hết, trở lại với hơi thở, mình đang thở ra thở vào. Chuyện đó mình biết rõ, chuyện gì mình biết rõ nó sẽ xóa đi sự phân vân nghi hoặc sâu kín ở trong lòng của chúng ta, và nhờ như vậy nó giảm thiểu đi những căng thẳng không cần thiết, thay vì ngồi đó mà lo, thay vì ngồi đó giận, thay vì ngồi đó mà nghĩ thật nhiều, thì bây giờ nên biết như Đức Phật dạy chúng ta sống có tỉnh thức, tỉnh giác là thở ra hay là thở vào. Ban đầu chúng ta chỉ biết hơi thở ra hơi thở vào khi quen rồi tinh tế hơn một chút thì chúng ta sẽ biết rằng hơi thở có lúc ngắn lúc dài không giống nhau, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, hơi thở vô ngắn biết hơi thở vô ngắn, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, rồi thời gian sau chúng ta sẽ nhìn hơi thở như là một nhịp sống như là một nhịp độ cho toàn thân. Một hành giả tu tập lâu nhìn chuyên vào hơi thở khi mình ngồi xuống yên lặng thì mình sẽ thấy sự sống của mình nằm ở chỗ hơi thở, thở ra thở vào, và khi chúng ta thở thì chúng ta phải cảm nhận một điều rằng không phải chỉ có không khí đi ra đi vào mà là toàn thân của chúng ta hoạt động chung quanh hơi thở, chúng ta có thể cảm giác được điều đó, và rồi chẳng những vậy chúng ta có thể qua hơi thở nếu chúng ta thường xuyên tu tập thì những lúc trở về với hơi thở thì chúng ta có cảm nhận được sự lắng đọng khi mình nhìn qua hơi thở, giây phút nào đó là toàn bộ hơi thở chúng ta an tịnh, tâm của chúng ta an tịnh, thân của chúng ta an tịnh, như vậy ngay cả hơi thở lúc chúng ta đình chỉ những sự phóng tâm, những sự lăn xăng, những hoạt náo của thân và tâm, trả về thân tâm trạng thái tĩnh tịnh nhất, đó là hơi thở. Bây giờ chúng ta đọc câu: --"vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân." Ở đây có hai điều: Điều thứ nhất: Về những hiện tượng chúng ta thấy được từ thân như hơi thở chúng ta cũng có thể nhìn thấy cả hai là nội thân và ngoại thân. Ví dụ như mình rảnh thì có thể theo dõi hơi thở từ ở chính mình. Chúng tôi có nghe một hành giả nói về một khoá thiền mà ở trong đó có nhiều người chia phòng với nhau, thì vị đó nói rằng trong mấy đêm đầu tiên thì tiếng ngáy của người bên cạnh làm vị đó không ngủ được, lên gặp vị Thiền Sư thì vị Thiền Sư nói rằng nếu mình không theo dõi được hơi thở vào ra của chính mình thì mình có thể theo dõi hơi thở vào ra của người kế bên. Điều đó chúng ta gọi là quán ngoại thân. Và vị này rất thông minh, Ngài Thiền Sư chỉ nói chừng đó mà vị đó có thể dùng tiếng ngáy của người khác để theo dõi hơi thở. Hay có khi chúng ta nhìn con chó nó thở ra thở vào, toàn thân của nó có phồng có xẹp như Ngài Mahashi dạy thì chúng ta cũng có thể ghi nhận được hiện tượng phồng xẹp đó ở con chó là hơi thở ra hơi thở vào. Nói tóm lại là nếu tâm của chúng ta đủ tinh tế thì chúng ta có thể nhìn thấy được hiện tượng đó ở trên chính thân mình và ở ngoài thân mình, hoặc là cả hai. Điều thứ hai: "vị ấy quán tánh sanh khởi và diệt tận". Sanh khởi là sự bắt đầu và diệt tận là sự chấm dứt. Cái sanh và diệt là hai tướng mà mình có thể nắm được mọi sự vật. Thí dụ như mình là người gác cổng thì để làm tròn phận sự của mình thì mình biết ai tới và tới lúc nào và đi lúc nào, nhưng thông thường khi mình chưa có giỏi chưa có quen thì mình chỉ thấy sự bắt đầu thôi hay thấy sự kết thúc thôi, hoặc thấy sanh khởi hoặc thấy diệt tận, hoặc thấy cái bắt đầu mà không thấy cái kết thúc, hoặc thấy cái kết thúc mà không thấy cái bắt đầu. Ví dụ như ở trong phòng có năm người bây giờ tự nhiên có người ở ngoài bước vào là người thứ sáu mình biết là có người mới bước vào, rồi một lúc thì chúng ta tinh tế hơn thì chúng ta sẽ thấy được cả hai là người nào đến hay người nào đi. Hồi xưa mới vào trong paltalk chúng tôi để ý có một số Phật tử rất giỏi là thường theo dõi trong rơom là ai đến ai đi, có khi họ dùng một loại software đặc biệt để họ theo dõi là ai đến ai đi giống như bản thân của mình. Thế giới này là một sự tiếp nối liên tục của những hiện tượng sanh diệt, diệt sanh, sanh diệt, diệt sanh nối liền với nhau. Hơi thở vào bắt đầu và hơi thở vào kết thúc, hơi thở ra bắt đầu hơi thở ra kết thúc, đó là tánh sanh diệt. Thì sanh diệt là hai đầu mối mà chúng ta có thể ghi nhận được sự hiện hữu của các pháp. Chúng tôi thường thích theo dõi cảm thọ của mình, cảm thọ vui nó bắt đầu lúc nào và nó chấm dứt lúc nào, chúng ta có thể tìm thấy ở đó trong rất nhiều cách khác nhau từ cảm thọ cho đến những hiện tượng của thân và tâm. Sanh và diệt là hai tướng mà chúng ta có thể nắm bắt thực tại, nhưng mới ban đầu có nhiều vị quán tánh sanh khởi cái gì nó đến thì vị đó ghi nhận đến, nhưng cũng có nhiều vị giỏi, cái gì đang có rồi nó biến mất vị đó ghi nhận được, gọi là tánh diệt tận. Nhưng nếu tinh tế hơn nữa chúng ta có thể thấy được cái sanh cái diệt bắt đầu lúc nào kết thúc lúc nào. Cái bước chân, nhấc chân lên là cái bước chân bắt đầu, đặt chân xuống là bước chân chấm dứt. Hơi thở vào mới bắt đầu, hơi thở ra chấm dứt đó là tánh sanh diệt. Nếu chúng ta nhìn được tánh sanh và tánh diệt như vậy thì khi tâm tư của chúng ta đã đến mức độ quen thuộc thì cuộc sống gọi là giòng sinh diệt giống như giòng chảy của sinh diệt, tức là sanh ra rồi diệt, sanh diệt sanh diệt tiếp nối nhau. