Insight Meditation


Thap Nhi Nhan DuyenTT Giác Đẳng

Kinh Girimànanda - Bài 4

Được thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày lễ Thượng Nguyên 7 tháng 2 năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ


Chuyển Biên: Minh Hạnh

 

 

Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa

Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường. Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh làm lành lánh dữ lợi quần sanh.

Katamā cānanda nirodhasaññā? Idhānanda bhikkhu araññāgato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā iti pat.isañcikkhati. Etam. santam. etam. pan.ītam. yadidmam. sabbasan.khārasamatho sabbūpadhipat.i nissaggo tan.hakkhayo nirodho nibbānanti. Ayam. vuccatānanda nirodhasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Niết bàn tịch tịnh
Chấm dứt hữu vi
Diệt các sở hành
Đoạn tuyệt ái dục
Dứt bỏ phiền não
Này A Nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm tịch nhiên
Đối với niết bàn
Như Lai gọi là
Quán tưởng tịch tịnh.

Katamā cānanda sabbaloke anabhiratasaññā? Idhānanda bhikkhu ye loke upāyupādānā cetaso adhit.t.hānābhinivesānusayā te pajahanto viramati na upādiyanto. Ayam. vuccatānanda sabbaloke anabhiratasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Kiến chấp mông lung
Chủ quan biên kiến
Phương tiện thành kiến
Cần phải viễn ly
Chẳng nên chấp thủ
Nầy A Nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm từ bỏ
Đối với kiến chấp
Như Lai gọi là
Quán tưởng vô trước.

Katamā cānanda sabbasan.khāresu aniccasaññā? Idhānanda bhikkhu sabbasan.khārehi at.t.iyati harāyati jigucchati. Ayam. vuccatānanda sabbasan.khāresu aniccasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Phra Viriyang Sirintharo

Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Tất cả các hành
Đáng nhàm đáng chán
Đáng sợ đáng thẹn
Nầy A Nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm nhàm chán
Đối với các hành
Như Lai gọi là
Quán tưởng yểm ly

Công án tiếp theo là một điều khó để chiêm nghiệm nhất ở trong đời sống của chúng ta đó là sự chiêm nghiệm về Niết-bàn hay là sự tịch tịnh. Đối với đa số người Phật tử thì Niết-bàn là cái gì rất xa lạ đôi khi chúng ta nghĩ đến một cảnh giới như Tây Phương Cực Lạc ở đó có sự thanh tú tươi đẹp của hoa của chim và có một cuộc sống rất thanh khiết thì chúng ta còn cảm thấy hoan hỉ. Nhưng khi nghĩ tới Niết-bàn thì người Phật tử đang sống rất là mơ hồ, chúng ta khó có thể cảm nhận được Niết-bàn là gì. Chữ Niết-bàn mà Đức Phật Ngài đề cập đến ở tại đây là sự tịch tịnh, sự tịch tịnh ở trong tiếng Việt Nam còn gọi là sự vắng lặng. Và chữ vắng lặng là một từ mà nhiều khi chúng ta cảm không hết, nói không đủ. Tại sao sự vắng lặng đó có một ý nghĩa đẹp có một ý nghĩa lớn và ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Chúng tôi nói chuyện này ra thì có lẽ là qúi vị Phật tử hoan hỉ đừng cười và đây là một kinh nghiệm cá nhân, thật ra chúng tôi sống ở trong căn phòng niềm hạnh phúc lớn nhất không phải khi nào có nhiều đồ mà là những lúc phòng trống thì chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Không biết qúi vị có chia sẻ được điều đó hay không? Ở trong phòng đồ đạc món này món kia ngổn ngang thì mình sài cái gì cũng có. Ở chùa có cô Phật tử dọn dẹp rất giỏi , mỗi lần cô vô dọn cô quăng hết đồ đạc nhưng đi vô phòng trống thì cảm thấy hạnh phúc, cái hạnh phúc đó thật sự lớn hơn cái mình có đồ đạt. Đôi khi mình nghĩ rằng mình nên có cái này nên có cái kia là hạnh phúc. Nhưng thật sự không phải. Lúc nó trống vắng thì lúc đó mình hiểu được hạnh phúc của sự tịch tịnh. Đức Phật Ngài cho ví dụ như mình đi tắm, tắm xong tự nhiên thấy sản khoái, thật ra cái tắm đó chỉ cho mình cảm giác là sạch hơn, nhưng cái sạch đó làm cho mình cảm thấy hạnh phúc rất lạ lùng. Hay hoặc giả có đôi khi mình coi cuốn phim thấy con người sống, càng sống thì càng ngổn ngang trăm mối, nào là ân, nào là nghĩa, nào là tình, nào là thù, rồi người ta mơ về cái gì? người ta chỉ mơ về một thế giới bình an vắng lặng hết tất cả những điều đó. Khi mình mới đi vào cuộc đời thì mình muốn cái này, được cái kia. Tại sao người ta nói là "cái vòng danh lợi không không kẻ hòng ra khỏi người mong chu toàn." Rất đơn giản thôi qúi vị, chúng ta thường mong có rất nhiều thứ nhưng một lúc nào đó không có những thứ đó thì mình cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc lắm.

