Tổng quan
Kinh văn
Mười hai duyên khởi, mười một tương quan
Giáo lý duyên khởi ứng dụng vào đời sống
TỔNG QUAN
Duyên sinh – paticcasamuppada – có nghĩa là tiến trình sanh khởi của đời sống mà trong đó “do có cái nầy sanh nên cái kia sanh”.
Tiến trình nầy được sanh khởi theo trình tự có thứ tự trước sau không đảo ngược được, không khác hơn được, không chận lại được nếu chưa đoạn tận phiền não.
Giáo lý duyên sinh trong Phật Pháp nhấn mạnh tính “hằng chuyển” (vô thường), tính tùy thuộc ( vô ngã) và tính khả thể (sự tu tập).
KINH VĂN
Phân Biệt -- (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,2)
1) Trú ở Sàvatthi (Xá-vệ).
2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết và phân tích cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Ðây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là ái.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ.
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc.
13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.
14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.
16) Như vậy này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
Kệ tụng
Kinh Duyên Sinh
Paṭiccasamuppāda
Avijjāpaccayā saṅkhārā
Saṇkhārapaccayā viññāṇaṃ
Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ
Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ
Saḷāyatanapaccayā phasso
Phassapaccayā vedanā
vedanāpaccayā taṇhā
Taṇhāpaccayā upādānaṃ
Upādānapaccayā bhavo
Bhavapaccayā jāti
Jātipaccayā jarāmaraṇaṃ
Bởi không tường diệu đế
Hữu tình tạo nghiệp duyên
Chính vô minh nguồn cội
Là nhân tạo nên hành
Từ hành vi thiện ác
Gieo chủng thức tái sanh
Như vậy chính do hành
Kiết sanh thức tập khởi
Thức chủng tử đầu đời
Tạo hiện hữu thân tâm
Bởi do ý nghĩa nầy
Gọi thức duyên danh sắc
Vật chất và tâm thức
Biến hiện sáu giác quan
Như vậy do danh sắc
Lục nhập được hiện thành
Sáu giác quan năng động
Tiếp xúc sáu cảnh trần
Như vậy do lục nhập
Hiện tượng xúc khởi sanh
Sáu căn gặp sáu cảnh
Khổ lạc xả phát sanh
Như vậy do duyên xúc
Cảm thọ được tạo thành
Khổ lạc ưu hỷ xả
Nhân sanh mọi chấp trước
Phật dạy chính cảm thọ
Duyên tạo nên ái dục
Tham muốn nên dính mắc
Dục lạc cột mê tâm
Nên gọi nhân ái dục
Là duyên sanh chấp thủ
Khi tâm trần hệ lụy
Biến hiện muôn sở hành
Như vậy do duyên thủ
Tác động hữu khởi sanh
Có tạo tác có quả
Có chủng tử luân hồi
Như vậy do duyên hữu
Sanh quả được hiện thành
Có thân hẳn phải già
Có sanh ắt có diệt
Chính do ý nghĩa nầy
Gọi sanh duyên lão tử
Cũng chính do duyên sanh
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Ðược hiện thành tập khởi
Sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā saṃbhavanti
Evame tassa kavalassa dukkhakkhandhassa
samudayo hoti
Avijjāya tveva asesa virāganirodhā sankhāranirodho
saṅkhāranirodhā viññāṇanirodho viññāṇanirodhā
nāmarūpanirodho nāmarūpanirodhā
saḷāyatananirodho saḷāyatananirodhā
phassanirodho phassanirodhā
vedanānirodho vedanānirodhā
taṇhānirodho taṇhānirodhā
upādānanirodho upādānanirodhā
bhavanirodho bhavanirodhā
jātinirodho jātinirodhā jarāmaranaṃ
sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā nirujjhanti
evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa
nirodho hoti.
Không vô minh không hành
Không hành thời không thức
Không thức không danh sắc
Không danh sắc không lục nhập
Không lục nhập không xúc
Không xúc không cảm thọ
Không cảm thọ không ái
Không ái dục không thủ
Không chấp thủ không hữu
Không hữu thời không sanh
Không sanh không lão tử
Sầu bi khổ ưu não
Toàn bộ khổ uẩn nầy
Không hình thành tập khởi
MƯỜI HAI DUYÊN KHỞI, MƯỜI MỘT TƯƠNG QUAN
Lão tử do duyên sanh
Trong phôi thai của sanh đã có quyết đinh tánh của hoại diệt
Lão tử (Jaramaranam) là sự già nua và hoại diệt. Lão tử ở đây có nghĩa là già và chết của kiếp sống mà cũng có thể là hiện tượng suy thoái và hoại diệt của tất cả pháp hữu vi.
Sanh (jati) ở đây là sự hình thành, khởi sanh của kiếp sống mà cũng có thể nói cho sự tập khởi của các pháp hữu vi.
Ngay trong sự sanh đã có yếu tính hạn định giới hạn của sự tồn tại. Thí dụ như sanh làm người khó sống hơn trăm tuổi hay một chiếc xe được sản xuất đã dự trù chạy tốt trong bao nhiêu mile.
