Insight Meditation


Thap Nhi Nhan DuyenTT Giác Đẳng

Kinh Girimànanda - Bài 5

Được thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày lễ Thượng Nguyên 7 tháng 2 năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ


Chuyển Biên: Minh Hạnh


 

Bây giờ chúng ta bước sang pháp quán tưởng thứ mười, pháp quán tưởng thứ mười này là một điều rất lạ lùng,và sau khi tụng đọc về điều này thì chúng tôi sẽ giới thiệu với qúi vị tại sao có ý tưởng rất lạ lùng ở tại đây

Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa

Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường. Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh làm lành lánh dữ lợi quần sanh.

Katamā cānanda ānāpānassati? Idhānanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā nisīdati pallankam. ābhujjitvā ujum. kāyam. pan.idhāya parimukham. satim. upat.t.hapetvā. So satova assasati. Sato passasati. Dīgham. vā assasanto dīgham. assasissāmīti pajānāti. Dīgham. vā passasanto dīgham. assasissāmīti pajānāti. Rassam. vā assasanto rassam. assasissāmīti pajānāti. Rassam. vā passasanto rassam. passasissāmīti pajānāti. Sabbakāyapat.isam.vedī assasissāmīti sikkhati sabbakāyapat.isam.vedī passasissāmīti sikkhati. Passambhayam. kāyasankhāram. assasissāmīti sikkhati. Passambhayam. kāyasankhāram. passasissāmīti sikkhati. Pītipamt.isam.vedī assasissāmīti sikkhati. Pītipat.isam.vedī passasissāmīti sikkhati. Sukhapat.isam.vedī assasissāmīti sikkhati sukhapat.isam.vedī passasissāmīti sikkhati. Cittasankhārapat.isam.vedī assasissāmīti sikkhati. Cittasankhārapat.isam.vedī passasissāmīti sikkhati passambhayam. cittasankhāram. assasissāmīti sikkhati. Passambhayam. cittasankhāram. passasissāmīti sikkhati. Cittapat.isam.vedī assasissāmīti sikkhati cittapat.isam.vedī passasissāmīti sikkhati. Abhippamodayam. cittam. assasissāmīti sikkhati. Abhippamodayam. cittam. passasissāmīti sikkhati. Samādaham. cittam. assasissāmīti sikkhati. Samādaham. cittam. passasissāmīti sikkhati. Vimocayam. cittam. assasissāmīti sikkhati. Vimocayam. cittam. passasissāmīti sikkhati. Aniccānupassī assasissāmīti sikkhati. Aniccānupassī passasissāmīti sikkhati. Virāgānupassī assasissāmīti sikkhati. Virāgānupassī passasissāmīti sikkhati. Nirodhānupassī assasissāmīti sikkhati. Nirodhānupassī passasissāmīti sikkhati. pat.inissaggānupassī assasissāmīti sikkhati. Pat.inissaggānupassī passasissāmīti sikkhati. Ayam. vuccatānanda ānāpānassati.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Kiết già khép mắt
Thân hình ngay thẳng
Tâm ý chánh chơn
Tu tập thiền định
Thở vô biết rõ
Thở ra biết rõ
Hơi thở vắn dài
Vô ra biết rõ
Cảm giác toàn thân
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Cảm giác toàn thân
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
An tịnh thân hành
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
An tịnh thân hành
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Cảm giác hỷ thọ
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Cảm giác hỷ thọ
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Cảm giác lạc thọ
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Cảm giác lạc thọ
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Cảm giác tâm hành
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
An tịnh tâm hành
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Cảm giác nội tâm
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Cảm giác nội tâm
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Với tâm hân hoan
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Với tâm định tĩnh
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Với tâm giải thoát
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Quán tưởng vô thường
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Quán tưởng vô thường
Tôi sẽ thở ra
Vĩ ấy thực tập
Quán tưởng ly tham
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Quán tưởng ly tham
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Quán tưởng đoạn diệt
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Quán tưởng đoạn diệt
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Quán tưởng từ bỏ
Tôi sẽ thở vô
Vị ấy thực tập
Quán tưởng từ bỏ
Tôi sẽ thở ra
Vị ấy thực tập
Này A Nan Đa
Nhu vậy gọi là
Quán niệm hơi thở.

Sace kho tvam. Ānanda Girimānandassa bhikkhuno upasankamitvā imā dasa saññā bhāseyyāsi, t.hānam. kho panetam. vijjati yam. Girimānandassa bhikkhuno imā dasa saññā sutvā so ābādho t.hānaso pat.ippassambheyyāti.

Này A Nan Đa
Hãy đến thăm viếng
Ghi Ri Ma Nan Đa
Giảng giải cặn kẽ
Minh bạch thông suốt
Mười pháp quán tưởng
Bệnh nhân nghe được
Chú tâm lãnh hội
Bệnh dẫu trầm kha
Vật vã đau đớn
Lập tức thuyên giảm.

Atha kho āyasmā Ānando Bhagavato santike imā dasa saññā uggahetvā yenāyasmā Girimānando tenupasankami upasankamitvā āyasmato Girimānandassa imā dasa saññā abhāsi. Atha kho āyasmato Girimānandassa imā dasa saññā sutvā so ābādho t.hānaso pat.ippasambhi. Vut.t.hahi cāyasmā Girimānando tamhā ābādhā. Tathā pahīno ca panāyasmato Girimānandassa so ābādho ahosīti.