Có một lần có một Phật tử kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, là sống ở bên Mỹ thì bao nhiêu năm có một điều rất khổ tâm là cái garage thường thường để đậu xe, mà vì nhiều đồ quá không biết để chỗ nào nên chất vào garage còn xe đậu bên ngoài. Bỏ thì thương mà vương thì tội, muốn bỏ đi thì bỏ không đành, mà để thì không biết để làm gì, mà để lâu thì ấp đầy, sau khi bão Ike đến garage bị tróc nóc và đồ trong đó hư rất nhiều, thì chỉ có một cú điện thoại thôi mấy người trên tiệm (vì đạo hữu này có tiệm) họ đến quăng đồ lên trên xe truck đem liệng tại đồ ướt hết, nhưng mà về nhìn thấy garage trống thì hạnh phúc hơn là mười mấy năm có đồ đầy ở trong garage. Cái đó đôi khi chúng ta cảm nhận không ra, chúng ta sống trong cuộc đời có đôi khi rất mâu thuẫn, mình sống mà cái gì rất là gút mắc ở trong lòng, mình muốn có thật nhiều, mình muốn tạo thật nhiều, muốn bày thật nhiều, rồi đôi lúc mình muốn cho nó trống trải, muốn dọn dẹp. Cái trống vắng cái thênh thang cái tịch tịnh đó cái vắng lặng đó là một kinh nghiệm khác.

Chính bản thân của Đức Phật thì Ngài cũng có nói lên một kinh nghiệm rất lạ và kinh nghiệm đó ngày hôm nay chư tăng không có được, ngày nay khi đi xuất gia có đôi khi có một chuyện mà nói thì nghe rất là buồn, là thường thường người ta nghĩ rằng những vị đi tu có chùa cao Phật lớn, làm trụ trì có chùa lớn là hạnh phúc, nhưng thật sự không hạnh phúc chút nào hết, chúng tôi nói vậy không biết qúi vị có cảm thông không, những giờ phút hạnh phúc nhất của chúng tôi là rời khỏi chùa, tại sao vậy, mình ở chùa có khi buổi tối có chư tăng thì không nói chi, ví dụ bữa nào Sư Trì Niệm đi khỏi thì chúng tôi cũng phải chạy đi coi cửa, mà chùa không phải một cửa mà chùa có rất nhiều cửa, rồi đi tắt đèn, rồi lúc mình đang nằm vậy mà tiếng chó sủa mình phải ra coi ai ở ngoài, những lúc đi đâu xa mình khỏi phải nghĩ tới chuyện đó thì hạnh phúc vô cùng. Có nhiều khi người ta nghĩ rằng mình làm trụ trì ngôi chùa lớn chắc là hạnh phúc, chúng tôi không biết có vị nào làm chùa lớn mà hạnh phúc chứ chúng tôi thú thật với qúi vị chúng tôi không thấy hạnh phúc chút nào hết, và cũng may mắn là bản thân của chúng tôi là nhờ ở chùa có Ngài Hoà Thượng rồi cũng có chư tăng vị này lo việc này vị kia lo việc kia nên khi mình đi ra ngoài thì có chư tăng lo chùa còn về thì cũng có những giờ phút rất yên tĩnh, và lúc đó chúng tôi rất cảm kích chư tăng là có những giờ phút yên tĩnh như vậy.

