dieuphap.com
Trang chính
TT Giác Đẳng: Có một lần chúng tôi sang thành phố San Jose của tiểu bang California, và trong lúc ngồi chờ đợi để vào thuyết pháp thì gặp và nói chuyện với một Phật tử trẻ, người Phật tử này lớn lên ở Mỹ và anh biết Phật Pháp qua sự hướng dẫn của Ngài Silananda. Anh nói với chúng tôi rằng khi anh đi chùa với cha mẹ thì cảm giác của anh về đạo Phật là một hệ thống tín ngưỡng như thờ phượng bái sám v.v... nhưng khi gặp Ngài Silananda thì anh mới phát hiện ra đạo Phật có những hướng dẫn cụ thể cho đời sống, và điều anh rất khó tin được là tại sao đạo Phật có thể tồn tại ở xã hội Ấn Độ vào thời xưa cách đây hai ngàn mấy trăm năm trong một xã hội mà người ta chỉ nặng về tín ngưỡng tức là nặng về niềm tin hơn là nặng về những phương pháp hướng dẫn trong đời sống. Hôm nay ngồi đây nói chuyện với qúi Phật tử chúng tôi lại nhớ câu chuyện mà chúng tôi trò chuyện với anh Phật tử trẻ đó. Đức Phật dạy chúng ta nhiều điều, những điều đó không mang tính đạo giáo, không mang tính gọi là tín ngưỡng, gọi là niềm tin, mà là những điều rất thiết thực trong đời sống hàng ngày. Và trong bốn pháp hưng thịnh ở trong gia đình ngày hôm nay Đức Phật Ngài đặc biệt gợi ý về một gia đình hưng thịnh là gia đình có cái nhìn xác thực, thực tiễn, và cái nhìn này tất nhiên cần thiết để xây dựng cuộc sống tuy rằng vài ba thành viên nhưng đó là một đơn vị rất quan trọng và từ những đơn vị này họp thành một cộng đồng một xã hội thì yếu tố gia đình không thể không nghĩ đến. Và chúng ta có thể nói ở trong nhà nhiều việc quá thì biết bắt đầu từ đâu, biết làm chuyện gì? Đức Thế Tôn đã có những lời cụ thể, ở đây Ngài nêu ra bốn pháp, chúng ta thử lắng nghe những điều này và rồi chúng ta suy nghĩ sẽ tìm thấy những điều đó không chỉ là những bài học trước mặt mà qua đó chúng ta còn áp dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau. - Điều thứ nhất là chúng ta biết tìm lại cái đã mất. Nói về điểm này thì chúng tôi nhớ khi sống với bà cụ thân mẫu chúng tôi ở tại nhà, nhớ lời thân mẫu thường hay la:"con cái trong nhà mà cái được không hay cái mất không màng." Chữ màng ở đây rất quan trọng, nó có nghĩa là chúng ta không quan tâm tới. Khi những đứa nhỏ sống trong gia đình mà "cái được không hay cái mất không màng" thì chúng ta thấy một tinh thần thiếu ý thức thiếu sự quan tâm và cái thứ thiếu ý thức thiếu quan tâm này là dấu hiệu mà mình gọi là đi xuống nếu cả nhà đều cùng như vậy. Nói về phương diện xã hội chúng ta có thể khẳng định một điều là ngày nay thiên tai xảy ra khắp nơi, nhưng nếu chúng ta muốn biết quốc gia đó là những quốc gia có nền kinh tế mạnh hay yếu thì chúng ta cứ nhìn vào điểm này; một cơn bão đi qua, người ta có cố gắng để xây dựng lại cái gì đã mất mát hay là người ta xóa sổ làm lại mới. Một điểm chúng tôi rất thán phục người Âu Châu và kể cả một số các quốc gia Á Châu như Nhật Bản, khi chúng tôi đến thăm những xứ này và nghe người ta nói trong Đệ Nhị Thế Chiến ở nơi này đã thành bình địa hay là bao nhiêu thứ hoang tàn đổ nát. Chúng tôi đứng trước thành phố đó nhìn nét cổ kính, nhìn sự trùng tu phục hưng mà