dieuphap.com
Trang chính
TT Tuệ Siêu: Trong hai đề tài chúng ta học hôm nay: Đề tài thứ nhất nói về bốn pháp hưng thịnh của gia đình, đó là bốn pháp rất thực tế trong đời sống hiện tại mà Đức Phật đã thuyết. Kế đến chúng ta học về tám nguồn công đức sanh trời người, pháp này cũng là pháp thực tế nhưng lại thiên về nguồn sống tâm linh an vui cho đời hiện tại cũng như an vui cho đời tương lai. Qua đó chúng ta thấy rằng đạo Phật không chủ trương một vấn đề cầu nguyện suông. Thông thường thì người ta nghĩ rằng người chết nhờ tụng kinh hộ niệm nên mới được sanh làm trời làm người, nhưng ở đây chúng ta thấy rằng chính do nguồn công đức người ta đã làm mới được tái sanh vào cảnh trời cảnh người. Người Phật tử chân chánh có trí tuệ biết pháp thì chúng ta nên lưu ý ở điểm này. Khi đề cập đến tám pháp là nguồn công đức sanh trời người Đức Phật Ngài đề cập đến hai điều: Một là qui y Tam Bảo, hai là thọ trì năm giới. Nhưng trong Tăng Chi Bộ kinh quyển bốn, Đức Phật Ngài nói chi tiết và Ngài không chỉ nói đơn giản như chúng ta thường nghe về Tam Qui và Ngũ giới, mà Ngài nêu rõ tám chi tiết. Khi chúng ta nói đến một người qui y Phật Pháp Tăng thì lại nghĩ rằng vấn đề này bị giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo. Một số người khi chưa có niềm tin nơi Phật Pháp Tăng, chưa phải là người Phật tử thì tự nhiên họ cảm thấy rằng điều đó không cần thiết đối với họ. Nhưng ở đây hãy tìm hiểu chúng ta sẽ thấy. Bây giờ chúng tôi không muốn nói đến vấn đề là Tam Bảo Phật, Pháp Tăng trong sự tín ngưỡng mà chúng tôi muốn nói đến giá trị của Đức Phật, của Giáo Pháp, của Tăng Chúng như thế nào rồi chúng ta sẽ thấy rằng sự quy ngưỡng về ba ngôi báu đó sẽ tạo cho chúng ta nguồn công đức để sanh trời người. Trước nhất là quy y Phật. Trên thế gian này có một người đã hoàn toàn giải thoát do tự Ngài tìm ra được chân lý giải thoát và Ngài thuyết pháp để dắt dẫn chúng sanh cùng giải thoát như Ngài, đó là Đức Phật. Trong kinh tập Sutta Nipata có nói đến một điều giữa các loài hai chân, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác là tối thượng. Bậc Chánh Giác là chỉ Đức Phật và giữa các loài hai chân là chỉ Chư Thiên và nhân loại. Khi những người khác hay các vị Chư Thiên Phạm Thiên, những chúng sanh đó sống đắm chìm trong dục lạc hữu trần hay đắm chìm trong hạnh phúc của quả phước mà họ đã tạo, họ luôn luôn bị vô minh che lắp không thấy được con đường để chấm dứt tử sanh thì giữa các loài hai chân, giữa Chư Thiên và nhân loại có một bậc đã tự mình giác ngộ. Ngài được ví như trong số những quả trứng của con gà trong đó có một quả trứng mà con gà này có sức mạnh hơn cả, nó dùng cái mỏ chọc thủng vỏ trứng và thoát ra bên ngoài. Thì Đức Phật Ngài ví dụ rằng con gà đó xứng đáng là con gà đầu đàn. Cũng vậy giữa chúng sanh sống trong tăm tối Đức Phật là người đầu tiên đã phá vỡ vỏ trứng vô minh để thoát ra bên ngoài và tìm được ánh sáng chân lý cho nên Ngài là bậc tối thượng ở đời. Ngài thuyết giáo pháp của Ngài là giáo pháp được khéo thuyết, giáo pháp chân thiện mỹ. Lời dạy của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác không phải là những tín điều, không phải là những lời nói mơ hồ huyễn hoặc, hay là những thuyết lý xa xôi, hoặc là những lời hứa hẹn cho con người sống quên thực tại. Không phải vậy. Lời dạy của Đức Phật trước nhất là được khéo thuyết bởi văn nghĩa cụ túc, thứ hai là thiết thực hiện tại, như chúng ta đã được nghe trong những bài thuyết cho người cư sĩ thì những thuyết đó hoàn toàn thiết thực. Ngay trong đề pháp đầu buổi học ngày hôm nay