dieuphap.com Trang chính


Hai giới Niết-bàn

TT. Tuệ Siêu giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma , ngày 12 tháng 4 năm 2010

Minh Hạnh chuyển biên


TT Tuệ Siêu: Bài học hôm nay sẽ học về một bài kinh ở trong Tiểu Bộ - Itivuttaka Như Thị Thuyết. Bài kinh này Đức Phật giảng về hai loại Niết-bàn gọi là Niết-bàn giới. Chữ giới ở đây xuất phát từ chữ dhàtu. Chữ dhàtu có nghĩa là bản chất hay là tính chất, là danh từ được sài rất thường khi chúng ta nói đến những pháp thuộc về pháp chân đế thì những pháp đó đều được gọi là dhàtu. Và danh từ này rất khó dịch. Chúng ta phải tùy theo trường hợp sài nghĩa cho chính xác. Thí dụ như có trường hợp chúng ta sài chũ dhàtu như bốn đại là:
Địa giới Paṭhavīdhātu,
Thủy giới (Āpodhātu),
Hỏa giới (Tejodhātu)
và Phong giới (Vāyodhātu) .
Đất nước lửa gió cũng được gọi là dhàtu.
Trong trường hợp này khi đề cập đến Niết-bàn thì ở đây gọi là Nibbàna dhàtu. Thì chữ dhàtu trong trường hợp này chúng ta phải hiểu như là một đặc tính, một tính chất.

Khi chúng ta đề cập đến chữ Niết-bàn chúng ta phải hiểu chữ Niết-bàn là gì?

Danh từ Nibbàna (Pali) đọc âm là Niết-bàn thuộc Nam Phạn - Pali. Theo Bắc Phạn - Sanskrit thì Nirvāṇa đọc là Níp-bàn. Nhưng cho dù đọc âm nào thì những từ âm đó không có nghĩa, chúng ta phải lấy nguyên gốc của từ thì mới giải nghĩa được.
Chữ Nirvāṇa phát xuất từ một cấu trúc với tiếp đầu ngữ là Nir tức là mất hay là tiêu diệt hoặc là không có. Chữ vāṇa là một tên gọi của tham ái. Và điểm này được giải thích rất cặn kẽ trong chú giải tại sao gọi là Nirvāṇa là bởi vì tham ái là tập khởi của sự khổ, khi không có tập khởi khổ tức là ái tham thì toàn bộ khổ uẩn này sẽ được kết thúc. Vì vậy chữ Niết-bàn cần phải hiểu đó là pháp tịch diệt, chấm dứt tập khởi của sự khổ. Và ở danh từ này chúng ta cần phải hiểu là một danh từ để chỉ cho một trạng thái một tính chất chứ không phải là danh từ, không phải là một tên để gọi cho cõi hay là cho người hoặc là gọi cái gì khác.

Cho nên ở đây chúng ta cần phải hiểu rằng khi nói đến cõi nhân loại (Manussa), cõi trời (sagga) cõi phạm thiên (Brahmaloka). Thì các cõi sống trong cuộc đời này đều có tên gọi và những tên gọi đó để chỉ cho một cõi tái sanh. Thí dụ cõi Đao Lợi (Tāvatiṃsa), hay cõi Đâu Xuất (Tusita), cõi Dạ Ma (Yāmā), cõi Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại chẳng hạn đều có tên gọi. Nhưng chữ Niết-bàn ở đây chúng ta đừng hiểu rằng đó là tên gọi của cõi tái sanh nào đó mà Niết-bàn cái từ này là để chỉ cho một trạng thái hay một tánh chất. Niết-bàn chỉ là cảnh của tâm không phải là cõi, bởi vì tâm đạo quả siêu thế biết được Niết-bàn. Vì vậy cho nên Niết-bàn gọi là cảnh. Đó là chúng ta giải từ. Mặt khác, là chúng ta nói đến Niết-bàn như là một cứu cánh của sự tu tập rốt ráo.

