dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Đề tài ngày hôm nay là đề tài định nghĩa về Niết-bàn và cũng đề cập đến con đường dẫn đến Niết-bàn. Định nghĩa về Niết-bàn ở đây của Ngài Xá Lợi Phất là một định nghĩa rất thú vị đã được trích lại bởi rất nhiều tác giả. Dĩ nhiên là ở trên căn bản chúng ta biết rằng Niết-bàn nằm ở bên ngoài tất cả những danh nghĩa mà con người biết đến, không nằm ở trong ngôn ngữ và khái niệm thường thức của chúng ta. Do vậy miêu tả, định nghĩa về Niết-bàn không phải là điều dễ. Tôn giả Xá Lợi Phất lấy ở đây một ý tưởng rất gần rất dễ hiểu, đó là phiền não Niết-bàn. Phiền não Niết-bàn có nghĩa là sự đoạn tận các kiết sử và các phiền não. Nói đến ba thứ phiền não chính thường được tìm thấy ở trong các bản kinh điển Phật giáo, đó là sự dính mắc, đó là sự nóng nảy, sự trái ý nghịch lòng, và sự mê mờ loạn động. Chúng ta gọi tắt là tham, là sân, là si. Khi định nghĩa như vậy thì không hẳn là bao gồm tất cả những ý nghĩa liên quan đến Niết-bàn mà chúng ta thường đọc thấy trong nhiều đoạn kinh khác, nhưng ít nhất ở tại đây trực tiếp đến con đường dẫn đến Niết-bàn. Và khi nói phiền não Niết-bàn nó khác với ngũ uẩn Niết-bàn. Nhưng Phiền não Niết-bàn lại là cánh cửa dẫn đến ngũ uẩn Niết-bàn, tức là một vị chứng đắc hữu dư Niết-bàn đoạn tận phiền não vẫn còn thân ngũ uẩn này rồi vị đó cuối cùng sẽ đến đích điểm của vô dư Niết-bàn thì gọi là ngũ uẩn Niết-bàn. Ở trong cuộc đối thoại giữa tôn giả Sàrìputta và một vị du sĩ ngoại đạo tên là Jambuka . Du sĩ này là cháu kêu Ngài Sàrìputta bằng cậu. Vị du sĩ ngoại đạo này, trong cuộc sống tu hành dĩ nhiên giống như phần đông chúng ta ngày nay là chúng ta đều muốn nói đến giải thoát, không có một vị tu sĩ ngoại đạo nào vào thời bấy giờ không có hiểu rõ cứu cánh giải thoát của đạo Phật là Niết-bàn. Ngày nay người tu Phật nói đến nhiều sự chứng đắc nói đến nhiều cảnh giới khác nhau, thí dụ như Tây Phương Cực Lạc, thí dụ như sanh vào một cõi nào đó, hoặc hiện thân nào đó. Nhưng vào thời Đức Phật còn tại thế thì cứu cánh Niết-bàn Nirodha là Niết-bàn rất rõ rất thực và trở thành rất hiển nhiên ở trong đời sống tu tập của người xuất gia cũng như tại gia. Ngày nay chúng ta vẫn còn tìm thấy ở một số các quốc gia Phật giáo như Miến Điện, Tích Lan, khi đề cập đến Niết-bàn người ta dễ dàng thoải mái khẳng định rằng mình muốn chứng đắc Niết-bàn và cứu cánh giải thoát của Niết-bàn. Những vị nào có sài máy móc, thỉnh thoảng máy móc không được bình thường hoặc giả là nó chạy không được, hoặc giả là nó chạy sai, hoặc giả là nó bị overheat bị nóng lên thì lúc đó chúng ta mới thấy rằng có sự khác biệt nếu giữa cái bình thường và cái không bình thường. Lấy ví dụ như bây giờ chúng ta đang ngồi ở đây để thảo luận Phật Pháp với một nội tâm rất nhẹ nhàng, không có tham, không có sân, không có si, ít nhất là mươi phút, nửa tiếng, một giờ, hai giờ, tâm rất an tịnh. Chúng ta nhìn lại những giờ phút này với những giờ phút mà chúng ta quá dính mắc với cái gì hay nhớ đến những giờ phút chúng ta quá nóng nảy quá bực bội chuyện gì đó hoặc giả là lúc tâm chúng ta tán loạn lao chao, chúng ta