dieuphap.com
Trang chính
Chánh Văn: 1. - Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời, biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết pháp?
TT Giác Đẳng giảng: Đề tài ngày hôm nay nếu chúng ta thường đọc kinh điển thì thấy rằng là một đề tài mà chúng ta thường được nghe. Trước nhất chúng ta thấy rất rõ là Đức Phật Ngài giảng pháp không mang tính mơ hồ mà Ngài đưa ra những lời dạy rất cụ thể. Tuy vậy, riêng với bài học này thì có một vài điểm mà chúng tôi phải nói rõ trước khi đi vào chi tiết. Thứ nhất, hai pháp đầu tiên: một là biết pháp, hai là biết nghĩa. Ở đây Đức Phật định nghĩa thế nào là pháp, thế nào là nghĩa, chúng ta không thể nào lẫn lộn được, trong chữ Phạn có chữ dhamma và chữ Artha. Chữ Dhamma có thể dịch là Pháp cũng có thể dịch là Nhân. Chữ Artha có thể dịch là Nghĩa cũng dịch là Quả. Do vậy trong nhiều bản dịch người ta dịch là 7 pháp bậc thiện trí là: tri nhân, tri qủa, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội và tri độ. Thì tri nhân tri quả là biết nhân của các pháp, biết quả của các pháp. Thí dụ bây giờ mình biết sự việc này sẽ dẫn đến hậu quả nào tức là biết nhân, mình biết sự việc này do nhân nào thì là biết quả. Mình thấy được đầu mối của vấn đề thì gọi là biết nhân, mình thấy cái hệ lụy về sau thì gọi là biết quả. Tuy vậy đối với bản kinh này Đức Phật đơn cử rất rõ ở đây là, Dhamma được hiểu là Pháp, Artha được hiểu là nghĩa. Và trong phần Pháp, Đức Phật nói có 9 loại kinh điển mà trong giây lát chúng tôi sẽ đi vào chi tiết của 9 loại bài kinh điển này. Thứ hai, chữ tri kỷ tri bỉ, thật ra là cách nói thông thường của người Trung Hoa mà chúng ta nghe ở trong Cung Tử Binh Pháp, thí dụ như "tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng - biết người biết ta trăm trận trăm thắng." Nhưng chữ tri kỷ tri bỉ cũng có một chút hơi khác nghĩa với ý nghĩa bài kinh này. Thứ nhất là về thứ tự, thì ở trong cách nói của chúng ta thường thì tri kỷ tri bỉ được sắp hàng thư tư, còn ở trong bài học này thì sắp ở cuối cùng là "biết người", chữ biết người biết ta thì chữ biết người ở đây không có tánh cách đối đãi bình thường. Ví dụ như nói mình đánh trận biết người biết ta tức là biết mình và biết kẻ địch, hay nói chuyện với ai thì mình biết người đó là ai, nhưng ở đây chữ "puggala" có hàm ý rộng hơn, không phải chỉ biết người đối diện với chính mình mà chúng ta thật sự biết rõ người đó căn tính như thế nào. Chúng tôi lấy thí dụ là đọc một quyển sách nói về ông Albert Einstein cái nhận định của ông chẳng hạn thì mình phải hiểu rõ con người của ông là ai để mình lượng giá, ông với mình không đối đãi nhau như là tri kỷ tri bỉ như trong cách nói bình thường mà ở đây là mình đọc cái đó mình biết rằng người đó họ có cái quá khứ là như vậy, cá tánh là như vậy, thì phương diện đó phải như vậy - chúng ta gọi là biết người. Do đó chữ biết người ở đây không có tánh cách đối đãi và được sắp hàng thứ 7 thay vì hàng thứ 4 như là trong danh sách mà chúng ta thường nghe. Chúng tôi nói một cách tóm tắt lại là trong 7 pháp bậc thiện trí thì thường chúng ta nghe nói đến là, tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ. Thì tri nhân, tri quả ở đây không sai với Phạn ngữ nhưng ở trong định nghĩa của bài kinh này thì một người biết pháp, biết nghĩa, có nghĩa là pháp thì họ biết các loại pháp, biết nghĩa lý của pháp chứ không phải là tri nhân, tri quả. Và phần tri kỷ tri bỉ, thì tri bỉ ở trong bài kinh này định nghĩa không phải chỉ là biết người đối tác, hay là người đối địch, hay là người đối diện với mình, mà ở đây là biết những hạng người trong chúng sanh, dầu đó là người tìm thấy ở trong sách vở hay người đó ở nghe thuật lại, hay người đang đối mặt với mình, người đó sống ngày hôm nay hay là sống ngày hôm qua v.v... thì chúng ta biết có khả năng lượng định chúng sanh. Bây giờ chúng ta đi vào 7 pháp này, hôm nay quí vị kiên nhẫn với chúng tôi một chút bởi vì trong phần đầu chúng ta nói biết pháp và biết nghĩa hai pháp đầu tiên. Riêng phần biết pháp này Đức Phật Ngài đặc biệt nêu rõ những thể loại khác nhau của Phật Pháp và ở đây hé mở cho chúng ta biết là Phật Pháp