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm." Câu này rất đơn giản và rất hay. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy. Đối với một hành giả tu tập thì thân và tâm không phải là gánh nặng, thân và tâm không phải là đứa con cưng để mình chìu chuộng, mà thân và tâm là đề mục để tu tập. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm. Đối với một hành giả thì không có chuyện gì phải bực bội chống lại thân chống lại tâm mình, hay là không có chuyện gì mà phải nuông chìu cái thân cái tâm của mình, mà chỉ đơn giản là dùng cái thân cái tâm của mình là đối tượng để quán chiếu, lấy thân và tâm của mình làm đối tượng để tu tập. Chúng tôi lấy ví dụ là mình làm việc gì mình hay để ý đến sự phấn chấn hay sự mệt mỏi, khi mình phấn chấn thì mình hoan hỉ mình thích thú, và khi mình mệt mỏi rã rời thì mình không muốn làm gì hết. Nhưng với hành giả tu tập thì không có như vậy. Phấn chấn là một hiện tượng để ghi nhận, mà mệt mỏi cũng là một hiện tượng để ghi nhận, siêng năng thì cũng là một hiện tượng ghi nhận, mà lười biếng cũng là hiện tượng để ghi nhận. Đến một lúc nào đó chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ quen rồi thì chúng ta không cần lựa chọn cái gì đối với thân tâm nó ra sao thì là chuyện của nó, thân của chúng ta ra sao thì không thành vấn đề, lúc nó khỏe cũng được mà lúc nó uể oải cũng được. Không phải nói hôm nay mình khỏe mình sẽ tu thiền, hôm nay mình mệt mình sẽ không tu. Chỉ nhìn nó thôi, khi nó mệt nó lười biếng cứ nhìn nó. Chúng ta luôn luôn ở trong tư thế là không có đặt điều kiện là mình phải như thế này mình mới tu chánh niệm, mình phải thế kia mới tu chánh niệm, chỉ nhìn nó, lẳng lặng nhìn nó. Đây là điểm thú vị nhất của hành Tứ Niệm Xứ là đối với một hành giả hành thiền Tứ Niệm Xứ mình không có đặt điều kiện gì cho mình hết, thân và tâm của mình, thí dụ tâm của mình thanh tịnh mình biết nó thanh tịnh, tâm của mình phiền não biết nó phiền não chứ không phải khi tâm của mình thanh tịnh tự nhiên mình nói bữa nay mình hoan hỉ quá tâm của mình cao qúi, ngày mai tâm mình phiền não, oh! tâm mình phiền não mình đáng trách đáng giận đáng hối tiếc. Không. Vị này chỉ nghĩ đến biết là tâm thanh tịnh hay tâm bất tịnh, tâm ô nhiễm tâm phiền não, hay thân phấn chấn hay thân lười biếng chỉ nhìn thôi, lẳng lặng nhìn nó "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm . "Có thân đây" tức là cái gì liên quan đến thân thì dùng nó để an trú chánh niệm. Với một hành giả tu tập mà các ngài Thiền sư thường nói rằng người bình thường họ nói họ tu tập thiền một giờ, hai giờ, hay giờ nào họ tu thiền, nhưng với một hành giả mà thật sự sống với chánh niệm rồi thì dầu là lúc lên ngồi thiền, lúc đi ra bên ngoài, lúc ăn lúc uống, lúc nào cũng có thể quan sát thân mình được, và lúc đó chúng ta xem thân mình hoàn toàn là một đối tượng để nhìn. Lúc đó chúng ta mới thấy Đức Phật Ngài nói rằng "Từ cái thân sanh tử này mình có thể làm được nhiều thiện sự", tại vì sao vậy, tại vì cái thân là đối tượng để quan sát. "vị ấy an trú chánh niệm, hướng đến chánh trí chánh niệm". Chánh trí tức là biết rõ chân tướng, chánh niệm tức là biết một cách tỉnh táo quán sát. Ở đây chánh trí và chánh niệm rất quan trọng. Chánh niệm cho chúng ta biết là đây là sanh, đây là diệt, hơi thở vào hơi thở ra là chánh niệm. Nhưng chánh trí cho chúng ta biết rõ đây là danh sắc, đây là vô thường. Chánh trí cho chúng ta biết mình nhìn như vậy là nhìn một cách đúng với chánh niệm chứ không phải nhìn với cách suy tưởng suy diễn. "Vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời". Là vị đó ở trong tư thế rất độc lập, một hành giả tu tập chánh niệm không dựa vào định kiến không dựa vào thành kiến mà chỉ ghi nhận mà thôi. Chúng tôi lấy ví dụ như, bây giờ mình nghe Đức Phật nói cuộc đời là vô thường hay nghe có vị nói cuộc đời là khổ, thì chúng ta không có muốn nghe tại vì mình nghe như vậy mình sẽ buồn, nhưng với một hành giả tu tập thì vị đó không dựa vào cái vui cái buồn đó, mà nó vô thường thì biết nó là vô thường, nó thường thì biết nó thường, hễ cái nào thay đổi thì biết nó thay đổi, nó sanh thì biết nó sanh, nó diệt thì biết nó diệt, biết một cách rất khách quan. Cái biết đó nó giống như một người làm việc mà không có bị người ta khuynh loát không bị người ta áp lực với mình, mà mình làm việc một cách rất là vô tư. Chữ "vô tư" ở đây không phải chữ "vô tư" của người Việt Nam nói bây giờ mà chữ "vô tư" ở đây tức là vị ấy làm việc hoàn toàn không bằng định kiến, thành kiến, biên kiến, chủ kiến, của mình. Cái nào ra thế nào thì mình nhìn nó như vậy, cái đó chúng ta gọi là "Vị ấy sống không nương tựa không chấp trước bất cứ vật gì trên đời". "Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân". Thì bây giờ ở trong đoạn này mỗi đề mục mà Đức Phật dạy chúng ta quán Ngài nhắc đi nhắc lại đoạn này "như vậy là vị ấy sống quán thân trên thân" tức là mình muốn biết về thân mình muốn quán sát về thân thì mình lấy cái thân để quán sát. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm". Thì như vậy đối với hành giả thân này chỉ là một thân và tâm lúc bấy giờ chỉ là đối tượng để quán chiếu mà mình không cần phải đòi hỏi như thế này như thế khác, chỉ nhìn nó thôi "và vị ấy sống không nương tựa không chấp chước một vật gì ở đời". Chúng ta tu tập thiền hễ cái nào nó sanh thì biết nó sanh, cái nào nó diệt thì biết nó diệt, không cần phải đem vào trong đó những thành kiến, những kiến thức quá khứ của mình. "Và như vậy tỳ kheo sống quán thân trên thân". Đó là phần đầu mà hôm qua chúng ta nói về quán hơi thở. Bây giờ chúng ta bước qua phần tiếp theo. Ở trong phần tiếp theo này sau khi giảng về hơi thở thì Đức Phật Ngài dạy là người đó có ý thức tỉnh giác về bốn đại oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi. Chữ oai nghi ở đây được hiểu như là tư thế, bốn đại oai nghi tức là đi, đứng, nằm, ngồi. Tiểu oai nghi là co tay, duỗi tay, nghiêng người, hay là bước tới bước lui v.v... nhưng bốn đại oai nghi ở đây được hiểu là đi, đứng, nằm, ngồi. Tâm của chúng ta thường diễn tiến theo một nhịp điệu của thân, chúng ta gọi là nhịp điệu sinh học, giống như những người họ hát thì ngoài lời ca thì họ hát theo tiếng đàn, tiếng đàn đó trầm bổng, tiết tấu của bài hát được phô diễn theo tiếng đàn, vì vậy bài hát là một lẽ nhưng người ta lại đặt nặng về hoà âm. Tại vì sao, tại vì điệu nhạc rất là quan trọng những ai hát thì họ biết như vậy. Thì tâm của chúng ta suy nghĩ đi theo một số nhịp điệu, hơi thở là một nhịp điệu của tâm. Qúi vị Phật tử nào tu tập lâu sẽ thấy rằng lúc thở không phải lúc nào mình thở cũng giống nhau, hơi thở có dài có ngắn, có những hiện tượng tâm lý chúng ta thở dài, có những hiện tượng tâm lý làm chúng ta thở ngắn, có những trạng thái tâm làm chúng ta thở dồn dập, có những trạng thái tâm làm cho chúng ta có hơi thở tế nhị. Thì đi đứng nằm ngồi cũng vậy, đi đứng nằm ngồi cũng là nhịp điệu mà dựa trên đó tâm của chúng ta sanh khởi theo. Thí dụ như có những phiền não chỉ có những lúc chúng ta nằm khi chúng ta ngồi dạy thì không có. Và có những phiền não lúc chúng ta đi tới đi lui thì có nhưng đứng lại thì không có. Nên thời Đức Thế Tôn còn tại thế có một vị tỳ kheo tu tập hễ khi thất niệm thì vị đó ngưng lại không làm nữa, thí dụ đang đưa tay cầm một món gì đó mà thất niệm vị đó ngừng lại, thì trạng thái đó cho chúng ta thấy rằng sự thay đổi oai nghi cũng là một cách để thay đổi trạng thái tâm của mình. Trong Luật Tạng cũng có trường hợp là một vị tỳ kheo ở gần người khác phái mà khởi tâm ham muốn, mà muốn cho mình có khả năng tự chế nhiều hơn thì người đó thay đổi oai nghi từ thế ngồi qua thế đi thế đứng chẳng hạn. Khi hành giả tu tập, dĩ nhiên là chúng ta biết con người ngoài hoạt động hơi thở thì bốn đại oai nghi lúc nào cũng có, khi chúng ta hoặc là đi, hoặc là đứng, hoặc là ngồi, hoặc là nằm, hành giả cần có ý niệm tỉnh táo cần quán sát tỉnh táo khi chúng ta thay đổi oai nghi. Ban đầu chúng tôi có nói rằng hơi thở là phép niệm căn bản, nhưng không có một hành giả nào mà không nên biết cách niệm oai nghi. Thí dụ như lúc chúng ta đang đi chúng ta sắp đứng lại thì chúng ta nên biết rõ là mình sắp đứng, và lúc mình đang đứng thì mình cũng có một ghi nhận rõ là mình đứng hoàn toàn, là mình đang ở thế đứng, rồi ngồi cũng vậy, nằm cũng vậy. Chú ý đến oai nghi của mình làm cho mình có được sự tỉnh táo. Nếu mà qúi Phật tử chưa quen với hơi thở thì thỉnh thoảng qúi vị cũng nên có một ý thức rất nhẹ nhàng ở trong đầu rằng mình đang ngồi, ý thức nhẹ nhàng là đang nằm, đang đứng, đang đi. Cái ý thức đó sẽ giúp cho chúng ta nhiều. Bởi vì khi chúng ta nuôi dưỡng chánh niệm thì ngoài những lúc chúng ta ngồi xuống tập trung vào hơi thở thì chúng ta cũng đi cũng đứng. Cái đi cái đứng này thường là ở mức độ mình bắt đầu thôi. Thì thường là theo dõi đại oai nghi được xem như là không có thường xuyên như tiểu oai nghi, tiểu oai nghi là cái gì mà có tánh cách là nhiều thứ liên tục. Hay nói một cách gọn là: Cái lợi nhất của đi đứng nằm ngồi mà mình theo dõi đó là cái khả năng tự chế phiền não. Trong lúc chánh niệm về với hơi thở thì lợi điểm nhất là dẫn chúng ta đến chỗ nhiếp tâm, tức là chỉ thấy có hơi thở và thấy toàn thân chỉ là chung quanh hơi thở. Nhưng mà quả thật là, ví dụ như qúi Phật tử đang giận ai mà trong lòng rất khó chịu, thì thường thường chúng ta giận chúng ta hay đi tới đi lui suy nghĩ, thì ngay lúc đó chúng ta thử ngồi xuống cho bớt cơn giận. Hay là mình đang nổi giận phừng phừng mà mình muốn thay đổi thì mình đứng yên đừng đi nữa, đứng yên theo dõi hơi thở thì lúc đó sự thay đổi tư thế thay đổi oai nghi như vậy nó giúp cho chúng ta kềm chế đi rất nhiều phiền não. Khi mình tu tập nhất là ở trong rừng sâu có những phiền não đến như là sự ham muốn về nhục dục hay là sân hận hay là sự suy tưởng hay lo ra, những phiền não đến thường rất dễ dàng để trị bằng cách thay đổi tư thế hoặc đi hoặc đứng hoặc nằm hoặc ngồi. Hồi nhỏ chúng tôi vào chùa ảnh hưởng Sư Trưởng, suy nghĩ gì thì Sư Trưởng hay đi tới đi lui, về sau này chúng tôi cũng thường như vậy, khi nào chúng tôi suy nghĩ cái gì thì chúng