chúng tôi không thể không khâm phục những người dân ở nơi đó. Một mái chùa một ngôi nhà thờ những con đường phố trước Thế Chiến xảy ra nó nguyên vẹn, trong lúc trận Thế Chiến đang xảy ra nó điêu tàn đổ nát bao nhiêu và sau trận Thế Chiến thì người ta cố gắng gầy dựng lại, chuyện đó đối với chúng tôi rất là đáng khâm phục. Bởi vì chúng ta sống trong một đất nước chiến tranh như Việt Nam rất thường là hễ cái gì cũ mà nó hoang tàn thì chúng ta xóa sổ đi làm lại cái mới hoàn toàn, chỉ có thời gian sau này thì tương đối nghe người ta nhắc đến bảo tồn những giá trị cổ, trước kia chúng ta không quan tâm đến điều này. Có những thành phố của Âu Châu như là thành phố Budapest của nước Hungary hay thành phố Praha của nước Czech Republic, hay thành phố Warszawa của Balan, hay thành phố Hamburg và Berlin của nước Đức chẳng hạn, chúng ta có thể hiểu được là trong Đệ Nhị Thế Chiến những thành phố này hứng chịu những trận mưa bom tan nát, có nhiều khi chỉ còn cái nền thôi nhưng mà người ta đã dựa trên những bức ảnh còn có được để tái tạo lại qua những bức ảnh đó, ngày nay chúng ta về thành phố Praha hay là chúng ta về thành phố Budapest chúng ta khó tưởng tượng là đã có lúc những nơi này trở thành đống gạch vụng hoang phế. Thì khả năng tái tạo hay là tìm lại cái gì đã mất nói lên cái nhìn của chúng ta đối với quá khứ, những quá khứ cao đẹp, những quá khứ có giá trị, những qúa khứ đáng gìn giữ. Thì nếu trong trường hợp nào đó mà nó mất thì người ở trong gia đình biết cách để làm sao tìm lại cái đã mất. Đó là cái dấu hiệu rất đáng qúi khi chúng ta đề cập đến bốn pháp làm cho gia đình hưng thịnh. - Điều thứ hai là chúng ta biết sửa chữa cái gì hư cũ. Đây cũng là một bài học rất quan trọng. Chúng tôi nhớ có một lần nói chuyện với một vị cao Tăng người Miến Điện, Ngài nói rằng "một trong những dấu hiệu chùa thịnh hay suy là khi đi vào trong ngôi chùa mình nhìn thấy ngôi chùa càng ngày càng hư càng xuống cấp mà Chư Tăng và Phật tử của ngôi chùa đó biết bảo trì biết sửa chữa hay cứ để cho năm dài tháng rộng theo thời gian càng ngày càng suy sụp." Chúng tôi chắp tay thưa với Ngài rằng "Bạch Ngài, tại Mỹ cũng giống như vậy." Tại Mỹ, khu vực nào mà người ta không biết sửa chữa nhà cửa, tức là nhà hư cứ để như vậy, cỏ mọc cũng để như vậy, hàng rào hư cũng để như vậy, thường thường chúng ta nói rằng những khu người da đen ở nhiều hay khu nhà nghèo tình trạng nhà cửa càng ngày càng xuống cấp không ai bảo trì thì chúng ta thấy rõ ràng là khu vực đó càng lúc càng tệ, từ tình trạng tệ lại tệ thêm, còn những nơi đời sống tương đối tốt thì cái máng xối bị hư họ lập tức thay máng xối mới, nhà cửa họ luôn bảo trì, một khu nhà có thể là hai ba chục năm, bốn năm chục năm thậm chí cả trăm năm nhưng họ gìn giữ, chúng ta đi ngang thì chúng ta vẫn thấy nó tươm tất. Khả năng để gìn giữ để không bị hư hao nói lên thái độ tích cực và thái độ tích cực đó tương tự như trong Tứ Chánh Cần Đức Phật dạy rằng: "Một người tu tập Tứ Chánh Cần là làm thế nào ngăn ngừa ác pháp chưa sanh không sanh khởi, ác pháp đã sanh rồi bị tiêu diệt, thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, và