chúng ta nghe Đức Phật Ngài thuyết về bốn pháp hưng thịnh gia đình thì chúng ta thấy sự thiết thực của giáo pháp như thế nào. Giáo pháp này Đức Phật Ngài thuyết vì Ngài chỉ nói lên thực tế về sự khổ, Ngài trình bày về nguyên nhân sanh khổ, và Ngài chỉ cho thấy sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ đó. Ngài chỉ thuyết lên sự thật, vì vậy giáo pháp này vượt ngoài thời gian không bị giới hạn bởi thời gian, không phải chỉ có giá trị ở quá khứ thời Đức Phật còn tại thế mà còn cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn thấy những lời dạy đó thiết thực và cho đến ngày sau ở tương lai cũng vậy. Ai hiểu và thực hành theo đó thời cũng sẽ được sự an lạc hạnh phúc. Cho nên giáo pháp này gọi là vượt ngoài thời gian. Và giáo pháp Đức Phật Ngài thuyết để đến thấy chứ không phải đến để mà tin, tin một cách mù mờ. Hãy đến để thấy được chân lý, thấy được giá trị của sự thật và thấy được cách sống như thế nào có lợi ích đời này đời sau, Ngài nêu rõ, và chúng ta là những người phải tự thấy được con đường đưa đến sự an lạc đó và thực hành. Tăng chúng đệ tử của Đức Thế Tôn không phải là những vị giáo sĩ trung gian chỉ bằng một hình thức của một người mặc giáo phục để rồi từ sáng cho đến chiều chỉ tụng niệm hay chỉ giúp cho người cư sĩ được hoàn tất nghi lễ tôn giáo. Không phải như vậy. Và Tăng chúng đệ tử của Đức Phật những vị đã thấy rõ cuộc đời là phù du giả tạm, các Ngài đã từ bỏ đời sống gia đình để sống đời sống không gia đình, sống đời sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Đức Thế Tôn, các Ngài nỗ lực tinh tấn sống chánh niệm tỉnh giác trong thiền định để đoạn trừ những phiền não, cắt đứt mọi kiết sử ràng buộc và các Ngài đã đạt đến từ thánh quả Tư Đà Huờn hoặc Tư Đà Hàm hoặc A Na Hàm và cuối cùng cái thánh quả cao nhất trong đời sống phạm hạnh là quả vị A La Hán. Tăng chúng đệ tử của Đức Phật chỉ là những vị tu hành theo đường lối của Đức Phật để tự giải thoát bản thân khỏi luân hồi sanh tử song song đó các Ngài mới thay mặt Đức Thế Tôn để dạy những giáo lý của Đức Phật đến người cư sĩ nghe và thực hành. Chỉ thỉnh thoảng cần hổ trợ tinh thần của người cư sĩ thì Chư Tăng mới tụng đọc những bài kinh những Phật ngôn có uy lực để tăng trưởng niềm tin của người cư sĩ mà chúng ta gọi là tụng kinh cầu an. Chỉ có hình thức như vậy nhưng chúng ta phải nhớ là Tăng chúng thay mặt Đức Phật thuyết pháp hướng dẫn cho người Phật tử tu tập khi Đức Thế Tôn đi vắng hoặc khi Đức Thế Tôn đã Niết-bàn. Nếu chúng ta hiểu điều này thì chúng ta thấy giá trị của ba ngôi báu là Đức Phật, giáo pháp và Chư Tăng không phải là những gì huyền bí mà đó chính là một sự thật. Khi một người có lòng tịnh tín nơi Đức Phật có nghĩa là người đó đã thấy được giá trị của con đường thoát khổ mà chính Đức Phật Ngài đã đạt đến đã đi qua và đạt đến mục đích. Một người quy y Pháp tức là một người đã thấy được giá trị thiết thực hiện tại của giáo pháp rồi tự họ phát nguyện rằng con xin nương tựa giáo pháp, nương tựa lời dạy của Đức Thế Tôn, kể từ nay trở đi trong đời sống luôn luôn con thực hành theo lời dạy của Đức Phật để làm cho cuộc sống được an lạc và làm cho người khác được an lạc là vì chúng ta nghĩ rằng giáo pháp này còn được duy trì cho đến ngày hôm nay là do nhờ ở Tăng chúng. Có Chư Tăng thuyết pháp dẫn giải cho người cư sĩ hiểu được Phật ngôn lời dạy của Đức Phật thì người cư sĩ mới thực hành được tốt đẹp. Chúng ta thấy giá trị của Tăng chúng như vậy nên chúng ta qui y Tam Bảo. Khi mà chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng không có