tôi hay đi chầm chậm tới lui, nhưng một khi mình ngừng lại, mình đứng lại thì tư tưởng đó không còn nữa, không suy nghĩ nữa mà trở qua trạng thái bình thản trở lại. Nên việc thay đổi oai nghi giúp cho chúng ta rất nhiều. Thì đại oai nghi là bốn tư thế đi đứng nằm ngồi, tiểu oai nghi là những cái nhỏ nhặt nhưng mình phải biết. Thí dụ như trong lúc đi nên để ý chân mình dở bước đạp, hoặc giả là mình biết là chân phải đang bước hay chân trái bước. Theo dõi mình biết từng bước chân hay là từng phần một của bước chân của mình. Rồi như trong lúc ăn thì chúng ta phân ra cái tay lấy đồ ăn như thế nào, đưa vào miệng như thế nào, nhai và nuốt như thế nào, những cử chỉ đó mình biết. Điều này thì mới nghe, qúi vị không hành thiền thì nghe nó phiền lắm nhưng khi hành thiền lâu rồi thì sẽ cảm thấy rất là hoan hỉ. Tại vì mỗi một cử chỉ mỗi một sự vận động của thân đều như một điệu nhạc để giúp tiết tấu của bài hát được tốt. Thì cũng tương tự như vậy những điều đó là những phương tiện để nuôi dưỡng chánh niệm cho hành giả, hành giả sẽ không rời khỏi chánh niệm nếu hành giả khéo biết dùng những cử chỉ nhỏ nhặc đó để nuôi dưỡng chánh niệm. Quán Thể Trược Phần tiếp theo tiểu oai nghi là phần đặc biệt liên quan đến quán sát về những cơ phận kết cấu lên cái thân thể của chúng ta. Thì riêng về phần này đòi hỏi một chút kiến thức. Chúng tôi có được một cái may mắn là hồi xưa lúc mới sang Mỹ chúng tôi gặp Ngài Tangpulu, Ngài có sở trường niệm về 32 thể trược, và khi chúng ta đến Sant Cruz ở với Ngài thì lúc đó được dịp ngồi gần Ngài mặc dù Ngài không nói tiếng Anh Ngài chỉ nói tiếng Miến Điện nhưng qua những người thông dịch thì chúng tôi được nghe nhiều về cách Ngài niệm về quán thể trược. Chúng tôi thưa với qúi Phật tử về điểm này là, con người của chúng ta hay có những khuynh hướng khác biệt về cái nhìn người khác. Có những người nhìn mang tánh cách đại loại, có những người nhìn bắt đầu từ chi tiết mà ra . Chúng tôi lấy ví dụ như là, có nhiều người khi nhìn người khác thì họ hay nhìn cái càrá người ta đeo, hay nhìn đồng hồ người ta đeo, hay nhìn mái tóc người đó, tức là từ cái nhỏ đi đến cái lớn, từ cái chi tiết đi đến cái lớn. Cũng có những người khi họ nhìn người khác họ nhìn cái chung hơn là nhìn tiểu tiết, thí dụ như dáng của người đó hay phong thái của người đó là cái chung. Như trong văn chương chúng ta nói rằng ở trong cách phô diễn gọi là qui nạp tức là triết chung, tại vì từ cái nhỏ cho đến cái lớn từ cái lớn cho đến cái nhỏ là khuynh hướng của mỗi người. Trong ngạn ngữ Tây Phương họ nói rằng: "Cái đẹp của con người chỉ là được đo bằng một lớp da mỏng", mình lấy nước da trắng, da mịn, hay da đen làm thước đo v.v... nhưng lớp da rất mỏng sau đó là thịt mỡ nhiều thứ ở trong. Trong truyền thống cổ xưa thì người Ấn Độ họ phân cơ thể của chúng ta có 31 thành phần như là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương v.v... nhưng về sau này thì chúng ta thường tính là 32 là tại vì có thêm phần tủy. Phần tủy hồi xưa người ta xem nó giống như óc, tủy là phần ở trong của xương. Thì tủy và óc đều có phần hành như hệ thần kinh được chứa ở tại đó. Ngày xưa theo truyền thống người ta phân biệt là ở trong tủy gồm cả tủy xương và óc là một nên có 31, nhưng về sau họ chia thành hai như trong sớ giải thì tính 32 tức là kể cả óc và tủy. Một người muốn thực hành pháp theo dõi về thể trược thì vị này tương đối phải có kiến thức và tâm làm việc hơi rộn ràng một chút. Chúng tôi nói chữ rộn ràng ở đây tức là tâm của chúng ta phải tinh tế hơn. Mỗi người, mỗi người có cái duyên, có những người tu tập cái gì đơn giản quá thì họ chán nhưng làm cái gì có tánh cách tinh vi một chút thì họ dễ làm, còn có những người tu tập cái gì tinh vi một chút thì họ thấy rắc rối họ thích cái gì đơn giản. Thì tương tự như vậy là pháp niệm về 32 thể trược hay 32 yếu tố mà chúng ta gọi là tóc, lông, móng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan và hoành cách mô, lá lách, phổi, màng ruột v.v... những thứ này người hành giả muốn tu tập thì phải có kiến thức, bình thường thì có những thứ chúng ta thấy được bằng mắt, thí dụ như thấy thế nào là da, thế nào là tóc, thế nào là răng, nhưng những thứ ở trong cơ phận con người tương đối là chúng ta phải có kiến thức về cơ thể học về sinh vật học một chút và để hiểu thế nào là hoành cách mô, thế nào là niêm dịch, thế nào là những nước ở khớp xương, v.v.. những thứ đó ít khi chúng ta biết đến nếu chúng ta không học về vạn vật mà chúng ta có thể biết qua kinh điển hay là qua vị Thiền Sư được. Ngài Tangpulu nói rằng có một số người thì có thể theo dõi một thứ, có những người có thể theo dõi ba, bốn thứ, và có những người họ có thể quán sát toàn bộ, điểm chính là làm sao để cái này không lẫn lộn với cái kia. Thí dụ tóc là tóc, lông là lông rồi móng là móng, răng là răng, da là da. Có những vị chỉ chuyên niệm về đề mục xương, tức là vị này có rất nhiều kiến văn nhìn thấy con người chúng ta như là kết cấu toàn bộ xương. Thành ra chúng tôi nói ở tại đây là trong 32 cơ phận được đề cập thì không phải một hành giả nhất thiết là phải niệm hết mà hành