Chúng tôi có quen anh Phật tử ở chùa anh có 5 đứa con, và có khi anh ngồi tâm sự với chư tăng "thường thường hồi trước đi đâu cũng bỏ 5 đứa nhỏ trên xe chở đi hết, mà bữa nào bỏ được mấy đứa ở nhà lái xe đi một mình thì hạnh phúc nhất." Có lẽ qúi vị nghĩ chuyện đó rất kỳ là có khi người ta cũng muốn con đàn cháu đống, tết chúc nhau có nhiều con cho vui vẻ, nhưng rồi lúc lái xe đi một mình thì lại hạnh phúc. Thì thời Đức Phật còn tại thế có những hạnh phúc mà một vị Tỳ kheo với chiếc y và bình bát sống trong rừng ở cội cây, khi đi mình chỉ dọn dẹp sạch chỗ đó rồi mình đi, không phải lo lắng ai đến chiếm gốc cây đó, rồi mình đến nơi nào đó mình không đóng thuế không lo trả hóa đơn (bill) không lo chuyện này chuyện kia thì đời sống rất là hạnh phúc. Bây giờ thì chúng ta không còn nhiều những thứ đó nữa, chỉ trừ một vài quốc gia còn lại là cho những vị tu sĩ sống lang thang trong rừng, đa số chúng ta sống là phải có điều mà người ta gọi là cơ ngơi, phải có chỗ, phải có liêu, phải có am, có thất, có chùa, có viện, và không biết những thứ này cho chúng ta được cái gì nhưng phiền hà thì rất nhiều. Do vậy lâu lâu qúi vị coi trong những phim có những người sau một thời gian dài đi hành hiệp giang hồ bao nhiêu ân oán xa gần, bao nhiêu là khúc mắt khó nghĩ, họ chỉ mơ ước là rút khỏi giang hồ qui ẩn về một nơi nào đó không người biết đến. Tâm trạng đó không phải dễ cảm nhận, một lúc nào đó chúng ta phải sống như Đức Phật khi nghiệm lại được hạnh phúc của sự vắng lặng thì mình cảm thấy rất là hạnh phúc.

Về điểm này là một công án lớn mà hồi nhỏ chúng tôi có nghe Thầy thường nhắc là khi nào mình bị nhức răng rồi đến khi hết nhức răng thì từ cái nhức răng tới hết nhức răng mình nên biết nó giống như là hạnh phúc Niết-bàn, tức là từ cái khổ bây giờ hết khổ là hạnh phúc, mình nên cảm nhận điều đó, hay ở trong kinh dùng chữ "gánh nặng đã đặt xuống" mình gánh khi đến chỗ nào đặt xuống được thì cảm thấy rất khỏe, và lúc đó mình không cần "có" mà mình cần cái "không có."

Các thiền sư cũng thường nhắc rằng: "Một trong những bí quyết sống có hạnh phúc là đừng nghĩ rằng mình sẽ mang theo cái gì qua bên kia thế giới mà cái khả năng mình có thể bỏ lại cái gì ở bên này."

Qúi vị biết khi mình nằm ở trên giường bệnh, có đôi khi mình cưu mang đủ thứ, đôi khi mình ngổn ngang trăm mối, và lúc đó mình không làm được gì hết. Cuộc đời của vua A Dục là một vị vua hiểu Phật pháp nhưng nhà vua vốn là một vị rất sùng kính Phật pháp luôn luôn muốn làm những việc hộ pháp, thế mà giờ cuối cùng ở trong cuộc đời nhà vua đã bị cột lấy một chuyện không nên cột chút nào hết, đó là trên long sàng nhà vua muốn rằng mình phải tiếp tục làm những việc Phật sự mà mình muốn làm, nhưng các vị quan đại thần và vị tân quân sắp thừa kế thì hoàn toàn không muốn tại vì không muốn cạn việc bất cố, không muốn hao công qũi thêm nên những vị đó từ chối, nhà vua biết như vậy và ở trong cái mảy may kề cận cái chết thì vua A Dục đã làm một chuyện ngược lại với điều mà mình làm đó là nhà vua không sống đúng với chánh pháp, tức là không đi với tâm buông xả, tại vì mình làm cũng được mà không làm được thì cũng vậy thôi, nhưng nhà vua đã ra đi với tâm trĩu nặng và nhà vua bị đoạ 7 ngày. Nhưng may cho vua A Dục là có một người con là hoàng tử Mahinda sau này xuất gia là Thánh Tăng Mahinda thì Ngài biết cha mình bị như vậy nên Ngài đã tìm cách để Ngài cảnh tỉnh và cuối cùng thì nhà vua đã chuyển kiếp.

Nhưng câu chuyện đó là câu chuyện rất thường tình, ở trong đời sống đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình muốn có rất nhiều thứ, nhưng chúng ta ít khi nào nhận ra rằng giờ phút kề cận cái chết điều quan trọng nhất là chúng ta có thể rủ bỏ có thể buông bỏ được hay không, khả năng buông bỏ quan trọng hơn cái gì mình có, và không biết mình có cái gì, do vậy Đức Phật gọi là quán tưởng sự tịch tịnh là càng sống càng chiêm nghiệm thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc với cái "không có". Ví dụ như một ngày ít bận việc hay một cuộc sống không nợ nần hay một cuộc sống không bon chen danh lợi không hận thù.

