dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay là một cố gắng để chúng ta nhìn Giáo Lý Duyên Khởi từ một góc cạnh khác. Chúng ta sẽ nghe nói về 44 loại trí liên quan đến sự lãnh hội Thập Nhị Nhân Duyên và qua 44 loại trí này. Có ba điều quan trọng: Bài kinh hôm nay tương đối là một bài kinh rất tế nhị và rất ít khi chúng ta có dịp nhìn Giáo Lý Duyên Khởi qua góc cạnh này. Trong bài học chúng ta có một bố cục tương đối là khúc chiết, có nhiều đoạn và về chi pháp thì hơi nhiều, nhưng thật ra cho dù chi pháp nhiều và bố cục có nhiều đoạn kết cấu với nhau nhưng chúng ta sẽ thấy rằng đây là một đề tài giúp soi sáng rất nhiều sự hiểu biết về Giáo Lý Duyên Khởi. Chúng tôi sẽ dùng một cách rất cổ điển để trình bày bài kinh này tức là đi vào từng đoạn, hi vọng với từng đoạn này sẽ giúp cho chúng ta có khái niệm về Giáo Lý Duyên Khởi. - Thứ nhất là vai trò của vô minh Đề tài của bài kinh này gọi là căn bản trí hay trí tuệ là nền tảng. Dĩ nhiên ở tại đây chúng ta hiểu đó là tuệ giác là trí tuệ giác ngộ hay là sự nhận thức cao nhất khi chúng ta đề cập đến sự hiểu biết về thế giới này. Ở đây Đức Thế Tôn Ngài đưa ra con số 44 thứ tuệ giác và một người học Phật có thể dễ dàng đặt ra một câu hỏi rằng tại sao chỉ có 44 thay vì 48. Khi chúng ta được nghe qua bài kinh này thì chúng ta thấy rằng mỗi một pháp, thí dụ như là sự nhận thức về sanh, sự lãnh hội về già chết, sự lãnh hội về thủ về hữu v.v..mỗi một chi pháp có bốn và có bốn tiết loại. Chúng ta hiểu được vấn đề, hiểu được nguyên nhân của vấn đề, hiểu được giải pháp và hiểu con đường dẫn đến giải pháp của vấn đề. Nhưng tại sao 12 nhân duyên, lẽ ra chúng tôi nhân cho bốn thì phải có 48 chứ tại sao ở đây chỉ có 44 mà thôi. Rất là dễ hiểu, bởi vì khi nói đến trí chúng ta không nói đến vô minh. Tại sao không nói đến vô minh? Đây là một mấu chốt quan trọng. Vô minh được Đức Thế Tôn định nghĩa là một sự mê mờ không hiểu biết về bốn phương diện: sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Nói một cách khác vô minh là sự mê mờ không nhận thức được thế nào là thực chất của vấn đề, và thế nào là nhân tạo ra vấn đề, và thế nào là sự diệt tận của vấn đề, và thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của vấn đề. Do vậy khi chúng ta nói đến bốn loại trí này. Bốn loại trí là, KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, thì tự nhiên chúng ta không nói đến "vô minh". Tại sao người ta không nói đến "vô minh"? Tại vì bốn thứ trí này sanh khởi thì "vô minh" diệt tận. Và nếu có một bài học nào cho chúng ta rõ hơn hết về "vô minh" và về "minh" thì bài học này cho chúng ta rất rõ về điều đó. Do vậy, bởi vì bốn khía cạnh nhận thức này đối với vạn pháp tự nó nó đã giải quyết mấu chốt của vấn đề "vô minh" nên ở đây không có thêm bốn chi pháp cho vô minh nữa mà chỉ đề cập đến 11 chi pháp. Cũng giống như quí Phật tử có hỏi chúng tôi là tại sao trong bài học về "duyên" chúng ta nói về 12 duyên khởi mà chúng ta chỉ nói về 11 tương quan. Mười một tương quan, thí dụ chúng ta nói là "sanh duyên cho lão tử" là một, hay "hữu duyên cho sanh" là một, thì chúng ta thấy rằng có 12 chi pháp nhưng có 11 gạch nối được đề cập định nghĩa, và định nghĩa về 11 gạch nối này thì chúng ta sẽ hiểu toàn bộ. Những con số đôi khi ở trong kinh điển chúng ta sẽ thấy rất là chính xác, nó không sai lạc, nhất là những vị nào học A Tỳ Đàm sẽ thấy điều này rất chính xác. Bởi vì bốn trí tuệ và hiểu bốn khía cạnh này tự nó đã xóa bỏ "vô minh", tự nó là "minh", do đó ở đây chúng ta không nói đến bốn thứ trí liên quan đến "vô minh" mà chúng ta chỉ nói đến bốn thứ trí liên quan đến 11 chi pháp khác đó là hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão và tử. Bây giờ chúng ta nói về căn bản trí ở đây được hiểu là tuệ giác và 44 loại trí ở đây dựa trên trí tuệ có khả năng lãnh hội được: hành cho đến duyên thức, danh sắc, lục nhập, xúc thọ v.v... cho đến lão tử, tổng cộng là 11 chi phần, mỗi chi phần như vậy có bốn loại trí liên hệ do đó chúng ta có con số 44. Đó là định nghĩa đầu tiên của Đức Phật. Qúi vị cứ đếm ở trong đó thì qúi vị thấy từ già chết rồi hành rồi ngưng ở tại đó và qúi vị đừng thắc mắc là tại sao không tính vô minh, là vì chúng tôi nói rằng đã hiểu bốn khía cạnh "KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO" thì chúng ta sẽ thấy rằng không cần thiết để nói đến vô minh nữa. Bây giờ chúng ta bước sang phần thứ hai của bố cục - Thứ hai là 12 duyên khởi được nhận thức và được đoạn diệt như thế nào. Đức Phật Ngài định nghĩa từng phần từng phần nhưng ở đây thì cách Đức Phật định nghĩa của 12 thứ giống nhau, do vậy ở trong bản kinh ghi lại thì ghi cái thứ nhất và cái cuối cùng, cái thứ nhất là già chết tức là lão tử, rồi cái cuối cùng là sanh. Hai phần đầu phần cuối thường là ghi rất đủ nhưng ở giữa thì chỉ viết ngắn gọn thôi. Ví dụ cũng có bốn sự lãnh hội, bốn sự hiểu biết của hữu thì hiểu biết thế nào là hữu, thế nào là nhân sanh hữu, thế nào là sự đoạn diệt của hữu, thế nào là con đường dẫn tới sự diệt tận của hữu, chẳng hạn. Thì qúi vị Phật tử sẽ thấy những đoạn này viết tương đối là ngắn Do vậy chúng tôi sẽ bắt đầu đoạn thứ hai, đó là: Mỗi chi phần đều nhìn qua bốn khía cạnh và ở đây thì đôi khi trái ngược với một số lời giảng của các vị giảng sư, đôi khi có một số các vị giảng, ví dụ như là có những cái mình không làm được gì hết mà chỉ đọc cho biết mà thôi chứ không làm gì hết, thí dụ như là danh sắc duyên cho lục nhập