Người làm thiện như là: Bố Thí, Trì Giới, Tu Thiền, Cung Kính, Phục Vụ, Nghe Pháp, Thuyết Pháp, Tùy Hỷ, Hồi Hướng và Cải Chánh Kiến Thức v.v.. người này do làm thiện với tâm thiện dục giới sẽ tạo quả tái sanh cho sanh về cõi vui như là cõi nhân loại và sáu cõi trời dục giới.

Người tu chứng Thiền Sắc Giới (Rùpa Jhàna) và Vô Sắc Giới (Arùpa Jhàna) thì tâm thiền chứng đó, tâm thiện sắc giới, tâm thiện vô sắc giới này sẽ tạo ra thức tái sanh tương ứng với cõi Phạm Thiên sắc giới và vô sắc giới.

Ở trong tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, mặc dù có những cõi khổ và những cõi lạc nhưng cõi lạc đó tức là cõi người cõi Chư Thiên cõi Phạm Thiên chỉ tương đối là an lạc tương đối là hạnh phúc, bởi vì ở những cõi tái sanh như vậy cho đến khi hết tuổi thọ thì dầu cho Phạm Thiên vô sắc là phi tưởng phi phi tưởng lâu nhất đi nữa sống tới 84 ngàn đại kiếp (maha-kappa) nhưng cũng không thoát khỏi sự sanh tử luân hồi không thoát khỏi sự vô thường biến hoại của pháp hữu vi. Còn nói chi là cõi dục giới của chúng ta thì hiện tượng sanh già bịnh chết còn rõ rệt hơn thô tháo hơn và mình sẽ thấy rằng đó là sự khổ.

Nếu ở trong tam giới có sự khổ như thế thì chắc hẳn là phải có sự chấm dứt tình trạng khổ đau này và người ta vì không giác ngộ như Đức Phật, người ta cứ nghĩ rằng hễ có những cõi khổ tất nhiên là phải có những cõi vui cực lạc, nơi đó không có sự khổ nhưng thật ra cõi nào có sự tái sanh và còn nằm trong phạm trù của hữu vi ngũ uẩn, tứ uẩn, hay là nhất uẩn, thì ở cõi đó vẫn còn bị vô thường (anicca) khổ (dukkha) và vô ngã (anattã) chi phối. Để chấm dứt tình trạng này thì có một trạng thái là Nibbàna dhātu tức là trạng thái tịch diệt là trạng thái chấm dứt sanh hữu, chấm dứt sự sanh tử luân hồi. Tại sao chấm dứt được ? Bởi vì khi một người tu tập đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, khi đã hoàn toàn đoạn tận các phiền não thì những vị ấy sẽ chấm dứt sự khổ luân hồi sau khi mệnh chung.

Tùy theo mỗi người có một cách nhận định mà chúng ta hướng tâm đến mục đích nào cũng được. Thí dụ như đối với một vị Bồ Tát một chúng sanh đã ngao ngán đã nhàm chán sự khổ của luân hồi thì vị đó sẽ hướng đến mục tiêu cứu cánh của đời sống tu tập đó là Niết-bàn pháp tịch diệt.

Nhưng có những người vì chưa thấy được mục đích cứu cánh vô vi Niết-bàn là tối thượng, họ chỉ nghĩ đến hạnh phúc cuộc đời ở trong cõi dục giới thì họ hỉ lạc, hỉ tham, đối với sắc đẹp, tiếng ha,y mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.

Có những người tiến bộ tinh thần hơn thì những người này thấy được vị ngọt và sự nguy hiểm của các dục họ bắt đầu có tư tưởng xuất ly khỏi các dục và khi đã xuất ly khỏi các dục họ tu tập chánh niệm an trú tâm theo đề mục để đạt đến trạng thái (Samādhi) là định hay gọi là thiền (jhāna) và tất nhiên hạnh phúc của thiền định cao thượng hơn hạnh phúc của hỉ tham đối với các dục.