Sanh do duyên hữu
Ai có thể đứng yên trong vòng sinh hóa
Hữu – bhava – là sự thể hiện bằng hành động. Đây là từ khác chỉ cho sự sống. Trong Anh ngữ được dịch là becoming hay trở thành. Hữu ở đây là nghiệp hữu chỉ cho sự biến đổi bằng tạo tác trong lúc sanh hữu là quả của nghiệp hữu.
Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu là ba thứ nghiệp dẫn đến sự tái sanh trong tam giới. Do vậy gọi hữu duyên sanh.
Hữu do duyên thủ
Ý muốn không đủ mạnh thì không thể thể hiện
Thủ - upadana – có nghĩa là sự chấp chặt đủ mạnh để biến ý muốn thành hành động. Thí dụ như người ta thường đưa ra lý do hợp lý để làm bất cứ chuyện gì.
Bốn sở chấp là thị hiếu (dục thủ), quan điểm (kiến thủ), tín ngưỡng (giới cấm thủ) và “cái tôi” (ngã chấp thủ) là những lý giải đằng sau những nghiệp hữu nên gọi hữu do duyên thủ.
Thủ do duyên ái
Khát vọng khiến chúng sanh phải đi tới cho dù chẳng biết đi đâu
Ái – tanha – có nghĩa là khao khát. Truy cầu cái toàn hảo dù cuộc sống bất toàn, khao khát để có được cái mình thích hay được cái ngược lại điều mình ghét. Khát ái là mãnh lực đưa chúng sanh đi tới, không bao giờ có thể bằng lòng với nguyên vị dù “núi kia chưa hẳn tốt hơn núi nầy”
Do ưa thích tạo thành chấp thủ nêu gọi thủ sanh do duyên ái.
Ái do duyên thọ
Cảm thọ tạo nên khát vọng
Cảm thọ - vedana – là những cảm xúc khổ, lạc, ưu, hỷ, xã. Đối với chúng sanh thì cảm thọ là cây thước đo hạnh phúc.
Dù là vui hay khổ hoặc bình thản thì tất cả đều có lý do để truy cầu cái mình thích hay ngược lại với cái mình ghét nên gọi ái sanh do duyên thọ.
Thọ do duyên xúc
Tâm, cảnh gặp nhau sanh cảm thọ
Xúc – phassa – là sự giao thoa giữa căn, cảnh và thức thí dụ con mắt, cảnh sắc và thị giác gặp nhau gọi là nhãn xúc.
Có cảm nhận sanh ra cảm xúc nên gọi thọ sanh do duyên xúc.
Xúc do duyên lục nhập
Sanh sự thì sự sanh
Lục nhập – salayatana – nghĩa là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đó là sáu cửa để nội giới tiếp xúc ngoại giới.
Có mắt thì phải thấy, có tai thì phải nghe … nên gọi xúc sanh do duyên lục nhập.
Lục nhập do duyên danh sắc
Cùng là thấy nhưng mỗi sanh loại có cách thấy khác nhau
Danh sắc – namarupa – chỉ cho tâm và thân. Ở đây chỉ cho sanh chủng. Sự hiện hữu của chúng sanh đồng nghĩa với sự hiện hữu của danh sắc. Mỗi loại chúng sanh do nghiệp lực cá biệt nên các căn không giống nhau. Các căn sai biệt nên thị dục cũng sai biệt.
Do sanh loại nên giác quan dị biệt vì thế gọi danh sắc duyên lục nhập.
Danh sắc do duyên thức
Tâm dẫn đầu các pháp.
Thức – vinnana – chỉ cho tâm. Tâm thức là phần hoạt dụng, chỉ huy cuộc sống.
Danh sắc được hiểu như guồng máy. Thức có thể thí dụ vai trò của các nhân sự. Hệ thống tổ chức hoàn toàn chịu chi phối bởi nhân sự điều hành. Vì vậy gọi danh sắc do duyên thức.
Thức do duyên hành
Chính hành vi tạo nên con người.
Hành – sankhara – chỉ cho sự tạo tác. Chính đây là nhân tạo ra tất cả quả.
Tâm thể hiện hành động nhưng hành động cũng tạo ra tâm thức. Thí dụ cương lĩnh hành động của một tổ chức quyết định nhân tuyển nào được lựa chọn các chức vụ. Chính vì thế gọi thức do duyên hành.
Hành do duyên vô minh
Đa số nghĩ rằng mình làm điều gì do mình biết cái cần làm. Thực tế thì trái ngược.
Vô minh – avijja – chỉ cho sự thiếu hiểu biết về nhân quả của khổ đau và hạnh phúc. Không biết đích xác phải làm gì là động lực tạo tác muôn ngàn thứ.
Người ta thường nói huyền cơ là bí ẩn lớn nhất của đời sống. Phật Pháp dạy chính vô minh là cội nguồn của tất cả sở hành – từ đó – tạo ra sự sống.
Tài liệu tham khảo
Trường Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch, Đại Học Vạn Hạnh ấn hành.
Tương Ưng Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch
What The Buddha Taught, Walpola Rahula. Penguin
Pali Dictionary, Rhys David. Pali Text Society
GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI ỨNG DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG
|