Và nhiều khi Đức Phật dạy chúng ta những hạnh phúc lạ lắm, hạnh phúc mà Đức Phật dạy là:

"Hạnh phúc thay ta sống không hận thù giữa những người thù hận, giữa những người thù hận ta sống không hận thù. Hạnh phúc thay ta sống không khổ đau giữa những người mang nhiều niềm đau khổ, giữa những người mang nhiều niềm đau khổ ta sống không sầu khổ."

Đức Phật dạy chúng ta những hình thức của cái "không", cái "không" đó rất khó cảm nhận, chúng ta muốn bày ra thứ này, bày ra thứ kia, và chúng ta nghĩ rằng cuộc sống không có thứ này, không có thứ kia nó sẽ trống vắng, nhưng phải hiểu ở một điểm nào đó của Đạo Phật là nếu cái gì nắm lên mà không thể đặt xuống được, cái gì mang trên tay được mà không đặt xuống được thì cái đó trở thành hệ lụy của đời sống.

Và ở đây trong một đoạn kinh tiếp theo Đức Phật dạy rằng:

"Này A Nan Đa,
Phàm thầy tỳ kheo
Sống trong Phật pháp,
Ngụ ở trong rừng,
Nhà trống cội cây,
Hằng nên quán tưởng,
Kiến chấp mông lung,
Chủ quan biên kiến,
Phương tiện thành kiến
Cần phải viễn ly,
Chẳng nên chấp thủ,
Này A Nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm từ bỏ
Đối với kiến chấp
Như Lai gọi là
Quán tưởng vô trước.

Điều này là một sự việc nhiều khi người ta ít để ý. Con người mình nghĩ rằng mình nặng về sắc, nặng về danh, về lợi, nhưng cái nặng đó không có bao nhiêu, thật sự nặng không bao nhiêu, một người nặng về danh về lợi có thể chỉ là chạy theo tham vọng cá nhân của mình thôi, nhưng chính những ý thức hệ, gọi là chủ nghĩa, gọi là kiến chấp, là cái mà làm cho cả thế gian này điên đảo. Qúi vị thấy một chuyện rất đơn giản là có những người có thể mang bom trong người đi tự sát để giết kẻ thù, trong một việc làm mà bản thân của họ là nạn nhân và những người chết cũng là nạn nhân nhưng họ vẫn tin rằng đó là việc làm cao cả có ý nghĩa, thì đó là kiến chấp, tại vì người ta nói làm như vậy sẽ sanh về thiên đàng, làm như vậy sẽ được phần thưởng gì đó, đó là kiến chấp.

Ở trong đời sống của chúng ta thì ít khi nào chúng ta nghĩ đến điều Đức Phật dạy rằng những thành kiến, định kiến, tà kiến, biên kiến, kiến chấp, giống như rừng gọi là lâm kiến, hoang vu kiến, trù kiến, những kiến chấp như rừng rậm không có lối ra. Có nhiều khi qúi vị nói chuyện với một người nào đó mà nghe họ nói huyên thiên, nói về chuyện này đúng, chuyện kia phải, cái nọ phải như vậy, cái kia phải như vậy, những lúc đó thì thật sự không có lối thoát, chúng ta không gỡ ra được và chúng ta hoàn toàn không biết làm gì với người đó, những lúc đó chúng ta chỉ mong rằng người đó có thể sống được im lặng một chút. được thảnh thơi một chút, được nhẹ nhàng một chút là an lạc. Nhưng mà không. Chúng ta luôn luôn sống với quan niệm cái này đúng, cái kia sai, người này hay kẻ kia dở, chúng tôi theo chủ nghĩa này bênh vực chủ nghĩa khác v.v... Nhưng người đó chưa bao giờ đặt vấn đề lại là những thứ đó có làm rộn ràng, có làm phần rối rắm, có làm cho chúng ta điên đảo hay nó cho chúng ta một sự thanh thản thật sự, kiến chấp nó khủng khiếp lắm.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng cái gọi tà kiến là một ở trong những hệ lụy lớn của kiếp nhân sinh, bởi vì nó là niềm hãnh diện của chúng ta, mà nó lại là niềm đau, nó lại là cái gì mà chúng ta tin tưởng rất mạnh nhưng nó lại khiến cho chúng ta trở lên rất tàn nhẫn với những người đồng loại của mình. Nó là cái gì mà chúng ta nghĩ rằng đó là sở đắc là sở tri của chúng ta, nhưng chính những thứ này lại khiến cho chúng ta làm một ngục tù rào chúng ta lại không cho phép chúng ta đi xa hơn.