Khi người đã tu tập đi vào một ngõ khác cũng giữ được mức độ chánh niệm đối với đề mục nhưng vị này phát huy trí tuệ để thấy được sự "vô thường", "khổ", "vô ngã" của pháp hữu vi và do đi ngõ đó mà vị này chứng đạt được quả vị Alahan. Khi đã chứng ngộ được quả vị Alahán thì vị này làm cho sanh tận, phạm hạnh đã thành, việc lên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, sau đời sống này không còn đời sống khác.

Và ở đây với tình trạng của một vị đã đoạn trừ hoàn toàn các lậu hoặc phiền não không làm cho nghiệp hữu có mặt và không làm cho sanh hữu có mặt thì có hai trường hợp mà Đức Phật Ngài gọi là hai Niết-bàn giới đó là, một trường hợp hữu dư y Niết-bàn và một trường hợp gọi là vô dư y Niết-bàn.

Thế nào được gọi là hữu dư y Niết-bàn?

Chúng ta có nhiều cách để giải thích về chữ hữu dư y Niết-bàn và cũng có nhiều cách để chúng ta giải thích chữ vô dư y Niết-bàn.

Như chúng tôi đã trình bày với qúi vị là trong duyên sinh khi nói đến sự luân hồi, khổ, khổ già, khổ bịnh, khổ chết, sầu bi khổ ưu não, cái khổ đó phát sanh từ sanh hữu từ nơi nghiệp hữu kammabhava và upapatthibhava. Đối với một vị ngay trong hiện tại đã đoạn tận được các lậu hoặc, phiền não, không còn ái tham, không còn sự chấp thủ thời như vậy vị ấy đã đoạn tận được nghiệp hữu. Kẻ phàm phu chúng ta khi hành động làm việc thiện để tránh né điều ác thì mặc dù làm việc thiện nhưng sự ái chấp, quả dị thục của hành động lành vẫn còn, chúng ta vẫn có sự tham cầu mong mỏi và thích thú với đời sống tương lai với phước báu đã làm mong sanh làm người hay chư thiên có được tài sản nhân loại tài sản Chư Thiên.

Thì như vậy với sự mong mỏi đó với ái tham đó dẫn đến hành động mà vị này tu tập bố thí trì giới tu thiền thì sự tu tập này cũng tác thành một loại nghiệp dẫn đến sự tái sanh ở trong cõi vui trong tương lai, chúng ta gọi là nghiệp hữu. Hành động nào có ươm mầm tái sanh trong tương lai hành động đó được gọi là nghiệp hữu, hành động bất thiện hay là nghiệp bất thiện tất nhiên là dẫn đến sự tái sanh trong tương lai về bốn khổ. Còn hành động thiện thì cũng ươm mầm tái sanh trong tương lai sanh về những cõi vui dục giới, hay là cõi Phạm Thiên sắc giới, Phạm Thiên vô sắc giới.

Đối với một vị Alahán, hành động của các Ngài khi mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, những hành động của vị Alahán khi còn sanh tiền tức là khi còn hoạt động thân ngũ uẩn này thời vị ấy không có sự tạo nghiệp hữu, không để lại chủng tử hay là ươm cho sự tái sanh, vì các Ngài mặc dầu thân ngũ uẩn vẫn còn nhưng không có tạo nghiệp mới để dẫn đến tái sanh thì đây được gọi là hữu dư y Niết-bàn hay là Niết-bàn giới có dư y.

Thì chi pháp này chúng ta cần phải hiểu rõ và chúng ta nên biết rằng kể từ khi đắc được bốn đạo bốn quả, thành tựu chánh trí giải thoát diệt trừ các hữu kiết sử thì sau đó tất cả những hành động về thân khẩu ý hay những sở hành của vị Alahán chỉ bằng một loại tâm đổng lực gọi là kiriyà-citta là tâm tố hay là tâm duy tác, thì loại tâm tố hay tâm duy tác mặc dầu vẫn có tư tâm sở (cetànà) phối hợp nhưng mà tư tâm sở đó nó không thành nghiệp dị thời để ươm mầm quả dị thục trong tương lai thì trường hợp này chúng ta gọi là hữu dư y Niết-bàn là như vậy. Nói một cách khác là ngũ uẩn chưa đoạn tận mà chỉ đoạn tận các phiền não lậu hoặc để đoạn diệt nghiệp hữu ngay trong hiện tại thì gọi là hữu dư y Niết-bàn.