thì cái chuyện danh sắc duyên cho lục nhập là cái chuyện mình không thể đụng tới mình không thể làm gì hơn được. Nhưng quả thật thì Đức Phật Ngài có dạy về một loại trí tuệ, trí tuệ đó hiểu biết thế nào là danh sắc, thế nào là sự tập khởi của danh sắc, thế nào là sự đoạn diệt của danh sắc và thế nào là con đường dẫn đến sự đoạn diệt của danh sắc. Và 12 nhân duyên 12 duyên khởi mà Đức Phật dạy tại đây nó không phải chỉ đơn thuần là cái gì thuộc về máy móc. Chúng ta trở lại ở tại đây là, qua cái nhìn của chúng ta về "giáo lý duyên khởi" thì đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy một vài chi phần có tánh cách sinh động. Thí dụ như chúng ta nói về "thọ duyên cho ái", lúc chúng ta gặp chuyện gì mà cảm thọ của chúng ta, phản ứng của chúng ta, hoặc là khổ, lạc, ưu, hỉ, xả duyên cho ái thì lúc đó chúng ta mới tu được. Nếu ngoài những thứ đó ra thì chúng ta không có tu tập những khía cạnh khác. Nhưng phải nói ở tại đây là Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy rằng trí tuệ nhận thức và sự tu tập của chúng ta có thể đoạn diệt toàn bộ sự tập khởi của khổ chứ không phải là chỉ đơn giản là chỉ một hai chi phần. Điều này thì chúng ta sẽ trở lại để tìm hiểu thêm về đoạn này ở đoạn sau. Từ chi pháp nói về 44 loại trí này Đức Phật Ngài đề cập đến vai trò của Bát Chánh Đạo. Vai trò của Bát Chánh Đạo thì thông thường có rất nhiều sự hiểu của chúng ta cho rằng hễ chúng ta hiểu biết một chuyện gì chỉ có hiểu thôi chứ không có cần phải làm gì khác, chúng ta nghe nói là ngộ đạo hay là đắc đạo chẳng hạn, chỉ là ngộ mà thôi. Ở trên thực tế thì vấn đề tế nhị hơn nhiều khi chúng ta đọc Bát Chánh Đạo, Bát Chánh Đạo thì có tám chi phần: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Tám chi phần đó được chia làm ba: Thì cả ba Giới, Định, Tuệ hay Bát Chánh Đạo là phương pháp tu tập đủ để chúng ta hiểu, đủ để chúng ta nhận thức về hành trình cũng như phương pháp, ở đây nó đơn giản chỉ là hiểu biết cho có hiểu mà thôi. Chúng tôi lấy ví dụ là nhiều người ở trong chúng ta đôi khi ăn cơm nhìn thấy một chén cơm trắng, chén cơm trắng đối với chúng ta quá đơn giản quá bình thường, ngày nào cũng ăn cơm và chúng ta thấy không có chuyện gì quan trọng với chén cơm, nhưng nếu một người hiểu biết về dinh dưỡng cũng như phương cách nấu cơm hay hiểu biết về những điều liên hệ đến việc trồng lúa thì chúng ta sẽ hiểu nó là quá trình dài khi chúng ta có được một bát cơm trắng để trước mặt mà chúng ta có thể ăn một cách rất bình thường. Thì thí dụ đó cũng tương tự như khi chúng ta nói là chúng ta nhìn thấy trí tuệ hay tuệ giác sanh khởi, chúng ta nói giác ngộ giải thoát, ở đây giác ngộ đối với các pháp như là hành, thức, danh sắc, lục nhập v.v... thì người ta chỉ hiểu sự giác ngộ là giác ngộ thôi. Tuy nhiên Đức Phật Ngài dạy rằng sự giác ngộ đó có dụng công chứ không phải là không có công dụng, nó có phương pháp chứ không phải là không có phương pháp, nó có thứ lớp chứ không phải là không có thứ lớp. Và có thể khi chén cơm được bày ra chúng ta chỉ nhìn một cách đại loại chung chung như vậy mà chúng ta không có nhận xét rằng khi chén cơm đưa đến tay chúng ta đằng sau đó là một quá trình dài. Ở đây một lần nữa Đức Phật Ngài khẳng định Bát Chánh Đạo là con đường trung đạo, và Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến thoát khổ và giải thoát toàn bộ khổ uẩn. Do vậy ngày hôm nay khi người tu Phật thường thường nghĩ đến chuyện giải thoát hoặc giả là quá nặng vào sự cầu nguyện, sự gọi là cứu độ của Chư Phật Chư Bồ Tát. Hoặc giả là người ta quá đặt nặng về vấn đề đơn thuần là hiểu vấn đề là xong chuyện, nhưng hiểu vấn đề chỉ là một phần của câu chuyện. Thật ra thì trước khi hiểu vấn đề chúng ta phải trải qua rất nhiều công phu. Chúng tôi lấy thêm một thí dụ nữa đó là mình đi thi tức là mình vận dụng trí nhớ và kiến thức của chúng ta, nhưng để nhớ và để hiểu, hai chuyện đó để đem đi thì thì cái nhớ cái hiểu đó không phải là một sớm một chiều mà chúng ta có cái nhớ cái hiểu đó. Chúng ta đã học và hiểu rằng đi thi là chúng ta phải học bao nhiêu bài vở và chúng ta phải có trải qua một thời gian dài để học hỏi để nghe giảng để làm bài thì chúng ta mới có thể lúc vào thi mới có đủ trí nhớ và đủ hiểu, chứ nếu chỉ cần trí nhớ và hiểu thì nghe nó đơn thuần quá. Thì tuệ giác cũng vậy, không phải là thoắt nhiên đạt đạo và trong sự đạt đạo không cần tu tập gì hết, mà là đằng sau đó có Chánh Kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, được tu tập đầy đủ. 1. Già chết do duyên sanh Ở đây Đức Phật Ngài có định nghĩa rất rõ ràng. Khi chúng ta học Phật chúng ta nhớ rằng Đức Phật Ngài là một bậc giác ngộ, cách giảng pháp của Ngài trong sáng để chúng ta lãnh hội chứ Đức Phật Ngài không muốn đưa ra một cái gì mơ hồ, do đó khi Đức Phật Ngài nói cái gì thì nghĩa rất rõ. Thí dụ thế nào là già chết, cái gì thuộc về chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác, chúng ta nói về người về thú nói về Chư Thiên bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi, đây gọi là già. Chúng ta thấy những dấu hiệu rất dễ dàng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ gần tới thời kỳ lụi bại và các căn chín mùi, các căn chín mùi tức là không còn tươi trẻ nữa, mắt lòa tai điếc, mũi không còn tinh tế giống như hồi xưa nữa khi ngửi mùi v.v... thì cái đó chúng ta gọi là các căn chín mùi, thì cái đó gọi là già, rồi sau đó dẫn đến sự hoại diệt rồi chết. Định nghĩa già chết như vậy. Rồi khi hỏi cái gì làm cho già chết tập khởi là do sanh, do sanh nên có già chết. Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm gì thì tự cái chuyện mình tạo ra đã mang quyết định về tuổi thọ của nó: Cái xe chạy một trăm ngàn miles nếu quá một trăm ngàn miles thì nó trục trặc tại vì nó đã được chế ra như vậy. Cái loại trái cây đó mình trồng xuống thì ngay từ lúc mình trồng xuống nó đã cho biết là cây đó có thể hưởng được bao nhiêu năm thì gọi là cây lão, nó có quyết định ngay từ đầu. Và khi Đức Phật Ngài nói rằng già chết là do duyên sanh thì chúng ta phải hiểu rộng hơn, như câu nói của Ngài Āssajit nói với Ngài Xá Lợi Phất: "Chư pháp tùng duyên sinh, Diệc phục tùng duyên diệt" - Pháp do duyên mà sanh cũng do duyên mà diệt. Bây giờ chúng ta nói một cách cụ thể hơn là ngọn nến cháy là nhờ sáp, do sáp thì ngọn nến mới cháy nhưng khi nó tắt đi cũng là do sáp hết, chúng ta gọi là có duyên mà sanh, không duyên thì diệt, tức là cái gì nó là mấu chốt khởi đầu thì là mấu chốt của đoạn diệt. Bây giờ chúng ta cứ nói một thí dụ trong đời sống này sự sanh diệt tập khởi và sự hoại diệt là mình vui do người ta khen mình nhưng mình cũng hiểu là khi người ta không khen mình nữa thì mình không vui, đôi khi chúng ta nói niềm vui chợt tắt hay niềm vui chợt bay. Nói một cách khác là một người bạn đến nhà, sự xuất hiện của người bạn mang cho mình niềm vui thì người có trí cũng hiểu rằng người càng mang đến cho chúng ta niềm vui chừng nào thì sự ra đi của người đó sẽ mang đi tất cả niềm vui của chúng ta. Tại vì sao vậy, cái vui của người đó là do người đó có mặt và người đó phải có mặt hoài hễ người đó biến mất thì họ lấy đi niềm vui của chúng ta. Tất cả mọi thứ trong đời sống khi nó đến với chúng ta nó đều mang tánh cách là bắt đầu nhưng trong sự bắt đầu đó thì nó cũng mang yếu tố chấm dứt. Chúng ta chưa quen để nhìn thấy hiện tượng sanh diệt trong đời sống, nếu chúng ta quen với điều đó thì chúng ta thấm thía câu nói: "Các pháp do duyên sanh mà cũng do duyên mà diệt, chư pháp tùng duyên sanh, Diệc phục tùng nhân duyên diệt." Ngọn lửa cháy nhờ củi hết củi thì lửa phải tắt, chứ không phải nói ngọn lửa cháy nhờ củi rồi khi hết củi thì nó phải nhờ cái khác, ngọn lửa đến nhờ củi thì do hết củi lửa phải tắt. Đời sống của chúng ta như vậy, nó có trùng trùng muôn ngàn thứ khởi sanh ở đời, trong sự khởi sanh đó nó đều có lý do có nhân duyên để bắt đầu và cái duyên để bắt đầu đó cũng là cái duyên để kết thúc . "Chư Pháp tùng duyên sanh, Diệc phục tùng duyên diệt" Câu nói đó chúng ta cần nhớ là pháp do duyên mà sanh thì cũng do duyên mà diệt. Thì ở đây Đức Phật đặt câu hỏi rằng; cái gì duyên của già của chết? Ngài không nói mình già là tại mình bị lão hoá, mình có phước hay mình vô phước, hay hoặc giả mình bị già là không chịu gìn giữ, v.v.. và v.v... mình có thể nói nhiều cách, nhưng Đức Phật Ngài khẳng định một điều là: "Cái già cái chết đến từ cái sanh, yếu tố sanh là yếu tố quyết định của nó." Cái gì có bắt đầu cũng có quyết định, nên nếu chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những hiện tượng đều có đầu mối và khi Đức Phật Ngài nói rằng hiểu được đầu mối đó thì chúng ta sẽ nhận thức được con đường dẫn đến sự diệt đầu mối đó, cái diệt khổ đó là vậy, giải quyết ngay đầu mối đó mà ra. Chúng tôi sẽ nói thêm về điểm này sau khi nói về điều Đức Phật dạy ở đây là - " Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy. Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai." Đoạn này là đoạn rất ý vị. Khi một người thấy biết được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập hướng thái độ của mình đối với quá khứ và tương lai. Con người của chúng ta có những nhận thức sai về quá khứ và có những nhận thức sai về tương lai. Lấy ví dụ, chúng tôi quen biết nhiều Phật tử trong lúc họ đang đi hành hương hay đang đi du lịch họ không cảm thấy vui, khi họ về nhà thì họ mới thấy là vui, họ cho rằng thời vui nhất là đi chuyến đó về sau này không có chuyến nào vui bằng, đó là do họ nghĩ về quá khứ, đôi khi họ còn chau chuốc còn vẽ vời thêm trong tâm tư của họ để làm cho quá khứ đẹp. Hay là chúng ta mơ ước về tương lai, ở trong tương lai mình có được việc làm như vậy, mình được sống chung với người như vậy, hay đi chơi như vậy thì quả thật là tuyệt vời. Ở trên thực tế thì quá khứ, hiện tại và tương lai không khác nhau, quá khứ tức là cái hiện tại đã qua, cái hiện tại bây giờ là nó sẽ trôi qua đi và ở trong tương lai là cái chưa đến và cái tương lai đó cũng sẽ trở thành hiện tại rồi hiện tại cũng sẽ trở thành quá khứ. Ngày hôm nay chúng ta ngồi trước máy điện toán để vô paltalk nghe giảng, có Chư Tăng giảng trong một đạo tràng giản dị không bị tuế toái qúi vị cảm thấy bình thường, nhưng có thể mươi năm sau khi nhìn lại những tháng ngày. Chúng tôi lấy ví dụ, có lẽ mươi năm sau khi chúng tôi lên 60 tuổi rồi nhìn lại ĐĐ Tuệ Quyền, ĐĐ Pháp Tín có thời nào đó sinh hoạt chung rất vui, bây giờ mỗi người có phận sự riêng bận rộn việc này việc kia không vui như thời paltalk mình làm việc chung với nhau chẳng hạn. Thì chúng ta thường có ảo giác về quá khứ nó hơn hiện tại hay hơn tương lai hơn thế này thế khác, nhưng một khi vị đó nhận thức được pháp thì không còn ảo giác nữa, thái độ của vị đó đối với quá khứ, đối với tương lai, thì các vị thấy đồng thể tính. Thật ra thì quá khứ đã từng là hiện tại và đã từng là tương lai, rồi hiện tại sẽ trở thành quá khứ, rồi hiện tại đã là tương lai, rồi