được phân loại thời Đức Thế Tôn còn tại thế như thế nào. Trước nhất, trong bài kinh này Đức Phật đề cập đến 9 loại kinh điển: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Có một danh sách khác phổ thông hơn ở trong Hán Tạng gồm có 12 loại kinh cũng tương tựa như vậy, nhưng có một số thí dụ gọi là dụ ngôn. Hôm nay chúng tôi không có mục đích so sánh hai danh sách này, chúng tôi chỉ đề cập đến cái gì được nói tại đây, trong một dịp nào đó chúng ta nói thêm về những loại kinh điển này. Có lẽ là quí Phật tử cần một chút tưởng tượng là Đức Phật Ngài trình bày giáo pháp gọi là văn nghĩa cụ túc. Vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế thì kinh điển đã có hệ thống khúc chiếc mà Chư Tăng đã có thể thọ trì một cách rõ ràng chứ không phải như có nhiều vị lý luận rằng chỉ có sau khi thời Đức Phật Ngài viên tịch rồi thì trong một cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhất người ta mới hệ thống hoá kinh điển do đó chúng ta mới biết rằng ngày hôm nay có Tam Tạng, tạng Kinh, tạng Luật, tạng Diệu Pháp, mỗi tạng có bao nhiêu bộ, mỗi bộ có bao nhiêu phẩm v.v... thì chúng tôi xin thưa với qúi vị rằng cách phân loại đó đúng là cách phân loại về sau này nhưng chỉ là một sự tái phối trí lại những điều đã có. Chúng tôi lấy một ví dụ là cũng chừng đó bàn ghế nhưng trước đó thì người ta sắp kiểu này sau này người ta sắp kiểu khác. Thì tương tựa như vậy, cũng chừng đó Pháp nhưng thời Đức Phật còn tại thế thì đề cập đến hai bộ là Dhamma và Vinaya tức là bộ Pháp và bộ Luật, chúng ta từng nghe nói Pháp và Luật ở tại các quốc gia Phật giáo ngày hôm nay, nhưng nói đến kinh điển người ta cũng dùng chữ dhammavinayo là kinh điển Pháp và Luật. Và trong phần pháp đó thì được chia ra một loại pháp gọi phương tiện có tánh cách là khế cơ chúng ta gọi là sutta hay là kinh, và loại có tánh cách chuyên môn gọi là Abhidhamma là Diệu pháp. Tuy nhiên cho dù sự phân loại nào đi nữa thì đây cũng là sự cố gắng. Chúng ta không ngạc nhiên là bởi vì riêng về phần Dhamma là Pháp là bộ rất lớn và nếu chúng ta chỉ dùng pháp và luật thôi thì luật rất là nhỏ so với pháp. Do đó có lẽ là vì lý do là cái lượng quá lớn nên chư vị kết tập Tam Tạng đã chia Pháp làm hai là Kinh và Vi Diệu Pháp, ngày nay chúng ta thường nói là Kinh và Luận. Tuy nhiên không phải là vì hình thái của Tam Tạng mà chúng ta được biết ngày nay khiến chúng ta đi đến kết luận thời Đức Phật còn tại thế thì không phân ra các thể loại kinh điển và kinh điển cũng chưa được hệ thống hoá chưa được hợp nhất một bố cục nào đó nhất định, trên thực tế thì thời Đức Phật còn tại thế chúng ta thấy rằng kinh điển đã được phân ra nhiều thể loại, đơn cử ra ở tại đây chúng ta có 9 thể loại. Chúng ta đang nói biết pháp và biết nghĩa, và biết ở đây thì Đức Phật nói rõ thì chúng ta chịu khó đi sâu vào điều này một chút. Pháp ở đây thì được chia ra làm 9 thể loại, sau này một số các dịch giả những người học Phật thì nói 9 loại kinh điển nhưng chúng ta tạm gọi là 9 thể loại của Phật Pháp của kinh điển trên phương diện pháp học. 9 thể loại này là 9 cách phân chia lời của Đức Phật dạy hay là Phật Pháp mà chúng ta nói là kinh điển. Chúng tôi nói tóm tắt về 9 thể loại này một chút rồi sau đó chúng ta trở lại với ý nghĩa . Chúng tôi phải nói về điều này là vì nếu không khéo thì chúng ta rất dễ bị đánh lạc hướng vì chúng ta đi một đoạn quá xa, kiên nhẫn với chúng tôi một chút bởi vì riêng về bài học này phần đầu nói là "biết pháp biết nghĩa" là hai pháp đầu tiên. Biết Pháp ở trong đó Đức Phật Ngài nói rõ và danh sách được dịch ra thì thường những vị như Ngài Cưu Ma La Thập và Ngài Huyền Trang khác với Ngài An Thế Cao một chút là khi dịch những đoạn này thường thường các Ngài dịch trung thành với nguyên văn tiếng Phạn như vậy có những vị nghe hơi khó hiểu một chút thì qúi vị hoan hỉ dùng ngôn ngữ của ngày hôm nay để cho dễ hiểu. Ví dụ như chúng ta đọc sơ qua những danh sách này thì qúi vị thấy rằng có nhiều từ ngày nay không có sài nhiều như là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ ngôn, Cảm hứng ngữ, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vi tằng hữu, Phương