nghĩa là chúng ta nương tựa cầu vọng tha lực Tam Bảo để gia hộ hay là để ban phước lành cho chúng ta, mà chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là chúng ta thể hiện được tâm hướng thiện từ bỏ những điều ác, tích cực làm các việc lành. Trao dồi tâm trong sạch bằng cách chúng ta nương Đức Phật nương giáo pháp của Đức Phật, nương Tăng chúng đệ tử của Đức Phật để luôn luôn lúc nào cũng được nhắc nhở khích lệ mà tu tập. Nếu chúng ta qui y Tam Bảo với ý nghĩa đó, với thái độ đó, thì sự qui y này mới thật sự là nguồn công đức để giúp cho chúng ta sanh vào cõi trời người sau khi chúng ta mệnh chung. Cho nên đối với một người Phật tử chân chánh gọi là qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, hễ họ càng có lòng tin qui y Tam Bảo chừng nào họ càng là người có đạo đức nhiều chừng đó, bởi vì họ xét thấy rằng Đức Phật là bậc Vô Thượng Sĩ Anuttaro là bậc có đức hạnh không ai bì. Chúng ta thấy giáo pháp dạy những điều kinh nghiệm sống, Tăng chúng đệ tử Đức Thế Tôn hướng dẫn những điều tốt lành, khi chúng ta qui y Tam Bảo chúng ta sẽ thể hiện được thiện tâm thiện trí tu tập hạnh lành. Vì vậy sự qui y Tam Bảo ở đây là ngưồn công đức lớn chứ không phải chúng ta qui y Phật để Ngài cứu rỗi cứu độ cho chúng ta sanh về cõi trời. Không phải chúng ta qui y Pháp chúng ta tụng đọc hoài những bài kinh đó để mong rằng Pháp sẽ hộ trì cho mình sanh về cõi trời. Không phải chúng ta qui y Tăng để khi chúng ta lâm chung hay sau khi chúng ta mệnh chung rồi Tăng chúng sẽ đến để tụng cầu siêu, trợ niệm cho chúng ta sanh về cõi trời. Không phải như vậy. Đức Phật đã từng dạy rằng nếu là một tảng đá ném xuống hồ nó sẽ chìm và không ai có thể cầu nguyện để cho tảng đá nổi lên được, và nếu dầu đổ xuống hồ thì cũng không ai nguyền rủa cho dầu chìm xuống đáy nước. Cái gì nhẹ thì sẽ nổi và cái gì nặng sẽ chìm, mà cái nhẹ ở đây tức là tu tập về thiện pháp và nặng ở đây là thực hành ác pháp. Thì người Phật tử qui y Tam Bảo có nghĩa là chúng ta nương vào ý chí và nương vào lời dạy của bậc giác ngộ để chúng ta làm nhẹ đi nghiệp chướng để sau khi mệnh chung được nổi lên tức là được sanh vào cõi trời người, để chúng ta từ bỏ những ác pháp không làm cho nó nặng để bị chìm xuống sau khi mệnh chung bị đi xuống điạ ngục ngã qủi súc sanh a tu la. Như vậy thì sanh ở cõi trời người hay không là do sự nặng nhẹ của tinh thần tu tập hay là không tu tập. Còn sự qui y Tam Bảo chỉ có nghĩa là chúng ta làm cẩm nang cho chúng ta có phương hướng, nương tựa vào định hướng đó, cũng giống như những chiếc tàu hay thuyền đi trên biển cả nếu không có những ngọn hải đăng hay không có những hoa tiêu để chỉ đường thời sẽ va chạm vào đá ngầm trong đêm tối. Không có nghĩa là những chiếc thuyền chiếc tàu đó hoàn toàn ỷ lại vào ngọn hải đăng sẽ giúp cho mình thoát hiểm mà người thuyền trưởng khi nhìn thấy ngọn hải đăng dầu cho lái tàu đi đến đâu đi nữa, đi hướng nào thì nhìn ngọn hải đăng đó thì biết rõ chỗ đó là đất liền chỗ đó là có đá ngầm v.v.... biết rõ như thế, thì người Phật tử qui y Tam Bảo cũng giống như là chiếc thuyền nương vào ngọn hải đăng để lèo lái con thuyền cho được an toàn. Bây giờ chúng ta nói đến vấn đề giữ năm giới. Trong bài kinh này Đức Phật đặc biệt Ngài dùng đến cụm từ abhayadānaṃ là vô úy thí. Có ba loại bố thí: Nhưng trong vô úy thí ở Phật giáo rất là cụ thể. Đức Phật Ngài khẳng định một điều là: Ngũ giới Panca Sila được gọi là manussa dhamma gọi là đạo đức của loài người, đó là một giới hạnh, một đức độ có từ ngàn xưa mà Đức Phật Ngài chỉ lập lại và Ngài khuyến khích sống và thực hành như vậy. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng ngũ giới có trước khi Đức Phật xuất hiện ở đời con người vẫn biết giữ ngũ giới chứ không phải là không biết, bởi vì đó là đức độ mà các bậc hiền trí đã nghĩ ra và đã thực hành để đem đến sự an vui cho mình và cho người khác. - Trước hết là khi chúng ta giữ giới không sát sanh. Sát sanh có nghĩa là cướp đoạt mạng sống của chúng sanh khác. Người mà quen tánh sát sanh xem thường mạng sống của chúng sanh khác, muốn cho sống thì sống, muốn bắt chết thì chết, thời như vậy đối với người đó luôn luôn là nỗi ám ảnh của chúng sanh khác. Trong khi người Phật tử chúng ta giữ giới từ bỏ sự sát sanh thì không những chúng ta tự tạo cho mình một sự an vui do vì tâm không độc ác mà chúng ta còn có một điều nữa là ban bố sự an tâm cho người khác, ban bố sự thanh bình cho người khác khiến cho người khác cảm thấy thoải mái yên tâm không lo sợ khi họ sống gần chúng ta, thì như vậy gọi là vô úy thí do sự không sát sanh. - Giới thứ hai cũng vậy, được gọi là vô úy thí bởi vì khi người khác có tài sản họ rất sợ trộm cướp, những tên cướp hay những tên trộm đột nhập vào nhà hay kề dao trên cổ bắt đưa ra tài sản thì như vậy người có tài sản họ rất khổ sở sợ hãi. Vì vậy khi một người giữ giới từ bỏ sự trộm cắp thì đối với người này đã ban bố cho chúng sanh khác sự không sợ hãi mới gọi là vô úy thí, chính điều này đem đến nguồn công đức cho đời sau. - Giới thứ ba, không tà ác trong các dục, nói một cách nôm na là không tà dâm, nói rõ hơn là không phá hoại gia cang của người khác, không làm mất đi hạnh phúc của gia đình khác. Chúng ta thường thấy thí dụ như ở trong một gia đình chồng vợ đang hạnh phúc nhưng bất chợt có một người thứ ba xen vào làm cho tình cảm của vợ chồng họ lạnh nhạt và bắt đầu rạng nứt thời đó là nỗi ám ảnh của xã hội loài người. Khi một người Phật tử sống từ bỏ tà hạnh trong các dục, có sự tri túc trong tình cảm vợ chồng trong nhà mà không nghĩ đến việc xen vào phá hoại gia cang của người khác hay là phá hoại tiết trinh của người khác làm cho người khác bị đau khổ phải bị mang tai tiếng v.v... thời như vậy được xem là người Phật tử đã ban bố cho chúng sanh sự an lành. Có câu chuyện rất thương tâm chúng tôi có đọc được trong Chuyện Xưa Tích Cũ, câu chuyện này có thật người ta ghi chép lại là thời ấy có người thương buôn có người vợ rất đẹp và người thương buôn này có một người bạn cùng đi chung hùn hạp tài sản với nhau để đi buôn, nhưng người bạn đó lại có dã tâm muốn cướp đoạt người vợ của bạn nên dùng thuyền để chuyên chở hàng hoá đi buôn ở xứ khác, anh ta dàn cảnh để cho người bạn của mình uống say và rủ nhau ra ngoài mạn thuyền để ngắm cảnh, trong lúc đang say rượu và mơ mơ màng màng thì anh chàng lái buôn này đâu ngờ được người bạn có dã tâm hại mình nên không chú ý cứ lo nhìn trời nhìn đất và anh chàng bạn dã tâm đó đã xô anh thương buôn xuống sông, khi té xuống sông vì say rượu cho nên cứ chìm xuống rồi đạp nổi lên chìm xuống rồi đạp nổi lên người bạn ở trên này dùng cây sào để đẩy chìm anh ta xuống chứ không phải là lấy cây sào để kéo lên, và một hồi mệt lả anh ta đã chìm xuống đáy sông mà chết, thì người bạn dã tâm này liền thu xếp trở về và giả bộ như thương tiếc bạn mình vì bị tai nạn rủi ro mà chết và buổi đầu thì đi đến chăm sóc gia đình trong cảnh vợ của bạn goá bụa, dần dà anh ta mới đưa vấn đề là làm theo lời của người bạn trước khi chết anh ta phải chăm sóc giùm vợ bạn, nhưng mà rồi anh ta đã cướp người vợ của bạn mình, ba năm sau thì án này được phát hiện ra. Khi