giả có thể niệm một cơ phận hay là ba năm bảy và cũng có người họ niệm hết nhưng mà cái kiến thức phải có. Thì pháp niệm ở tại đây như chúng ta hiểu rằng niệm khác với kiến thức. Với kiến thức là qúi vị lên internet hoặc lấy một cuốn sách lật ra thấy con người chúng ta có bao nhiêu khúc xương chẳng hạn, thì học như vậy là chúng ta học thoáng qua thôi. Nhưng với một người tu tập chánh niệm thì phải làm sao đạt đến cảnh giới là một lúc nào đó chúng ta nhìn một người di chuyển thì giống như một bộ xương đang di chuyển. Không biết là có bao giờ qúi vị nhìn thấy những bộ xương cách trí, tại Việt Nam chúng tôi không biết sao nhưng ở Mỹ ở ngoài tiệm có bán những bộ xương kết lại mình có thể ngồi nhìn rất có lợi, mình có thể dùng để làm một sự tìm hiểu về xương, từ xương lóng tay tới xương tay, rồi xương sống, xương sọ, xương chân v.v... một lúc nào đó thì mình có thể hiểu rằng sự di chuyển của con người là sự di chuyển của bộ xương. Thì từ cái thế di chuyển của mình hay từ cái thế của mắc xương với cái kiến văn bình thường cho đến lúc mình thấy sự di chuyển của mình là sự di chuyển của bộ xương là phải trải qua một tiến trình thường xuyên tâm niệm. Pháp niệm về 32 thể trược này rất khác với Thiền Chỉ nếu chúng ta không có Thầy hướng dẫn cụ thể thì chúng ta dễ lạc qua sự suy diễn. Theo Ngài Tangpulu thì trước nhất mình phải nắm được cái tướng, rồi nắm vị trí, rồi nắm được cái biến dịch. Thí dụ, răng là như vậy, răng nằm trong miệng, rồi sự biến dịch là những lúc buổi sáng buổi chiều đánh răng chúng ta phải liên tưởng đến cái răng của chúng ta thay đổi như thế nào về cái bất tịnh của nó v.v... Cái chính yếu là làm sao nắm được cái tướng của nó và thường xuyên đem vào trong tâm tư của mình để khi mình sống với thân và với tâm thì mình nhận ra rằng từ đỉnh đầu cho đến bàn chân là một cái bao bì chứa đựng nhiều vật mà chúng ta nói là thể trược và cái gọi là cuộc sống của chúng ta hàng ngày những bộ phận đó hoạt động, lục, phủ, ngũ, tạng, rồi thịt, đầu, mình, tay, chân v.v... Nhưng ở đây những cơ phận này được đơn cử ra. Thì ở đây chúng ta không có thì giờ để đi vào từng phần một. Trong tủ sách chúng tôi có ba quyển sách, một cuốn của Tích Lan, hai cuốn của Miến Điện dạy về tướng của 32 thể trược, thí dụ nói về xương, xương được biết như thế nào v.v... Thì những điều đó qúi vị phải đọc một phần ở trong Thanh Tịnh Đạo, những phần ở trong những cuốn sách đó nhưng điều chính là phải học nơi những vị Thầy có kinh nghiệm như Ngài Tangpulu Ngài sẽ cho chúng ta biết rất nhanh là làm thế nào để chọn một ở trong những cơ phận này, làm sao cho nó rõ, nó chân xác và đặc biệt là làm sao cho mình có thể quán niệm được thường xuyên. Thí dụ như mình quán niệm về thịt về gân về xương, nhưng nếu chúng ta đọc như là đọc sách thì chỉ có kiến thức thôi thì cái đó chỉ là sự suy diễn nhưng khi chúng ta niệm thì chúng ta phải lấy một cái tướng nào đó và trở về đem vào trong tâm của mình và quán như thế nào và có thể quán cái đó thường xuyên, chúng ta gọi là quán về thể trược. Quán thể trược này có một lợi lạc rất lớn cho hành giả là có những hành giả là thích nắm về tướng chung và tướng riêng, tướng chung là hình thức bên ngoài chúng ta gọi là nặng phần trình diễn tức là những người nào mà chỉ nhìn thấy bề ngoài thì bị mê hoặc bởi bề ngoài đó thì niệm về những thể trược này rất là tốt. Chúng tôi xin lỗi qúi Phật tử là, thí dụ như có những người thích ăn mặt đẹp tức là cũng người đó nhưng họ diện lên bộ quần áo đó thì thấy rất nổi bậc rất đẹp rất sang. Những ai dính mắc bề ngoài thì nên thường xuyên niệm về thể trược nó có thể giúp xoá tan đi ảo giác là cuộc sống không chỉ có ngoại hình, ngoài cái ngoại hình đó ở đằng sau cái thực tại hoàn toàn khác hơn chúng ta nghĩ. Chúng tôi nhớ có một lần do lời yêu cầu của chùa Wat Pah Nanachat một bịnh viện ở gần Bangkok có tạo cơ hội cho Chư Tăng tu tập về 32 thể trược, Chư Tăng đến bịnh viện đứng sau một căn phòng và qua cửa kiếng để nhìn bác sĩ làm autopsy tức là mổ xẻ tử thi. Thì thường thường công việc của mấy người làm autopsy là họ đem những xác chết liên quan đến hình sự về mổ ra để coi có bị đầu độc hay có bị thương tích hay bị điều gì, mổ xong rồi họ trả về cơ thể cũ rồi đem đi chôn hay đem đi hoả táng. Thì autopsy là công việc làm rất quen của các bác sĩ nhưng khi mình đứng ở trong phòng chứng kiến sự kiện thì thật sự ban đầu nhìn thấy một xác chết do người bác sĩ làm giải phẩu mổ ra thì khủng khiếp lắm, tại vì là xác con người nó có thể ảnh hưởng mình trong nhiều ngày lắm, nhưng cái ấn tượng đó giúp cho mình tỉnh táo ra, thay đổi rất là nhiều về cái gọi là con người của mình, con người của mình lúc sống mình hoạt động như vậy, mình ăn ngon mặc đẹp rồi diện ra hình thức thế này, nhưng khi nằm xuống thì thấy quả thật là nó không là gì cả, và khi cắt mổ sau lớp da thì ở trong là thịt, là gân, là xương, thì nó giúp ích rất là nhiều nhất là sự ham muốn, tất cả những thứ đó thì cho chúng ta đến gần một cái thực tại, thấy được chân tướng. Chúng tôi nói tóm lại, khi niệm về 31 thể trược 31 cơ phận này của cơ thể thì đặc biệt thích hợp với