Tôn giả A Nan Đa
Ghi nhớ nằm lòng
Mười pháp quán tưởng
Thế Tôn vừa dạy
Giảng giải cho Thầy
Ghi Ri Ma Nan Đa
Cặn kẽ tường tận
Minh bạch thông suốt
Người bệnh trầm kha
Chú tâm lắng nghe
Lập tức thuyên giảm

Phra Viriyang Sirintharo

Bởi duyên khởi ấy
Mười phép quán tưởng
Do Đức Thế Tôn
Vì lòng bi mẫn
Dạy cho người bệnh
Luôn được chư Tăng
Các hàng tại gia
Thành tâm tụng đọc
Quán tưởng nhiếp niệm
Hằng được an vui
Hằng được dứt khổ
Chúng sanh hữu tình
Khắp thảy trời người
Vô biên lợi lạc.


Phần cuối cùng của bài kinh Girimànanda này là một phần đặc biệt quan trọng. Ở đây có một điểm chúng ta nên biết rằng trong lúc mình đang hoan mang vì cơn bệnh mà mình nghĩ về cái gì không rõ ràng thì tâm của chúng ta trở lên mơ hồ và yếu đuối, mà chúng ta nghĩ về cái gì rõ ràng thì tâm của chúng ta sẽ ổn định, cái rõ ràng và không rõ ràng tạo cho chúng ta cảm giác rất khác biệt.

Bây giờ thế nào là cái không rõ ràng?

Không biết vợ mình con mình có thương mình không, cái chuyện đó không chắc chắn, không rõ ràng. Qúi vị đang bệnh hay đang phiền mà nghĩ điều đó qúi vị sẽ phiền thêm. Không biết rằng mình có mệnh hệ nào và ai chăm sóc công việc mình đang làm, mình không có câu trả lời, mình càng suy nghĩ thì càng hoang mang thêm. Không biết đám tang của mình hậu sự của mình có được lo chu tất hay không, có ai nhang khói hay là để nhang tàn khói lạnh, cái việc đó không rõ ràng. Không phải với người bệnh mà ngay đời sống của chúng ta hàng ngày thì chúng ta vẫn thường suy nghĩ trăm muôn ngàn việc, nghĩ thì có nghĩ, tính toán thì có tính toán, liệu toan thì có liệu toan nhưng chúng ta không bao giờ tìm được câu trả lời dứt khoát. Một người bạn đời đầu ắp tay gối chưa chắc là mình biết rõ người đó, công việc mình làm mấy mươi năm ở trong sở của mình chưa chắc là chắc chắn. Chúng ta ao ước rằng mình có được một cái gì đó mình tính toán mà chắc như là vật nắm trong bàn tay, nhưng cổ nhân nói rằng cái vật nắm trong bàn tay cũng chưa chắc là chắc chắn nữa. Và do vậy mặc dù chúng ta có rất nhiều liệu toan, rất nhiều điều gọi là tính toán và xác quyết với chính mình, nhưng tận ở trong thâm tâm của mình sâu kín trong đáy lòng của mình thì mình vẫn hoang mang vẫn nghi ngờ và cảm thấy bất an, sự bất an đó là một cái gì sâu kín lắm mà chúng ta không hề biết. Chúng ta đã sống bất an điều đó từ thuở nhỏ cho đến lớn, hồi nhỏ mình có thể rất thương một người nào đó như là cha mẹ anh chị em, nhưng những người đó đôi khi họ nhìn mình với ánh mắt giận dữ và làm cho mình cảm thấy lạ quá, tại sao người đó mới thương mình mà bây giờ họ không thương mình nữa.

Tại sao người ta thích nuôi con chó? Tại vì người ta kỳ vọng rằng dầu mình đối xử với nó như thế nào, mình cho nó ăn nhiều hay ăn ít, mình quan tâm hay không quan tâm, nó gặp mình nó vẫn quấn quít. Tại sao người ta thích nuôi con chó? Tại vì họ tìm một sự bảo đảm của tình yêu, họ tìm sự bảo đảm của tình nghĩa. Nhưng tại sao chúng ta sống với con người? Tại con người không có gì chắc chắn hết, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ cuộc sống, và chúng ta tính toán một trăm một ngàn việc mà không chắc chắn, như vậy thì liệu rằng chúng ta có thể an tâm có thể cảm thấy an lạc không, khó lắm, rất khó.

Một trong những bí quyết Đức Phật dạy chúng ta là nên nhắm tới an trú và sống với cái gì rõ ràng. Cái gì rõ ràng chắc chắn nhất đó là hơi thở ra hơi thở vào, hơi thở ra biết mình thở ra, hơi thở vào biết hơi thở vào, cái đó nó chắc lắm. Và tại sao những người luyện hơi thở thường tâm tư của họ rất vững, họ rất an lạc là tại vì cái mà họ an trụ, cái mà họ sống với, cái mà họ thường xuyên sống thì cái đó là cái gì rất chắc, họ biết rõ.