Thế nào gọi là vô dư y Niết-bàn?

Một vị Alahán khi viên tịch, trạng thái viên tịch là chấm dứt toàn bộ ngũ uẩn, diệt toàn bộ ngũ uẩn không có sự tái sanh, không sanh hữu, thì như vậy được gọi là vô dư y Niết-bàn. Vô dư y tức là những sanh y ngũ uẩn hay là ngũ uẩn sanh y; sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có hiện khởi nữa thì như vậy gọi là vô dư y.

Chúng ta cần phải hiểu như vầy: Đoạn tận nghiệp hữu (kammabhava) được gọi là hữu dư y Niết-bàn, đoạn diệt sanh hữu gọi là vô dư y Niết-bàn.

Như chúng ta đã biết ở trong duyên sinh thì bắt đầu kể từ:
vô minh duyên hành,
hành duyên thức,
thức duyên danh sắc,
sắc duyên lục nhập,
lục nhập duyên xúc,
xúc duyên thọ,
thọ duyên ái,
ái duyên thủ,
thủ duyên hữu.
Hay nói cho rõ hơn là thủ duyên cho nghiệp hữu, rồi nghiệp hữu duyên cho sanh hữu, từ sanh hữu đó mới duyên cho già, chết, sầu, bi, khổ não trong tương lai.

Thì bây giờ chúng ta sẽ thấy hai tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này kể từ nghiệp hữu cho đến sanh hữu mà vị này đoạn diệt nghiệp hữu, bởi vì đoạn tận được ái nên thủ không có mặt, mà ái và thủ bị đoạn diệt không có mặt thì nghiệp hữu không có mặt. Hành động của vị Alahán không gọi là nghiệp hữu được bởi vì không tích chứa không ươm mầm quả dị thục hay không có ươm mầm tái sanh trong tương lai nữa như vậy gọi là hữu dư y Niết-bàn, và khi vị ấy viên tịch, sự viên tịch của vị Alahán được gọi là vô dư y Niết-bàn.

Kẻ phàm phu chúng ta trong đời sống bình nhật các hành động thiện hay bất thiện đều gọi là nghiệp hữu bởi vì còn sự hậu thuẫn của ái và thủ, và khi còn hậu thuẫn của ái thủ do đó mỗi một hành động về thân, về khẩu, về ý, dầu là hành động tốt hành động thiện đi nữa thì thiện nghiệp đó cũng là mầm dẫn đến sự tái sanh ở trong tương lai và tiếp tục sự khổ đau.

Trong bài kinh này Đức Phật đã giải thích về hai loại Niết-bàn giới là, hữu dư y Niết-bàn và vô dư y Niết-bàn. Sau khi trình bày để chúng ta nắm rõ được thế nào là hữu dư y Niết-bàn và thế nào là vô dư y Niết-bàn và để cho chúng ta được biết tại sao nếu một vị Alahán viên tịch thì mới gọi là Niết-bàn và nếu vị Alahán còn đang sống thì cũng gọi là Niết-bàn, tại sao? thì gọi là hữu dư y là vì vị này còn năm giác quan; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và còn biết được sáu cảnh là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, các Ngài vẫn còn thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, cảnh tốt hoặc cảnh xấu, như vậy dư y là ở chỗ đó. Nhưng gọi là hữu dư y Niết-bàn bởi vì vị ấy đã đoạn tận phiền não, đoạn tận ái là yếu tố để dẫn đến sự tái sanh vị ấy đoạn tận rồi nhưng chỉ vì vị đó sót lại năm uẩn nên gọi là hữu dư y, và khi vị đó viên tịch thì ngũ uẩn mới không còn bị tái tạo gọi là vô dư y Niết-bàn.