con người sống không có giới thứ ba tức là không từ bỏ tà hạnh trong các dục thì sẽ làm mối đại họa là mối lo ngại cho những gia đình đầm ấm hạnh phúc, những cặp vợ chồng đang sum vầy vui vẻ nếu có một người bạn của vợ hay bạn của chồng thường lân la đến nhà thì sẽ làm cho vợ chồng bắt đầu có sự lục đục và đi đến chỗ đổ vỡ. Khi người Phật tử giữ giới thì chúng ta sẽ đem đến chúng sanh một sự an lành một sự an toànkhông lo sợ, như vậy mới gọi là vô úy thí. - Giới thứ tư, không nói dối. Ở đời này chúng sanh bị mất mát tài sản hay bị lâm vào những hoàn cảnh nghiệt ngã là chính do sự dối trá của cuộc đời. Sự dối trá của cuộc đời làm người ta tiền mất tật mang cho nên ai cũng sợ mình bị lừa gạt về tình cảm, bị lừa gạt về tài sản v.v... ai cũng sợ thế, cho nên đối với người Phật tử mà giữ giới từ bỏ sự nói dối sống với pháp chân thật thì chính người Phật tử đó đã ban bố cho chúng sanh sự an lành an toàn không sợ hãi gọi là vô úy thí. - Giới thứ năm, không uống rượu. Những người uống rượu, đừng nghĩ rằng nhờ có rượu nên tình giao giữa bạn bè mới thắc chặc, đó chỉ là chúng ta nói thôi chứ các bậc hiền triết xưa nay luôn luôn cảnh giác một người nghiện ngập rượu chè là mối đại họa cho người khác. Thứ nhất khi một người say sưa không ý thức không tự chủ được bản thân của họ thế là họ có thể giết người, họ có thể hãm hiếp phụ nữ, hoặc là họ có thể quậy phá làng xóm, họ có thể đánh đập cha mẹ hay chửi mắng vợ con v.v... đối với những người uống rượu say sưa như vậy là một tai họa là nỗi lo sợ cho những người chung quanh chớ không phải là một sự yên ổn. Nói theo cách của người ta nói là uống rượu để giao tiếp để thắc chặc tình bằng hữu v.v... thật ra uống rượu theo cách của người xưa thì cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm nhưng rượu chè theo kiểu thời nay thì lại rất nguy hiểm. Tuy nhiên dầu cho thời nào đi nữa thì rượi đi vào nó cũng sẽ là một nguồn của tội lỗi là bởi vì làm cho tinh thần bị rối loạn thiếu tự chủ do đó họ có thể không ý thức được cái gì mình đang làm, thậm chí họ có thể cởi bỏ y phục nằm vật vã ở trên bờ ruộng hay trên đường đi bụi nhớp đầy người, làm như vậy bà con lối xóm đi ngang kẻ đi qua người đi lại xem thường người này và người trong gia đình của người này hổ thẹn với hàng xóm, thì đó cũng là nỗi khổ cho người ở trong gia đình. Một người Phật tử sống từ bỏ uống rượu và chất say, từ bỏ sự nghiện ngập rượu chè cũng sẽ làm cho mọi người được an vui và những người ở trong gia đình cũng được an lạc không có sự lo sợ, thì như vậy mới gọi là vô úy thí tức là bố thí sự không lo sợ. Ở đây năm giới Đức Phật Ngài đã nói đến là một cách bố thí sự an vui cho người khác, bố thí sự không sợ hãi đến người khác, chính do đời sống của mình không làm cho người khác bị sợ hãi mà ban cho người khác sự an toàn sự an lành thì chính đây là nguồn công đức để cho người này được tái sanh về cõi trời hay cõi người. Như vậy ở đây trong pháp môn này chúng ta có hai phần: Một phần là chúng ta qui y Tam Bảo là để chúng ta củng cố thiện pháp, một phần là chúng ta giữ giới để chúng ta ban rải sự an lành đến cho chúng sanh khác, củng cố thiện pháp cho mình và ban rải sự an lành cho chúng sanh khác cũng là thiện pháp cho mình nên sẽ đưa đến nguồn công đức được sanh về cõi trời hay cõi người. Khi có dịp chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về quả phúc qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, chúng ta tìm hiểu thêm về quả phúc của việc giữ năm giới, người mà giữ giới không sát sanh có 11 quả phúc như thế nào v.v... ./. |