Nhiều lần chúng tôi có sống và ngồi kế bên một người sắp từ trần, họ nằm trong nhà dành cho người bệnh (hospices house) hay là họ ở trong bệnh viện làm hoá chất trị liệu (chemotherapy), họ bị bệnh đau gan ở thời kỳ cuối cùng. Khi còn nói chuyện được thì vị này có nhiều chuyện để lo lắng, kể cả chuyện không biết người vào thăm mình có vào thăm đúng giờ hay không, nhưng phải nói lâu lắm, phải thuyết phục nhiều lắm thì những người này mới chịu ngồi xuống để coi mình thở ra hay mình thở vào. Và ở trong suốt bao nhiêu năm chúng tôi tiếp xúc thì chúng tôi nhớ chỉ có hai người mà chúng tôi đến thăm và sau đó ngày hôm sau chúng tôi trở lại, một trong hai người đó là một người Mỹ, cả hai đều bệnh ung thư và nói với chúng tôi rằng bây giờ tìm thấy trong hơi thở sự bình an thật sự là không nghĩ đến chuyện gì khác, chỉ làm bạn với hơi thở, làm thân với hơi thở, sống mật thiết với hơi thở, tại vì hơi thở rất rõ ràng chắc thật. Thưa qúi vị hễ tâm của chúng ta y cứ tựa vào cái bất an thì nó bất an, tựa vào cái vô định thì nó không thể nào an được, mà hễ nó tựa vào cái gì rõ ràng thì nó sẽ an. Đó là điều đầu tiên tại sao Đức Phật Ngài dạy chúng ta niệm vào hơi thở.

Bây giờ chúng ta nói đến điểm thứ hai. Bài kinh vừa rồi đọc không phải là dễ hiểu tại vì Đức Phật nói về hơi thở qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn đầu tiên là mình làm quen với hơi thở và mình không có ý kiến gì hết chỉ làm sao quen thuộc với hơi thở. Hơi thở ra biết là hơi thở ra, hơi thở vào biết là hơi thở vào. Và chúng ta phải khẳng định với mình một điều rằng cho dù mình có cố gắng thở hay không cố gắng thở, mình làm cho nó tự nhiên hay không tự nhiên thì mình vẫn thở. Hơi thở luôn luôn có mặt và lúc nào cũng có hai nhịp; thở vào và thở ra.

Bao giờ cũng vậy một hành giả mới niệm hơi thở thì tâm tư rất lúng túng. Lúng túng là tại sao? Là bởi vì bình thường mình để hơi thở tự nhiên nhưng lúc mình để ý nó thì không còn tự nhiên nữa, mình bắt nó phải thở. Thì ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng nên kiên nhẫn một chút, chúng ta sống thường với hơi thở lâu tự nhiên chúng ta cảm thấy tự nhiên.

Chúng tôi lấy ví dụ là bây giờ ở trong chùa có một người nào đó họ mới vào ở hoặc vị sư nào ở xa mới về qúi Phật tử để ý nói rằng Sư phải thế này phải thế kia nhưng ở lâu trong chùa như sư Trí Quảng Sư Trì Niệm tận tâm ở một lúc rồi thôi sao cũng được chúng ta thấy tự nhiên không muốn điều chỉnh. Con người chúng ta hay muốn điều khiển thì đầu tiên là Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên đừng có điều khiển gì hết cứ ghi nhận hơi thở, hơi thở sao thì ghi nhận như vậy, và hơi thở rất đơn giản nó có hai nhịp thôi, nhịp vào và nhịp ra và đó là một điều chắc thật. Hơi thở ra biết là hơi thở ra hơi thở vào biết là hơi thở vào.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn chúng ta trở lên rất bén nhạy và rất tinh tế để có thể biết hơi thở một cách tinh tế hơn một chút, khi chúng ta biết hơi thở tinh tế hơn một chút thì chúng ta nhận ra rằng tất cả hơi thở không giống nhau, có hơi thở ngắn, có hơi thở dài, có hơi thở nhanh, có hơi thở chậm. Nhưng trong kinh không dùng chữ nhanh và chậm mà chỉ nói ngắn và dài. Chúng ta hiểu ngắn thường thường là chúng ta thở mạnh vô, có cái nhanh có cái chậm trong kinh nói ngắn và dài. Để phân biệt được hơi thở ngắn và dài nó mất thời gian để cho chúng ta có được sự thuần thục, nghĩa là mình quen thân lắm mình biết. Như chúng tôi có nghe một vài người kể rằng đôi khi qúi vị có con nhỏ dẫn con nhỏ đến chùa mấy đứa nhỏ nói gì chúng tôi không biết, như cách đây không lâu thì cô Bảy dẫn một đứa cháu đến chùa nó nói chuyện nhiều lắm, nó nói 10 câu chúng tôi hiểu được 5 câu thôi, mà nó nói gì cô Bảy cũng hiểu và chúng tôi nghĩ rằng chắc con của qúi vị mà nó nói đớt nói đát qúi vị nghe cũng hiểu hết, tại sao? tại vì quá quen với nó. Thì hơi thở của chúng ta cũng vậy, khi chúng ta chưa có sống thường với hơi thở thì chúng ta thấy thở thì chỉ có ra và vào thôi, nhưng đến giai đoạn thuần thục nó quen thuộc nó tinh tế thì chúng ta biết nó thở ra thở vào, cũng giống như một người bạn thân của mình mà người bạn thân đó nếu chúng ta thật sự là thân thì người đó vui người đó buồn người đó sợ chúng ta có thể biết được, người đó bất an chúng ta nghe giọng nói chúng ta biết được, còn nếu chúng ta không quan tâm đến nhiều đôi khi người đó bất an mình cũng không biết được.