tương lai sẽ trở thành hiện tại, rồi tương lai cũng sẽ trở thành quá khứ. Tất cả chỉ là mấu chốt của thời gian và chúng ta tiếp tục đi tới, thời gian tiếp tục trôi qua không dừng lại, và vị này sẽ xóa đi ảo giác của mình nếu vị này hiểu được sự sanh là cái nhân của già và chết. Các pháp do duyên mà sanh cũng do duyên mà diệt thì nó không có gì khác biệt ở trong quá khứ hiện tại và vị lai. Ở đây Đức Phật Ngài nói rằng: - "Những Samon Balamon nào trong quá khứ đã hiểu rõ già chết, hiểu rõ già chết tập khởi, đã hiểu rõ già chết diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả các vị ấy đều hiểu biết như vậy, như hiện nay ta cũng vậy". Có nghĩa là Đức Phật khi giảng bài kinh này thì Ngài xác định rằng ở trong quá khứ Ngài đã hiểu chuyện đó và khi Ngài đã hiểu chuyện đó thì tất cả mọi người hiểu chuyện đó thì đều hiểu biết giống nhau. Nếu các vị đã thắp sáng tuệ giác thì không có gì khác biệt trong sự hiểu biết. Ở đây thì phải nói rằng đó là sự hiểu biết của Chư Phật và những đệ tử giác ngộ của Đức Phật thì đều giống nhau không mảy may sai khác, không phải Đức Phật Vipásyn nói rằng già chết là do duyên khác chứ không phải do duyên sanh. Khi nói "lão duyên cho sanh" thì tất cả những vị đó đều hiểu giống nhau, chẳng những hiểu giống nhau như vậy mà quá khứ hiện tại tương lai cũng giống nhau không mảy may sai khác. - "Những Samon nào Balamon nào hiểu rõ già chết, hiểu rõ già chết tập khởi, hiểu rõ già chết diệt sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy như hiện nay ta vậy". Tức là những vị giác ngộ ở trong quá khứ ở trong tương lai thì cũng giống như Đức Phật hiểu không mảy may sai khác, đây là tùy trí của vị ấy. Mình hiểu một điều nhưng chẳng những mình hiểu một điều mà mình còn nhận thức ra một điều là tánh cách nhất thể của quá khứ, hiện tại, vị lai của mình và người khác, hễ làm cái đó thì chỉ có cách đó mới làm mà thôi. Chúng tôi lấy ví dụ như là một người biết nấu chè là nếu nấu nước đường trước bỏ đậu sau thì đậu không bao giờ mềm. Thì cho dù rằng ai nấu thì cũng phải theo cách đó, nó là chân lý bình thường. Phải nấu đậu cho mềm trước rồi mới cho đường sau, chứ không phải là nấu nước đường trước hay là đậu chưa mềm mà bỏ đường. Một vị không phân vân về quá khứ, không phân vân về tương lai chúng ta gọi là cái nhìn xuyên xúc, cái nhìn xuyên xúc của quá khứ, hiện tại, vị lai là bởi vì hiểu thực chất của vấn đề. Như chúng ta viết một bài văn thì đôi khi bất hủ, nhưng mai hậu có người sẽ viết bài văn tốt hơn tại vì văn chương là tùy thời nó thay đổi. Nhưng những định luật phát minh nó là như thật thì không thay đổi theo thời gian, nó vượt ra ngoài thời gian. Cái "hiểu biết" ở đây bản dịch là "tùy trí", hiểu biết được vấn đề gọi là "pháp trí" mà hiểu biết được tánh chất không có thay đổi, quá khứ thế nào hiện tại thế đó, hiện tại thế nào tương lai thế đó, và sự giác ngộ chân thực của cá nhân của mình và sự giác ngộ của tất cả những người đi theo con đường giác ngộ đều giống nhau. Cái nhất thể giống nhau đó chúng ta gọi là "tùy trí", tại vì chúng ta hiểu pháp như chân như thật. Câu tiếp theo cách diễn tả lời văn rất đẹp trong kinh và chúng tôi nghĩ rằng bản dịch này cũng rất đẹp: - "Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử." - Đạt tri kiến có nghĩa là giác ngộ viên mãn (dithisampanno) - là vị Thánh minh đạt tuệ đã đứng gõ vào cửa bất tử. Chúng ta đi tìm một người quen hay là tìm một mấu chốt của vấn đề đến cuối cùng rồi chúng ta đến một nơi nào đó, đi đến đích, là nơi mà chúng ta cần tìm bây giờ chỉ cần gõ cửa để mở cửa ra thôi. Lời văn đó rất là đẹp "đã đứng gõ vào cửa bất tử", đứng trước cửa bất tử và gõ vào cửa bất tử. Dĩ nhiên chúng ta biết rằng trong nhà có người mình gõ cửa thì họ mở ra. Thì tiếng gõ cửa bất tử là người nào đó đã đạt đến mức độ gọi là đối diện được với cứu cánh giải thoát gọi là "đã đứng gõ vào cửa bất tử." Trong đoạn đầu của bài kinh chỉ riêng một chi phần "sanh" thôi thì Đức Phật định nghĩa chi phần "sanh" và định nghĩa được là thế nào là "nhân của sanh" hay là chi phần đầu chúng ta nói "lão tử già chết, thế nào là nhân sanh già chết, thế nào là sự đoạn diệt của già chết và thế nào là con đường dẫn đến đoạn diệt già chết". Do nhận thức này Đức Phật Ngài nói đến hai loại trí là pháp trí và tùy trí. Sau khi Đức Phật định nghĩa hai pháp trí và tùy trí rồi thì Đức Phật Ngài dạy rằng người nào mà hai loại trí đó được thanh tịnh được thuần tịnh thì vị đó "đạt đến diệu pháp gọi là đã thấy được diệu pháp đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu là bậc thánh minh đạt tuệ đã đến gõ vào cửa bất tử." Lời văn rất đẹp cái ý tưởng cho chúng ta hiểu được thế nào là một vị giác ngộ giải thoát. Thông thường khi chúng ta mô tả chữ giác ngộ chúng ta mô tả rất nghèo nàn nhưng đây là đoạn văn khi nói về sự giác ngộ được mô tả rất tường tận. Thì chúng tôi có nói với quí vị ban đầu là 12 nhân duyên ở đây thì chúng ta không kể vô minh tại vì chúng ta đang nói bốn thứ trí KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, thì bốn thứ trí tự nó là minh, do đó khi nói về sự giải thoát thì vị nào học A Tỳ Đàm sẽ hiểu rõ tại sao 12 pháp mỗi pháp có bốn chi mà ở đây chúng ta chỉ nói 44 chi thôi. Và rồi Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy rằng một người mà thấu triệt là hiểu một cách xuyên suốt thì phải hiểu qua bốn khía cạnh. Như khi chúng ta nói một vị hiểu vấn đề mà chỉ thấy được vấn đề thì chưa thấy được, thấy