người thường hay dính mắc về ngoại hình, và rồi từ cái nhìn nặng về hình thức bây giờ đi sâu vào nó sẽ xoá đi cái ảo giác của chúng ta và quan trọng nhất là tất cả những pháp này đều được hướng dẫn bởi vị Thiền Sư về thế nào là cái tướng, thế nào là cái tánh, thế nào là sự biến dịch, và làm sao để giữ sự quán niệm đó được liên tục. Như trong cuốn Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) nói rằng có một vị hành giả đang đi thì có một người phụ nữ đi qua mà lúc đó vị này đang quán sát, kế đó người chồng chạy theo hỏi có thấy người đàn bà đi qua không thì vị này trả lời là chỉ thấy bộ xương đi qua thôi. Lúc mình thấy là mình thấy nguyên cả thế giới này là một sự vận hành của những bộ xương của những bao bì đựng thịt, xương, gân v.v... thì lúc đó là lúc chúng ta thể nhập rất thuần thục ở trên sự quán niệm về thể trược. Như chúng tôi nói rằng không phải căn tính nào cũng hợp với pháp quán niệm này nhưng đối với một số người nhất là người quá nặng về phiền não thì phương pháp này là phương pháp rất tốt có một công hiệu rất là mạnh để chúng ta đối trị nó. Tiếp theo trong phần này thì Đức Phật nói: -" Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt." Chữ sai biệt ở đây rất là quan trọng. Sai biệt là chúng ta nhìn thấy tóc là tóc, lông là lông, móng là móng, răng là răng, da là da, mỗi cái riêng biệt. Thấy được sự sai biệt của nó và thấy được sự kết cấu tổng quát của nó, đó là nghệ thuật để hành giả quán sát. Thì đó là sự tinh tế. Lúc chúng ta không có đủ sự tinh tế thì chúng ta không có thấy rõ nhưng lúc chúng ta tinh tế thì chúng ta sẽ thấy rõ. Quán Tứ Đại: Đất, Nước, Lửa, Gió Trở qua một cách quán sát khác, cách quán sát này thì tương đối nhẹ nhàng hơn, đó là sự quán sát về tứ đại: Đất, nước, lửa, gió hay là nói theo danh từ chữ Hán là địa đại, thủy đại, hoả đại, phong đại. Thì bây giờ trong ngành vật lý của cổ Ấn mà đặc biệt ở trong Phật giáo khi nói về vật lý thì cũng nói rằng có bốn hiện tượng. Hiện tượng như: Thì bốn hiện tượng này được trình bày trong nhiều giai tầng khác nhau. Ví dụ như nếu chúng ta nhìn một cách thuần nghĩa là rất sâu thì ở trong một hạt bụi có cả bốn hiện tượng; đất, nước, lửa, gió. Và ở trong một giọt nước thì nó cũng có cả bốn hiện tượng; đất, nước, lửa, gió. Chúng ta nói ở mức độ tinh vi. Còn nếu chúng ta nhìn tổng quan ở bên ngoài thì trong trường hợp này hành giả có thể nhìn thấy thân, ví dụ như là những cái gì liên quan đến như là tóc, móng, lông, da, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm. Thì một hành giả có thể quán sát bốn hiện tượng của đất, nước, lửa, gió - địa đại, hỏa đại, phong đại, thủy đại ở trên chính cơ thể của mình. Về điểm này có một cái lợi cho người nào quán bất tịnh mà cảm thấy khó và thấy ghê quá, như nhìn thấy một đống bầy nhầy hay nhìn thấy máu mủ hay nghĩ đến điều đó mình cảm thấy dễ sợ thì niệm về bốn hiện tượng đất nước gió lửa giúp cho hành giả cũng thấy được thân là một hiện tượng giới, thân là một thế giới mà trong đó có sự vận hành của tứ đại, đất nước lửa gió nhưng ở một trạng thái tổng quan hơn. Do vậy khi chúng ta nói tứ đại bất hòa có nghĩa là địa đại, phong đại, hỏa đại, thủy đại không làm đúng vai trò mà có một cái nào có quá nhiều hoặc quá ít v.v.. thì nó sẽ có vấn đề. Nói tóm lại là cũng từ trên thân của mình có thể quán tưởng có thể nhìn thấy được sự vận hành sự hoạt động của bốn đại nếu quán về tứ đại. Hồi nãy chúng ta nghe thí dụ về quán sát 32 thể trược nó giống như một người đựng một bao ở trong đó có từng thứ mình phân chia từng loại từng loại tức là từ cái chung mình phân chia ra từng cái riêng. Còn tứ đại mình có thể chia theo từng thành phần giống như là mình phân loại. Ở đây Đức Phật Ngài đưa ra một người đồ tể mổ bò rồi phân ra phần nào thuộc về loại nào của con bò. Khi hành giả quán tứ đại thì cũng có khả năng nhìn thấy thí dụ mật đàm thuộc về nước, thuộc về gió, hay thuộc về đất v.v... có thể phân loại, như hồi nãy chúng tôi nói trong khoa học là qui nạp hay triết trung, nó tùy theo căn cơ của mỗi người. Cũng là một lần nữa đòi hỏi qúi vị nhớ một điều là nếu chúng ta quán về tứ đại mà chúng ta quán bằng sự suy niệm thì không đúng Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là chúng ta phải nắm được cái tướng của nó và duy trì sự quán sát đó trong một thời gian dài để mình có thể phát triển được niệm. Niệm là cái gì mà bám lấy thực tại và bám một cách bền bỉ nếu không có bám lấy thực tại mà nghĩ qua sách vở là suy diễn. Và nếu bám vào thực tại mà chỉ một phút nó không có lâu không bền bỉ được thì nó không đủ sức mạnh nó thiếu sức mạnh của tập trung vào định thì chánh niệm chỉ là thấy một cái thôi không gọi là chánh niệm lâu dài được. Quán niệm lâu dài là nhìn vào hơi thở, chỉ nghĩ đến hơi thở, chỉ là một điểm nhỏ thôi, nhưng muốn gọi là phát triển niệm với định thường xuyên thì phải theo dõi hơi thở ở trong nhiều thời gian, một ngày một tiếng, một ngày hai tiếng năm tiếng bảy tiếng, từ phút này qua phút khác, từ giờ này qua giờ khác, chứ không phải là chúng ta nói chúng ta nhìn hơi thở như vậy là có chánh niệm. Bởi vậy trong Bát Chánh