quảng, thật ra những thể loại này là nếu chúng ta dịch theo ngôn ngữ ngày nay thì dễ hiểu hơn là dịch chữ nôm và chữ hán. Trước nhứt, Khế kinh gọi là sutta, thường là những bài kinh dài có tánh cách là giảng giải rộng rãi, như trong chữ Hán ngày nay có những bài gọi là luận văn nói về những bài tiểu luận. Trong bài tiểu luận này là những Khế kinh có một cấu trúc nhất định. Ví dụ như phần dẫn nhập Đức Phật Ngài nói: "Hỡi nầy các Tỳ Khưu, có hai cực đoan (anta) ..." sau đó đến thân bài rồi kết luận. Suttta hay là Khế kinh ở đây mang dạng giống như bài luận văn có bố cục làm cho chúng ta rất dễ hiểu, đây là một bố cục rõ nhất. Thứ hai, Gaya trong chữ Hán dịch là Ứng Tụng. Thật ra Ứng Tụng là một hình thức có tính cách giáo trình nhưng để chúng ta học thuộc lòng, Ứng tụng có nghĩa là một bài có một đoạn văn suôi và một đoạn văn vần đối với nhau, tức là sau bài văn suôi thì có bài văn vần. Ni Sư Trí Hải có một giáo trình chuẩn bị tương đối công phu giảng về Trung Bộ Kinh thì Ni Sư Trí Hải có làm một việc rất là thú vị đó là mỗi một bài kinh thì Ni Sư tóm tắt phần sau bằng thể loại thơ ngũ ngôn, kệ ngũ ngôn thường xuyên là có thể bài rất dài nhưng tóm tắt gọi là văn tụng. Thì Gaya có lợi như vầy là Đức Phật Ngài thuyết xong một bài kinh từ ý nghĩa đó Đức Phật Ngài đưa ra một bài kệ và tương ứng tóm tắt ý nghĩa bài kinh trên do đó gọi là Ứng tụng và nó mang hình thức giống như là ám động hay là học thuộc lòng. Hình thức này làm cho những vị học Phật Pháp dễ nhớ. Nhiều năm trước đây khi chúng tôi còn nhỏ thì Sư Trưởng có một thời gian dài viết bài pháp cũng mang tánh cách sau mỗi bài pháp thoại dài thì Sư Trưởng có bài kệ thơ lục bát hay song thất lục bát, ít khi nào năm chữ, tại vì lục bát rất quen thuộc với người Việt Nam, và nhờ những vần lục bát này mà người ta nhớ ý nghĩa của cả bài kinh. Khi chúng ta nói đến Gaya là bài kinh có tánh cách cho chúng ta dễ học thuộc lòng để chúng ta có được một tóm yếu, cái tóm yếu này bằng thể kệ gọi là thể thơ, thể thơ này không phải là tiếp nối ý nghĩa mà là tóm tắt ý nghĩa kia, do vậy chúng ta dễ học thuộc lòng và dễ nhớ cả bài gọi là Ứng tụng. Thể loại kinh thứ ba, Veyyàkaranam là Ký Thuyết. Đây là những phần có tánh cách chặc chẽ về lý luận, nói một cách khác hơn là nó gồm có điều pháp và chi pháp, tức là những thể tài do có chi pháp này do đó có độ tinh xác. Thí dụ như ở trong kinh có Kusalā dhammā (pháp thiện) Akusalā dhammā (pháp bất thiện), Abyākatā dhammā (pháp vô ký) - có những pháp là thiện, có những pháp là bất thiện, có những pháp gọi là vô ký. Thì thế nào là thiện, thiện có 8 tâm thiện dục giới, 9 tâm thiện đáo đại và 20 tâm đạo siêu thế chẳng hạn, rồi bao nhiêu thuộc tánh hợp với những tâm nhưng những điều này làm cho chúng ta biết được sự chính xác. Chữ Veyyàkaranam được sài nhiều nghĩa, có nhiều khi chúng ta hiểu là ngữ pháp nhưng riêng ở trường hợp này thì được hiểu là sự tinh pháp và cơ sở lý luận và thường thời Đức Phật còn tại thế thì những điều này để chỉ cho Abhidhamma mà sau này chúng ta gọi là tạng Vi Diệu Pháp tức là nói lên cái gì chính xác. Một đề pháp thì nói chừng đó điều pháp chi pháp và tại sao những pháp khác không nằm trong đó và có những pháp nằm ở trong đó. Thí dụ mình nói 52 thuộc tánh hay 52 tâm sở, tại sao có những tâm sở tương ưng và có những tâm sở không tương ưng. Thì sự chính xác này cho chúng ta có cơ sở lý luận rất rõ, phân định rõ ràng, cái nào đi với cái nào v.v.. thì cái đó chúng ta gọi là ký thuyết. Ký thuyết tương đối dịch thoáng dịch theo nghĩa của chữ mà ý ở tại đây là đặc biệt nhấn mạnh về cái gì có điều pháp chi pháp kết cấu một cách chặt chẽ và từ đó tạo ra cơ sở lý luận, thì cái đó chúng ta gọi là Ký thuyết. Thể loại kinh thứ tư, Gatha là kệ tụng hay là ca vịnh. Gatha là một thứ quen thuộc. Nếu qúi vị nào lớn lên ở trong miền Nam thì hiểu rằng người Việt Nam thích loại sấm giảng tại vì có ca kệ có vần như là lục bát, những câu ca dao sở dĩ phổ thông là những câu thơ lục bát quen thuộc với người Việt Nam bởi vì được viết theo một thể thơ phổ thông hoặc là lục bát hoặc là song thất lục bát và cái âm cái vận của nó