được vấn đề phải thấy cái nhân sanh của vấn đề, thấy cái giải pháp, và cái phương thức để dẫn đến giải pháp đó, thì hiểu như vậy mới là hiểu một cách rốt ráo, trong đạo Phật dùng chữ rốt ráo thay vì chúng ta dùng chữ thấu triệt ở bên ngoài, chữ rốt ráo ở đây là hiểu một cách trọn vẹn hiểu một cách đầy đủ, hiểu cả bốn vấn đề. 2. Sanh là do duyên hữu. Nói đúng theo nghĩa trong kinh Phật gọi là sanh hữu là do nghiệp hữu, nói nôm na theo ở ngoài đời là tạo tác thì có thành phẩm. Tạo tác là chúng ta làm cái này làm cái kia thì tự nhiên sẽ có kết quả như thế này như thế khác. Tất cả sự phát sanh trong cuộc đời đặc biệt sự phát sanh của chúng sinh dầu là khởi đầu một kiếp sống, hay là một sự sinh khởi của cái gì đó, hay bất cứ sự sanh khởi của cái gì đó đều là do sự vận hành của các pháp, và đặc biệt là nói đến sự tập khởi sự sanh ra của một chúng sanh hay là một hiện tượng liên quan đến đời sống của mình thì đều là do hành động, hành động đó chúng ta gọi là nghiệp hữu, và sự sản sinh ra chúng ta gọi là sanh hữu, thì cái sanh hữu đó quyết định bởi nghiệp hữu. Chúng ta đã được nghe chư vị giảng sư giảng rồi, thật ra thì chúng ta không có nhiều thì giờ để đi hết từng chi pháp, chúng tôi chỉ nhắc một điều là khi Đức Phật Ngài dạy thì Ngài cho chúng ta biết rằng cái pháp đó bản chất nó là như vậy, nhưng mà không phải tự nhiên, không phải là ngẫu nhiên mà nó hình thành mà do chính một nhân mà nhân sanh đó phải được nói rõ rằng; già chết là do duyên sanh, sanh là do duyên hữu. Hữu ở đây là nghiệp hữu, và sanh gọi là sanh hữu. 3. Hữu do duyên thủ Hữu là do duyên thủ. Nói một cách khác là cái gì được thể hiện bằng hành động thì ý muốn phải đủ mạnh, ý muốn gọi là ái, mà ý muốn đủ mạnh thì chúng ta gọi là thủ, cái gì cũng vậy hết khi mình làm cái gì mà mình làm ơ hờ, ý muốn mà chỉ là muốn thôi thì khó thành tựu, đa phần những gì thành tựu thì ý phải đủ mạnh. Chúng tôi có một chuyện rất ít khi được cảm thông. Buổi sáng sớm thức dạy để chuẩn bị cho chương trình sinh hoạt hàng ngày thì thật sự cần có sự lắng đọng tinh thần, tại vì nếu không có sự lắng đọng về tinh thần thì chúng tôi làm việc không được tốt. Nhưng có cái oái oăm là thường có một số người hay thích buổi sáng sớm vô để hỏi chúng tôi việc này việc kia, họ nghĩ giờ đó chúng tôi mới thức dạy thì dễ để hỏi, thật ra chúng tôi rất sẵn lòng để trả lời hay sẵn lòng để có thể nói chuyện nhưng quả thật chúng tôi rất cảm ơn nếu buổi sáng sớm vào rơom mà được yên tịnh để tập trung làm việc. Những giờ phút bắt đầu được lắng đọng, những giây phút bắt đầu được tốt thì điều đó đủ điều kiện để làm chương trình tốt hơn. Thật ra phải nói là chúng tôi không có phiền hà khi sáng sớm thức dạy để làm việc với qúi vị Phật tử nhưng chúng tôi rất cảm ơn nếu chúng tôi được những giờ phút đầu đi vào chỉ tập trú một điều chỉ để dồn hết tinh thần cho đề tài sinh hoạt thì chúng tôi sẽ mang lại lợi lạc cho nhiều người. Ý chúng tôi muốn dùng thí dụ này để nói một điểm là mình cũng làm chuyện gì đó nhưng sự gắn bó và sự tập trú sự lắng đọng khiến cho điều đó được đủ mạnh đủ tốt. Thành ra yếu tố Đức Phật nói là hữu, hữu là do duyên thủ, là ý muốn phải đủ mạnh, ái là ý muốn nhưng ý muốn đủ mạnh thì mới tạo ra hành động, chúng ta nên nhớ ở trong đời có những tương duyên như vậy. Chữ ái ở đây dĩ nhiên là yêu thích hay là ưa thích hay là thích thú, cái thích thú khiến cho chúng ta đi vào sự gắng bó. Chúng ta nên hiểu ở đây là nói về lý duyên khởi chúng ta phải nói cái chuyện rất là đặc biệt, ái là sự dính mắc hay bám víu vào sự luân hồi. Thí dụ như chúng tôi lấy một đơn giản là quí Phật tử là người thích sống đời sống thành thị, ở thành thị thì có đông người có nhiều sinh hoạt đa dạng phong phú thì thật ra qúi vị khó sống ở trong rừng tại vì qúi vị ưa thích cuộc sống ở thị thành, hoặc giả là có những người ưa thích sống ở vùng biển miền duyên hải thì họ khó ưa thích sống ở trong vùng đất mà hoàn toàn không có biển. Nói tóm lại là khuynh hướng ban đầu là ái tạo ra khuynh hướng và khuynh hướng đó đủ mạnh thì khiến cho chúng ta làm tất cả những gì mà chúng ta có để đi theo khuynh hướng đó. Cái ái không đơn giản chỉ là chữ thích mà thôi nhưng ái cho thấy một điều là việc đó làm cho tâm tư mình cảm thấy thoả mãn mình thích thú mình hướng theo và cái gọi là ái thì thật sự nó đến từ cảm xúc ở trong đời sống của chúng ta gọi là thọ duyên cho ái. 4. Thủ duyên cho ái Thủ duyên cho ái là thế nào. Qúi vị cứ để ý những người bạn, có những người chúng ta không ngờ được là mình cảm thấy thích dần họ, thích nói chuyện với họ, có những người khác đáng lẽ chúng ta phải nói chuyện nhiều nhưng chúng ta không nói chuyện nhiều. Vấn đề nằm ở cảm giác, ở cảm thọ. Chúng tôi nhớ có một vị Thầy làm việc chung với chúng tôi, vị đó có phiền hà anh em, phiền hà những người đồng sự là một năm 12 tháng không thấy điện thoại cho Thầy, dĩ nhiên là ai cũng có quyền phiền hà hết, tất cả chúng ta đều có quyền phiền hà, nhưng chúng tôi hiểu một điều rằng có những người tự họ họ đã không thoải mái, ai nói chuyện với họ thì cũng không thoải mái thì do không thoải mái đó nên người ta không muốn nói chuyện, nếu người ta nói chuyện với mình mà cảm giác sung sướng thì mình không nói họ cũng nói nữa, còn nếu người ta nói chuyện với mình mà cảm giác họ cảm thấy không thoải mái thì cho dù mình có kêu gào hay mình trách móc hay mình đòi hỏi đi nữa thì người ta cũng không muốn. Tại vì sao vậy. Tại vì cái yếu