so sánh hai giờ phút đó thì chúng ta mới hiểu được là sự có mặt của phiền não và sự vắng mặt của phiền não là một sự khác biệt không ít. Chúng ta thường sống với phiền não và gối đầu lên phiền não. Những lúc như vậy thì chúng ta ít khi nào thấy rằng phiền não là phiền não. Chữ phiền với chữ não là chữ gì làm cho chúng ta không được an lạc. Nhưng có những giờ phút chúng ta sống với phiền não mà chúng ta không cảm thấy phiền chút nào, không não chút nào hết. Lấy ví dụ như mình đi đâu đó thấy một vật gì mình quá muốn quá thích, cái quá thích quá muốn nó dính mắc đối với chúng ta đó là cái gì gọi là hạnh phúc. Bây giờ nếu có ai vỗ vai chúng ta nói rằng khi mình dính mắc những thứ đó mình không còn tự tại, khi mình trở về với trạng thái tự tại mình mới thật sự là hạnh phúc, lúc đó chúng ta khó tin. Cái cảm giác dính mắc, cái cảm giác khao khát đối với chúng ta dường như nằm ở trong gang tất của sự hạnh phúc, thành ra có nhiều người cho rằng chính quá trình được hưởng thụ, sự hưởng thụ quá trình nó quan trọng hơn là chiếm hữu quan trọng, hơn là sự đạt đến. Khi người ta nói đến quá trình hưởng thụ người ta nói đến hi vọng, người ta nói đến nỗ lực thực hiện, người ta nói đến sự sống với cái tâm dính mắc khao khát, và người ta cho rằng sự dính mắc khao khát trong quá trình đó là một niềm hạnh phúc. Chúng tôi lấy ví dụ là lúc chúng ta còn nhỏ, khi tết sắp đến thì rất là mong tết, chính sự mong tết đến như vậy nên thấy thời gian trôi rất chậm, chậm vô cùng, dù đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, dù là ở trong gia đình có những xáo trộn, vẫn mong ngày tết đến, để làm gì, để được mặt áo mới, để được lì xì, để được ăn bánh mứt, ngày tết đối với tuổi thơ thật là vui, nhất là để mặc quần áo mới. Thì trong thời gian chờ đợi mong mỏi từng ngày, mong mỏi từng giờ, khi thấy ở trong nhà chuẩn bị để làm bánh tráng thì đã hoan hỉ, khi thấy chuẩn bị ngắt lá mai để cho hoa mai nở đúng ngày tết cũng hoan hỉ, đưa ông Táo về trời ngày 23 cũng hoan hỉ, và hoan hỉ mãi cho đến đêm giao thừa. Thì đó là những giờ phút chúng ta chờ đợi mong mỏi khát vọng và chúng ta nghĩ rằng đó là hạnh phúc. Cái đó là một trong những thí dụ cho thấy tại sao và đôi khi chúng ta thấy tham không có phiền, tham không có não, mà cảm thấy cái tham cái ham muốn sự dính mắc đó là niềm hân hoan là niềm vui của đời sống. Tâm sân cũng vậy. Có những người sống bằng hận thù, bằng thái độ hiếu chiến, luôn luôn làm tổn hại người khác. Chữ hiếu chiến ở đây thật hay, hiếu chiến và hiếu sát, chữ hiếu ở đây cho chúng ta thấy rằng con người đừng tưởng chỉ với cảm giác tham mới cho con người cảm thấy mình hạnh phúc, mà ngay cả trạng thái sân người ta cũng cảm thấy hạnh phúc, những bạo chúa, những tướng cướp, những kẻ tội phạm và những người sống trong hận thù họ nghĩ rằng hận thù là cái gối đầu êm ái trong cuộc sống của họ và họ luôn luôn tìm cách chỉ trích người này tấn công người kia, làm hại người nọ, tại vì trong những việc làm như vậy họ không thấy đó là phiền, không thấy đó là não, mà họ chỉ thấy đó là hạnh phúc. Tâm si. Có hai trạng thái của tâm si là hoài nghi và phóng