Bây giờ chúng ta bước sang một câu chuyện khác, câu chuyện này rất lạ lùng về hơi thở. Ở trong kinh Phật thì dùng hai chữ là thân hành và tâm hành. Tâm hành để chỉ cho khuynh hướng của tâm, ở trong kinh dùng chữ vitakka tức là chúng ta có khuynh hướng gì đó. Thí dụ như là có lúc qúi vị thích chưng bông, có lúc qúi vị thích nấu ăn, có lúc qúi vị thích xem phim, có lúc qúi vị thích đi chùa, cái khuynh hướng đó diễn ra từng giai đoạn ở trong đời sống mình chúng ta gọi là tâm hành ở dạng thô nhất mà chúng ta có thể biết được. Thí dụ chúng ta có khuynh hướng thích làm chính trị, thích làm văn hoá, thích làm thơ, cái đó gọi là tâm hành, đó là khuynh hướng của tâm.

Và cái mà đạo Phật gọi là Kàyasankhàràm. là thân hành. Thân hành là chỉ cho hơi thở. Về điểm này qúi vị hỏi tại sao thân hành chỉ cho hơi thở. Chúng tôi phải mất rất nhiều năm nói chuyện với Ngài Panita và Ngài Tangpulu, về sau này ở gần Ngài Hòa Thượng và thêm hai vị Thầy khác thì chúng tôi mới thật sự hiểu về điều này đó là mặc dù hơi thở ra và hơi thở vào là hai nhịp ra và vào, và dường như nó vô sự không liên hệ gì hết, tuy nhiên tất cả các vị thiền sư và kể cả bản thân của Hòa Thượng Ngài tập Yoga thì Hoà Thượng đều xác nhận một điều, bữa nào quí vị thỉnh Hoà Thượng lên và qúi vị hỏi là hơi thở gắng liền với hoạt động của thân của chúng ta. Về điểm này chúng ta khó hiểu nhưng mà không có một người nào tập thiền, không có người nào tập Yoga, hay không có người nào tập võ mà không nắm được cái yếu tính của hơi thở mà người đó có thể thật sự là đi xa hơn trong sự tập luyện của mình hết, tại vì đơn giản lắm, chúng ta lấy một thí dụ như vầy là hơi thở là nhạc và cái hoạt động của chúng ta là lời ca là điệu vũ. Khi người ta ca hát mà quen với nhạc rồi không có nhạc thì khó ca, khi người ta quen khiêu vũ với nhạc rồi họ nghe âm nhạc trổi lên tự nhiên họ muốn khiêu vũ, là tại vì hai cái đó nó gắng liền với nhau.

Sự hoạt động của thân rất đặc biệt về điểm này, những nhà tâm lý học họ có làm một trắc nghiệm được xem như là cơ sở bước đầu của nền tâm lý học Tây Phương, họ lấy một thí dụ là một con chó mỗi lần cho nó ăn họ đánh một tiếng chuông và tới lúc nào đó họ không cho nó ăn họ chỉ gõ chuông thì họ để độ dò chất cường toan thì họ nói rằng mỗi lần nghe tiếng gõ chuông thì đầu con chó liên tưởng tới thức ăn. Thì tâm của chúng ta và thân của chúng ta nó thường gắng liền với một cái gì đó, cái đó chúng ta gọi là nhịp điệu của đời sống. Và có khi chúng tôi sống gần qúi Thầy như là hồi trước có Thầy Thiện Tâm ở đây và nhiều Thầy bên Bắc Tông tụng kinh dùng chuông dùng mõ, qúi Thầy tụng kinh hay tụng kinh đều là nhờ tiếng mõ, mõ là một pháp khí nhưng mà giống như một nhạc cụ, nghe tiếng mõ thì tụng đều có thể đánh khoan đánh nhạt có thể đánh nhanh đánh chậm và theo đó mà tụng kinh, tại vì tụng kinh quen người ta cũng tụng theo như vậy. Thì hơi thở đó là một thứ nhịp điệu gắng liền với điều mà người ta gọi là nhịp điệu sinh học, đây là một ở trong những cái yếu tính mà tất cả những nền đạo học ở Đông Phương từ Lão Trang đạo Lão ở Trung Hoa và Du Già ở Ấn Độ và cả trong Đạo Phật đều nói rằng hơi thở nó có nhiều điều kỳ diệu mà chúng ta chưa khám phá ra được, ít nhất là với bản thân của mình, chúng ta không khám phá ra được.

Chúng tôi lấy một ví dụ là, có những người khi họ thở ra và thở vào mà họ thở vào bằng một tâm niệm là, an tịnh tôi sẽ thở vô, an tịnh tôi sẽ thở ra, và lâu ngày mỗi lần họ niệm như vậy thì cảm giác an tịnh hay cảm giác hân hoan tràn ngập trong người của họ, vì cảm giác đó nó đi với hơi thở đó. Bình thường không có chuyện gì xảy ra hết mà khi họ để ý bằng hơi thở thì hân hoan sẽ hiện ra, pháp hỉ sẽ hiện ra, trong lúc có nhiều chuyện chi phối họ trở về họ cảm thấy nó hiện ra như vậy.