làm cho chúng ta dễ nhớ, như câu: "Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió gió đừng rung cây", "Đêm qua tát nước đầu đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen" v.v... Thì điều đó mà viết thành văn suôi thì chúng ta không nhớ được. Chúng ta nhớ một điều đó là trong thể loại kinh điển truyền khẩu nghĩa là dạy bằng miệng từ đời này sang đời kia. Ca vịnh hay Gatha rất có lợi, tương tự như người miền Nam học cái gì bằng thơ lục bát mà chúng ta có cả một kho tàng ca dao vĩ đại, cái điệu vần lục bát làm chúng ta dễ nhớ dễ đi vào trong lòng, kinh điển Gatha ca vịnh cũng vậy. Ngày hôm nay tại Ấn Độ nói về đạo giáo, nói về kinh điển, về văn học, triết học thì thể loại Gatha ca vịnh là thể loại rất phổ thông rất quen thuộc. Thể loại thứ năm, Udànam dịch là Vô vấn tự thuyết hay là Cảm hứng ngữ. Khi Đức Phật Ngài giảng điều gì thì có nhân, có duyên, có lời thỉnh cầu. Nhưng có những trường hợp Đức Phật là bậc Pháp Vương Ngài xét thấy ý nghĩa của sự vật nên tự Ngài thốt lên lời không hỏi mà đáp, không hỏi mà thuyết nên gọi là Vô vấn sở thuyết hay là Udànam. Tại sao Udànam không liệt vào thơ thể Gatha mà để riêng ra bên ngoài. Thì pháp của Đức Phật được Ngài thuyết do nhân duyên là do có người thỉnh cầu hay có sự việc gì đó, Ngài là Phật Pháp Vương Ngài nhìn sự việc khác đi, có những thứ mà tự ở trong sự cảm nhận của Ngài làm cho Ngài thốt lên những lời nói. Chúng tôi lấy một ví dụ như là một nhà thơ hay một triết gia hay một người tu thiền thỉnh thoảng có nhiều trường hợp những lời nói và sự biểu tỏ của mình phát xuất từ sự cảm nhận rất là riêng tư, một cảm nhận rất là trực tiếp, do sự cảm nhận mà thốt lên lời nói đó chứ không phải là do sự mời thỉnh hay là do sự sáng tạo mà là do chính mình cảm nhận được. Điều đó nói lên rất nhiều một khía cạnh mà chúng ta được biết là trong cái nhìn của bậc Pháp Vương hay cái nhìn của Đức Phật, thì thế gian này có những lý lẽ mà những lý lẽ đó do chính Đức Phật Ngài cảm thấy rằng đáng được nói mặc dù trong nhân duyên là không có ai mời thỉnh, không có trường hợp nào, mà là tự Ngài thốt lên lời thuyết. Thể loại thứ sáu, Ittivuttaka là Như thị thuyết, là thể loại kinh điển có tánh cách gọi là lượt thuật. Chúng tôi lấy ví dụ trong Tiểu bộ kinh có một tác phẩm rất nổi tiếng nói về nàng Khujjuttarā là một thị nữ ở trong cung, nàng có tài là đi vào pháp hội nghe Đức Phật thuyết pháp rồi trở về và bằng trí tuệ của mình nàng tóm lược một cách gọn để dễ nhớ cho hoàng hậu và các thị nữ trong cung. Và về sau này những lời trùng tu kinh tập và góp lại thành một bộ Ittivuttaka - Như Thị Thuyết. Các loại kinh điển khác thì chính văn là do Đức Phật thuyết riêng bộ Ittivuttaka, thứ nhất là do sự thuật lại, thứ hai là trong sự thuật lại lập lại thì mọi sự vật đều gọn được chỉnh tu, được vén khéo. Dĩ nhiên là khi tường thuật một điều gì đó như chúng ta đến dự một phiên họp thì có biên bản và biên bản đó ghi làm sao cho gọn cho dễ nhớ chứ không phải điều gì người ta thốt ra cũng ghi lại hết. Hay là lâu lâu có trường hợp chúng tôi đi họp trong một phiên họp mà có một vị không vô đến chừng vị đó vô thì Chư Tăng yêu cầu chúng tôi tóm tắt lại, khi tóm tắt lại thì mình giữ nguyên nét chính nhưng không đi vào những chi tiết không trọng yếu, và do đi vào nét chính như vậy thì lời tường thuật chúng ta phải cô đọng và hàm xúc, nếu nó không cô động và hàm xúc thì không có nắm rõ được vấn đề. Ittivuttaka có tánh cách như loại thể văn lượt thuật, bởi vì lượt thuật do đó bố cục hàm xúc và gãy gọn trong sáng. Thể loại thứ tám là, Kinh Bổn Sanh Jàtaka. Chúng ta có một tác phẩm trong Tiểu Bộ Kinh là Jàtaka dịch là Bổn Sanh Truyện hay Túc Sanh Truyện là những câu chuyện tiền thân. Khi Đức Phật giảng điều gì đó thay vì Ngài giảng Ngài cho chúng ta biết nhân duyên quá khứ của vấn đề, con người mà hoặc vui, hoặc buồn, hoặc có thái độ này, thái độ kia, một phần là do lý trí, một phần là do nghiệp lực quá khứ còn để lại, sau này chúng ta hay dùng chữ gọi là bản năng hay là do quán tính. Bản năng hay quán tính là mình nói cái gì không phải là sự tính toán của lý trí mà chúng ta khi làm một