thiện pháp đã sanh khởi rồi được duy trì." Thì chúng ta thấy rằng khi nói thiện pháp chưa sanh được sanh khởi và thiện pháp đã sanh rồi thì được duy trì, thì đó là hướng mà đạo Phật gọi là tích cực. Về điểm này thì chúng ta phải nhìn nhận rằng có một số nền văn hóa, đặc biệt như nền văn hóa của Ấn Độ, họ xây dựng lên những công trình rất đẹp, mới xây thì rất đẹp, nhưng về lâu về dài thì họ bỏ mặc. Và riêng trong cộng đồng người Việt chúng ta thì có một điểm, chúng tôi không biết ở Việt Nam thế nào, nhưng ở Mỹ người ta hay thành lập những hội đoàn, những tổ chức, ngay cả những ngôi chùa họ cũng thành lập nhiều, khi thành lập thì người ta thường hăng hái nhưng sau đó để bảo trì để tiếp tục và tiếp tục thì người ta rất lơ là. Ngài Pasanno là một vị danh Tăng người Canada đã nói một điều rằng "ở trong cái nhìn của một người không phải chỉ đặt vấn đề survival tức là phải tồn tại sống còn mà còn phải nghĩ đến thriving là Pháp thứ ba, Biết độ lượng việc ăn uống. Chúng ta cũng học được một điều khác Đức Phật Ngài dạy, đó là sống có sự độ lượng trong sự ăn uống. Chúng ta nên nhớ khoảng chi tiêu lớn nhất của ngân sách gia đình thời xưa đó là ăn uống. Xã hội của chúng ta là xã hội nông nghiệp, ở trong một xã hội nông nghiệp thì những chi tiêu cho những phương tiện khác không nhiều như là ăn uống, ăn uống trở thành quan trọng. Do vậy chúng ta thường nghe người ta nói rằng "ngồi không ăn núi cũng phải lở" hay là "chạy gạo từng bữa". Chúng tôi không rõ cuộc sống sau này vấn đề chạy gạo có còn quan trọng không. Ví dụ như tại Mỹ sự đặt nặng là làm sao làm ra tiền để trả tiền điện nước, rồi trả tiền nhà xe cộ, những thứ người ta mua trả góp, thực phẩm ở đây tương đối rẻ so với đồng lương. Do đó ở đây thì chúng ta nên hiểu là Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên sống trong phạm vi mà phương tiện chúng ta có thể có được. Ngôn ngữ ngày nay người ta nói về kinh tế là "quân bình ngân sách", và chúng ta thấy rằng đa số các quốc gia bị thâm thủng ngân sách đã trở nên rất trầm trọng. Nạn thâm thủng ngân sách đến từ chuyện tiền thuế thu nhập của chính phủ có cân bằng với mức chi tiêu của chính phủ hay không, nhiều quốc gia kỹ nghệ mức chi tiêu nhiều hơn thu nhập, thành ra tạo nên việc thâm thủng ngân sách, một hiện tượng mà chúng ta thấy khủng hoảng cả thế giới qua sự thâm thủng ngân sách của Hoa Kỳ. Các quốc gia Âu Châu cũng vậy. Riêng ở trong gia đình thì có lẽ ông bà chúng ta nói rằng "khéo ăn thì no khéo co thì ấm", cái chi tiêu ở mức độ chừng mực thì nó tốt nhưng nếu chúng ta không khéo gói gém thì nó tạo nên những vấn đề rất khó khăn. Trong một thống kê của trường đại học Rice University đưa ra cách đây hai năm, ở trong thống kê đó nói rằng gần như 2/3 con số chính xác của họ đó là 76% những lục đục ở trong gia đình đến từ vấn đề tiền bạc. Nói một cách khác là khi tiền bạc chi tiêu không quân bình, ngân sách không được quân bình thì tạo nên tình trạng lục đục giữa vợ chồng giữa những người ở trong nhà, người ta nói "chuyện bé xé ra to", việc đó bình thường sẽ không có gì nhưng khi tiền bạc trở