Trong đời của chúng tôi hồi nhỏ có một kinh nghiệm lạ lùng lắm, có lẽ là vì túc duyên của quá khứ nên chúng tôi rất đặc biệt là thích đọc kinh Tạng, hồi mới vào chùa khoảng chừng một vài tháng chúng tôi đã bắt đầu rất thích đọc như là Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh, và những lần chúng tôi lật những trang kinh thì nó trả chúng tôi về với một cảnh giới rất là bình an, và do vậy bây giờ chúng tôi vẫn còn có thói quen đó là mỗi lần chúng tôi cảm thấy đời sống có nhiều căng thẳng sáo trộn thì buổi sáng thức dậy có khi làm việc ở internet có khi một mình lật một vài trang kinh ra đọc, lật trang kinh ra đọc có những bài kinh đọc rất nhiều lần trong cuộc đời nhưng lật trang kinh ra là cả một thế giới bình an trở về. Và khi chúng tôi ở gần Sư Cậu thì Sư Cậu có thói quen thôi mỗi lần suy nghĩ gì thì hay đi tới đi lui, chúng tôi hồi nhỏ tới lớn cũng có tật là hay đi tới đi lui và bây giờ khi nào chúng tôi cần suy nghĩ gì là chúng tôi đi tới đi lui để suy nghĩ chuyện đó thông suốt hơn ngồi một chỗ, mỗi người có một cách khác nhau. Chúng tôi cũng nghe nói có những người bình thường suy nghĩ không ra mà kéo một vài hơi thuốc là suy nghĩ ra, chúng tôi không biết sao nhưng mà mỗi người tâm tư gắng liền với hoạt động gì đó, thì có một điều là nó gắng liền với hơi thở của chúng ta. Và do vậy về một điều là một người tu tập là không thể không biết về điều này, là qua hơi thở chúng ta có thể tạo ra một cảm giác hay là có thể khai triển cảm giác nào đó một cách thuần thục và về điểm này hết sức là quan trọng.

Chúng tôi nói sang một thuật ngữ khác nữa, thuật ngữ đó gọi là cảm giác toàn thân, cái chữ cảm giác toàn thân này nó khó hiểu. Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra. Thì thưa qúi vị chữ cảm giác toàn thân này vị nào có lái xe thì qúi vị biết rằng khi mình mới lái xe mình với chiếc xe là hai và có vẻ như mình đang vật lộn với chiếc xe, khi qúi vị lái xe quen rồi thì mình với chiếc xe là một, khi mình với chiếc xe là một thì cảm giác gì mình có như là chạy tới, chạy lui, quẹo trái, quẹo phải, thì nó không phân biệt là mình phải điều khiển chiếc xe mà tự tay mình nó quay chiếc xe đi theo mình, mình với chiếc xe rất nhịp nhàng với nhau, mình với chiếc xe là một. Khi qúi vị sống với một người nào cũng vậy, khi mình với người đó còn là hai phía cách biệt đôi khi sự hoạt động của mình cần phải giữ kẽ, cần phải đãi bôi, cần phải khách sáo, cần phải nghĩ tới nghĩ lui, nhưng một lúc nào đó là mình với một hội chúng với một đám đông với một người nào đó ở mức độ thoải mái thì mình thấy rằng cùng bước tới, cùng bước lui, cùng quẹo phải, cùng quẹo trái, thì cảm giác chúng ta gọi là cảm giác toàn diện hay cảm giác toàn bộ. Một vị hành giả khi hiểu được chữ cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô thì vị này không những chỉ cảm nhận hơi thở qua hơi đi từ sống mũi vào trong bụng mà vị này thấy khi thở ra thở vào toàn thân thở chứ không phải là một hơi thở thôi, cái yếu tính này rất là khó.

Bây giờ chúng tôi nói đến một chuyện, chuyện này là chuyện khó nhất. Sau khi chúng ta có thể làm quen với hơi thở ra vào, sau khi chúng ta đến giai đoạn là tinh tế có thể nhận ra hơi thở dài hơi thở ngắn, sau khi chúng ta có thể cảm nhận rằng hơi thở với thân đó là một và cảm giác toàn diện, thì bấy giờ chúng ta mới gắng liền giữa hơi thở và một cảm giác nào đó.

Cũng giống như lúc chúng tôi mới học Yoga với Hoà Thượng, Hoà Thượng nói rằng "Chà tay nghiêng qua bên trái vặn qua bên phải." Nhưng Hoà Thượng không nói vậy.

Hoà Thượng nói "hít vào gập người xuống, ngẩn lên thở ra."

Chúng tôi cảm thấy lúng túng, tại sao chúng tôi lúng túng, là tại vì một lúc mà vừa phải điều khiển hơi thở một lúc đồng thời cũng phải để ý đến thao tác cái động tác của mình, thì chúng tôi nói với Hoà Thượng là chắc làm một lần một cái chứ vừa hơi thở vừa là động tác nữa thì khó quá.

Hoà Thượng nói rằng;
"không phải vậy, cứ tập như vậy, ban đầu hơi khó nhưng khi làm quen rồi thì sẽ thấy rằng mỗi lần mình thở ra thở vào là thân mình tự nó làm việc."