Đạo thì luôn luôn có Chánh Niệm và Chánh Định. Chánh Niệm là sự tỉnh táo hướng đến sự chú tâm của chúng ta sự chú ý chúng ta trên đối tượng ở đây và bây giờ, ở đối tượng đang xảy ra. Nhưng Chánh Định là nói lên sự bền bỉ của chúng ta. Điều đó rất là quan trọng. Nhiều hành giả hiểu lầm là quán về bất tịnh tức là quán về tứ đại này hay là quán về thể trược thì mình chỉ quán về sự suy nghĩ là đủ, quán mà suy nghĩ chỉ là suy nghĩ thôi nhưng để hành giả có thể nắm được cái tướng và nắm một cách bền bỉ thì hành giả cần được hướng dẫn, ở đây chúng ta không có thì giờ để nói về điểm đó thí dụ như thế nào là tóc, tóc ở vị trí nào, và làm sao để ghi nhận tóc, và làm sao để giữ sự ghi nhận đó thường xuyên. Nếu qúi vị nào có sở thích thêm về điểm này thì khi có dịp chúng ta sẽ nói thêm nhưng ở đây điều đó rất là dài chúng ta không có phân chia ra. Quán Tử Thi và Hài Cốt Bây giờ chúng ta đi đến một mục phần khác của thân trước khi bước sang thọ, phần này chúng ta nói niệm về tử thi và hài cốt. Có lẽ là qúi Phật tử nào hay đi đám tang hay có người thân mất thì qúi vị thấy rằng một con người sống và một con người chết có khác biệt với nhau lớn, nhất là đối với chúng ta về cảm giác một người thân của mình, như chúng tôi có đi đám tang một gia đình bà mẹ khi còn sống nằm trong bịnh viện thì con nắm tay nắm chân nhưng khi trút hơi thở rồi thành cái xác thì con dám đụng vào nữa. Con người của chúng ta cũng có cái lạ là con người bình thường thì mình thấy không có gì nhưng khi trở thành xác chết rồi thì mình sợ lắm. Một hành giả đủ sự tỉnh táo là phải có khả năng quán sát tử thi. Thì quán xác tử thi cũng giống như quán về thể trược hay quán tứ đại, là cần có một người có kinh nghiệm để làm như thế nào mà ghi nhận được hình ảnh đó và rồi đem hình ảnh đó vào trong đầu rồi dùng hình ảnh đó trở thành một đề mục niệm thường xuyên thì ở đây chúng ta có hai phần là niệm về tử thi và niệm về hài cốt. Niệm tử thi là niệm xác chết mới chết hay sình chương, nhưng niệm hài cốt là xác chết chỉ còn bộ xương mà thôi. Ở bên Mỹ hay ở vài quốc gia khác thì khó có xác chết để người ta quán. Ở Ấn Độ ngày nay vẫn còn những bãi tha ma là nơi có tường cao chung quanh ở xa mình nhìn thấy giống như vận động trường rồi những xác chết được cuốn lại và bỏ vào trong đó thì nó mục rã ra và kênh kênh quạ đến rỉa ăn, nơi đó gọi là bãi tha ma, Tây Tạng thì xác chết bỏ trên núi. Chúng tôi chưa thấy xứ nào khác ngoài Ấn Độ mà có bãi tha ma như vậy. Ở Thái Lan thì có rất nhiều Phật tử họ hiến xác cho chùa, thí dụ như trước khi chết họ để di chúc lại là tài sản thì xin được cúng để làm cốc cho người tu thiền còn xác của họ thì Chư Tăng có thể dùng xác để làm đề mục tu tập. Thì muốn làm như vậy chùa phải có đất rộng, thường thường mấy chùa như chùa Wat Pah tức là chùa rừng thì đất rộng có thể là cả trăm mẫu đất, họ lựa góc nào xa cốc xa chùa xa nhà cửa ở một chỗ xa vắng nhất thì họ đào một cái huyệt sâu khoản chừng 11 thước đem xác người đã hiến cúng để vào đó và khi để đó thì Ngài Cả họp Chư Tăng thông báo có xác ở ngoài đó như vậy Chư Tăng có thể ra đó quán tử thi, thì Ngài dạy là khi đến chỗ đó thì phải đứng ở trên gió chứ không đứng dưới gió và lúc nhìn thấy thì mình làm thế nào để không sợ hãi rồi khi mình đi thì thứ gì không nên mang theo thí dụ như dầu hay là mè v.v... đại khái Ngài có sự hướng dẫn rất là cụ thể cho một hành giả đến đó quán. Một người hành giả được quán sát thì vị hành giả sẽ quán sát sự thay đổi của cái xác đó, thí dụ cái xác mới chết rồi ngày sau nó sình nó chương lên, rồi rã ra, rồi nước ở trong chảy ra, rồi chim chóc đến ăn côn trùng đục khóet v.v. Quán tử thi là ấn tượng rất mạnh có thể nó là phương pháp trị rất tốt cho những người cái tâm họ hận thù ai quá, hay một người lỡ yêu ai qúa rồi họ thất tình, hay hoặc giả là một người họ bị cái gì rất nặng họ dính mắc tài sản thì những sự dính mắc đó ở trong lòng không gỡ ra được. Thì khi họ vào trong trường thiền hoặc họ đi xuất gia thì phương pháp quán tử thi thường là phương thuốc rất là diệu dụng, đặc biệt là diệu dụng với hành giả, cái ấn tượng về xác chết nó đập mạnh vào con mắt chúng ta, khi một người đến nhìn xác chết cái thân mình hồi còn sống nó oanh liệt như vậy nó đẹp đẽ như vậy bây giờ nó nằm xuống thì từ từ nó mục nát, giống như câu Phật Ngôn Đức Phật nói: - "Cái thân này khi thức lìa khỏi thân này thì thân này nằm trên mảnh đất như khúc gỗ vô dụng" Qúi vị nhìn thấy khúc gỗ mục nó vô dụng thì lúc đó chúng ta sẽ thấy cái thân này thay đổi thường xuyên và thay đổi từng chặp. Thí dụ hôm nay một ngày mình đến đó một lần khoảng chừng mươi năm phút đến để nhìn cái xác chết rồi đem hình ảnh xác chết đó vào trong lòng trở về cốc của mình bắt đầu niệm về xác chết ghi nhận những hiện tướng của xác chết. Dĩ nhiên là ngày đầu tiên có nhiều người sợ quá không ghi nhận được nhưng khi niệm quen rồi, không phải niệm một xác chết mà niệm nhiều xác chết rồi thì vị này có thể nhìn thấy màu sắc của xác chết một cách tinh tế, thí dụ như xác mới chết thì màu khác nhưng để lâu một chút thì màu xanh nó khác rồi màu bầm nó khác rồi nó sình