dật. Hoài nghi là trạng thái tâm dũ dượi phân vân, phóng dật là trạng thái tâm loạn động. Nói một cách khác, có những giây phút mê mờ tăm tối trong đời sống và ngay cả đương sự sống trong tâm trạng như vậy cũng không thấy đó là phiền não. Chúng tôi lấy ví dụ là người ta thích sống trong cơn say sưa, người ta thích sống với những chất say như là cần sa ma túy, người ta thích những cảm giác một cảm giác gọi là quên đời với tâm tư không bình tỉnh không sáng suốt, và những kích thích tố hay những chất say mờ mịt làm cho người ta một cảm giác hạnh phúc. Sở dĩ chúng tôi nói về điều này là thường chúng ta rất ít khi khẳng định được dính mắc vào một tham là một thứ phiền não, ít khi chúng ta thấy được sân là trạng thái thiêu đốt nóng nảy nó là một thứ phiền não, ít khi chúng ta cảm thấy si là một thứ phiền não, mà chúng ta thấy nó là những đóa hoa thật đẹp làm cho đời sống trở nên rạng rỡ, chúng ta thấy tham sân si như những chiếc gối rất êm để chúng ta tựa đầu, chúng ta thấy tham sân si là lẽ sống mà chúng ta muốn đem vào trong giấc ngủ mà chúng ta muốn có. Cho đến lúc nào đó chúng ta thật sự có được cái duyên để mà sống với một sự tương phản như là một trạng thái có tham sân si và một trạng thái an tịnh không tham không sân không si, thì trong trạng thái an tịnh đó chúng ta cảm nhận được sự an tịnh không tham sân si này đúng là hạnh phúc. Khi một người có thể cảm kích câu Phật ngôn này: Hạnh phúc thay ta sống không hận thù giữa những người thù hận. Giữa những người thù hận ta sống không hận thù. Đó là hạnh phúc. Một ngày an tịnh trôi qua, rất bình lặng, đặc biệt là mùa đông trời tương đối lạnh, có thì giờ yên tịnh để đọc một cuốn sách, để nói chuyện trao đổi với một người pháp hữu rất thân thiết về một điều gì, đó là một ngày nhẹ nhàng. Thật sự phải sống nhiều năm ở trong chùa mới cảm nhận được hạnh phúc của những ngày như vậy. Đa phần là chúng ta đi tìm cái sóng gió, tìm cái hào hứng, tìm cái hứng khởi, tìm cái gì mà nó khác hơn là trạng thái an tịnh đó, mình nghĩ đó là hạnh phúc, nhưng thật sự đó là phiền não. Thì ở tại đây tôn giả Xá Lợi Phất khi nói chuyện với du sĩ Jambuka là người cháu hỏi về Niết-bàn thì Ngài dùng hình ảnh tương phản, Niết-bàn là không tham, không sân, không si, tức là trạng thái không phiền não, trong kinh gọi là "phiền não Niết-bàn". Như là Đức Thế Tôn Ngài thành đạo ở dưới cội Bồ-đề và đoạn tận phiền não. Nhiều Thánh đệ tử Phật đã đi qua nơi đó những giờ phút các Ngài đoạn tận hoàn toàn tham, đoạn tận hoàn toàn sân, đoạn tận hoàn toàn si, những lúc đó gọi là "phiền não Niết-bàn". Nhưng ý của tôn giả Xá Lợi Phất ở đây không đơn giản chỉ nói đến "phiền não Niết-bàn" trong ý nghĩa đoạn tận phiền não mà Ngài còn đặc biệt nói về một điều dể hiểu nhất dễ nói nhất một góc cạnh đặc biệt của Niết-bàn, đó là sự vượt thoát khỏi sư chi phối của phiền não của kiết sử. Bây giờ chúng ta nói về "con đường đưa đến Niết-bàn". Ngay cả một người học Phật rất lâu thì đôi khi chuyện tu tập đạt đến Niết-bàn là chuyện "ôm cây đợi thỏ". Tại vì sao vậy? Chúng ta tuy rằng được thuyết phục với chính mình là mình chứng đắc Niết-bàn là