tính ở đây là thủ duyên ái là cái cảm xúc hoặc vui hoặc buồn khổ lạc nó dẫn đến một khuynh hướng, chúng ta đừng coi thường những cái thích và cái không thích trong đời sống chúng ta, chúng ta đừng coi thường cảm giác. 5. Ái duyên cho thọ Chúng tôi nhớ là nhiều năm về trước khi mới vào trong internet thì có một web site người ta rất thường vào đó là Yahoo, về sau này thì có một web site khác ra đời cũng là search engines tên là Google, và rất là nhiều người họ bỏ Yahoo sang Google. Tại vì sao. Và cho đến giờ này thì Yahoo họ cũng chưa học được bài học, đó là khi chúng ta mới vào Google thì chúng ta có cảm giác rất là giản dị nó chỉ có một chỗ để tìm kiếm và trang trống trải và phần lớn cái gì cần thiết như tin tức hình ảnh hay shopping v.v... nó nằm ở phía trên, thì từ chỗ giản dị đó làm cho người ta không bị tối mắt. Yahoo thì họ muốn làm một trang với rất nhiều thứ nào là quảng cáo rồi tin tức xa gần, chúng tôi phải nói rằng một lần mà vào Yahoo chúng tôi cảm tưởng giống như vào cửa hàng xén, mà vào hàng xén thì thật ra mình không thoải mái. Ngày nay người ta nói rất nhiều về cảm giác, các cửa hàng trưng bày phải có nghệ thuật, nghệ thuật là làm thế nào người ta vào coi người ta có cảm giác, và nếu là tiệm hàng xén thì nó ngổn ngang và khi ngổn ngang vào trong đó thì thật sự có đôi lúc mình muốn mua mà mình cũng không mua nữa. Cách trình bày rất là quan trọng. Thành ra chúng ta hiểu một điều rằng thọ thì duyên cho ái, thọ tức là cảm giác hay cảm xúc của chúng ta, nó duyên ái tức là nó tạo cho chúng ta một khuynh hướng, khuynh hướng đến từ cảm thọ, thế giới này quả thật người ta đặt nặng rất nhiều về nghệ thuật quảng cáo về nghệ thuật chưng bày. Ở Thụy Sĩ một người bán hàng để biết cách trưng bày ở trong tiệm cũng phải được đào tạo chứ không phải là vào làm thì người trước chỉ cho người sau, người chưng bày phải biết chưng bày thế nào để bắt mắt, cũng một cái bình mà để chỗ này nó khác với để chỗ kia, nếu không chưng bày khéo mà để ngổn ngang thì người ta không muốn mua, thành ra phải coi chừng cảm giác của mình. Ngày hôm nay các ngôi chùa nhiều khi quá chú trọng về vấn đề cúng kiếng, Phật tử đi chùa mà nói cúng kiếng thì họ thích nhưng ngược lại thì do chúng ta cúng kiếng nhiều quá những người trẻ đi chùa họ cũng thấy mệt. Có những người họ tâm sự với chúng tôi rằng mỗi buổi lễ mà qùy lên quỳ xuống cúng kiếng nhiều quá họ cảm thấy Đạo Phật không có giống như Đạo Phật mà họ nghĩ, Đạo Phật là cái gì rườm ra. Chúng tôi không phủ nhận hết giá trị của cúng kiếng, cúng kiếng hấp dẫn rất nhiều người nhưng người ta làm quá chuyện đó thì cũng ảnh hưởng đến một số người khác, họ cần thứ Đạo Phật cho họ cái cảm giác khác hơn, cái cảm giác khác thì rất quan trọng. 6 Thọ do duyên xúc Nên chi khi chúng ta nói cảm giác tạo ra khuynh hướng thì chúng ta nói đến thọ duyên cho ái, rồi thọ đến từ đâu, rồi xúc duyên cho thọ tức là chúng ta nói đến sự gặp gỡ giữa căn cảnh và thức. Hay nói một cách khác là sự nhận thức đối với sáu cảnh làm cho chúng ta dẫn đến sự tiếp xúc đối với các cảnh, dẫn chúng ta đến cảm thọ. Về điểm này nó là sự tương tác qua lại giữa các hiện tượng tâm lý, cảm xúc cho chúng ta khuynh hướng, nhưng trước khi có cảm xúc thì chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là người tương tác với cảnh giới mà chúng ta tiếp xúc. Hay nói một cách khác là quí Phật tử quen đi chùa, cảnh giới của chùa sẽ tạo cho qúi vị có cảm giác quen hay lạ. Nhiều người ít đi chùa nhưng lâu lâu họ đi thắp nhang rồi về họ cảm thấy cái chùa đó lạ. Đó là cảm giác hồi nhỏ của chúng tôi khi đi những chùa này chùa kia, chúng tôi nhớ rằng ở Việt Nam thì có những ngôi chùa hầu như đóng cửa im ỉm quanh năm mà vô trong chánh điện thì rất là tối, cái chùa thì nhìn thấy có cái gì đặc biệt rất là mơ hồ huyền ảo kỳ bí nhưng mà rồi cái cảnh đó lâu ngày nó cho chúng ta cả một cái cảm xúc. Vì vậy người xưa họ nói "người quân tử ba ngày không đọc sách thì xem gương thấy mặt mình xấu xí", là bởi vì sao vậy, nếu như nhiều ngày mà chúng ta không có tự đặt mình vào trong những cảnh giới cao thượng tốt đẹp tinh khiết thì tâm của chúng ta bị cùn lụt đi xuống. Khi chúng ta nói xúc duyên cho thọ thì phải hiểu rằng chữ xúc ở đây là sự tiếp xúc giữa tâm với trần cảnh, và thọ ở đây cho chúng ta cảm giác khổ, lạc, ưu, bi, hỉ, xả, mà cái xúc làm chủ cái thọ. Một người nào hiểu rõ chuyện này thì không đặt để mình vào trong những môi trường không đáng. Ví dụ như chúng ta coi phim bạo động nhiều quá thì tâm tư của chúng ta cũng bạo động, chúng ta thích đọc chuyện chiến tranh thì tâm của chúng ta cũng thích chiến tranh. Chúng tôi có một vị Thầy bạn có tính là nghĩ rằng mình nên theo dõi tin tức và luôn luôn theo dõi những email các diễn đàn họ gửi họ chửi qua chửi lại, thì chúng tôi phải nhìn nhận một điều rằng ban đầu thì vị đó chỉ đọc email cho biết thôi nhưng đọc lâu ngày thì vị đó lại bị ảnh hưởng bị tiêm nhiễm những điều đó, nghĩa là tâm tư của vị đó cũng bị nặng về chuyện thị phi. Tại vì sao vậy. Chúng tôi phải nói rằng ở trên internet cái chuyện chửi qua chửi lại mang tánh cách đôi khi bẩn thỉu, nó đủ thứ phức tạp ở trên đó, ngay cả một người có bản lãnh lắm mà lặn hụp ở trong đó lâu ngày cũng bị ảnh hưởng, "ở xóm chài tanh cá ở làng nhang thơm trầm" nó tự nhiên như vậy thôi. Thành ra khi chúng ta nói xúc duyên cho thọ thì chúng ta nên hiểu một chuyện như vầy là tất cả những cảm giác của chúng ta đến phần lớn là do