chương lên màu khác. Nói chung lại là nhìn cái tướng ở bên ngoài, cái tướng đó là đem ra ứng dụng vào trong đầu của mình, ngày hôm sau trở lại mình xóa đi cái tướng đó để mình ghi nhận một hình tướng mới. Chúng tôi tạm nói như vầy là cái xác chết ngày đầu tiên nhìn thấy có thể cái màu nó khác với ngày hôm sau, ngày đầu tiên nó chưa sình chương nên nó khác với ngày hôm sau, và lấy cái ấn tượng mới để xóa cái ấn tượng cũ là một điều rất lợi cho hành giả phát triển chánh niệm. Khi hành giả muốn giữ hình ảnh trong đầu thì hành giả phải ghi nhận một số chi tiết về những màu sắc hay hình dạng sình trương nó khác với hình dạng mới chết, hình dạng mục nát chẳng hạn. Ở đây chúng tôi chỉ nói tổng quát tại vì không có mục đích giảng và hướng dẫn về cách tu quán về tử thi nhưng nói một cách tổng quát là nhìn một xác chết nó tạo cho chúng ta một xúc tác rất là mạnh mẽ. Nhìn một người bình thường đang nằm ngủ khác với đề mục xác chết. Và hành giả mà muốn quán niệm thì trước nhất là phải nắm được hình ảnh một cách rất là rõ ràng về đường nét về màu sắc của xác chết đó giữ vào trong đầu rồi đem trở về chỗ liêu cốc của mình để hành thiền để dùng cái thân đó liên hệ đến thân của mình như thế nào. Một câu trong kinh nói "Thân này là như vậy, tánh chất là như vậy, bản tánh như vậy không vượt khỏi tánh chất ấy", nghĩa là một lúc nào đó mình sẽ thấy rằng cái xác nằm ở trong tha ma mộ địa hay xác chết nằm chỗ đó với thân của mình sẽ hoàn toàn giống nhau, nó rất giống nhau, qúi vị thấy thường thường chúng ta rất thương cái thân của chúng ta, chúng ta rất là qúi cái xác thân của chúng ta, chúng ta nghĩ là nó đẹp nó thế này thế kia mà chúng ta vào trong nhà quàn trong tang nghi quán thấy xác chết có thể mình ghê rợn nhưng khi hành giả phát triển được chánh niệm sự quán niệm đầy đủ thì hành giả sẽ thấy rằng cái thân xác nằm ở trong quan tài đó và cái thân mình "tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy nó không vượt khỏi bản chất đó" cái thân của chúng ta làm gì đi nữa cũng không vượt khỏi tánh chất đó. Tánh chất là khi thức lìa khỏi thân này thì thân này nằm bất động vô dụng sình trương mục rã,. Chúng ta liên tưởng hai cái này với nhau thật ra có nhiều người rất sợ hãi với đề mục tử thi này nhưng nếu dùng đề mục tử thi này mạnh rồi thì nó là một phương pháp rất diệu dụng để chúng ta có thể nuôi dưỡng cái ấn tượng rất là sâu sắc. Thì thứ lớp ở đây từ một xác chết cho đến cái xác mục rữa rồi còn lại một bộ xương, nếu hành giả theo dõi từng giai đoạn một sự biến đổi sự tan hủy của cái xác đó liên tục thì hành giả cũng có thể nhờ vào cái xác tử thi đó tạo được khả năng chánh niệm tương đối là khá, miễn sao nó rõ ràng từng trong giai đoạn, miễn sao hành giả có thể mỗi ngày đến nhìn cái xác đó thấy rằng ngày hôm qua nó khác biệt với hôm nay và hình ảnh ngày hôm nay nó có thể xoá đi hình ảnh ngày hôm qua, thì điều đó là một phương cách để phát triển chánh niệm. Chúng tôi thưa như vầy là về những điều này dĩ nhiên là nó rất mạnh không phải ai cũng có thể niệm đề mục tử thi được nhưng trong đời sống của chúng ta thì có rất nhiều trường hợp nhìn xác chết, qúi Phật tử ở ngoài thì ít nhưng chúng tôi xuất gia nhất là sống bên Mỹ đi tụng kinh đám tang tẩn liệm thì nhìn thấy xác chết bình thường lắm, xác chết nằm trong quan tài mình đến tụng kinh lúc tẩn liệm thì nhìn xác chết, những dịp đó thay vì chúng ta sợ thay vì chúng ta cảm thấy không thoải mái thì chúng ta thử làm một việc là khi đi đám tang người ta cho nhìn mặt người chết lần cuối chúng ta đi đằng sau thân nhân đến đứng lẳng lặng ở đó nhìn vào xác đó và chúng ta nhớ câu Phật ngôn: "Thân này tánh chất là như vậy bản tánh là như vậy không vượt khỏi tánh chất ấy" Cái thân này là rồi mình củng không vượt khỏi điều đó, người ta đi trước mình đi sau, cái thân mình và thân người nằm trong quan tài giống y hệt về phương diện đó. Thì giây phút đó chúng ta suy nghĩ được như vậy, mình biết như vậy cũng lợi vô cùng, mình cứ làm như vậy mình sẽ thấy lợi vô cùng cho mình và đời sau mình có gặp Đức Phật thuyết pháp thì mình mau giác ngộ tại lý do mình có duyên lành với việc đó. Dĩ nhiên là nhiều người rất sợ xác chết nhưng mình thử, khi nào qúi vị thử làm điều đó lâu ngày qúi vị sẽ thấy rằng những lúc đi đám tang là những lúc có cơ hội để chúng ta phát triển chánh niệm. Chúng tôi nói lại là ở đây có một số điểm rất tế nhị mà cần một vị Thiền Sư có kinh nghiệm để hướng dẫn, không phải ai cũng quán tưởng được, lần đầu tiên nhìn xác chết thấy dễ sợ lắm. Chúng tôi nhớ cuối năm 1991 chúng tôi lên bịnh viện ở gần Bangkok để quan sát người ta giải phẩu xác chết cùng với Chư Tăng, ở trong phòng có 7 vị tăng mà có hai vị muốn buồn nôn và khi nhìn thấy hình ảnh đó rất là dễ sợ, mới lần đầu thì thấy sợ lắm. Nói chung là ở trong phương pháp thực hành Tứ Niệm Xứ là cho chúng ta một cơ hội để có thể nhìn lại thân của chúng ta như thế nào tâm của chúng ta như thế nào. Và đây là đề mục liên quan đến niệm thân thì chúng tôi xin nói đại khái liên quan về thân là như vậy và bây giờ thì xin được tạm ngưng ở tại đây./. Còn Tiếp Kỳ Sau - Quán Thọ |