Đúng như vậy, một thời gian sau khi mình tập quen rồi hễ khi mình cúi xuống thì tự động mình hít vào ngẩn lên thì tự động thở ra và khi mình hít vào thì mình tự động gập xuống nó nhịp nhàng nhau thì như vậy nó là một sự song hành, cái song hành sự gắng bó sự mật thiết này rất là khó nói như là một người mà nghe điệu nhạc thì người đó tự nhiên khiêu vũ được tại vì họ đã quen như vậy rồi.

Chúng tôi có năm đó chúng tôi đi với Hoà Thượng Hộ Giác và Hoà Thượng Chơn Trí, Hoà Thượng Huyền Việt, bốn Thầy trò đi qua Thái Lan dự đại hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới và ngày đó là ngày cuối cùng trước khi bế mạc. Thái Lan là một quốc gia Phật Giáo do đó đại hội Phật Giáo Thế Giới họ có một buổi tiếp tân rất trọng thể trong dinh thủ tướng (dinh thủ tướng mà kỳ rồi dân chúng biểu tình tràn vào chiếm dinh thủ tướng.) Thì khi vào trong dinh thủ tướng chúng tôi phải chịu đựng một cực hình đó là ngồi trong đó gần 4 tiếng đồng hồ để chỉ nghe hai thứ thôi đó là diễn văn và đồng thời nghe nhạc ngũ âm kêu lóc cóc len ken. Qúi vị nào mà mới nghe nhạc Thái Lan người ta nhảy múa những vũ điệu theo nhạc ngũ âm nghe một bài đầu thì qúi vị thấy hơi lạ nên để ý nhưng qúi vị nghe gần một tiếng đồng hồ thì qúi vị sẽ có cảm giác là muốn khùng lên được, tại vì nó có một điệu mà lập đi lập lại len ken lóc cóc cứ vậy hoài, thật ra thì chúng ta không quen nhạc ngũ âm. Lâu lâu chúng tôi nói xin lỗi qúi vị đừng buồn là hồi nhỏ mỗi lần có đám tang mấy người làm đám kéo đờn cò hay nhạc đám ma, nhạc đám ma trổi lên thì nghe vui chạy ra coi nhưng mà họ kéo từ sáng đến chiều thì nghe mệt quá, nhạc ngũ âm cũng vậy. Ngày hôm đó thì chúng tôi vào buổi chiều, bên Thái thì buổi chiều nhà Sư không dùng cơm, họ để cái bàn trên đó để cafe và coke thì lúc đó chúng tôi lại ngồi gần với vị Thầy, Thầy này ở Huế, Thầy thấy Hoà Thượng Thầy cũng đến ngồi chung bàn và chúng tôi mới nói với Thầy rằng:
"Mình ở đây không có chuyện gì làm mà người ta mời phái đoàn thì ráng đi mà đi đây khổ quá."
Thì Thầy nói "người ta vũ nhạc cũng vui vậy sao Thượng Tọa không coi,"
Chúng tôi trả lời "dạ coi nãy giờ đủ rồi"
Thì Thầy nói "thấy vậy chứ không phải dễ đâu nha."
Chúng tôi nói "Thầy thấy chỗ nào xuất sắc Thầy hoan hỉ chỉ dùm"
Thì Thầy nói một chuyện mà chúng tôi mới nghe Thầy đưa một bàn tay và nói rằng
"Nếu Thầy để ý cái bàn tay của tôi điều khiển cách này cách kia, một bàn tay nó dễ phải không, nhưng nếu một lúc Thầy đứng một chân, mà vừa tay phải, vừa tay trái, vừa đầu, vừa mông, vừa cả người, lắc lư theo nhịp điệu cho đúng nó không dễ đâu, đó là nghệ thuật, mà càng chậm lại càng khó làm."
Chúng tôi tin điều đó, rất tin điều đó, tại vì thường thường tập Yoga với Hoà Thượng, Hoà Thượng chỉ một lần chỉ một điểm thôi, ví dụ đưa bàn tay lên nhìn bàn tay đưa xuống một điểm thôi, nhưng một người mà một lúc cả hai tay hai chân cả người như vậy thì khó, và chúng tôi hỏi Thầy rằng
"Cái đó thật sự là khó đó, như mình đọc trong chuyện Kim Dung nói Châu Bá Thông có món gọi là song thủ hộ bát, cả hai tay một bên vẽ hình tròn một bên vẽ hình vuông được thì cũng hay lắm, nghe Thầy nói chắc cái này họ phải tập ba bốn chỗ."
Thầy nói rằng "thật ra nó cũng có một dễ là nếu mà mình biết nhạc," Thầy nói rằng "những cử chỉ những điệu bộ của họ chạy theo tiếng nhạc và mình không biết nghe nhạc thì nghe lóc cóc len ken, ngũ âm mà họ gõ liên tục nghe mệt như nhạc Miên nhạc Thái, nhưng những người sống với nhạc đó thì mỗi một âm thanh như vậy thì đi với mỗi điệu một động tác và chỉ có họ mới làm được thôi chứ mình không làm được vì họ tập quen như vậy.