cái gì đó do quán tính hay do bản năng của chúng ta, đạo Phật thì không dùng quán tính hay bản năng mà dùng chữ "tiền khiên nghiệp" "thường thân y duyên" hay là "thường cận y duyên" do nghiệp trước ảnh hưởng đời này hay do thói quen còn đọng lại trong chúng ta. Lấy ví dụ là một vị tỳ kheo có thể làm một việc rất sai lầm Đức Phật nhân đó Ngài dạy cho biết rằng không phải chỉ kiếp này vị đó làm như vậy mà ở trong kiếp quá khứ cũng như vậy và Đức Phật kể câu chuyện quá khứ của vị này. Tại sao kể, đó là cách tốt nhất để một người vượt ra khỏi sự kềm tỏa của quán tính, sự kềm toả của bản năng, sự kềm tỏa của tiền khiên nghiệp trong quá khứ khi nhận ra được đó là tiền khiên nghiệp của mình trong quá khứ. Nếu qúi vị muốn biết điều này thì để ý là nhiều lúc mình gặp một người nào đó tự nhiên mình có cảm tình với người đó liền hay mình gặp người nào tự nhiên mình không có thiện cảm với người đó mình ghét người đó liền dù người đó không đụng chạm, chuyện đó nhiều khi mình biến người đó thành nạn nhân, có nhiều khi mình là nạn nhân. Thì chuyện đó đối với chúng ta là người phàm nên không thấy được nhân duyên quá khứ, nhiều khi không hiểu tại sao mình thương tại sao mình ghét, người khác cũng vậy có nhiều khi thương mình có nhiều khi ghét mình. Chúng tôi đi làm Phật sự mà có những người mình không đụng chạm gì đến họ mà họ lại thù ghét mình vì tông phái hay vì tướng cách hay vì điều gì đó ở trong quá khứ, cũng có những người có cảm tình với mình rất nhiều mặc dù mình không có liên hệ nhiều. Thì tất cả những điều đó nói theo tinh thần kinh điển thì đôi khi bị chi phối bởi quá khứ hoặc là thường cận y duyên hoặc là tiền nghiệp. Và do nó chi phối bởi quá khứ nên chi nếu chúng ta may mắn gặp Đức Phật ra đời chỉ điểm cho chúng ta là chuyện đó không phải chỉ xảy ra kiếp này mà kiếp trước đó đã xảy ra rồi. Thật ra trong kho tàng kinh điển của đạo Phật kinh Bổn Sanh hay là Jattaka chiếm một lượng tương đối lớn và ảnh hưởng rất lớn là tại vì đó là cách Đức Phật Ngài khai thị chúng sanh cho chúng sanh được biết nhiều về kiếp quá khứ của mình và cái quá khứ gọi là lịch sử tái diễn là chuyện đó đang lập lại nếu chúng ta tìm thấy một hoàn cảnh thích hợp. Thể loại thứ bảy, Vị Tằng Hữu là những pháp phi thường lạ lùng chưa từng có. Có những điều Đức Phật nói là điều đặc biệt. Như là đời sống của Ngài Pakula, Ngài có những đặc tính những phước báu của Ngài. Thì điều đó mới xem thì như là kỳ quặt nhưng thật ra chúng ta được biết điều này qua rất nhiều sự kiện trong đời sống. Con người mình không phải cái gì dựa trên cơ sở lý luận hợp lý mình mới cho là có, hay hoặc giả là mình nghĩ cuộc sống phải diễn theo một chiều hướng nhất định nhưng thật ra có nhiều sự kiện nằm ngoài cái nghĩ tưởng của mình thì gọi là những điều phi thường, những điều không bình thường, những điều bất phàm, những điều chưa từng có gọi là vị tằng hữu. Để ghi nhận như vậy, chuyện thành tựu là do thắng duyên, do phước ,và do thắng hạnh và điều này không thể nghĩ bàn bình thường. Trường hợp như thời Đức Phật còn tại thế Ngài Ananda là vị thị giả gọi là thiện sảo kế bên Đức Phật, hay về sau này Ngài Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh, nếu chúng ta đọc lại cuộc đời của chư vị đó thì chúng ta thấy những vị đó có những cái xuất chúng phi phàm, và có những điều mà chưa bao giờ xảy ra và bây giờ lại xảy ra điều đó không nên là một điều ngạc nhiên bởi trong cuộc đời có những chuyện không nằm trong kinh nghiệm nghĩ tưởng của chúng ta mà nó xảy ra hoàn toàn là bất ngờ, chúng ta thấy nó rất là lạ lùng, nhưng thật sự nó như vậy thì là như vậy. Sau cùng, pháp thứ 9 gọi là Phương Quảng. Phương Quảng hay là Vedalla. Kinh của Thiên Chúa giáo là thể loại Catechism là một loại thể giảng giải kinh điển không đặt nặng về bố cục thường là đặt nặng về trọng điểm thích hợp và được soạn thảo qua hình thức vấn đáp. Lấy ví dụ, Sư Trưởng có tập Vi Diệu Pháp nhập môn hay là Siêu Lý Học viết theo dạng vấn đáp. Ở trong dạng vấn đáp một câu hỏi một câu đáp, dĩ nhiên là do một tác giả nhưng do có một câu hỏi và câu đáp nó đào sâu vào những vấn đế những góc cạnh thường là có khi