dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Hành trình tu tập có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Có những người khi nghĩ đến lẽ sống tinh thần thì nghĩ đến tìm một nơi nương tựa, hoặc Pháp là nơi nương tựa, Tăng là nơi nương tựa cho chúng ta một cảm giác ấm lòng, cho chúng ta cảm giác an ủi và thậm chí là nhiều đạo giáo ngày hôm nay ví dụ như chúng ta sống ở phương tây tại Hoa Kỳ chẳng hạn, ngày chủ nhật chúng ta mở những đài ti vi của những tổ chức truyền giáo Ky tô giáo nhất là Tin Lành thì chúng ta nghe nói đến tình yêu tình thương của chúa, tình thương yêu của chúa được xem như là một cái gì rất giá trị có một ảnh hưởng lớn cho con người trở về với cuộc sống tâm linh. Nhưng thật ra đời sống tinh thần không phải lúc nào cũng êm ả cũng cho chúng ta cảm giác như là được che chở được yêu thương. Đời sống tinh thần đôi khi là một bãi chiến trường, mỗi hành giả là một chiến sĩ, và từ góc cạnh này lại gợi cho chúng ta một thái độ khác. Chúng tôi nhớ năm 1987, tình cờ chúng tôi được mời tham dự buổi nói chuyện của Shambhala Foundation ở Boulder, Colorado và diễn giả là một Lama người Tây Tạng, vị này đã mất rồi đó là Ngài Trungpa Rinpoche là một khuôn mặt Phật học nổi tiếng thời đó của Phật Giáo Tây Tạng tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Vị Lama này nói đến đề tài "spiritual warrior" chúng ta tại dịch là những "chiến sĩ của tâm linh". Chúng ta nói thế nào đi nữa thì ý tưởng mà vị đó gửi trong bài nói chuyện đó là: "thật ra mỗi một hành giả tu tập cho dù là ở một tôn giáo nào hay một pháp môn nào thì thường người đó tự đặt vào trong thế như là một chiến sĩ phải phấn đấu rất nhiều trước tình trạng mà chúng ta gọi là đối địch." Đối địch ở đây không phải là những kẻ thù như là người này người kia, thật ra cái chuyện ân oán trong cuộc sống không phải là điều mà một hành giả bận lòng. Nhưng một hành giả sống thì hiểu được rằng cuộc tu giống như cuộc đời không bao giờ yên ả, không bao giờ cho chúng ta ở trong tư thế là thuận buồm suôi gió mà chúng ta phải phấn đấu, không phải chỉ phấn đấu tầm thường mà phấn đấu thật nhiều, và điều đáng sợ nhất đó là những chi phối làm cho chúng ta bỏ cuộc khiến cho chúng ta không đi trọn cuộc hành trình. Kinh nghiệm này là một kinh nghiệm lớn. Một người như Ngài Trungpa Rinpoche mà nói điều đó thì cũng là một kết tinh của bao nhiêu năm sống ở dưới mái chùa và nghiệm thấy một điều rằng ở trong tư thế là một chiến sĩ thật ra nếu một người có sự chuẩn bị thì người đó tương đối có khả năng vượt qua những suy sụp, mà cái suy sụp đáng sợ nhất đó là sự sợ hãi hay mặc cảm tự ti ở trong lòng của mình khi đối địch. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ đọc tác phẩm Đức Phật và Phật Pháp, ở trong tác phẩm này Ngài Narada đặc biệt ghi lại rất nhiều đoạn về sự chiến đấu của Đức Phật khi còn là vị Bồ Tát dưới cội Bồ Đề. Ma vương đến không phải chỉ tấn công Ngài bằng mưa đá mưa bùn bằng vô số những đe doạ mà Ma vương còn đến với một hình thái khác, ví dụ như ba cô con gái của Ma vương đến quyến rủ Ngài bằng những cảnh tượng mỹ miều đẹp nhất. Và dĩ nhiên là Đức Bồ Tát Ngài ở vị thế của một chiến sĩ ưu việt, Ngài hiểu được hoàn cảnh chung quanh, Ngài nắm được địa hình địa vật, Ngài hiểu được sức mạnh của chính Ngài. Nhưng đó là một ở trong những câu chuyện tương đối rất hiếm, đa số chúng ta phải nhận là chúng ta không được chiến đấu ở trong thế thượng phong, chúng ta thường là một kẻ cô thế ở giữa cuộc đời này, cái tâm trạng cô thế đó rất dễ hiểu với chúng ta, Việt Nam là một quốc gia đã trải qua nhiều cơn biến loạn và qua từng giai đoạn lịch sử thì chúng ta cũng thấy qua không biết bao nhiêu giai đoạn mà chúng ta gọi là lực bất tòng tâm, thấy như vậy biết như vậy, nhưng mình không đủ mạnh không đủ sức để đương đầu với kẻ thù. Tuy nhiên người ta nói rằng một kẻ thù đáng sợ nhất của một chiến sĩ chính là sự sợ hãi, điều đáng sợ nhất của chúng ta chính là sự sợ hãi. Nếu chúng ta đọc sách xưa như Tôn Tử Binh Pháp hay những cuốn phim nói về sự dàn trận những đội hình của những trận chiến lừng lẫy ở trong quá khứ thì chúng ta sẽ nhìn thấy những hình ảnh rất quen thuộc được nói đến trong bài kinh ngày hôm nay, nhiều khi chúng ta thấy rằng đó chỉ là cảnh tượng họ dàn ra cho đẹp trong phim nhưng kỳ thật ở bên ngoài một kỷ thuật cầm quân dàn trận trước hết là người ta áp đảo tinh thần của đối phương, chẳng những vậy mà còn làm thế nào để phát huy nhuệ khí của quân đội mình, người ta dàn trận nào là cờ xí, nào là đội hình, nào là những tiếng tù và tiếng trống tiến quân, thậm chí đôi khi có những ban quân nhạc, và cũng như ngày nay chúng ta thấy ở Hoa Kỳ những môn thể thao họ cũng có những group cheerleader (đội múa cổ võ) để cổ võ tinh thần phấn đấu của những đội thể thao. Chúng ta phải nhìn nhận cuộc đời là một chiến địa mà mỗi chúng ta là mỗi chiến sĩ, không biết bao nhiêu lần chúng ta đã thu mình lại trốn vào trong tháp ngà của mình bởi vì chúng ta ngại đối diện với một thực tại đầy tính đe dọa đầy tính áp đảo. Cứ tưởng tượng là ra trận mà phía bên kia đội hình rất hùng hậu, cứ tưởng tượng là phía bên kia nào là cờ xí, nào là những tiếng trống tiếng kèn, nào là những lời reo hò ầm ỹ, rất là thường khi làm cho chúng ta cảm thấy kinh khiếp muốn buông tay muốn bỏ cuộc. Thật ra thì chúng ta nói đến binh thư, nói đến nghệ thuật điều binh thì chúng ta hiểu yếu tố tâm lý luôn luôn là yếu tố quan trọng, một chiến sĩ chưa đánh đã bại không phải là chuyện hiếm, chưa ra trận mà đã mất đi cái nghĩa khí chính mình, chuyện đó thì rất là thường tìm thấy. Chúng ta đọc hồi ký của những tướng lãnh như là tướng Eisenhower của Hoa Kỳ, như là tướng Montgomery của Canada, hay thậm trí những trận chiến vĩ đại trong quá khứ của Napoleon, hoặc giả là đọc Tam Quốc Chí, thì chúng ta thấy bao giờ cũng vậy một chiến sĩ ra trận đều trông cậy vào nhiều thứ chung quanh mình nhưng chính bản thân họ phải có một thứ bản lãnh, một thứ bản lãnh đó là đủ can đảm đủ lì lợm đủ kiên trì để chấp nhận vượt qua những khó khăn kể cả những lúc bị thương tích đầy mình. Trong thiền tông Nhật Bản có câu nói: "Bảy lần té xuống thì tám lần đứng dậy." Một người chiến sĩ không bao giờ nói rằng mình ra trận mà luôn luôn mình kỳ vọng rằng kẻ địch luôn luôn là kẻ yếu, hoặc giả là mình ra trận mình nói rằng sẽ không bị xây xát, trong cuộc giao tranh là mình luôn luôn toàn vẹn, mình không thể nói rằng mình ra trận mà không có những thương tích thậm trí ngày xưa người ta nói là "Trí làm trai dặm nghìn da ngựa. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng Mao" có lúc thì mạng sống tựa như Thái Sơn, có lúc thì nhẹ như lông. Tại vì sao vậy? Tại vì không có một chiến sĩ nào mà thiếu yếu tố chuẩn bị tâm lý mà chiến sĩ đó có thể đương đầu với kẻ địch một cách bình tỉnh can đảm đầy sự phấn đấu. Cuộc tu không bao giờ là một hành trình thuận buồm suôi gió bằng phẳng, mà chúng ta phải phấn đấu rất nhiều. Ngài Ajahn Chah là một trong những hình ảnh mà chúng tôi nhớ hoài, Ngài nói rằng ở trong đời tu chưa có ba lần rơi nước mắt điều đó cũng phải nói rằng mình chưa có dám ra trận và Ngài cũng nhắc đến nhiều sự khổ công trên con đường tu tập. Tất cả chúng ta thường nghĩ đến một cuộc hành trình có hoa thơm cỏ lạ, có hình ảnh rất đẹp của bậc Từ Phụ, có những vị thiện hữu hảo bạn hữu cùng đồng hành, chúng ta nghĩ đến một con đường vẽ ra mà qua đó nào là hoa thơm cỏ lạ, chúng ta biết chắc chắn rằng ở trong lãnh vực tôn giáo tại sao người ta nói đến thiên đàng, nói đến cực lạc, tại vì những thứ đó là cái gì mơn trớn, cái gì vuốt ve làm cho tâm tư của chúng ta cảm thấy hết sức là dễ chịu, nó thôi thúc được sự tha thiết của chúng ta trong một cứu cánh mà mình cảm thấy yên ổn. Chúng tôi không nói và không muốn phê bình về điều đó nhưng chúng tôi phải nói một điều rằng nếu chúng ta quan niệm rằng lẽ sống tinh thần mà không cần sự phấn đấu với sự phấn đấu mạnh mẽ của mình thì có thể chúng ta không hiểu được ý nghĩa của bài kinh mà Đức Phật dạy ngày hôm nay. Thậm chí có nhiều khi Đức Phật Ngài nói với Tôn Giả Ananda rằng một người tu Phật là một con voi trận nó là một chiến tượng, chiến tượng xông vào trận mạc gánh chịu lằn tên mũi đạn, không có con voi trận nào ra trận mà nghĩ rằng ở đó chỉ có một cảnh tượng nên thơ như núi rừng, và bao nhiêu lời chào đón, bao nhiêu là vòng hoa khoát trên người. Một điều mà con voi trận một chiến tượng thiện chiến hữu là chính bản thân của nó hứng chịu bao nhiêu lằn tên mũi đạn và cái sự can đảm đi tới can đảm nhập cuộc sự phấn đấu sự kiên trì để đạt đến mục đích cuối cùng cái đó là cái bản lãnh của mỗi chúng ta. Chúng tôi có nhắc đến, chúng tôi không phải là một người luôn luôn hâm mộ vị đại sư Tây Tạng, nhưng chúng tôi phải nói rằng ý tưởng nói đến một hành giả tu tập đó là một chiến sĩ về tâm linh thì điều đó không phải là một điều xa lạ khi chúng ta đọc vào kinh điển, ở trong đó rất là nhiều lần nhiều lần và nhiều lần Đức Phật Ngài đã cảnh báo rằng ở trong cuộc tu tập có vô số thử thách, có vô số những chướng duyên, và có những đòn thù nhắm vào mình và mình phải vượt qua điều đó. Không biết tự khi nào mà nhiều người Phật tử dầu xuất gia hay tại gia khi nghĩ đến việc tu tập thì quen nghĩ đến đạo tràng, nghĩ đến một thế giới đầy đủ những thuận duyên, nghĩ đến một thế giới mà cho chúng ta rất nhiều sự êm ả trợ duyên về mặt tinh thần. Nhiều Phật tử trải qua nhiều cuộc hành trình dài của cuộc đời mệt mỏi về chồng, mệt mỏi về vợ, mệt mỏi về con cái, mệt mỏi về những thị phi hơn thua danh lợi ở đời, thì những người đó nghĩ đến một chốn bình yên, chốn bình yên đó là cuộc tu, chốn bình yên đó là mái chùa, chốn bình yên đó là một cảnh sống tương đối nhàn nhã nhẹn nhàng, không phải lo âu phấn đấu nhiều. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng cái quan điểm đó nó chính xác, chúng tôi không bao giờ nghĩ quan điểm đó nói đủ hết tinh thần của một hành giả tu tập. Thật sự thì chúng ta cứ tưởng tượng là thời Đức Thế Tôn còn tại thế một người đang sống trong đời sống gia đình có người hầu kẻ hạ có bao nhiêu là phương tiện, và rồi vị đó rời bỏ tất cả để cạo đầu mặc chiếc y vào, miếng cơm mình ăn mình không biết đến từ đâu, hoặc ngon hoặc dở ,hoặc đủ hoặc thiếu, và khi sống họ phải giống như ngày hôm nay chúng ta đến chỗ nào cũng mong là nơi đó có chùa chiền có cơ sở ít nhất cho chúng ta cũng có cái phòng, thật sự mà nói thì vào thời xưa chỉ riêng một chuyện một người sống mà buổi tối ngủ dưới gốc cây ngủ trong rừng sống độc cư đó là cả một thách thức. Nếu chúng ta muốn biết chuyện đó chúng ta thử làm một việc là đi về các quốc gia Phật giáo thử sống ở những thiền viện xa xôi hẻo lánh, đôi lúc một thiền viện được tổ chức một cách rất chu đáo nhưng một mình sống trong một am thất đơn giản ở nơi thanh vắng đủ làm cho chúng ta sợ, ít nhất là sợ ma, Nếu chúng ta đọc kỹ các đoạn kinh những bài pháp Đức Phật giảng còn ghi lại trong kinh điển thì Đức Phật không vẽ ra một cảnh giới tu tập, một đạo tràng tu tập, mà ở trong đó có nào là hoa, nào là đèn, nào là bao nhiêu những cái đẹp đẽ, bao nhiêu những cái gì làm cho chúng ta cảm thấy hứng khởi, cảm thấy hưng phấn trong lòng, mà Đức Thế Tôn quả thật là Ngài nhắc chúng ta rằng mỗi chúng ta phải phấn đấu rất nhiều không phải chỉ đơn giản với cái nóng cái lạnh, điều trái ý nghịch lòng, mà như là một chiến sĩ phải có khả năng để chiến đấu và thậm trí trong lúc bị thương cũng phải chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng và nếu chướng duyên đó làm cho chúng ta bỏ cuộc buông tay thì Đức Phật Ngài chưa bao giờ vẽ ra hình ảnh đó, Ngài chưa bao giờ ca ngợi hình ảnh đó. Chúng tôi lấy một ví dụ rất đơn giản là nhiều người bỏ thì giờ ngồi thiền, ngồi chỉ 5 phút thôi, họ không muốn ngồi nữa tại vì khó tập trung tinh thần quá, nhớ cái này nghĩ cái kia. Thậm chí có một vị nói chuyện với Ngài Thiền Sư là: "con không thể ngồi thiền được" Nhưng mà thưa quí vị đó là sự thật. Chúng ta không có quan niệm rằng mình là một hành giả tu tập đặt để mình ở trong cương vị của vị chiến sĩ và là một chiến sĩ thì có nghĩa là phải ra trận bất cứ lúc nào tại vì kẻ thù không sắp xếp thời khóa biểu cho mình, và khi ra trận không có nghĩa là người ta đánh mình giống như người ta giỡn mà có nghĩa là mình có thể bị thương có thể bị sát hại và mình phải trả một giá rất đắc cho sự tồn tại của mình ở trong chiến địa chứ không đơn giản là chỉ ra trận rồi trở về ca khúc khải hoàn. Thật ra đời sống này của chúng ta nhất là ngày nay qua