Chúng tôi nghe Thầy nói chuyện vậy chúng tôi nhớ đến chuyện hơi thở. Nhiều khi hơi thở nó là cái gì rất là vô tình không có ý nghĩa gì hết nhất là trong giai đoạn đầu mình tu tập, chỉ có hơi thở ra và hơi thở vào, hơi thở ra ngắn hơi thở vô ngắn, hơi thở vào dài hơi thở ra dài. Nhưng chúng ta sống một thời gian thì chúng ta có thể gói kèm theo hơi thở đó một niềm hân hoan, gói kèm theo hơi thở đó một sự an tịnh. Và nó giống như qúi vị Phật tử thắp một cây hương, ở đây hầu hết qúi Phật tử đều có thói quen là lạy Phật mà thắp một cây hương thì thấy trang nghiêm, tại cây hương đó là một văn hoá đã ăn sâu vào trong đầu óc của chúng ta, khi không có nhang không có hương mình thấy nhang tàn khói lạnh thì thấy thật sự không ấm áp, nhưng thắp một cây hương thì qúi vị cảm thấy cái gì đó rất trang nghiêm rất thanh tịnh rất thành kính, thành ra khói hương lại đi chung với cảm giác trong lòng mình, hai cái đó hoà quyện gắng liền với nhau, thì hơi thở cũng có thể gắng liền với cảm giác như vậy.

Và đây là vấn đề của chúng ta, vấn đề là thường là chúng ta thở đi với phiền não. Khi chúng ta thở đi với phiền não thì qúi vị để ý là lúc chúng ta nổi giận chúng ta có cách thở khác, khi chúng ta đang ham muốn điều gì chúng ta thở khác, khi chúng ta sợ chúng ta có hơi thở khác, và chúng ta không để ý rằng giữa hơi thở đó, phiền não đó, cảm giác đó, nó lại gằng liền với nhau. Nên chi một hành giả tu tập thì từ từ cho nhả bớt những tập khí đó bằng cách là, sẽ thở nhưng cho nó gắng liền với một sự hân hoan một sự hoan hỉ với sự an tịnh với sự giải thoát. Thật ra thì ở trong bài kinh này thì Đức Phật dạy rằng "niệm thân thọ tâm pháp tất cả bốn pháp đó đều đi với hơi thở" nếu chúng ta đọc cho kỹ cả bốn điều đó đều đi với hơi thở. Nên thưa qúi vị ở trong phép niệm hơi thở thì nó gởi trả cho chúng ta về với một điều đó là hơi thở là một quá khứ rất gần quá khứ gần là những gì mới thở ra mình còn nhớ còn biết đến được và cái đó gần nhất trong tầm tay của mình và mình có thể biết được, thật sự Đức Phật Ngài nói rằng một người mà trên giường bệnh hay là trong bất cứ hoàn cảnh nào mà người đó chỉ nghĩ đến hơi thở và có thể an trú vào hơi thở được liền thì đó là một ở trong những phúc đức cao tột nhất, tại vì một người mà có thể theo dõi được hơi thở biết hơi thở ra hơi thở vào thì nó là cả một sự bình an rất lớn của tâm hồn.

Bây giờ thì chúng ta sẽ làm một việc là khi đọc bài kinh này thì chúng ta sẽ học được một chuyện là nếu bản thân của mình như Thầy Girimànanda nằm ở trên giường bệnh và có một dĩ vãng hiện về một quá khứ bao nhiêu vui buồn thương ghét thì chúng ta nhìn về qúa khứ như thế nào, thì Đức Phật dạy chúng ta nhìn về vô thường, nhìn về khía cạnh vô ngã, nhìn về khía cạnh bất tịnh, nhìn về khía cạnh hệ lụy, nhìn về khía cạnh tịch tịnh, nhìn về khía cạnh đọan diệt, nhìn về khía cạnh xả ly, nhìn về khía cạnh ly dục, nhìn về khía cạnh hơi thở. Đó là những điều an tâm tịnh trí làm cho chúng ta vững lòng hơn, làm cho chúng ta an lạc hơn. Và thật sự đây là những bài học rất lớn không dễ dàng tiêu hoá, nhưng nếu chúng ta quen nhìn theo gốc cạnh đó thì tâm hồn chúng ta sẽ yên tĩnh hơn nhiều, đối với hầu hết chúng ta quá là cái gì rối bời mà chúng ta không có lối thoát.

Bây giờ chúng tôi muốn mời tất cả qúi Phật tử làm một việc với tánh cách là an tâm tịnh trí là chúng ta sẽ đi kinh hành nhưng khi đi kinh hành này chúng tôi giải thích về ý nghĩa ở trong kinh Phật và khi chúng tôi giải thích điều này thì chúng tôi phải nói rằng hôm nay có một điều rất là hoan hỉ là chánh điện đã sửa xong và chúng tôi có thể dẫn qúi vị đi kinh hành một cách rất là an lạc ở đây. Ba ý nghĩa của sự đi kinh hành.