sự tiếp xúc với trần cảnh, mình tiếp xúc với cảnh nhẹ nhàng thanh thoát, khi mình gần với thiên nhiên thì tâm con người khác đi, mình sống trong thành thị chật hẹp nhiều thì nó khác đi, chuyện đó mình hoàn toàn không tránh khỏi. 7. Xúc do duyên lục nhập Bây giờ chúng ta nói đến cái nhân duyên trước đó nữa đó là lục nhập duyên cho xúc. Lục nhập duyên cho xúc tức là có các căn thì có sự tiếp xúc với các cảnh trần, và nhiều lúc chúng ta cũng nên hiểu là yếu tố không chỉ nằm ở các cảnh mà yếu tố còn tùy thuộc vào các giác quan của chúng ta. Thí dụ như một người mà cái mũi đã quen mùi thuốc lá thì ghiền thuốc lá, do cái mũi ghiền thuốc lá như vậy thì thường họ hướng đến những môi trường có mùi thuốc lá để hưởng thụ thuốc lá. Người thích thức ăn Thái Lan thì thường họ hay tìm đến môi trường có thức ăn Thái Lan. Tại vì đời sống của chúng ta là để thỏa mãn mắt tai mũi lưỡi thân thì chuyện đó là chuyện rất bình thường. Có các căn thì nó có nhu cầu của các căn. Ví dụ như chúng ta coi phim hay đọc truyện, những người không có võ thì không có gì nhưng những người có võ thì có khuynh hướng là tạo ra những cuộc giải quyết hay tranh chấp bằng tay chân bằng võ, hay là những người có khuynh hướng ưa thích về bông hoa thì tự nhiên nó sẽ dẫn họ đến cái môi trường tương tự như vậy. Ở đây chúng ta nói đến lục nhập tức là sáu xứ, chúng ta nói đến các giác quan, từ chỗ có các giác quan đó chúng ta có nhu cầu của giác quan, và cái nhu cầu của giác quan là được tiếp xúc với các cảnh. Nếu chúng ta không có cái đó hay là chúng ta có một cách rất là nhẹ nhàng thì nó trở nên nhẹ nhàng. Do đó khi chúng ta nói đến bệnh ghiền, chúng ta ghiền cái gì đó thì cái ghiền đó nó không còn là vấn đề của ngoại cảnh nữa mà cái ghiền đó nó là vấn đề của các căn. Chúng ta ghiền thuốc lá chẳng hạn là vấn đề để thoả mãn cái mũi, chúng ta thích một thức ăn nào đó là để thoả mãn cái lưỡi. Khi nào qúi vị ăn cơm mà quen ăn ớt ăn chua rồi mà không có ớt không có chua thì chúng ta ăn không ngon. Thì chúng ta thấy rõ ràng rằng các giác quan đó có cái quyết định, các căn có quyết định đặc biệt quan trọng. 8. Lục nhập do duyên danh sắc Rồi lục nhập là do danh sắc. Chúng tôi lấy ví dụ với quí vị là, đối với con chó đực thì con chó cái rất là đẹp nhưng con chó đực đó đối với các loài khác thì lại không, tại vì cái chủng loại như vậy cái danh sắc như vậy. Thí dụ như cuộc sống của con người, như người sanh ra danh sắc của người nam thì không có tha thiết gì đến mỹ phẩm phấn son những đồ trang sức, mà sanh ra với danh sắc người nữ thì lại tha thiết những thứ đó. Hay là người ta nói người nam thường ưa chuộng máy móc nhiều hơn. Cái danh sắc của mỗi chúng sanh nó bị chi phối bởi những điều này. Và dĩ nhiên là cái danh sắc nó còn có nhiều ý nghĩa khác nhưng chúng ta phải nói rằng cái danh sắc chi phối các căn rất là nặng. 9. Danh sắc do duyên thức Thức duyên cho danh sắc, bài học này cũng là bài học rất tế nhị. Sáu thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý cũng tính là thức. Trong một đoạn kinh khác thì Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta biết thức là khởi đầu của kiếp sống. ví dụ như kiếp sanh thức chẳng hạn. Cả hai đều được hiểu, thì hiểu cách nào đi nữa thì chúng ta hiểu thức có một cái ý ở trong sự tác động toàn bộ của cuộc sống và cái thức đó thì nó tạo ra bởi hành. Vì vậy khi người Phật tử học kinh Phật hiểu chữ thân tâm thì chúng ta sẽ thấy một điều là vai trò của tâm thức đặc biệt là quan trọng ở trong cái động lực mà nó tác động những nguyên nhân giây truyền đằng sau đó. Khi chúng ta lớn tuổi thì chúng ta mới thấm thía câu nói "Lãnh đạo thì nằm ở cá tính". Thí dụ như là một người lãnh đạo thì họ phải có tánh là bao dung tha thứ, phải biết đặt quyền lợi của tổ chức trên quyền lợi cá nhân, hay đôi khi họ không đặt nặng tự ái cá nhân mà họ biết dùng người, cái đó là cá tính. Ví dụ như một người lãnh đạo giỏi thì cần ở dưới chướng của họ có những người rất giỏi nhưng lại rất là chính. Người có tài thì lại có tật, thì người lãnh đạo giỏi là người biết nhẫn nại với điều đó, nếu không biết nhẫn nại với điều đó thì không làm lãnh đạo được. Còn nếu muốn tất cả mọi người đều tùy thuận mình, mình muốn tất cả mọi người đều phải nghe theo mình, thì thường thường những người làm việc dưới chướng không giỏi. Chúng tôi phải nói thẳng là cái người giỏi thường thường họ có nhiều tật mà người lãnh đạo giỏi là phải biết chấp nhận cái tật đó, nếu chuyện gì cũng buồn cũng phiền thì không thể làm lãnh đạo được. Thành ra người ta nói lãnh đạo nằm ở cá tánh, có cá tánh thì mới trở thành người lãnh đạo được. Thì chúng tôi lấy thí dụ này để giảng ý nghĩa đó là cái tâm thức của chúng ta đóng một vai trò quan trọng, khi chúng ta lớn tuổi rồi thì chúng ta hiểu điều đó. 10. Thức do duyên hành Qúi vị Phật tử bây giờ trải qua một chặng đường dài cuộc đời mình chúng ta nhìn lại thì những chuyện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta có nhiều thứ nhưng tâm thức của chúng ta vẫn là một yếu tố quan trọng nhất. Ví dụ như tánh mình hiền lành hay hung dữ, tánh mình can đảm hay nhút nhát, tánh mình quân tử hay tiểu nhân, tánh mình rộng lượng hay hẹp hòi, tất cả những tánh tình đó trở thành một yếu tố mà nó tác động giây chuyền, tác động nhiều phần khác nhau của đời sống. Còn nếu chúng ta không có thấy được điều đó thì thường thường chúng ta nghĩ: "cuộc đời mình là do cha mẹ sanh mình ra, mình may mắn hay không may