Một lần chư tăng Tây Tạng về chùa Pháp Luân thì có một người Phật tử lên chùa làm công quả và người Phật tử là người chúng tôi rất mến, vị đó nghe chư tăng ở xa về thì hết sức hoan hỉ lên chùa để công quả giúp, nhưng sau đó thì chúng tôi nghe một người Phật tử khác nói rằng đạo hữu đó đã rất bực bội có vẻ tức giận và bỏ đi về vì lý do gì đó, chúng tôi nghĩ một người Phật tử có đạo tâm thì mình cũng nên gọi điện thoại hỏi thăm, sau khi chúng tôi gọi điện thoại thì biết rằng vị này bực bội vì một việc mà chúng tôi phải giải thích gần cả 2 tiếng đồng hồ mới làm cho vị này hơi nguôi ngoai một chút. Chuyện đó như vầy là chư tăng Tây Tạng có tổ chức một số chương trình trình diễn, những chương trình này đối với người Việt Nam thì xem như là văn nghệ, thí dụ họ múa tuyết sư tức là múa con sư tử tuyết hay họ có kịch bản về qủi vô thường, họ có nhiều kịch bản mang đầy tính triết lý. Thì đáng lẽ những màn đó rất hay rất đẹp rất thích, nhưng vị này khám phá ra rằng người vũ điệu vũ quỉ vô thường lại là vị trưởng lão trong phái đoàn đó, đã là ông Sư sao lại trình diễn văn nghệ. Chúng tôi nói rằng đó là văn hoá của Tây Tạng, người Tây Tạng họ không coi đó là văn nghệ mà họ coi đó là thứ nghệ thuật giống như Mạndàla, họ có thể cống hiến cho mình thì mình hoan hỉ, nếu mình cảm thấy không hoan hỉ thì thôi, không nhất thiết phải giận. Nhưng vị đạo hữu đó nói rằng "giả sử Sư thỉnh Ngài Hộ Giác múa kiểu đó thì con bỏ chùa không làm gì hết." Chúng tôi biết qúi vị giận, nhưng thật ra chúng ta nên nhìn lại vấn đề, đối với chúng tôi thì rất thương vị trưởng lão đó Ngài lớn tuổi rồi công việc mệt nhọc nhưng cố gắng để thực hiện cho chúng ta một chương trình, thật ra Ngài chẳng được cái gì hết, lớn tuổi rồi làm gì, nhưng người Tây Tạng thì quan niệm rằng đạo, đời, văn hoá nghệ thuật và đạo, không thể tách biệt nhau được, qúi Phật tử mà sống với người Tây Tạng qúi vị hiểu điều đó là một nhà sư có thể làm bộ trưởng, Đức Đạt Lai Lạt Ma Ngài là vị vua đời và vua đạo nữa và chúng tôi gặp nhiều vị bộ trưởng là những vị Lạt Ma, các nhà sư Tây Tạng cũng làm thuốc, và dĩ nhiên là qúi vị Phật tử thấy một vị trưởng lão đội mặt nạ vô và khoát áo để nhảy những điệu vũ thì qúi vị thấy cũng lạ, thật sự chúng tôi cũng phải nhìn nhận là lần đầu tiên chúng tôi sang một tu viện bên Ấn Độ tham gia chương trình như vậy chúng tôi cũng thấy lạ. Nhưng chúng tôi có giải thích như vầy là nếu chuyện đó mà qúi vị cảm thấy không thoải mái thì cũng không nên là lý do để giận, giả xử như các vị đó làm chuyện gì đó phiền hà thì không nói làm chi, các vị đó làm công việc có tánh cách nghệ thuật. Chúng tôi nói ở tại đây không phải chúng tôi muốn binh vực văn hoá Tây Tạng mà chúng tôi chỉ nói rằng bản thân của chúng ta có những thứ thành kiến, có những thứ định kiến, có những kiến chấp, mà những kiến chấp này làm cho chúng ta sống trong hàng rào, cái hàng rào đó là cái tù ngục, cái hàng rào đó làm cho chúng ta bị giới hạn lại, chúng ta không bao giờ có thể tiếp xúc và đón nhận một nền văn hóa khác với chúng ta hết, và thường thường chúng ta chỉ sống với văn hoá của chúng ta thôi.