ngành quảng cáo truyền thông người ta vẽ lên bức tranh về cuộc sống đôi lúc khác hẳn những gì mà chúng ta thấy ở trong sách vở ở trong phim ảnh với thực tại ở bên ngoài. Chúng tôi lấy ví dụ là nếu chúng ta mở ra những quảng cáo về những vật dụng ở trong nhà, những thức ăn thức uống, về nhà cửa, về du lịch thì chúng ta thấy rằng cuộc đời này có bao nhiêu thứ là tốt đẹp, nhưng mỗi mỗi chúng ta sống mà đủ khôn lớn bây giờ ngồi suy nghĩ lại thì chúng ta luôn luôn phải chủ động, phải phấn đấu, phấn đấu với ngoại tại, phấn đấu với nội tại, phấn đấu với những điều gọi là chướng nghịch, mà còn phấn đấu với sự cám dỗ, phấn đấu với những gì mà chúng ta gọi là thô thiển nhất, và có những điều tế nhị nhất mà có kẻ thù ở bên trong chúng ta, cái phiền não của chúng ta luôn luôn lừa gạt chúng ta và khiến cho chúng ta phải bỏ cuộc bởi vì chúng ta không có đủ bản lãnh để làm việc đó. Nên ở đây Đức Thế Tôn Ngài đưa ra năm hạng chiến sĩ. Năm hạng chiến sĩ đó Ngài nói về những kẻ bỏ cuộc rất sớm, chỉ thấy bụi thấy vó ngựa từ xa thì đã nản lòng. Có những người can đảm hơn một chút và đủ can đảm để mặt đối mặt với kẻ thù nhưng mà thấy cờ xí thấy dàn trận bên đó thì đã nhũn lòng đã không tiến tới được. Cũng có những người có can đảm để mặt đối mặt nhưng khi sát trận thì sợ hãi trước cái uy dũng của người khác . Cũng có những người chỉ bỏ cuộc khi chính mình đã bị thương. Nhưng có những người chẳng những chấp nhận sự đe dọa không biết sợ mà còn đủ can đảm để đứng dạy tiếp tục chiến đấu cho dù là trên thân đầy thương tích nhưng cuối cùng hoàn thành được con đường chính mình. Nếu chúng ta đọc kỹ đoạn kinh này chúng ta thấy rằng Đức Thế Tôn đã có một gợi ý khác rất khác hơn cái nhìn hàng ngày của chúng ta về cuộc tu. Ngài khẳng định là hành trình đó không phải lúc nào cũng hoa thơm cỏ lạ, mà hành trình đó đôi khi làm cho chúng ta mệt mỏi như một chiến sĩ đánh một trận chiến dài trong một cuộc chiến rất ác liệt. Có thể rằng những bài học này là những bài học tốt cho chúng ta. Đất nước Việt Nam là đất nước của chiến chinh của loạn lạc, người Việt Nam phải sống đã không biết đối diện với biết bao thứ thử thách trong đời sống của mình, và chúng ta cũng phải nói rằng dù nhìn từ góc cạnh nào đi nữa thì khả năng phấn đấu là khả năng một ở trong những ưu điểm của người Việt Nam. Thật sự ngày hôm nay chúng ta đọc tin tức từ bên quê nhà thì chúng ta thấy rằng sức mạnh của đồng tiền, những cám dỗ từ cuộc sống trụy lạc ăn chơi đang bào mòn ý chí phấn đấu của những người trẻ và điều đó lại đáng sợ hơn là những vết tích của chiến tranh. Chúng tôi chỉ nói riêng ở trong thế giới của chùa chiền thôi, khi đất nước trải qua một giai đoạn cực kỳ nghèo khổ thì giai đoạn đó lại sản sinh ra những vị tăng sĩ rất tha thiết với pháp học pháp hành, chịu khó học Phật pháp, nhưng khi cuộc sống xã hội được khá hơn, những người Việt kiều từ nước ngoài về thăm nhiều hơn, đồng tiền dễ dàng hơn ở trong chùa, thì sự hủ hoá sự lũng đoạn nhiều hơn và lúc bấy giờ người ta đòi hỏi sự phấn đấu ở trong một góc cạnh khác. Chính ra thì người ta hù dọa mình người ta đòi đánh giết mình nó