Dầu nói cách nào đi nữa thì ở đây chúng ta cũng nên hiểu rằng chỉ cần đoạn diệt được phiền não lậu hoặc thì như vậy đã được gọi là giải thoát rồi, với thân còn sống sót lại để chiêu cảm những quả nghiệp quá khứ hay vẫn để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, với tình trạng khả ý, bất khả ý, dầu sao đi nữa thì hữu dư y Niết-bàn đó cũng không có sự khổ. Với những vị Alahán khi các Ngài dù còn thân tứ đại phải đi khất thực để nuôi ăn, các vị Alahán vẫn còn có thân phải bị già, phải bị bịnh, nhưng tâm của các vị do đoạn trừ được phiền não đã đoạn trừ được nghiệp hữu cho nên vị đó sống an lạc không còn khổ đau như kẻ phàm phu chúng ta. Như Đức Phật Ngài đã dạy:

"Này chư tỳ kheo, đối với các vị Alahán là những vị đã đoạn tận được phiền não do đó khi mà hữu dư y Niết-bàn thì vị đó chỉ còn một tình trạng khổ đó là khổ thân."

Bởi vì thân tứ đại của vị Alahán cũng giống như thân tứ đại của chúng ta vẫn phải chịu xúc chạm với thời tiết nóng lạnh, phải bị khó chịu khi bị đói bị khát, hay là có những chúng sanh đi đến đánh đập vị Alahán gây thương tích cho vị Alahán thì thân của vị Alahán vẫn có sự đau đớn, nhưng mà vị đó vẫn có an lạc bởi vì tâm của các vị này thản nhiên tự tại, các Ngài không có khổ như chúng ta. Chúng ta là kẻ phàm phu bị khổ bởi một lần chúng ta phải bị hai mũi tên tức là gặp những nghịch cảnh chúng ta khởi lên tâm tham hỉ và tham hỉ đó thiêu đốt chúng ta, còn khi gặp nghịch cảnh chúng ta khởi lên tâm sân, trạng thái tâm khó chịu đau khổ. Vị Alahán chỉ còn bị một mũi tên đó là thân thức của Ngài vẫn bị đau khổ.

Đề Bà Đạt Đa lăn đá từ núi Linh Thứu định ám sát Đức Phật ngay tại con đường đi kinh hành của Ngài dưới triền núi. Là một bậc Chánh Đẳng Giác không thể nào chết được do vậy do uy lực của Đức Phật đã khiến cho tảng đá đó bị vướng vào một tảng đá khác và vì nó rơi xuống bằng một sức mạnh nên bị bể ra nhiều mảnh trong đó có một mảnh đá trúng chân của Đức Phật khiến cho Ngài bị cảm thọ khổ đôi ba ngày, nhưng tâm của Ngài vẫn thản nhiên. Lúc bấy giờ lương y Jivaka là một đệ tử của Đức Phật là một thầy thuốc giỏi ở tại thành Rajàgaha vị danh y này đã tìm đến băng bó vết thương cho Đức Phật bằng một loại thuốc cao để cho mau lành, nhưng loại thuốc cao này chỉ bó trong một thời gian ngắn , nếu để lâu thì sẽ làm cho nóng bức sẽ làm cho đau đớn khó chịu thêm, cho nên vị lương y Jivaka này sau khi làm ông ta có ý thận trọng là sẽ ngồi canh chừng để đúng lúc gỡ băng ra nhưng mà rồi có một công việc cần gấp ở trong thành Rajàgaha ông ta phải đi và khi ông ta đi vào thành để cấp cứu cho một bệnh nhân xong đi trở ra thì cửa thành đã đóng. ông lương y Jivaka hối hận nghĩ rằng tại sao mình không ở bên bậc Đạo Sư để chăm sóc sức khỏe cho Ngài khi chân của Ngài được băng lại với một loại thuốc cao chắc chắn là sẽ làm cho nóng và sẽ lở vết thương đó ra. Khi ông ta đang suy nghĩ như vậy thì ở tại Veluvana (vườn Trúc Lâm) Đức Thế Tôn Ngài đã với tâm mình biết được tâm của vị lương y biết được sự suy nghĩ của Jivaka, Ngài bảo Tôn Giả Ananda đã đến lúc phải gỡ băng ra, thì Tôn Giả Ananda đã vâng lời gỡ băng từ chân Đức Thế Tôn và loại thuốc cao đó rất hay nó kéo da non rất nhanh và Đức Thế Tôn đã được thoải mái dễ chịu. Sáng ngày hôm sau khi người ta mở cửa thành thật sớm vị lương y Jivaka đã ra khỏi thành trước và đi đến Veluvana đảnh lễ Đức Phật bạch hỏi rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, ngày hôm qua con cảm thấy khó chịu vô cùng vì con đã xử dụng một loại thuốc cao để băng bó vết thương cho Đức Thế Tôn nhưng loại thuốc cao đó được bào chế rất nóng nếu mà để băng vết thương lâu thì sẽ gây tổn hại da. Bạch Đức Thế Tôn đêm qua Ngài có bị nóng không?"