mắn, hay là do có người thương hay không thương, có người nâng đỡ hay không nâng đỡ, mình thế này thế kia, mình tìm nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa nhất đó là tâm tư của mình. Bởi vậy người mà hiểu câu: thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, hiểu mấu chốt của thức thì họ không coi thường trạng thái tâm của mình. Trong bài kinh Từ Bi, Đức Phật Ngài nói rằng một người có tâm từ đi ngủ được an lạc, thức dậy cũng an lạc, và cái thức dậy mà an lạc nó ảnh hưởng toàn bộ trong ngày, và tâm tư mình ảnh hưởng cả kiếp sống của mình. Còn người không lãnh hội được điều này thì họ nghĩ tâm mình không quan trọng. Cái ưu tiên là gì? Mình có nhiều tiền thì cuộc sống sẽ khác hơn, mình có đủ tình cảm mà mình muốn thì cuộc sống sẽ khác hơn, mình có học vị thì cuộc sống sẽ khác hơn, mình có địa vị nào đó thì cuộc sống sẽ khác hơn. Đúng vậy, tất cả những thứ đó đều chi phối cuộc sống mình. Nhưng mà địa vị, học vị, hay tình yêu, hay tiền bạc, thật ra chưa đủ quan trọng bằng tâm thái của mình, tâm thái của mình quyết định đời sống nhiều. Qúi Phật tử ngồi bình tâm coi một cuốn phim từ nhân vật này qua nhân vật khác thì đa phần chúng ta phải nhận ra rằng cái gì mà xảy ra nó tạo thành con người như vậy thì đều do cái mà chúng ta gọi là "character" là cái vai trò mà họ đóng, cái vai đó quyết định cái hành xử hay là hành trạng của người đó, hành xử của người đó quyết định bởi tâm của người đó. 11.Hành do duyên vô minh Ở đây chúng ta thấy thức nó quan trọng như vậy nên chi chúng ta học về giáo lý duyên khởi thì sẽ thấy rằng chúng ta không thể bỏ qua yếu tố của tâm, tâm đóng vai trò quan trọng. Rồi tâm đó do đâu? Tâm được thể hiện bằng hành động nhưng hành động thì tác động tâm của mình. Khi chúng ta nói tâm do hành động thì chúng ta nói ái duyên thủ cho hữu, nhưng hành động tác động tâm mình chúng ta nói hành duyên cho thức. Một người mà nói láo quen hay hay nói phóng đại quen lâu ngày người đó biến họ thành nạn nhân là họ tin vào những tin phóng đại. Hay một người làm nghề ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Hay có những làng chuyên môn tạo những mặt nạ của qủi dạ xoa hay hung thần thì lâu ngày khuôn mặt của họ tâm tính của họ cũng hung dữ, còn họ tạo mặt thần tiên thì tâm tính của họ hiền lương. Hành động tạo nên tâm thức. Khi chúng ta nói liên quan hành động tạo tâm thức thì đây là một chuyện mà con gà đẻ ra trứng nhưng trứng tạo ra con gà, nhưng Đức Phật Ngài nhìn ra rất nhiều vấn đề mà nó liên hệ một cách chi tiết ở đây. Như ở tại Việt Nam chúng ta thấy rằng bây giờ nói rất nhiều về hiện tượng là ăn cũng rất là ác, trộm cắp thì thời nào đó người ta trộm cắp người ta rất là hiền, bây giờ đôi khi trộm cắp mà rất là ác, thí dụ chỉ để chiếm đoạt một số tiền nhỏ thôi mà người ta có thể giết người, có thể đốt người, có thể chặt người ta ra làm ba bốn khúc, hay là chuyện đơn giản là giận người mà mình chửi người khác đó là một lẽ nhưng giận người để rồi giết người mà chặc làm ba bốn khúc thì đó là cái ác. Xã hội người ta không để ý đến cái xu thế của xã hội do cái sở hành hết, cái sở hành đó là người ta tranh chấp với nhau người ta tranh danh đoạt lợi thì dẫn đến cái suy tư ảnh hưởng cùng tận sâu kín trong tâm hồn của chúng ta. Trong một đoạn kinh Đức Phật Ngài nói về nhân sanh trí tuệ. Con người sanh ít sân hận vì sanh trong thời kỳ ít sân hận ở trong quốc độ ít sân hận. Tại sao chuyện đó quan trọng? Chúng ta sống ở nơi hận thù, thường tranh chấp hận thù thì trí không sanh được vì chúng ta lo nghĩ đến chuyện tranh chấp. Nếu chúng ta đọc trong giòng lịch sử của nhân loại có thời kỳ gọi là "enlightened era" là thời kỳ minh triết của triết học phương Tây đã dạy cho chúng ta rất nhiều, nhưng có những thời kỳ đen tối và thời kỳ đen tối nhất là thời kỳ thịnh về vật chất con người thường tranh chấp nhau. - Lời kết: Thứ ba Giáo Lý Duyên Khởi trong hành trình tu tập của mỗi người hướng đến sự giác ngộ giải thoát. Nói tóm lại là tâm thức ảnh hưởng đến đời sống nhưng chính hành động việc làm của mình ảnh hưởng tâm thức, chúng ta khi hiểu về giáo lý duyên khởi không thể không thấy được vai trò quan trọng của tâm, khi nói đến vai trò quan trọng của tâm thì chúng ta phải đặt câu hỏi là chúng ta đang làm cái gì để sinh kế, cái nghề đó có chánh mạng hay không, chúng ta đang làm cái gì ở trong đời sống, đời sống hàng ngày chúng ta làm những việc chánh đáng hay chúng ta làm những chuyện phí phạm, chúng tôi chưa từng thấy một người mà làm những việc tầm thường mà tâm họ trở thành cao qúi, chưa từng có, một người có những tâm hồn cao thượng họ phải làm những việc cao qúi cho dù họ làm âm thầm như là ngồi xuống thiền định hay là trì giới hay là học hỏi kinh sách chẳng hạn, nhưng mà họ phải làm cái gì đó cao qúi nó làm tâm hồn họ cao qúi, còn nếu bình thường cái tâm của họ mà ngụp lặn ở trong cảnh giới ao tù thì cái trí của họ thoáng cái tâm của họ rộng, cái chuyện đó không có. Hành duyên cho thức ở đây nó cho chúng ta rất là nhiều ý nghĩa. Khi mà Đức Phật Ngài giảng như vậy thì một lần nữa trong mỗi chi pháp Ngài gói ghém ở trong bốn phần, như thí dụ Ngài nói như - "Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh, thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Thánh đệ tử đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy diệu pháp này, đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử." Lời kết của Đức Phật ở đây rất hay và rất đẹp./. |