bị quên lãng, thành ra Phương Quảng là hình thức trình bày theo vấn đáp một hình thức rất quen thuộc ở trong kinh điển của Ky Tô giáo La Mã. Như vậy 9 loại kinh điển này đã có từ thời Đức Phật còn tại thế, một người học Phật trung bình thì phải biết loại kinh này thuộc về loại nào và chúng ta cũng hiểu biết giá trị của những loại kinh điển này, loại Như Thị Thuyết mà chúng ta gọi là lượt thuyết cũng có giá trị riêng của lượt thuyết, và Phương Quảng là trình bày một cách rộng rãi xoáy vào những trọng điểm như là hình thức vấn đáp thì cũng có lợi của nó. Thì hiểu biết 9 loại kinh này chúng ta được xem là người có căn bản ở trên phương diện Phật Pháp, Đức Phật Ngài gọi là một người biết pháp. Có một phương diện thứ hai chúng ta gọi là biết nghĩa. Biết nghĩa là đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói kia. Ở đây chúng ta nói là ngôn từ là ngôn từ, pháp là pháp, nhưng nói hay không thì ngữ cảnh trong mạch văn nói ở trong duyên sự nào nó khác đi chứ không hẳn là một lời nói đó mà ở trong tất cả mọi trường hợp đều giống nhau. Chúng tôi lấy ví dụ là về nghệ thuật một cuốn phim người ta dựng lên mình coi thì mình phải hiểu rằng ở trong thời đó trường hợp là như vậy, cái bối cảnh nó là như vậy. Pháp mà được nói đến như là một cách trình bày nhưng ở bên cách trình bày đó thì chúng ta cũng nên hiểu cái bối cảnh của nó. Đọc kinh Pháp Cú thì chúng ta sẽ thấy được là nhiều khi mình đọc một câu kinh muốn hiểu rõ thì phải hiểu duyên sự, ở trong hoàn cảnh đó điều gì được nói đến, do đó chúng ta phải biết sự việc đó như thế nào. Chúng tôi nghĩ rằng không phải riêng học pháp mà trong đời sống hàng ngày của chúng ta ngay cả một lời nói được lập lại cũng nên được hiểu rằng trong hoàn cảnh đó trong thời điểm đó người ta có liên hệ đến ý nghĩa đó, cái đó chúng ta gọi là biết nghĩa. Nếu chúng ta giải nghĩa đùi, nghĩa là đoạn đó mình chỉ lấy một khúc ra để mà nói nhiều khi mình nói sai không chính xác bởi vì chúng ta không hiểu được hoàn cảnh mà người đó nói chuyện. Đừng nói chi Phật Pháp mà trong đời sống hàng ngày khi chúng ta nghe trình bày điều gì, thí dụ mình nghe nói ông A nói câu đó, mình nghe mình khoan vui khoan giận, mình hãy tìm hiểu họ nói trong trường hợp nào, nhiều khi người thuật lại cắt xén đầu hoặc họ không nói rõ mà mình có phản ứng. Nên phải cẩn thận về điểm này. Pháp tiếp theo là tri kỷ. Tri kỷ là mình biết mình. Ở đây không đơn giản là Đức Phật nói mình biết bản thân mình như thế nào mà Đức Phật Ngài đưa ra những tiêu chuẩn. Thí dụ như mình hiểu, rồi mình có đức tin kiên cố hay không, mình có là người xây dựng đức tin kiên cố hay không, giới hạnh mình như thế nào, kiến thức mình như thế nào, bố thí ở đây tức là khả năng để ban phát để cống hiến thì bố thí ở đây giống như là một cái nhịp cầu tạo ra ảnh hưởng cá nhân, rồi trí tuệ là sự thông tuệ của mình và sau cùng là biện tài là khả năng lý luận khả năng trình bày của mình đối với sự vật như thế nào. Tín, giới, văn, thí, tuệ, và biện tài. Đức tin là một, giữ giới là hai, đa văn là ba, bố thí là bốn, trí tuệ là năm, biện tài là sáu, sáu pháp này khả dĩ nếu chúng ta đem ra nhìn thì có thể biết được sở trường sở đoản của mình, phải hiểu sở trường sở đoản, cái hiểu đó quan trọng lắm, nếu mình là người không có khả năng về biện tài hay hiểu chậm hay hoặc giả không phải là người giữ giới nghiêm túc hay mình không phải là người đa văn, mình cũng nên biết mình để mà mình vận dụng trong trường hợp nào đó cho thoả đáng. Giả xử như chuyện đó mình không phải là sở trường mà là sở đoản của mình mà mình lại thích ham hố đi ra gánh lấy thì thật ra nó sẽ tạo cho mình nhiều phiền phức. Biết người biết mình, nhưng đặc biệt là biết ưu điểm của mình là gì, nhược điểm là gì, sở trường là gì, sở đoản là gì, điều đó giúp cho mình vượt qua những khó khăn rất nhiều, chúng ta gọi là khéo tránh khéo né. Biết xử dụng sở trường của mình đó là một cái ưu thế của pháp biết mình. Pháp thứ tư là biết cái gì là vừa phải, ở trong chữ Hán gọi là tri độ, tức là biết cái gì có chừng mức là vừa đủ, vừa đủ khiến cho chúng ta không có thái quá, không bất cập, tức là không quá dư