nên thiếu hụt, chật vật đầu này chật vật đầu kia thì sẽ dễ khiến cho những thành viên trong gia đình đặc biệt là người vợ hay người chồng ít có đủ sức kiên nhẫn và do thiếu sự kiên nhẫn người ta không có thể độ lượng và hóa giải những vấn đề khó khăn khác. Nhiều khi những vấn đề trong đời sống người ta nói đến vấn đề ngân sách. Do vậy ở đây chúng ta thấy một yếu tố rất thực tế mà Đức Phật đề ra đó là "biết độ lượng ở trong việc chi tiêu ăn uống". Trong nguyên văn ở đây nói về việc ăn uống nhưng chúng ta hiểu rộng hơn và TT Tuệ Siêu trong bản giải ghi cũng nói rõ là nói về việc ăn uống ở đây không phải là thức ăn thức uống mà còn nói về giải trí có chừng mực, chúng ta nói về sự tiêu sài hưởng thụ của gia đình hợp tình hợp lý cân bằng với sự thu nhập thì như vậy là tốt. Điều thứ tư. Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ đạo. Khi chúng ta nói đến điều này thì hơi khó cho một số gia đình nhưng một lần nữa lại là một điểm rất thú vị. Chúng ta gọi người chủ đạo hay người cầm cán cân trong gia đình người đó phải là người có đức hạnh. Bài học này là bài học lớn cho tất cả chúng ta, một tổ chức hay một quốc gia giàu hay nghèo, thịnh hay suy người ta thường nghĩ đến điều này điều khác nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta nói đến leader ship hay là sự lãnh đạo, hay là người lèo lái gia đình thì người đó phải là người có đức độ. Người Tây Phương thường nói một điều: "một bày cừu mà lãnh đạo bởi một con sư tử nó đáng sợ hơn là một bày sư tử lãnh đạo bởi một con cừu." Tức là cho dù ở trong một quốc gia hay trong gia đình có người giỏi nhưng người lãnh đạo mà tệ quá lôi thôi quá thì quốc gia không tấn phát được, gia đình không khá giả được, công ty không lớn mạnh được. Người lãnh đạo là người đưa ra đường hướng chúng ta đi theo sự lãnh đạo đó. Người ta nói về một quốc gia thịnh hay suy vô số nhưng người ta không đặt để ra vấn đề là tầng lớp lãnh đạo quan trọng đến mức độ nào. Cũng như chúng ta nói chiếc xe tốt là một lẽ, để lái xe được an toàn người tài xế mới quan trọng bởi người tài xế là người cầm lái, chúng ta leo lên một chiếc xe tất cả những người đi trong xe đó thì tánh mạng giao cho người tài xế cho dù chúng ta có giỏi có hay gì đi nữa mà chúng ta ngồi phía sau, chúng ta không cầm tay lái, mà người cầm tay lái là người lái xe lơ đễnh hay uống rượu thì nguy hiểm. Do vậy về điểm này Đức Phật thực tế hơn chúng ta. Trong xã hội thường đặt để cho ông chồng nắm quyền hay bà vợ nắm quyền nhưng dựa trên tinh thần này theo lời khuyên của Đức Phật thì chúng ta thấy rằng vấn đề quyết định chi tiêu lèo lái gia đình không nên đặt ra bởi vì giới tính nam hay nữ hay là vợ hay chồng hay một vai trò nào đó mà nếu ở trong gia đình người vợ hay người chồng là người có đức độ là người có hiểu biết thì người đó nên là người nắm cán cân gia đình. Đôi khi chúng tôi đọc kinh Phật có những điểm chúng tôi rất là thấm thía và cảm kích vô cùng, ví dụ như Đức Phật Ngài dạy rằng ở trong tất cả những người con mà thù thắng, không phải là con trai không phải là con gái mà đứa con nào có hiếu là đứa con đó tốt. Trong nền