không đáng sợ bằng những cám dỗ, bằng những lôi cuốn, tại vì khi đối diện với những cám dỗ lôi cuốn và nếu chúng ta yếu lòng thì cái phiền não nội tại của chúng ta nó là thứ nội tuyến và cái đồng lỏa đó sẽ dẫn chúng ta đến một chung cuộc là bỏ cuộc nửa chừng không hoàn tất được cuộc hành trình của mình. Cách đây mấy hôm tình cờ trong lúc chân của chúng tôi đau nằm một chỗ, chúng tôi xem một cuốn phim nói về loài vật ở xứ lạnh đó là những con caribou, con caribou giống như con hoãng nhưng lớn hơn. Loài vật này năm nào cũng vậy chúng làm một cuộc thiên di để đi tìm về vùng đất ấm có cỏ để ăn, loài này có điểm lạ là khi nó sanh ra nó lại sanh vào mùa nó thiên di, tức là đa số những con caribou nhỏ sanh ra đời, vừa sanh ra là nó phải bước đi, và vừa bước đi là phải lẫm đẫm, từ chỗ lẫm đẫm nó phải chạy đi theo gót chân của mẹ của đàn để mà thiên di về một vùng có khi một hai ngàn cây số để tìm đến những vùng thảo nguyên có cỏ để sinh sống chuẩn bị cho một mùa đông băng giá. Thật ra thì không hiểu sao mà sau khi chúng tôi xem cuốn phim đó thì nghĩ đến con caribou nhỏ mới sinh ra mà phải chịu đựng sự khác biệt của thời tiết. Có một điều tự nhiên mà chúng tôi nghĩ là nghiệp của chúng sanh trong đời rất là nặng, bởi vì phải phấn đấu rất nhiều. Và người ta nói rằng một ngàn con sanh ra thì chỉ còn lại khoảng 100 con có thể tồn tại với sự nghiệt ngã của thời tiết với sự nghiệt ngã của những kẻ thù của những con vật tấn công, ví dụ như chó sói hay những con vật khác săn caribou. Và con vật này chỉ tự vệ một cách đơn giản là trông cậy vào đôi chân mà chạy thoát, thường khi nó chạy không kịp, lấy ví dụ như nó bị chó sói rượt thì nó tồn tại bằng cách nào, chó sói thì ít mà caribou thì nhiều, thì nhiều lắm là chó sói bắt được năm bảy con nhưng còn một số khác thì thoát được tiếp tục lên đường. Cái thân phận như vậy thật sự là đáng buồn. Nhưng khi nghĩ lại thân phận của con người của chúng ta thì phải nhìn nhận rằng chúng ta cũng sống ở trong điều kiện nghiệt ngã không kém, con người sanh ra xã hội chăm sóc cho mình một phần nhưng mà sự đe dọa từ xã hội thì không biết bao nhiêu thứ, con người có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của xã hội. Chúng ta không nói đến những người sống ở các quốc gia nghèo khổ, ngay cả ở New York, ở Detroi, New Orleans, những thành phố lớn thì nếu con người sống mà không hiểu biết, không có giờ giấc nào thích hợp, không biết nơi chốn nào an toàn, thì cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của những tội ác xã hội, là con người chúng ta phấn đấu rất nhiều. Nhưng Đức Phật trong cái nhìn của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì Ngài khẳng định một điều rằng chúng ta những người hành giả những người đi theo gót của Đức Phật thì thật sự chúng ta phải chiến đấu như những chiến sĩ. Thật ra thì nghĩ đến con caribou con chạy theo chân của mẹ ở trong cuộc sống nghiệt ngã thì nhiều khi cũng giống như chúng ta là những người con của Đức Phật khi chúng ta tập tễnh đi theo chân của Đức Phật thì tỉ lệ mà sống của chúng ta không nhiều. "Rất ít người qua đến bờ bên này đa số quanh