Chúng tôi cũng kể cho qúi vị nghe một câu chuyện khác trước khi mình bước sang đề tài tiếp theo. Có một Phật tử đi với chúng tôi làm việc ở bên Âu Châu, chúng tôi thấy vị này là một người rất thân thiện với các tôn giáo khác, khi có một vị linh mục từ bên Anh qua Trois Mois thì chúng tôi có một buổi cơm trưa tại toà nhà của người Âu Châu và trò chuyện vui vẻ rất thân thiện mặc dầu vị linh mục đó gặp người Phật tử này lần đầu tiên, nhưng mà rồi buổi trưa hôm đó chúng tôi dẫn vị này về một ngôi chùa của người Hoà Lan và khi chúng tôi về ngôi chùa này thì vị Phật tử này có một điểm không vui với một vị Sư người Tích Lan mà vị Sư đó chúng tôi rất kính trọng, Ngài là bậc cao tăng, thì chúng tôi hỏi tại sao thì vị này nói là ông Sư mà tại sao mang giày tennis. Thì thưa qúi vị chuyện là như vầy, Ngài có vấn đề với đôi chân của Ngài, Ngài mang dép cũng đau, mang cái gì cũng đau và không biết tại sao bác sĩ bên Hoà Lan cho Ngài mang giày tennis, vị cư sĩ này thấy một vị trưởng lão mà mang đôi giày tennis thì bực bội, chúng tôi cũng đồng ý là ông Sư mà mang giày tennis thì cũng hơi kỳ, giống như hồi nãy chúng tôi gặp Hoà Thượng chúng tôi nói "Bạch Hoà Thượng ai đưa Ngài đôi với của những người mang giày thể thao vậy." Thì Ngài trả lời "Thì Sư Phương lục ra cái gì thì Sư mang vào cho ấm." Ngài không có quan trọng chuyện đó. Nhưng bây giờ chúng tôi hỏi là tại sao một người gặp ông linh mục khác đạo với mình hoàn toàn mà ông cũng mang giày có khi ông cũng mang giày tennis, có khi ông đi khiêu vũ thì mình cảm thấy thoải mái, mà ông Sư mang giày tennis mình bực bội như vậy. Tại vì đơn giản thôi. Tại mình nghĩ rằng ông Sư phải như thế này nè mà nếu khác hơn thì mình phiền, còn bên kia họ làm sao cũng được.

Thường thường con người chúng ta bị cái chuyện là, Tin Lành có khi ghét Thiên Chúa giáo hơn là ghét Phật giáo, Phật tử tông này ghét phái kia nhiều hơn là mình ghét ngoại đạo tại vì mình có định kiến là đạo Phật phải như vậy, nhưng chúng tôi thú thật với qúi Phật tử là chúng tôi đi và sống với chư tăng nhiều tông phái và nhiều văn hoá thì chúng tôi biết rằng; không có tông phái nào mà tất cả mọi người đều tốt, và cũng không có tông phái nào mọi người đều xấu, và cũng không có tông phái nào mà cái gì cũng tốt hết, cũng có những điều mình thoải mái cũng có những điều không thoải mái. Đừng nói là tông phái mà cá nhân thì mỗi con người có những cái được và có những cái không được, nhưng chúng ta thường có định kiến và thành kiến vơ đũa cả nắm thành ra chúng ta gạt ra bên ngoài rất nhiều thứ.