hạnh phúc, nhưng mình thấy giữa đời sống hiện tại của mình và Niết-bàn có một khoảng cách xa vời vợi nó không có liên hệ gì với nhau. Thật ra thì nếu chúng ta đọc kinh điển được Đức Phật truyền dạy đó là "con đường trung đạo" và cái đích điểm của Bát Chánh Đạo, điểm cuối cùng của Bát Chánh Đạo hướng đến đó là đoạn tận phiền não. Ai mà sống với sự phát triển đầy đủ Giới học, Định học, Tuệ học, hay là có đủ Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thì người đó không đứng yên một chỗ mà chắc chắn sẽ chuyển hóa cùng tận đời sống nội tại của mình và cuộc chuyển hóa đó chính là Niết-bàn. Khi đề ra con đường Bát Chánh Đạo thì thật ra đó là một công thức có đầy đủ phương diện liên quan đến khả năng tự chế nội tại. Khi chúng ta nói về Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, điều đó liên quan đến sự phát triển nội tại phát triển tâm lực, định lực, niệm lực như là Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định. Bát Chánh Đạo cũng nói đến cái nhìn chân chánh và một nội tại trong sáng khi nói đến Chánh kiến và Chánh tư duy. Giới học, định học và tuệ học là ba điều cụ thể khả thi nhưng không may cho chúng ta là phần đông chúng ta nặng về triết lý, phần đông chúng ta nặng về cái gì thuộc về siêu hình, chỉ cần thần chú, một pháp môn tu tập thì chúng ta có thể đạt đến chỗ đoạn tận phiền não. Ở trên thực tế thì cái trình tự nó là một trình tự ở trong cái trình tự đó tối thiểu chúng ta cũng nhận ra rằng có thể làm được hơn là nó chỉ mơ hồ. Chúng tôi lấy một cái ví dụ là, trong nền văn hóa người Trung Hoa hay người Mỹ khi sống gần họ thì thấy rằng việc làm giàu là một việc nỗ lực tự nhiên ở trong tầm tay, nhưng khi nói đến việc làm giàu với nhiều người Việt Nam thì chúng ta không hi vọng làm giàu vì chúng ta nặng về bản chất khoa bảng. Khi chúng ta nặng về khoa bảng thì chúng ta nghĩ rằng con cái học làm kỹ sư làm bác sĩ có một nghề nghiệp vững chắc thì là sống thoải mái cho đến già, còn chuyện thành lập một cơ sở thương mãi thành công, mở một công ty lớn rồi trở thành triệu phú trở thành tỉ phú để kinh bang tế thế thì chúng ta ít nghĩ đến, chúng ta nghĩ văn hóa đó đối với chúng ta không là điều lợi ích. Thật ra đối với chúng ta điều đó là điều tự nhiên. Bởi vì sao vậy? Chúng ta nghĩ rằng chuyện đó không khả thi. Trong một thống kê người ta tìm thấy là người Á Châu rất ít khi nghĩ rằng họ có thể lãnh đạo mà muốn đóng những vai trò phụ, chỉ muốn làm lính chứ không muốn làm vua, ít khi nào nghĩ đến chuyện lập công ty cả mấy trăm ngàn người mà mình có thể làm được. Dĩ nhiên có một số các quốc gia Á Châu có khả năng đào tạo cái ý muốn của tuổi trẻ là lớn lên có thể làm chuyện thương mại lập lên những công ty lớn. Phần đông chúng ta sống trong một quốc gia nghèo đầu óc của chúng ta là những tiểu thương, chỉ muốn làm tiểu thương, muốn có một cái tiệm nho nhỏ, muốn có công ăn việc làm nho nhỏ, và thấy con đường kia không có khả thi, tại vì điều đó nó được reo rắc vào trong đầu của chúng ta hồi nhỏ chúng ta thấy rằng sẽ không bao giờ thực hiện được. Tương tựa như vậy, khi chúng tôi nói chuyện với những người Phật tử