không quá thiếu. Ở đây Đức Phật đặc biệt dạy rằng một vị mà tri độ là sống có cái gì gọi là vừa chừng không quá độ ở trong sự nhận tứ vật dụng, cái ăn, cái mặt, chỗ ở, và thuốc trị bịnh. Về tri độ này thì tương tựa như khi mình đi xa cái gì bỏ vào vali vừa đủ sài không có quá nhiều để làm nặng và không quá ít để bị thiếu. Trong đời sống chúng ta thì chuyện thiếu đủ là chuyện bình thường nhưng bên cạnh cái thiếu đủ chúng ta cũng hiểu rằng mình cần biết thế nào là vừa chừng, vừa phải thích hợp ở trong nhu cầu của đời sống mình. Thật ra nếu chúng ta đi làm việc có tiền và chúng ta cố gắng làm để ra tiền, cũng cố gắng để chuột lợi, cố gắng để đầu tư, điều đó chưa chắc là giỏi chưa chắc là hay, lúc đó chúng ta trở thành cái máy làm ra tiền bị nô lệ cho đồng tiền, nhưng ngược lại chúng ta không biết cách nào làm ra tiền hết thì cũng là một cực đoan khác. Đức Phật gọi là tri độ tức là một người biết như thế nào mà trong cái có cái được thì nó cũng vừa chừng vừa phải. Vừa chừng thì nó làm cho chúng ta vui. Ví dụ chúng ta có chiếc xe như một phương tiện di chuyển, nếu chúng ta xử dụng chiếc xe một cách hợp tình hợp lý thì nó mang đến cho chúng ta phương tiện hết sức lợi ích, nhưng nếu có chiếc xe để tưng tiu, có chiếc xe sợ người ta đụng người ta cọ quẹt, có chiếc xe chỉ để trang trọng thì thật sự có chiếc xe mà không đem lại lợi ích. Thì Đức Phật dạy, đối với nhu yếu của đời sống nếu chúng ta biết điều hòa thì những cái khác nó sẽ được điều hòa, một người đối với nhu yếu mình không có điều hòa, không có chừng mực, không có điều độ, không vừa chừng, thì đối với sự kiện khác chúng ta sẽ thường rơi vào cực đoan hoặc thái qúa hoặc là bất cập. Vậy nguyên tắc để chúng ta khả dĩ có thể điều hòa điều độ có chừng mực được trong đời sống thì chúng ta nên tự đào tạo mình trong môi trường làm như thế nào mà chúng ta biết sự vừa phải đối với bốn món vật dụng, là ăn, là mặc, là ở, và thuốc men, những thứ cần biết sự vừa chừng của nó. Biết thời. Biết thời là đây là thời điểm để thuyết, đây là thời điểm để chất vấn, đây là thời điểm tu tập, đây là thời điểm thiền tịnh. Câu nói này cũng như câu chúng ta thường nghe là "trời thì có xuân hạ thu đông, có ngày đêm, có nóng lạnh", thì con người cũng nên biết là lúc nào là lúc để học, lúc nào lúc để hành, lúc nào là lúc để lắng nghe, lúc nào là lúc để đàm luận, lúc nào là lúc để chất vấn, thì cái biết đúng thời đúng lúc cho chúng ta cái kết quả. Chúng tôi ở gần HT Huyền Việt, mặc dù chúng tôi không biết nhiều về trồng cây nhưng cũng biết một điều là trồng hoa sen thì có thời có mùa của nó, như trồng lúa chúng ta nói là thời vụ, cái thời nó thích hợp thì do sự thích hợp của thời tiết nó sẽ đơm hoa kết trái, thời không thích hợp thì trồng cây xuống nó sẽ chết. Tương tự như vậy một người mà biết thời thì người đó hiểu rằng thời nào để suy nghĩ, thời nào để đàm luận, thời nào để đối thoại, thời nào để hành động, ở trong sự tu tập thì vị đó biết rõ đây là thời để tuyên thuyết, đây là thời để chất vấn, đây là thời để tu tập, đây là thời để thiền định. Trong cuộc sống của chúng ta có những cơ hội, có những thời điểm thích hợp việc này và không thích hợp việc kia. Chúng tôi gặp rất nhiều chuyện ở trong chùa do đó khi làm một vị tu sĩ chúng tôi rất thấm thía với câu Đức Phật nói là: "Tùy thời nghe pháp, tùy thời đàm luận pháp." Nếu chúng ta không có thấy được thời nào thích hợp và thời nào cần để chúng ta đàm luận để chúng ta tu tập để chúng ta chất vấn thì những điều này sẽ làm cho chúng ta rơi vào một chỗ là nhiều khi mình thấy chuyện đó rất là xứng đáng rất là tốt mà tại sao nó lại hỏng đi, tại vì nó phi thời. Do vậy trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật nói rằng: "biết thời nghe pháp, biết thời đàm luận pháp là phúc lành cao thượng". Biết hội chúng là cái biết quan trọng, đến đâu làm việc gì mình nói chuyện thì không phải đề tài nào chúng ta cũng nói được. Chúng ta sống thì luôn luôn kể đến một điều gọi là cộng đồng, chữ cộng đồng ở đây là nhiều người, một đám đông, mình có mặt ở trong sinh hoạt của một tổ chức, một đoàn thể, trong trường học, ở nơi làm ăn, rồi chùa