Đời sống của chúng ta không nhất thiết phải như vậy, chúng ta có thể thoải mái với một cái gì đó. Có một lần chúng tôi có một cái khay đựng trà, một Phật tử hỏi chúng tôi vậy chứ Sư mua ở đây vậy, nói mua ở tiệm Đại Hàn thấy đẹp tiện mua đem về, vị Phật tử nói là hồi nãy thấy cái khay con thích mà nghe nói mua ở Đại Hàn thì lại không thích vì con ghét mấy ông Đại Hàn, đi tiệm convention stores thấy mặt mấy ông Đại Hàn khó chịu." Chuyện đó chúng tôi cũng đầu hàng. Thiệt ra chúng ta kỳ thị người khác không phải là người ta thiệt thòi, mà người kỳ thị là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Đúng ra thì ở một người mỗi một văn hoá mỗi một điều gì chúng ta đều có thể học được hết. Cũng có người Phật tử nói với chúng tôi một câu rằng "Tại vì Đức Phật ra đời ở Ấn Độ nên con qua Ấn Độ chứ nếu Đức Phật không ra đời ở Ấn Độ thì con không bao giờ đặt chân đến Ấn Độ hết, con không ưa Ấn Độ chút nào hết, đi làm với người Ấn Độ họ khó chịu vô cùng." Thì thưa qúi vị vấn đề đó là thành kiến cũng là định kiến, chúng ta sống hễ tâm tư của chúng ta càng mở rộng thì chúng ta càng an lạc. Một người mà nghĩ rằng cái hoa nó đẹp nó phải nằm ở trong sân nhà của mình nó phải nằm trong chậu bông của mình mới là đẹp, nhưng hoa đó ở công viên hay ở nhà hàng xóm thì không đẹp. Thì thật sự cũng chẳng chết ai hết mà chỉ thiệt thòi cho mình thôi, nếu một khóm hoa ở nhà hàng xóm mà chúng ta thấy mình không cảm giác gì đó là chuyện của mình, mà một cái hoa nhỏ ở trong phòng của mình mà mình thấy nó đẹp thì đó là chuyện của mình chứ không phải là vấn đề của thiên hạ.

Ở đây có một sự việc khác mà Đức Phật Ngài đề cập đến, pháp hữu vi, chữ hữu vi là chữ đó khó định nghĩa và khó hiểu nhất ở trong đạo Phật.

Chữ hữu vi là gì?

Chúng tôi lấy một ví dụ như vầy là qúi vị nhìn thấy mấy nhánh đào này, đào nở rất là đều, năm nay ngày tết đào nở không nhiều nhưng đến rằm tháng Giêng thì đào nở rất đẹp, và khi nhìn thấy đào thì thấy tết, nhưng chúng ta nhìn thấy đào đẹp mà nó cho chúng ta mùa xuân. Tại sao như vậy? Vì lý do chúng ta là người Việt Nam hay chúng ta sống mà ai đó đã dạy chúng ta là có hoa đào hoa mai là có mùa xuân ngày tết. Thì như vậy cái đẹp của hoa đào một phần giá trị của hoa đào là do một phần nằm ở văn hoá của chúng ta. Có một lần chúng tôi nói với một Phật tử lúc chúng tôi học ở trường đại học Rice University thấy một cây lê đẹp quá, chúng tôi nói rằng sao mình không cắt cành lê đó về chưng vào dịp tết vì nó đẹp quá, thì Phật tử nói rằng ngày tết không chưng màu trắng vì là màu tang tóc mà nghe chữ lê là lê lết nghe không hay thì thôi đừng chưng cành lê. Đó cũng là vấn đề văn hoá, văn hoá làm cho chúng ta có như vậy. Cũng như mình đang ở trong chánh điện có thể là qúi vị quen với người Việt Nam quen với Đạo Phật thấy chánh điện là đẹp, nhưng người khác không thấy là đẹp, là tại vì nó cũng tùy văn hoá, tùy thời tùy lúc.

Những vị hoạ sĩ họ nói như vầy:

"Mình nhìn một trái táo hay nhìn một ly nước cam vào lúc mình khát mình nhìn nó khác, mà lúc không khát mình nhìn nó khác, lúc mình đói mình nhìn nó khác mà mình no mình nhìn nó khác, lúc vui nhìn khác mà lúc buồn nhìn khác."