quẩn bờ phía bên kia." Đức Phật nói như vậy. Bờ phía bên này bờ phía bên kia, Ngài nói đến bờ giải thoát và bến trầm luân, rất ít người đạt đến cái gọi là đáo bỉ ngạn. Tại vì sao như vậy? Tại vì nó có trăm ngàn thách thức., Đức Phật Ngài dùng những hình ảnh rất là gần với chúng ta như một lần Ngài đi trên sông Hằng với Tôn Giả Ananda, Ngài nhìn thấy khúc gỗ đang trôi thì Ngài nói rằng "có nhiều yếu tố khiến cho khúc gỗ không trôi ra biển cả được, nó có thể tấp bên này hoặc tấp bên kia, nó có thể bị mắc cạn, nó có thể bị nước xoáy, nó có thể bị người vớt lên, nó có thể bị phi nhân vớt lên, nó có thể bị hư trong ruột hư ra" Thì Ngài đã nói rằng "một hành giả đi trên con đường hành trình dẫn đến giác ngộ giải thoát có thể sẽ bị hỏng, có thể bị bỏ cuộc nửa chừng, có thể bị thối chuyển bởi vì nhiều lý do hoặc là đắm nhiễm vào lục trần, có thể bị vướng mắc vào lục căn, có thể là do tâm ngã mạn, có thể là do những phiền não nội tại, có thể là mong mỏi sanh thiên, và có bao nhiêu thứ mà nó khiến cho một hành giả bỏ cuộc nửa chừng." Thì thật ra cái số cuối cùng mà đạt đến thành công rất ít. Nên chi bài học ngày hôm nay nếu có một điều gì đó mà chúng ta có thể nhớ và nhớ một cách giản dị là thật ra mỗi một hành giả là một chiến sĩ và khi một chiến sĩ lên đường thì không bao giờ có một hứa hẹn đó là hành trình sẽ đẹp như là thảo nguyên vào mùa xuân có hoa thơm cỏ lạ, không bao giờ nói rằng khi chúng ta đạt đến cái điểm cuối cùng thì ở đó là một cảnh giới hương thơm ngạt ngào có bao nhiêu là những điều tốt đẹp đang chờ đợi. Mà chúng ta trở về một cái nhìn rất là thật tại, một chiến sĩ ra trận nào là những áp đảo về tinh thần của đối phương, nào là phải chiến đấu chịu đựng lằn tên mũi đạn, nào là phải đứng dậy ngồi dậy khi mình bị thương tích để tiếp chiến đấu cho đến khi mình không còn bị tiêu diệt bởi kẻ thù nữa, thì như vậy Đức Phật gọi là người đó đã làm những điều cần phải làm, đã đặt gánh nặng xuống và không trở lui trạng thái này nữa. Điều đó không dễ dàng nên với năm hạng chiến sĩ này Đức Phật Ngài bằng cách này hay cách khác Ngài nhắn nhủ với chúng ta rằng mỗi một hành giả là một chiến sĩ và chiến sĩ đúng nghĩa một chiến sĩ là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần, chẳng những chuẩn bị tinh thần đối với nghịch cảnh mà ngay cả những điều mơn trớn vuốt ve những điều êm ái mà nó đến làm cho chúng ta cảm thấy thích thú nó cũng là những đe dọa và làm thế nào để vượt qua tất cả những điều đó tiếp tục lên đường, tiếp tục lên đường, tiếp tục lên đường cho đến khi mình đạt đến mục đích cuối cùng, thì thật ra nó đòi hỏi sự phấn đấu rất là nhiều. Chúng tôi muốn kết thúc bài nói chuyện này trong một ý nghĩa mà Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú: "Này Ananda, đời sống tu tập như một con voi trận phải hứng chịu bao nhiêu lằn tên mũi đạn." Và một con voi trận thì không bao giờ nghĩ đến là mình sẽ đi vào một thế giới tươi đẹp đầy hứa hẹn một thế giới êm ái mà nó là một thế giới phải phấn đấu rất là nhiều, phải chịu đựng rất là nhiều, để cuối cùng làm được những gì mà mình từ ban đầu mong muốn phải làm ./. |