văn hóa của chúng ta thì trọng nam khinh nữ, nói về con đầu lòng, con út ,con trưởng, đứa này được đứa kia được, nhưng thật ra thì đối với Đức Phật quan trọng không phải là con trai tốt con gái tốt, không phải con đầu lòng tốt, hay là con út là tốt, mà đứa con nào có hiếu là tốt, cái nhìn của Đức Phật đơn giản như vậy. Riêng ở trong gia đình đặt để người lãnh đạo, người có quyền trong gia đình nên là người có hiểu biết, có chừng mực, đặt biệt là có sự độ lượng và biết thương tất cả những người trong gia đình. Ở trong nguyên tắc quản trị họ nói là cái quan trọng của leader ship là charater là đức hạnh, tức là người lãnh đạo quan trọng không phải chỉ ở tài năng mà ở đức tính, cái đức tính rất quan trọng. Chúng ta tưởng tượng là có những người học vị rất giỏi nhưng họ thiếu tâm từ họ thiếu sự quan tâm đến người khác đặt để họ lên vai trò lãnh đạo hư chuyện hết, tại vì họ chỉ biết có họ mà thôi họ không biết những người chung quanh. Một người lãnh đạo ở trong một tổ chức chỉ biết cá nhân của họ mà không có sự thông cảm với người đồng sự, với những người cộng tác thì chỉ riêng chừng đó là đủ chết cho tổ chức rồi, ở trong gia đình cũng vậy. Và do vậy phải nhận rằng điều này ở trong một xã hội mà quá nặng nề tính lề thói như ở Ấn Độ thì không phải là chuyện đơn giản, người Ấn Độ trong văn hóa Ấn Độ cho đến ngày hôm nay những cái khuôn mà người ta đặt ra về giai cấp xã hội về vai trò của người vợ người chồng trong gia đình, vai trò của người tổ chức chúng ta phải nói rằng nặng về tánh cách lề thói. Đức Phật Ngài đã giới thiệu đã đưa ra một cái nhìn mới, nên lựa chọn như thế nào, nên đặt để như thế nào là hợp tình hợp lý, thì điều đó là điều quan trọng. Nên chi đọc những điều này đôi lúc chúng tôi cảm nhận là nếu chúng ta là con của Đức Phật mà chỉ biết tin, mà không chịu học, và tìm hiểu lời dạy của Đức Phật thì rất uổng phí cho chúng ta. Đức Phật Ngài cho chúng ta những lời dạy rất thiết thực ở trong cuộc sống, chẳng những thiết thực mà đầy những gợi ý quan trọng nhưng thông thường chúng ta là một tín đồ của một tôn giáo thì chúng ta không nghĩ đến chuyện đó, làm sao có một điện thờ cho trang nghiêm, làm sao qùy xuống lễ lục cúng bái, nhưng có thì giờ ngồi đọc lại chúng ta sẽ tìm thấy vô số những viên ngọc qúi ở trong kho tàng lớn mà Đức Phật để lại cho chúng ta. Thì bài học ngày hôm nay khi Đức Phật dạy bốn pháp làm cho gia đình hưng thịnh: Thì những điều đó không có cái gì mang tánh cách là tín ngưỡng đạo giáo, đó là một thứ nghệ thuật sống và nghệ thuật sống đó được nói một cách rất là cô động trực tiếp giản dị, đây là điều thứ nhất, đây là điều thứ hai, đây là điều thứ ba, đây là điều thứ tư. Đức Phật đã dành cho chúng ta những lời dạy đầy tính giáo khoa, như nền tân giáo dục ngày hôm nay cho chúng ta biết, tức là có những phương pháp có những cách mà chúng ta nắm bắt lấy vấn đề ở mức thực tế nhất, đơn giản nhưng nắm được vấn đề. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một ở trong những cái rất đẹp mà chúng ta có thể tìm thấy ở trong gia tài lớn mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta./.
|