Thì cũng một sự vật chúng ta lãnh hội chúng ta nhận thức bằng nhiều cách khác nhau. Lý do tại sao? Là bởi vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, do có nhiều yếu tố nên nó tạo thành cái nhận thức của chúng ta. Thì cái nhiều yếu tố gặp lại Đạo Phật gọi là một sự kết cấu hay là một sự tổng hợp, là nhiều thứ hợp lại với nhau, bởi vì có nhiều yếu tố nhập lại với nhau, do đó không có một yếu tố là quyết định. Chúng tôi lấy ví dụ là qúi vị đi chùa một ngày mà vui buồn nó không phải chỉ đơn giản do tại chư tăng tại qúi Phật tử hay tại thời tiết, mà nhiều lý do. Phần lớn tất cả những gì chúng ta được biết được có trong cuộc đời này là do nhiều nhân nhiều duyên, tại do nhiều nhân nhiều duyên kết hợp lại như vậy Đức Phật gọi là sankhàra hay là pháp hữu vi. Hữu vi là cái gì được tạo nên bởi nhiều điều kiện, bởi vì được tạo nên bởi nhiều điều kiện nên cái đó không thuộc hẳn về chúng ta. Chúng ta biết trong tất cả con người của chúng ta đều có một ướt mơ là mình thật sự làm chủ hoàn toàn cái gì đó, mình quyết định hoàn toàn cái gì đó và thậm chí chúng ta muốn có một đấng thượng đế định đoạn tất cả, tại vì mình sẽ không yên tâm khi thấy rằng những gì mà được thực hiện đều quyết định bởi nhiều người. Người ta nói rằng tại sao mình không tin vào dân chủ, mình không tin vào chế độ đại nghị, là tại vì nó tạo cho chúng ta cảm giác bấp bênh. Bấp bênh thí dụ như dự khoản kích thích kinh tế (stimulus packet) của tổng thống Obama đưa ra, bây giờ thì người ta thấy có triển vọng là được thông qua Thượng Viện hay là đã thông qua Hạ Viện, nhưng mới đưa ra thì người ta hồi hộp không biết là có được thông qua hay không được thông qua, là bởi vì không có một người duy nhất quyết định, nhưng người ta nói rằng đó là nền tảng của dân chủ nghĩa, là một sự phân quyền (balance check) tức là có bên lập pháp có bên hành pháp chứ không phải một bên quyết định.

Thì thưa qúi vị đời sống của chúng ta Đức Phật Ngài nói về pháp hữu vi, thí dụ Ngài nói về danh pháp, sắc pháp, nói về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả những thứ đó thì Đức Phật dạy rằng nó đều được kết hợp bởi nhiều yếu tố, mà những yếu tố này đôi khi rất là lạ, lạ đến đỗi chúng ta không có ngờ được, như qúi vị Phật tử đọc chữ "duyên" ở trong đây thì qúi vị sẽ thấy một điều như vầy là có những yếu tố thúc đẩy bằng cách có mặt, và có những yếu tố thúc đẩy bằng cách vắng mặt, có những yếu tố thúc đẩy bằng cách tương đồng, có những yếu tố thúc đẩy bằng khác biệt, có những yếu tố thúc đẩy bằng cách sanh trước, có những yếu tố thúc đẩy bằng cách sanh sau. Và nói theo kinh Hoa Nghiêm của Bắc Phạn thì "thế giới này là trùng trùng duyên khởi" tức là không biết bao nhiêu nhân bao nhiêu duyên, và do vậy chúng ta đừng thất vọng khi thấy rằng mọi việc không nhanh như ý mình nghĩ, nó không mau như ý mình muốn, và nó hoàn toàn không nằm ở trong quyết định của mình, Đức Phật Ngài gọi đó là hệ lụy của các hành. Thì thưa qúi vị khi nói đến hạnh phúc nói đến đau khổ thì chúng ta vẫn thường quan niệm rằng mình quyết định tất cả, nếu mình quyết định tất cả và chỉ có một ý muốn thôi thì Đức Phật không gọi đó là Sankhàra, nhưng bởi vì có nhiều ý muốn quyết định do đó chúng ta phải tùy thuận, chúng ta cũng có góp một phần ý muốn nhưng chúng ta không làm được tất cả, do đó Đức Phật gọi đó là pháp hữu vi.

Thì hữu vi có vấn đề của hữu vi, do đó chúng ta không nên dính mắc nhiều hay bận lòng nhiều. Ví dụ như vầy, qúi vị thử chiêm nghiệm một điều là mình đi gặp một người nào đó mà người đó chào mình với vẻ mặt rất lạnh lùng thì mình nghĩ trong bụng là người này khinh dễ mình, hay người này coi thường mình, cái đó Đức Phật dạy rằng mình nhìn pháp hữu vi chỉ có một thôi, chỉ có một là người ta lạnh lùng với mình là tại vì họ khinh dễ mình, nhưng có khi không phải như vậy, có khi bởi vì người đó không khỏe trong người, hay người đó đang có chuyện gì bực dọc, hay người đó đang hiểu lầm mình chuyện gì đó, hoặc giả có trăm muôn ngàn lý do. Nên chi một người hiểu pháp hữu vi thì không bao giờ gọi là quơ đũa cả nắm, hay lấy một lý do để giải thích cho tất cả, mà đa số cái chúng ta giải thích chúng ta không biết đích xác nó như thế nào. Nên cái nhìn của chúng ta Đức Phật Ngài khuyên đối với hữu vi pháp nên có một cái nhìn rộng rãi.

Hết phần bốn.

Download bai giang


Phap Am Lưu Trữ

dieuphap.com