chiền, khi mình nói một điều gì, mình phát biểu một điều gì về sinh hoạt như thế nào thì nó phải thích hợp với hội chúng đó với hoàn cảnh đó. Chúng tôi lấy ví dụ là mình đi dự một đám tang thì trang nghiêm, quần áo không màu mè, bên VN thì đi đám tang làm sao cũng được, còn ở Hoa Kỳ người ta chọn mặc màu đen, thì đi đám tang mà mình mặc đồ diêm dúa màu sắc thì không hợp, hay là chỗ người ta cần trang nghiêm mà mình cười nhiều quá, hay là chỗ người ta hoạt động văn hóa hay hoạt động chính trị mà mình đến đó nói Phật Pháp. Có những người lúc nào họ cũng có một thứ đề tài và chỗ người ta sinh hoạt Phật Pháp tu học mà họ đến đó đòi nói chuyện chính trị. Thật ra chúng tôi không nghĩ chuyện chính trị là sai, nhưng chuyện tranh đấu hay chuyện chính trị cũng phải nói đúng chỗ đúng mức. Chúng tôi lấy thí dụ rơơm sinh hoạt Phật Pháp Buddhadhamma hay rơom Diệu Pháp chẳng hạn, có nhiều Phật tử vào gặp chúng tôi họ nói muốn phát biểu điều này điều kia, chúng tôi hiểu là họ muốn nói gì, không phải là chúng tôi không hưởng ứng những lời phát biểu đó nhưng nó không thích hợp, tại vì một hội chúng là hội chúng học Phật Pháp chỗ nghiên cứu Pháp, chỗ tu học thì điều thích hợp là chúng ta nói chuyện Phật Pháp còn có những chuyện khác thì cũng phải thời phải lúc, những lúc chúng ta cần vui thì chúng ta nên vui, những lúc chúng ta cần trang nghiêm thì chúng ta trang nghiêm, không phải là lúc nào cũng giữ một khuôn mặt, lúc nào mình cũng có một cách nói mà nó thích hợp cho tất cả. Thật ra biết hội chúng là chuyện rất quan trọng, mình đi sao cuộc đời mình sống thì không phải là mình nói những gì mình muốn mà quan trọng là mình nói những gì người ta muốn nghe cho đám đông đó chứ không phải chỉ là cái gì mình muốn nói mà thôi, chuyện mình muốn nói là một lẽ nhưng chuyện đó có thích hợp cho khán thính giả đó hay không, đó là một chuyện. Và đây là điểm tế nhị của bậc thiện trí là biết hội chúng. Pháp thứ bảy là biết người. Ở trong cuộc đời này có nhiều hạng người, có những người ưa thích lui tới với bậc thánh bậc thiện trí có những người lại không ưa thích, có người ưa thích nghe Phật Pháp có người không thích nghe Phật Pháp, có người nghe pháp thích thọ trì có người nghe pháp không thích hành trì. Thì chúng sanh trong cuộc đời này về điểm đó chúng ta phải nhìn nhận rằng có khuynh hướng khác biệt, có nhiều người họ rất là thích học Phật Pháp lắm nhưng chỉ thích học Phật Pháp chứ không thích hành thiền không thích đào sâu vào, có những người hành pháp nhưng họ không thích nói không thích lý thuyết. Thì chúng ta nên biết người, người thì có nhiều hạng khác nhau, chúng ta biết hội chúng đám đông là điều cần thiết mà chúng ta biết người cũng là điều cần thiết. Nói tóm lại, bài học ngày hôm nay chúng ta có 7 pháp là: biết pháp, biết nghĩa, biết về sở trường sở đoản về bản thân mình, biết cái gì là vừa chừng - tri độ, biết thời điểm nào thích hợp, biết hội chúng, biết phân loại các hạng người. Như hồi nãy chúng tôi có đề cập ban đầu là danh sách này đôi khi người ta dịch hơi khác đi, người ta dịch là: tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội và tri độ, thì cái chữ biết nghĩa biết pháp có thể dịch là tri nhân tri quả cũng được. Trong trường hợp bài kinh này thì Đức Phật đưa ra rất rõ, biết pháp ở đây là biết những thể loại của kinh điển như là khế kinh, phúng tụng, phương quảng .... v.v.... thì cái đó chúng ta gọi là biết pháp. Biết nghĩa là biết ý nghĩa, biết ngữ cảnh, biết bối cảnh của những bài kinh. Thì trong phần của bài kinh này chúng ta gọi là biết pháp biết nghĩa chứ chúng ta không gọi là tri nhân tri quả. Còn tri kỷ tri bỉ tức là biết người biết ta, thì trong bài kinh này chúng ta không thấy dùng chữ tri kỷ tri bỉ tức là biết người tức là có đối tác, đối đãi, người trực tiếp đối diện hay người kỳ phùng địch thủ với mình, mà ở đây chúng ta nói biết người chung chung là chúng ta hiểu được người có nhiều hạng và những hạng người ở đây cũng được phân tích khác biệt. Thì trong bảy pháp của bậc thiện trí này ai mà có được bảy pháp này Đức Phật gọi là bậc thức giả, bậc hiểu biết, bậc thiện trí, bậc đáng được cung kính./. |