Miến Điện họ thường hành thiền thì thái độ và cảm giác của họ về việc tu tập Bát Chánh Đạo và chứng đắc Niết-bàn rất khác với cảm giác của Phật tử Việt Nam trung bình. Người Phật tử Việt Nam thì cho rằng chuyện đó tin là có nhưng mà là chuyện "ôm cây đợi thỏ ngồi chờ sung rụng năm khi mười họa" chứ không phải là câu chuyện dẫn đến Niết-bàn. Tại vì sao vậy? Văn hóa của đạo Phật Việt Nam chúng ta nặng về triết lý hơn về thực hành, và khi nặng về triết lý thì thật sự người ta không coi trọng pháp Bát Chánh Đạo, tại sao người ta không coi trọng Bát Chánh Đạo? Là bởi vì mang tánh cách cụ thể và có thực hành được. Những lúc chúng tôi nói chuyện với người Phật tử Miến Điện, họ nổi tiếng thực hành thiền định hay người Phật tử Tây Tạng, thì những người đó họ xem chuyện tu khổ công thì có khổ công nhưng khả thi là có thể thực hiện được. Còn ở những quốc gia mà sự thực hành không có nhiều, thí dụ như Việt Nam, thì chúng ta xem chuyện đó là chuyện có thể làm được nhưng mà bằng niềm tin và niềm tin rất là mơ hồ, chúng ta phải dùng chữ "ôm cây đợi thỏ" tại vì chuyện đó khó quá mình không có làm. Thì ở đây Ngài Xá Lợi Phất trong câu trả lời của Ngài cho du sĩ Jambuka, Ngài đã ghép hai đầu mối khi hỏi về Niết-bàn, Ngài có một định nghĩa về Niết-bàn trong một cách thế tương đối là gần nhất dễ hiểu nhất đó là đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, và khi nói đến con đường dẫn đến Niết-bàn thì con đường đó là một con đường khả thi chứ không phải là con đường đầy triết lý, con đường đó là con đường của Giới học, Định học, Tuệ học, của Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, cho dù chúng ta không thể hoàn thành con đường đó dể dàng nhưng ít nhất con đường đó và chỗ đến đó, đường đi đó nó cũng nằm ở trong sự hiểu biết cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể làm được hơn là con đường mơ hồ. Thành ra đối với chúng tôi thì câu trả lời này hàm xúc và tuyệt diệu. Nhưng nhiều người trong chúng ta xem chuyện đó là bình thường. Thật ra phải nói rằng với nhiều quốc gia mà nghe nói định nghĩa Niết-bàn là đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, không có ý ngĩa gì quan trọng hết, và nói con đường đi đến Niết-bàn là Bát Chánh Đạo cũng không có gì quan trọng hết, những chuyện đó thường là chúng ta đọc chúng ta xếp qua một bên, chúng ta thường đi tìm cái gì cao xa ảo diệu, cái gì li kỳ. Nhưng những điều đó thì thật sự là chuyện thả mồi bắt bóng, chuyện xa vời. Chúng ta không có một sự khẳng định rõ ràng tương đối cho chúng ta thấy rằng đó là việc ở trong tầm tay của mình. Tóm lại bài học ngày hôm nay, chúng ta nghe một vị Thượng Thủ Thinh Văn đại đệ tử của Đức Phật trả lời cho du sĩ ngoại đạo một câu hỏi thế nào là Niết-bàn, thế nào là con đường đi đến Niết-bàn. Câu trả lời của Ngài, lời dạy của Ngài có nhiều điều để chúng ta suy ngẫm và có thể chúng ta xem những điều đó không phải là một điều khả thi nhưng chúng ta nhìn lại thì khó có thể có một định nghĩa tốt hơn, khó có thể có một lời trình bày tốt hơn là lời trình bày của Tôn Giả Xá Lợi Phất. Thật sự điều đó cho chúng ta nhiều điều để suy nghĩ ./. |