Thì lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Ngài bảo rằng:

"Này Jivaka, dưới cội cây Bồ Đề Như Lai đã dập tắt sự nóng nảy, tức là những phiền não lậu hoặc làm cho nóng nảy thì lửa nóng đó Như Lai đã dập tắt nó rồi, còn về thân thọ khổ thì ngươi yên tâm, trong lúc ngươi đã suy nghĩ như vậy Như Lai đã biết và đã bảo Ananda mở vết thương đó ra không tiếp tục băng nữa."

Ông Jivaka nghe như vậy ông rất là hoan hỉ qùy xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn một cách kính cẩn: "Ngài là bậc Đạo Sư tối thượng".

Ở đây chúng ta nên hiểu rằng khi một vị Alahán hữu dư y Niết-bàn các Ngài đoạn tận lậu hoặc phiền não và không còn bị nóng nảy bởi những phiền não nhưng thân của các Ngài vẫn còn bị nóng nảy bởi thời tiết hay còn bị đau đớn bởi vết thương do người khác gây ra, nhưng tâm tư của các Ngài kể từ sau khi đã đoạn tận lậu hoặc phiền não thì các Ngài rất tự do tự tại, dầu cho phải nhịn ăn các Ngài cũng không có lấy làm khổ. Các Ngài chỉ bị một mũi tên. Còn kẻ phàm phu chúng ta thì khi gặp những cảnh xấu bị người ta đánh đập chẳng hạn thì lúc bấy giờ thân đã đau khổ mà tâm cũng bị đau khổ buồn bực. Cái khác nhau ở chỗ khi bậc Alahán còn sống sự sống sự sinh hoạt của các Ngài khác hơn phàm phu chúng ta ở chỗ là các Ngài tâm không bị đốt nóng dầu có gặp nghịch cảnh, còn như chúng ta thì tâm bị đốt nóng khi thân bị khổ. Sau khi viên tịch đối với kẻ phàm phu khi tử tâm (cuti citta) đã sanh rồi diệt thì tức khắc tử tâm đó nó sẽ trợ duyên cho thức tái sanh bằng cách là vô gián duyên để tạo kiếp sống mới, còn đối với vị Alahán thì tâm tử của các Ngài không tiếp nối không trở duyên cho tâm tái sanh ở trong tương lai nên gọi là vô dư y Niết-bàn.

Thì ở trong bài kinh đề cập những ý mà chúng tôi vừa trình bày với qúi vị mặc dầu ở trong chánh văn của kinh điển không dẫn chứng nhiều mà chỉ nói đến việc một vị Alahán đã được giải thoát đã được thanh tịnh những phiền não nhưng các Ngài chỉ còn sót lại năm giác quan và còn tiếp xúc với những cảnh là sắc, thinh, hương, vị, xúc, khả ái, khả ý, hoặc khả ái hoặc không khả ái tức là cảnh đẹp hay là cảnh xấu, chúng ta cần phải hiểu như vậy./.