Ý nghĩa đầu tiên. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và thế giới này phải xoay chung quanh mình, giống như mình là một định tinh là mặt trời tất cả những hành tinh phải đi chung quanh mình, điều đó khổ lắm, tại vì ai làm gì, ai nói việc gì, cũng phải nghĩ đến mình, phải đề cao mình, phải tâng bốc mình, phải làm cho mình được thoải mãn tự ái thì mới hạnh phúc, tại vì mình là trung tâm của vũ trụ. Thì người Ấn Độ có một văn hoá rất đặc biệt là khi mình kính trọng người nào thật sự kính trọng thì mình không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà mình đặt để người đó là trung tâm vũ trụ, tức là thay vì mình nghĩ người đó phải đi chung quanh mình thì bây giờ mình đi chung quanh người đó, và không phải chỉ là người Ấn Độ mà Chư Thiên cũng vậy. Chư Thiên khi đến lạy Đức Phật thì cũng đi ba vòng chung quanh Đức Phật, ba vòng chung quanh Đức Phật là hình ảnh rất đẹp, sự quan trọng không phải là ở mình mà sự quan trọng ở Đức Phật. Qúi vị thấy rằng qúi vị là cha mẹ, qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, và khi qúi vị là con thì qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, là vợ cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, chồng cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Bây giờ đối với Đức Phật thì có một lần nào đó trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta tưởng nghĩ về Đức Phật là Ngài mới chính là quan trọng hơn chúng ta, do vậy chúng ta đi chung quanh Ngài.

Ý nghĩa thứ hai. Chúng ta đi nhiễu Phật là nhắc lại hình ảnh rất đẹp và rất khả kính của Tôn Giả Ananda, Tôn Giả Ananda là một thị giả trong 25 năm cuối đời của Đức Phật, không có một buổi tối nào mà Tôn Giả Ananda không làm một việc đó là một tay cầm đuốc và một tay cầm cây gậy đi chung quanh am thất của Đức Phật ba vòng, đi xem có cái gì cần phải làm mà chưa làm và đi xem cũng để nói lên sự quan tâm của mình đối với Đức Phật. Ở trong sớ giải có ghi một hình ảnh rất đẹp là năm Tôn Giả Ananda 80 tuổi và lúc đó Đức Từ Phụ của chúng ta vừa viên tịch ở tại Kusinagar sau khi hoả táng xong, sau khi xá lợi của Ngài đã được chia cho các quốc gia thì Tôn Giả Ananda một mình lên đường trở về thành xá vệ và khi Ngài về thành Xá Vệ thì Ngài đến đảnh lễ hương thất nơi Đức Phật đã từng cư ngụ rất nhiều năm trong cuộc đời của Ngài, mặc dầu bây giờ Đức Phật Ngài đã viên tịch nhưng Tôn Giả Ananda cũng làm một việc giống như ngày xưa khi Đức Phật còn tại tiền, Tôn Giả thay nước rửa sạch lu và đổ nước đầy lu, cái giếng Tôn Giả lấy nước ngày hôm nay vẫn còn, tôn giả quét dọn ở trong ở ngoài và buổi tối Tôn Giả đi ba vòng cốc của Đức Thế Tôn, sau đó Ngài đi nghỉ. Ngài ở đó hai ba ngày rồi Ngài mới lên đường đi về Vương Xá để dự pháp hội kết tập Tam Tạng. Ngày hôm nay chúng ta có dịp nào đó để đi chung quanh Đức Phật để chúng ta cảm nhận rằng Đức Phật đã cho chúng ta thật nhiều và cho dù chúng ta là người sanh sau đẻ muộn không cùng thời với Đức Phật nhưng cũng có nghĩa cử để cảm niệm Đức Phật.

Ý nghĩa thứ ba. Ý nghĩa này cũng thuộc về kinh hành nhưng lại liên quan đến sự thực tập thiền định, theo những vị thiền sư và tất cả những người tu tập thiền định không phải là chỉ tu tập ở trong thế tĩnh tức là ngồi mà còn tu tập ở trong thế động nữa tức là đi kinh hành. Do vậy chúng ta sẽ đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ ở đây, bắt đầu từ điểm này chúng ta cùng đi và chúng ta đi hết vòng này, đi sau lưng Đức Phật và đi trở lại, đi ba vòng.

Và ngày hôm nay khi chúng ta đi kinh hành để cảm niệm Đức Phật thì chúng ta chỉ niệm một câu niệm Phật, câu niệm Phật này là một câu ở trong chữ Hán cũng có và tương đương với câu Pali mà chúng tôi muốn qúi vị cùng đọc.

Thường thường trong chữ Hán có Namo Phật Đà Gia, Namo Đạt Nạ Gia, Namo Tăng Già Gia. Namo Phật Đà Gia là con xin đảnh lễ Phật, hôm nay chúng ta chỉ đọc một câu là Namo Buddhaya tức là Namo Phật Đà Gia.

Chữ Namo. Na tức là nước, Mo là đất, khi đất và nước hoà nguyện với nhau là điều kiện cho những chủng tử lành tăng trưởng. Nói theo kinh điển của Bắc Truyền là "Năng lễ sở lễ tánh không tận" tức là cảm ứng giữa năng lễ và sở lễ gặp nhau thì tạo rất nhiều cái đẹp. Năng lễ sở lễ là ý nghĩa của chữ namo.

Buddha là Đức Phật, Buddhaya là hướng về Đức Phật trong chỉ định cách. Do đó chúng ta niệm Namo Phật Đà Gia bằng tiếng Phạn là Namo Buddhaya.

Hết phần năm cũng là hết bài giảng kinh Girimànanda.

Download bai giang


Phap Am Lưu Trữ

dieuphap.com